Friday 6 April 2012

Về các comments của đồng chí tác giả TL

Hôm nay, 7/4, tớ nhận được nhiều comment của đồng chí ký tên là TL xung quanh bài phản biện của tớ dành cho đồng chí Chí. Vì comment dài và nhiều nên tớ không thể trả lời hết trong mục comment được, nên tớ tập hợ tất cả chúng ở trong entry mới này. Phần comment của đồng chí TL được bôi màu xanh cho dễ phân biệt.

Comment 1: Trước hết, lý thuyết kinh tế mô hình Mundell-Fleming hiểu như thế này đúng chứ anh:
Đối với một nền kinh tế nhỏ, mở cửa (a small and open economy) và theo đuổi chế độ tỷ giá neo (pegged exchange rate) như Việt Nam thì chính sách tiền tệ chỉ làm tăng sản lượng trong ngắn hạn, trong dài hạn chính sách tiền tệ không những không làm tăng sản lượng mà còn gây nên lạm phát. Cơ chế của nó như sau:
Trong mô hình Mundell-Fleming chuẩn với chính sách tỷ giá neo thì chính sách tiền tệ không có tác dụng. Khi NHNN tăng cung tiền sẽ làm cho đường LM dịch sang phải, lãi suất trên thị trường có xu hướng giảm xuống. Lãi suất giảm xuống hơn mức cân bằng sẽ làm cho luồng vốn có xu hướng chuyển ra nước ngoài tạo mất cân bằng cán cân thanh toán và gây sức ép lên tỷ giá hối đoái. NHNN muốn neo tỷ giá buộc phải can thiệp bằng cách bán ngoại tệ ra, do đó hút tiền ra khỏi thị trường, cung tiền dần giảm xuống về mức trước khi gia tăng cung tiền của NHNN. Như vậy trong điều kiện dòng vốn dịch chuyển tự do, chính sách tỷ giá neo làm chính sách tiền tệ không còn tác dụng.
Đây là trường hợp đặc trưng của tam bất khả thi (trilemma- impossible trinity). Trong các nền kinh tế đang phát triển thường thì dòng vốn không tự do dịch chuyển do đó việc chênh lệch lãi suất thường không phải là yếu tố thúc đẩy dòng vốn vào ra nước đó. Tuy nhiên, chênh lệch lãi suất giữa các tài sản ghi bằng đồng nội tệ và các tài sản ghi bằng đồng ngoại tệ trong nền kinh tế đô la hóa sẽ làm dịch chuyển nội tại dòng vốn trong bản thân nước đó. Trong trường hợp này nếu NHNN tăng cung tiền tạo hiệu ứng giảm lãi suất và mức giá lên cao. Lúc đó các tài sản ghi bằng nội tệ (ví dụ tiết kiệm) sẽ kém hấp dẫn hơn tài sản ghi bằng ngoại tệ và giảm nắm giữ tài sản ghi bằng nội tệ. NHNN buộc phải tăng bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá, do đó giảm cung tiền. Thêm vào đó gia tăng cung tiền sẽ kích thích tăng nhập khẩu, do đó, nhu cầu ngoại hối cũng tăng cao buộc NHNN phải tiếp tục bán ngoại tệ thêm nữa. Chính sách nới lỏng tiền tệ cũng sẽ không có tác dụng và chỉ làm cho dự trữ ngoại hối của NHNN giảm sút. Do đó, nguyên tắc tam bất khả thi không chỉ áp dụng trong trường hợp dòng vốn tự do dịch chuyển mà còn cả trong những trường hợp dòng vốn không tự do dịch chuyển qua biên giới mà chuyển dịch trong nội tại nền kinh tế. Một nền kinh tế có tỷ lệ đô la hóa cao mà vẫn thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ không tránh khỏi phải phá giá tỷ giá hối đoái. Điều sẽ tạo ra kỳ vọng phá giá của những người nắm giữ ngoại tệ và tạo ra động cơ tích trữ ngoại tệ cao hơn do đó tăng sức ép hơn nữa lên tỷ giá.
Đối với chính sách tài khóa: Khi CP gia tăng chi tiêu trong nước (tăng chi NS hoặc giảm thuế). Việc làm này làm gia tăng tổng chi tiêu dự kiến và làm đường IS dịch sang phải, tạo áp lực đẩy giá đồng bản tệ lên. Dưới chế độ neo tỷ giá, NHNN phải can thiệp bằng cách mua ngoại tệ vào, do vậy, lượng tiền bản tệ sẽ tăng lên (cung tiền tăng) đẩy đường LM sang phải. Theo đó, tổng cầu (AD) và thu nhập (Y) sẽ tăng lên.
T.L
Tớ trả lời: Cám ớn đồng chí TL đã dành rất nhiều thời gian để đọc và comment (không biết đồng chí bao tuổi nên cứ mạn phép gọi là đồng chí cho dễ gọi nhé). Nếu tớ sai thì đồng chí TL sửa giúp tớ. Tớ đoán là đồng chí muốn chỉ ra bằng lý thuyết tại sao chính sách tiền tệ không có tác dụng cho tăng trưởng trong dài hạn.

Những điều đồng chí nói như trên là đúng theo hiểu biết của tớ. Tớ thú thật là chẳng nhớ/hay nhầm lẫn giữa những model này với model khác. Nhưng có một điều là những nguyên lý như trong phần comment của đồng chí thì tớ hiểu. Và trong phần phản biện dành cho đồng chí Chí, tớ không định đi sâu vào lý luận như vậy, mà chỉ trích dẫn những nghiên cứu gần đây với mục đích chỉ ra cái sai, cái nói liều của đồng chí Chí về quan hệ giữa chính sách tiền tệ và tăng trưởng trong dài hạn.
Comment 2: Liên quan đến bài viết của anh Chí(nói thật tôi ko rõ làm sao ông ý móc được cả Mr Ngoạn vào bài của mình), và các phản biện của anh Ngọc nói riêng, về tình hình kinh tế của ta hiện nay, với cách nhìn cá nhân còn chưa suy nghĩ sâu, tôi xin góp ý như sau:
Năm nay, Nghị quyết 01 của Chính phủ đã nêu rõ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt. Ngụ ý về chỉ đạo này chắc không cần phải giải thích nhiều với các anh, nhưng xin nhấn mạnh là ưu tiên số một là ổn định cân đối vĩ mô và ngăn ngừa lạm phát. Từ đó, xin đề cập đến lý do để đưa ra chính sách giảm lãi suất 1% của NHNN: chỉ số CPI liên tục giảm trong thời gian gần đây và tháng 3/2012 chỉ tăng 0.16% so với tháng trước (tăng 2,55% so với tháng 12/2011), một tín hiệu cho cho thấy là mục tiêu CPI cả năm dưới 10% có thể đạt được là lý do thứ nhất, thứ hai nhập siêu cũng liên tục giảm trong các tháng trở lại đây từ mức trung bình khoảng 1,2 tỷ USD/tháng xuống ước khoảng 251 triệu USD trong quý I năm 2012. Ngoài ra, tỷ giá VND/USD khá ổn định kể từ sau lần phá giá VND ở mức kỷ lục 9,3% 11/2/2011, việc phá giá này tiếp cận ngưỡng kỳ vọng của thị trường đã đưa thông điệp khá rõ là ít nhất trong ngắn hạn tỷ giá sẽ không bị giá nữa, giảm nhẹ kỳ vọng phá giá. Cộng thêm những chính sách quyết liệt của CP đã củng cố lòng tin làm cho nhiều người tin tưởng NHNN có thể sẽ kiểm soát được diễn biến của thị trường ngoại hối... Tiếp đó, thị trường liên ngân hàng khá ổn định duy trì lãi suất lanh quanh 13% trong tháng 2/2012 và tiếp tục giảm trong tháng 3 (trên dưới 10%). Những tín hiệu đó cho thấy có thể nới lỏng 1 phần chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất để các DN có thể tiếp cận dần nguồn vốn NH.
Thực tình trước khi Thống đốc tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong tương lai, tôi thật sự chưa nghĩ việc NHNN tuyên bố cắt giảm lãi suất báo hiệu cho một chính sách tiền tệ mở rộng trong thời gian tới. Vì theo tôi vẫn còn một số vấn đề cần cân nhắc liên quan đến việc thực thi chính sách này. Hiện nay, mặc dù thị trường liên ngân hàng đang hoạt động khá trơn tru với các lãi suất khá thấp (lãi suất qua đêm ngày 29/3 là 9,49%/năm), tuy nhiên xin lưu ý rằng chưa bao giờ các NHTM phải cầm cố khi huy động vốn trên thị trường 2, điều này cho thấy 2 vấn đề: lòng tin của các NHTM với nhau đã suy giảm vì sao? Có một số NHTM không trả được nợ đúng hạn, có nghĩa là có một số khoản nợ xấu trên thị trường 2 và các khoản nợ xấu này ở mức đáng cảnh báo, đây là vấn đề thứ 2. Đấy là chưa nói về việc, NHNN phải bơm vốn cho một số TCTD yếu kém và đang tiến hành tái cơ cấu, không ngoa nếu nói rằng các TCTD này về chừng mực nào đó đang thâm dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến việc tái cơ cấu xin không đề cập ở đây.
T.L


Tớ trả lời: Trước tiên, về chuyện liên quan của đồng chí Ngoạn. Tớ cũng có nghe  thấy luồng tin rằng đồng chí Ngoạn vô can. Nếu thế thì tớ, thành thật mà nói, đỡ thất vọng hơn nhiều, và chỉ thế thôi. Ngoài ra, nó chỉ cho thấy cái “lưu manh” hơn của đồng chí Chí, nếu đúng vậy, và cũng chỉ thế thôi.
Trong blog này có một số bài tớ đã nói rõ là việc lạm phát giảm tốc gần đây không có nghĩa, không có gì đảm bảo rằng lạm phát trong mấy quý còn lại sẽ giảm tốc tương tự và mục tiêu lạm phát 1 chữ số sẽ đạt được. Mục tiêu lạm phát 1 chữ số chỉ có thể đạt được khi chính sách tiền tệ năm nay phải thắt chặt (hơn cả năm 2011).  Điều gì sẽ xảy ra nếu chính sách tiền tệ vì một áp lực nào đó lại phải mở rộng?

Nhập siêu giảm đi cũng liên quan đến việc chính sách tiền tệ được thắt chặt hơn trong thời gian qua, chứ không phải là tự nhiên mà có. Nếu chính sách tiền tệ mở rộng trở lại, liệu có chắc rằng nhập siêu sẽ tiếp tục giảm như thế?

Tỷ giá ổn định chỉ là trên tuyên truyền và nhờ những biện pháp hành chính cực đoan như bắt, phạt nặng, và quan trọng hơn, nhờ việc xiết chính sách tiền tệ chặt hơn, giảm áp lực nhập siêu v.v... (đồng chí tìm đọc lại bài của tớ viết về chuyện chính sách tiền tệ là nguyên nhân chủ yếu cho lạm phát ở Việt Nam để thêm phân tích chi tiết hơn về chuyện này).  Nhìn lại quá trình diễn biến lãi suất trong thời gian qua, có hiếm khi NHNN khẳng định như đinh đóng cột rằng tỷ giá sẽ không biến động nhiều, nhưng rồi kết quả là ngược lại. Khi chính sách tiền tệ mở rộng lại, liệu NHNN có đủ sức làm thế nữa không?
Thị trường liên ngân hàng ổn định phần vì NHNN đã kịp cung một lượng tiền lớn cho hệ thống để giải quyết thanh khoản, một phần vì các ngân hàng có nhu cầu những không có tài sản thế chấp không còn vay được nữa, nên lãi suất hạ xuống, chứ chẳng có liên quan gì mấy đến sức khỏe của hệ thống đã tốt hơn.

Tớ đồng ý là lãi suất đến một lúc nào đó sẽ phải giảm đi, nhưng không phải là dựa trên thái độ chủ quan, khinh xuất, hời hợt và dễ dãi về nhận thức/kiến thức. Người làm chính sách ít nhất phải hiểu mọi việc không đơn giản diễn ra như ý muốn, như tớ nói tóm tắt ở phần trên.
Comment 3: Về vấn đề thâm hụt thương mại, việc nhập siêu ngày càng giảm trong khi xuất khẩu đang tăng mạnh với tốc độ 23,6% (quý I/2012) so với 6,9% của nhập khẩu là điều rất đáng vui mừng. Tuy vậy, nếu nhìn từ một khía cạnh khác đây cũng là vấn đề chúng ta cần lưu tâm. Đầu tiên, tình hình kinh tế thế giới năm nay có thể nhìn thấy khá là ảm đạm, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng mới ngày càng hiện rõ bắt nguồn từ khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu, kinh tế Nhật Bản vẫn đang gặp nhiều khó khăn do phải giải quyết hậu quả của động đất, song thần lịch sử năm ngoái, ngoại trừ kinh tế Mỹ được đánh giá tương đối lạc quan trong năm nay, các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam đều gặp nhiều vấn đề. Lòng tin của các nước cũng bị suy giảm đáng kể, nhiều nước đang cố sử dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ doanh nghiệp trong nước, chính vì vậy, trong các quý sắp tới liệu nước ta có duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như vậy không là 1 câu hỏi chưa rõ đáp án.
Về địa chính trị, những điểm nóng trên thế giới như Iran, Syria hay Bắc Triều Tiên có thể bùng nổ chiến tranh bất cứ lúc nào, đặc biệt là vấn đề Syria và Iran, nếu 2 nước này xảy ra chiến tranh với các nước đồng minh của Mỹ hoặc Mỹ, hậu quả là giá dầu thế giới sẽ tăng vọt, các bất ổn vốn có sẽ càng mạnh mẽ kéo theo kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Tất nhiên, một mặt về xuất khẩu dầu thô chúng ta sẽ được hưởng lợi vì giá dầu tăng khi 22-24%GDP hàng năm là do mặt hàng này đem lại, mặt khác xin lưu ý rằng chúng ta vẫn phải nhập siêu các mặt hàng xăng, dầu 2 tỷ USD/năm. Về cơ bản, chúng ta là một nước phụ thuộc về xăng dầu, do vậy, được hay thua khi giá nguyên liệu tăng là có thể thấy được.
Tại sao nhập khẩu của nước ta lại giảm, theo tôi 1 phần trong bối cảnh thắt lưng buộc bụng ngày nay cộng thêm chính sách về thuế, số tiền chi tiêu cho nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng (quần áo, đồ dùng, ô tô…) giảm đáng kể, 1 phần phải nhìn nhận rằng chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài, với độ trễ của nó làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất cao này, do đó, các doanh nghiệp thường có xu hướng cố gắng cầm cự thay vì mở rộng sản xuất, đương nhiên kết quả của việc làm đó là nhập khẩu nguyên liệu sẽ giảm, đây là một nhân tố giải thích cho việc tại sao nhập khẩu lại giảm. Quay ngược lại vấn đề tỷ giá, khi kinh tế tại khu vực Châu Âu và Nhật Bản được đánh giá khá ảm đạm, kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi dù chậm, cộng thêm các biến cố chính trị có thể xảy ra, và xu hướng đồng USD đang tăng giá các đồng tiền khác, tôi cho rằng sức ép phá giá VND sẽ quay trở lại.
Nhân đây, tôi đặt ra 1 giả thiết là khi nới lỏng chính sách tiền tệ, lãi suất thị trường giảm (xin cho phép đưa ra assumption ở đây là lãi suất nhạy cảm với cung tiền và đầu tư nhạy cảm với lãi suất, vấn đề về bẫy thanh khoản-liquidity trap tôi xin đề cập sau), các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn sẽ thúc đẩy đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đồng nghĩa với việc họ sẽ nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhiều hơn, khi đó tốc độ tăng nhập khẩu sẽ cao, nhập siêu sẽ lớn cùng với tương lai chưa rõ ràng của tăng trưởng xuất khẩu, có thể nói để đạt được tốc độ tăng của xuất nhập khẩu năm nay theo Nghị quyết về ktxh của QH và để giảm nhập siêu cũng cần phải có những chính sách, định hướng chính xác.

T.L


Tớ trả lời: Đồng chí đã tự mình trả lời cho comment trên nữa của mình về chuyện (quan hệ giữa) lạm phát mấy tháng qua và lạm phát trong cả năm nay chắc sẽ đạt được như kỳ vọng (1 con số) hay không rồi đấy. Tớ chỉ nói đơn giản thêm rằng các nhà làm chính sách đừng có nghĩ là mình muốn gì thì sẽ được thế.

Comment 4: Nhân tiện nói về xuất nhập khẩu, tôi xin nói về cán cân thanh toán (BoP), chúng ta đều hiểu rằng thặng dư cán cân thanh toán quốc tế - yếu tố quan trọng giúp ổn định tỷ giá trong thời gian qua chưa bền vững khi nhập siêu vẫn là một thách thức không nhỏ và cán cân vốn phụ thuộc một phần vào nguồn vốn ngắn hạn từ bên ngoài (Theo báo cáo của NHNN, tổng nguồn vốn từ đầu tư vào giấy tờ có giá (FII) và vay ngắn hạn của các doanh nghiệp trong năm 2000 và 2011 đều chiếm khoảng 50% thặng dư của cán cân vốn và tài chính (trong đó, năm 2011 dự báo đạt 2,7 tỷ USD). Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là FII đang có xu hướng giảm rất nhanh, từ mức 2,4 tỷ USD trong năm 2010 xuống còn 1,5 tỷ USD trong năm 2011, và dự báo còn giảm mạnh trong năm 2012 khi đây là thời điểm thoái vốn của hoàng loạt quỹ đầu tư nước ngoài). Nguồn vốn này sẽ đảo chiều rất nhanh một khi mặt bằng lãi suất (USD và VND) được hạ xuống. Trong khi đó dự trữ ngoại hối còn rất mỏng, giảm mạnh từ mức cao nhất trong năm xấp xỉ 7 tuần nhập khẩu xuống còn 5 tuần nhập khẩu (do can thiệp bình ổn tỷ giá). Do đó trong trung hạn, tỷ giá hối đoái nhiều khả năng sẽ còn biến động.
Dựa vào số “lỗi và sai sót” trong cán cân thanh toán quốc tế như một ước lượng của lượng ngoại tệ trong lưu thông, chúng ta có thể suy đoán rằng lượng tiền mặt ngoại tệ trong dân tăng mạnh từ năm 2008 trở lại đây (2008: -1,16 tỷ USD; 2009: -12.18 tỷ USD; 2010: -11.57 tỷ USD). Trải qua một giai đoạn tăng trưởng nóng với lạm phát cao dẫn tới hậu quả kỳ vọng phá giá VND rất lớn, nguyên nhân dẫn tới lạm phát của VN ngoài việc chính sách tiền tệ lỏng kéo dài thì nhập khẩu lạm phát và lạm phát kỳ vọng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để ngăn ngừa lạm phát hiện nay, không thể thành công nếu không phá bỏ được kỳ vọng phá giá VND trong dân, dù đã thực thi một số chính sách hợp lý và bước đầu đạt được những kết quả khả quan nhưng con số chênh lệch trên cán cân thanh toán cho thấy rằng kỳ vọng phá giá VND trong thời gian tới là còn khá lớn.
T.L
Tớ trả lời: Đồng chí đã chạm đến đúng cái nỗi lo của tớ đấy (NHNN tăng cung tiền, hạ lãi suất àkỳ vọng lạm phát trong dân tăng à đôla hóa tăng, lạm phát thực tế tăng...). Đồng chí cũng một lần nữa gián tiếp khẳng định lại cái nhận định của tớ rằng các nhà làm chính sách hãy cẩn thận, đừng có nghĩ là muốn cái gì thì sẽ được cái đó đâu (mà không phải trả giá đâu).

Comment 5: Kỳ vọng phá giá đồng Việt Nam còn lớn, xu hướng nhập siêu có thể tăng cao trong thời gian tới như phân tích ở trên, cộng thêm điều chỉnh giá cả về xăng dầu (tháng 3), có thể là điện (tháng 4) và lương cơ bản (tháng 5) có thể nói nguy cơ lạm phát có thể quay lại bất cứ lúc nào. Sau khi điều chỉnh giá xăng dầu mặc dù CPI của tháng 3 vẫn rất thấp, tuy nhiên xin lưu ý rằng chu kỳ tính toán CPI là ngày 15 hàng tháng vì vậy để đánh giá được tác động thực sự của việc tăng giá xăng dầu, nên chờ đến CPI của tháng 4 và tháng 5 mới có thể đánh giá chính xác được. Thêm vào đó, CPI tháng 3 sở dĩ thấp là do giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống, vốn chiếm tới 40% rổ tính giá giảm tới 0,83% so với tháng trước, một hệ quả từ dịch bệnh và những lo ngại an toàn thực phẩm. Khi các vấn đề này được giải quyết thì mức giảm giá ở mặt hàng này là không bền vững. Vì vậy, không thể chủ quan về chỉ số giá ở những tháng sau kể cả khi lạm phát tháng 3 đã thấp kỷ lục. Nếu tháng 4 có điều chỉnh giá điện, tháng 5 tăng lương cơ bản tác động của những việc này chắc chắn sẽ không nhỏ đến chỉ số giá tiêu dùng, xin đặc biệt nhấn mạnh điều này xảy ra tác động thực tế đến giá cả, chi phí sản xuất một phần thì tâm lý của người dân sẽ là nguyên nhân gây nên lạm phát còn là vài phần hơn thế.
Về vấn đề anh Phan Minh Ngọc có đề cập, doanh nghiệp hiện nay đang khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng do ngân hàng nâng tiêu chuẩn cho vay lên và làm tổng mức đầu tư không có phản ứng gì với chính sách tiền tệ (đường IS rất dốc thể hiện chính sách tiền tệ mất đi tác dụng) hay nói cách khác Việt Nam rơi vào bẫy thanh khoản như Nhật Bản những năm 1990. Về việc này, tôi xin đưa ra ý kiến của mình như sau:
T.L

Tớ trả lời: Tớ muốn nhấn mạnh thêm một điểm rằng đang có xu hướng dần (cố tình) lãng quên là vai trò của chính sách tiền tệ trong việc tăng áp lực lạm phát quay trở lại. Giá cả, nhất là xăng dầu, điện, than v.v... đang được mang ra làm cái cớ để cảnh báo về khả năng lạm phát tăng cao trong những tháng tới, trong khi NHNN đã tăng cung tiền và mới gần đây đã phải lặng lẽ tung tín phiếu ra để thu hút VND về. Điều này chứng tỏ NHNN đã ý thức được rõ áp lực lạm phát đến từ đâu, chứ không phải đơn thuần như người ta hiện nay vẫn đang phân tích. Và bản thân tớ luôn nhấn mạnh đến nguy cơ lạm phát đến từ chính sách tiền tệ cao hơn nhiều những nguồn gây ra lạm phát chi phí đẩy khác.

Comment 6 (tiếp comment 5): Thứ nhất, tôi không tán thành việc có trần lãi suất, bóp méo thị trường và cái giá để giải quyết hậu quả chắc chắn không rẻ. Việc NHNN đưa lãi suất giảm 1% dù với mục đích là giúp đỡ DN trong giai đoạn khó khăn, tuy nhiên việc thực hiện 1 biện pháp hành chính liệu có phù hợp và hiệu quả hay không? Thời gian sẽ cho ta câu trả lời chính xác nhất. Anh Ngọc ạ, hiện nay một số NHTM thực sự đang gặp vấn đề về thanh khoản, NHNN đang tiến hành cơ cấu lại các NHTM yếu kém, trước khi giải quyết xong vấn đề này, tôi ko nghĩ việc bỏ trần lãi suất là khả thi, anh biết rằng khi bị dồn vào đường cùng các NHTM này sẵn sàng đẩy cao lãi suất huy động để có vốn chơi bài được ăn cả ngã về không, gây hỗn loạn thị trường tiền tệ., cách làm chộp giật manh mún của các NHTM anh không lạ gì, họ đầu cơ vào những thứ rủi ro chứ đâu phải là cho vay hả anh, để chờ market discipline phát huy hiệu quả thì ối vấn đề rồi, lại xin nhắc lại với anh dân ta cũng mong manh và dễ kích động lắm anh ạ, chỉ cần reputation của 1 số chú NHTM bị destroy thì thôi rồi luôn đấy. Hậu quả này ai gánh chịu, chắc chắn là người dân rồi, vì xét cho đến cùng Nhà nước can thiệp để cứu thị trường thì cũng là từ đồng tiền thuế của người dân mà ra. Thêm nữa, anh cũng phải thông cảm trình độ dân trí của nước mình không như các nước phát triển, tâm lý người dân bất ổn sẽ gây ra nhiều vấn đề xã hội. Do vậy, anh đừng chỉ trích việc trần hay không trần. Ở góc độ là economist ai cũng có cách nhìn như anh vậy, nhưng thực tế điều hành ở VN có nhiều vấn đề ko giống ai và cũng chả có 1 lý thuyết kinh tế nào giải thích được, đặc thù mà anh, phải sống chung mà từ từ khắc phục thôi. Nói thì là thế nhưng chuyện áp dụng cơ chế thị trường cần thiết phải được áp dụng asap.
Thứ hai, chúng ta không giống Nhật Bản những năm 90 là lãi suất của ta đang khá cao, về cái trường hợp Mễ thì chưa được nghiên cứu qua nên ko dám nói. Nói về trường hợp của ta: Báo chí doanh nghiệp đều kêu rầm trời là khó tiếp cận vốn ngân hàng, anh cho rằng ngân hàng nâng yêu cầu vay vốn và do vậy doanh nghiệp khó mà tiếp cận được vốn, giảm lãi suất sẽ không làm tăng tổng đầu tư.
T.L


Tớ trả lời: Tớ hiểu thực tế ở Việt Nam đấy chứ? Nhưng đồng chí thử tự hỏi và tự trả lời (giống câu hỏi tôi dành cho đồng chí Ngoạn) là liệu đồng chí có tin rằng, thấy thực tế rằng duy trì trần lãi suất huy động đạt được những tác dụng như đồng chí nói không? Đồng chí đọc thêm câu trả lời của tớ cho một comment của 1 đồng chí Anonymous khác ở entry “phang” đồng chí Ngoạn (“Khẩn thiết đề nghị....”) để cho rõ ý hơn.

Comment 7: Xin thưa với anh thế này, quả thật đúng là doanh nghiệp của nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đang thấm đòn sau 1 thời gian dài chịu lãi suất ngân hàng quá cao, nhiều doanh nghiệp lao đao và phá sản. Trong tháng 1, cả huy động và dư nợ của hệ thống ngân hàng đều sụt giảm, sang đến tháng 2 mặc dù lãi suất vẫn chưa giảm nhưng huy động đã tăng trở lại trong khi dư nợ tiếp tục giảm, tổng phương tiện thanh toán cũng giảm 0,64% so với tháng 1 và 0,11% so với cuối năm 2011, lưu lượng tiền mặt ngoài hệ thống cũng giảm 12,62%. Những con số đó phần nào cho thấy lãi suất cao từ chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài làm cho các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Một số doanh nghiệp nói rằng trong giai đoạn kinh tế khó khăn họ không muốn và không dám vay thêm ngân hàng vì họ không thể kham nổi lãi suất cao như thế, họ chỉ cố gắng cầm cự để trả dần nợ vay lãi suất cao để không bị hạ thấp hạn mức tín dụng với các ngân hàng chứ hiếm có chuyện các ngân hàng không muốn cho các DN vay vốn, trừ các trường hợp cho vay với các dự án BĐS và liên quan đến chứng khoán, những khoản vay không được khuyến khích.
Đấy là với các DN hoạt động tốt và làm ăn nghiêm chỉnh, còn các doanh nghiệp gặp vấn đề về kinh doanh lẽ dĩ nhiên mức tín nhiệm của họ giảm sút khi họ không trả nợ được ngân hàng, từ phía ngân hàng rõ ràng họ không muốn cho những khách hàng không trả được nợ cũ vay thêm nợ mới rồi, mà chủ yếu những doanh nghiệp này gặp khó khăn vì sao vay để sản xuất kinh doanh, thực chất họ lại đầu tư vào bất động sản hoặc chứng khoán như trường hợp của DN Diệu Hiền Cần Thơ là ví dụ điển hình, chả ngạc nhiên khi những DN này khó khăn khi họ đầu tư vào 2 thị trường đang ọp ẹp như vậy phải không anh.
T.L

Tớ trả lời: Xin đồng chí lưu ý về chuyện bẫy thanh khoản. Tớ nói rõ là có 2 trường hợp bẫy thanh khoản, chứ không chỉ có mỗi trường hợp xảy ra khi lãi suất rất thấp như ở Nhật như đồng chí Chí cố tình diễn giải. Những lý luận trên của đồng chí là đúng với thực tế, và cũng đúng với cả lý thuyết khi, như tớ nói, xảy ra trong trường hợp có bẫy thanh khoản. NHTW tăng cung tiền, hạ lãi suất nhưng lãi suất thấp không đến được tay doanh nghiệp. Trường hợp Mexico là ví dụ điển hình. Lưu ý thêm là khi đó lạm phát và lãi suất của Mexico đều ở mức cao (tớ không nhớ chính xác con số lắm, nhưng ở khoảng 10% gì đó vào năm 1995 và tăng vọt lên mấy chục phần trăm vào những năm sau. Mọi người có thể dễ dàng lục lại bằng google). Trong bối cảnh có bẫy thanh khoản kiểu này thì rõ ràng, như đồng chí chỉ ra, chẳng ngân hàng nào dám cho vay doanh nghiệp, dù có nhận được lãi suất cho vay cao. Và vì thế việc áp dụng mô hình IS-LM để nhằm kích thích tăng trưởng (thông qua giảm lãi suất, tăng đầu tư) là không hợp lý, kể cả trong ngắn hạn chứ chưa nói gì đến dài hạn.


Comment 8: Các DN họ kêu tiếp cận vốn ngân hàng khó, đôi lúc là họ nghĩ đến việc tiếp cận vốn vay rẻ từ Chính phủ (thông qua Ngân hàng Phát triển hoặc NHCSXH), còn việc tiếp cận vốn NHTM các DN hầu như không gặp trở ngại từ phía ngân hàng. Rõ ràng một điều các DN đó khó có thể vay vốn NHPT hay NHCSXH trong giai đoạn tái đầu tư công hiện nay, ở vai trò là người điều hành kinh tế vĩ mô lẽ nào anh không nghĩ đến việc tháo gỡ bớt khó khăn cho DN, khi nhiều DN làm ăn tử tế đang gặp khó khăn kinh doanh khi không dám vay vốn với lãi suất cao. Để DN tự sống tự chết theo kinh tế thị trường là đúng nhưng kéo theo đó là các vấn đề an sinh xã hội anh ạ, bản chất Nhà nước XHCN không thể không quan tâm đến việc này và quan trọng hơn chi phí để giải quyết vấn đề này chắc không hề “rẻ”. Vì lẽ đó, các policy-makers đang đau đầu nghĩ giải pháp tháo gỡ khó khăn và vẫn phải ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội cho DN. Theo đó, việc sử dụng một gói kích cầu như năm 2008 có thể được loại trừ.
Tôi không tán thành việc thực thi chính sách tiền tệ mở rộng, nhất là hạ lãi suất bằng các biện pháp hành chính vì chúng ta đều hiểu theo lý thuyết kinh tế, về long-term hậu quả của nó là lạm phát chứ không phải tăng trưởng, thị trường tiền tệ bị méo mó và với đặc điểm của một nước bị đô la hóa như VN, sự thay đổi của chính sách tiền tệ nhằm tác động lên tổng cầu thông qua việc điều chỉnh lãi suất sẽ kém hiệu quả. Nhưng qua đi thực tế một số địa phương, tôi cũng thấy hơi băn khoăn trước tình hình của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi thấy mình bắt đầu tự mâu thuẫn với chính mình, quả thật thay đổi tư duy là 1 quá trình, mặc dù tôi chưa thực sự đồng tình với chính sách của NHNN nhưng tôi cũng chưa nghĩ cách gì hay hơn để giải quyết vấn đề này. Vì vậy, tôi nhìn nhận cách tiếp cận của anh Chí một khía cạnh là đề xuất cá nhân của tác giả để các nhà khoa học, các chính trị gia bàn thảo rồi đưa ra một giải pháp hiệu quả nhất. Tôi cũng nhất trí với anh rằng bài của anh Chí còn một số vấn đề chưa rõ ràng, một số nhận định còn mang tính chất chủ quan, nhưng tôi cũng không vì thế đánh giá về trình độ của tác giả. Tôi mong muốn từ các anh 1 phản biện dựa vừa có tính học thuật nhưng cũng nên gắn với thực tiễn của VN thay là vì dè bỉu, chê bai.
Việc VN có rơi vào bẫy thanh khoản không bây giờ không thể trả lời chắc chắn 100% là không nhưng theo tôi không phải là có. Hiện tại chưa tròn được 1 tháng thực hiện chính sách cắt giảm lãi suất nên chờ NHNN công bố các số liệu tháng 3 chúng ta mới có thể bước đầu đánh giá và tính toán các chính sách hợp lý hơn.
Hãy chờ thời gian trả lời cho chúng ta.
T.L


Tớ trả lời: Như tớ đã nói ở trong một vài bài trước, mọi người dường như chỉ chú ý đến việc giải cứu doanh nghiệp một cách trực tiếp theo kiểu đau đâu thuốc đấy (doanh nghiệp không dám cho vay vì lãi suất cao nên tìm cách hạ lãi suất), mà không chú ý đến hậu quả, những trở ngại, những giải pháp sustainable hơn... Tớ là người không tán thành hạ lãi suất (quá sớm), nên trở nên thật dã man trong con mắt mọi người. Nói thật với đồng chí nhé, anh trai tớ là một chủ doanh nghiệp hạng trung ở Việt Nam, có gần ngàn công nhân, nhưng rồi cũng phải giật gấu vá vai trong thời gian qua. Lẽ nào tớ không nên nói cái gì đó có lợi hơn cho anh trai tớ ư?

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tớ chỉ thấy có việc trước hết phải ổn định vĩ mô (lạm phát phải thấp, áp lực phá giá phải giảm thiểu) trước đã rồi mới tính đến chuyện hạ lãi suất. Nói cách khác, muốn cứu cái gì cho bền chắc và chọn vẹn thì phải làm được việc này trước đã. Và nhờ trời là NHNN đã kéo dài được cái thời kỳ chưa dám hạ lãi suất (kể từ tháng 10/2011 thì phải, cho đến 3/2012). Đồng chí cũng thấy từ sau khi tớ viết bài “Quá sớm để nới lỏng chính sách tiền tệ và hạ lãi suất” hồi tháng 1, tớ không một lần nào phản đối việc NHNN nới lỏng tiền tệ (vì ít ra nó đã được trì hoãn đến tận tháng 3, thay vì làm ngay từ tháng 10 năm ngoái), mà tớ chỉ cảnh báo nguy cơ là các đồng chí NHNN và Chính phủ say sưa quá, mở rộng quá mức, nhất là theo lời khuyên của những người như đồng chí Chí.

Đồng chí cứ lo doanh nghiệp phá sản, thu hẹp vì lãi suất cao. Thế đồng chí không lo lạm phát bùng nổ trở lại sẽ có tác hại lớn hơn, không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả nền kinh tế à? Tớ nói về chuyện này nhiều lần trên báo chí và blog này rồi, đồng chí lục lại để biết thêm chi tiết để tớ đỡ phải viết lại nhé. Nói cách khác, khi nói đến hạ lãi suất, hầu như người ta quên biến đi mất cái tác hại của nó, hoặc người ta đã trở nên xem nhẹ tác hại của nó, là cái mà chính vì thế ta phải dùng chính sách tiền tệ thắt chặt.

Về chuyện ông Chí. Tớ phản biện đầy đủ, đàng hoàng cho từng ý, từng chữ và toàn bộ (và lưu ý thêm là ông Chí đang bàn về lý thuyết đấy nhé). Tớ tin rằng tớ chẳng nói quá lời, quá đáng, thiếu thực tế (ở Việt Nam) cái gì cả. Còn về “dè bỉu, chê bai”, cũng như tớ đã nói với một đồng chí Anonymous khác rằng tớ mới chỉ gọi đúng bản chất của sự vật, sự việc, và có thể là mọi người không quen với cách nói này, nhưng mọi người không phải là tớ. Tớ thấy chẳng có gì sai trái và quá đáng nếu sai, dốt thì gọi luôn là sai, dốt. Đồng chí cũng có thể dùng đúng những từ này cho tớ và tớ sẽ phải “câm như hến” nếu đồng chí có thể chứng minh được tớ sai, dốt cái gì đó. Tớ cũng ý thức được sự khác biệt giữa bôi nhọ, xúc phạm cá nhân với việc phê bình ai đó sai lầm, chưa phù hợp (một cách nói văn hoa hơn của từ “dốt”).
Về chuyện bẫy thanh khoản, đó chỉ là một ví dụ để cho thấy kế sách áp dụng mô hình IS-LM của đồng chí Chí (không phải là đồng chí Ngoạn?) là máy móc vì chỉ nhìn thấy một khía cạnh là hạ lãi suất sẽ làm tăng đầu tư mà không biết rằng trên thực tế không luôn là như vậy. Tớ cũng hy vọng rằng bẫy thanh khoản ở Việt Nam sẽ không trầm trọng và/hoặc sớm chấm dứt (chứ không phải là “không có” như đồng chí nói, vì thực tế nó đã tồn tại rồi) để NHNN không phải nới lỏng thêm nữa chính sách tiền tệ mời gọi lạm phát.

Tóm lại, tớ không thật rõ mục đích của đồng chí TL lắm khi viết rất chi tiết, rất dài. Nếu là phản biện lại tớ thì tớ cũng đã đáp lại (mong đồng chí cứ cho biết thêm đoạn nào tớ trả lời còn sót hoặc chưa thỏa đáng để tớ nói thêm). Nếu là một bài viết về chính sách thì tớ thấy là một bài viết tổng hợp tốt, tuy có một số chi tiết mà tớ không tán đồng như đã nêu. Nhưng cũng phải thẳng thắn thêm một điều là bài viết này vẫn chưa vượt khỏi tầm của nhiều bài viết khác khi đôi khi vẫn nhìn sự vật theo một chiều, có lúc đơn giản hóa vấn đề nhưng lại có lúc trầm trọng hóa vấn đề.

Trên hết, tớ vẫn rất cám ơn đồng chí T.L vì đã dành thời gian đọc và phản biện, diễn giải các suy nghĩ của mình, góp phần làm cho cái blog của tớ trở nên sống động hơn, có ích hơn cho ai đó. Trân trọng kính mời các đồng chí tiếp tục phản biện, comment.


13 comments:

  1. Tóm lại, theo anh các chính sách nào là hợp lý trong thời điểm hiện nay, lý do là gì, với những lăn tăn ở cái phần anh post trên của em, anh có cao kiến gì để đả thông được? Còn về trần lãi suất, để bỏ con này là phải sửa Bộ luật dân sự, cả chục năm nay chiến đấu ko lay chuyển nổi các luật gia vì XHCN bảo vệ dân đen khỏi vay nặng lãi, bây giờ cũng chưa nghĩ ra được làm sao để nói được khi mà ông NHNN cứ tằng tằng sử dụng nó như một công cụ hữu hiệu để quản lý thị trường, y học pó tay. Hiện em cũng chỉ nhớ được thế nên cứ tạm vậy đã.
    T.L

    ReplyDelete
  2. Nếu em hỏi về chính sách nào hợp lý cho chuyện thanh khoản thì anh đã trả lời ở trên và trong các bài viết trước rồi: bỏ trần lãi suất huy động và không áp trần lãi suất cho vay, và có thể tiếp tục kiểu phân loại nhóm ngân hàng như NHNN đã làm. Cần thiết thì NHNN phải bơm vốn cho các ngân hàng thiếu hụt thanh khoản khi chúng không thể huy động đủ từ dân cư nhưng có thể phải xem xét hút vốn từ các ngân hàng khác đang dư thừa thanh khoản để đảm bảo cung tiền không tăng đột biến. Có thể phải xem xét cho phá sản, đóng cửa ngân hàng nếu quả thật không còn duy trì được hoặc với cái giá quá tốn kém. Nhưng những trường hợp này có khi phải làm một cách không công khai như đã từng làm trước đây để tránh đổ vỡ lan truyền cả hệ thống.
    Về bỏ trần lãi suất, hình như anh nhớ không nhầm là Bộ Luật DS chỉ quy định lãi suất cho vay tối đa không quá 150% lãi suất cơ bản của NHNN (mà hiện nay là 8% hay 9%/năm nhi?). Nếu đúng như vậy, trần lãi suất huy động thực ra chẳng có liên quan gì đến Bộ Luật DS, trừ trên khía cạnh là nó vi phạm vì đã vượt mức này mà thôi. Nhưng thực ra hiện nay chẳng ai buồn/muốn/dám nhắc đến chuyện vi phạm này vì lãi suất nào bây giờ mả chả vượt mức này trên thực tế, và thực tế là lãi suất cơ bản của NHNN đã duy trì ở mức hiện tại (8% hay 9%) từ suốt khoảng tháng 10/2011 (hình như thế), bất chấp diễn biến lãi suất trên thị trường nói chung và trần lãi suất huy động nói riêng. Mà nếu có nói đến/muốn sửa luật (để tránh vi phạm vì vượt trần) thì có một cách đơn giản hơn là NHNN sửa lãi suất cơ bản (nâng lên) để đảm bảo rằng lãi suất huy động không vượt qua mức trần 150% lãi suất cơ bản. Còn lãi suất cho vay thì có trời mà kiểm soát được khi mà trên sổ sách, nếu cần, tất cả các khoản vay đều được thể hiện ở lãi suất bằng hoặc thấp hơn theo yêu cầu vì các ngân hàng thương mại thiếu gì “võ” để làm chuyện này, giống như họ đã làm với lãi suất huy động.

    ReplyDelete
  3. Hey there! I've been following your web site for a long time now and finally got the courage to go ahead and give you a shout out from Atascocita Tx! Just wanted to tell you keep up the good job!

    ReplyDelete
  4. It's going to be ending of mine day, however before finish I am reading this fantastic article to improve my experience.

    ReplyDelete
  5. Hello there! Do you know if they make any plugins to safeguard against hackers? I'm kinda paranoid about losing everything I've worked hard on. Any suggestions?

    ReplyDelete
  6. Hi there, I discovered your blog via Google while looking for a similar topic, your web site came up, it appears good. I have bookmarked it in my google bookmarks.
    Hi there, simply changed into alert to your weblog thru Google, and found that it is truly informative. I am going to watch out for brussels. I will appreciate for those who continue this in future. Lots of other folks will probably be benefited out of your writing. Cheers!

    ReplyDelete
  7. Wow, that's what I was searching for, what a information! present here at this webpage, thanks admin of this web site.

    ReplyDelete
  8. It's going to be end of mine day, except before ending I am reading this great article to improve my know-how.

    ReplyDelete
  9. I was able to find good info from your content.

    ReplyDelete
  10. This website certainly has all the information and facts I wanted about this subject and didn't know who to ask.

    ReplyDelete
  11. It's awesome for me to have a web site, which is useful designed for my know-how. thanks admin

    ReplyDelete
  12. Have you ever considered about including a little bit more than just your articles? I mean, what you say is important and everything. Nevertheless think about if you added some great images or videos to give your posts more, "pop"! Your content is excellent but with pics and video clips, this website could definitely be one of the very best in its field. Terrific blog!

    ReplyDelete
  13. Howdy! I just want to offer you a huge thumbs up for your great info you've got right here on this post. I will be coming back to your website for more soon.

    ReplyDelete

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).