Thursday 23 August 2012

Tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và vụ Văn Giang nhìn từ những thông tin lề trái, phải


Như tớ nói trong bài trả lời phỏng vấn Tiền Phong (và bị bóp méo, sửa đổi đến mức độ tớ bắt phải gỡ xuống), “bản thân tôi chưa bao giờ cắt nghĩa được tại sao phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng bằng cách sáp nhập các ngân hàng với nhau”, tớ vẫn nghi hoặc động cơ tiến hành sáp nhập các (9?) ngân hàng “yếu kém” với nhau của NHNN. Nay thì qua các thông tin tung tóe trên cả báo chí lề phải lẫn lề trái, động cơ thực sự của NHNN (chính xác là của Thống đốc Bình) đã lộ ra. Không biết rồi đây NHNN còn có đủ bản lĩnh để đi đến cùng chương trình hành động của mình không nhỉ? Chỉ tiếc rằng Tiền Phong là tờ báo “ăn hại”, không dám đăng nguyên văn bài của tớ.

Cũng liên quan đến thông tin lề phải, lề trái, hôm nay tớ đọc được một mẩu thông tin rất thú vị liên quan đến đồng chí “bầu Kiên” lại có liên quan đến ... tớ! Chẳng là theo báo chí phỏng vấn hàng xóm của đồng chí này thì khu đất đồng chí ấy đang ở (hồ Tây) trước đây là khu đất nông nghiệp trồng quất, sau được mang ra bán đấu giá và đền bù cho dân với giá 350.000 VND/m2 (không phải 3,5 triệu đâu nhé!) vào năm 2003. Tớ khoái chi tiết này quá vì nó minh họa cho ý kiến tớ “phang” đồng chí TS Vũ Quang Việt về bài của đồng chí ấy viết về vụ Văn Giang. So sánh giá đất đền bù ở hồ Tây và đất đền bù ở Văn Giang (không kể các quyền lợi khác đi kèm) thì rõ ràng giá đất đền bù ở Văn Giang đâu có phải là giá đi ăn cướp của dân đâu? Nếu dân hồ Tây, những người đồng ý nhận đền bù với cái giá này nghĩ gì vào thời ấy nhỉ? Sao họ không làm như Văn Giang?

Wednesday 15 August 2012

Suy thoái kép - Cụm từ không thể sử dụng tùy tiện (Bài đăng trên Đại biểu Nhân dân)

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=255426
(Bài này được đăng nhanh hơn tớ tưởng)

08:47 | 16/08/2012
Gần đây, cụm từ “suy thoái kép” hay được nhắc đến bởi một số chuyên gia và quan chức như một lời cảnh báo cho một thảm họa kinh tế có khả năng xảy đến với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu như không có cơ sở nào cho cách gán ghép cụm từ này vào tình hình hiện tại và trong thời gian tới ở Việt Nam. Bản thân các chuyên gia và quan chức cũng có những cách hiểu và diễn giải khác nhau và khác xa với cách hiểu theo thông lệ quốc tế, làm cho “suy thoái kép” trở thành sản phẩm made in Vietnam.
 
Dù chưa có một ai giải thích tường tận nguồn gốc của sự xuất hiện cụm từ trên ở Việt Nam trong thời gian qua, nhưng qua bối cảnh của các phát biểu và nhận định, có thể suy đoán rằng nó được ra đời trong hoàn cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm xuống mức âm liên tục trong 2 tháng vừa qua, còn GDP thì cũng tăng trưởng chậm lại trong 2 quý liền (quý I và II).

Nếu đúng như vậy thì cách dùng cụm từ trên rất tùy tiện, cũng giống như việc dùng lẫn lộn cụm từ “thiểu phát” và “giảm phát” vốn đang cực kỳ phổ biến hiện nay. Dường như với họ, nếu tăng trưởng GDP suy giảm thì cần được gọi đó là suy thoái, bất chấp thực tế rằng tuy tốc độ tăng trưởng GDP có giảm nhưng vẫn là dương, và còn ở mức không hề “tệ” nếu so với tình hình chung của cả nền kinh tế thế giới (ít nhất là trên mức trung bình của thế giới).

Tương tự, có lẽ chúng ta đã quá quen với thực tế rằng CPI ở Việt Nam thường chỉ có tăng lên chứ ít khi giảm đi, nhỏ hơn so với cùng kỳ năm trước. Nên nay với CPI giảm đi, người ta cũng vội vã coi đó là một dấu hiệu thứ hai của suy thoái, bên cạnh “suy thoái tăng trưởng”, đủ điều kiện để được gọi là “suy thoái kép”.

Nếu ta đi từ thông lệ quốc tế, có lẽ cụm từ suy thoái kép được dịch ra từ cụm từ “double-dip recession” và được định nghĩa như sau: “Suy thoái kép xảy ra nền kinh tế rơi vào suy thoái, theo sau là một giai đoạn phục hồi ngắn (1 hoặc 2 quý), rồi lại quay trở lại suy thoái”.

Và nếu tiếp tục theo thông lệ quốc tế thì một nền kinh tế được gọi là suy thoái khi tăng trưởng GDP tụt xuống mức âm trong ít nhất 2 quý liền nhau. Đem ghép 2 khái niệm này (“suy thoái” và “suy thoái kép”) ta có thể thấy một nền kinh tế được gọi là suy thoái kép khi nền kinh tế đó đã trải qua ít nhất là 2 quý tăng trưởng âm, theo sau là 1 hoặc 2 quý tăng trưởng dương, và lại theo sau bằng ít nhất là 2 quý tăng trưởng âm.

Như vậy, tổng cộng một chu trình suy thoái kép phải kéo dài ít nhất 5 quý, trong đó có 4 quý tăng trưởng âm. Đem điều này áp dụng ở Việt Nam, ta sẽ thấy xác suất xảy ra suy thoái kép là hầu như bằng 0 vì xác suất để xảy ra cho dù một quý tăng trưởng âm cũng đã là rất nhỏ ở Việt Nam trong năm nay và năm tới, chứ chưa nói đến hai quý liền nhau và cần tất cả 4 quý tăng trưởng âm.

Có vị học giả tuy cũng đã phủ định việc Việt Nam đã rơi vào tình trạng suy thoái kép nhưng lại lo ngại rằng suy thoái kép sẽ có thể xảy ra vào năm 2013. Lo ngại này cũng không có cơ sở nếu ta vận dụng tập hợp điều kiện của suy thoái kép nêu ở đoạn trên vào Việt Nam. Vì năm 2013 (hay năm nào cũng vậy) chỉ có 4 quý, trong khi điều kiện của suy thoái kép là phải có chu kỳ kéo dài tối thiểu 5 quý liền nhau nên trong năm 2013 chúng ta không thể nào chứng kiến nạn suy thoái kép.

Có thể có ai đó lập luận rằng biết đâu trong năm nay sẽ có một quý (chẳng hạn là quý IV) sẽ có tăng trưởng GDP âm; sang năm 2013, sẽ xảy ra tiếp 1 quý có tăng trưởng âm (quý I) theo sau bởi 1 quý tăng trưởng dương (quý II) rồi lại đến 2 quý tăng trưởng âm liên tục (quý III và IV), đủ đáp ứng điều kiện của suy thoái kép. Nhưng, như đã nói, vì xác suất để xảy ra tình trạng suy thoái kép như thế này là nhỏ hơn xác suất để cho tăng trưởng âm xảy ra trong một quý nào đó ở Việt Nam, vốn hầu như bằng 0, ít nhất trong 2 quý còn lại của năm nay và cho cả các quý năm sau, nên suy ra là chuyện suy thoái kép nếu có xảy ra ở Việt Nam thì chắc chắn không phải trong năm nay và một hai năm tới!

Có chuyên gia nêu ra ý kiến phản biện rằng khác với thế giới, nếu tăng trưởng GDP của Việt Nam cần được duy trì cao hơn một mức tăng trưởng “tự nhiên” nào đó, chẳng hạn 3% là mức tối thiểu cần có để đảm bảo việc làm và an sinh xã hội tối thiểu để không xảy ra rối loạn, chứ không phải là 0% như theo định nghĩa quốc tế nêu trên. Nếu thấp hơn mức tăng trưởng tự nhiên này thì lúc đó cần phải gọi nền kinh tế Việt Nam đã rơi vào suy thoái.

Tuy có lý nhưng ý kiến trên cũng không thể biện hộ được cho sự tùy tiện trong cách nhìn nhận của các chuyên gia và quan chức liên đới như nói ở trên. Nếu đi theo hướng gắn với tốc độ tăng trưởng tự nhiên thì những người này trước tiên phải nêu ra khái niệm suy thoái kép theo “tiêu chuẩn Việt Nam” được chấp nhận rộng rãi với cơ sở vững chắc dựa trên các nghiên cứu và đánh giá khoa học, để rồi từ đó họ mới có cơ sở để phán định rằng nền kinh tế Việt Nam đã rơi vào suy thoái kép hay không. Mà xem ra chuyện này chưa bao giờ được nhắc đến ở Việt Nam (một cách nghiêm túc)! Và cho dù nếu có xảy ra thì rốt cuộc chuyện suy thoái kép chỉ là câu chuyện mang màu sắc Việt Nam, chứ không hề có tính tương thích với quốc tế.

Đọc báo giùm bạn: Bình luận về chuyện “suy thoái kép” của đồng chí TS Lê Thẩm Dương


Entry này xuất phát từ yêu cầu của một bạn đọc blog này dành cho entry ““Suy thoái kép”?”. Thấy hơi dài nên tớ đưa luôn thành một entry độc lập để bạn đọc dễ theo dõi.
--------------------------------------
Tình cờ là hôm qua tớ có viết lại entry trên cho lịch sự, đầy đủ hơn và gửi sang báo Đại biểu Nhân dân. Họ đã nhận đăng (chắc trong tuần này). Trong đó tớ có bàn cụ thể hơn về khái niệm suy thoái kép, tất nhiên là khác xa so với cách hiểu của đồng chí Dương trong bài báo tớ trích dẫn (suy ra là đồng chí Dương sai không thể đỡ nổi J).

Cái đáng chú ý đầu tiên trong bài lần này (trên Tiền Phong) của đồng chí Dương là đồng chí ấy đã nêu ra rõ ràng (hơn so với bài phát biểu trên VTV bên trên) về cái khái niệm về suy thoái kép, lạm phát kèm suy thoái (Ngọc: suy giảm tăng trưởng?) thành suy thoái kép.

Tớ chịu, chẳng thể bình luận được gì ở đây, vì khái niệm này là made-in-Ho Chi Minh City-by TS Le Tham Duong. Đồng chí ấy bảo thế thì biết thế chứ cãi sao được. Nhưng tớ hơi lăn tăn một chút ở đây, nếu bắt trước tinh thần của nhiều đồng chí khác gọi hiện tượng lạm phát và đình đốn thành “đình lạm”, tại sao đồng chí Dương không gọi lạm phát và suy thoái thành “suy lạm” cho văn vẻ, đồng thời lại an toàn hơn, mà lại cứ nhất định gọi đó là “suy thoái kép” nhỉ?

Thứ hai, qua cách dùng từ của đồng chí ấy, tớ đoán chắc có vấn đề với chữ “kép” này. Câu trước, đồng chí nói: “Suy thoái kép như hình chữ W”, câu sau thì lại nói: “Nới hạn mức tín dụng gây tác dụng phụ là lạm phát và suy thoái nên người ta gọi là hiện tượng suy thoái kép”. Có nghĩa là đồng chí Dương có hẳn 2 định nghĩa vừa không đầy đủ, vừa chẳng ăn nhập gì cho cái gọi là suy thoái kép cả. Trong định nghĩa đầu, đồng chí muốn dùng hình tượng chữ W để minh họa sự thụt xuống 2 cái đáy, để gọi đó là “kép”. Nhưng cái gì tụt xuống 2 cái đáy đó mới được chứ? Trong cái định nghĩa thứ hai, lạm phát (tăng) là một đại lượng khác với suy thoái thì sao gọi hiện tượng vừa lạm phát vừa suy thoái là “kép” được? Nói tóm lại là tớ cho rằng những cách hiểu này là rất ngớ ngẩn, ấm ớ nhưng cũng chỉ bình luận được đến đây vì ...rối quá, lạc mất hút vào ma trận chữ nghĩa của đồng chí Dương.

Thứ ba, thêm một cái sai/thiếu sót cũng xuất phát từ câu: “Nới hạn mức tín dụng gây tác dụng phụ là lạm phát và suy thoái nên người ta gọi là hiện tượng suy thoái kép”. Nới hạn mức tín dụng cũng có nghĩa là tìm cách/cho phép tăng trưởng tín dụng mạnh hơn. Kết quả thường là sẽ dẫn đến tăng tổng cầu và tăng trưởng trong ngắn hạn, chứ đâu có phải là dẫn đến suy thoái (giảm tăng trưởng)? Nếu đúng như đồng chí Dương phát biểu (tăng tín dụng gây ra suy thoái) thì NHNN tội gì phải nới lỏng chính sách tiền tệ, còn các doanh nghiệp tội gì đòi phải được tiếp cận với vốn ngân hàng? Và đồng chí Dương cũng tự phủ định mình khi nói: “Tín dụng phải tăng 6-8% mới hy vọng khôi phục được DN, mới đạt được mục tiêu GDP đề ra”. Nói thế này cũng có nghĩa là đồng chí Dương công nhận phải tăng tín dụng mới tăng được GDP mà!

Thứ tư, cũng liên quan đến câu nói trên: “Tín dụng phải tăng 6-8% mới hy vọng khôi phục được DN, mới đạt được mục tiêu GDP đề ra”. Cơ sở nào để đồng chí nói tín dụng phải tăng 6-8% mới đạt được mục tiêu GDP đề ra (6-6,5%)? Tớ cược 1000 ăn 1 rằng đây là câu nói mò của đồng chí. Đồng chí nói sao khi nhớ lại từ cuối năm ngoái NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay phải từ 15-17% mới đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP. Sau này dần dần mục tiêu tăng trưởng tín dụng cứ được sửa dần xuống thấp, còn 10-12%, thậm chí là 5-6%, theo đà tăng thực tế của tăng trưởng tín dụng (thậm chí tín dụng tăng trưởng âm mà tăng trưởng GDP vẫn đạt trên 4% 2 quý vừa qua). Nêu ra chuyện này để đồng chí thấy rằng chẳng có một mối liên hệ nhất quán nào giữa tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng GDP cả, nên cần tránh nói võ đoán cho nó lành.

Thứ năm, và liên quan đến mục thứ tư trên, khi trả lời cho câu hỏi: “Liệu trong thời gian tới NHNN có tiếp tục nới hạn mức tín dụng lên nữa, thưa ông?”, đồng chí Dương trả lời: “Tôi nghĩ NHNN đã tính toán hết, tại sao không phải là 28 hoặc 26%, nên tôi nghĩ nâng lên nữa là không có”. Vì chẳng có cái mối liên hệ nhất quan nào giữa tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng GDP để mà NHNN có thể tính ra cần phải tăng hạn mức tín dụng bao % để GDP tăng 6% cả (các đồng chí bạn đọc khác đừng có nghĩ tớ nói linh tinh đấy nhé! Không tin thì các đồng chí cứ thử tính cho tớ đi, dùng kinh tế lượng hay bất cứ cái gì khác mà cho ra được con số), nên NHNN đưa ra con số xyz nào đó (27%?) về bản chất cũng là nói mò, chẳng khác gì việc đồng chí Dương đưa ra con số tăng trưởng tín dụng phải đạt 6-8% cả!

Tóm lại là qua bài báo ngắn này (và bài trước) tớ nghĩ đồng chí Dương cần phải hạn chế phát biểu, trả lời phỏng vấn càng nhiều càng tốt, vì quyền lợi của bản thân đồng chí ấy. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm bản thân của tớ với Tiền Phong (đọc entry “Bài nàykhông phải của tớ”), tớ vẫn dành cho đồng chí Dương một chút ưu ái khi lái bạn đọc sang khả năng đồng chí ấy bị Tiền Phong “nhét chữ vào mồm”, hoặc phóng viên ghi chép linh tinh, nên mới có bài trả lời phỏng vấn ngớ ngẩn thế này.

Tuesday 7 August 2012

“Suy thoái kép”?

Đọc báo ngày nay ở Việt Nam tớ rất hay gặp nhiều cách dùng từ rất tùy tiện, quái dị, đáng chú ý hơn là được dùng bởi không chỉ dân thường mà ngay cả giới học giả, quan chức các cấp. Nhiều quá đến mức mà tớ đã hầu như không còn dị ứng nữa.

Nhân hôm nay đọc cái tin có tiêu đề: “BTV Lê Bình “quê độ” trước Bộ trưởng Đam” tớ mới thấy cần phải nói cái gì đó về chuyện này. Đầu tiên là không hiểu cụm từ “sang trọng” này là do ai đưa ra đầu tiên. Có lẽ bối cảnh đưa ra là dựa vào việc CPI giảm xuống mức âm liên tục trong 2 tháng còn GDP tăng trưởng chậm lại cũng trong 2 quý. Khỏi nói, việc sử dụng cụm từ này cũng tùy tiện như việc dùng cụm từ “thiểu phát” và “giảm phát” vốn đang cực kỳ phổ biến hiện nay, và chứng tỏ người nói, mặc dù là chuyên gia và quan chức hữu trách, chẳng hiểu một tí gì sất về kinh tế học cả.

Đã thế lại được đồng chí TS giảng viên Lê Thẩm Dương bồi cho thêm một cú cũng ấm ớ chẳng kém rằng: “hiểu tăng trưởng âm hai tháng liền là suy thoái kép là không đúng.... Khi suy thoái, người ta cứu thì lên nhưng sau đó lại xuống, thì gọi là suy thoái kép. Nếu nói một cách hình ảnh thì giống hình chữ W. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện chưa suy thoái kép, một số người chỉ lo ngại với tình hình tăng trưởng kinh tế như hiện nay, năm 2013 có thể xảy ra tình trạng suy thoái kép”. (Lưu ý những chỗ bôi đậm của tớ)

Viết/hiểu như đồng chí Dương cũng không đúng nốt!

Tuy rất lủng củng, khó hiểu nhưng chịu khó động não một chút (xác định chủ ngữ, vị ngữ) thì có thể hiểu đồng chí Dương đề cập đến cả 2 vấn đề, CPI theo tháng âm và tăng trưởng GDP suy giảm, trong lời nhận định của mình. Cái sai của đồng chí Dương là:

  1. Coi suy thoái kép liên quan đến tăng trưởng theo tháng. Ý của đồng chí Dương nói ở đây chỉ có thể là nói đến tăng trưởng GDP chứ không thể là tăng trưởng của CPI hay lạm phát được, vì không ai nói như vậy cả. Do không có cái gọi là tăng trưởng GDP theo tháng (mà chỉ có tăng trưởng theo quý hoặc năm) nên cách đặt vấn đề như thế này của đồng chí Dương cũng là không đúng nốt.
  2. Để thỏa mãn điều kiện được gọi là suy thoái kép thì theo cách hiểu thông thường phải có một giai đoạn suy thoái, kế tiếp là giai đoạn phục hồi ngắn, rồi lại được kế tiếp bằng một giai đoạn suy thoái khác theo hình chữ W như đồng chí Dương vạch ra. Có điều, để một nền kinh tế được gọi là suy thoái trong một giai đoạn nào đó thì, cũng theo cách hiểu thông thường, tăng trưởng GDP phải là âm liên tục ít nhất trong 2 quý liền. Như vậy, ta sẽ phải có tối thiểu là một chu kỳ 5 quý liền để có thể chứng kiến một giai đoạn suy thoái kép hoàn chỉnh, gồm có 2 quý tăng trưởng GDP âm, 1 quý tăng trưởng GDP dương, rồi lại 2 quý tăng trưởng GDP âm. Nhưng vì năm 2013 (hay năm nào cũng vậy) chỉ có 4 quý nên nhận định của đồng chí Dương rằng “…năm 2013 có thể xảy ra tình trạng suy thoái kép” là sai nốt!
  3. Cũng có thể có đồng chí cắc cớ vặn lại rằng biết đâu trong năm nay sẽ có một quý (chẳng hạn là quý 4) sẽ có tăng trưởng GDP âm; sang năm 2013, sẽ xảy ra tiếp 1 quý có tăng trưởng âm (quý 1) theo sau bởi 1 quý tăng trưởng dương (quý 2) rồi lại đến 2 quý tăng trưởng âm liên tục (quý 3 và 4), đủ đáp ứng lo ngại của đồng chí Dương.
Nhưng vì xác suất để xảy ra tình trạng suy thoái kép như thế này là nhỏ hơn xác suất để cho tăng trưởng âm xảy ra trong một quý nào đó ở Việt Nam, vốn hầu như bằng 0, ít nhất trong giai đoạn năm nay và năm sau, nên suy ra là chuyện suy thoái kép ở Việt Nam hầu như chỉ là chuyện vớ vẩn!

Saturday 4 August 2012

Xử lý nợ xấu – các ảnh hưởng lên kinh tế vĩ mô


Bạn đọc lại tiếp tục hỏi tôi về chuyện xử lý nợ xấu ảnh hưởng thế nào đến tỷ giá, lạm phát và nhập siêu. Xin trả lời như sau.

Thực ra các vấn đề này đều có liên quan và tác động tương hỗ đến nhau, tùy thuộc vào sự can thiệp của NHNN và Chính phủ. Nguồn gốc có lẽ xuất phát từ chuyện tăng cung tiền quá mức (ví dụ, như là kết quả của việc NHNN bơm tiền ra để xử lý nợ xấu) dẫn đến tăng tổng cầu, từ đó dẫn đến áp lực tăng lạm phát. Nếu NHNN phủ tìm mọi cách ổn định tỷ giá bằng cách tung dự trữ ngoại hối ra thì VND sẽ lên giá thực so với ngoại tệ, chẳng hạn USD, dẫn đến tăng nhập khẩu và dẫn đến nhập siêu. Trong bối cảnh này sẽ có chuỗi quan hệ: bơm tiền – lạm phát tăng  – tỷ giá ổn định – nhập khẩu khẩu tăng (tăng nhập siêu).

Nếu NHNN không can thiệp (mạnh) trên thị trường ngoại hối thì VND sẽ bị mất giá tương ứng với mức độ bơm tiền của NHNN, nhưng xuất khẩu lại được khuyến khích nhờ VND yếu đi. Như vậy, trong bối cảnh này thì sẽ có chuỗi quan hệ: bơm tiền – lạm phát tăng – tỷ giá tăng – xuất khẩu tăng (giảm nhập siêu).

Wednesday 1 August 2012

Điều không gây mấy chú ý

Sáng nay ngồi điểm báo tớ thấy cái tin đồng chí Bộ trưởng Đam công bố cái gì gì đó về thành tích của Chính phủ. Điều tớ chú ý nhất và cũng là quan tâm nhất là tin (từ đầu năm) đến nay đã có 40.000 doanh nghiệp thành lập mới (tuy giảm đi so với cùng kỳ năm ngoái). Điều tớ không chú ý và ít quan tâm nhất là tin (từ đầu năm nay) có 30.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động. Tớ cá rằng sự quan tâm và chú ý của tớ ngược lại 181 độ so với rất rất nhiều người.

Tớ nêu ra 2 con số trên để muốn bạn đọc hiểu rằng tớ, vốn có quan điểm bị coi là rất ngược đời, khó chấp nhận khi cổ vũ cho các chính sách thắt chặt trước đây, đã có “máu lạnh” một cách không phải vô cớ, khi bất chấp những khó khăn mà cứ nghe báo chí nói thì sắp chết hết đến nơi, nền kinh tế vẫn tăng trưởng, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phình ra (tương đối và tuyệt đối) chứ không phải là thi nhau đóng cửa, phá sản hết như mọi người ca thán. Lạ một điều là kể cả Chính phủ, chưa nói gì đến giới doanh nghiệp và người dân, xem ra chẳng ai muốn nhắc đến con số doanh nghiệp mới tạo ra, mặc dù luôn có thống kê cập nhật thường xuyên.

Còn nhớ hồi đầu năm 2009 khi tớ viết bài “Cơ hội nào cho Việt Nam trong khủng hoảng” trên VNN, tớ cũng có nêu chuyện người ta không biết vô tình hay hữu ý mà ai ai cũng chỉ nhăm nhăm nhắc đến mỗi chuyện thất nghiệp trên báo chí mà không thèm bận tâm xem những thống kê đã có bao nhiêu việc làm được tạo ra, mà nếu làm phép cộng trừ đơn giản thì thế nào cũng ra kết quả là số việc làm ròng tạo ra là dương.

Xử lý nợ xấu ở Nhật

Mấy hôm vừa rồi có mấy đồng chí bạn đọc yêu mến cái blog này nhắn nhủ với tớ về chuyện tiếp tục viết lách, làm tớ cảm động quá, muốn lười cũng không lười được thêm nữa. Định trả lời ngay bằng một cái gì đó nhưng rồi lại ngồi thần ra vì không biết viết về cái gì cả, nên đành thôi.  

Hôm nay thì có đồng chí bạn đọc trực tiếp yêu cầu tớ viết về vấn đề xử lý nợ xấu của Nhật (chắc là để rút ra bài học cho Việt Nam) và kèm thêm câu hỏi nếu Việt Nam vay tiền nước ngoài để xử lý nợ xấu liệu có gây ra lạm phát không. May quá, thế là có đề tài! Cảm ơn đồng chí bạn đọc này nhé!

Về cái vấn đề xử lý nợ xấu Nhật, vì đây không phải là mối quan tâm của tớ từ hồi ở Nhật cho đến bây giờ nên tớ phải thú nhận rằng tớ cũng không tường tận lắm, chỉ có thể nói sơ qua ở đây những gì tớ đọc mót, nghe mót đây đó (nhân dịp này xin mạn phép đồng chí bạn đọc này cho tớ mượn cái đề tài của đồng chí để viết một bài nghiêm chỉnh gửi cho báo nào đó. Còn chuyện được đăng hay không nhiều khi cũng phập phù lắm, nhất là với người ấm ớ như tớ trong con mắt báo chí Việt Nam).

Nhận thức đầu tiên của tớ về chuyện nợ xấu ở Nhật là Chính phủ Nhật nhận ra và bắt tay vào xử lý vấn đề nợ xấu khá chậm chạp và không đủ liều lượng, khi nợ xấu đã trở thành rất nghiêm trọng. Cũng giống như ở Việt Nam hiện thời, chuyện xử lý nợ xấu thế nào, bằng phương pháp nào vẫn còn là điều lúng túng trong Chính phủ (vào những năm cuối thập kỷ 80, đầu 90). Hệ thống thuế của Nhật đương thời cũng không cho phép khấu trừ thuế cho những khoản write-off, còn các ngân hàng Nhật thì cũng không đủ vốn để xử lý nợ xấu.

Sau khi có nhiều vận động hành lang, cuối cùng luật thuế cũng được sửa đổi theo hướng này (1995). Còn NHTƯ Nhật thì tăng bơm tiền, hạ lãi suất để tăng margin cho các ngân hàng thương mại, nhằm tạo điều kiện để chúng có thêm lợi nhuận đưa vào xử lý nợ xấu.

Nhưng tình hình sau đó cũng chẳng cải thiện là mấy, chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục xấu đi. Đồng yen mất giá càng làm trầm trọng vấn đề khi tài sản nước ngoài tăng giá, buộc các ngân hàng phải tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay ngân hàng, trở thành nạn nhân vì các ngân hàng không cho vay nữa mà tập trung xử lý nợ xấu và bảo toàn vốn. Doanh nghiệp phá sản hàng loạt, rồi ngân hàng cũng phá sản (Hokkaido Takushoku Bank, 1997). Sau đó, Chính phủ Nhật ban hành đạo luật cho phép sử dụng công quỹ để mua cổ phiếu ưu đãi của các ngân hàng, tạo vốn cho chúng xử lý nợ xấu. Công ty mua bán nợ xấu tương tự như DATC Việt Nam cũng được mở rộng quy mô để mua bán nợ xấu.

Tóm lại, cách thức và công cụ xử lý nợ xấu rốt cuộc cũng chỉ có từng ấy thứ, với một số trở ngại và rào cản có thể khác nhau ở từng nước, ví dụ các luật lệ hiện hành về thuế, chi tiêu công. Có một điểm tương đồng là, khi quy mô nợ xấu đã ở mức nguy hiểm (ước tính đến nghìn tỷ USD ở Nhật), việc xử lý nợ xấu sẽ phải diễn ra trong cả một thời gian dài, thậm chí rất dài. Hôm nay đồng chí Chủ tịch ngân hàng tớ mới thông báo rằng ngân hàng đã giải quyết xong nợ xấu có khi có từ cái thuở tớ còn đang đi học (cấp 3 hoặc đại học)!

Về câu hỏi của đồng chí bạn đọc trên rằng khi vay nợ nước ngoài để xử lý nợ xấu có làm tăng lạm phát không, đây là câu hỏi khó trả lời và khó có câu trả lời rõ ràng. Thứ nhất, có tăng lạm phát hay không phụ thuộc vào việc NHNN xử lý khoản ngoại tệ đi vay về này thế nào. Nếu NHNN tung tiền đồng ra đối ứng để thu khoản ngoại tệ này, cung tiền đương nhiên sẽ tăng. Nếu NHNN sau đó tung tín phiếu, trái phiếu ra để hút VND, cung tiền sẽ được điều chỉnh ở mức độ tương ứng. Nhưng hành động trung hòa cung tiền này nếu có diễn ra thì chắc quy mô không lớn vì NHNN phải ưu tiên tăng cung tiền, bơm vốn cho các NHTM xử lý nợ xấu, tăng thanh khoản. Kết cục là áp lực lạm phát có thể tăng lên.

Nhưng đây mới chỉ là một vế. Ở vế kia, nếu niềm tin trong dân chúng và doanh nghiệp thấp, cộng với triển vọng phục hồi kinh tế mù mịt, rủi ro đổ vỡ phá sản vẫn lớn thì cung tiền có tăng thêm nhưng rốt cuộc lại nằm chết trong hệ thống ngân hàng hoặc trở ngược lại NHNN thông qua kênh gửi vượt dự trữ bắt buộc hoặc đổi lấy tín phiếu NHNN và trái phiếu Chính phủ (tớ có viết về “bẫy thanh khoản” này), tác động xấu lên tổng cầu, và rốt cuộc cung tiền có tăng nhưng cũng không làm tăng áp lực lạm phát.

Tớ cho rằng nếu đi vay nước ngoài để xử lý nợ xấu thì tốt nhất là NHNN in tiền ra mà làm cái việc này, còn hiệu quả hơn và quan trọng nhất là không gây tổn thất cho ngân sách nhà nước.

T/b: Tớ đề nghị đồng chí bạn đọc nào có đề tài, vấn đề gì quan tâm thì cứ mang ra đây để tớ bình luận nhé, không thì tớ bó tay vì chẳng biết viết cái gì nữa rồi.

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).