Wednesday 23 January 2013

"Thành công" đến từ sự kìm nén

Tớ đã dự cảm rằng thế nào lạm phát trong mấy tháng đầu của năm nay sẽ tăng vọt. Để chắc ăn hơn, tớ đã định viết mấy dòng chỉ để các đồng chí bạn đọc thấy rõ rằng xu thế lạm phát quay lại và tăng lên là không thể tránh khỏi và nhấn mạnh rằng thế nào cũng sẽ có một số nguyên nhân khách quan nào đó được đưa ra để biện minh, làm nhẹ cái chuyện này. Nhưng sau tớ lại không viết nữa vì chắc nhiều người trong số các đồng chí cũng nghĩ như vậy và sẽ không hề ngạc nhiên khi thấy như vậy (và thực ra thì tớ cũng đã cảnh báo chuyện lạm phát này nhiều lần rồi).

Hôm nay, đọc được cái tin về lạm phát đã tăng vọt lên 1,25% trong tháng 1 này. Tuy đã dự cảm trước nhưng tớ vẫn hơi bị sốc về cái mức độ của nó. Và cũng như tớ nói ở trên, lý do đưa ra thì lại rất đơn giản - vì giá thuốc và dịch vụ y tế, và ở một quãng xa sau đó là ngành ăn uống và giày dép. Cũng như thông thường, có một cái lỗi rất ngớ ngẩn (mà không biết có phải là lỗi thật hay người ta cố tình sai như vậy) là đổ lỗi cho lạm phát chung là do giá cả của một (số) nhóm hàng hóa dịch vụ nào đấy tăng lên, cứ như thể việc tăng giá của những hàng hóa và dịch vụ đó là khách quan, tự nhiên mà có, làm cho lạm phát tăng lên.

Đọc kỹ hơn một chút tin liên quan trên các báo thì thấy có chi tiết: "Đây (tức giá thuốc và dịch vụ y tế) cũng chính là nhóm gây ra tốc độ tăng đột biến ở tháng 9 năm ngoái. Sau khi được phép tăng kịch trần dịch vụ y tế, hàng loạt các tỉnh, thành phố đã đồng loạt tăng phí khiến chỉ số giá của nhóm khi đó tăng hơn 17%, riêng dịch vụ y tế tăng 23%. Ngay sau đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo cần giãn thời gian tăng giá trong năm 2012. Tuy nhiên, bước sang năm 2013, Tổng Cục Thống kê cũng đã “cảnh báo” còn tới 30 địa phương chưa tăng giá thuốc và dịch vụ y tế. Vậy nên, tháng 1, nhóm này “tăng bù” là tất yếu."

Điều buồn cười chứa đựng trong những thông điệp kể trên là người ta cứ làm như cái bọn "địa phương" này thật cứng đầu cứng cổ, cố tình không nghe Thủ tướng chỉ đạo, cố tình tăng giá thuốc và dịch vụ y tế, từ đó mới làm tăng lạm phát, chứ không thèm tự đặt câu hỏi và tự trả lời, vậy ai/cái gì buộc các địa phương này buộc phải "không nghe" lời Thủ tướng và tăng giá?

Biết tự hỏi thì cũng sẽ biết tự trả lời được. Những chỉ đạo kiểu trên chỉ có thể dẫn đến một sự trì hoãn chứ không thể là giải pháp căn bản cho vấn đề. Giá cả mọi thứ đều tăng sẽ dẫn đến chi phí hoạt động tăng. Theo lẽ thông thường, giá bán sản phẩm và hàng hóa cũng phải được tăng lên ở mức độ nào đó để đảm bảo doanh nghiệp có lợi nhuận để tồn tại trong bối cảnh giá đầu vào tăng lên như thế này. Nếu mông muội buộc doanh nghiệp không được tăng giá bán thì cung sẽ co hẹp lại (làm làm gì để càng làm càng lỗ?). Vì không cho tăng giá thì chẳng có ai làm cả nên rốt cuộc thì cũng phải thả ra. Thả ra lúc nào thì giá sẽ tăng bù lại lúc đấy, đây là tất yếu chứ chẳng phải sự ngẫu nhiên hay bất thường gì cả.

Nếu đã hiểu thế rồi thì đừng có bao giờ mông muội đi kìm nén cái này cái kia. Chống lạm phát như thế thì dễ ợt, xin dành cho trẻ con làm trò tiêu khiển. Và cũng từ đây, cái gọi là "thành công" trong ổn định kinh tế vĩ mô năm 2012 như vẫn tự sướng với nhau (với lạm phát 7%) không thể là thành công được vì nó chỉ đạt được với cái giá phải trả cho những tháng năm sau đó. Hay nói cách khác là đã "tạm ứng" hết "room" trong chỉ tiêu lạm phát của năm nay cho năm vừa rồi rồi.

Nguy hiểm hơn, đây mới chỉ là đoạn dạo đầu. Áp lực lạm phát trong các tháng sau còn lớn hơn nhiều do cung tiền và tín dụng đã tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm 2012. Cộng với giá của các hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng lên trong năm nay theo "lộ trình điều chỉnh" (1 phần cũng chỉ vì bị kìm nén những lần trước), hãy chuẩn bị mà đón nhận lạm phát ở mức sốc hơn nữa. Và nữa, trừ khi tiếp tục "tạm ứng" hết "room" trong chỉ tiêu lạm phát của năm 2014 theo cái võ "chỉ đạo" như trên thì lạm phát năm 2013 này mới dừng lại ở con số 7% như năm ngoái, chứ chưa dám nói là thấp hơn thế.

Hãy chuẩn bị tinh thần đừng bị sốc như tớ nhé, hỡi các đồng chí.

P/s: À quên không nói thêm rằng cái lý do mang tính thời vụ như kiểu này: "... giá thực phẩm đã tăng tới 1,96%. Đây là hiện tượng mang tính chu kỳ và mùa vụ, vào cuối năm, thời điểm giáp Tết nguyên đán, nhu cầu tăng cao nên giá cả các mặt hàng thực phẩm đã leo thang", hoặc đổ tại ngày (gần) Tết nên chi tiêu nhiều, như vẫn thường nghe thấy các đồng chí quan chức khua môi múa mép (và chắc chắn sẽ nghe thấy vào tháng 2 dịp Tết nguyên đán tới đây) là cái lý do rất vớ vấn và cũng mông muội không kém. Đã là chỉ số so sánh với cùng kỳ năm ngoái thì phải hiểu là sẽ không còn mang tính thời vụ nữa. 


Đài Bắc du ký (phần 2)

Tớ quên không đề cập đến ở Phần 1 về chuyện đi thăm Aboriginal Center. Đồng chí nào nếu không có ý định mua hươu bao tử sấy khô nghiền thành bột với cái mùi nồng khẳn mà không cẩn thận sẽ “cho chó ăn chè” khi uống, hay nấm linh chi made in Korea và tổ ong thì đừng có đến chỗ này. Nghe cái tên thì sẽ hình dung được đến thăm một cái nơi như kiểu khu bảo tồn của người da đỏ ở Mỹ (xin lỗi là tớ cũng chưa đến đó!). Nơi tớ đến là một ngôi nhà độ vài chục mét vuông, chẳng có thổ dân nào cả mà chỉ toàn “người Kinh” mặc áo dân tộc thế là thành thổ dân để ra sức mời chào bạn mua hàng của họ, chủ yếu là cái loại bột nồng khẳn trên (có cả một con hươu bao tử sấy khô đen sì làm mẫu) mà được quảng cáo là chữa được hen suyễn, nấm linh chi đặc biệt của/chỉ có ở Đài Loan (mà sau được đồng chí vợ điều tra tại hiệu thuốc nơi khác thì hóa ra là của Hàn Quốc), hay sữa ong chúa chữa được cái nọ cái kia v.v… với giá trên giời. Tất nhiên là cái center này cũng không quên trang điểm thêm cho nó mấy cái bức tranh hay trang trí gì đó gợi cho người ta chút liên tưởng đến chữ “thổ dân”. Nhanh chóng chuồn sau bài diễn thuyết mãi võ Sơn Đông bán hàng của nhân viên thổ dân, tớ tự an ủi rằng chuyện này ở đâu mà chẳng có, và tự chia buồn với mấy đồng chí này rằng ai cũng như tớ thì thật là thảm họa cho họ.
            Lại nói về lúc được thả ở cái chợ đêm gần nhà để làm cái việc thỏa mãn dạ dày. Cái chợ đêm đó thực ra chủ yếu là hàng ăn đêm nằm ở một con phố ngắn gần một cái trường học, buổi tối đêm được thả tự do cho các hàng ăn di động dọn ra trong lòng phố, còn một bên mặt phố (đối diện với trường học) thì vẫn là các quán ăn trong nhà dọn hàng từ sáng. Đi rảo một vòng từ đầu phố đến cuối, đứng tần ngần trước cửa một quán, bập bõm đọc các món ăn bằng tiếng Trung trên cái bảng gỗ treo bên ngoài theo lối tiếng Nhật để cố gắng đại khái biết nó là quán bán món gì. Đang làu bàu lắm chữ, khó…vô quá, chẳng thể hiểu là những cái gì thì chợt bên cạnh một giọng nữ cất lên. Tớ không nghe rõ và để ý lắm, nhưng đồng chí vợ nhanh tai, nhanh miệng tóm ngay lấy một cô-không-bé đang ngồi nặn bánh sủi cảo ở ngoài quầy, mặt bịt khẩu trang kín mít. Hóa ra cô ta là người Việt và vừa nói tiếng Việt với tớ!
            Nói được mấy câu về thực đơn thì có thêm một một chàng và một nàng người Việt khác trong quán chạy ra tham gia câu chuyện và giúp bọn tớ chọn đồ ăn. Hỏi han, câu trả lời của người này thì là sang đây đi học, người kia thì là đi làm. Cô-không-bé thì hỏi lại anh chị là khách du lịch từ Việt Nam à, sao lại xin được visa, vì bản thân muốn xin cho chồng sang bằng con đường du lịch nhưng thấy khó quá. Tớ cũng chẳng biết tại sao, lý do nào mà cô này sang đây được và “hạ cánh” ở cái quán ăn đó, cũng như mấy chàng và nàng đồng hương kia. Có điều tớ để ý là suốt từ đầu đến lúc chúng tớ ăn xong và ra về sau khi con cà con kê một lúc với họ, cô này không hề lột cái khẩu trang ra để dù chỉ là cười đãi bôi với tớ một cái. Tớ để ý đến chuyện này vì tối hôm sau ra ăn ở một hàng khác gần đó, lại đụng đúng cô này, nói là đây mới là quán em làm chính. Tất nhiên, vẫn cái khẩu trang che kín gần hết khuôn mặt chỉ hở mỗi đôi mắt. Tớ trộm nghĩ, chắc không phải cô ta “ma chê quỷ hờn” gì (vì vẫn có chồng con!) mà cũng chẳng phải vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (vì mấy đồng chí đồng hương chạy bàn có đeo cái gì đâu). Chắc có thể cô này có vấn đề gì đó với chính quyền nên không dám để lộ mặt, sợ bị “hốt” vào trại giam trước khi bị tống về nước sau khi người nhà đã lo đủ tiền để mua vé máy bay và nộp phạt (chuyện phạt này tớ sẽ nói thêm sau).
            Ngày hôm sau (hình như 28/12 thì phải), theo châm ngôn “tất cả vì con em chúng ta”, nhà tớ tiến hành chương trình đi thăm vườn thú, vì thằng cu con nhìn thấy trên internet có gấu panda mà lần cuối cùng nó nhìn thấy là ở Bắc Kinh khi nó mới 4 tuổi (chắc quên tiệt hết rồi). Trái với tưởng tượng không mấy hào hứng lắm của bố mẹ, vườn thú Đài Bắc khá rộng, đẹp và quy củ. Độ 20-30 phút đi MRT (tàu điện lúc ngầm, lúc nổi) từ khách sạn, vườn thú đã hiện ra náo nhiệt với một huyện người đứng xếp hàng mua vé vì hình như dân Đài Loan bắt đầu được nghỉ lễ dài ngày từ hôm này.
            Lần đầu tiên mua vé vào cửa ở xứ Đài này (và sau lần đó), tớ để ý thấy hóa ra nước họ cũng xã hội chủ nghĩa ra phết, có nghĩa là luôn có một danh sách các thể loại người được mua vé với giá ưu đãi (bằng phân nửa, thậm chí là miễn phí), gồm lính tráng (quân đội, cảnh sát), người tàn tật, thậm chí là người nghèo (tất nhiên những đối tượng này phải chìa giấy chứng nhận ra khi mua vé), chưa kể đương nhiên có người già, trẻ em.
            Nhìn phong cách xếp hàng mua vé và đứng đợi shuttle bus/train trong vườn thú, có thể nói dân Đài Loan khá văn minh. Chỉ có điều, bản chất dân Tầu vẫn không mai một hết khi nó được thể hiện ở cái sự oang oang chốn công cộng của nhiều người (tớ cũng chẳng biết hay những người oang oang này là Tầu đại lục hay không nữa).
            Ngoài sự sạch sẽ, quy củ như thấy ở các nơi khác, đáng ấn tượng là vườn thú - nằm lọt trong một lòng chảo được quây bởi mấy ngọn núi thấp xung quanh – có mầu xanh mát mắt của cây cối bên trong lòng và xung quanh, trên các quả núi với những tán cây rậm rạp, xanh tốt. Về chuyện môi trường xanh sạch này, tớ sẽ nói thêm ở phần sau, sau khi đã lượn qua mấy khu vực trong và ngoại thành, rồi lên núi và xuống sông.
            Buổi chiều muộn, vì thằng cu không có hứng thú xem những con vật khác ngoài panda và koala nên nhà tớ lấp chỗ trống bằng việc đi MRT đến chùa Longshan (Long Sơn), vốn được đồng chí tour guide hôm trước “đề xuất” như là một nơi nên thăm thú. Đây có lẽ là ngôi chùa to nhất ở Đài Bắc.
            Đến nơi, ngay từ cổng đã thấy sự bề thế và quy mô của ngôi chùa bằng một đám đông con nhang phật tử hương khói vái lậy từ ngoài vào đến trong. Lần đầu tiên tớ mới thấy một ngôi chùa với những hàng cột gỗ 1 người ôm chạm trổ rồng phượng một cách khá tinh tế đến độ người ta phải quấn lưới sắt bảo vệ ra bên ngoài. Không lễ bái gì (vì mắt còn phải nghếch nhìn… một số thứ khác hay ho hơn) nên tớ cũng chẳng nhớ rõ tượng trong chùa lắm, nhưng hình như là cũng tương xứng với ngôi chùa này. Lượn từ mặt tiền đến mặt hậu, thấy cái văn hóa chùa chiền này sao giống ở Việt Nam đến thế, tự nhủ rằng chắc từ cùng một nguồn.
            Hôm đó hình như là ngày rằm hay gì đó, chùa bày cỗ chay. Cách cổng chùa một đoạn, gần ga MRT, thấy nhiều người lang thang trên tay cầm một cái bánh bao to. Hóa ra là chùa phát chẩn khi tớ thấy một bác già đặt một cái thùng nan tre xuống đất lôi bánh ra phát cho những người qua đường. Chợt nhận ra Đài Bắc cũng có rất nhiều người vô gia cư, cơ nhỡ, tất nhiên các đồng chí sẽ chẳng bao giờ thấy cảnh người ăn mặc rách rưới ngửa tay xin tiền ngoài đường như ở Việt Nam.
            Ngày hôm đó kết thúc bằng bữa tối tại cái chợ đêm hôm trước. Lần này bọn tớ quyết định xơi món gà vì mấy hôm trước đã ăn bò lợn thậm chí là dê đủ hết rồi. Nhớ có một quán treo mấy con gà luộc/hấp gì đó bóng mỡ thấy hôm trước bèn mò vào, mặc dù cũng chưa có khái niệm về những món gì sẽ được dọn ra. Cũng lại đang chỉ chỏ và đánh vần với nhau mấy cái ảnh về món ăn dán đầy trên tường thì giật mình khi nghe một giọng miền Nam (tất nhiên là của Việt Nam, vùng nào thì chịu) cất lên đằng sau lưng, ủa người Việt hả?!
            Với sự giúp đỡ của cô nhân viên chạy bàn người Việt khá trắng trẻo xinh xắn người miền Nam này, nhà tớ đặt được món gà luộc/hấp gì đó mà lúc ăn thì thấy như gà sống thiến luộc ở Việt Nam. Càng khẳng định điều này khi thấy những bức ảnh chủ nhà hay ai đó chụp bên những chú gà sống vâm vam. Thêm bát nước mắm dầm ớt, chợt nhớ ra là lâu lắm rồi (từ Tết năm trước) mới thấy lại cái hương vị đậm chất, đậm mùi Việt Nam khó mà̉ có ở những nơi như Sing, nơi chỉ rặt những thứ thịt gà mềm mềm, bở bở, nhạt nhẽo.
            Ngó sang những bàn bên cạnh, thấy dân Đài Loan này chén khá khỏe, khi trước mặt mỗi người là những đĩa thịt đầy, bát cơm cũng trải thêm một lớp thịt băm hay cái gì đó băm phủ bên trên. Ăn không hết, thậm chí bát canh ăn dở cũng được trút vào túi nilon mang về. Có nhà, bố mẹ ăn xong, đã trút bát canh vào túi rồi, thấy con đến (chắc là trễ hẹn), lại dốc túi nilon đổ ra để con ăn tiếp. Mọi việc diễn ra tự nhiên và hợp lý như cái sự vốn có của nó.
            Ăn xong, ra ngoài lại gặp cô-không-bé hôm trước bước vào quán, tất nhiên vẫn sùm sụp cái khẩu trang. Lại một màn chào hỏi líu lo trong con mắt tò mò của nhân viên bản địa. Hóa ra quán này cũng có một vài người Việt phục vụ nữa. Có lẽ cái chợ đêm là nơi kiếm sống của mấy đồng chí này. Cũng mừng cho họ, khi nhu cầu cuộc sống vẫn tạo ra công ăn việc làm cho họ (nhưng không chắc có là chân chính không nếu họ là lao động bất hợp pháp). Chợt nhìn lại mình, thấy phải cảm ơn số phận khi được tự do đi lại, nói năng, làm việc kiếm tiền và… đi chơi.
(Còn nữa)

Tuesday 22 January 2013

Những bất cập trong mô hình xử lý nợ khó đòi kiểu Trung Quốc (Post lại)

Bài này tớ viết từ năm 2006 trên VnEconomy (không tìm được bài gốc), hôm nay rỗi rãi đọc chơi internet thấy lại nó và thấy nó rất đúng với Việt Nam (hiện tại và tương lai) nên post lại để các đồng chí tham khảo. Các đồng chí có thể hình dung điều gì sẽ xảy ra sau khi VAMC được thành lập ở Việt Nam.

http://www.ncseif.gov.vn/sites/en/Pages/nhungbatcaptrongmohinh-nd-3732.html

-----------
Từ cuối thập kỷ trước, nợ khó đòi trong các ngân hàng thương mại quốc doanh Trung Quốc đã trở thành một quả bom hẹn giờ đặt trong lòng ngành tài chính nước này, với mức nợ khó đòi lên tới khoảng 10-25% tổng dư nợ cho vay, tùy theo ước tính.
    Một phần các khoản cho vay khó đòi này là các khoản cho vay đầu tư vào bất động sản, đầu cơ chứng khoán, và các dự án sản xuất quá tham vọng trong thời kỳ kinh tế bong bóng của thập kỷ 90. Một phần lớn hơn là các khoản tín dụng gần như cấp phát cho các doanh nghiệp nhà nước (tổng số lên tới 17.000 doanh nghiệp lớn), trong số đó có nhiều doanh nghiệp thua lỗ triền miên, phải phụ thuộc vào trợ giúp về vốn của nhà nước, thông qua các ngân hàng thương mại quốc doanh, để tồn tại.
    Nợ khó đòi đã làm cho một ngân hàng thương mại và hàng chục tổ chức đầu tư tín thác phải đóng cửa vì mất khả năng chi trả, và tiếp tục đe dọa sự tồn tại của nhiều tổ chức tín dụng khác. Các ngân hàng thương mại quốc doanh, chiếm đến trên 80% tổng dư nợ cho vay trong hệ thống ngân hàng, đã cố gắng giải quyết vấn đề nợ khó đòi nhưng họ không hành động đủ nhanh.
    Trong những năm 90, họ chỉ có khả năng thanh lý được khoảng 30-60 tỷ NDT nợ khó đòi hàng năm. Năm 1998, Bộ Tài chính Trung Quốc cũng đã bơm thêm 270 tỷ NDT vốn từ trái phiếu chính phủ cho các ngân hàng thương mại quốc doanh này. Tuy nhiên, con số này cũng chỉ như muối bỏ bể trước khối lượng nợ khó đòi khổng lồ ước tính khoảng 1,4 nghìn tỷ NDT.
    Nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, chính phủ Trung Quốc đã thành lập lần lượt bốn tổ chức quản lý tài sản (AMC) năm 1999 như là một giải pháp tối thượng cho vấn đề nợ khó đòi vì thông qua các AMC, ngân hàng thương mại có thể ngay lập tức gạt bỏ các khoản nợ khó đòi ra khỏi bảng tổng kết tài sản để trở nên lành mạnh hơn.
    Tổ chức AMC đầu tiên có tên là Cinda, trực thuộc Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) có nhiệm vụ thanh lý 200 tỷ NDT (tương đương 24,1 tỷ đôla) của ngân hàng này. Ba tổ AMC khác, Huarong, Great Wall, và Orient trực thuộc và có nhiệm vụ thanh lý nợ khó đòi ở ba ngân hàng thương mại quốc doanh khác là Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc.
    Được thành lập theo mô hình của tổ chức Resolution Trust and Corporation của Mỹ, các tổ chức AMC của Trung Quốc có một nhiệm vụ lớn: “dọn dẹp” các khoản nợ khó đòi làm trong sạch bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại.
    Về nhân lực, đội ngũ nhân viên của các tổ chức AMC chủ yếu là từ các ngân hàng mẹ chuyển sang. Về vốn, chúng được chính phủ cấp cho một khoản vốn ban đầu để hoạt động (Bộ Tài chính cấp 10 tỷ NDT, tương đương 1,2 tỷ đôla, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cấp 500 tỷ NDT), còn lại là phát hành 800 tỷ NDT trái phiếu cho các ngân hàng để thu hút vốn hoạt động.
    Các tổ chức này có thể khởi xướng thanh lý tài sản, hoán đổi nợ sang cổ phần, tổ chức đấu giá các khỏan nợ, và kể cả tham gia trực tiếp vào quản lý các doanh nghiệp có nợ của họ. Tuy nhiên, chỉ có các khoản nợ trước năm 1996 mới thuộc phạm vi quản lý của họ.
    Một câu hỏi đặt ra, vậy các AMC làm gì với các khoản nợ khó đòi tiếp nhận từ các ngân hàng thương mại này?
    Thực ra, nhiều nhà quan sát cho rằng hành động lập nên các AMC để giải quyết nợ khó đòi cũng chỉ như việc rút tiền từ túi bên trái rồi nhét vào túi bên phải, chẳng có khác biệt đáng kể gì diễn ra. Bản thân các AMC đến lượt mình cũng đang phải đau đầu tìm cách giải quyết số nợ tiếp nhận này.
    Mặc dù có nhiều lý thuyết bàn đến việc AMC có thể làm với đống tài sản nhận về này, nhưng thực tế hầu như chẳng có gì xảy ra. Các AMC mới chỉ tìm cách bán đi được một phần những khoản nợ tốt nhất trong số những khoản nợ xấu có trong tay, vẫn còn lại tới 95% số nợ phải thanh lý, trong khi không có mấy khách hàng mới tìm đến.
    Nói cách khác, thành lập AMC về danh nghĩa đúng là cách thức tất yếu phải tiến hành, nhưng vấn đề tiếp theo là phải tiến hành việc bán các khoản nợ khó đòi nhận về này như thế nào. Ví dụ, năm 2004, tức năm sau khi thành lập, các AMC này mới bán được chưa đến một nửa trong tổng số 169 tỷ đôla nợ khó đòi của “tứ đại” ngân hàng thương mại quốc doanh nói trên, thu về được có 12 tỷ đôla trong khi trị giá trị danh nghĩa của những khoản nợ được thanh lý là 73 tỷ đôla.
    Ngoài ra, trong việc xử lý nợ khó đòi hiện nay, các AMC gặp phải nhiều trở ngại. Chẳng hạn, Huarong Asset Management, là tổ chức AMC chịu trách nhiệm thanh lý nợ khó đòi cho Ngân hàng Công thương Trung Quốc, không có chút quyền lực nào trong việc quyết định bán nợ. Các khoản nợ xấu được chuyển ra khỏi ngân hàng này cho các AMC theo nguyên giá, mặc dù người ta thừa biết rằng giá trị thực của các khoản nợ này thấp xa so với giá gốc, và được đưa ra bán đấu giá, tức là chấp nhận mất mát lớn. Chúng sẽ bị bán với mức chiết khấu lớn, đối với một số khoản lên tới 90% giá gốc. Phần thu được sẽ được nộp vào ngân khố nhà nước.
    Nhưng sự việc không phải đơn giản như vậy. Các AMC có thể đồng ý tiến hành bán đấu giá các khoản nợ xấu, chẳng hạn với giá bằng 70% giá gốc, nhưng họ vẫn phải đợi Bộ Tài chính phê chuẩn vì nó mới là người ra quyết định cuối cùng. Nếu nó không đồng ý với giá này thì các khoản nợ đó vẫn nằm đấy, đợi một đợt đấu giá khác.
    Có những khác biệt cơ bản về bản chất của AMC ở Trung Quốc với các nước khác ở khu vực, ví dụ như Hàn Quốc. Khác biệt đầu tiên là những tài sản quản lý được chuyển nhượng từ ngân hàng sang AMC theo giá danh nghĩa ở Trung Quốc. Thứ hai, trong số 1,4 nghìn tỷ NDT nợ khó đòi cần chuyển nhượng, có khoảng 400 tỷ NDT là các khoản hoán đổi nợ lấy cổ phần. AMC sẽ chủ động quản lý các doanh nghiệp hoặc gián tiếp tác động để doanh nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực. Sau khi các doanh nghiệp tăng được doanh thu, các AMC sẽ thu hồi nợ.
    Nhưng tỷ lệ thu hồi này chỉ vào 32%, là mức rất thấp so với chuẩn quốc tế. Kamco, một AMC của Hàn Quốc, đạt tỷ lệ thu hồi tới 49%. Nhưng vì một tỷ trọng lớn các khoản cho vay ở Trung Quốc là không có tài sản thế chấp, nên dễ hiểu tại sao tỷ lệ thu hồi nợ lại thấp hơn.
    Nếu tỷ lệ thu hồi thấp như vậy, làm sao các AMC có đủ khả năng tài chính chi trả cho khoản 800 tỷ NDT trái phiếu phát hành cho các ngân hàng thương mại? Riêng Huarong đã phát hành 313 tỷ NDT trái phiếu 10 năm cho Ngân hàng Công thương Trung Quốc với lãi suất 2,25%, nhưng mới chỉ có khả năng tập hợp và bán được 300 tỷ NDT nợ khó đòi.
    Nhiều chuyên gia cho rằng các AMC không có khả năng chi trả gốc và lãi cho khối lượng trái phiếu đã phát hành, vì nếu chỉ dựa vào doanh số thanh lý các khoản nợ khó đòi thì không thể đủ được. Có lẽ các ngân hàng đang treo lãi các khoản đầu tư vào trái phiếu này. Nói cách khác, các ngân hàng lại có thêm nợ khó đòi.
    Khi các trái phiếu này đến hạn, các AMC cần phải chi trả ngay lập tức một khoản tiền cực lớn, mà khả năng này chắc chắn là không xảy ra. Cuối cùng thì chính Bộ Tài chính sẽ phải móc hầu bao ra và/hoặc chịu tổn thất. Như vậy, không có gì quá lời khi nói rằng chính phủ chẳng qua chỉ chuyển tiền từ túi này sang túi khác. Nhưng câu hỏi chưa có lời đáp là những túi này lớn như thế nào.
    Tóm lại, có thể thấy rằng các AMC ở Trung Quốc chỉ có tác dụng làm sạch bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại quốc doanh trước mắt, trong ngắn hạn để giúp chúng hấp dẫn hơn trong con mắt nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, trong khi nguồn gốc sâu xa của vấn đề nợ khó đòi vẫn còn đó, chưa (và sẽ không) được giải quyết triệt để (vì những lý do chính trị do động chạm đến các doanh nghiệp nhà nước), và khi mà tương lai của việc thanh lý dứt điểm với tỷ lệ thu hồi cao các khoản nợ khó đòi là rất mờ mịt.
    Như vậy, việc học tập mô hình xử lý nợ khó đòi kiểu Trung Quốc như thế này ở Việt Nam như hiện tại được dự báo sẽ vấp phải những vấn đề nan giải mà Trung Quốc đang và sẽ vấp phải.
    Đã đến lúc Việt Nam cần phải tìm một giải pháp toàn diện, triệt để, và hữu hiệu hơn cho vấn đề nợ khó đòi, vốn cũng chiếm từ 10 đến 20% tổng dư nợ cho vay, tùy theo ước tính, chứ không nên đơn thuần quan niệm rằng thành lập AMC là điều kiện cần và đủ để giải quyết vấn đề này.

Monday 21 January 2013

Đài Bắc du ký (phần 1)

 (Tớ bí chữ, chẳng biết viết gì bèn mạnh dạn nhảy sang lĩnh vực du lịch mì ăn liền này. Bạn đọc đọc góp ý cho tớ xem là có thể mang bài này đi nộp ở báo nào đó để lấy nhuận bút cho qua cơn khốn khó tiền nong này được không nhé?)
 ----------------------------------------
Tớ không phải là người thích đi (du lịch) cho lắm và cũng không phải người biết thưởng thức du lịch. Nhưng như lẽ thường,̀ được nghỉ phép 1 tháng mà không đi đâu đó cho bằng bạn bằng bè thì xem ra không chỉ tủi cho cái bản thân mà còn tủi hơn cho thằng cu con vì nó nói ấm ức rằng bạn bè trong lớp nó đã có kế hoạch đi sơ tán ra nước ngoài hết trong đợt nghỉ tết tây rồi. Đành phải quên mình vượt khó, xác định điểm đến đâu đó. Chợt nhớ ra, trong châu Á này có Đài Loan là nơi chưa đến và cũng đã dự định đi để cho… đủ bộ từ lâu rồi (hồi còn ở Nhật) nên quyết tâm đi đợt này.
            Đặt chỗ tương đối muộn vào mùa cao điểm nên các hãng du lịch ở Singapore chỉ có khả năng giúp tớ mua được gói du lịch gồm vé máy bay kèm khách sạn và một chuyến đi miễn phí trong Đài Bắc. Đành vậy, không quyết định lấy ngay thì đến cả vé máy bay cũng đừng hòng mà nghĩ đến nên gật cái rụp, chọn chuyến đi trọn gói 1 tuần chỉ trong Đài Bắc.
            Chuyến bay của hãng TranAsia rời Singapore vào lúc gần 1h sáng, mất hơn 4h bay để đến được sân bay Taoyuan (Đào Nguyên). Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt lúc lên máy bay là “dàn” tiếp viên mảnh mai, cao ráo, có nét xinh xắn kiểu vùng Bắc Á với da trắng mịn, mắt to, gương mặt nhẹ nhõm, thanh thoát kèm cái mũi thanh tú, và cũng hay … mỉm cười.  Tuy vậy, điều mà tiếp viên của các hãng như Vietnam Airlines có thể tự an ủi là tiếng Anh của tiếp viên Đài Loan không xuất sắc lắm.
            Xuống sân bay Đào Nguyên, thấy hơi… thất vọng vì mọi thứ trông bình thường quá, nhưng tự nhủ chắc tại họ đang sửa sang, nâng cấp với nhiều khu vực được quây ván kín. Nhưng thực ra cái đáng thất vọng nhiều hơn lại ở sau đó, khi đứng đợi hành lý mà mất đến hơn nửa tiếng mới thấy mấy cái vali (to đùng, toàn quần áo ấm vì xem dự báo thời tiết thấy bảo nhiệt độ chỉ có mấy đô) trên băng chuyềṇ. Ở cái điểm này, sân bay Nội Bài xem ra cũng được tự an ủi nhiều!
            Ra khỏi cổng đã thấy có người của công ty du lịch đứng đón với bảng tên trên tay. Thế là lên xe trực chỉ về Đài Bắc, cách sân bay độ 40-50 phút xe chạy. Cảm nhận thấy hạ tầng đường xá ở đây khá tốt với nhiều làn đường cao tốc đan xen trên trời, dưới đất, xe chạy nườm nượp với tốc độ cao. Tuy thế, sự phát triển dường như vẫn tiếp diễn với những đoạn đường cao tốc trên đầu đang được xây dựng.
            Vào đến ngay trung tâm thành phố cũng thấy hơi … buồn cho Đài Bắc khi bộ mặt phố xá không được lộng lẫy cho lắm như tưởng tượng, với nhiều tòa nhà cũ kỹ, xám xịt với lô nhô, lố nhố những chuồng cọp và máy điều hòa (loại cổ), và chạy ngang chạy dọc là đủ loại ống dẫn và dây điện cho dù ngay ở mặt tiền. Về điều này, Hà Nội hay Sài Gòn cũng được đôi phần an ủi vì hiện tượng chuồng cọp của mình̀ không phải là lẻ loi.
            Và nữa, có rất nhiều xe máy (loại xe ga) chạy đầy đường. Tớ thì cho rằng muốn biết nhanh mức độ giàu có của công dân của một quốc gia nào đó thì hãy nhìn ngay vào phương tiện đi lại của họ. Trên khía cạnh này thì quả thật Đài Loan chẳng thể so với Nhật, Hong Kong, Nam Hàn hay Singapore khi một tỷ lệ lớn phương tiện lưu thông trên đường là xe máy. Mà xe máy của họ cũng thường thường, hình như chủ yếu là các nhãn hiệu nội địa.
            “Chê” đến đây tạm thế đã, tớ phải khen ngay Đài Bắc (không rõ toàn Đài Loan có vậy không) một điểm rằng thành phố rất sạch sẽ, ở cái nghĩa là rất ít thấy rác rưởi. Đường xa, vỉa hè tuy cũng lồi lõm, chắp vá nhưng trông lúc nào cũng như là mới có người quét dọn. Bởi thế, khi tớ và đồng chí vợ đang ngồi trong sảnh khách sạn để chờ nhận phòng chợt bị sốc. Một chị tầm 30-40 tuổi ra máy điện thoại công cộng ở sảnh gọi điện, đang nói mấy câu chợt… khạc, rồi… nhổ toẹt một phát xuống nền đá hóa bóng lộn, trước mặt bao người. Về sau, đồng chí vợ khi nói chuyện với lễ tân, đem thắc mắc này ra hỏi thì được giải đáp rằng có lẽ chị kia là Tàu… nội địa! Hy vọng là vậy, và càng tin tưởng hơn sau đó mấy ngày đi bát phố.
            Chương trình hôm đầu tiên ở Đài Bắc coi như bỏ vì việc đầu tiên cần làm là ngủ vùi ở khách sạn sau 1 đêm vật vờ trên máy bay và ở sân bay. Buổi chiều dậy, sau khi ăn uống qua loa thấy hơi hồi hồi sức bèn quyết định lang thang trong bán kính đi bộ 30 phút xung quanh khách sạn. May quá, chỗ có thể đến được là nhà ga trung tâm và cạnh đó là nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn. Ấn tượng hài lòng về sự ngăn nắp, sạch sẽ tăng lên sau khi đi qua 2 nơi này, mà theo tớ, mang đậm dấu ấn kiến trúc Nhật Bản. (Tớ không định thuật lại chi tiết những nơi đã qua có những gì. Mời các đồng chí bạn đọc tự google, còn biết chi tiết hơn tớ). Thời tiết đúng là luôn ngược lại với dự báo, chỉ hơi lành lạnh như chớm đông ở Hà Nội nên áo khoác ấm buộc phải cởi ra để trong ba lô.
            Buổi tối, đói và mệt (vì còn bị lạc đường khi đi về khách sạn), bèn “ngã” đại vào một quán lẩu dọc đường, người ngồi quây kín một dẫy bàn hình chữ U chạy suốt cả quán. Đồ ăn khá rẻ (đâu như 120-150 đôla Đài/xuất – khoảng 4-5 USD gì̀ đó) và khá ngon, hợp khẩu vị nên ngay cả thằng cu vốn thuộc loại “con nhà lính tính nhà quan”, không có năng khiếu ăn cũng thun thút mà chẳng cần lấy mấy lời giục giã như bình thường.
            Về khách sạn, thấy kín đặc từng đoàn đợi check in, check out. Nghe tiếng thì chịu chẳng biết là Tầu nội hay Tầu ngoại, nhưng nhìn phong cách có thể đoán là nội chính cống. Hôm sau, lúc đi cùng tour guide thì mới được biết rằng mỗi ngày Đài Loan chỉ cho phép 4 nghìn chú Tầu nội địa được nhập khẩu vào Đài Loan du lịch. Trộm nghĩ, nếu không có cái quy định này thì cầm chắc Đài Loan chìm nghỉm xuống biển vì những người anh em từ bên kia eo biển trèo sang ngay từ ngày đầu tiên mở cửa cho du lịch từ Đại lục rồi.
            Sáng hôm sau là một ngày tương đối nhàn hạ khi một nhà, một xe, một tour guide kiêm lái xe nói tàm tạm tiếng Anh chở đi chơi trong thành phố 1 ngày miễn phí theo chương trình. Quả là tour miễn phí vì các nơi đến toàn là những nơi vào cửa cũng… miễn phí, gồm có nhà tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, Jiufen, Arboriginal Center, phố bán quần áo, và sau cùng là một cái chợ đêm nào đó!
            Về cái nhà tưởng niệm đồng chí Tưởng Giới Thạch, bọn tớ chọn đúng lúc sẽ diễn ra cảnh đổi gác (hình như diễn ra mỗi giờ) của lính canh để vào xem nên chứng kiến ngay từ đầu cảnh này. Điều tớ thấy ngộ nhất là những phút cả 5 chú lính gác đầu đội mũ mạ crom sáng choang đứng nghiêm quay mặt về phía đồng chí Tưởng (tất nhiên chỉ là cái tượng to uỳnh của đồng chí ấy), mà theo đồng chí tour guide thì mắt không được chớp dù một nhát (không biết là phải nhìn lên hay nhìn xuống, vì tớ không nhìn thấy). Tớ thấy đồng chí Tưởng quả như là vua đang ngồi bệ vệ tít trên cái đài cao đến 2-3 mét để cho quần thần bên dưới chầu lậy trong tư thế của xác ướp Ai Cập. Có điều tớ phải công nhận rằng cái dáng đứng của 2 chú lính canh trong ca ở trên cái bục đặt về 2 bên của bức tượng Tưởng ăn đứt mấy đồng chí đứng gác ở Lăng Bác vì trông rất “ngầu” (chân trước, chân sau, trọng tâm dồn chân trước, nòng súng trong 1 tay chếch khoảng 70 độ so với mặt đất, còn tay kia thì hơi khuỳnh, nhưng hình như là lơ lửng, chẳng dựa vào đâu). Đã thế, có mấy chú, dạng như là “chuyên viên nghi thức”, chạy ra lẳng lặng bẻ tay, nắn chân của 2 chú lính gác trên bục cho đúng quy định. Thấy lạ, vì chẳng nhẽ mấy chú này không biết nên “đóng cửa bảo nhau” như ở ta, mà lại vạch ra cái sai ngay trước bàn dân thiên hạ thế (mà có ai biết đấy là đâu, du khách nào đi đo/đo được từng xen-ti-mét tư thế tay chân thế?). Quá là vạch áo cho người ta thấy rằng mấy chú lính gác này (hình như toàn là dạng lính xung phong – volunteer) đáng trả về nơi sản xuất à?
            Còn về Jiufen (Cửu Phần), thực ra là một ngôi làng nhỏ cho đến khi người ta phát hiện ra vàng ở khu vực này, trở nên cực thịnh trong thời Nhật xâm chiếm Đài Loan (chừng khoảng 50 năm cho đến năm 1945). Điều làm cho nó trở nên “hot” trở lại sau khi việc đào vàng lụi tàn và chính thức đóng cửa vào năm 1971 là nhờ có bộ phim “A City of Sadness” quay năm 1989 với các cảnh quay diễn ra ở làng này. Tớ thì chẳng biết, chẳng có ấn tượng chút gì xung quanh bộ phim, mà chỉ thấy cái làng này gợi lại bao hồi ức về nước Nhật, những ngôi làng nhỏ ở Nhật mà tớ đã đi qua. Cũng vẫn những lối đi nhỏ loanh quanh có những bậc thang bằng đá phiến lên xuống theo triền dốc, những ngôi nhà nhỏ xinh bằng gỗ, treo đèn lồng bên ngoài, những biển hiệu bằng gỗ với chữ Hán từa tựa tiếng Nhật (Hán tự), bên trong là các món quà “quê”, cũng được bày đặt khá tinh tế theo kiểu Nhật. Nhưng có lẽ đối với nhiều người không có những kỷ niệm với nước Nhật thì ngôi làng này chẳng mấy/có gì hấp dẫn ngoài những món quà vặt đó, kể cả bộ phim hay dấu tích còn lại của một rạp phim/hát nho nhỏ với cái máy chiếu phim hoen rỉ, cổ lỗ sĩ của Ý to đùng nằm im lìm một góc.
            Loanh quanh thế cũng đã gần hết ngày, nên tớ bảo đồng chí tour guide bỏ qua khi đồng chí ấy lái xe qua phố bán quần áo (trông như mấy dãy phố ở Hàng Ngang, Hàng Đào) và chở thẳng đến chợ đêm gần khách sạn mà theo đồng chí ấy thì có nhiều hàng ăn ngon.
(Còn nữa)

Friday 18 January 2013

Về Đề án Công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC) (Bài đăng trên Đại biểu Nhân dân)

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=270110

09:31 | 19/01/2013
Theo kế hoạch, Đề án Công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC) sẽ được trình Bộ Chính trị cho ý kiến và quyết định trong tháng 1 này, sau khi Chính phủ thảo luận hôm 27.12.2012. Hiện đã có một số thông tin đồn đoán về hình thức hoạt động của VAMC khi được thành lập, trong số đó những thông tin liên quan như cách thức định giá trị nợ xấu và nguồn tài chính để mua nợ xấu.
Về giá trị nợ xấu khi VAMC mua, một số báo cho biết, giá mua nợ xấu sẽ là giá trị sổ sách của khoản nợ xấu đó. Đây là điều khá ngạc nhiên vì nó quá “hào phóng” với ngân hàng có nợ xấu phải bán cho VAMC, trong khi đó lại có khả năng gây thiệt hại lớn cho VAMC. Chắc chắn các ngân hàng sẽ thích nếu VAMC mua nợ xấu theo giá trị sổ sách vì điều này vừa giúp ngân hàng làm sạch bảng cân đối kế toán, vừa giúp ngân hàng không phải ghi nhận lại toàn bộ tổn thất tín dụng ngay khi bán nợ xấu (là khoản tổn thất sẽ phát sinh nếu VAMC mua lại khoản nợ xấu theo giá trị tại thời điểm mua, như cách làm hiện nay của Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC)).
 
Điều đáng nói là, giá trị theo sổ sách theo cái nghĩa mà báo chí phỏng đoán dựa vào phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là giá trị ban đầu của khoản nợ, ví dụ là 100 đồng, trừ đi dự phòng rủi ro đã trích lập, ví dụ là 70 đồng, còn 30 đồng và VAMC chỉ cần trả 30 đồng này cho ngân hàng thì ngân hàng đó hết nợ xấu.
 
Nếu tính như trên thì 30 đồng đó không thể gọi là “giá trị theo sổ sách” của khoản nợ xấu được, mà phải gọi cho chính xác là “giá trị còn lại theo sổ sách” của khoản nợ xấu.
 
Điều đáng nói hơn là sẽ có khả năng dự phòng rủi ro đã trích lập thấp hơn nhiều so với con số 70 đồng nói trên, ví dụ chỉ 20 đồng, giả thiết là mức dự phòng phù hợp với các quy định trích lập dự phòng của NHNN tại thời điểm diễn ra đánh giá và mua bán nợ xấu giữa ngân hàng có nợ xấu và VAMC. Lúc đó, liệu VAMC sẽ/nên nhắm mắt chấp nhận mua khoản nợ xấu trên với giá 100 đồng – 20 đồng = 80 đồng, trong khi khả năng bán lại với cái giá 80 đồng là chưa biết, và hoàn toàn có thêm khả năng là chất lượng khoản nợ tiếp tục xấu đi sau khi VAMC mua? Nói cách khác, nếu mua bán dựa vào giá trị còn lại theo sổ sách của khoản nợ xấu thì VAMC luôn là người nắm đằng lưỡi dao, cho dù trên thực tế có thể là ngân hàng thương mại bị bắt buộc phải bán khoản nợ xấu đó cho VAMC khi tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đó đã vượt ngưỡng cho phép (chẳng hạn là 3% trên tổng dư nợ), chứ không phải là họ thực sự muốn tống khứ khoản nợ xấu đó khỏi bảng cân đối của mình bằng mọi giá.
 
Về nguồn tài chính mua nợ xấu, cũng vẫn theo những thông tin được hé lộ trong tuần qua trên một số báo phỏng đoán, thì VAMC sẽ hạn chế dùng tiền mặt (từ ngân sách), mà chủ yếu sẽ dựa vào phát hành trái phiếu xử lý nợ và các công cụ nợ là giấy tờ có giá (giấy chứng nhận nợ) để mua nợ xấu từ ngân hàng thương mại. Cách làm này sẽ hạn chế thiệt hại cho VAMC khi VAMC không thanh lý được khoản nợ xấu và thu hồi vốn đã bỏ ra. Lúc đó, thiệt hại cho VAMC chỉ là chi phí xử lý và chi phí quản lý khoản nợ xấu, chứ không phải là phần vốn bỏ ra khi mua nợ xấu.
 
Nếu Đề án có cách làm đúng như phỏng đoán như trên thì thực tế sẽ là VAMC vẫn bị thiệt hại! Hoặc nói đúng hơn là VAMC vẫn phải có trách nhiệm với phần vốn tương đương với giá trị của khoản nợ xấu khi mua từ ngân hàng thương mại lúc ban đầu. Hãy hình dung khi VAMC thanh toán cho ngân hàng bán nợ bằng các trái phiếu xử lý nợ, giấy chứng nhận nợ, trong đó có ghi các điều khoản cam kết về giá trị khoản nợ và lãi suất, thời hạn thanh toán mà VAMC sẽ phải chịu trách nhiệm v.v... và ngân hàng đó đưa những trái phiếu, giấy chứng nhận nợ đó vào lưu thông, ví dụ bán lại cho một nhà đầu tư nào đó. Giả thiết nhà đầu tư thứ cấp này giữ trái phiếu, giấy chứng nhận nợ đó cho đến ngày đến hạn thanh toán, lúc đó ông ta sẽ đến VAMC để đòi thanh toán cả vốën lẫn lãi và VAMC phải có trách nhiệm thanh toán chúng. Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ và chúng được đưa vào mua bán trên thị trường. Dù trao tay ít hay nhiều thì rốt cuộc Kho bạc Nhà nước (Chính phủ) vẫn phải có trách nhiệm chi trả khi trái phiếu đến hạn cho người sở hữu cuối cùng.
 
Có thể những người soạn thảo Đề án cho rằng trái phiếu xử lý nợ và giấy chứng nhận nợ không phải là trái phiếu hoặc các giấy tờ có giá như thông thường như ta nói ở trên, mà là một loại chứng chỉ thanh toán chỉ có giá trị giữa 2 bên, VAMC và ngân hàng thương mại bán nợ xấu. Nếu vậy, hành động mua bán nợ xấu giữa VAMC và ngân hàng chỉ thuần túy là hành động hoán đổi tài sản (có giá trị nội bộ) cho nhau. Trong chừng mực mà VAMC không/chưa thanh lý được khoản nợ xấu (cho một bên thứ 3) thì sẽ không có dòng tiền phát sinh để VAMC trả cho ngân hàng và ngân hàng có thể dùng nó mà xóa nợ xấu khỏi bảng cân đối tài sản của mình. Và như vậy thì việc chuyển nợ xấu từ ngân hàng sang cho VAMC (và cho đến tận lúc khoản nợ xấu được VAMC bán tiếp đi và thu tiền về trả cho ngân hàng) sẽ không giúp gì cho việc giảm nợ xấu của ngân hàng cả.
 
Nói tóm lại, rốt cuộc thì rủi ro trong xử lý nợ xấu vẫn thuộc về VAMC, và tức là thuộc về ngân sách, cho dù mới chỉ xét đến 2 khía cạnh chính có khả năng thành hiện thực thông qua đồn đoán liên quan đến Đề án – xác định giá trị nợ xấu và nguồn tài chính để mua nợ xấu. Nói cách khác, muốn hay không thì khi thành lập VAMC, Chính phủ vẫn phải rót vốn ngân sách để VAMC dùng tiền đó mua nợ xấu từ ngân hàng thương mại. Nếu ngân sách đã trống rỗng thì, không còn cách nào khác, NHNN buộc phải in tiền cho VAMC vay để hoạt động, và cũng có nghĩa là làm tăng áp lực lạm phát sau đó.
 
Mong những người soạn thảo Đề án lường trước được những tình huống nêu trong bài để tránh cho “sự đã rồi” khi ban hành nó.

Tuesday 15 January 2013

Nhiệm vụ bất khả thi

(Bài này dự định được đăng ở báo, sau lại thôi vì bảo có chỉ thị gì đó của chính phủ yêu cầu báo chí đồng thuận. Làm báo ở Việt Nam quả là cái nghề khốn và nhục)
------------------------------
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng trong năm 2013, Thủ tướng đã huấn dụ rằng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp hơn và tăng trưởng cao hơn năm 2013. Thủ tướng còn nhấn mạnh rằng mục tiêu kép này là có khả năng chứ không phải duy ý chí.
            Như đã phân tích trong bài viết ở số trước, việc đạt được đồng thời 2 mục tiêu khá tham vọng và mâu thuẫn trên trong năm 2013, trong bối cảnh dư địa chính sách hầu như không còn nữa, chỉ có thể thành hiện thực khi người ta có một công cụ thần kỳ nào đó, chứ là điều không thể nếu căn cứ vào những phân tích từ cơ sở thực tiễn.
            Một trong những sứ mệnh chủ chốt của các ngân hàng trung ương trên thế giới là sứ mệnh ổn định giá cả thông qua việc kiểm soát lạm phát (bên cạnh các sứ mệnh khác như là người cho vay cuối cùng khi các ngân hàng thương mại thiếu hụt thanh khoản, và/hoặc đảm bảo toàn dụng). Nếu có tính độc lập, và nếu thấy rủi ro đang/sẽ tăng lên liên quan đến lạm phát, Thống đốc ngân hàng trung ương có thể sẽ kiên định nói không trước những lời kêu gọi và sức ép từ Chính phủ, từ Quốc hội, từ các nhóm lợi ích, hoặc từ công luận v.v… đòi nới lỏng chính sách tiền tệ (tức in tiền) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng việc làm. Trong bối cảnh như vậy, mọi nỗ lực kích thích tổng cầu thông qua chính sách tài khóa như tăng chi tiêu Chính phủ sẽ không gây ra áp lực lạm phát vì cung tiền vào nền kinh tế không thay đổi, và cũng chính vì vậy, chỉ làm tăng lãi suất, rốt cuộc làm  triệt tiêu hiệu ứng tích cực của chính sách tài khóa mở rộng lên tăng trưởng kinh tế.
Ở Việt Nam, NHNN tuy là/có vai trò như một ngân hàng trung ương nhưng đồng thời nó cũng là một cơ quan quản lý cấp Bộ và Thống đốc là 1 thành viên trong Chính phủ. Với tư cách này, NHNN không thể có vai trò độc lập từ các can thiệp chính trị và áp lực của Chính phủ trong hoạch định, đặt mục tiêu cho và điều hành chính sách tiền tệ của mình được. Ta không hiếm khi được nghe thấy, đọc thấy những mẩu tin hay báo cáo về chuyện Chính phủ chỉ đạo NHNN làm việc này, việc kia. Ngay bản thân việc Thủ tướng tham dự và chỉ đạo NHNN như trên (và tương tự là các sự kiện có sự tham gia của các Phó Thủ tướng) cũng là một minh chứng cho sự thiếu tính độc lập trong hoạt động của NHNN, hay nói cách khác là chỉ ra sự lệ thuộc nặng nề của NHNN vào các can thiệp và chỉ đạo từ Chính phủ.
Với tư cách lệ thuộc này, NHNN sẽ có xu hướng bị Chính phủ chỉ đạo phải mở rộng chính sách tiền tệ để hậu thuẫn cho chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản tăng lên trong nền kinh tế, duy trì lãi suất ở mức thấp và thúc đẩy tăng đầu tư và tiêu dùng. Kết quả thường là tăng trưởng kinh tế được phục hồi/mạnh lên, số lượng việc làm tăng lên, nhưng chỉ trong ngắn hạn và chấm dứt sau đó vì (áp lực) lạm phát cũng tăng lên buộc NHNN phải thắt chặt lại chính sách tiền tệ của mình nếu không muốn siêu lạm phát bùng nổ. Tất nhiên, cũng có những khi sự “phối hợp” này “lệch pha” nhau, không ăn ý với nhau, kể cả trong ngắn hạn, làm cho các chính sách này triệt tiêu lẫn nhau, như đã xảy ra trong thời gian qua và đã được một số quan chức và chuyên gia lên tiếng phàn nàn.
Bởi vậy, sẽ là không xác đáng khi bắt Thống đốc NHNN chịu trách nhiệm (hoàn toàn và duy nhất) trong việc kiềm chế lạm phát (trong năm nay hoặc một giai đoạn nào đó) khi Chính phủ (Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng) tiếp tục chỉ đạo, can thiệp buộc NHNN phải tiếp tục tăng cung tiền và tín dụng ra nền kinh tế, mà rốt cuộc là sự mở rộng của chính sách tiền tệ sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP và việc làm – nhưng chỉ là trong ngắn hạn – đồng thời cũng làm tăng lạm phát.
            Nói cách khác, nhiệm vụ đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao hơn và lạm phát thấp hơn trong năm 2013 so với năm 2012 là một nhiệm vụ hầu như bất khả thi đối với riêng NHNN nếu mới chỉ xét đến tính bất độc lập của NHNN từ các áp lực chính trị của Chính phủ hay các nhóm lợi ích khác, chứ chưa xét đến sự mâu thuẫn ngay trong bản thân các sứ mệnh của một ngân hàng trung ương như NHNN khi phải thực hiện đồng thời 2 mục tiêu triệt tiêu lẫn nhau là tăng trưởng kinh tế cao hơn và lạm phát thấp hơn.

Không trả thì ai trả?


Vừa rồi đồng chí X kính yêu và lỗi lạc đã phát biểu liên quan đến nợ xấu thế này: “(các ngân hàng) phải tự xử lý. Chủ yếu là các ngân hàng thôi chứ không có ngân sách để xử lý nợ xấu”.
Phát biểu này chắc chắn sẽ làm hài lòng rất nhiều người vì đánh trúng được tâm lý là không chấp nhận/không thể dùng tiền thuế của dân để trả nợ thay, để “xóa đói giảm nghèo” cho ngân hàng – những kẻ đã hưởng lãi quá nhiều trước đây vì cho vay lung tung. Ngay đến tớ, trong một entry trước đây cũng cho rằng xử lý nợ xấu phải bắt đầu trước tiên từ ngân hàng và phải bắt ngân hàng chịu thiệt hại tối đa cho cái “tội” là cho vay lung tung mà không kiểm tra giám sát.

Nhưng tớ nói như trên không có nghĩa là tớ cho rằng chính phủ/nhà nước chẳng phải chịu trách nhiệm tí nào trong chuyện ai sẽ phải bỏ tiền ra để giải quyết nợ xấu. Và tớ cũng đã viết một bài trên báo Đại biểu Nhân dân về chuyện xử lý nợ xấu từ đâu và như thế nào, trong đó tớ nêu rằng chính phủ sẽ phải chịu trách nhiệm xử lý phần nợ xấu phát sinh từ những khoản cho các doanh nghiệp vay theo bảo lãnh hoặc chỉ định của chính phủ.
Hãy nhớ lại xem có những đồng chí “to” nào đã từng chỉ định/yêu cầu (thông qua NHNN) các ngân hàng phải thu xếp vốn cho các doanh nghiệp con cưng như Vinashin? Tớ e rằng chẳng cần nhắc lại ở đây thì nhiều người vẫn kể ra vanh vách từng khoản cho vay khổng lồ (chứ chưa kể những khoản “lặt vặt”) đã theo các lời huấn thị/công văn chỉ định của chính phủ mà đến với các doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp sân sau của ai đó.

Tình hình sẽ vẫn không sao nếu tình hình là … bình thường, nghĩa là các doanh nghiệp được vay chỉ định này vẫn ngắc ngoải được, vẫn uống tiếp sữa (từ ngân sách và ngân hàng) được. Cho đến lúc nào đó thì đột nhiên người ta thấy nhiều cục nợ xấu lòi ra từ những cái thây ma hoặc gần là thây ma này. Nhưng lúc này tác giả của các cục nợ xấu té ra lại chỉ là các ngân hàng, hoặc cùng lắm thì là các sếp của doanh nghiệp đó (do làm sai chỉ đạo của Thủ tướng!), chứ chính phủ chẳng có liên quan gì. Chẳng ai (được phép) nhắc đến chuyện trước đó chính phủ đã chỉ định hoặc đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay đó. Tiến thêm một bước nữa, nói huỵch toẹt như trên rằng chẳng có tiền đâu mà xử lý nợ xấu cả, đừng có trông vào đó mà… dại là xong, khỏi cần giải trình lôi thôi!
Nhưng cái thói đời không phải lúc nào cũng đơn giản đến dễ hiểu như thế! Chỉ định là chỉ định, bảo lãnh là bảo lãnh. Trách nhiệm rành rành ra đấy, lấp liếm khó trôi. Rốt cuộc thì cũng sẽ phải ngấm ngầm bảo nhau mà bóp nặn hầu bao hay giật ở đâu đó để mà trả đỡ cho các ngân hàng nạn nhân. À mà không, câu hỏi: “Không trả thì ai trả?” chính xác ra thì sẽ có câu trả là: Rốt cuộc là nhân dân!

Friday 11 January 2013

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không phải chỉ là thoái vốn (Bài đăng trên Đại biểu Nhân dân)

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=269438

08:51 | 12/01/2013
Điều thiếu vắng quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chung và riêng là những thay đổi căn bản về tư duy và biện pháp chính sách nhằm khắc phục những trở ngại cho quá trình nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Việc chỉ tập trung vào sắp xếp và đổi mới mang tính cơ học về cơ cấu của các DNNN như đang chủ trương hiện nay không nhất thiết sẽ mang lại những kết quả khả quan hơn so với những biện pháp đã từng thực thi trước đây.

Nguồn: ITN
Tháng 7.2012, Thủ tướng phê duyệt Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Tiếp đó, Bộ Tài chính đã ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện đề án này. Cho đến nay, nhiều DNNN đã xây dựng, trình và được duyệt đề án tái cơ cấu của mình.
 
Mục đích của tái cơ cấu DNNN, như đã được nêu rõ, là để DNNN hoạt động hiệu quả hơn. Một trong những biện pháp chính để thực hiện mục tiêu này là xác định rõ những ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, có kế hoạch thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính. Tập trung vào những ngành nghề sản xuất kinh doanh chính được cho là sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn với nguồn lực được giao, nâng cao được sức cạnh tranh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, giúp Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Quán triệt mục đích và biện pháp trên, đề án tái cơ cấu (đã được phê duyệt và công bố) của một số tập đoàn, DNNN đều dồn trọng tâm vào việc xác định cụ thể những lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, những lĩnh vực hoặc doanh nghiệp cần phải thoái vốn (trước năm 2015), những doanh nghiệp thành viên có 100% hay 50% (hoặc thấp hơn) vốn điều lệ thuộc sở hữu của mình.
 
Tuy có được đề cập đến, nhưng những nội dung tái cơ cấu quan trọng khác như chiến lược sản xuất, kinh doanh, phát triển, đầu tư v.v... đều được nêu khá chung chung cho có, không thể hiện được sự khác biệt lớn so với những hạng mục tương tự được doanh nghiệp công bố trong các báo cáo hàng năm của mình về tình hình hoạt động năm qua và phương hướng hoạt động trong (các) năm tới. Có khác chăng là tất cả những hạng mục vốn thường có trong các báo cáo tổng kết hoạt động nay lại được khoác thêm cụm từ “tái cơ cấu” hoặc “tái cấu trúc” lên trước một cách rất khiên cưỡng. Chẳng hạn, việc cải thiện công tác “quản trị doanh nghiệp” biến thành “tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp” trong các đề án tái cơ cấu.
 
Nhìn chung, qua những định hướng chung và cụ thể ở từng đề án của DNNN, ta có thể thấy toát lên một quan niệm nổi bật rằng nếu được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng tập trung vào các ngành sản xuất kinh doanh chính thì các DNNN sẽ hoạt động hiệu quả hơn, có tính cạnh tranh hơn, và thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính trị được giao.
 
Nhưng nếu chỉ có thế thì kết quả của quá trình tổ chức, sắp xếp lại hoạt động như vậy rất có thể sẽ không diễn ra đúng như ý đồ.
 
Một trong những điểm yếu chí tử của các DNNN là tình trạng cha chung không ai khóc, nhất là trong các doanh nghiệp mà vốn chủ sở hữu hoàn toàn là vốn của Nhà nước. Sản xuất kinh doanh thua lỗ thì Nhà nước sẽ phải bù lỗ, xóa nợ, trả nợ hộ v.v... nếu như không muốn đóng cửa doanh nghiệp đó, như vốn có từ trước đến nay. So với các doanh nghiệp tư nhân, giới quản lý DNNN có ít động cơ và khả năng/năng lực để làm doanh nghiệp làm ăn có lãi. Những ràng buộc về cơ chế và luật định (chẳng hạn đầu tư vào đâu, như thế nào, quyết định những vị trí nhân lực chủ chốt, lương thưởng…) cũng là một trở ngại cho DNNN theo đuổi lợi nhuận. Bởi vậy, việc (buộc doanh nghiệp) tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh chính hoàn toàn không đồng nghĩa với việc DNNN đó sẽ sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn. Một minh chứng rõ ràng cho chuyện này là vẫn có hàng loạt DNNN sản xuất kinh doanh thua lỗ triền miên trong những năm trước đây khi chưa diễn ra phong trào đầu tư ra ngoài ngành, vào những lĩnh vực “ăn liền” mang lại lợi nhuận cao như bất động sản, chứng khoán và ngân hàng như vừa qua.
 
Có ai đó sẽ lập luận rằng trong các đề án tái cơ cấu đều có nội dung tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp mà nhờ đó năng lực và chất lượng quản trị doanh nghiệp sẽ được cải thiện, dẫn đến tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đúng là vậy, như trên đã đề cập đến. Nhưng, cũng như trên đã nói, việc này mới chỉ được đề cập chung chung, và quan trọng hơn, không nêu ra được những yếu tố mà chắc chắn sẽ dẫn đến những thay đổi quan trọng theo chiều hướng tốt lên trong công tác quản trị doanh nghiệp. Cũng xin nêu lại minh chứng về tình hình hoạt động của các DNNN trong những năm trước đây khi chưa diễn ra phong trào đầu tư ngoài ngành. Với tình hình sản xuất kinh doanh bết bát lúc đó, Nhà nước cũng đã ra nhiều chủ trương chính sách để cải thiện hoạt động của các DNNN, trong đó có nhiều biện pháp liên quan đến quản trị, đến sắp xếp và tổ chức lại bộ máy và hoạt động của doanh nghiệp v.v... nhưng tình hình thua lỗ thì hầu như không được cải thiện đáng kể sau đó.
 
Một trở ngại chính khác cho DNNN trên con đường làm ăn có lãi là cách nói, cách lập luận về nhiệm vụ chính trị. Theo đó, các DNNN còn phải thực hiện một loạt nhiệm vụ mang tính phi thị trường khác như ổn định kinh tế vĩ mô (phần lớn thực chất là cung cấp hàng hóa và dịch vụ với giá thấp hơn thị trường để bình ổn giá), làm nòng cốt để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế (phần lớn thực chất là công cụ để Nhà nước dồn thêm nguồn lực vào một số ngành, lĩnh vực, vùng miền v.v… Vì là các nhiệm vụ mang tính phi thị trường nên lẽ thường là các nhiệm vụ này không thể mang về (nhiều) lợi nhuận so với những doanh nghiệp khác không phải đảm đương những nhiệm vụ chính trị này.
 
Trong bối cảnh như vậy, việc tập trung vào các ngành sản xuất kinh doanh chính như đề ra nếu có chăng thì sẽ chỉ giúp cho DNNN thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính trị của mình (vì có thêm nguồn lực cho các ngành sản xuất kinh doanh chính), chứ không nhất thiết giúp DNNN làm ăn có hiệu quả hơn (tức có lợi nhuận lớn hơn).
 
Tập trung vào ngành sản xuất kinh doanh chính cũng không nhất thiết (và trực tiếp) giúp DNNN “nâng cao được sức cạnh tranh”. Sức cạnh tranh của 1 doanh nghiệp nào đó trong 1 ngành nào đó được thể hiện ở những chỉ tiêu như chất lượng hàng hóa và dịch vụ tốt hơn và/hoặc giá thành thấp hơn (dẫn đến) giá bán thấp hơn (và nhờ đó tăng được thị phần). Thực tế cho đến nay là, thậm chí đã được hưởng nhiều ưu đãi như đất đai, vốn, thị trường v.v... không có nhiều DNNN thỏa mãn được các tiêu chí trên, kể cả trong những lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của chúng. Sức cạnh tranh của một doanh nghiệp chỉ có được từ những nỗ lực cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn của sản phẩm, chiến lược nhân sự và marketing đúng đắn v.v... chứ không phải trực tiếp từ việc doanh nghiệp đó có tập trung hay không tập trung nguồn lực vào ngành sản xuất kinh doanh chính của mình.
 
Ngoài ra, có nhiều DNNN đạt được “sức cạnh tranh” nhưng chủ yếu theo kiểu “một mình một chợ”, hoặc là trong những lĩnh vực độc quyền tự nhiên, hoặc là trong những lĩnh vực, vùng/miền mà, như nhiều quan chức vẫn nói khi đề cập đến vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, không ai khác ngoài Nhà nước muốn/có thể đầu tư. Trên ý nghĩa này, quả thật việc tập trung vào ngành sản xuất kinh doanh chính có thể gián tiếp hay trực tiếp giúp doanh nghiệp “nâng sức cạnh tranh”, nhưng chắc đó không phải là cái sức cạnh tranh mà những nhà hoạch định chính sách mong muốn.

Wednesday 9 January 2013

Tớ được thưởng tiền!

Đang lúc cần tiền, thiếu trước hụt sau, tớ lại gặp vận đỏ khi được đồng chí Tổng biên tập báo Đại biểu Nhân dân tặng cho một cái giải thưởng con con (tất nhiên có kèm theo mấy triệu đồng tiền thưởng, gần đủ tiêu Tết). Nguyên văn của cái giải thưởng này là "(tặng) thưởng báo chí về đề tài QH, HĐND năm 2012" do Tổng biên tập báo lựa chọn.

Thật ra thì tớ có tới 4 bài viết được chọn để tặng thưởng, nhưng tiếc rằng 4 bài hay 10 bài thì số tiền thưởng vẫn thế. Thế mới thất vọng chứ. Nhưng thôi, cứ được thưởng là mừng húm rồi!

Friday 4 January 2013

Cơ sở cho niềm lạc quan? (Bài đăng trên Đại biểu Nhân dân)

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=268770

08:40 | 05/01/2013
Chính phủ đã bày tỏ sự tin tưởng và hạ quyết tâm năm nay sẽ đạt tăng trưởng kinh tế cao hơn và lạm phát thấp hơn năm vừa qua. Có điều, nhìn lại những gì đã và đang có, đã và sẽ phải đối mặt, đặc biệt nếu nhìn từ góc độ dư địa chính sách, thì việc thực hiện được quyết tâm này dường như không đơn giản chút nào.

Hai chính sách vĩ mô chính có tác động đến tăng trưởng và các cân đối kinh tế vĩ mô khác là chính sách tiền tệ và tài khóa. Về chính sách tiền tệ, nếu nhìn từ góc độ tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế trong năm qua ở mức rất thấp (7%) so với các năm trước thì sẽ có thể có người cho rằng chính sách tiền tệ chưa được nới lỏng thích đáng và, do đó, cần phải được nới lỏng thêm nữa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cung tiền M2, hay còn được gọi là tổng phương tiện thanh toán, đã tăng tới khoảng 20% trong năm 2012. Ở mức này, chính sách tiền tệ thực sự đã được mở rộng, và có thể nói là ở mức rất rủi ro cho lạm phát và tỷ giá.

Nguồn: nghean.gov.vn
Điều đáng nói là nhiều cá nhân và tổ chức, kể cả Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) đã ngộ nhận rằng dù “cung tiền (đã) tăng khá mạnh (nhưng) lạm phát năm 2012 vẫn được kiểm soát khá tốt” để từ đó kêu gọi tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nhằm hạ lãi suất (cả cho vay và huy động) mà không cần phải e dè nhiều với nguy cơ lạm phát cao quay trở lại.

Có 2 yếu tố quan trọng có liên quan mà những người đưa ra kiểu lập luận trên đã vô tình hay cố ý bỏ qua. Thứ nhất, đó là việc cung tiền M2 đã tăng mạnh và cấp tập chỉ trong nửa sau của năm 2012, đặc biệt là quý IV. Cho đến tháng 2.2012, M2 vẫn tăng trưởng âm, và sang tháng 3 thì mới tăng trưởng dương nhưng ở mức thấp và mới đạt 4,47% vào tháng 5.2012. Đến tháng 8.2012 con số này đã tăng lên 10,3% và tiếp tục vọt lên 12,2% trong tháng 9, rồi cuối cùng là 20% vào cuối tháng 12.2012. Như vậy, chỉ trong vòng 1 quý (quý IV), M2 đã tăng thêm khoảng 8% so với cuối năm 2011. Điều này giải thích tại sao trên danh nghĩa M2 đã tăng 20% nhưng lạm phát “mới chỉ” tăng lên ở mức 7% trong năm qua.

Nhưng điều đáng chú ý là tình hình trên sẽ khó có thể tiếp tục kéo dài lâu sang đến năm 2013 vì áp lực lạm phát từ tăng cung tiền cần một thời gian trễ để lộ diện dưới dạng chỉ số CPI tăng lên. Vì thế, với M2 tăng đột biến và dồn dập chỉ trong khoảng 2 tháng cuối năm 2012, nguy cơ lạm phát cao sẽ quay trở lại trong quý I và/hoặc quý II năm nay là rất lớn. Trong bối cảnh này, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) (nghe theo lời khuyến cáo của những tổ chức như UBGSTC) tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong đầu năm nay một cách bất cẩn như trong quý vừa qua để thúc đẩy tăng trưởng thì áp lực lạm phát sẽ càng thêm lớn.

Yếu tố quan trọng thứ hai bị bỏ qua là tăng trưởng tín dụng ở mức 7% trong năm trước tuy có vẻ “chậm” nhưng điều này không có nghĩa là lượng tiền cung thêm vào nền kinh tế ở mức khiêm tốn chỉ có chừng đó. Với cung tiền M2 cả năm tăng 20% và tăng trưởng tín dụng ở mức 7%, một phần lớn còn lại của M2 đi vào nền kinh tế thông qua kênh trái phiếu Chính phủ. Điều này thể hiện ở con số huy động trái phiếu Chính phủ vượt mức kế hoạch do Kho bạc Nhà nước công bố (tính đến tháng 11.2012 đã huy động được hơn 130 nghìn tỷ đồng, bằng 185% kế hoạch năm). Cộng thêm với một phần vốn được NHNN trực tiếp/gián tiếp bơm vào hệ thống ngân hàng thông qua các kênh/hình thức như tái cấp vốn, hỗ trợ thanh khoản v.v… có thể nói toàn bộ phần tăng lên của M2 trong năm qua đã chảy vào nền kinh tế dưới dạng này hay dạng khác.

Trong bối cảnh tổng cầu vẫn còn chịu áp lực từ cả thị trường nội địa và xuất khẩu nên chưa thể có bước bứt phá mạnh được thì với một lượng tiền khổng lồ như trên đã (và sẽ, nếu NHNN tiếp tục như cũ) đi vào nền kinh tế, lạm phát cao quay lại chỉ còn là vấn đề về thời gian.

Bởi vậy, có thể nói rằng dư địa chính sách cho thúc đẩy tăng trưởng nhưng đồng thời lại kiềm chế được lạm phát là rất hạn hẹp, nếu không muốn nói là không còn, nếu nhìn từ góc độ chính sách tiền tệ của NHNN.

Về chính sách tài khóa, chính sách kinh tế vĩ mô chủ chốt thứ hai có liên quan đến tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, cũng có thể nói ngay rằng dư địa của chính sách này không còn là bao, và nếu cũng không muốn nói là không còn nữa. Tính đến hết quý III.2012, thâm hụt ngân sách Việt Nam đã đạt mức 6,2% của GDP cùng kỳ, tức là mức rất cao kể cả so với của chính Việt Nam trong nhiều năm trước. Điều cần lưu ý thêm là đây không phải là hiện tượng có tính nhất thời, mà là một hiện tượng mang tính kinh niên, kéo dài suốt nhiều năm nay nên nỗ lực tiếp tục tăng bội chi ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng chỉ như là tự cắt thịt mình để ăn nhằm duy trì sự sống trong ngắn hạn. Tình hình sẽ còn ảm đạm hơn nữa nếu tính đúng, tính đủ các khoản chi từ ngân sách theo đúng tiêu chuẩn quốc tế mà từ trước đến nay vốn vẫn được để ngoài sổ sách như ở Việt Nam.

Thêm một cú đấm bồi nữa vào nguồn tài trợ này nếu Việt Nam thực hiện theo khuyến nghị của một số cá nhân và tổ chức là đi vay nợ nước ngoài để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại và giải quyết nợ xấu. Mức nợ công đã và đang tăng nhanh, vượt ngưỡng an toàn (ước tính khoảng 60% GDP đến cuối năm 2011). Tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều nếu tính cả phần nợ của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân do Chính phủ bảo lãnh (tương đương với hàng chục % GDP). Nói cách khác và ngắn gọn hơn, sẽ chỉ càng làm tăng mạnh thêm rủi ro cho các cân đối vĩ mô nếu chính sách tài khóa tiếp tục được “khai thác” như hiện nay.

Tóm lại, nhìn cả từ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thời điểm hiện tại, thật khó hình dung nếu chúng được tiếp tục thực hiện như thế trong năm nay mà lại đạt được đồng thời cả 2 mục tiêu tham vọng hơn cho tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô như đã đặt ra. Xét một cách duy lý, có thể nói rằng tham vọng này thuần túy chỉ là tham vọng mang tính chính trị, chứ không xuất phát từ những phân tích từ cơ sở thực tiễn. Tất nhiên, ta vẫn nên hy vọng là có thể có một cách thức thần kỳ nào đó giúp cho Chính phủ có thể đạt được mục tiêu tham vọng trên.

Wednesday 2 January 2013

Đầu năm tản mạn về dự báo kinh tế

(Bài đặt của báo nhưng không được đăng vì bị chê là lành quá, không phải giọng điệu của tớ như mọi khi. Khổ thế, muốn lành cũng không được)

Cứ đến dịp đầu năm tôi lại được đặt bài viết về các dự báo kinh tế cho năm mới. Có lẽ có khá nhiều người như tôi vốn được báo chí hào phóng gán cho cái danh “chuyên gia” sẽ được phỏng vấn và/hoặc mời viết bài về chủ đề này, một chủ đề lẽ ra thuộc chuyên môn của các tổ chức nghiên cứu công và tư vốn có cả một bộ máy thực hiện gồm cập nhật dữ liệu đầu vào, xây dựng mô hình dự báo và chạy mô hình đó trên các phần mềm kinh tế lượng, chứ không phải của một số cá nhân, dù mang danh là “chuyên gia” nhưng sự dự báo không hơn việc gieo một quẻ bói.

Nói cách khác, nếu tôi có đưa ra một dự đoán cụ thể nào đó, ví dụ, tăng trưởng GDP trong năm 2013 là 5,5% thì phải trung thực mà nói rằng đây chỉ là một con số áng chừng, cảm nhận là như vậy, và phần nhiều dựa vào tăng trưởng thực tế trong năm 2012 hoặc dựa trên dự báo của Chính phủ rồi gia giảm thêm một chút theo diễn biến tình hình (cũng là cảm nhận hoặc nghe nói thế nốt!). Cũng phải thẳng thắn mà nói rằng dự báo của các tổ chức, kể cả là tổ chức quốc tế có chuyên môn mạnh như IMF, WB hoặc ADB xem ra cũng không hơn gì mấy các dự báo cá nhân kiểu như vậy, khi mà bản thân họ cũng phải điều chỉnh và cập nhật định kỳ các dự báo của mình nếu không muốn các dự báo của mình... trật lất như thực tế đã cho thấy.
Vậy tôi và một số “chuyên gia” khác cảm nhận thế nào về tăng trưởng và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2013? Qua một số cuộc tiếp xúc với một số quan chức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng thường trú IMF tại Việt Nam gần đây, cũng như các chuyên viên phân tích tại một số ngân hàng thương mại, mà theo tiêu chuẩn của báo chí thì có thể gọi họ là “chuyên gia”, có thể thấy một bầu không khí nhìn chung khá lạc quan vào triển vọng tốt đẹp hơn của năm 2013 so với năm 2012 này, cụ thể là tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn (một chút) và lạm phát thấp hơn (một chút) so với những gì Chính phủ đã công bố cho năm 2012. Nếu đúng như vậy thì tình hình không hề tệ chút nào, kể cả những gì đạt được trong năm 2012.

Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao với tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay và cao hơn nữa trong năm sau (cần nhấn mạnh rằng đây là một tốc độ rất khả quan nếu so với tăng trưởng âm hoặc trì trệ ở mức 1%-2%/năm ở rất nhiều quốc gia và khu vực), còn lạm phát thì dừng lại ở mức khoảng trên 7% và thậm chí có thể sẽ xuống thấp hơn nữa trong năm sau, mà tâm lý bi quan, tiêu cực vẫn còn rất phổ biến ở một góc lớn trong dư luận, đặc biệt là giới doanh nghiệp và người làm công ăn lương?
Ở đây chỉ có thể có 2 khả năng chính. Khả năng thứ nhất, các con số báo cáo của Chính phủ ví dụ như tăng trưởng kinh tế và lạm phát đã bị bóp méo, nhào nặn, không phản ánh đúng thực tế hoặc cảm nhận thực tế của giới doanh nghiệp và người làm công ăn lương. Thực tế tình hình có thể bi đát hơn nhiều so với những con số khá đẹp đã được công bố.

Khả năng thứ hai, giới doanh nghiệp và người làm công ăn lương đã, nói theo kiểu của nhiều quan chức, “té nước theo mưa”, kêu ca, phàn nàn quá mức/không đúng với thực tế với kỳ vọng Chính phủ sẽ làm một cái gì đó có lợi cho họ, ví dụ như nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất, giãn giảm thuế thu nhập, tăng lương cơ bản v.v...
Về khả năng thứ nhất, phải nhìn nhận rằng nó rất có thể xảy ra. Số liệu từ Chính phủ được coi là số liệu chính thức, tiêu chuẩn và không dễ có thể kiểm tra tính chính xác từ một cơ quan độc lập nào đó. Trong cuộc nói chuyện với đại diện IMF tại Hà Nội, khi được yêu cầu bình luận về tính chính xác của các con số do Chính phủ báo cáo, vị đại diện này cho biết IMF chỉ sử dụng số liệu cung cấp từ Chính phủ Việt Nam (có nghĩa là họ không (mấy khi) hồ nghi, và (đa phần là) tin tưởng?), và cho rằng công tác thu thập số liệu của, ví dụ Tổng cục Thống kê, đã tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế, và đã được các chuyên gia của IMF và Mỹ hướng dẫn. Có điều, vị này không nói đến (hoặc không nghĩ đến?) khả năng là “biết là một chuyện, nhưng làm là một chuyện khác” mà hoàn toàn có thể xảy ra ở Việt Nam, đặc biệt là khi có một áp lực nào đó phải làm đẹp các con số.

Về khả năng thứ hai, cũng phải thừa nhận luôn là không dễ loại bỏ. Suốt nhiều tháng qua, bất kể lúc nào hễ cứ mở báo ra đọc thế nào cũng thấy một ngành, một bộ phận kinh tế nào đó ở một khu vực địa lý nào đó cất tiếng kêu than về tình hình khó khăn đầu ra, tồn kho, lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng v.v... rồi theo sau đó là hết kiến nghị này đến lời kêu gọi cấp cứu khác. Đáng chú ý là sự kêu ca này có vẻ càng ngày càng leo thang song hành cùng với sự thấu hiểu, thông cảm và hợp tác đến độ đáng kinh ngạc của giới chức có thẩm quyền. Nếu mới chỉ độ nửa năm trước đây đa phần bày tỏ mong muốn lãi suất cho vay chỉ ở mức 15%-17%, và nói rằng ở mức này thì họ mới “sống” được, thì nay họ lại đòi phải hạ xuống thậm chí dưới 10% và bảo rằng ở mức đó mới là mức để tồn tại. Quan trọng hơn, những lời kêu ca này đã tạo ra một bầu không khí khá u ám và tiêu cực cho toàn bộ nền kinh tế mà thực tế không hẳn đã vậy.
Cá nhân tôi (có những cơ sở để) tin rằng tình hình hiện tại ở Việt Nam là sự kết hợp cả 2 khả năng nêu trên. Vậy thì thay vì đưa ra một con số cụ thể nào đó theo cảm nhận, trong chừng mực không thể biết đích xác được các con số thực là bao nhiêu thì điều có ý nghĩa và thể làm ở đây là dự báo một xu hướng chung chung, theo kiểu tốt lên, xấu đi hay đi ngang.

Hiện nay ở Việt Nam, tăng trưởng đã luôn được nhấn mạnh là thuộc hàng ưu tiên thứ hai sau ổn định kinh tế vĩ mô. Và có một thực tế là tăng trưởng cho dù đến trên 5% mà vẫn được coi là “trì trệ” (từ dùng phổ biến bởi một số quan chức, trong đó có những người tôi đã tiếp xúc; hay bản thân họ cũng không tin rằng con số này là thực?). Vì thế tăng trưởng được cho là cần phải được “vực” lên “để không ảnh hưởng đến an sinh xã hội”. Như vậy, tăng trưởng trên thực tế sẽ tiếp tục được coi là ưu tiên chính và người ta sẵn sàng đánh đổi lạm phát để đạt được một con số tăng trưởng nào đó mà Chính phủ cho là chấp nhận được.
Trong khi đó, các yếu tố liên quan đến lạm phát chưa có nhiều cải thiện. Bất chấp hàng loạt nghị quyết với quyết tâm, việc giải quyết nợ xấu vẫn hầu như giẫm chân tại chỗ, dẫn đến tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 chỉ ở mức khá thấp (trên 6%). Điều đáng nói là đã có chủ trương hoặc áp lực buộc NHNN phải tăng cung tiền hơn nữa để “thúc” tăng trưởng tín dụng, mặc dù cung tiền M2 đã tăng mạnh (khoảng 20% năm 2012).

Trong bối cảnh như vậy, ta có thể dự đoán rằng tăng trưởng GDP năm tới tối thiểu cũng sẽ được duy trì ở mức như năm nay, đổi lại bằng cái giá là áp lực lạm phát sẽ còn nguyên đó, thậm chí ở mức cao hơn do áp lực phải đẩy tăng trưởng tín dụng lên để đạt tăng trưởng GDP cao hơn. Các chỉ tiêu vĩ mô chủ chốt khác như thâm hụt tài khóa sẽ không có mấy cải thiện vì nhu cầu tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ tăng trưởng GDP trong khi các vấn đề liên quan đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước không được cải thiện đáng kể, làm tăng gánh nặng tài trợ của Bộ Tài chính trong khi nguồn thu từ các doanh nghiệp này tiếp tục co lại.
Tóm lại, là người dễ bị cảm xúc đám đông chi phối, và trong bối cảnh niềm lạc quan chung đang dâng lên này, tôi đang thấy mình có phần nghiêng nhiều về phía đám đông, tin vào tình hình chung tốt đẹp hơn trong năm sau. Nhưng ở một góc khuất trong linh cảm của mình, tôi vẫn thấy có sự e dè về vấn đề này, có lẽ do bị ám ảnh bởi cái bóng của lạm phát đã tồn tại quá dai dẳng ở đó. Tất nhiên, tôi vẫn hy vọng linh cảm chỉ là linh cảm và sẽ không dẫn đến sự thật.

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).