Saturday 27 April 2013

Ai bảo dân trí của Việt Nam không thấp?

Tớ viết bài "Thu nhập bình quân đầu người: Việt Nam tăng thần kỳ?" trên Doanh nghiệp Sài Gòn Online (tiêu đề do báo đặt lại).
http://doanhnhansaigon.vn/online/tin-tuc/kinh-te/2013/04/1073365/thu-nhap-binh-quan-dau-nguoi-viet-nam-tang-than-ky/

Tưởng chừng nội dung của bài viết khá rõ ràng (tớ nghĩ rằng mình viết văn, luận văn, báo cáo nghiên cứu không đến nỗi nào), thế mà các đồng chí đại chúng hiểu quàng hiểu xiên bài viết như trong cái forum này:
http://vozforums.com/showthread.php?t=3286798

Bảo là thiên hạ vì có đủ loại người dốt có, khôn có, trong đó khối người bình thường không hiểu thì đã đành. Nhưng ngay cả đến giới báo chí là cái giới văn vẻ, trình độ nhận thức v.v... ít ra phải hơn mức trung bình của thiên hạ, đọc thì tối thiểu cũng phải hiểu tác giả nói cái gì, thế mà rốt cuộc cái báo Đất Việt "luộc" lại bài viết của tớ nhưng theo cái kiểu hiểu quàng hiểu xiên như các đồng chí đại chúng khác làm cho các đồng chí bạn đọc của báo đó cũng lại được dip chửi tớ (ở phần comment), như thế này:
http://www.baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong-doanh-nghiep/201304/Thu-nhap-binh-quan-dau-nguoi-tai-Viet-Nam-tang-than-ky-2346128/

Thật kinh hãi với dân trí của dân ta. Nếu không phải vậy, chỉ còn một khả năng là quả thật tớ là thằng viết lách vớ vẩn, nói năng quàng xiên. Khả năng nào đúng đây, các đồng chí đọc blog này giúp tớ với!

Cập nhật: Rốt cuộc hôm nay, 30/4, Đất Việt cũng đã phải lẳng lặng gỡ bài này xuống (tất nhiên không kèm cáo lỗi công khai).

Monday 22 April 2013

Thật khó nói NHNN hiểu rõ, hiểu đúng mình biết gì, muốn gì, đang làm gì

Càng ngày càng thấy nghi ngờ những người đại diện cho NHNN hiểu rõ, hiểu đúng những gì mình đang nói, đang làm và sẽ làm.

Chuyện đầu tiên là về Thống đốc Bình khi cho rằng “phá giá đồng tiền không có lợi cho tổng thể nền kinh tế, do Việt Nam vẫn đang là nước nhập siêu và ít nhất phải nhập siêu trong 5 năm tới. Tỷ giá ổn định là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và tỷ giá chỉ nên biến động trong khoảng 1-2%...” 
Có lẽ đồng chí Bình chưa học hay quên mất kiến thức kinh tế học cơ bản (của thế giới hiện đại, tất nhiên, chứ không phải thời Liên Xô), rằng nếu là nước nhập siêu (và còn nhập siêu dài dài, như đồng chí ấy nói) thì tỷ giá cần phải điều chỉnh theo hướng để nội tệ mất giá (tức phá giá) để thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập khẩu, và tức là giảm nhập siêu. Nói cách khác, không thể lấy cái lý do là nước đang nhập siêu để nói rằng không phá giá.

Chuyện thứ hai là về bình ổn thị trường/giá vàng. Mặc dù có sự “ông chằng bà chuộc” ngay trong nội bộ NHNN về mục tiêu can thiệp vào thị trường vàng của NHNN (để bình ổn giá vàng hay bình ổn thị trường vàng)  nhưng điểm chung là với người ngoài cuộc thì mục tiêu can thiệp thị trường vàng của NHNN là điều hoặc là ngớ ngẩn, hoặc chỉ có Chúa mới biết thực sự là gì.
Để ổn định, dù là giá vàng hay thị trường vàng nói chung chung, thì nguyên tắc là phải để cung cầu trên thị trường vàng trong nước ít biến động qua từng ngày, từng giờ, theo kiểu ổn định thị trường thịt lợn. Tuy nhiên, giá vàng thế giới ở mức độ nào đó có liên thông với giá vàng trong nước. Cả cung và cầu vàng quốc tế cũng vậy. Không thể có cách nào cách ly toàn bộ thị trường vàng trong nước với quốc tế được. Mà giá vàng, cung cầu vàng trên thế giới biến động từng giây, từng phút. Vì thế, giá vàng, cung cầu vàng trong nước cũng phải đi theo xu thế tương ứng trên thế giới. Mà như vậy thì hoặc NHNN sẽ phải can thiệp, bình ổn giá vàng/thị trường vàng quốc tế để chúng không biến động làm ảnh hưởng đến giá vàng/thị trường vàng trong nước, hoặc NHNN sẽ phải từ bỏ mục tiêu ổn định giá vàng/thị trường vàng trong nước, nếu không ổn định được giá vàng/thị trường vàng quốc tế.

Có thể NHNN quan niệm rằng ổn định giá vàng/thị trường vàng trong nước tức là làm cho giá vàng/thị trường vàng trong nước  vận động phù hợp với diễn biến giá vàng/thị trường vàng quốc tế (trước đây thì có thêm mục tiêu là thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và quốc tế ở mức 400k VND. May mà nay đã lờ đi). Nhưng nếu vậy thì, vì giá vàng, cung cầu vàng trên thế giới biến động từng giây, từng phút, về nguyên tắc NHNN cũng sẽ phải thường trực trên thị trường vàng trong nước như người bán/mua cuối cùng 24h/24h, 7 ngày/tuần, chứ không phải thỉnh thoảng thông báo và ném ra thị trường để cho đấu giá (với giá sàn đặt ra trước đó một khoảng thời gian không thể gọi là ngắn) một lượng vàng nhất định nào đó vào ngày x, ngày y, ngày z (và sau đó có nữa hay không thì chịu). Vì tính chất thời điểm và tần suất khác biệt như vậy nên chắc chắn hành động can thiệp này của NHNN không góp phần gì vào làm ổn định thị trường vàng cả, nếu không muốn nói ngược lại.
Thêm nữa, hành động can thiệp này của NHNN không thể dẹp được nạn “đầu cơ” vàng, có thể là một mục đích chính đáng trong con mắt của NHNN. Tung vàng dự trữ quốc gia (rất có hạn) ra bán thì có thể làm cho giá vàng đi xuống và làm thiệt hại kẻ nào đó đã ôm vàng trước đó đợi giá vàng lên thì bán ra kiếm lãi. Nhưng việc tung vàng ra bản thân nó đã tạo cơ hội cho kẻ khác đầu cơ khi tin rằng khi chấm dứt đấu giá vàng hoặc giữa hai đợt đấu giá, giá vàng trong nước sẽ bật lại. Họ sẽ mua vào và đợi chờ giây phút hiện thực hóa nhận định của mình. Trừ khi NHNN ngớ ngẩn đến mức, và có khả năng, cung vàng liên tục và với số lượng lớn để giá vàng trong nước liên tục đi xuống thì giới đầu cơ mới thiệt hại không gượng được đến mức chết hết, bỏ chạy không ngoái đầu và không có ý định quay lại thị trường vàng. Nhưng do số lượng vàng dự trữ chỉ có hạn, quan trọng hơn, việc sử dụng chúng không phải chỉ để cho bình ổn thị trường vàng trong nước nên suy ra rằng “nạn đầu cơ” vàng vẫn sẽ còn đất sống và thậm chí còn sống khỏe với một thị trường vàng nay đã bị NHNN làm cho thêm bất ổn và thêm cơ hội đầu cơ.

Nếu vẫn cố tình làm như đang làm bây giờ (tích cực tung vàng dự trữ quốc gia ra đấu thầu trong nước) thì hoặc là NHNN đang nhắm đến một mục tiêu nào đó khác (và chắc là không minh bạch, không vì lợi ích cả nền kinh tế), chứ không phải là mục tiêu mà nó tuyên bố (một cách cũng rất mâu thuẫn, mù mờ), hoặc là hành động này của NHNN là một hành động ngu xuẩn xuất phát từ một hiểu biết sai lầm chết người (bình ổn cái không thể bình ổn được về nguyên tắc).

Vì không tin rằng NHNN là nơi chứa toàn những bộ óc thứ cấp nên tớ thiên về khả năng đầu (NHNN có mục tiêu khác với những mục tiêu nó công bố).

Saturday 20 April 2013

Đi tìm nguồn gốc tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cao của Việt Nam (Bài đăng trên Doanh nhân Sài Gòn online)

http://doanhnhansaigon.vn/online/tin-tuc/kinh-te/2013/04/1073365/thu-nhap-binh-quan-dau-nguoi-viet-nam-tang-than-ky/
------------------------------

Gần đây có người chỉ ra rằng thực ra thời gian cần thiết để lấp đầy khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người (TNBQĐN) giữa Việt Nam và các nước trong khu vực  không thực sự lớn như vẫn được biết đến (chẳng hạn WB cho rằng cần 145 năm để Việt Nam đuổi kịp Singapore), nếu trong tính toán chúng ta sử dụng tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam và các nước này trong giai đoạn 1990-2010 (như nêu ở Bảng 1, nguồn: WB),  thay vì dùng giai đoạn 2001-2007 như WB đã tính toán.

Bảng 1: Tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của một số nước Đông Nam Á
(Đôla Mỹ)
Theo tỷ giá hiện tại
Theo sức mua ngang giá (PPP)
 
1990
2010
Tăng (lần)
1990
2010
Tăng (lần)
Việt Nam
98
1.224
12,5
654
3.185
4,9
Singapore
11.841
41.987
3,5
18.225
57.791
3,2
Indonesia
620
2.950
4,8
1.450
4.304
3,0
Thái Lan
1.495
4.613
3,1
2.841
8.500
3,0

Theo Bảng 1 thì TNBQĐN của Việt Nam tăng tới 12,5 lần trong 1900-2010, bỏ xa các nước khác trong bảng. Trong khi đó, trong 20 năm này GDP thực của Việt Nam (tính bằng đồng theo giá cố định) chỉ tăng ở mức 4,4 lần (với tốc độ tăng trưởng GDP thực trung bình – CAGR of real GDP – là 7,4%/năm). Vì mức tăng dân số trong 20 năm này là 1,3 lần nên rốt cuộc mức tăng TNBQĐN tính bằng đồng theo giá cố định chỉ còn 3,4 lần (=4,4/1,3).
Vì thế mức tăng TNBQĐN tới 12,5 lần trong vòng 20 năm là một mức tăng “thần kỳ”. Vậy sự thần kỳ này do đâu mà có?

Trong bài này ta sẽ “dựng lại” cách tính TNBQĐN để tìm câu trả lời. TNBQĐN tính bằng đôla Mỹ theo giá hiện tại (như Bảng 1) được tính theo công thức sau:
Mức tăng GDP tính bằng đôla Mỹ theo giá hiện tại = (Mức tăng GDP thực) X (Mức tăng chỉ số giảm phát GDP) / (Mức tăng tỷ giá tiền đồng) (1)

Mức tăng TNBQĐN = (Mức tăng GDP tính bằng đôla Mỹ theo giá hiện tại) / (Mức tăng dân số) (2)
Chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) của Việt Nam tăng tới 11,3 lần trong thời kỳ 1990-2010. Như nói ở trên, trong cùng thời kỳ này, GDP thực tăng 4,4 lần và dân số tăng 1,3 lần. Ngoài ra, tỷ giá tiền đồng tăng 3 lần trong cùng thời kỳ (số liệu search trên internet).

Đưa các số liệu này vào các công thức (1) và (2), ta có mức tăng GDP tính bằng đôla Mỹ theo giá hiện tại 16,6 lần, và mức tăng TNBQĐN 12,7 lần, rất sát với mức mà WB tính như ở Bảng 1 (khác biệt có thể chỉ do làm tròn số). Điều có ý nghĩa hơn là ta đã thấy được dấu vết dẫn đến sự tăng trưởng “thần kỳ” của TNBQĐN của Việt Nam. Đó chẳng qua là do chỉ số giảm phát GDP của Việt Nam tăng quá nhanh (bởi lạm phát cao), tới 11,3 lần trong 20 năm, làm cho GDP tính bằng đồng theo giá hiện tại tăng tới 49,7 lần, trong khi tỷ giá tiền đồng tăng chậm hơn nhiều, 3 lần, trong 20 năm.
Nói cách khác, chính lạm phát cao trong khi tiền đồng bị phá giá với tốc độ nhỏ hơn nhiều (tức tiền đồng lên giá thực rất mạnh) là nguyên nhân chính làm cho GDP bình quân đầu người tính bằng đôla Mỹ/người ở Việt Nam đã tăng một cách thần kỳ.

Với phát hiện này, ta có thể thấy rằng so sánh thu nhập bình quân đầu người tính bằng đôla Mỹ theo giá hiện tại, và dự tính mức tăng của nó giữa các nước khác nhau để thấy được khoảng cách tụt hậu giữa các nước thực ra sẽ không mang lại kết quả có ý nghĩa lắm, khi tốc độ lạm phát và phá giá bản tệ không được tính đến (controlled). Nếu chỉ đơn giản vậy thì con đường ngắn nhất để những nước tụt hậu như Việt Nam rút ngắn khoảng cách về thu nhập bình quân sẽ là việc tạo ra lạm phát cao trong khi áp dụng một tỷ giá chính thức (nhấn mạnh) ổn định trong nhiều năm. Với cách thức này, thậm chí Việt Nam có khi chỉ cần chừng chục năm để đuổi kịp Singapore, chứ không phải là 158 năm hay 45 năm như người ta chỉ ra!

Do nhược điểm lớn của việc tính/so sánh thu nhập bình quân đầu người dựa vào GDP tính bằng đôla Mỹ theo giá hiện hành, WB và các tổ chức thế giới mới phải đưa thêm tính toán áp dụng PPP như trong Bảng 1. Và theo bảng này thì PPP trên đầu người của Việt Nam chỉ tăng 4,9 lần trong 20 năm, không quá khác biệt so với khi tính theo tốc độ tăng trưởng GDP thực tính gộp trong 20 năm này (4,4 lần).

Với các tính toán dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP thực hay PPP như thế này thì sẽ chẳng còn phép thần kỳ nào cho Việt Nam, và còn khá/rất lâu Việt Nam mới đuổi kịp Indonesia, chưa nói đến Thái Lan, càng không dám nói gì đến Singapore.*

------------------------------------
* Lưu ý: theo công thức tính tăng trưởng gộp, CAGR, với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP thực hay PPP là 7,2%/năm thì GDP thực hay PPP sẽ tăng gấp đôi cứ sau mỗi 10 năm.

Trong giai đoạn 1990-2010, tăng trưởng PPP/người của Việt Nam (số liệu Bảng 1) là 8,3%/năm. Giả sử mọi yếu tố khác không thay đổi, cho dù có sử dụng tốc độ tăng trưởng của giai đoạn 1990-2010 thì PPP/người của Việt Nam sẽ tăng 24,3 lần sau 40 năm nữa. Với PPP/người của Việt Nam vào năm 2010 là 3.185 USD thì sau 40 năm nữa PPP đầu người của Việt Nam sẽ = 3.185 X 24,3 = 77.395 USD.

Giả sử Indonesia, Thái Lan và Singapore sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng PPP/ nữa như Bảng 1 người trong vòng 40 năm (mọi yếu tố khác không thay đổi/không xét đến) thì mức PPP/người của các nước này lần lượt sẽ như ở Bảng dưới đây:

 
Tăng trưởng PPP/người/năm (1990-2010)
PPP/người đến 2020 (USD)
PPP/người đến 2030 (USD)
PPP/người đến 2040 (USD)
PPP/người đến 2050 (USD)
Việt Nam
8.2%
7.029
15.511
34.230
75.539
Singapore
5.9%
102.910
183.254
326.324
581.093
Indonesia
5.6%
7.415
12.775
22.010
37.921
Thái Lan
5.6%
14.703
25.431
43.989
76.088

Như vậy, nhanh thì cũng phải hơn chục năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Indonesia và hơn 20 năm nữa mới đuổi kịp Thái Lan. Còn Singapore thì... hãy đợi đấy!

Friday 19 April 2013

Bình luận nhanh về chuyện đồng chí Đặng Thị Hoàng Yến và ITA

Đọc Thông điệp của đồng chí Yến trong Báo cáo thường niên của ITA tớ thấy hơi chán/tiếc cho đồng chí này. Nếu ở cương vị là một cổ đông của ITA thì tớ chẳng khoái gì những dòng "tâm tư" trong thông điệp của đồng chí này, vốn dành cho những người là cổ đông như tớ, một tí nào cả. Những gì tớ được nghe về đồng chí này và những vấn đề mà đồng chí ấy nêu trong Thông điệp của mình dường như có liên quan với nhau.

Cái cách đưa ra thông điệp dường như lại biến vấn đề cá nhân của mình thành vấn đề chung của ITA. Mặc dù là Chủ tịch của ITA nhưng đồng chí Yến rõ ràng không phải là chủ nhân duy nhất của ITA, mà còn có những người là cổ đông như tớ, vốn có thể chẳng ưa gì đồng chí Yến và/hoặc những vấn đề của cá nhân đồng chí ấy, cũng như không quan tâm đến cuộc tranh chấp giữa đồng chí Yến với một thế lực nào đó (có vẻ rất mạnh, qua lời bộc bạch trong Thông điệp).

Hoặc cũng có thể đối với những cổ đông như tớ, tớ chẳng phiền lòng chút nào về thế lực nào đó thâu tóm ITA vì biết đâu thế lực đó mạnh thì sau khi thâu tóm sẽ làm ITA tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích cho ITA hơn v.v... Tức là cá nhân tớ sẽ có lợi hơn là để ITA dưới quyền chủ tịch của đồng chí Yến. Do đó, có khi tớ lại mong muốn ITA được thâu tóm bởi thế lực đó, và mong đồng chí Yến sớm ra đi.

Tóm lại, Thông điệp là một sai lầm chiến lược, thậm chí có tác dụng ngược khi kích thích sự say máu/trả thù của thế lực thù địch, gây (thêm) chán ghét/xét lại/chia rẽ trong nội bộ ITA, hạ thấp (thêm) hình ảnh cá nhân đồng chí Yến khi nhập nhằng chuyện chung riêng.

Wednesday 17 April 2013

Phiếm về cuộc chiến giữa đồng chí TS Alan Phan và Câu lạc bộ bất động sản (CLBBDS)

Cho đến hôm nay tớ mới chịu khó ngồi đọc từ đầu đến cuối 15 câu hỏi của CLBBDS, thư trả lời của đồng chí Alan, và một số thông tin liên quan vì thấy có một số điều đáng nói.

Trước tiên, phải nói là tớ đã tình cờ gặp, đúng hơn là nhìn thấy đồng chí Alan từ cự ly khoảng 5m, trên chuyến bay từ Đà Lạt về Sài Gòn hồi đầu tháng này. Đó là một ông già thấp bé, hom hem, không gây được sự chú ý của những người đứng chen chân ngay bên cạnh trên lối đi chật hẹp của máy bay đang đợi cho hành khách xuống, mặc dù chắc hình ảnh của đồng chí Alan chắc hiện nay phổ biến ở Việt Nam không kém các nguyên thủ quốc gia tại xứ sở này. Định ra chào hỏi, xin làm quen nhưng tớ lại thôi vì cũng chẳng để làm gì.

Tớ đưa chuyện nhìn thấy này ra đây cũng một phần vì liên hệ đến một bức trảnh minh họa trong một bài viết của ai đó, hình như của đồng chí GS Nguyễn Văn Tuấn, về chuyện tranh luận. Bức tranh vẽ hình 2 con tôm, một con tôm hùm to lớn, gân guốc, lực lưỡng và một con tôm riu, đứng ở 2 cái bục diễn thuyết đối mặt với nhau, với một câu nói của con tôm hùm hình như liên quan đếǹ hình thể còi cọc của con tôm đối thủ chứ không phải là lập luận của con tôm riu này.

Trong cuộc chiến giữa đồng chí Alan và CLBBDS, “cán cân thể hình” rõ ràng lệch hẳn về bên CLBBDS khi họ áp đảo về số lượng, với những gương mặt trẻ trung hơn, hồng hào béo tốt, túi thậm chí chắc cũng nặng hơn và mồm thì cũng to hơn ông già Alan hom hem, yếu ớt. Chợt tớ thấy thương ông già Alan khi tự nhiên vướng vào một cuộc chiến bất cân sức khi gần như phải thân già một mình một ngựa, tuy có sự cổ vũ nhiệt liệt của khá đông quan sát viên, nhưng phần lớn chắc là dân thường. Do rất thường có ý kiến đi ngược lại với số đông nên tớ cũng không ít lần rơi vào tình cảnh gần giống thế này (khác chăng là ở quy mô của cuộc chiến và sự đơn độc đến ái ngại của tớ trong các cuộc chiến đó), bởi thế̀ rất đồng cảm và có thể hình dung đồng chí Alan đã và sẽ có những giây phút tâm lý bị tra tấn như mình đã trải qua.

Nếu đồng chí nào quan tâm hẳn còn nhớ tớ đã từng viết khá nhiều về chứng khoán Việt Nam hồi những năm 2006-08. Có những bài như bài này  [1] đã tạo ra một cơn giận dữ trong cộng đồng dân chơi/đầu tư chứng khoán, với những lời công kích, mạt sát (vào cá nhân tớ, tất nhiên) trên một số diễn đàn, kiểu như thế này vì chúng đã “trót” góp phần làm cho giá chứng khoán đảo chiều gây phương hại đến quyền lợi của giới đầu tư chứng khoán.

Một số người khác thì cũng đặt thẳng vấn đề phải chăng tớ có động cơ đen tối là dọn đường để giới đầu tư chứng khoán nước ngoài (Nhật) nhảy vào hốt xác chết khi giá chứng khoán đã tụt giảm. Hoặc trong cuộc tranh luận về chuyện cắt giảm lãi suất trước đây (tớ cũng lại hầu như đơn độc), một số đồng chí phê bình viên thậm chí còn đi xa đến mức cho rằng tớ kêu gọi thận trọng với cắt giảm lãi suất là vì tớ làm cho ngân hàng, muốn giữ lãi suất cao để có lợi cho ngành! Thật là sự trùng hợp thú vị khi tớ đọc được bài này của đồng chí Cường, Chủ tịch CLBBDS khi nghi ngờ rằng đồng chí Alan cũng đang dọn đường, theo đơn đặt hàng cho giới cá mập nước ngoài!

Một sự trùng hợp thú vị khác là tớ cũng bị một số đồng chí trong dư luận đập tơi tả vì can tội không có chuyên môn về chứng khoán/tài chính (căn cứ vào đề tài luận văn tiến sĩ của tớ) mà lại bàn về chứng khoán cứ như đúng rồi. Chuyện xảy ra với đồng chí Alan cũng tương tự khi một số đồng chí cộm cán như Đoàn Nguyên Đức hay CLBBDS đặt vấn đề đồng chí Alan đã hiểu biết như thế nào, đến đâu về thị trường bất động sản Việt Nam mà phán lung tung thế.

Ở một khía cạnh khác, tớ cũng từng bị vướng vào cuộc tranh luận trên Dân Luận hồi này năm trước, liên quan đến câu nói mà đồng chí Phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng trích dẫn (“Nhà nước chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép”). Trong cuộc tranh luận mà tớ hoàn toàn đơn thương độc mã chống lại cả một dàn hỏa công hùng mạnh của đối phương này, tớ đã phải cố gắng tối đa giữ mình bình tĩnh, không mất/suy sụp tinh thần để có những hành động, phát ngôn ngu xuẩn, đặc biệt là khi ngay cả những người thân thiết với mình đã gần như quay lưng lại với mình chỉ vì họ ủng hộ, bênh vực đồng chí Dũng. Điều đáng nói là phe đối phương chắc đa phần là trí thức xịn, ở nước ngoài, mà cuối cùng một số người cũng dùng đến cái võ đánh dưới thắt lưng với tớ.

Quay trở lại với đồng chí Alan và CLBBDS. Câu hỏi của giới bất động sản là căn cứ vào đâu mà đồng chí Alan lại kết luận rằng (nếu để rơi tự do) giá nhà sẽ giảm thêm 30%-50%, và không giải cứu thì địa ốc sẽ đi lên sau 4-5 năm, rồi thì nếu giá bất động sản giảm 50% nữa thì có bằng giá thành xây dựng hay không v.v... Tớ dám chắc rằng khi nói như vậy thì đồng chí Alan cũng chỉ là nói mò, theo cảm tính. Nếu nói khác đi thì đồng chí Alan chắc chắn đang tự lừa dối mình (hay bạn đọc cũng đang tự lừa dối mình khi bảo vệ ý kiến của Alan). Chưa nói thêm rằng cả đồng chí Alan và CLBBDS đang cãi nhau về những con số vô nghĩa. 30%-50% là so với mức nào, ở thời điểm nào, tính từ khi nào?

Nhưng vấn đề quan trọng không phải là con số cụ thể, tuyệt đối, mà là xu hướng. Cũng giống như tớ trong các bài viết về chứng khoán Việt Nam thời hoàng kim (2006-07), tớ thường chỉ có thể đưa ra phân tích và nhận định rằng chứng khoán đang phát triển bong bóng và sự sụp đổ của nó là không thể tránh khỏi trong thời gian tới (bao lâu và đến đâu thì tớ chịu). Trên góc độ này, đồng chí Alan đã rất đúng, nhưng … không có gì đáng khâm phục cả! Vì xu hướng của thị trường bất động sản ắt phải như vậy (đi xuống, có thể rất mạnh, khi không có sự can thiệp của nhà nước, rồi lại phục hồi sau một số năm). Giá như cách đây mấy năm, thời tiền hoàng kim của bất động sản, đồng chí Alan đưa ra được dự đoán và nhận định rằng thị trường bất động sản sẽ lên cơn sốt, đạt đỉnh điểm vào năm 201x rồi sau đó sẽ tụt dốc thảm hại thậm chí đến mức y% (so với thời điểm 20zz) thì lúc này nhìn nhận lại chúng ta mới có thể tung hô đồng chí Alan như một nhà tiên tri/kinh tế học đại tài. Bằng không, những gì mà đồng chí Alan đưa ra bây giờ cũng nói dựa vào hiện trạng thị trường, theo cảm tính, theo xu thế đương nhiên sẽ phải xảy ra.

Định nói lan man thêm nhưng quyết định dừng ở đây, phần vì đang viết trong giờ làm việc, phần vì phong cách viết của đồng chí Alan màu mè, hoa mỹ, trơn tuồn tuột, khó lôi ra được điểm nào đó để bình luận, trái ngược với cung cách/phong cách của giới bất động sản thường thô thiển, lý luận tầm thường, cắc cớ, không có mấy giá tri đáng̣ để bình luận.

Các đồng chí bạn đọc thử giúp tớ lôi ra một số điểm liên quan đến đồng chí Alan và giới bất động sản đáng để bình luận với!
----------------------------
[1] Tình cờ trong lúc search lại bài này, tớ tìm được bài có nhiều nét tương đồng của đồng chí Hiệu Minh ở link này: http://hieuminh.org/2011/05/24/chung-khoan-va-cho-nhat/

Tuesday 16 April 2013

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng không giải cứu bất động sản thì “hỗ trợ” cái gì?

Trong bài báo này trên VnMedia, đồng chí Thống đốc Bình biện bạch như thế này: “Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đưa ra để nhằm hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay vốn mua nhà. Ngân hàng nhà nước không đặt vấn đề đưa ra gói này để cứu bất động sản hay hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp bất động sản”.

 Nói như thế xong, ở đoạn sau, đồng chí Thống đốc lại giải thích thêm cho rõ: “Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mà Chính phủ dự kiến sẽ đưa ra trong thời gian tới nhằm mục đích mang lại sự bình ổn của thị trường bất động sản, nó sẽ có tác động lan tỏa tốt với nền kinh tế. Gói hỗ trợ này hướng tới người sử dụng, đối tượng mua nhà, trong đó ưu tiên số một là những đối tượng chính sách xã hội và người thu nhập thấp”.

 Đồng chí Bình còn chỉ thị mang tính định hướng cho thị trường bất động sản như sau: “Ngoài những hỗ trợ về chính sách, tài chính, cần phải đảm bảo nguồn cung phù hợp với đối tượng mua nhà. Nếu không có nguồn cung thì phải chuyển đổi công năng một số dự án sang cho phù hợp với nhu cầu. Vì vậy, cũng cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp làm nhà chuyển sang phân khúc này”.

 Tớ có thể̉ bình luận ngay ở đây rằng tại sao NHNN, chính phủ lại đặt ra vấn đề “hỗ trợ” người thu nhập thấp vay vốn mua nhà lúc này? Sao không phải là một năm, hai năm, hoặc thậm chí là 10 năm trước đây? Phải chăng đột nhiên NHNN/chính phủ động lòng thương xót dân nghèo không có nhà ở? Hơ hơ, tớ chẳng dám lạc quan đến thế đâu!

 Tiếp theo, cần phân tích cái gọi là “nhằm mục đích mang lại sự bình ổn của thị trường bất động sản” mà đồng chí Bình nói ở trên. Nói như vậy có nghĩa là thị trường bất động sản hiện tại đang “không bình ổn”. Mà thực tế xem ra có vẻ như vậy thật. Vậy thị trường bất động sản đang “không bình ổn” như thế nào? Phải chăng đó là sự rơi giá mạnh của bất động sản, sự ế chỏng của các dự án bất động sản bất chấp các biện pháp “tháo gỡ” của cả giới chủ đầu tư xây dựng bất động sản và Chính phủ/NHNN? Nếu vậy có thể rút ra là thị trường bất động sản hiện nay đang bất lợi cho giới chủ đầu tư xây dựng bất động sản và nhóm bè cánh thân hữu, có liên quan. Suy ra tiếp, mọi hình thức can thiệp vào thị trường bất động sản lúc này làm tăng nhu cầu bất động sản đều trực tiếp hay gián tiếp mang lại lợi ích cho các nhóm lợi ích này. Mà như thế cũng có nghĩa là việc tung ra gói “hỗ trợ” 30.000 tỷ thực ra là, trước tiên, làm lợi cho các nhóm lợi ích này, chứ không thể nói một cách bạt mạng là không phải hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản.

 Có thể NHNN hay ai đó vẫn còn cố gắng biện bạch rằng gói “hỗ trợ” cũng làm lợi cho người mua nhà có thu nhập thấp để lấy lại tí điểm trong con mắt dư luận. Tớ khẳng định luôn rằng không nhất thiết như vậy. Về nguyên tắc, như đã nói ở trên, khi tung ra gói “hỗ trơ” thì giá nhà nói chung, nhà ở “xã hội” nói riêng sẽ ngừng/bớt rơi thêm. Mà như vậy thì cho dù có được vay vốn ưu đãi từ gói “hỗ trợ” này để mua nhà thì người thu nhập thấp vẫn vô hình trung bị/được mua nhà đắt hơn cái mức có thể có. Và vì gói “hỗ trợ” chỉ như một giọt nước trong cơn khát nguồn cầu của giới chủ bất động sản nên không ai có thể khẳng định rằng sau khi tung gói này ra thì giá bất động sản nói chung và giá nhà “xã hội” nói riêng sẽ không giảm đi nữa. Liên hệ với thị trường chứng khoán, tớ mượn câu nói của ai đó: “cổ phiếu ngược đãi” khi nói về việc cổ đông “được” mua cổ phiếu ưu đãi để rồi sau một thời gian phải chứng kiến giá cổ phiếu ưu đãi của mình sụt giảm thê thảm để mô tả viễn cảnh người thu nhập thấp mua nhà xã hội hiện nay sẽ “được” thấy giá căn nhà của mình đang từ, ví dụ, 14 triệu/m2 rơi xuống còn 12 triệu/m2 sau, ví dụ, 6 tháng mua nhà, trong khi gánh nợ vẫn được tính theo giá 14 triệu/m2.

 Bởi thế, nếu thực sự “vì dân” như cái chiêu bài hay được mang ra sử dụng này thì thay vì tung ra gói “hỗ trợ”, NHNN/Chính phủ nên khoanh tay ngồi im, chẳng cần làm cái gì cả, để chò giá bất động sản tiếp tục rơi thêm đến một mức nào đó mà người thu nhập thấp thấy quả thật là giá nhà đã rất phù hợp, “nhao nhao” lên tiếng xin vay vốn “hỗ trợ” để mua nhà. Lúc đó NHNN mới nên tung ra gói “hỗ trợ”, nếu xét thấy mình nên đóng thêm vai làm từ thiện, cứu khổ cứu nạn dân nghèo, chứ không phải chỉ đóng khung trong vai trò là một ngân hàng trung ương.

 Nếu làm khác đi, tung gói “hỗ trợ” ra bây giờ thì không thể nói khơi khơi rằng nó là vì dân (thu nhập thấp), mà phải thừa nhận cho rõ rằng nó nhằm cứu giới chủ bất động sản trước hết. Tất nhiên, sau đó thì nó có tác dụng đến đâu, cho ai nữa, thế́ nào v.v… là chuyện khác.

 Cái cách đồng chí Bình chỉ đạo: “… cần phải đảm bảo nguồn cung phù hợp với đối tượng mua nhà. Nếu không có nguồn cung thì phải chuyển đổi công năng một số dự án sang cho phù hợp với nhu cầu. Vì vậy, cũng cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp làm nhà chuyển sang phân khúc này”, thực chất là đã bật đèn xanh cứu giới chủ bất động sản. Đưa ra gói “hỗ trợ” trong lúc thị trường chưa có (đủ) nguồn cung nhà xã hội thì có nghĩa là đồng chí Bình lại khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản nhảy vào xây (thêm) nhà xã hội. Việc này khó/không thể xảy ra, đơn giản vì doanh nghiệp bất động sản giờ đã cạn (nguồn) vốn và không chắc đã bán được sản phẩm khi làm xong, khi mà các sản phẩm khác (nhà ở thương mại) đang thừa đầy rẫy, chưa bán được. Vậy thì chỉ còn khả năng là nhân chuyện này, các doanh nghiệp bất động sản được bật đèn xanh, được Chính phủ (gián tiếp) hỗ trợ cho việc chuyển đổi nhà thương mại thành nhà xã hội nhằm thực hiện cái chủ trương “nhân đạo”, người nghèo có nhà, nói trên, đúng như đồng chí Bình đã chỉ đạo.

 Nói cách khác, đây mới là “tim đen” của những người chủ trương tung gói “hỗ trợ” cho vay mua nhà dưới chiêu bài giúp người thu nhập thấp có nhà trong thời điểm này.  Trong bài báo trên còn có đoạn: “Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được đưa ra căn cứ nghị quyết 02/NQ -CP. Đây là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay. Ngân hàng nhà nước sẽ cấp cho 5 ngân hàng thương mại nhà nước để cho các đối tượng thu nhập thấp vay vốn thông qua hình thức tái cấp vốn. Vì vậy, ngân hàng nhà nước sẽ giám sát, thẩm định rất kỹ. Song song, Bộ Xây dựng cũng là đơn vị xem xét, đề xuất duyệt các doanh nghiệp đủ điều kiện được vay. Do vậy, sẽ không dễ dàng để xảy ra việc các ngân hàng cho vay không đúng đối tượng, mục đích”.

Với câu: “…tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay”, rõ ràng ít nhất thì Bộ Xây dựng đã thừa nhận rằng̀ gói “hỗ trợ” là nhằm cứu thị trường bất động sản, tức là cứu giới chủ đầu tư. Thế thì tốt nhất là NHNN đừng có ngụy biện nữa.

Cũng nhân đây tớ nhắc nhở các đồng chí ở mấy cái Bộ này rằng đừng có khẳng định rằng việc cho vay này sẽ đúng đối tượng, vì cái kiểu phát biểu này đầy rẫy hồi năm 2008 khi Chính phủ tung ra gói hỗ trợ lãi suất để rồi kết cục thế nào thì tớ miễn phải nhắc lại.

Thursday 4 April 2013

Lại nói chuyện liên quan đến tỷ giá VND

Tớ đã định viết về chuyện này từ mấy tuần trước nhưng rồi bận nên quên béng mất. Nhân đọc bài GDP Việt Nam thua Singapore 45 hay 158 năm” (hình như còn có tên khác là “Sự thật về…”), mặc dù đã viết về chủ đề này đôi lần nhưng thấy vẫn cần phải viết thêm đôi chút, từ một góc độ khác.

Tác giả sử dụng số liệu GDP trên đầu người danh nghĩa trong giai đoạn 1990-2010 để chứng minh rằng với mức tăng tới 12,5 lần, Việt Nam không mất đến hàng trăm năm để đuổi kịp Singapore.
Tớ cũng hơi sửng sốt trước mức tăng này và cách lập luận của tác giả. Đầu tiên tớ google lại số liệu để so sánh, đối chiếu với số liệu của tác giả, thì thấy con số GDP trên đầu người danh nghĩa năm 1990 của Việt Nam (tính bằng USD theo current prices) không thống nhất lắm, chênh lệch nhau khá nhiều, làm cho mức tăng trong 20 năm này không đến mức độ thần tốc như vậy. Nhưng tớ không muốn comment vấn đề bằng cách vạch ra sự khác biệt số liệu, mà chấp nhận rằng đây là con số có thực.

Vậy điều gì làm Việt Nam tăng trưởng thần tốc như vậy nếu biết rằng tốc độ tăng GDP tính bằng VND theo giá so sánh/cố định (GDP at constant VND prices, real GDP) chỉ là khoảng 7%-8%/năm trong giai đoạn này, trong khi tốc độ tăng dân số cũng vào khoảng hơn 2%/năm (làm cho tốc độ tăng GDP trên đầu người nhỏ hơn 5-6%/năm)?
Vì số liệu tác giả sử dụng là GDP danh nghĩa tính bằng USD theo giá hiện hành trên đầu người (đề nguồn từ WB) nên để có được số liệu này thì tớ đoán rằng/có thể đương nhiên là WB phải dùng GDP danh nghĩa bằng VND theo giá hiện hành (GDP at current VND prices) chia cho tỷ giá VND hiện hành để ra được GDP danh nghĩa bằng USD theo giá hiện hành (GDP at current USD prices), rồi từ đó chia tiếp cho dân số từng năm để ra được con số 98 USD/người vào năm 1990 và 1.224 USD/người vào năm 2010.

GDP at current USD prices = GDP at current VND prices/VND exchange rate (1)
GDP per capita = GDP at current USD prices/population (2)

Đến đây ta có thể thấy dấu vết dẫn đến sự thần kỳ Thánh Gióng này. Đó là tỷ giá VND và GDP deflator tại Việt Nam. GDP deflator của Việt Nam tăng từ mức 31,79 năm 1990 lên 359,12 năm 2010 (tức tăng 11,3 lần).
GDP deflator =  GDP at current VND prices/GDP at constant VND prices x 100  (3)

Trong khi đó, tỷ giá VND tăng từ 6,482 lên 19,505 trong cùng thời kỳ, tức tăng có 3 lần (số liệu tớ nhặt từ google).
Tớ chưa search được real GDP growth rate của Việt Nam trong 20 năm này nên tạm giả sử rằng nó đạt mức trên 7%/năm một chút. Sau 20 năm, real GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 4 lần hoặc hơn một chút. Với GDP deflator tăng 11,3 lần, theo (3), ta có GDP at current VND prices (nominal GDP) của Việt Nam đã tăng khoảng 45 lần trong 20 năm.

Lắp mức tăng exchange rate và nominal GDP vào (1), ta có mức tăng của GDP at current USD prices của Việt Nam trong 20 năm là khoảng 45/3=15 lần. Nếu trừ đi tốc độ tăng dân số thì ta có mức tăng GDP per capita theo (3) không quá sai lạc so với con số 12,5 lần của WB.

Như vậy có thể nói rằng “kỳ tích” tăng trưởng ngoạn mục làm GDP trên đầu người tính theo USD danh nghĩa ở Việt Nam (12,5 lần) chẳng qua đa phần là do tỷ giá bị kìm nén, tăng chậm hơn lạm phát rất nhiều.
Suy ra tiếp, con đường ngắn nhất để Việt Nam tiếp tục đạt được “kỳ tích” trong 20-50 năm tới nhằm đuổi kịp Singapore là NHNN ban hành và cho áp dụng một tỷ giá chính thức “dẫm chân tại chỗ” như hiện tại, trong khi tiếp tục cấp tập bơm tiền làm cho lạm phát nhảy vọt lên vài chục %/năm, đảm bảo không quá 10 năm sau Việt Nam sẽ vượt mọi quốc gia khác trên thế giới về quy mô GDP và GDP trên đầu người mà không cần phải lao tâm khổ tứ tìm cách/mô hình tăng trưởng này khác làm gì.

(Nói nhỏ, vì thế mà WB hay các tổ chức thế giới mới phải áp dụng PPP, và theo bảng số liệu trong bài gốc công bố thì PPP trên đầu người của Việt Nam chỉ tăng chưa đến 5 lần trong 20 năm, khá sát với khi tính theo tốc độ tăng trưởng real GDP tính gộp trong 20 năm này. Với cách tính gộp này thì, như tớ đã nói ở các bài trước, còn khướt Việt Nam mới đuổi kịp Indonesia, chưa nói đến Thái Lan, Malaysia, càng không dám nói gì đến Singapore).

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).