Friday 19 July 2013

Lại phải nói về câu chuyện thứ hạng 42 của nền kinh tế Việt Nam

Hôm trước tớ vừa viết về cái này xong, hôm nay đọc báo lại thấy mấy đồng chí chuyên gia Việt Nam lên tiếng về nó, đọc mà thấy thương... hại. Chuyện lẽ ra chẳng có gì, chẳng đáng bàn mà họ lại xé ra thành to, “nâng quan điểm”, hiểu theo một kiểu khác rất sai lạc.

 Đồng chí “Tiến Sỹ” Bùi Kiến Thành nói thế này:
Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm trên báo Infonet, TS. Bùi Kiến Thành cũng cho rằng: Bảng xếp hạng này chỉ mang tính chất tham khảo là chính chứ không nên xem đó là "thành tích" mà chúng ta đã đạt được. WB là một tổ chức quốc tế, dù có cơ quan hoạt động tại Việt Nam nhưng không thể "tường tận chuyện trong nhà" được.

"Các con số thống kê chỉ thể hiện được một phần nào bức tranh, chứ không miêu tả hết được bức tranh đó. Giống như bộ quần áo mặc hàng ngày cho chúng ta thấy nhiều thứ, nhưng cũng che giấu những điểm quan trọng nhất. Nói thế để thấy phải rất thận trọng với con số thống kê, nhất là của các tổ chức quốc tế thì tham khảo là chính" – TS. Bùi Kiến Thành nêu rõ quan điểm cá nhân.


Đồng chí Thành mà đặt vấn đề “thành tích” hay không thì chứng tỏ đồng chí cũng chẳng hiểu mô tê gì chuyện này cả. Thứ hạng 42, như tớ đã nói, chỉ là thứ hạng về quy mô GDP của cả nền kinh tế, chứ bản thân WB hay những người có hiểu biết ở Việt Nam chắc không coi/nói/bình luận đó là thành tích hay không, mà chỉ coi là một thực tế, hiện thực của Việt Nam (như kiểu nhà tôi nhiều người vì đông con, có tới 10 đứa lận, nhà anh chỉ có 2 đứa, chứ không ai nói gì về chuyện nhà tôi giàu hơn nhà anh hay không). Nay đồng chí lại bẻ lái vấn đề thành ra có khả năng WB không hiểu gì về Việt Nam mà cứ đưa ra con số tầm phào, bóp méo, chỉ để tham khảo, rồi thì rằng thì là mà. Rõ chán cho đồng chí “TS” này lắm lắm!
Đồng chí TS Lê Đăng Doanh (có bằng TS thật) thì nói thế này:

Bên cạnh đó, giải thích về thứ bậc xếp hạng của nền kinh tế Việt Nam trên thế giới, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Cách tính của WB dựa trên phương pháp tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo ngang giá sức mua (PPP) chứ không phải GDP danh nghĩa (chỉ số phồn vinh, giàu có và mức độ phát triển) mà các nước vẫn công bố.

Đồng thời, TS Doanh nhấn mạnh: Cách tính toán bằng hiệu quả của sức mua nội địa của đồng tiền trong nền kinh tế, chỉ có tác dụng là tạo ra sự “lạc quan” trong báo cáo thành tích cuối năm ở những nền kinh tế mà đồng nội tệ có đặc điểm không mua được gì và ở đâu khác ngoài nội địa.  

Nói về vị trí thứ 42 về kinh tế Việt Nam so với thế giới, TS Doanh cho biết: Hạng 42 thế giới, không có nghĩa người Việt giàu hơn Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, bởi “đỏ” không có nghĩa là “chín”.

"Thứ hạng 42 thế giới, không phải là “ngôi thứ” để chúng ta - trong tư cách những người hằng ngày, hằng giờ đang tiêu một giá trị tiền đồng với rất nhiều con số - phải vui mừng cả", TS Doanh cảnh báo.
Đồng chí Doanh rất sai ở cái chỗ rằng con số (tăng trưởng) GDP mà ta thường nói là (tăng trưởng) GDP thực, tức là tính theo giá cố định, chứ không phải (tăng trưởng) GDP danh nghĩa, tức là tính theo giá hiện tại.

Và GDP này cũng không nói lên cái gì liên quan đến chỉ số phồn vinh, giàu có, và mức độ phát triển cả! Nó chỉ nói rằng năm nào đó Việt Nam đã làm ra từng này giá trị sản lượng (theo giá cố định), giống như kiểu nhà tôi năm nay tổng thu nhập là 100 triệu VND (theo thời giá năm xxxx) và chấm hết. Nó chẳng nói lên rằng với 100 triệu đồng này thì nhà tôi là giàu hay nghèo, đứng ở bậc thang thu nhập nào trong xã hội.

Đồng chí Doanh cũng rất sai về bản chất của cách tính theo PPP. Nó là cách tính dùng để khắc phục sự chênh lệch về sức mua giữa các quốc gia trong so sánh thu nhập của quốc gia, của đầu người của các quốc gia với nhau. Nếu tôi ở Việt Nam cũng kiếm được số tiền mua được 10 ổ bánh mì/tháng, anh ở Mỹ cũng chỉ kiếm được số tiền mua 10 ổ bánh mì/tháng thì chẳng có cái lý do gì nói rằng người Mỹ giàu hơn người Việt Nam cho dù anh có kiếm được 1000 đôla/tháng, tôi chỉ kiếm được 2 triệu VND, tương đương 100 đôla/tháng.
Tớ có để ý thấy hình như chẳng ai nói rằng người Việt giàu hơn Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch mà chỉ thấy có mấy đồng chí chuyên gia như trên nói/nghĩ như vậy thôi thì phải, nên ở đây chẳng có gì là “đỏ” với “chín” như đồng chí nói cả! Dù vậy tớ cũng thở phào một cái vì ít ra đồng chí cũng không đánh đồng quy mô GDP của nền kinh tế với mức độ giàu nghèo của công dân của các quốc gia đó. Còn chuyện cảnh báo thì nên cảnh báo với mấy cái đầu có vấn đề thôi, chứ người thường như tớ là hiểu ngay vấn đề.

Đi xa hơn nữa và kinh khủng hơn nữa, làm trầm trọng vấn đề một cách không thể tiêu hóa nổi là ý kiến của đồng chí này:

Chia sẻ trên báo Hải quan, TS Đỗ Đức Định - Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu kinh tế - xã hội Việt Nam lại cho rằng: "Một nền kinh tế dù xếp thứ 42 thế giới nhưng nếu giá trị gia tăng đem về chỉ giống như tỉ lệ gia công trong ngành dệt may thì nên nhìn nền kinh tế giống như tỉ lệ gia công đó thôi chứ không phải sức chúng ta làm được hoàn toàn như thế. Do đó, không nên lạc quan quá khi nhìn nhận xếp hạng GDP tính ngang giá sức mua của nước ta".

Đúng là từ chuyện nọ xọ chuyện kia, chẳng hiểu mô tê ất giáp gì cũng phán lung tung như đúng rồi. GDP chính là cái phản ánh “sức chúng ta làm được” trên cái đất Việt Nam này, chứ sao đồng chí lại bảo không phải? Không lạc quan thì đúng rồi, tớ cũng không lạc quan đâu, mà chỉ nhìn nhận đó là một thực tế, một “fact” thôi.


Đồng chí TS Nguyễn Quang A thì nói có vẻ đúng nhất (gần giống tớ nói hôm trước!):

Trả lời trên báo Nông thông ngày nay xung quanh công bố Bảng xếp hạng 177 nền kinh tế của WB mới đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A nhấn mạnh: "Nước mình đứng về quy mô dân số hiện đứng thứ 13 trên thế giới, nên tương xứng thì nền kinh tế Việt Nam cũng phải xếp thứ 13 trên thế giới mới phải, nhưng Việt Nam lại xếp tận thứ 42 thì cho thấy nền kinh tế Việt Nam quá yếu kém".

Nhưng đồng chí A hơi quá đà khi nhấn mạnh chữ “quá yếu kém” vì cái tội Việt Nam không chịu xếp hạng thứ 13 trên thế giới về kinh tế. Sau Việt Nam vẫn còn tới hơn 100 nước có GDP nhỏ hơn Việt Nam và trong số đó cũng có không ít nước có dân số còn lớn hơn Việt Nam, đồng nghĩa với họ còn yếu kém hơn cả Việt Nam về mặt kinh tế. Nên nếu có so sánh thì chỉ nên so sánh tương đối, chứ không phải so sánh theo cái kiểu tuyệt đối hóa như vậy được, và phải hiểu rằng thứ hạng 42 chỉ là thứ hạng về quy mô, độ lớn của nền kinh tế Việt Nam so với các nền kinh tế khác trên thế giới, và chỉ thế thôi; những người xếp hạng cũng chỉ nghĩ thế thôi, đừng có phóng đại, nâng quan điểm vấn đề lên làm gì, xin các đồng chí!
Chưa dừng lại ở đó, các đồng chí TS này (toàn TS mới kinh) lại tiếp tục vui miệng phát triển thêm sang cả vấn đề làm thế nào để cải thiện thứ hạng của Việt Nam, mà lại bằng những giải pháp (lại giải pháp!) ất ơ, tầm phào đâu đâu. Thật hết muốn bình luận tiếp, dừng ở đây đi ngủ cho khỏe.

Thursday 18 July 2013

Về thứ hạng của kinh tế Việt Nam

Hôm nay ghé mắt qua báo chí thấy cái tin WB xếp nền kinh tế VN vào hạng hình như là 42 trên thế giới về quy mô GDP tính theo PPP (sức mua ngang giá). Cái xếp hạng này gây ra một số thắc mắc trong dư luận, vì VN còn được xếp trên cả một số nền kinh tế ở châu Âu.

Tớ thấy có đồng chí Lê Đăng Doanh đăng báo trả lời ở khía cạnh rằng xếp hạng này là dựa trên PPP , là cái thường lớn hơn GDP tính theo giá cố định (đối với nền kinh tế đang phát triển như VN).

Cái này đúng nhưng chưa đủ. VN là nước nghèo nếu xét theo thu nhập đầu người của VN. Nếu so với thế giới thì thuộc dạng thấp, càng không thể so với các nước ở châu Âu. Nhưng điều đó không liên quan gì đến thứ hạng về quy mô kinh tế cả, nếu xét về quy mô GDP (nhất là khi tính theo PPP), đơn giản vì dân số VN gấp hàng (vài) chục lần so với những quốc gia nhỏ bé ở châu Âu với dân số độ vài triệu người (hoặc thấp hơn). Với quy mô dân số lớn như vậy thì cho dù VN vẫn (mãi) được coi là nước nghèo nhưng quy mô GDP thì không thể nhỏ hơn một số nước ở châu Âu, mặc dù họ là nước giàu. Và vì vậy, nền kinh tế VN đương nhiên phải đứng ở vị trí không phải là gần cuối bảng như với xếp hạng nước giầu, nghèo.

Với cùng logic như vậy, không thể coi Trung Quốc là nước giàu được mặc dù Trung Quốc đã ngoi lên đứng ở hàng thứ hai sau Mỹ về quy mô GDP. Có được điều này đơn giản vì dân số Trung Quốc chiếm hơn 1/5 thế giới, mặc dù GDP bình quân chỉ đâu như 3-4000 USD/năm. Với mức thu nhập đầu người như vậy (ở dạng trung bình thấp của thế giới) thì TQ còn phải chạy đua dài dài mới trở thành nước giàu theo đúng nghĩa là công dân phải có thu nhập cao được.

Monday 15 July 2013

Khổ như người Nhật

Tớ sống và làm việc với người Nhật cũng khá lâu rồi nên thấy làm người Nhật cũng không sung sướng gì như người khác vẫn nhìn vào. Ngoài chuyện làm việc quên chết, coi sếp và cơ quan hơn cả bố, người Nhật còn khổ ở chuyện lấy vợ, lấy chồng, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế.

Hôm lâu lâu, có dịp hàn huyên với một cô đồng nghiệp người Nhật, lứa tuổi 40s. Tự nhiên câu chuyện xoay qua chuyện lấy vợ lấy chồng của người Nhật. Cô này nói rằng hiện nay có rất nhiều phụ nữ Nhật ở tuổi 30s, 40s không lấy chồng. Bạn cô ta sống ở Sing cũng có mấy người chưa có chồng. Hỏi nguyên nhân thì được giải thích rằng đàn bà Nhật khi đã lấy chồng thì chỉ muốn, có xu hướng, ở nhà nội trợ, đẻ và nuôi dạy con, phó mặc việc kiếm tiền cho chồng. Học cao bao nhiêu chăng nữa thì rốt cuộc nhiều người cũng dừng lại ở đó. Nhiều người chưa tìm được chồng tương lai thì tìm cách giết thời gian và đợi chờ cơ hội trong những việc vô bổ (đối với tớ) như học cắm hoa, trà đạo, mặc kimono, học cái này cái kia. Nhà khá giả thì bố mẹ sẵn sang bỏ tiền cho con học đủ thứ để đợi thời/chồng. Nhà nào yếu quá thì mới để con gái đi làm một thời gian (rồi cũng sẽ bỏ khi lấy chồng, đẻ con).

Nhưng cái khổ là hiện nay nhiều đàn ông Nhật không kiếm được nhiều tiền, do kinh tế suy thoái. Nên các chị, các cô nhìn vào mấy anh/ông này mà không dám tiến gần, thà ở vậy, tìm cơ hội khác, vì lấy chồng mà chẳng được nhờ cậy gì mấy (về tiền nong). Đàn ông trong hoàn cảnh này có cố gắng tiếp cận đến mấy, như cách ta thường nói là tán tỉnh thì cũng thường chỉ được con số 0, nên rốt cuộc cũng đành từ bỏ ý định và ở vậy.

Tớ ngạc nhiên, hỏi lại, tưởng xã hội Nhật giờ cũng đã biến chuyển rồi chứ, rằng đàn bà ngày càng thích tự chủ, độc lập, nên thích ra ngoài xã hội, đi làm, phấn đấu v.v... như mấy chị, cô người Việt ta. Cô đồng nghiệp mới cười và bảo rằng không có chuyện đó đâu, mọi việc vẫn thế.

Tớ mới lăn tăn hỏi đại ý rằng, như ở Việt Nam ta vẫn thường có câu, "nồi méo úp vung méo", với những phụ nữ Nhật hấp dẫn thì đi một nhẽ, nhưng còn với những chị/cô "méo" thì chắc cũng phải hạ tiêu chuẩn, vớ lấy một anh không "méo" cái nọ thì cũng "méo" cái kia, đặc biệt là khoản kiếm tiền, để mà có một tấm chồng tạm gọi là chồng chứ? Cô đồng nghiệp lại cả cười, bảo không có đâu. Phụ nữ Nhật đa phần vẫn và luôn luôn có cái "pride", thà không có chồng còn hơn vớ lấy một anh/ông không kiếm đủ tiền cho mình và gia đình, cho dù mình có "méo" đến đâu.

Ngẫm ra, thế mới thấy đàn ông Việt Nam còn sướng chán, kiểu gì thì cũng (hầu như) lấy được vợ, thậm chí còn được vợ nuôi. Ngược lại, làm đàn bà ở Việt Nam cũng không thú vị gì lắm khi cứ phải cố kiếm tấm chồng bằng mọi giá.

Thursday 11 July 2013

Xem họ nói gì về tỷ giá

Tớ lướt báo, thấy có 2 khuôn mặt, 2 ý kiến rất xứng đáng được lôi ra đây để bình luận. Gương mặt đầu tiên là đồng chí Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NHNN. Bổn cũ soạn lại, sau khi liệt kê nào là cán cân thanh toán thặng dư mấy tỉ đôla, nào là trạng thái ngoại tệ tại các ngân hàng không có đột biến, đồng chí Hưng kết luận rõ ràng luôn rằng diễn biến tỉ giá gần đây là do yếu tố tâm lý chứ không phải xuất phát từ mất cân đối cung cầu ngoại tệ.

Sai từ vừa vừa đến rất sai!
Sai vừa vừa vì yếu tố tâm lý đã hình thành từ lâu, chứ không phải đợi đến gần đây mới bộc lộ ra, mới bị cho rằng chỉ xuất hiện sau khi NHNN phá giá 1%. Yếu tố tâm lý hình thành từ lâu trên cơ sở, như tớ nói hôm trước, nhập siêu kinh niên, tỷ giá ổn định quá lâu trong khi lạm phát của Việt Nam quá cao so với các nước khác trong nhiều năm. Tâm lý càng dễ bị gây hoảng loạn/hoảng sợ hơn khi NHNN vừa trước đó cam kết không phá giá, nay lại phá giá (“điều chỉnh”), và chuyện này xảy ra không dưới ... trăm lần từ trước đến nay làm cho năng lực và uy tín của NHNN thành trò cười.

Rất sai, và ngụy biện, vì nếu cân đối ngoại tệ không xấu đi thì cớ gì NHNN phải phá giá, dù chỉ 1%, cho dù thừa biết phá giá, dù chỉ 1% cũng sẽ châm ngòi cho sự hoảng loạn?
Có nghĩa là, hoặc NHNN biết mình đang nói dối mà vẫn cứ phải trâng tráo tiếp tục, trong khi lý do thật sự nằm ở chỗ khác; hoặc rõ ràng cân đối ngoại tệ theo kiểu các đồng chí đang nói đến chẳng liên can mấy đến cái sự đi đâu về đâu của tỷ giá cả. Hoặc cũng có thể NHNN chẳng thể hiểu cái gì đang xảy ra, mình đã, đang và cần phải làm cái gì. Khả năng nào thì cũng cho thấy NHNN đang làm rất tồi công việc của mình, cả về khách quan và chủ quan.    

Rồi đồng chí Hưng lại còn khẳng định NHNN “không điều chỉnh” tỷ giá và sẽ kiên quyết ổn định tỷ giá. Nhưng tiếc rằng, rất tiếc rằng đồng chí Hưng lại nhắc lại rằng tỷ giá chỉ biến động 2%-3% trong cả năm. Nếu đã khẳng định không điều chỉnh, kiên quyết ổn định mà vẫn nói sẽ biến động vậy có nghĩa là hoặc một vài trong mấy khả năng sau: (i) khẳng định mà không chắc (có làm được hay không); (ii) khẳng định một đằng, (để rồi) làm một nẻo; (iii) khẳng định bừa (mục đích để trấn an dư luận là chính, hạ hồi phân giải); (iv) coi “không điều chỉnh” và “ổn định” tỷ giá có nghĩa tương đương với để cho tỷ giá biến động (tăng lên) nữa (từ nay đến cuối năm), là cái mà không thể hiểu được từ cách dùng tiếng Việt, buộc người ta phải đặt câu hỏi không biết đồng chí Hưng có giỏi tiếng Việt hay không.
Khả năng nào chăng nữa thì cũng chỉ có một hàm ý là hãy tiếp tục găm giữ USD vì NHNN chỉ biết/làm được đến thế thôi rồi sẽ phải buông, như đã từng chứng kiến nhiều, nhiều lần trước đây.

 
Gương mặt tiêu biểu thứ hai là của đồng chí Tiến sĩ  Trương Văn Phước. Trước khi viết tiếp, tớ phải phiền bạn đọc tìm giúp tớ đồng chí này lấy bằng TS ở đâu, vì đó là câu hỏi băn khoăn mãi của tớ từ trước đến nay, sau một đôi lần va vấp tranh luận với đồng chí này trên báo chí.
Cụ thể hơn, đồng chí TS Phước nói thế này: “Có một lý thuyết rất kinh điển về tỷ giá hối đoái là lý thuyết về bước đi ngẫu nhiên (Random Walk). Trong cơ chế tỷ giá hối đoái của Việt Nam có rất nhiều cách thức để điều hành trong bối cảnh chúng ta đã lựa chọn một cơ chế thả nổi có điều tiết. Có nhiều lựa chọn. Chúng ta có thể lựa chọn theo phương thức trườn bò của tỷ giá, có thể theo cách thức cố định trong một thời gian nào đó tỷ giá bình quân liên ngân hàng dựa trên một ngang giá trung tâm của tỷ giá hối đoái.”

Hiểu chết liền! Đúng là bước đi ngẫu nhiên có khác, đang từ lý thuyết về bước đi này nhảy một phát sang bàn về cơ chế tỷ giá ở Việt Nam mà (tớ) chẳng hề thấy mối quan hệ nào được nêu ra cả. Tớ nghiệm ra ở Việt Nam có đồng chí này và một số đồng chí khác như đồng chí Ngoạn, hay những khuôn mặt tương tự, rất sính dùng các thuật ngữ, lý thuyết đao to búa nhớn, thích trích dẫn, giảng giải (ấm ớ) về các nghiên cứu học thuật, sách vở, luận thuyết này kia.
Quay lại với bài của trả lời của đồng chí Phước. Bỏ qua cả đoạn dài sau đó từ “Vừa rồi NHNN thử nghiệm một cơ chế để cho tỷ giá hối đoái ổn định thông qua....” đến “Nhưng dù sao Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem lại việc lựa chọn một cách thức để cho tỷ giá bình quân liên ngân hàng cố định trong một thời gian lâu sau đó điều chỉnh lên một mức nhất định, hoặc lựa chọn cách thức tỷ giá trườn bò từ từ”, mà tớ đọc chỉ thấy toát lên ý rằng điều chỉnh 1% là chưa đủ liều lượng, như gợi ý của phóng viên (thế mà vòng vo mãi).

Với câu hỏi có phải biến động tỷ giá là do đầu cơ của ngân hàng hay không, đồng chí Phước quầy quậy lắc đầu phủ nhận, với 2 lý do rằng:
(1) thế là sai luật và sẽ bị NHNN phát hiện, xử lý nghiêm túc.

Ô hay, đồng chí Phước không biết rằng đã có bao nhiêu vụ phạm luật của ngân hàng xảy ra hàng ngày hay sao? Chuyện báo chí nêu về mua bán ngoại tệ vượt trần trong ngân hàng khá công khai, chẳng nhẽ các ngân hàng không nhận thức được đó là phạm luật và sẽ bị phát hiện, xử lý hay sao? Sao họ vẫn cố tình làm? Mà đã như thế thì việc đầu cơ ngoại tệ cũng chỉ là chuyện nhỏ với họ thôi chứ, sợ gì?
(2) trước đây ngân hàng chuyển đổi từ USD ra VND để cho vay, giúp giảm lãi suất VND (là đáng khen), nay tỷ giá căng thẳng mà lãi suất VND liên ngân hàng thấp nên họ phải chuyển đổi ngược lại (nhu cầu rất chính đáng).

Hệ hệ, chí lí nhưng không đúng! Đầu cơ nó khác lắm ạ. Đầu cơ là mua gom USD để đó, đợi giá lên thêm mới bán (có thể là trong ngắn hạn), hiểu đơn giản là vậy. Nó không nhất thiết liên quan đến chuyện chuyển đổi đi, chuyển đổi lại như đồng chí Phước đang thuyết giảng. Nếu ngân hàng cho rằng tỷ giá sẽ còn tăng lên, ví dụ, 2% nữa trong tuần tới, tháng tới, thì chẳng có lý do gì mà họ không huy động VND (kể cả tăng thêm một chút lãi suất để dễ huy động) và mua gom USD rồi giữa trong vòng 1 tuần, 1 tháng nữa (trong thời gian đó họ vẫn cho vay số USD này) rồi sau đó bán lại để thu 2% lãi, trong khi lãi suất phải trả cho khoản VND huy động ban đầu chẳng đáng kể nếu tính theo năm, chưa kể lãi suất ngắn hạn thu được từ cho vay USD.
Tóm lại, tớ đã nói vài lần rồi về chuyện tỷ giá ở Việt Nam, thà cứ lẳng lặng mà làm, đừng có lên tiếng thanh minh thanh nga gì, cam kết với quyết tâm/quyết liệt gì, chỉ có tác dụng ngược mà thôi. Lực bất tòng tâm. Cả trí tuệ và thực lực chỉ có vậy thì đừng mong xoay chuyển được thời cuộc.

Monday 8 July 2013

Chuyện cũ rích: giữ đôla hay VND?

Hôm nay cáo ốm, rách việc nên viết hơi nhiều, thêm cả chuyện này nữa. Mới mấy hôm trước tớ nói rằng tớ có ít lòng tin nên cứ giữ USD cho chắc ăn thay vì giữ VND vì sợ những cú "điều chỉnh" tỷ giá đột ngột như trước, làm cho việc gửi/giữ VND trở nên trò cười so với giữ USD. Hôm nay đọc báo thấy tỷ giá có lúc lên tới 22.000 mới thấy quả là mình không phải không có lý. Cho nên tớ đã nhiều lần nói rằng đừng có nghe những chuyên gia với chuyên vào, cả quan chức nữa rằng thì là giữ VND có lợi hơn vì lãi suất cao hơn, vì NHNN cam kết ổn định tỷ giá, rằng NHNN sẽ can thiệp, rằng biến động tỷ giá đó chỉ là nhất thời, bất thường vì cán cân ngoại hối thặng dư, vì dự trữ ngoại tệ đã tăng, vì cái nọ cái kia.

Chỉ riêng một chuyện là VND đã lên giá thực (real appreciation) so với USD quá nhiều, cộng với nhập siêu kinh niên, cũng đủ xui khiến người ta (nhất là những người có chút kiến thức kinh tế) giữ USD thay vì VND vì người ta biết thế nào rồi thì VND cũng sẽ bị phá giá về danh nghĩa, đơn giản vì sự thâm hụt và lên giá thực này không thể tồn tại mãi, bất chấp những lời quân sư quạt mo rằng thì là phá giá là, chỉ mang lại bất lợi cho nền kinh tế (học ở đâu ra mà đến nông nỗi thế không biết?).

Còn nếu ai vẫn muốn tin vào những phân tích quạt mo này thì cũng nên nhớ rằng Việt Nam đang phải nhờ cậy đến cả hệ thống công an để "ổn định" tỷ giá, mà bất cứ khi nào, cái gì mà cứ phải dùng đến công quyền để can thiệp thì có nghĩa là có gì đó rất bất ổn đằng sau, và một mình hệ thống công quyền thôi không đủ xử lý được những bất ổn đó. Cuối cùng thì cái gì của Cesar phải trả lại cho Cesar, thị trường (đen) sẽ điều chỉnh tất cả mà không một hệ thống công quyền nào có thể can thiệp thô bạo được.

Sunday 7 July 2013

Đầu gấu - cá nhân và quốc gia

Hôm trước về Hà Nội công tác xong về quên không kể chuyện đầu gấu mà tớ là người trong cuộc. Chả là buổi chiều tối họp hành xong việc tớ hay ghé về nhà ăn cơm với các cụ và các anh em (sống quay quần xung quanh nhà các cụ). Hôm đó như thường lệ, ăn xong, đang chuyện gẫu với cô em nhà ngay đối diện qua con ngõ rộng độ 4m, thì thằng hàng xóm đánh ô tô lùi ra. Vướng mấy cái xe máy dựng trước cửa nhà cô em nhưng thằng này - gần đây làm ăn phát đạt nên phát tướng, cắt đầu đinh, chơi với toàn lũ bạn cũng tương tự, trông (và thực tế) rất đầu gấu, chửi bới hàng xóm bất kể già trẻ - phát huy tính đầu gấu nên cứ ngồi trên xe bấm còi. Cô em cũng dạng đầu gấu làng nên tức, kệ không thèm ra dắt xe máy dọn đường cho nó đi qua. Thế là thằng đầu gấu ngõ lùi xe sát vào cửa nhà cô em, làm vỡ mất viên đá lát bậc tam cấp. Cô em lên tiếng, nó thò mặt ra khỏi ô tô hỏi thách đố, đại loại vỡ rồi thì sao, làm gì nó v.v...

Tớ đứng đó, lúc đầu cũng run như cầy sấy vì điệu bộ đầu gấu ngõ của thằng hàng xóm, chỉ phụ họa yếu ớt theo cô em để phản kháng một cách rất ngoại giao, vốn là tính cách không phải là bản chất của tớ mà là tớ học lỏm được từ thiên hạ sau mấy chục năm vào đời. Sau thấy thằng hàng xóm này làm càn quá, tự nhiên tớ hăng máu lên (nói thêm là tớ từ nhỏ đến lúc trước khi đi Nhật khai hóa văn minh đã gây sự, đánh, chửi nhau với cả xóm, để các đồng chí rõ tại sao tớ lại như bây giờ nhé), ra đứng trước mặt thằng này quyết ăn thua với nó. Nó đang lèm bèm chửi đ.m đ. cha, tớ hỏi lại: "Mày chửi đ.m ai đấy hở thằng ôn con? Mày định làm đầu gấu ở cái xóm này à?" Thằng kia vẫn hùng hổ nhưng lại nói: "Tôi đ/éo chửi anh". Haha, tớ biết thóp thằng này là con hổ giấy rồi, bèn cũng hùng hổ xông tới, làm bộ quyết làm ra lẽ phải trái với nó. Thế rồi hàng xóm và người nhà 2 bên xông ra ngăn cản, làm tớ phải rất hậm hực vì không có dịp dạy cho nó bài học :). Còn thằng kia thì chắc lần đầu tiên (ít ra là ở cái xóm này) gặp một thằng dám đối mặt với nó (tuy già hơn và nhẹ cân hơn nó nhiều) nên chắc nó lần sau cũng phải lịch sự hơn với hàng xóm.

Chuyện cá nhân tớ là vậy, nhưng suy ra chuyện quốc gia chắc cũng không khác là mấy. Nếu đã biết thằng hàng xóm chỉ là con hổ giấy, hoặc ít ra thấy nhục quốc thể quá không thể chịu được thì sự phản kháng (có vẻ) là quyết liệt không hiếm khi được việc. Nếu tớ và người nhà tớ mà nhún, sợ thì có lẽ thằng hàng xóm lần sau còn cán cả vào cửa nhà hoặc lên xe máy dựng ở cửa nữa chứ chẳng chơi. Suy ra cả nước thì cũng chắc thế thôi.

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).