Monday 28 April 2014

Tỷ giá: Hy vọng lần này sẽ khác

Lần này với sự lên tiếng của các đồng chí TS "lão làng" như Trần Đình Thiên, Võ Đại Lược ̣̣̣(như trong bài này), tớ hy vọng áp lực phá giá VND sẽ lớn hơn nhiều so với mấy tiếng nói của những kẻ ất ơ, vô công rồi nghề như tớ.

Trong khi đó, tớ lại thất vọng vì đồng chí Bình Thống đốc NHNN vẫn khẳng định chỉ phá giá VND cùng lắm là 1 điểm phần trăm trong năm nay.

Tuy ca ngợi các đồng chí Thiên và Lược thế nhưng tớ vẫn cứ phải không quên nhiệm vụ chỉ ra một số lỗi trong lập luận của các đồng chí này.

Cụ thể, với đồng chí Thiên, đồng chí cho rằng lạm phát giảm thấp kéo theo mức tăng trưởng tín dụng thấp. Tớ đồ rằng rất có thể mối quan hệ nhân quả ở đây xảy ra theo chiều ngược lại, tức tăng trưởng tín dụng thấp (góp phần bởi chính sách tiền tệ mở rộng thận trọng hơn) làm giảm đà tăng lạm phát.

Đồng chí Thiên cũng có vẻ như quá phóng đại tầm quan trọng của tỷ giá, quy cho “là một trong những nguyên nhân quyết định của tình trạng sau mấy chục năm nỗ lực hết sức cho mục tiêu “nhanh chóng rút ngắn khoảng cách tụt hậu phát triển” và trở thành “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” thì cho đến nay, Việt Nam vẫn chỉ có một nền công nghiệp đẳng cấp rất thấp, có thể nói là thuộc loại thấp nhất. Chứng minh điều này có lẽ cần phải cả 1 bài luận dài, cỡ luận văn tiến sĩ ở Việt Nam, trong đó phân tích nguyên nhân nào là nguyên nhân chính (chủ yếu là sai lầm về chính sách, như chính sách phát triển công nghiệp, chính sách về thành phần kinh tế ...). Tỷ giá rõ ràng là có vai trò, nhưng không phải là quyết định vì tỷ giá cũng đã được điều chỉnh trong suốt các thập kỷ đã qua, tuy mức độ và thời điểm vẫn là điều cần nói. Và cho dù VND có bị phá giá mạnh và liên tục hơn nữa nhưng Việt Nam chưa chắc đã có một nền công nghiệp hiện đại. Lý do có thể đơn giản chỉ vì thế mạnh của Việt Nam không nằm ở lĩnh vực công nghiệp (tiên tiến, hiện đại), thế thôi.

Đồng chí Võ Đại Lược (hình như là TS, tuy trong bài trích dẫn lại không được gọi là TS), thì sai ở cái chỗ là thừa nhận với những người phản đối phá giá rằng phá giá sẽ làm tăng nợ nước ngoài qua ví dụ phá giá tiền đồng 10% thì sẽ làm món nợ 9 tỷ đô la tăng lên thành 10 tỷ đô la. Tớ đã nói đi nói lại nhiều lần rằng món nợ bằng đô la ở mức 9 tỷ đô la thì vẫn chỉ là 9 tỷ đô la trước và sau khi phá giá VND. Chỉ có món nợ trên quy ra VND mới là tăng lên 10% nữa. Vì thế phá giá không làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài nếu là món nợ bằng ngoại tệ.
Vì VND là đồng tiền không chuyển đổi được nên đương nhiên nó không thể được vay mượn ở thị trường ngoài Việt Nam được. Nói cách khác, toàn bộ khoản vay nước ngoài của Việt Nam là bằng ngoại tệ, chứ không phải là VND, và vì thế chẳng có cái lý do gì sất để nói rằng phá giá VND sẽ làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài của Việt Nam cả!

Các đồng chí “to” thế này mà cứ còn sai ở những chi tiết nhỏ nhặt như thế này thì bảo sao các đồng chí Chính phủ và NHNN, cùng với một đội ngũ chuyên gia, các nhà kinh tế đông đảo khác cứ khăng khăng không nên/được phá giá VND, chưa kể các đồng chí bình dân, cứ nghe phá giá là sợ són ra nên phản đối ầm ầm.

Saturday 26 April 2014

Chuyện nào ra chuyện đó!

Chuyện về đồng chí GS Ohno với khẳng định “Việt Nam đã sập bẫy thu nhập trung bình” tưởng chừng như đã khép lại sau một vài cái hội thảo được báo chí ăn theo làm cho ồn ào hơn mức cần có. Vậy mà vẫn có một số báo tiếp tục xới lại như bài dưới đây.
 
Lẽ ra cũng không cần phải mất thời gian bình luận những bài báo kiểu này, nhưng tớ “tự nhiên” phát hiện ra rằng đồng chí Ohno hóa ra cũng khôn ra phết.

Trước tiên, phải khẳng định rằng chuyện sập bẫy này hầu như là do đồng chí Ohno tự nhiên đưa ra đầu tiên một cách chính thức và có bài bản (trước đây hình như cũng có một số chuyên gia và tổ chức quốc tế đề cập sơ qua nguy cơ này, nhưng không gây mấy chú ý của dư luận). Vấn đề là đồng chí này không ngờ đã nhận được nhiều phản đối, kể cả từ phía các tổ chức quốc tế như WB và ADB, chứ không chỉ có những tán đồng ăn theo nói leo của các đồng chí Việt Nam.
Rồi đồng chí Ohno lại thêm một lần nữa đăng đàn để chứng minh rằng Việt Nam đã bắt đầu “quá trình sập bẫy” (chính xác ra là chuyện sập bẫy của Việt Nam là “xu hướng”, chứ không phải đã sập bẫy như lời khẳng định ban đầu), tuy những dẫn chứng của đồng chí lần này cũng chẳng khác và thêm tính thuyết phục mấy so với lần trước.

Đáng nói hơn là đồng chí này thay vì tìm cách chứng minh một cách mạnh mẽ và hùng hồn hơn nữa quan điểm ban đầu (đã sập bẫy), lại “đánh bùn sang ao”, hướng dư luận sang một chuyện hoàn toàn khác là làm thế nào để thoát bẫy này, và khuyên nhủ, khuyến cáo rằng đừng ngồi đó mà bàn luận liệu Việt Nam có sập bẫy hay không, đã hay chưa.
Rõ khéo cho đồng chí này! Chuyện nào ra chuyện đó chứ?!

Để các đồng chí bạn đọc thấy sự lắt léo của đồng chí Ohno ở đây, tớ lấy ví dụ về Trung Quốc tương tự như cách làm của đồng chí Ohno thế này nhé. Các đồng chí Trung Quốc, tự nhiên và khơi khơi đưa ra một số cơ sở ất ơ nào đó để khẳng định rằng phần lớn biển Đông là của Trung Quốc. Thế nhưng, tuyên bố này vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Thấy không thể thuyết phục được (và có phần “cao thủ”), các đồng chí Trung Quốc thay vì "quyết tâm" và "quyết liệt" chứng minh mình đúng, bèn khuyên bảo các đồng chí Việt Nam, Phi, Mã v.v... rằng nếu cứ tranh luận (tranh chấp) như vậy thì sẽ nguy hiểm, chi bằng hãy “gác lại tranh chấp” cùng khai thác biển Đông có phải là tốt hơn không, thay vì nguy cơ chiến tranh nổ ra, các bên đều thiệt hại (mà cuối cùng Trung Quốc vẫn thắng). Thế là một số trong các đồng chí khác nầy thấy cũng có lý, bèn, chẳng hạn, ngồi đàm phán làm thế nào để gác lại tranh chấp, để “đôi bên cùng có lợi”, quên tiệt thâm ý và sự ngụy biện, gian trá của các đồng chí Trung Quốc, và sa lầy vào một vấn đề hoàn toàn khác.
Đại loại vậy. Tiếc rằng nhiều người (báo) ở Việt Nam vẫn tiếp tục phí thời gian vào hùa với đồng chí Ohno để viết ra những bài như vậy.


 Cách thoát “bẫy” thu nhập trung bình?
Tâm Dân
Thứ Bảy,  26/4/2014, 11:41 (GMT+7)





 

Cách thoát “bẫy” thu nhập trung bình?Tâm Dân(TBKTSG) - Câu chuyện “bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam” đã xới lên nhiều ý kiến bàn luận. Bên cạnh những phân tích mang tính học thuật sắc sảo minh chứng cho việc Việt Nam đã bắt đầu quá trình “sập bẫy” thu nhập trung bình, Giáo sư Kenichi Ohno (Nhật Bản), người khởi xướng câu chuyện, còn chứng tỏ mình là người rất am hiểu và bắt bài được kiểu cách điều hành kinh tế - xã hội lâu nay ở nước ta, đặc biệt là hội chứng hội thảo nhiều, viết, nói, hô hào mãi nhưng quan trọng nhất là hành động thiết thực thì chẳng được bao nhiêu.
Trong cuộc chơi hội nhập toàn cầu ngày nay, thời cơ luôn song hành cùng thách thức, nền kinh tế của một quốc gia rất dễ bị tổn thương bởi hàng loạt cái “bẫy” bủa vây tứ phía, nếu chúng ta không đủ tỉnh táo, không có bản lĩnh chung sống với thương trường thì rất dễ chuốc lấy sự thất bại.
Điểm mấu chốt để giúp đất nước thoát bẫy thu nhập trung bình chính là phải bằng mọi cách duy trì và không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của từng chủ thể trong nền kinh tế.
Ngay từ cuối năm 2008, ý tưởng về một chương trình nghiên cứu sâu năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được đặt ra trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Giáo sư Michael E. Porter (Đại học Harvard - Mỹ) tại Hà Nội. Bản thân Giáo sư Porter rất ấn tượng với những thành tựu to lớn trong tăng trưởng và giảm nghèo mà Việt Nam đạt được nhưng ông cũng chỉ ra vị trí rất khiêm tốn của Việt Nam trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu là một vấn đề đáng quan ngại. Năm 2009, với sự hỗ trợ tích cực của Giáo sư Porter, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương và Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á Singapore (AIC) đã phối hợp xây dựng báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh bộ dữ liệu, những phân tích có giá trị về các hoạt động kinh tế - xã hội ở Việt Nam, báo cáo này còn đưa ra một loạt khuyến nghị về mặt chính sách cụ thể, đặc biệt là thành lập hội đồng năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, mọi việc cho đến nay dường như vẫn giậm chân tại chỗ? Thực ra, đây chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ phản ánh năng lực tiếp thu, chọn lọc và triển khai chính sách ở Việt Nam còn hạn chế lớn, sự bất cập kéo dài giữa ý chí của người lãnh đạo với khả năng thực thi của bộ máy điều hành còn nhiều yếu kém.
Thiết nghĩ, điều thức thời nhất hiện nay là không nên sa vào bàn cãi nước ta đã rơi vào “bẫy” hay chưa, mà cần tập trung toàn lực để xây dựng chương trình hành động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trước hết, cần bắt tay ngay vào việc chữa trị tận gốc căn bệnh nói nhiều nhưng không làm, làm không đến nơi đến chốn, hoặc làm chẳng được bao nhiêu. Vấn đề quan trọng là hình thành nên một cơ chế mà ở đó những con người “làm được việc” và “ được làm việc” sẽ trở thành động lực trung tâm của mọi thành tựu. Bộ máy điều hành buộc phải thay đổi cách ứng xử theo phương châm: (1) cần đặt đúng vào vị trí đối với những người nói được, làm được để họ có cơ hội phát huy sở trường của mình, (2) tạo ra áp lực tinh thần và vật chất đúng mức đối với những người không dám đối mặt với sự cạnh tranh để tiến bộ, (3) sẵn sàng độ lượng, khoan dung đối với những thử nghiệm thất bại, thậm chí những tổn thất về kinh tế , nhưng không thể khoan nhượng và tha thứ đối với những hành vi suy đồi đạo đức, bán rẻ lợi ích chung, và tệ hơn là cố tình làm tổn hại, suy yếu chiến lược cạnh tranh quốc gia.

Thursday 24 April 2014

Những lợi ích của bỏ trần lãi suất huy động (Bài đăng trên TBKTSG, 24/4/2014, bản gốc)

http://www.thesaigontimes.vn/113935/

Trần lãi suất huy động (và cho vay) thực chất là một công cụ hành chính được sử dụng nhằm giữ cho mặt bằng lãi suất của nền kinh tế ở mức thấp, có lợi cho giới đi vay và đầu tư, với hy vọng là sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp. Đồng thời, với những nền kinh tế vướng vào nợ nần ở mức trầm trọng, lãi suất được chủ ý giữ ở mức thấp sẽ giúp cho Chính phủ và các con nợ (chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước, DNNN) có thể dùng nợ (mới) nuôi nợ (cũ) trong một thời gian dài hơn (tức kéo dài thời gian mà nền kinh tế có thể chịu đựng được khi nợ liên tục tăng đến một mức nguy hiểm nào đó). Đương nhiên, các Chính phủ cũng có xu hướng ưa thích dùng trần lãi suất huy động vì nhờ nó Chính phủ có thể huy động vốn với giá rẻ để tài trợ cho các chi tiêu của mình trong bối cảnh lãi suất huy động cũng bị áp đặt ở mức thấp hơn mức cần có từ tình hình cung cầu vốn thực tế trên thị trường nhưng người có tiền gửi tiết kiệm cũng không còn lựa chọn nào khác.

Tuy vậy, rốt cuộc rồi thì, đến một thời điểm nào đó, các Chính phủ cũng phải tính đến chuyện triệt thoái trần lãi suất. Trong khu vực và gần đây nhất thì Trung Quốc đã tuyên bố sẽ bãi bỏ trần lãi suất huy động trong vòng 2 năm nữa. Việt Nam cũng có tuyên bố tương tự, nhưng với thời điểm thực hiện sớm hơn thế, ngay trong năm nay.

Bất chấp một số lo ngại mà phái ủng hộ duy trì trần lãi suất ở Việt Nam đưa ra, chủ yếu liên quan đến sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam vốn chưa phát triển đầy đủ, cũng như những rủi ro đi kèm như khủng hoảng tín dụng, đổ vỡ hệ thống ngân hàng bắt đầu từ những ngân hàng yếu kém và việc đẩy mạnh cho vay và đầu tư vào những lĩnh vực và doanh nghiệp rủi ro cao v.v..., bãi bỏ trần lãi suất để tự do hóa lãi suất huy động sẽ mang đến nhiều lợi ích to lớn hơn cho cả nền kinh tế mà nhiều người trong số này đã không nhìn ra khi kêu gọi áp trần lãi suất.

Lợi ích thứ nhất, kích thích tiêu dùng. Với nhiều người, có lẽ đây là một nghịch lý. Trong bối cảnh tổng cầu vẫn còn tăng trưởng ở mức thấp hơn kỳ vọng thì người ta hô hào phải hạ lãi suất (cả huy động và cho vay) thấp hơn nữa để kích thích cho vay tiêu dùng và đầu tư. Cách dễ nhất là áp trần lãi suất. Nhưng với trần lãi suất thì lãi suất thực mà người gửi tiền được hưởng thường rất thấp, đôi khi ở mức âm. Do người gửi tiết kiệm sẽ thu được lợi tức nhỏ hơn trong tương lai (thậm chí là bị “lỗ vốn” nếu lãi suất tiền gửi là thực âm) nên họ sẽ có xu hướng cắt giảm chi tiêu tại thời điểm hiện tại để phòng xa cho một tương lai ảm đạm hơn với thu nhập không tăng mạnh hoặc thậm chí giảm đi. Như thế, bù qua sớt lại thì tổng cầu không nhất thiết sẽ tăng (mạnh như kỳ vọng), nên trần lãi suất thực tế có thể sẽ không phát huy tác dụng như người ta mong muốn.

Hơn nữa, áp đặt trần lãi suất huy động thấp một cách cố ý tuy có tác dụng kích thích tăng trưởng danh nghĩa trong ngắn hạn do nó khuyến khích người ta tiêu dùng và vay nợ đầu tư ngay bây giờ thay vì gửi tiết kiệm và tiêu dùng đầu tư trong tương lai, nhưng nó lại làm giảm tăng trưởng trong tương lai khi các khoản nợ đến hạn, buộc nền kinh tế phải cắt giảm tiêu dùng và đầu tư.

Điều đáng bàn là ở Việt Nam, dư luận xã hội dường như có cái nhìn rất khắt khe với quyền lợi của người gửi tiền, cho rằng họ là người có tiền nên cần “chịu thiệt” cho xã hội, cho những người đi vay vốn là những đối tượng “khó khăn” hơn (có “khó khăn” mới phải đi vay tiền!). Bởi vậy, áp trần lãi suất luôn được tán thưởng hơn là bỏ trần lãi suất!

Lợi ích thứ hai từ việc bỏ trần lãi suất là giúp làm giảm đà tăng nợ công, cải thiện chất lượng chi tiêu công. Khi Chính phủ phải cạnh tranh với khu vực tư nhân trong việc huy động vốn cho các chi tiêu của mình với lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ càng cao nếu họ càng đẩy mạnh phát hành thì lúc đó gánh nặng nợ công càng dâng cao, Chính phủ càng chịu nhiều áp lực của dư luận đòi hỏi giảm nợ công, tăng hiệu quả chi tiêu công.

Thứ ba, xóa trần lãi suất sẽ giúp ích cho công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế ở Việt Nam. Với trần lãi suất huy động, các ngân hàng có xu hướng đổ dòng vốn giá rẻ vào các DNNN mà không cần phải bận tâm tìm ra những khách hàng ở các khu vực kinh tế phi nhà nước vốn mang lại lãi suất cho vay cao hơn nhưng cũng có rủi ro nhiều hơn là những DNNN được ngầm định bảo hộ bởi Chính phủ. Nếu trần lãi suất được xóa bỏ và, do đó, làm tăng chi phí vốn, các ngân hàng thương mại sẽ phải tích cực tìm kiếm các khách hàng tốt hơn thuộc khu vực kinh tế tư nhân và nước ngoài để đảm bảo khả năng sinh lãi cho vốn huy động trong khi các DNNN vẫn bê bết vì kinh doanh lẹt đẹt, lỗ nhiều hơn lãi. Quá trình này sẽ hỗ trợ cho sự lớn mạnh của khu vực kinh tế phi nhà nước (vốn đang cần được khuyến khích), và đặt các DNNN vào thế phải tự tái cấu trúc hoặc nâng hiệu quả kinh doanh nếu muốn tồn tại.

Xóa trần lãi suất làm tăng lãi suất cho vay còn thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển từ trạng thái tăng trưởng phụ thuộc quá lớn vào đầu tư (do vốn rẻ) và xuất khẩu sang sự tăng trưởng cân bằng hơn giữa đầu tư/xuất khẩu  và tiêu dùng (do người gửi tiết kiệm có thu nhập từ tiết kiệm cao hơn), làm tăng trưởng mang tính bền vững và ổn định hơn khi thị trường tiêu dùng nội địa được mở rộng.

Thứ tư, xóa trần lãi suất huy động có tác dụng ngăn cản dòng vốn đầu tư đổ vào những lĩnh vực và tài sản dễ gây ra các cơn sốt bong bóng như vàng và bất động sản. Khi lãi suất bị kìm nén bởi trần lãi suất, người có tiền thay vì gửi tiết kiệm lại mang đầu tư vào những tài sản mang tính bảo toàn giá trị tốt hơn này, nhất là trong bối cảnh lạm phát làm lãi suất thực âm còn thị trường chứng khoán thì không hoạt động tốt. Các cơn sốt bất động sản ở Trung Quốc và Việt Nam tạo ra những khu nhà “ma” khổng lồ, làm mắc kẹt một khối lượng tài sản cực lớn không sinh lãi cho nền kinh tế. Hơn nữa, khi giá bất động sản bắt đầu tuột dốc, nhà đầu tư chần chừ không muốn bán, cố giữ và hy vọng giá khôi phục. Điều này có nghĩa là tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ còn kéo dài trong nhiều năm vì cung bất động sản ế đọng này sẽ tiếp tục đổ vào thị trường dần dần, làm cho giá không thể phục hồi mạnh được.

Cuối cùng, có một điều cần khẳng định rằng, như Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhấn mạnh khi ông công bố chủ trương tự do hóa lãi suất hồi tháng 3 năm nay, “trong ngắn hạn, tự do hóa lãi suất có thể làm lãi suất tăng lên,... (n)hưng cuối cùng thì lãi suất sẽ được quyết định bởi thị trường”.

 

Wednesday 23 April 2014

Tăng vốn đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Vào thế đã rồi!? (Bài đăng trên TBKTSG Online 24/4/2014)

http://www.thesaigontimes.vn/113990/Tang-von-duong-sat-Cat-Linh-Ha-Dong-Vao-the-da-roi!?.html

(TBKTSG Online) - Đọc giải trình của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về những nguyên nhân đội vốn đường sắt Cát Linh – Hà Đông, người ta có cảm tưởng như Bộ này hoặc những người liên quan đến lập và thực thi dự án cố tình đặt ra một cái bẫy để bắt cả quốc gia Việt Nam làm con tin, bị dồn vào thế đã rồi, buộc phải chấp nhận tiếp tục “cuộc chơi” của họ đặt ra với vô số thiệt hại.

Về lý do thứ nhất mà Bộ này đưa ra, thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng với chi phí phát sinh thêm trên 84,2 triệu đô la Mỹ nữa. Thật không thể hiểu nổi những người lập và duyệt dự án nghĩ gì khi một điểm mấu chốt, thiết yếu nhất như vậy trong dự án lại có thể thay đổi một cách dễ dàng như thế. Dù họ có thể đưa ra lý giải này kia để biện hộ cho việc cần thiết phải thay đổi thiết kế, việc này đâu có khác gì làm lại một dự án khác?
Người ta có quyền nghi ngờ, đặt ra câu hỏi, phải chăng dự án ban đầu chỉ là làm để cho có, đơn giản nhất có thể với chi phí thấp hơn thực tế nhiều để dễ được thông qua?
 
Tương tự như vậy, nguyên nhân thứ 2 được Bộ GTVT xác định là việc bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot, với chi phí cho việc xử lý nền đất yếu là 13,54 triệu đô la. Thật kỳ lạ, và cũng không thể hiểu nổi! Thiết tưởng khi lập dự án xây dựng, dù là dân sinh, người ta luôn phải khảo sát, tìm hiểu để biết nền đất mà mình định xây công trình có yếu hay không (chẳng hạn khi xây nhà ở, người chủ nhà phải tìm hiểu xem nền đất của mình trước đây có phải là ao đầm bị lấp đi hay không...). Nay thì dự án này mới “bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot” có nghĩa là trước đó những người thiết kế và thực thi dự án “quên” không nghĩ ra việc phải khảo sát nền đất? Hoặc giả người ta có khảo sát, nhưng làm chiếu lệ nên không biết; hoặc đã biết nền đất yếu, sẽ phải xử lý nhưng cố tình lờ đi miễn là dự án được thông qua? Khả năng nào đi nữa thì cũng không thể tha thứ được cho những người liên đới này.
 
Rồi cũng chung một vấn đề như thế cho các nguyên nhân thứ 3, do dự án cần bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6; nguyên nhân thứ 4, do điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox; và nguyên nhân thứ 5, là việc bổ sung chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ (theo dự án đầu tư ban đầu, chí phí đào tạo chưa bao gồm chi phí ăn ở, đi lại của học viên). Những nguyên nhân này chỉ cho thấy một sự (cố tình) “ngây thơ” không tài nào hiểu nổi của những người liên đới khi “quên” không tính đến những yếu tố, những chi phí này lúc lập dự toán, làm dự án bị “đội” chi phí mà người dân nộp thuế bị dồn vào thế không thể “thoát” được, buộc phải chi tiếp nếu không muốn bỏ dở dự án.
 
Một nguyên nhân nữa xuyên suốt trong giải trình của Bộ GTVT là yếu tố trượt giá và chi phí giải phóng mặt bằng bị đội lên. Chỉ riêng “trượt giá” trong việc điều chỉnh xây dựng nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng đã là 43,5 triệu đô la trên tổng số 133,3 triệu đô la chi phí cần có để xây nhà ga 3 tầng (tăng từ 49,1 triệu đô la dự trù cho xây nhà ga 2 tầng). Giá gì mà “trượt” ghê thế?

Với chi phí giải phóng mặt bằng bị đội lên, đành rằng việc giải phóng mặt bằng luôn là một vấn đề đau đầu ở Việt Nam, nhưng nếu đã biết thế thì sao lại cố tình dự trù một mức chi phí giải phóng mặt bằng thấp hơn nhiều mức dự tính hiện nay thế? Phải chăng những người lập dự án có phương châm xuyên suốt trong đầu khi lập dự án cơ sở là mọi chi phí phải được dự tính ở mức càng thấp càng tốt thì mới dễ được thông qua?
 
Tóm lại, ngoài sự choáng váng với những con số chi phí phát sinh “khủng” của dự án, ấn tượng chính còn đọng lại trong đầu những người có quan tâm đến dự án này khi đọc giải trình của Bộ GTVT là dường như Bộ GTVT đang nói đến 2 dự án khác biệt nhau hoàn toàn, dù đều là dự án xây dựng nhà ga đường sắt đô thị, tại cùng một địa điểm. Mọi chuyện nghe cứ như là một trò đùa trêu ngươi và lố bịch. Nếu Bộ GTVT khẳng định chúng là một, mà chỉ có chi phí bị “điều chỉnh lên” thì Bộ này trước tiên cũng rất nên và phải sa thải những người liên quan đến thiết kế và phê duyệt dự án vì sự yếu kém và “ngây thơ”, hoặc cố tình gian trá của họ. Còn Bộ GTVT thì cũng nên cải tổ lại (kèm sa thải, bãi nhiệm) để giảm thiểu chuyện luôn phải “điều chỉnh” khủng xảy ra ở các dự án đầu tư công tương tự.
 
 
Box: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã bị chậm tiến độ hơn 2 năm đồng thời bị đội vốn hơn 61% (339 triệu đô la Mỹ) so với tổng mức đầu tư ban đầu khiến Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ GTVT phải chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tập thể cá nhân liên quan.
 
Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD, trong đó vốn ODA Trung Quốc là 419 triệu USD; thời gian triển khai ban đầu dự kiến từ tháng 8/2008 đến tháng 11/2013. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh mức đầu tư từ 552 triệu USD lên tới 891 triệu USD và thời điểm hoàn thành dự kiến vào tháng 12/2015, chậm 2 năm so với kế hoạch ban đầu.

Saturday 19 April 2014

Rút đăng cai ASIAD 18 – Chỉ đơn giản thế thôi sao? (Bài đăng trên TBKTSG Online, 19/4/2014)

http://www.thesaigontimes.vn/113733/Rut-dang-cai-ASIAD-18-%E2%80%93-Chi-don-gian-the-thoi-sao?.html

(TBKTSG Online) - Thủ tướng đã quyết định Việt Nam rút đăng cai ASIAD 18 và sẽ xin đăng cai tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất châu lục này vào một thời điểm khác. Dư luận thở phào vì Việt Nam đã không phải đối mặt với những khoản kinh phí khổng lồ tổ chức sự kiện trong bối cảnh “thiếu trước hụt sau”, mà quan trọng hơn là lợi ích kinh tế xã hội thu được từ sự kiện này không có gì là đảm bảo xứng với số tiền bỏ ra. Câu chuyện như vậy được cho là đã khép lại phù hợp với ý nguyện của số đông, dù có thể Việt Nam sẽ phải chịu nộp phạt cho hành động này.

Nhưng từ góc độ của người dân nộp thuế, câu chuyện trên và cùng với rất nhiều câu chuyện khác liên quan đến trách nhiệm của những người sử dụng tiền thuế của dân không nên và không thể để cho kết thúc một cách nhẹ nhàng, êm xuôi như vậy được.

Lật lại vụ đăng cai ASIAD 18. Điều có thể khẳng định được ngay là việc quyết định xin đăng cai của Việt Nam không thể chỉ là quyết định của Ủy ban Olympic Việt Nam, thậm chí là của Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch. Đơn giản là vì một mình Ủy ban này hay Bộ này không thể có thẩm quyền tổ chức sự kiện và thu xếp đủ tài chính cần thiết cho sự kiện này (nếu được chọn đăng cai), nếu không có sự “bật đèn xanh” hay một sự đồng ý về nguyên tắc từ cấp có thẩm quyền cao hơn. Cấp cao hơn này là ai thì dư luận không được rõ nhưng chắc cũng đoán ra được.

Nay lý do xin rút đăng cai ASIAD 18 đã được công bố, với những khó khăn và rủi ro nghe ra cũng là điều hợp lý. Nhưng điều đáng nói là tại sao những người có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đăng cai ASIAD 18 lại “không nghĩ ra”, không lường trước những khó khăn, rủi ro liên quan đến việc đăng cai này? Có hai khả năng liên quan xảy ra ở đây.

Thứ nhất là những người có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đăng cai tin vào con số 150 triệu đô la Mỹ, là con số kinh phí dự trù cần thiết cho việc đăng cai do cấp dưới trình lên, và được coi là con số đầu tư trong khả năng và có thể chấp nhận được. Nếu đúng vậy thì có thể coi đây là một sự “ngây thơ” không thể tha thứ được đối với người lãnh đạo liên đới. Như dư luận đã chỉ ra, chỉ cần bỏ chút thời gian tìm tòi trên internet (hoặc giao cho cấp dưới tìm hiểu, nếu mình “bận bịu” quá) là đủ để người ta biết tổ chức một sự kiện tầm cỡ khu vực như vậy tốn kém và là gánh nặng cho nhiều nước đăng cai trước đây như thế nào. Và bản thân những nhà lãnh đạo như vậy với kinh nghiệm thực tiễn của mình cũng thừa biết các dự án đầu tư công ở Việt Nam thông thường sẽ “đội” chi phí lên như thế nào, bất chấp các đánh giá khả thi và dự toán ban đầu có “chặt chẽ” đến đâu. Nếu không làm được như vậy thì những người lãnh đạo này cần phải chịu trách nhiệm trước những người dân nộp thuế vì đã vô trách nhiệm, đã không đủ năng lực để điều hành lĩnh vực của mình.

Bây giờ, việc chính thức công bố rút đăng cai là gián tiếp thừa nhận rằng kinh phí dự trù cho sự kiện này không thể chỉ là 150 triệu đô la, mà còn có thể hơn thế nhiều, rất nhiều, quá sức kham nổi của Việt Nam nên mới phải “muối mặt” xin rút, để lại không những hậu quả về khoản tiền nộp phạt (có thể có) mà còn là sự sứt mẻ thêm về uy tín của Việt Nam với tư cách là một quốc gia. Bởi vậy, việc đăng cai rồi xin rút ra như vậy không thể được coi như là một việc thích thì làm, không thì thôi, mà phải quy trách nhiệm cho những người liên đới. Với cấp xây dựng kinh phí dự toán, cần phải quy trách nhiệm về năng lực dự toán yếu kém, hoặc nặng hơn là sự cố tình gian dối (đưa ra mức thấp hơn) để được thông qua. Đối với cấp thẩm quyền phê duyệt cuối cùng, sai sót này không thể chỉ coi là trách nhiệm chính trị hay trách nhiệm tập thể, thậm chí là trách nhiệm của... toàn dân là xong.

Khả năng thứ hai xảy ra là những người có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đăng cai thừa biết và lường trước mọi chuyện (ví dụ, con số kinh phí 150 triệu đô la là quá thấp), nhưng vẫn cố tình ký phê duyệt chủ trương đăng cai sự kiện. Nếu vậy thì rõ ràng những người này không nên và không thể ngồi yên ổn ở cái ghế hiện tại vì những lý do hiển nhiên.

Tóm lại, dù có là khả năng nào trong hai khả năng trên chăng nữa thì cần phải công khai trách nhiệm và xử lý kỷ luật với những cấp và người có liên quan đến việc xin rút đăng cai ASIAD 18, chứ không thể để vụ việc trôi qua một cách nhẹ hều như vậy được.

Nhìn rộng ra, vụ việc này cũng chỉ là một trong vô số những vụ việc liên quan đến các quyết định và dự án chi tiêu công của nhà nước sử dụng tiền thuế của dân một cách hết sức lãng phí và vô trách nhiệm, để rồi “hòa cả làng”, không một ai chịu trách nhiệm (thậm chí là quy cho toàn dân chịu trách nhiệm), khi hậu quả đổ vỡ, thua lỗ nổ ra. Do đó, nếu muốn thực hiện được những việc lớn trong nền kinh tế như cải cách, tái cơ cấu, tăng hiệu quả nền kinh tế vân vân và vân vân thì hãy bắt đầu từ những vấn đề “nhỏ nhặt” như thế này đã!

Sunday 13 April 2014

Về “quê” Nhật (Bài đăng trên TBKTSG Online, 14/4/2014)

http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/blog/113364/Ve-“que”-Nhat.html

TBKTSG Online) - Tưởng rằng sẽ khó có một ngày nào đó tôi sẽ quay trở lại Nhật trong tư cách của người đi du lịch, đúng hơn là về chơi thăm lại “quê”, nơi tôi đã sống, học và làm việc hơn chục năm có lẻ, với nhiều gắn bó thân thiết. Thế mà rốt cuộc nhân kỳ nghỉ xuân của cậu con trai, cả nhà lại quyết định đi nghỉ ở Nhật một cách khá vội vàng.

Điểm dừng đầu tiên là thành phố Fukuoka, sau chặng bay dài từ Singapore. Fukuoka là nơi có trường Đại học Kyushu mà tôi đã gắn bó đến 6 năm làm nghiên cứu sinh và giảng dạy.

Bước chân ra khỏi máy bay, ấn tượng ập đến là hình ảnh những nhân viên mặt đất đứng đợi ở cửa máy bay, từ nhân viên an ninh đến người quét dọn đều cúi người chào và cảm ơn hành khách. Trong đời, nhớ lại thì có lẽ chỉ có mỗi ở Nhật mới có chuyện này.

Tiếp theo đó là ấn tượng về sự sạch sẽ đến tinh khiết như trong bệnh việnh ở sảnh đến, ở những ô cửa kính trong suốt và khung cửa không một dấu ố, han gỉ, ở nhà vệ sinh lắp các bệ xí tự động xịt rửa hoàn toàn, không một vết nước loang trên sàn, một chút mùi “lạ” nào. Kỳ lạ là trong suốt những năm tháng tôi ở đó, những điều này tôi không mấy nhận ra, mà chỉ thấy được sau nhiều năm sống xa nước Nhật, đi nhiều nơi đây đó, đông tây đủ cả, kể cả “thiên đường” xanh sạch là Singapore mà tôi đang trú ngụ.
 
Có lẽ khi ở Nhật, người ta coi chuyện sạch sẽ là đương nhiên phải thế nên không mấy để ý, không thấy quý trọng. Nói lan man một chút về chuyện này, sự sạch sẽ tự thân đến từ ý thức của từng người Nhật, giữ vệ sinh cho cả người khác, chứ không chỉ cho bản thân mình. Bởi vậy, bạn sẽ ngạc nhiên là hầu như không thấy các thùng rác ở hầu hết mọi nơi công cộng và để vứt rác ở Nhật người ta phải mua các túi ny lon đựng rác giá vài chục xu mỗi cái và chỉ được vứt vào một số ngày cố định, tùy theo loại rác và địa điểm.
 
Đây là điều khác biệt lớn so với Singapore, nơi sự sạch sẽ đến từ hình phạt lơ lửng trên đầu nếu bị bắt quả tang làm bẩn môi trường, và người ta có xu hướng sẽ vất rác ở những nơi “khuất mắt trông coi”, là điều mà tôi không ít lần chứng kiến. Ngay như trong khu chung cư chúng tôi ở, buổi tối thường nghe tiếng vèo vèo của những túi rác được nhà nào đó trên đầu ném xuống dưới đến độ mà chính quyền phải dán thông báo rằng ném rác từ tầng cao xuống là một tội hình sự và họ sẽ theo dõi bằng camera, tuy không mấy tác dụng làm người ta sợ.

Điều khá ngạc nhiên nữa với người đã rời Nhật khá lâu như tôi là giá cả ở Nhật hầu như chẳng hề thay đổi trong cả chục năm qua. Những suất ăn trưa tại các nhà hàng cũng vẫn từng đó tiền. Giá bán tại các máy tự động nhan nhãn bên đường vẫn chỉ từng đó cho các loại đồ ăn thức uống hệt như hồi tôi còn ở đó. Từng thứ, từng thứ một dồn đến làm cho người ta có cảm giác như thời gian đã ngừng trôi ở Nhật trong suốt thời kỳ thiểu phát vừa qua.
Ra khỏi cửa nhà ga, đã thấy bà mẹ nuôi người Nhật đứng đón chờ ở đó với câu nói đại ý là con đã về đấy à, vốn dành cho những người thân sống trong cùng một mái nhà. Cảm xúc ùa về như ngày gia đình tôi từ biệt bà để rời khỏi Fukuoka tưởng như vĩnh viễn. Mọi thứ diễn ra cứ như một bộ phim quay chậm với những hình ảnh dường như mới xảy ra ngày hôm qua, gần gũi, thân quen đến nao lòng. Bà cũng chính là một lý do chính mà gia đình tôi quyết định gấp gáp trong chuyến đi này, khi được tin bà bị tái phát căn bệnh ung thư máu từ năm 2007, không lâu sau ngày chúng tôi rời Nhật.

Thỉnh thoảng qua những cuộc điện thoại giữa Singapore và Nhật, bà vẫn nửa đùa nửa thật nói là tại chúng tôi bỏ đi nên bà mới mắc bệnh. Gặp lại bà, tôi thở phào nhẹ nhõm vì trông thần thái của bà khá tốt, mặc dù mới trải qua một đợt điều trị dài, và tôi đã tưởng tượng đến một hình dạng tiều tụy hơn với sự gặp gỡ muộn màng không thể tha thứ. Thế mới biết sức sống mạnh mẽ của bản thân bà và chất lượng của nền y tế Nhật là thế nào.

Nhà bà mẹ nuôi nằm ở một huyện của tỉnh Fukuoka nên nhà cửa và đường sá thông thoáng hơn trong trung tâm thành phố, với mọi thứ bên đường, trên không và trong lòng đất đều trong sự ngăn nắp, tinh tươm tưởng như không thể hơn được, mặc dù nhiều tòa nhà, đường sá và công trình vẫn trong diện mạo cũ kỹ như trước.

Tuy nhiên, nếu để ý từ chiếc ô tô, từ các thiết bị trong nhà, ngoài đường, ở trên giá của các siêu thị sẽ thấy rằng sự tiện lợi của cuộc sống được các nhà sản xuất chế tạo của Nhật liên tục chăm sóc kỹ càng, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất.

Ví như cái nồi cơm điện, nếu ở Việt Nam hay Singapore, giỏi lắm thì cũng chỉ có chừng hơn chục mẫu được bày trên kệ ở mỗi cửa hàng điện máy, nhưng ở Nhật thì người ta sẽ hoa mắt vài chục chủng loại của nhiều hãng, với đủ loại hình dạng, với những công nghệ nào là mạ platinium, mạ titan, lòng nồi hình cầu hay hình trụ, mỏng hay dầy như cái nồi gang, có áp suất để nước sôi ở nhiệt độ cao. Nó nhiều đến độ có cảm tưởng người Nhật đã nghĩ ra, đã cải tiến tất cả những gì có thể nghĩ được, làm được. Đến hoa quả bày trong siêu thị, người ta cũng dán nhãn chỉ độ chín của chúng để người dùng biết mà xài.
 
Điều khá ngạc nhiên nữa với người đã rời Nhật khá lâu như tôi là giá cả ở Nhật hầu như chẳng hề thay đổi trong cả chục năm qua. Những suất ăn trưa tại các nhà hàng cũng vẫn từng đó tiền. Giá bán tại các máy tự động nhan nhãn bên đường vẫn chỉ từng đó cho các loại đồ ăn thức uống hệt như hồi tôi còn ở đó. Từng thứ, từng thứ một dồn đến làm cho người ta có cảm giác như thời gian đã ngừng trôi ở Nhật trong suốt thời kỳ thiểu phát vừa qua.

Tạm biệt gia đình bà mẹ nuôi sau một vài bữa cơm gia đình với những món ăn dân dã mang đậm phong cách làng quê nông nghiệp trước đây với cá và rau là món chính và thời gian đắm chìm trong làn khói hơi nước mờ ảo của những nhà tắm “onsen” (nhà tắm nước khoáng nóng), chúng tôi lên tầu nhanh đi Nagasaki, thành phố tôi đã ở 4 năm đầu tiên khi đến Nhật để học tiếng và lấy bằng thạc sĩ.

Lại những cuộc gặp gỡ được nối lại sau mười mấy năm với nhiều bạn bè Nhật, già có, trẻ có mà sự thay đổi nếu có thường chỉ thấy ở những sợi tóc đã bạc hơn chứ sự thân quen thì dường như vẫn thế. Tuy vậy, có những cuộc gặp để lại nhiều suy nghĩ day dứt với nước Nhật hơn. Tỷ như có người bạn đã lớn tuổi mà vẫn chưa lập gia đình, vì công việc bận rộn mà lương lại giảm đi so với trước, trong khi bố mẹ già và đổ bệnh, buộc phải quanh quẩn ở Nagasaki để chăm sóc. Câu chuyện của bạn là một câu chuyện thu nhỏ về nước Nhật hiện tại với nạn thiểu phát, dân số già hóa nhanh chóng.

Cũng có bạn gần xa về chuyện người Việt Nam đã đông lên gấp bội kể từ ngay tôi rời khỏi Nagasaki, đại đa số là những người sang học tiếng Nhật hoặc tại các trường dạy nghề. Những trường này thường “đem con bỏ chợ” với những lời hứa tốt đẹp về việc vừa học vừa làm giàu bên Nhật mà thực tế thì theo các bạn, đến ngay cả người Nhật bây giờ cũng khó kiếm được việc làm (bạn bảo các trường này sẽ nhận được tài trợ của Chính phủ Nhật tính trên mỗi đầu sinh viên này nên ra sức quảng cáo để nhận được càng nhiều người càng tốt).

Các bạn nhắn nhủ rằng sẽ khó mà học được cái gì nếu sang Nhật mà không có học bổng, để rồi suốt ngày chúi mũi vào kiếm việc và làm việc cực nhọc, để rồi sa vào các tệ nạn như báo chí đã đưa. Các bạn nói làm tôi chỉ biết cười buồn mà thấm thía cho thân phận của nhiều đồng bào mình.

Trên đường quay trở lại Fukuoka để chuẩn bị về Singapore, tôi lại phải chứng kiến những dòng người làm công ăn lương của Nhật trong đồng phục công sở lũ lượt đi lại ở sân ga và bến tàu mặc dù đã tối khuya. Chợt thấy mình may mắn không phải ở lại Nhật và sống trong cảnh làm việc chăm chỉ của đàn kiến thợ bất kể sớm hôm, không gặp mặt và nói chuyện với con đến cả mấy ngày trong tuần, tận tụy và gắn bó với cơ quan và đồng nghiệp còn hơn cả gia đình.

Vui buồn lẫn lộn. Ôi nước Nhật của tôi!

Thursday 3 April 2014

Việt Nam chưa bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình! (Bài đăng trên TBKTSG Online, 29/3/2014)

http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/112639/Viet-Nam-chua-bi-roi-vao-bay-thu-nhap-trung-binh!.html

(TBKTSG Online) - Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa là đề tài thu hút sự chú ý của người đọc và nhiều ý kiến tranh luận trên TBKTSG Online. Tòa soạn xin giới thiệu ý kiến dưới đây của chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc để bạn đọc tham khảo.
>>> "Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình" - (Nhận định của GS Kenichi Ohno
>>> Thất vọng! - (ý kiến phản biện của TS Lê Hồng Giang)

Mới đây, GS Kenichi Ohno thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng: “Ngày nay, sau một vài năm đạt mức thu nhập trung bình thấp, bẫy thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi, mà đã trở thành thực tế ở Việt Nam”. Có năm triệu chứng để kết luận như vậy, đó là: tăng trưởng chậm lại, năng suất sản xuất mờ nhạt, thiếu hụt dịch chuyển cơ cấu, năng lực cạnh tranh trong bảng xếp hạng không có dấu hiệu tăng và xuất hiện các vấn đề do tăng trưởng gây ra.

Tuy vậy, qua những gì mà GS Ohno trình bày, có thể thấy nhận định trên chủ yếu là định tính, và, quan trọng hơn, chưa dựa vào những khái niệm được chấp nhận phổ biến và chuẩn mực so sánh nhằm đi đến kết luận. Trong bài này người viết sẽ tìm câu trả lời cho vấn đề từ việc dùng một số khái niệm và so sánh quốc tế.

Trước tiên, hãy bắt đầu với khái niệm về bẫy thu nhập trung bình. Có một số khái niệm khác nhau đã được đưa ra, nhưng bản thân người viết thấy khái niệm trong một nghiên cứu của IMF là đầy đủ và ngắn gọn (xem: http://www.imf.org/external/pubs/ft/wp/2013/wp1371.pdf).  Theo đó, bẫy thu nhập trung bình là hiện tượng các nền kinh tế vốn tăng trưởng nhanh nay đang bị “mắc kẹt” ở mức thu nhập trung bình và không thể dần dần tiệm cận được mức của nhóm các nền kinh tế có thu nhập cao.

Theo khái niệm này, có thể hiểu rằng Việt Nam đã bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu tốc độ tăng trưởng thu nhập đầu người của Việt Nam tăng chậm hơn mức trung bình của nhóm nước thu nhập cao trong một giai đoạn nào đó. Kiểu lý giải này là hợp lý vì khi tăng trưởng chậm hơn có nghĩa là khoảng cách tụt hậu của Việt Nam với các nước thuộc nhóm thu nhập cao không được rút ngắn mà thậm chí còn bị kéo dài ra. Từ đó, theo đúng khái niệm trên, Việt Nam không thể có cơ hội để bứt phá và lọt vào nhóm nước có thu nhập cao, kể cả trong dài hạn, và, do đó, có thể rút ra kết luận như của GS Ohno.

Tiếp theo, thử làm cuộc khảo sát mức thu nhập của Việt Nam trong tương quan với của các nước có thu nhập trung bình và cao. Sử dụng số liệu GDP tính bằng đô la Mỹ theo giá cố định năm 2005 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho giai đoạn 2005-2012 (năm 2012 là năm cập nhật mới nhất của WB), ta có được bảng dưới đây so sánh về tốc độ tăng trưởng GDP trên đầu người giữa các nhóm nước có thu nhập khác nhau trong giai đoạn này.

 
Đv: USD (theo giá cốđịnh 2005)
 GDP trên đầu người
2005
2012
Tăng (%/năm)
Việt Nam
699
986
5,0
Nhómthunhậpthấp
329
423
3,6
Nhómthunhậptrungbình
1.932
2.731
5,1
Nhómthunhậptrungbìnhthấp
904
1.221
4,4
Nhómthunhậptrungbìnhcao
2.955
4.315
5,6
Nhómthunhậpcao
29.978
31.373
0,7
Thếgiới
7.138
7.732
1,1

Từ bảng trên có thể thấy trong giai đoạn 2005-2012 thực chất tăng trưởng GDP trên đầu người trung bình hàng năm của Việt Nam (5 %/năm) lớn hơn nhiều so với của nhóm thu nhập cao (0,7 %/năm). Kể cả có so sánh với các nhóm khác, như trong bảng, Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng GDP trên đầu người thuộc dạng cao, chỉ thua nhóm nước thu nhập trung bình cao ở mức 5,6 %/năm. Nhưng điều này là dễ hiểu và tất yếu vì nhờ sự có mặt của Trung Quốc trong nhóm thu nhập trung bình cao. Nếu gạt bỏ Trung Quốc thì có thể nói Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP đầu người khá ngoạn mục, hoàn toàn chưa đáng phải lo ngại ít nhất là về mặt tăng trưởng.

Như vậy, kết luận của GS Ohno nói trên là không xác đáng khi ta sử dụng các khái niệm và so sánh quốc tế. Nói cách khác, đứng về mặt tốc độ tăng trưởng (của GDP hoặc GDP trên đầu người) thì Việt Nam chưa có dấu hiệu đã bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình như ông nhận định.

Tuy vậy, có hai điều cần thừa nhận trong bài này. Thứ nhất, tuy Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP trên đầu người thuộc dạng cao và đã lọt vào nhóm nước thu nhập trung bình, nhưng thực tế là Việt Nam chỉ lọt vào nhóm nước thu nhập trung bình thấp (thậm chí ở thứ hạng cuối của nhóm này), và vẫn còn một khoảng cách lớn để vươn lên nhóm thu nhập trung bình cao, như trong bảng trên.

Điều cần thừa nhận thứ hai ở đây là, nếu tốc độ tăng trưởng hiện tại được duy trì thì vẫn phải cần đến vài chục năm nữa Việt Nam mới có thể đuổi kịp và lọt vào được nhóm có thu nhập trung bình cao, chứ chưa dám nói đến nhóm có thu nhập cao.

Bởi thế, tuy có thể nói chắc chắn rằng Việt Nam chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nhưng cứ với cái đà tăng trưởng này thì Việt Nam còn lâu mới thoát ly được ra khỏi nhóm nước thu nhập trung bình. (Lưu ý sự khác biệt giữa bẫy thu nhập trung bình và (nhóm nước) thu nhập trung bình).

Thế khó của Trung Quốc (Bài đăng trên TBKTSG Online, 3/4/2014)

http://www.thesaigontimes.vn/Home/thegioi/hoso/112918/The-kho-cua-Trung-Quoc.html

(TBKTSG Online) - Trung Quốc đang phải đối mặt với thêm nhiều khó khăn và thách thức có khả năng đè bẹp tăng trưởng và gây bất ổn định chính trị, xã hội ở nước này.

Dấu hiệu của những khó khăn và thách thức này nằm ở những con số báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đáng thất vọng của các doanh nghiệp. Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh thì đang phải xử lý các khoản nợ xấu ở quy mô lớn bằng các khoản dự phòng rủi ro, làm tụt giảm lợi nhuận của chúng. Các khoản nợ xấu này chủ yếu phát sinh trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09 buộc Trung Quốc phải tung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ để vực lại nền kinh tế.

Ngoài ra, các hãng xếp hạng tín nhiệm và các tổ chức tài chính thế giới cũng “đổ thêm dầu vào lửa” khi lần lượt lên tiếng bày tỏ mối quan ngại về quả bom nổ chậm – nợ công địa phương – ở Trung Quốc và thúc giục nước này phải hành động nhanh hơn để xử lý các khoản nợ địa phương phát sinh từ việc các công ty huy động tài chính cho chính quyền địa phương (local government  financing vehicles) vay mượn để lấy vốn rót cho các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng hạ tầng, quỹ tín thác.

Những quan ngại nói trên không phải không có cơ sở khi ở Trung Quốc đã và sẽ xảy ra các vụ phá sản ở quy mô lớn. Mới đây, một công ty sản xuất linh kiện pin mặt trời là công ty đầu tiên đã tuyên bố không trả được gốc và lãi cho trái phiếu nội địa của mình. Những lý do đẩy các công ty này vào tình trạng vỡ nợ bao gồm việc thiếu tài sản thế chấp cho các khoản đi vay trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-09 và luồng tiền được dự báo quá lạc quan. Trong khi đó, các dự án bất động sản và cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương, nhiều trong số đó đã có tiềm năng lỗ từ ban đầu, lại cần có thời gian hoạt động nhiều năm để mang lại lợi nhuận kỳ vọng, do đó càng làm tăng rủi ro vỡ nợ.
Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc có lẽ khó có thể tránh được một sự đổ vỡ về tài chính nào đó có tác động tiêu cực đến tăng trưởng.

Sau khi ổn định vào năm 2011, nợ địa phương lại tăng mạnh hồi năm 2013 khi Chính phủ Trung Quốc tung ra chiến dịch chi tiêu vào hạ tầng mới nhằm vực lại tăng trưởng đã bị tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Vì thế, nợ địa phương đã chiếm đến gần 15% của tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế Trung Quốc. Nguy hiểm hơn, nhiều địa phương hiện đang phải phát hành nợ mới để nuôi nợ cũ.

Trung Quốc với các tài sản tài chính trị giá hàng nghìn tỉ đô la Mỹ chắc chắn là không muốn để xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính khốc liệt. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc có lẽ khó có thể tránh được một sự đổ vỡ về tài chính nào đó có tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Vì khi đó thì ngay cả những dự án đầu tư có hiệu quả tiềm năng cũng có thể phải đối mặt với tình trạng không huy động được vốn. Đầu tư bị cắt giảm sẽ làm cho tăng trưởng suy yếu trong vài quý tiếp theo đó.

Mặc dù Trung Quốc đặt kế hoạch và tin tưởng rằng nước này có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 7,5% năm nay, nhưng vì Trung Quốc đã thay đổi định hướng phát triển, từ đầu tư mạnh sử dụng vốn tín dụng ngân hàng vào các ngành công nghiệp nặng như sắt thép sang sang thúc đẩy tiêu dùng nội địa, nên tốc độ tăng trưởng đã và sẽ còn giảm mạnh hơn.

Những chỉ biểu về hoạt động kinh tế như tăng trưởng công nghiệp gần đây đều tụt xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua cho thấy xu thế gia tăng đà giảm tốc này. Vì thế, một số tổ chức và chuyên gia đã đưa ra dự đoán tốc độ tăng trưởng năm nay thấp hơn nhiều so với con số 7,5% của Chính phủ Trung Quốc.

Trước khả năng nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể, Chính phủ Trung Quốc lại đứng ra can thiệp bằng một số giải pháp kích thích tài chính như họ đã từng làm hồi năm ngoái khi tăng trưởng chậm hơn dự kiến. Tuy nhiên, lần này khả năng can thiệp của Chính phủ Trung Quốc đã bị giới hạn đáng kể khi họ phải canh cánh nỗi lo dọn dẹp khu vực doanh nghiệp nhà nước thua lỗ và thắt chặt đầu tư vào các ngành, lĩnh vực không có hiệu quả.

Hơn nữa, dưới áp lực của chính phủ, nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn đã phải cắt giảm mạnh kế hoạch đầu tư và chi tiêu trong năm nay và các năm tới. Bên cạnh đó, chiến dịch thanh trừng tham nhũng trên diện rộng ở Trung Quốc cũng đã làm cho các quan chức chính phủ thêm chùn tay khi chi tiêu ngân sách.

Để phần nào bù đắp cho quy mô chi tiêu và đầu tư giảm từ ngân sách nhằm duy trì tăng trưởng, Chính phủ Trung Quốc vẫn còn một lựa chọn chính sách khác là nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ. Nhưng lựa chọn này cũng không còn nhiều dư địa vì tăng trưởng tín dụng đã vượt tăng kinh tế, trong khi tổng dư nợ tín dụng được ước tính đã lớn gấp đôi quy mô GDP của Trung Quốc. Nếu tiếp tục nới lỏng tiền tệ, bơm tín dụng thêm vào nền kinh tế thì chắc chắn sẽ không có mấy tác dụng đến tăng trưởng, trong khi nó vừa làm tăng rủi ro lạm phát bùng nổ, vừa làm tăng quy mô nợ xấu và con số vụ tuyên bố vỡ nợ do một phần lớn vốn tín dụng lại tiếp tục đổ vào các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả.

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).