Tuesday 20 May 2014

Trả lời phỏng vấn Bizlive về kinh tế Trung Quốc và ảnh hưởng lên Việt Nam

Đây là nội dung trả lời phỏng vấn của tớ với phóng viên/nhà báo Lê Phương của Bizlive đã lâu lâu. Hôm nay tớ mới tình cờ đọc được nó dưới dạng một bài viết của phóng viên/nhà báo này lồng ghép với những dẫn giải và phân tích riêng. Thấy khá hay (vì có văn của tớ!!!) nên post lại ở đây cho các đồng chí đọc chơi.

Lúc trước thì tớ khá ngạc nhiên vì không thấy tăm tích của bài phỏng vấn này đâu cả, mà cũng không tiện hỏi lại đồng chí Phương (đề phòng trường hợp đồng chí ấy chê không dùng thì lại xấu hổ tớ ra).

Thỉnh thoảng viết về Trung Quốc thế này các đồng chí đừng tưởng tớ mang quốc tịch Tầu nhé, mặc dù gốc tích của cụ kị tớ (họ Phan) xuất phát từ Tầu, di cư vào Việt Nam đâu như từ thời Tống. Tiết lộ thế này khéo sau này tớ mất hết cơ hội làm nãnh đạo ở Việt Nam vì chót mang dòng máu Tầu mất thôi.

-----------------------------------------------------------
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, cơ hội hay thách thức với Việt Nam?
http://www.thebusiness.vn/tin-tuc-kinh-doanh/kinh-te-trung-quoc-giam-toc--co-hoi-hay-thach-thuc-voi-viet-nam-p5186.html

Có mối quan hệ giao thương chặt chẽ với Trung Quốc, kinh tế Việt Nam liệu có hứng chịu tác động domino từ đà tăng trưởng giảm sút của kinh tế Đại lục?

"Khi người khổng lồ hắt xì hơi"

Với những tín hiệu không mấy tích cực phát ra trong thời gian gần đây, có vẻ kinh tế Trung Quốc đã bước qua giai đoạn “phát triển thần kỳ” với đà tăng trưởng nóng hai con số để đặt chân vào một giai đoạn suy thoái đầy rẫy bất ổn. 

shanghai
Liệu rằng Trung Quốc có suy yếu hẳn?

Trong tháng Hai, ngân hàng HSBC công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Trung Quốc ở mốc 49,6 thấy hoạt động sản xuất đang bị thu hẹp.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê nước này, kinh tế Trung Quốc quý I tăng trưởng ở mốc 7,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong vòng 6 quý trở lại đây.
Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức cả năm tại ngưỡng 7,5%, trong khi các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng cả năm sẽ giảm xuống còn 7,3%, thấp hơn hẳn so với mức tăng trưởng trung bình 7,7% trong hai năm qua và 9,3% trong năm 2011, 10,5% trong năm 2010.

Sản lượng công nghiệp tăng 8,6% trong hai tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn kém xa so với mức kỳ vọng 9,5% của thị trường và là sản lượng tệ nhất tính từ tháng 4/2009.

Các phân khúc khác của nền kinh tế cũng gặp khó khăn. Tăng trưởng doanh số bất động sản chững lại ở tốc độ chậm nhất trong vòng 3 năm, nhích 11,8% trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, gây thất vọng đối với giới đầu tư khi chưa chạm mốc ước đoán 13,5%.

Đây là hệ quả của cả một thập kỷ đầu tư quá mức, khi Đại lục rót tiền vào xây hàng loạt nhà máy, đường cao tốc và chung cư, khiến giá trị tài sản cố định của Trung Quốc đi lên, nhưng tốc độ gia tăng hiệu quả của các dự án này lại không theo kịp.

Giờ đây, để kích thích nhu cầu tiêu dùng nguội lạnh trong nước và nỗ lực giảm sự phục thuộc của nền kinh tế vào hoạt động vay nợ, chính phủ Bắc Kinh buộc phải bằng lòng với một đà tăng trưởng kinh tế chậm hơn để phục vụ tái cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, những chính sách cải cách này không chỉ tác động tới nội tại nền kinh tế, mà hiệu ứng lan tỏa của chúng sẽ vươn ra ngoài phạm vi Đại lục, trong đó có nước láng giềng gần kề - Việt Nam.

Cơ hội hay thách thức cho nước láng giềng?

Chịu tác động đầu tiên từ đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ là khu vực xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến cuối năm 2013, giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vượt mốc 13 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 10% tổng giá trị xuất khẩu cả nước, chủ yếu là các mặt hàng thủy hải sản, dệt kim, nguyên vật liệu…
Trước đây, khi Trung Quốc rót tiền vào ào ạt xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng sản xuất, nước này tiêu thụ một lượng khổng lồ các nguyên vật liệu nhập khẩu, trong đó phần nhiều là nguyên liệu thô.

Giờ đây, khi chính phủ nước này thắt chặt dòng vốn đầu đầu tư vào tài sản cố định, tăng trưởng nhu cầu giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kim ngạch nhập khẩu của nước này, kéo theo tác động tiêu cực lên các mặt hàng nguyên liệu của Việt Nam có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Trung Quốc như cao su và than đá.

Trong những năm qua, Đại lục vẫn là thị trường chi phối hai mặt hàng xuất khẩu trên của Việt Nam, với khối lượng tiêu thụ 47% cao su Việt Nam xuất khẩu, con số này đối với than đá cán mốc 77% năm 2013.

Vào những năm 2007 – 2008, khi những nguồn năng lượng thân thiện với môi trường như năng lượng mặt trời, gió,… còn chưa phổ biến tại Trung Quốc, than vẫn là nguồn nguyên liệu chính được sử dụng trong các lò nhiệt điện tạo năng lượng phục vụ hoạt động công nghiệp của các nhà máy cũng như tiêu dùng của người dân.

Theo thống kê của trang web Climate Central, chỉ tính riêng trong năm 2007, Trung Quốc đốt hơn 4 tỷ tấn than để tạo nhiệt, nhiều gấp 4 lần Mỹ và gấp 7 lần toàn bộ lượng tiêu thụ của Liên minh châu Âu. Đây cũng là năm Trung Quốc nhập than từ Việt Nam nhiều nhất trong vòng 6 năm trở lại đây khi Tổng cục Hải quan bắt đầu thống kê số liệu.

Hiện nay, bên cạnh nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu bị kìm hãm, vấn đề ô nhiễm không khí tại Trung Quốc cũng đang khiến chính phủ phải hứng nhiều chỉ trích.

Vào đầu tháng Hai, tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô Bắc Kinh lần đầu tiên được xếp vào nhóm báo động vàng, mức độ cao thứ hai trong hệ thống cảnh báo ô nhiễm 4 bậc.

Theo dữ liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, nồng độ hạt bụi phân tử PM 2.5 trong không khí ở mức 300 sẽ được coi là rất nguy hiểm. Trong khi đó, nồng độ PM 2.5 được ghi nhận ở đây đã chạm ngưỡng 500.

Đối mặt với làn sóng phẫn nộ của người dân và truyền thông, chính phủ Bắc Kinh sẽ buộc phải mạnh tay trong việc thắt chặt quản lý tiêu thụ các nguyên liệu tạo nhiều khói bụi và CO2 như than đá, từ đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Trên thực tế, lượng than đá xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2013 đã tụt xuống chưa đầy phân nửa so với năm 2006, đà trượt dốc này có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn trong tương lai gần.

Theo phản ánh của Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam Vinacomin, lượng xuất khẩu than của tập đoàn này sang thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây liên tục giảm sút, từ đỉnh điểm 24 triệu tấn giai đoạn 2007 – 2008, giảm xuống một nửa còn 12 triệu tấn năm 2013 và dự kiến con số này trong năm 2014 sẽ còn 8 triệu tấn.
Không chỉ lượng xuất khẩu bị co hẹp, doanh thu chảy vào doanh nghiệp Việt từ xuất khẩu vật liệu thô cũng sẽ giảm tốc khi giá cả tuột dốc – hệ quả tất yếu của quy luật cung cầu: Nhu cầu giảm, nguồn cung không đổi sẽ khiến giá cả giảm.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc, điều đáng lo ngại hơn là nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng chậm lại trong khi nguồn cung tiếp tục gia tăng tại các nước xuất khẩu như Việt Nam vì đã “chót” đầu tư mở rộng công suất khai thác trong thời kỳ thịnh vượng trước đó, sẽ làm giá cả của các loại nguyên liệu này chịu thêm nhiều tầng áp lực.

Có một điều nghịch lý vẫn tồn tại là để giảm lỗ và có tiền trả nợ, các nhà cung cấp buộc phải tiếp tục mở rộng sản xuất, tăng sản lượng, càng làm trầm trọng thêm vòng luẩn quẩn cầu giảm- giá giảm-cung tăng.

Trước mắt, những ngành xuất khẩu ở Việt Nam có khả năng “giơ đầu chịu báng” đầu tiên phải kể đến là than đá, quặng (bauxite, thép)… khi phải đối mặt với nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc có thể không tăng, thậm chí sụt giảm trong khi giá cả nói chung có xu hướng đi xuống.

Với những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng này tại Việt Nam, lực cầu và doanh thu giảm sút có thể khiến nhiều công ty phải thu hẹp mô hình sản xuất, dẫn đến cắt giảm nhân công, đẩy nhiều người rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

Úc là một quốc gia điển hình phải chịu ảnh hưởng từ nhu cầu nguội lạnh dần tại Trung Quốc. Nước này từng hưởng lợi lớn từ việc xuất khẩu kim loại vào Đại lục trong giai đoạn 2008-2009 khi giá đồng tăng vọt cán mốc 200USD/tấn, hàng nghìn công nhân đã được điều động vào các hầm mỏ để khai thác quặng kim loại phục vụ xuất khẩu.

Nhưng đến năm 2011, khi giá đồng giảm quá nửa dưới 90USD/tấn khiến lợi nhuận cận biên từ hoạt động xuất khẩu tiêu biến, chính phủ Úc đã phải sa thải hơn 11.000 công nhân mỏ, tương ứng 0,1% lực lượng lao động toàn quốc, góp phần đẩy tỷ lệ thất nghiệp của nước này lên 6% tính đến cuối năm 2013, đỉnh cao nhất trong một thập kỷ, với các vùng có nhiều mỏ khai khoáng có tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn 1%.

TS. Minh Ngọc nhận định có thể sẽ có một vài doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi khi Trung Quốc tập trung tăng trưởng “xanh” và bền vững, hướng vào thị trường nội địa, nhờ đó cơ hội xuất khẩu vào thị trường nội địa nước này gia tăng.

Nhưng ông cũng cho rằng các doanh nghiệp không nên hy vọng nhiều từ những cơ hội này vì các nhà tư bản, nhà sản xuất Trung Quốc cũng sẽ dễ dàng hơn đối tác Việt Nam trong việc phát hiện những cơ hội mới ấy.
Khi đó, với tiềm lực sản xuất, độ am hiểu thị trường và mạng lưới tiếp thị sẵn có, họ sẽ có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua.
Ngoài việc nhu cầu tiêu thụ nội tại Trung Quốc bị teo tóp, TS. Minh Ngọc đã chỉ ra thêm một động thái khác của nước này có thể tiếp tục đẩy giá hàng hóa đi xuống, đó là biên độ giao dịch của đồng nhân dân tệ với USD được mở giãn trong tháng Hai, tiến tới tự do hóa đồng nội tệ.

Trước đây, khoảng giãn lãi suất lớn giữa đồng nhân dân tệ và USD đã thu hút những tay đầu cơ vay USD với lãi suất thấp, sau đó đem USD vừa vay được đổi sang nhân dân tệ, đem cho vay để hưởng lãi suất cao hơn, từ đó ăn chênh lệch lãi suất ngắn hạn.

Nhưng khi tỷ lệ nợ/GDP gia tăng chạm mức báo động (bằng 215% GDP chỉ trong năm năm), cộng với bong bóng tài chính phình to do đầu tư quá mức, Trung Quốc phải triển khai những biện pháp quản lý ngoại hối nhằm kiểm soát việc vay mượn và kinh doanh ngoại tệ.

Để luồn lách luật, giới đầu cơ đã dùng tới các giao dịch tài trợ thông qua hàng hóa cơ bản như đồng, nhôm và các kim loại quý như vàng, bạc,…

Càng có nhiều nhà đầu cơ tham gia vào thị trường này, nhu cầu “ảo” đối với những mặt hàng trên càng tăng, đẩy giá cả đi lên khi nguồn cung không đổi.

Nhưng một khi nhu cầu vật chất giảm sút kéo giá hàng hóa đi xuống, các nhà đầu cơ sẽ lập tức bán tháo hàng để chốt lãi tiền mặt, giải phóng một lượng lớn hàng hóa cơ bản ra thị trường, càng tạo sức ép lên giá cả các những mặt hàng này.

(Phần 2)
http://www.thebusiness.vn/tin-tuc-kinh-doanh/kinh-te-trung-quoc-giam-toc--co-hoi-hay-thach-thuc-voi-viet-nam-phan-2-p5195.html

Phần 1 bài viết đã chỉ ra các dấu hiệu bất ổn trong kinh tế Trung Quốc thời gian gần đây, tạo sức ép lên xuất khẩu của Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp trong nước.
Nhưng không chỉ phân khúc xuất khẩu gặp khó, thị trường nhập khẩu Việt Nam cũng sẽ chịu nhiều sức ép.

Ảnh minh họa: Dave Granlund

Không chỉ là thị trường tiêu thụ quan trọng, Trung Quốc cũng là nhà cung cấp nhiều nhất các loại mặt hàng vào lãnh thổ Việt Nam.

Trong năm 2013, nhập khẩu hàng hóa từ Đại lục tăng trưởng mạnh mẽ tại 25%, chiếm gần 1/3 tổng giá trị nhập khẩu của cả nước.

Không chỉ với Việt Nam mà trong cả mạng lưới giao thương quốc tế, Trung Quốc vẫn luôn là một cường quốc. Năm 2008, nước này vượt mặt Mỹ trở thành nước có giá trị xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh xuất khẩu là ngành công nghiệp xương sống của nền kinh tế, một khi tốc độ tăng trưởng giảm sút, áp lực buộc các nhà sản xuất và cả Chính phủ Bắc Kinh phải tăng cường các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu (lành mạnh và cả không lành mạnh), từ đó đè nặng sức ép lên nền sản xuất nội địa của nhiều quốc gia khác trên thế giới, đương nhiên có cả Việt Nam, TS. Minh Ngọc nhận định.

Cùng chung ý kiến, ông Jean-Joseph Boilot, nguyên cố vấn Bộ Tài chính Pháp về các khu vực mới nổi, cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc, trong thời điểm khó khăn, sẽ tìm cách xuất khẩu bằng mọi giá để duy trì nhịp độ sản xuất trong nước.

Các thị trường được doanh nghiệp nước này nhắm tới đầu tiên sẽ là các nước gần kề về địa lý như Việt Nam để tiết kiệm chi phí, khi đó “miếng bánh ngon” trên thị trường sẽ rơi vào tay hàng Trung
Quốc, còn các sản phẩm nước nhà sẽ phải chịu lép vế.

Quả thực tại Việt Nam, hầu như chưa có nguồn hàng nào thay thế hiệu quả các sản phẩm “made in China”. Điểm mạnh nhất của hàng Trung Quốc là giá thành rẻ, mẫu mã phong phú.

Trung Quốc sẽ gia tăng cạnh tranh với Việt Nam chủ yếu trong phạm vi những mặt hàng cạnh tranh với nhập khẩu của Việt Nam (hàng hóa tiêu dùng, máy móc và nguyên vật liệu), đặc biệt là những mặt hàng có hàng rào bảo vệ kỹ thuật thấp, lỏng lẻo, giá thấp, làm trầm trọng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Đại lục, vốn đã cán mốc 23 tỷ USD tính đến cuối năm 2013, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Vì vậy theo TS. Minh Ngọc, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ mất nhiều hơn được, và các cơ hội tốt là không mấy sẵn có cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Ngoài nguy cơ thua trận ngay trên sân nhà, một điểm đáng lưu ý khác là hàng Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng xuất khẩu Trung Quốc trên nhiều thị trường ngoài nước, theo đánh giá của TS. Minh Ngọc.

Khi Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc được thúc đẩy để hoàn thiện trước năm 2015 dẫn đến cắt giảm nhiều khoản thuế xuất khẩu từ nước này ra khu vực, thị trường các nước ASEAN có thể sẽ trở thành mảnh đất làm ăn màu mỡ của hàng xuất khẩu Trung Quốc.

Bên cạnh xuất nhập khẩu, thị trường tài chính Việt Nam cũng là một trong những nạn nhân tiềm ẩn của các thay đổi về mặt chính sách tiền tệ tại Trung Quốc.

Trong một động thái vực dậy nền kinh tế, của Ngân hàng Trung ương nước này vừa mở giãn biên độ giao dịch của đồng nhân dân tệ với USD trong tháng Hai, tiến tới tự do hóa đồng tiền nội tệ.
Sau khi nới rộng biên độ dao động, không gian tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ cũng sẽ giãn ra, làm bành trướng rủi ro đối với các hoạt động mang tính đầu cơ, dẫn đến việc giới đầu tư ăn lãi chênh lệch tỷ giá trước đây sẽ phải bán ra nhân dân tệ và mua vào USD. Hoạt động này có thể khiến đồng nhân dân tệ mất giá trong thời gian ngắn.

Ví dụ điển hình như tháng 4/2012, sau đợt nới biên độ tỷ giá hối đoái từ 0,5% lên 1%, đồng nhân dân tệ đã mất giá mang tính điều chỉnh trong khoảng một quý.

Đồng nội tệ mất giá sẽ tác động xấu tới tiêu thụ hàng nhập khẩu trong nước do giá cả các sản phẩm này đắt lên, nhưng lại khiến hàng Trung Quốc rẻ hơn trên thị trường quốc tế.

Chính sách “lợi mình, hại người” này của nước bạn sẽ tạo áp lực trên cả phương diện xuất khẩu và nhập khẩu đối với Việt Nam, tuy rằng không quá lớn (biên độ dao động 1% là khá nhỏ).

“Lúc này, Việt Nam bị rơi vào tình huống khá khó khăn. Trong khi các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập khẩu của Việt Nam hầu như đã được tận dụng hết, nếu muốn giảm đà bành trướng của hàng Trung Quốc xâm nhập vào thị trường nội địa, Việt Nam buộc phải theo cuộc chơi với ông bạn láng giềng bằng cách chủ động phá giá tiền đồng”, TS. Minh Ngọc nhận xét.

“Nhưng động thái phá giá này lại là điều không được hoan nghênh trong con mắt của các nhà làm chính sách ở Việt Nam khi họ phải duy trì niềm tin vào tiền đồng, neo giữ lạm phát. Bởi vậy, chọn hướng đi cho tỷ giá sẽ là một quyết định khá khó khăn và sẽ có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam nói chung”.

Nhưng nhìn nhận theo chiều hướng tích cực, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nếu biết nắm bắt cơ hội từ vũng lầy kinh tế Trung Quốc.

Khi thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc tăng kéo theo lương công nhân tăng, chi phí sản xuất đội giá làm lợi nhuận cận biên của hoạt động sản xuất tại Đại lục tiêu giảm, nhiều công ty đa quốc gia sẽ chuyển hướng dòng vốn đầu tư để tìm đến các thị trường có điều kiện sản xuất tương đương, chi phí rẻ hơn và môi trường kinh tế ổn định, lúc đó những quốc gia láng giềng như Việt Nam sẽ là ứng cử viên sáng giá.

Mức lương trung bình của lao động Việt Nam hiện vào khoảng 145 USD/tháng, chỉ bằng 1/3 mức lương của lao động Trung Quốc.

Ví dụ với trường hợp của nhà đầu tư Nhật Bản, theo cuộc khảo sát do 3 tờ báo Nikkei (Nhật), Global Times (Trung Quốc) và South Korea Mail Business (Hàn Quốc) đồng thực hiện vào tháng 12/2013, các chủ doanh nghiệp Nhật giờ có đôi chút ngần ngại hơn trong việc bỏ cả vốn liếng vào làm ăn tại đất Trung Quốc, cho dù vẫn xác định nước láng giềng này vẫn là một thị trường béo bở.
Cụ thể, 38% số doanh nhân Nhật Bản xem Trung Quốc là thị trường nhiều hứa hẹn nhất đối với họ. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm 10% so cùng kỳ năm trước.

Ngược lại tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục thống kê, Nhật Bản vẫn chiếm ngôi quán quân trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,875 tỷ USD, chiếm 26,3% tổng vốn đầu tư đăng ký trong năm 2013, xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.

Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đã thu hút được gần 106 tỷ USD vốn FDI trong năm 2013, giảm so với mức 112 tỷ USD của năm 2012 và 116 tỷ USD của năm 2011, đánh dấu năm thứ tư liên tiếp tăng trưởng thu hút FDI Trung Quốc trượt dốc.

Ngược lại, FDI tiếp tục tỏa sáng tại Việt Nam trong những năm gần đây. Tính đến cuối năm 2013, số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng trưởng 54% so với cùng kỳ năm 2012.

Đặt vào bối cảnh xu hướng Trung Quốc+1 đang thịnh hành trong tâm lý các nhà đầu tư tại Đông Nam Á, FDI đổ vào Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục là mảng sáng trong nền kinh tế những năm tới.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hôi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, mặc dù sức hút của công xưởng đầu tàu thế giới vẫn là rất lớn, các nhà đầu tư đang có xu hướng chuyển dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc sang các nước khác để tránh rủi ro do nhiều nhược điểm nước này bộc lộ trong thời gian gần đây: Chi phí nhân công tăng, công nhân đòi hỏi cao, đình công nhiều…

Việt Nam là một trong nước được lựa chọn cùng Indonesia, Malaysia, Philippines, riêng với Thái Lan – từng là đối thủ lớn về thu hút vốn FDI – đang phải đương đầu với bất ổn chính trị, nên đã mất dần thế thượng phong trong thời gian này.

Tuy nhiên, TS. Minh Ngọc lên tiếng cảnh báo không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc chuyển hướng FDI này vì Việt Nam dường như đang đánh mất dần tính hấp dẫn đối với FDI một cách tương đối so với các nước khác trong khu vực.

Hơn nữa, dòng FDI vào Việt Nam tăng lên không phải là điều tốt nếu đó là dòng FDI hướng vào những ngành gây ô nhiễm môi trường như công nghiệp hóa chất, nhuộm, dệt... là những ngành mà Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng tái cơ cấu và hạn chế.

Cả GS.TSKH Nguyễn Mại và TS. Minh Ngọc đều cho rằng nói kinh tế Trung Quốc đang trên đà suy thoái là một cách nói hơi cường điệu, tuy nhiên, điều tiết nền kinh tế ra sao để không bị cuốn vào hiệu ứng domino từ kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ là bài toán khó đối với Việt Nam trong tương lai gần nếu kịch bản xấu xảy ra.

Lê Phương

1 comment:

  1. Bài viết hay, rất huy ích.

    Hãy liên hệ với chúng tôi nếu doanh nghiệp cần hợp tác trong linh vực may mặc
    ---------------------------------------------------------
    Web: http://nhuomvaihongphu.blogspot.com/
    Click vào Keywords: Mua Bán Vải Cotton May Quần Áo Tại TPHCM
    Click vào Keywords: Mua Ban Vai Cotton May Quan ao Tai TPHCM

    ReplyDelete

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).