Saturday 9 August 2014

Quan hệ giữa lạm phát, lạm phát cơ bản và tổng cầu (Bài đăng trên Cafef, 10/8/2014, bản gốc)

Bài này nhằm phang Ủy ban giám sát tài chính quốc gia với quan niệm được đưa ra trong báo cáo tháng 7 về chuyện lạm phát lõi và tổng cầu. Bài được báo đặt lại tên thành: "“Quan niệm nới lỏng tiền tệ, hãi lãi suất để tăng tổng cầu là ngộ nhận”, theo tớ là khá misleading. Bài trên báo cũng bị biên tập, cắt bỏ mất vài đoạn mà không xử lý tốt nên đọc không liền mạch.

http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/quan-niem-noi-long-tien-te-hai-lai-suat-de-tang-tong-cau-la-ngo-nhan-2014081008301913718ca34.chn

Cập nhật: Bản trên báo đã được sửa lại như bản gốc

---------------------------------------

Dường như đã thành một nhận thức chung ở Việt Nam trong mấy năm gần đây rằng lạm phát (hoặc lạm phát cơ bản) phản ảnh tình trạng sức khỏe của tổng cầu. Điều này có nghĩa là nếu lạm phát (hoặc lạm phát cơ bản) ở mức thấp thì tổng cầu tăng yếu. Từ đó suy ra, để tăng tổng cầu lên cao hơn so với mức hiện tại (nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP) thì phải kích thích lạm phát (hoặc lạm phát cơ bản) lên cao hơn so với mức hiện tại.

Đây là một quan niệm sai lầm và sẽ dẫn đến những hệ lụy lớn cho ổn định kinh tế vĩ mô.

Về khái niệm, lạm  phát là sự tăng lên của giá cả của hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế ở một giai đoạn nào đó. Nguyên nhân gây ra lạm phát được thống nhất rộng rãi bao gồm cầu kéo (tổng cầu tăng gây ra lạm phát; chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức là một trong những nguyên nhân chính làm tổng cầu tăng ), chi phí đẩy (chi sản xuất tăng làm giảm cung gây ra lạm phát), kỳ vọng lạm phát (ví dụ, tăng lương dẫn đến tăng giá và ngược lại thành một vòng xoáy).

Trong khi đó, lạm  phát cơ bản cho biết xu hướng giá cả trong dài hạn, đã loại bỏ những thay đổi về giá có tính nhất thời, mùa vụ. Nói cách khác, rổ hàng hóa tính lạm phát cơ bản không bao gồm các hàng hóa có giá biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng như đối với trường hợp tính lạm phát.

Như vậy, khi giá tăng chậm (lạm phát hoặc lạm phát cơ bản thấp), điều này không nhất thiết có nghĩa là tổng cầu tăng chậm, hay nền kinh tế trì trệ như nhiều người suy diễn. Giá cả tăng chậm có thể là do cung dồi dào (nhờ chi phí sản xuất và dịch vụ được khống chế, nhờ tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh v.v...), hoặc do nhà nước khống chế, kiểm soát giá cả và tiền lương, hoặc do chính sách bù giá, hoặc do chinh sách "neo" tỷ giá để giá hàng nhập khẩu không tăng lên (khi quy ra VND), không làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả nói chung, hoặc cũng có thể do kỳ vọng lạm phát đã giảm đi do lòng tin vào chính sách vĩ mô của nhà nước làm cho không còn, ví dụ, hiện tượng "té nước theo mưa" v.v... Tóm lại, có thể kể ra rất nhiều lý do để cho thấy một bức tranh kinh tế trong đó tăng trưởng GDP và tổng cầu vẫn tích cực trong khi mặt bằng giá cả ổn định. Nhiều trong số những lý do trên đã và đang hiện diện ở Việt Nam hiện nay (tăng trưởng GDP ở mức khá, trên 5%, và có xu hướng tăng lên, giá cả tương đối ổn định, hàng hóa tồn kho tuy có giảm ở một số thời điểm trong một số lĩnh vực nhưng vẫn ở mức lớn, tỷ giá chỉ mới được điều chỉnh nhẹ gần đây, kỳ vọng lạm phát đã giảm đi với tiền gửi VND vẫn tăng mạnh khi lãi suất VND đã hạ, tổng mức bán lẻ và luân chuyển hàng hóa vẫn tăng khả quan, nhà nước tiếp tục không chế giá cả xăng dầu, dịch vụ y tế, giá sữa, giá năng lượng...).

Với ngộ nhận rằng lạm phát (và lạm phát cơ bản) thấp tức là tổng cầu yếu làm cho tăng trưởng GDP yếu nên người ta cho rằng cần phải kích thích hơn nữa tổng cầu chủ yếu thông qua chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nữa để hạ lãi suất (vì chính sách tài khóa đang gặp nhiều trở ngại như nợ công đang tăng mạnh, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ chậm...).

Khi tăng cung tiền, hạ lãi suất tất nhiên tổng cầu có thể tăng ở mức độ nào đó. Nói ở mức độ nào đó vì hạ lãi suất là con dao hai lưỡi khi nó một mặt kích thích người ta vay mượn để tiêu dùng và đầu tư, nhưng mặt khác lại tước đi thu nhập của một bộ phận lớn người dân và tổ chức có tiền gửi tiết kiệm và tài sản đầu tư hưởng lãi, và tức là thu hẹp khoản tiền dành cho tiêu dùng và đầu tư của họ, làm cho tổng cầu không nhất thiết tăng và tăng tương ứng với kỳ vọng khi nới lỏng tiền tệ và hạ lãi suất.

Tăng cung tiền và hạ lãi suất còn có thể tác động mạnh đến bên cung, làm cho cung có thể tiếp tục tăng nhanh và mạnh, vượt quá tổng cầu, dẫn đến tồn kho hàng hóa tăng lên và ở mức cao, như đã và đang chứng kiến trên thực tế mấy năm trước đây và hiện nay. Dư thừa cung dẫn đến giá cả không tăng hoặc tăng nhẹ, lại làm người ta cho rằng nền kinh tế đang trì trệ nên cần tiếp tục nới lỏng tiền tệ và hạ lãi suất, khép lại vòng luẩn quẩn lạm phát thấp, tăng cung tiền, hạ lãi suất, cung tăng đến mức độ dư thừa, lạm phát thấp. Như vậy, tăng cung tiền, hạ lãi suất để tăng cung nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong trường hợp này là điều không mong muốn.

Ngược lại, tăng cung tiền và hạ lãi suất không nhất thiết kích thích tăng trưởng sản xuất trong nước, đặc biệt trong ngắn hạn, vì sản xuất trong nước không/chưa kịp điều chỉnh với tổng cầu tăng lên, dẫn đến nhập khẩu tăng, dẫn đến những hậu quả lớn hơn như thâm hụt thương mại lớn, suy giảm dự trữ ngoại hối, gây áp lực lên lạm phát, tác động ngươc lại đến sức cạnh tranh của sản xuất trong nước dẫn đến thu hẹp sản xuất trong nước. Trong trường hợp này tuy lạm phát có tăng lên, đi kèm với tổng cầu tăng lên, nhưng rõ ràng đây cũng không phải điều mong muốn.

Tóm lại, quan niệm cho rằng để thúc đẩy tăng trưởng GDP thì phải tăng tổng cầu thông qua nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất để làm sao lạm phát (hoặc lạm phát cơ bản) tăng lên là một ngộ nhận có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho tăng trưởng và ổn định kinh tế. Trên hết, cần nhận thức rằng lạm phát (hoặc lạm phát cơ bản) thấp và ổn định luôn là một điều tích cực và là mục tiêu hướng tới cho các nhà làm chính sách trong trung và dài hạn.

52 comments:

  1. Bác lại muốn "defame" các quan nữa rồi. Vậy là chấp nhận cuộc chơi defame và thậm chí defeat khi tranh luận rồi nhé. Không còn lấn cấn và tự ái nữa nhé.
    Bây giờ, tôi muốn làm rõ thêm lập luận của bác:
    1- Bác bảo: "Giá cả tăng chậm có thể là do cung dồi dào (nhờ chi phí sản xuất và dịch vụ được khống chế, nhờ tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh v.v...), hoặc do nhà nước khống chế, kiểm soát giá cả và tiền lương, hoặc do chính sách bù giá, hoặc do chinh sách "neo" tỷ giá để giá hàng nhập khẩu không tăng lên (khi quy ra VND), không làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả nói chung, hoặc cũng có thể do kỳ vọng lạm phát đã giảm đi do lòng tin vào chính sách vĩ mô của nhà nước làm cho không còn, ví dụ, hiện tượng "té nước theo mưa" v.v...". Bác đã nêu ra nhiều lý do (có thể có) để chứng minh cho việc giá cả tăng chậm. Đó là những lý do có thể, nhưng trong bối cảnh hiện tại, tôi không nghĩ rằng những lý do bác đưa ra là có cơ sở. Cung không phải dồi dào và sản xuất không phải hiệu quả như bác nói đâu. Trái lại, nhiều doanh nghiệp đang giải thể, thu hẹp SX, SX cầm chừng vì hàng hóa SX ra ko bán được. Không phải vì neo tỷ giá mà hàng hóa trong nước giảm giá đâu (dù cũng có phần nào), nhưng chủ yếu vẫn là do cầu yếu. Dân không có tiền, không dám tiêu tiền vì thất nghiệp, giảm thu nhập, công ăn việc làm bấp bênh, lo sợ những bất trắc có thể đến nên hạn chế chi tiêu thôi. Chính sách bù giá của chính phủ cũng không tác động đáng kể đến việc tăng giá vì đâu có bù gì nhiều. Chủ yếu vẫn là do sức cầu yếu bác ạ. Chỗ này, tôi thấy bác liệt kê rất nhiều lí do nhưng cái lõi chính thì lại không kê ra được nên không có sức thuyết phục.

    2- Bác bảo :" Tăng cung tiền và hạ lãi suất còn có thể tác động mạnh đến bên cung, làm cho cung có thể tiếp tục tăng nhanh và mạnh, vượt quá tổng cầu, dẫn đến tồn kho hàng hóa tăng lên và ở mức cao, như đã và đang chứng kiến trên thực tế mấy năm trước đây và hiện nay. Dư thừa cung dẫn đến giá cả không tăng hoặc tăng nhẹ, lại làm người ta cho rằng nền kinh tế đang trì trệ nên cần tiếp tục nới lỏng tiền tệ và hạ lãi suất, khép lại vòng luẩn quẩn lạm phát thấp, tăng cung tiền, hạ lãi suất, cung tăng đến mức độ dư thừa, lạm phát thấp. Như vậy, tăng cung tiền, hạ lãi suất để tăng cung nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong trường hợp này là điều không mong muốn." Chỗ này có vẻ như bác đang áp dụng thuật ngụy biện, cường điệu hóa một hệ quả khó xảy ra để phủ nhận một hệ quả khác. Tôi cho rằng tăng cung tiền và hạ lãi suất (ở thời điểm này) không thể làm cho cung tăng nhanh và mạnh đến mưc dư thừa cung đâu (vì các doanh nghiệp đã học ra bài học rồi, họ đâu dại gì SX ra những thứ không ai mua nữa?).

    Phang bác 02 ý vừa rồi đã nhé. còn nhiều lập luận của bác chưa hợp lý, nhưng bận quá, chưa thể phang được. Không tự ái nhé! Có chơi, có chịu!

    ReplyDelete
    Replies
    1. 1. Đồng chí dựa vào đâu mà nói cầu yếu? Hay chỉ là 'cảm thấy thế'? Còn tớ dựa vào các số liệu ngay trong báo cáo của Ubgstc để cho rằng cầu vẫn tăng khả quan, cũng như gdp.

      Đc cung thừa nhận rằng dn phải đóng cửa, có nghĩa là đang có dư thừa năng lực sản xuất, càng khẳng định ý thứ 2 dưới đây.

      2. Xem lại 1.

      Delete
    2. Cung thừa chủ yếu là vì quá ít người mua. Thực tế, mức cung không hề cao mà thấp hơn nhiều so với trước đây. Chẳng qua, không có người mua, hoặc mua ít quá (ko có tiền, thu nhạp thấp, việc làm bấp bênh...) nên mới phải đóng cửa. Kích cầu trước thì cung mới chạy theo (ko có cầu, tăng cung làm gì?). Vì vậy, hiện tại không lo các doanh nghiệp khi có tiền sẽ SX vô tội vạ nữa (cái này gọi là khéo lo bò trắng răng). Nói chung, lý do nào của bác cũng là suy diễn cả (có thể xảy ra, nhưng với xác suất 1% thì kể làm gì). Tôi khẳng định sức cầu đang rất yếu. Mọi người đang thắt chặt chi tiêu gia đình, chi tiêu công cũng đang tính toán kỹ, đầu tư thì càng không dám, xuất khẩu thì yếu - bác cộng các thứ này lại không phải suy ra tổng cầu yếu thì là gì?

      Delete
    3. Đc đã đọc báo cáo này chưa? Các chỉ số phản ánh cầu tăng hay giảm, bao nhiêu %? Đừng có khẳng định bất cứ cái gì khi mình không chắc, ko có dẫn chứng.

      Delete
    4. Đã thừa nhận là cung thừa lại còn định bơm thêm cung nữa à?

      Delete
    5. Quên, trừ chỉ số lạm phát lõi là cái tớ phang

      Delete
  2. Bác Ngọc thật hay! Khi ủng hộ phá giá thì bác phớt lờ hết mọi tác dụng tiêu cự có thể có, hoặc xem chúng không đáng kể. Còn khi "phang" chuyện tăng tổng cầu thì bác lại "móc" ra hàng loạt các tác dụng phụ và cường điệu hóa từng thứ như thể thứ nào cũng nghiêm trọng hết. Đấy là "chiêu" của bác hay đơn giản chỉ là vì kỹ năng phang của bác đã được nâng cấp?

    Bác bảo: "Tóm lại, quan niệm cho rằng để thúc đẩy tăng trưởng GDP thì phải tăng tổng cầu thông qua nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất để làm sao lạm phát (hoặc lạm phát cơ bản) tăng lên là một ngộ nhận có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho tăng trưởng và ổn định kinh tế. Trên hết, cần nhận thức rằng lạm phát (hoặc lạm phát cơ bản) thấp và ổn định luôn là một điều tích cực và là mục tiêu hướng tới cho các nhà làm chính sách trong trung và dài hạn."
    Vậy. nói ngắn gọn theo bác, bây giờ các nhà quản lý kt vĩ mô nên làm gì? Không kích cầu nữa thì làm gì hả bác? Đừng quay lại chuyện phá giá nữa nhé. Chuyện đó coi như xong rồi!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tớ đã noí về cái này rải rac rồi đấy. Bây giờ phải chấp nhận tăng trưởng chậm lại so với trước, tiếp tục các công việc tái cơ cấu như đã đặt ra, đừng có loay hoay một hai điểm % tăng trưởng nữa. Ngắn gọn là vậy.

      Delete
    2. Tái cơ cấu? Bác hiểu thế nào về tái cơ cấu nền kinh tế? Tôi nghe khá nhiều chuyện này nhưng hình như kể cả những người nói nhiều về cụm từ này cũng chưa hiều hết nội hàm của nó là gì. Trong hoàn cảnh VN hiện nay, tái cơ cấu nền kinh tế nghĩa là làm những việc gì? Bác nào hiểu thấu đáo, giải thích giùm cho. Tks

      Delete
    3. Đc có vẻ nóng nhỉ?
      Tơ hiểu tái cơ cấu đúng như tớ hiểu trong các bài tớ viết về nó, tù cách đây mấy năm cho đến ggần đây. Dòng chí tìm đọc nhé!

      Delete
    4. Bác có thể tóm tắt cho vài ý được không (vài gạch đầu dòng)?. Nếu bác nào biết rõ hơn, vui lòng giải thích. Hiện nay, nhiều người đang bị "tẩu hỏa nhập ma" vì những thuật ngữ thời thượng như "tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước", "tái cơ cấu nền kinh tế"... nhưng ko hiểu nội hàm chính xác của nó là gì? Bác nào hiểu chính xác, xin gạch cho vài cái đầu dòng là được. Tks

      Delete
    5. Làm cho nên kt hiệu quả hơn, đỡ rủi ro hơn, thông qua tái cơ cấu dnnn, hệ thống ngân hàng, kiểm soát hiêịu quả chi tiêu công, ổn định kinh tế vĩ mô (có liên quan đến bài này đấy)... Đại loaọ vậy. Làm được hay không và đến đâu là chuyện khác.

      Delete
    6. Tớ ko hỏi HOW mà chỉ hỏi WHAT. Bác trả lời như vậy về tái cơ cấu nền kt có vẻ chưa ổn lắm. Bản chất của tái cơ cấu (restructuring) là gì? Tái cơ cấu trên cơ sở nào, theo quy trình nào, những việc lớn gì cần phải làm...?

      Delete
    7. Tái cơ cấu nền kinh tế là làm cho nền kinh tế hiệu quả hơn, đỡ rủi ro hơn.

      Đấy là WHAT chứ có phải là HOW đâu?

      Delete
    8. But do WHAT to make it more effective with less risks?

      Delete
    9. Do what: thông qua tái cơ cấu dnnn....

      Delete
    10. Vậy là bác cũng lơ mơ về tái cơ cấu nền KT rồi. Thôi để bác tập trung vào chuyện tiền tệ, lạm phát, tỉ giá sẽ hơp chuyên môn hơn.

      Delete
    11. Giờ tớ mới đọc được comment này của đồng chí. Tớ đã bảo rồi, đồng chí thích thì cứ nghĩ như thế này cho thanh thản nhé (tớ có chú thích mấy hôm trước rồi đấy).

      Còn nếu muốn hiểu tớ hiểu tái cơ cấu là thế nào thì tìm đọc các bài viết của tớ về tái cơ cấu ấy, nhiều phết, viết từ lúc, như đồng chí nói ấy, nhà nhà nói tái cơ cấu mà chẳng hiểu mô tê gì.

      Delete
    12. Chả nhẽ tớ cứ phải nhắc lại 2 nguyên tắc sau:

      1. Tớ luôn đúng (chính xác là >99% là đúng)
      2. Nếu vẫn lăn tăn, xem lại 1.

      Delete
    13. 1- 99% lập luận của bác là "không nhất thiết" nên 99% là đúng (vì có cài gì là nhất thiết đâu)
      2- 1% lập luận của bác là "chắc chắn" nên 1% đó là sai (vì các chắc chắn của bác chẳng chắc chắn tí nào)!
      3-Nếu còn lăn tăn, xem lại 1 & 2

      XHùng

      Delete
    14. 1. Sai, vì có rất nhiều cái nhất thiết. Không kể hết được, nhưng chắc chắn có >99% mọi thứ là nhất thiết (chẳng hạn như đồng chí nhất thiết sai khi nói về tớ!)

      2. Sai, 1% "chắc chắn" này nằm trong 99% nhất thiết nói trên.

      3. Đừng có lăn tăn nữa nhé. Nếu vẫn lăn tăn thì xem lại 1.

      Delete
    15. Bác cứ tự sướng, nhưng cách nói " cái này không nhất thiết dẫn tới cái kia" của bác là cách nói vô thưởng, vô phạt và lúc nào cũng đúng. Chẳng hạn, sốt không nhất thiết là do ebola, hạ lãi suất không nhất thiết dẫn tới rút tiền hàng loạt...

      Duy có cái duy nhất bác khẳng định là bác đúng >99% thì lại là cái sai.

      Nếu tớ nói: "Những điều đ/c Ngọc phang không nhất thiết là đúng", thì tớ lại đúng đến 100%.

      Bác nói vậy là có ý không cho phép ai phang bác nữa hả (vì bác đúng hết rồi còn gì)? Nếu vậy, thà bác nói luôn: "Tớ viết, cấm được phang!" cho rồi!

      X Hùng

      Delete
    16. Đã chứng minh được sốt không nhất thiết là ebola thì có nghĩa là chứng minh được lập luận ai đó nói ebola = sốt là sai phải không? Có nghĩa là tớ đúng phải không? Logic chỉ có thể thôi mà đồng chí cứ lăn tăn mãi nhỉ?

      Tất nhiên, như tớ nói là tớ đã đi phang thiên hạ thì không ngại các đồng chí phang lại tớ. Chỉ có điều là tớ cứ phải nói như thế này để các đồng chí định phang tớ với động cơ không phải là để làm rõ vấn đề khỏi phí công mà thôi.

      Delete
    17. Thì ai bảo bác sai? Lập luận : "Cái này không nhất thiết là do cái kia, hoặc cái kia không nhất thiết dẫn tới cái này" là luôn luôn đúng mà. Tớ đã nói bác luôn luôn đúng ở những lập luận này còn gì. Thế nhưng khi hỏi lại: "Vậy thì cái nào, từ cái nào?" thì bác lại quanh co, không nói được. Vậy sao bảo bác không đúng >99% cho được.

      Thôi, đúng / sai để audience đánh giá đi bác. Bác nói vậy khác gì không muốn cho ai tranh luận với bác (vì bác tự cho mình đúng hết rồi, miễn bàn!).
      X Hùng

      Delete
    18. Tớ chỉ "quanh co" với một số câu hỏi, kiểu như What với How ở trên (không biết có phải của đồng chí không?). Tớ đã nói rồi là tớ sẽ ấm ớ với những câu hỏi ấm ớ mà, và nếu đồng chí nghĩ tớ là ấm ớ thì cứ việc.

      Delete
    19. Tớ chỉ mới tham gia lúc nãy thôi, vì mới vừa đọc cái con số 99% của bác, thấy ngứa mồm chút xíu. Tớ nghĩ đúng/sai, hay/dở nên để cho người noài phán xét, không nên tự chấm điểm mình. Vì nếu bác bảo chắc như đinh đóng cột là bác đúng >99% như vậy, hóa ra muốn bảo :"chúng mày không được phang tao đấy nhé!". Nếu vậy thì bác cất blog này trong tủ, tự xem, tự khen, tự sướng, không nên để cho người khác xem, vì biết đâu họ lại phang bác và lám bác cáu?
      X Hùng

      Delete
    20. Tại đồng chí không hiểu tại sao tớ phải nói chuyện này. Chứ còn tớ vẫn welcome và chịu khó tối đa tranh luận với các đồng chí đấy chứ. Đồng chí không thấy cả vài chục comment cho một entry đấy sao?

      Delete
    21. Bác nên vui vì có nhiều người tham gia blog này. Chắc chắn là nó thú vị nên mới có nhiều người comments. Nếu nó nhạt nhẽo, vô vị thì chỉ mình bác với những lời khen của bác thôi. Bác cứ cho "chúng nó" tha hồ "vặn vẹo" bác đi. Có khi nhờ vậy trình độ "phang" của bác lại lên "đô" đấy chứ! Dám chơi, dám chịu như đ/c nào đã comment đó vậy đi bác!
      X Hùng

      Delete
    22. Thì tớ vưỡn thế mà!

      Delete
    23. Vây đi cho nó... lành bác nhé.
      X Hùng

      Delete
  3. Lời đề nghị nghiêm túc:

    Trong này tớ nghĩ có thể có đồng chí nào đó làm việc ở UBGSTCQG hoặc có liên quan mật thiết đến cơ quan này. Nên tớ đưa ra đề nghị nghiêm túc này để các đồng chí xem và làm cách gì đó giúp ích cho cơ quan này nói riêng và tác động của nó nói chung lên chính sách.

    Tớ thấy từ trước đến nay cơ quan này không có mấy tác dụng thiết thực cho xã hội, với dấu ấn nhạt nhòa (so với sứ mệnh của nó). Chưa kể, nhiều khi có những kiến nghị không phù hợp, gây tác hại cho nền kinh tế như trong bài này.

    Đến đây sẽ có nhiều đồng chí la lên rằng thế này thế kia. Nhưng tớ chỉ mong các đồng chí xem xét cẩn thận, nếu cần phang tớ thì cứ phang thật lực vào. Và sau khi đã phang rồi mà nếu chẳng may thấy tớ nói đúng thì mong các đồng chí tìm cách tác động, loại bỏ những kiểu kiến nghị như thế này về sau trong các nghiên cứu của UBGSTCQG. Thực sự tớ thấy những kiến nghị loại này rất nguy hiểm chứ chẳng đùa.

    Cám ơn các đồng chí và nếu muốn phang tớ tiếp thì các đồng chí cứ phang đi cho ra ngô ra khoai.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tớ thấy những lập luận của bác Ngọc khá hay, nhất là khi bác đưa ra những luận điểm để chứng minh "làm việc này không nhất thiết sẽ dẫn đến việc kia...". Tuy nhiên, đó chỉ là một cách nhìn từ một góc độ khác và sẽ còn nhiều góc độ khác nữa nếu có nhiều người cùng tham gia mổ xẻ một vấn đề. Cái thiếu ở bác là những phân tích mang tính định lượng và những dẫn chứng cụ thể bằng dữ liệu, số liệu để "đập tan" luận điểm của đối phương. Và như vậy, mọi luận điểm của bác vô hình chung cũng chỉ là sự suy diễn hay những giả thuyết (có thể, có lẽ...) - chính là thứ mà bác đang công kích vì nghĩ rằng nó "không nhất thiết" sẽ xảy ra. Với cách lập luận của bác, thì bất kỳ ai cũng có thể chen vào để phán rằng những tình huống bác đang giả định / suy diễn cũng "không nhất thiết" sẽ xảy ra, tức là không có gì đảm bảo là đúng. Ví dụ bác nói, khi lãi suát thấp, tổng cầu sẽ giảm vì người dân giảm chi tiêu do bị giảm khoản thu nhập từ tiết kiệm. Nếu nhìn ở góc độ riêng lẻ từng cá nhân thì cách lập luận của bác có thể (chỉ có thể thôi nhé) là đúng, nhưng nều nhìn trên bình diện rộng lớn hơn ở toàn quốc gia thì cách suy diễn của bác "không nhất thiết" là đúng. Bên cạnh một số người giảm chi tiêu vì giảm thu nhập tiết kiệm, nhiều người khác sẽ rút tiền tiết kiệm ra để đầu tư, mua nhà, mua đất, bỏ vào chứng khoán, hoặc mua sắm những thứ khác vì họ thấy lãi suất ko còn hấp dẫn nữa. Ví dụ này chỉ để bác hiểu là những lập luận của bác (phần lớn là giải thuyết) cũng không nhất thiết là đúng như chính lập luận của những người mà bác muốn phản biện. Sorry vì lại "phang" bác, nhưng quả thực những thứ bác đang dùng để "phang" người khác chưa thể được xem là sắc bén, hiệu quả để có thể tâm phục, khẩu phục.

      Delete
    2. Nếu giả thiết của tớ 'có thể đúng' thì những tính toán, những lập luận của đối phương có thể sai, và do đó chính sách của họ (như trong trường hợp này) là rất nguy hiểm khi 'chẳng may' họ sai. Họ chỉ nên thực hiện khi chắc chắn họ đúng. Logic đơn giản là vậy.

      Delete
    3. Mình không khẳng định họ đúng tuyệt đối. Tuy vậy, không thể chờ đợi một giải pháp đúng tuyệt đối mà không có rủi ro (vì ko bao giờ có). Bất kỳ giải pháp nào đưa ra cũng có thể sai, vì vậy cần có những bước đi thận trọng để còn có thể kịp sửa sai khi thấy cần. Tôi ko cho là giải pháp đó nguy hiểm nều biết cách triển khai và biết cách dừng lại nều thấy có vấn đề. Vì những giải pháp khác cũng thế cả. Tuy vậy, thực lòng, chính tôi cũng còn lăn tăn với giải pháp này, nhưng chưa có phương án nào tự tin hơn nên không dám lên tiếng.

      Delete
    4. Tớ thấy trong trường hợp này họ sai từ khái niệm (lạm phát lõi) nên mới suy diễn ra vậy. Trách nhiệm của họ, vận dụng cái phang của đồng chí gì bên trên, la phải chứng minh bằng số liệu những phản biện của tớ là sai, hoặc không thể xảy ra, rồi mới đề xuất như vậy.

      Delete
    5. Họ không sai đâu bác. Lạm phát lõi hay lạm phát cơ bản là một (core inflation) và giống như bác nói.
      Bác nói tăng cung tiền, hạ lãi suất mà tổng cầu không tăng thì tớ cũng chịu thua lập luận của bác. Lập luận này sai hoàn toàn. Khi tăng cung tiền và hạ lãi suất chắc chắn tổng cầu sẽ tăng! Tất nhiên những hệ lụy khác thì mình chưa nói tới.

      Bác bảo tăng cung tiền, hạ lãi suất sẽ dẫn tới tăng tổng cung hơn tổng cầu cũng là sai hoàn toàn. Các DN không dại gì SX những thứ không ai mua nữa. Trái lại, họ sẽ tập trung vào những thứ người tiêu dùng chấp nhận mua mà thôi (vì họ đã có bài học rồi).
      Tóm lại, UBGSTCQG này chưa chắc là đúng tuyệt đối, nhưng cũng không phải sai sót gì nghiêm trọng đến nỗi phải dẹp bỏ luôn. Xin nói rõ, tớ chẳng liên quan đến ban này. Dù sao, những phân tích, phản biện như của bác là rất cần thiết để có cái nhìn đa chiều. Bác chỉ cần bớt cực đoan và quả quyết đi chút xíu là được (vì chính bác cũng có thể sai chứ!)

      Delete
    6. Đồng chí đoc báo cáo của họ, đoạn nói đến lạm phát lõi, cho rằng lạm phát lõi thấp là biểu hiện của tổng cầu yếu. Ý này đúng hay sai?

      Đồng chĩ xem lại xem tớ nói tổng cầu có tăng hay không.

      Đoạn về hạ ls làm tăng tổng cung mạnh hơn tổng cầu là một khả năng, cũng giống khả năng đồng chí nêu ra rằng không thể thế được. Nhưng tại sao lại có hiện tượng tồn kho tăng?

      Tớ cực đoan hay quả quyết thế nào đèu thể hiện rõ trong bài, các đồng chí phải phang lại, chư không nói kiểu 'cảm thấy thế'.

      Delete
    7. Bác xem bài viết theo đường link này:

      http://online.wsj.com/news/articles/SB10001424052702303873604579491982444345254

      Chú ý đoạn :" They discussed at the March 18-19 meeting whether to make a more explicit commitment to keeping short-term interest rates pinned near zero until they saw inflation move up, but chose instead to take a wait-and-see approach.". Tức ở đây họ cũng xem xét chuyện hạ lãi suất ngắn hạn xuống gần bằng zero cho đến khi nào lạm phát tăng lên. Đó cũng là giải pháp mà FED quan tâm.

      Tổng cầu yếu và lạm phát thấp có liên quan mật thiết với nhau. Cái này có thể là biểu hiện của cáo kia và ngược lại.

      Delete
    8. Tổng cầu yếu có thể thể hiện qua lạm phát thấp, nhưng ngược lại thì không nhất thiết đúng. Chẳng hạn TQ tăng trưởng ầm ầm mà lạm phát khá thấp, tại sao vậy?

      Delete
    9. Thì đúng là có thể mà. Không nhất thiết đúng tức là có thể đúng, có thể sai. Vì vậy, nếu khẳng định đây "là quan niệm sai lầm" thì là sai rồi bác à.

      Delete
    10. Sai ở chỗ mặc nhiển coi lạm phát lõi là chỉ biểu của tổng cầu.

      Delete
    11. Lạm phát thấp là một trong những hệ quả của tổng cầu yếu (nhưng tăng trưởng thì không nhất thiết dẫn tới lạm phát).

      Tóm lại: Tổng cầu yếu có thể gây ra lạm phát thấp; vì vậy lạm phát thấp có thể là do tổng cầu yếu. Có gì sai đâu bác?

      Ví dụ: Nhiễm ebola có thể gây sốt; vì vậy nếu có biểu hiện sốt, có thể là do nhiễm ebola (vì vậy cần cách ly để kiểm tra). Nếu nói mặc nhiên là sai, còn nói có thể thì OK.

      Delete
    12. Nếu có biểu hiện gây sốt, có thể không phải là do ebola, mà lại bảo là ebola nên một là bỏ cho chết vì sợ lây, hai là chữa lung tung, nên cuối cùng chết, trong khi đó bị sốt rất có thể là do viêm họng.

      Delete
    13. Cho nên không bao giờ được phép phát hiện và chữa ebola chỉ bằng dựa vào bệnh nhân có sốt hay không.

      Tớ nghĩ ví dụ này là đủ rõ để đồng chí hiểu vấn đề rồi đấy.

      Delete
    14. Sốt không rõ nguyên nhân thì phải thử nhiều cách để tìm cách nào tốt nhất chứ bác. Chẳng lẽ ngồi chờ chết? UBGSTCQG đưa ra một giải pháp, bác phản đối (khi chưa có cơ sở vững chắc), nhưng khỉ hỏi bác có cáo kiến gì khác không, thì bác lại không có gì khác cả. Bác thì phang cứ phang, nhưng what better to do thi bác không trả lời được. Tôi cho rằng giai đoạn trì trệ này, cần kích cầu là đúng rồi, làm sao cho cầu tăng lên chứ không thì ngồi nhìn nhau chờ chết à? Bác không muốn kích cầu, thì làm gì, sao không nói đi, cứ chê bai hoài, nhưng làm gì thì lại không biết!

      Delete
    15. Xem lại phần trả lời trên của tớ nên làm gì bây giờ.

      Giải pháp của Ubgstc (tăng tổng cầu) là dựa trên triệu chứng sai (lạm phát lõi thấp). Chuyện nào ra chuyện đó, đồng chí đừng phang từ cái nọ sọ sang cái kia.

      Delete
    16. Khổ quá. Tổng cầu thấp thường kéo theo lạm phát lõi thấp. Vì vậy, khi thấy lạm phát lõi thấp, người ta suy đoán là do tổng cầu thấp chứ còn gì nữa hả bác?
      Ví dụ ngộ độc thường kéo theo tiêu chảy. Vì vậy, khi thấy tiêu chảy, bác sĩ nghi ngờ có ngộ độc (tất nhiên, có thể còn lý do khác). Có gì sai đâu bác? Nếu không tìm ra được lý do khác, thì bác sĩ tập trung vào chuyện chống ngộ độc trước (trong khi vẫn tiếp tục truy tìm các nguyên nhân khác) rồi tính sau (chứ ko lẽ chờ chết?).

      Delete
    17. Khi tiêu chảy má lại cứ nghĩ là ngộ độc thì thế nào? Sao ko tìm hiểu các nguyên nhân khác mà lại vội kết luận là do ngộ độc? Lạm phát lõi thấp có nhiều ký do khác chứ đâu có phải là (chỉ) do tổng cầu yếu?
      Ví dụ này cũng giống vd ebola trên. Tớ nghĩ nên dừng phang nhau ở điểm này.

      Delete
  4. @ Anonymous12 August 2014 19:03 cho rằng trong giai đoạn trì trệ này, cần kích cầu, làm sao cho cầu tăng lên. Vậy xin hỏi mây câu hỏi sau đây:

    Lãi suất liên tục giảm trong 2 năm qua có phải là do chính sách nới lỏng tiền tệ (một dạng kích cầu nhỏ) không? và dẫu cho NHNN “thúc ép” các NHTM cho vay, tăng trưởng tín dụng đạt thấp 3,68% tính đền cuối tháng 7 so với cuối năm 2013 là do đâu?

    Lạm phát dự kiến trong năm nay trên dưới 5%, còn dư địa để tiếp tục nới lỏng tiền tệ (kích cầu quy mô lớn) để giảm lãi suất nữa không? Nợ công tăng có đáng báo động và là rào cản cho chính sách tài khóa mở rộng không?

    Ngoài ra, tăng trưởng GDP ở mức khá, trên 5%, lạm phát ổn định ở mức thấp, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI trên 50 điểm 10 tháng liên tiếp, đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ tăng 11,42% so với cùng kỳ năm 2013 (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3%), thị trường chứng khoán thì vẫn đang tăng giá. Vậy các chỉ dấu vĩ mô có sáng sủa không? Những kết quả như vậy có phải là do chính sách ổn định vĩ mô không?

    Tôi đồng ý là dù tỷ lệ thất nghiệp thấp nhưng trên thực tế thì tỷ lệ lớn (ước chừng 10%) lao động trẻ tuổi đang chịu thất nghiệp, doanh nghiệp còn gặp khó khăn đầu tư mở rộng sản xuất. Song đó là cái giá phải trả của chính sách ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thứ mà chúng ta rất vất vả mới có được sau nhiều năm.

    Thực trạng như vậy, liệu có nên kích cầu? Theo tôi, các chính sách tăng trưởng dài hơi nên được ưu tiên, chẳng hạn như tái cấu trúc, tăng cường sự cạnh tranh, chống độc quyền, tăng năng suất lao động, và tiếp tục duy trì chính sách ổn định như hiện này, có nghĩa là phải chấp nhận tăng trưởng thấp trong ngắn hạn.

    ĐNhân

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bác Nhân lập luận như vậy (có kèm ptch dinh luong) thì còn chấp nhận được (dù chưa hẳn là đúng hoàn toàn), chứ cứ "phán" như bác Ngọc thì không ổn. Tuy nhiên, bác Nhân nói vậy (tiếp tục duy trì CS ổn định như hiện nay) có vẻ như đi ngược lại với chủ trương phá giá nội tệ để hỗ trợ XK (một hành động mang tính rủi ro cao)?

      Delete
    2. Khéo lại quay về chủ đề cũ nhé

      Delete
  5. Bác cứ tự sướng, nhưng cách nói " cái này không nhất thiết dẫn tới cái kia" của bác là cách nói vô thưởng, vô phạt và lúc nào cũng đúng. Chẳng hạn, sốt không nhất thiết là do ebola, hạ lãi suất không nhất thiết dẫn tới rút tiền hàng loạt...

    Duy có cái duy nhất bác khẳng định là bác đúng >99% thì lại là cái sai.

    Nếu tớ nói: "Những điều đ/c Ngọc phang không nhất thiết là đúng", thì tớ lại đúng đến 100%.

    Bác nói vậy là có ý không cho phép ai phang bác nữa hả (vì bác đúng hết rồi còn gì)? Nếu vậy, thà bác nói luôn: "Tớ viết, cấm được phang!" cho rồi!

    X Hùng

    ReplyDelete

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).