Friday 27 March 2015

Trả lời phỏng vấn về tỷ giá - (Bài không được báo đăng vì muộn hơn thời điểm tuyên bố của NHNN)

Theo ông, đâu là nguyên nhân thực sự đẩy tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng và trên thị trường tự do tăng mạnh trong những ngày qua?  

Nguyên nhân thực sự có lẽ đến từ những cảnh báo từ một số cá nhân về hậu quả của VND lên giá mạnh so với nhiều đồng bản tệ của các nước đối tác thương mại và đầu tư chính của Việt Nam do VND được neo giá vào đồng USD đang mạnh lên nhiều so với hầu hết các đồng bản tệ khác trên thế giới. Từ cảnh báo này, họ đã khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phá giá để giảm thiệt hại mang đến cho nền kinh tế Việt Nam.

Lưu ý rằng dư luận nhìn chung cho rằng USD lên giá mạnh cũng như chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới ở mức cao khuyến khích giới buôn lậu mua USD để nhập khẩu vàng là 2 nguyên nhân chính (ngoài nguyên nhân “tâm lý” có phần bị ảnh hưởng từ khuyến nghị phá giá như nói ở trên) giải thích cho việc tỷ giá VND bị đẩy lên cao. Nhưng tôi cho rằng không phải vậy, vì thực tế thì USD đã lên giá với nhiều đồng bản tệ khác từ lâu rồi mà tỷ giá vẫn khá ổn định kể từ tháng 1. Rồi nữa, giá vàng trong nước nhiều thời điểm cũng chênh lệch lớn với giá ở nước ngoài, kể cả trong thời gian qua khi USD lên giá so với các đồng bản tệ khác, mà câu chuyện “tỷ giá nóng” đâu có xảy ra? Tỷ giá chỉ thực sự nóng từ khoảng 2 tuần nay, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu tuyên bố gói nới lỏng định lượng để kích thích của họ, làm đồng Euro bị sụt giảm mạnh so với USD. Khi đó, trong nước bắt đầu xuất hiện những phân tích thiệt hơn của việc VND bị neo vào USD làm nó lên giá mạnh so với Euro (và những bản tệ khác) để rồi khuyến nghị NHNN phá giá VND. Từ đó trở đi, tỷ giá VND bắt đầu xu hướng tăng mạnh.

Ngân hàng Nhà nước vẫn đang im ắng trước diễn biến này. Ông có cho rằng, cơ quan này sẽ tính tới phương án điều chỉnh tỷ giá trong tương lai gần hay không, vì sao?

Nếu là vào những thời điểm khác thì NHNN thường phản ứng ngay, với những tuyên bố chẳng hạn như không cần phải, không có lý do gì để phá giá, cung cầu trên thị trường ngoại tệ vẫn ổn định v.v... để dẹp kỳ vọng NHNN “điều chỉnh” tỷ giá, và thường thì cơn sốt tỷ giá cũng xẹp xuống sau đó.

Nhưng lần này NHNN đã im ắng hơi lâu, một cách bất thường. Điều này chứng tỏ có thể NHNN cho rằng tình hình lần này thực sự là khác với những lần trước, nên họ hiểu rằng một sự tuyên bố nhanh chóng (với nội dung) như trước đây sẽ không còn “ép phê” gì nữa. Hoặc cũng có thể họ hiểu rằng giữ ổn định tỷ giá như hiện nay là điều thực sự không có lợi cho Việt Nam nên họ không vội vã tuyên bố không phá giá trước để tránh tình trạng sau này lại phải thu lại lời của mình khi buộc phải phá giá VND. Ngoài ra, cũng có một khả năng khác là NHNN đang “câu giờ”, đợi tình hình biến động tiền tệ trên thế giới lắng lại, bớt ảnh hưởng đến VND thì lúc đó họ mới lên tiếng cho “chắc ăn”.

Từ suy xét nói trên, khó nói NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá (phá giá) VND trong tương lai gần, vì vẫn còn khả năng thứ nhất (họ muốn ổn định tỷ giá, hoặc tin rằng thị trường vẫn tin vào cam kết của họ giữ ổn định tỷ giá nếu họ tái lập lại cam kết này) và khả năng thứ ba (câu giờ, để biết rõ hơn nên làm gì).

Nhưng nhìn chung, nếu NHNN điều chỉnh tỷ giá trong năm nay, và ở mức đáng kể (trên 1 điểm phần trăm) thì họ phải vượt qua sức cản từ chính mình xuất phát từ cam kết không phá giá quá 1 điểm phần trăm còn lại cho cả năm nay. Tôi không rõ sức cản này lớn đến đâu, nhưng có chút e ngại rằng với NHNN thì thể diện là cái lớn nên họ thà không điều chỉnh tỷ giá để giữ thể diện, dù sẽ gây hại cho nền kinh tế.

Xin ông phân tích những được/mất nếu NHNN giữ vững cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 2% trong năm nay?

Nếu NHNN không điều chỉnh tỷ giá sẽ làm VND lên giá với các bản tệ khác, gây tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam đi khắp thế giới, kể cả Mỹ, do hàng xuất khẩu của Việt Nam bị mất lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ khác đến từ các nước khác hay ở ngay chính nước sở tại nhập khẩu hàng Việt Nam. Quan trọng không kém, VND lên giá là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam bị mất lợi thế về giá so với hàng nhập khẩu từ các nước khác ngay trên lãnh thổ Việt Nam, dẫn đến thu hẹp sản xuất nội địa cho nhu cầu nội địa. Do cả sản xuất để xuất khẩu và sản xuất để tiêu thụ nội địa đều bị ảnh hưởng tiêu cực như vậy nên không chỉ tăng trưởng kinh tế giảm sút tương ứng mà thất nghiệp cũng sẽ gia tăng.

Như vậy, theo ông, NHNN nên theo đuổi cam kết của mình hay lựa chọn lợi ích cao nhất cho nền kinh tế?  

Như trên đã chỉ ra, để VND lên giá là điều có hại cho toàn cục, và NHNN nên điều chỉnh tỷ giá. Nhưng NHNN có muốn làm thế không thì lại là chuyện khác, phụ thuộc vào việc họ có hiểu rằng để VND lên giá là điều có hại như nói ở trong bài nay hay không, và trên hết, liệu NHNN có đủ can đảm để thay đổi lại lập trường tỷ giá của mình hay không (khi họ cũng nhận thấy tác hại của việc “ổn định” tỷ giá).

Thursday 26 March 2015

VND trong mối quan hệ với USD và các đồng tiền trong khu vực (Bài đăng trên Doanh nhân Sài Gòn, 26/3/2015, bản gốc, tiêu đề do báo đặt lại)

http://www.doanhnhansaigon.vn/van-de/vnd-trong-moi-quan-he-voi-usd-va-cac-dong-tien-trong-khu-vuc/1087576/

Có đúng là các đồng bản tệ trong khu vực không thay đổi nhiều so với USD?

Cuối cùng thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã lên tiếng trong cuộc họp báo hôm 25/3 khẳng định không điều chỉnh tỷ giá VND/USD trong đợt “sốt” tỷ giá lần này. Trong số các thông tin và lý do giải thích cho quyết định không điêu chỉnh tỷ giá của NHNN đưa ra tại cuộc họp báo nổi lên một điểm đáng chú ý. Đó là thông tin cho rằng tỷ giá của các đồng CNY (Nhân dân tệ), HKD (đô la Hongkong), TWD (đô la Đài Loan) và ASEAN không thay đổi nhiều (so với USD, và, do đó, với VND).
Xác minh lại diễn biến của các cặp tỷ giá này trong nửa năm qua trên trang mạng xe.com thì thấy như sau. Cặp tỷ giá đầu tiên cần xét đến là CNY/USD (vì Trung Quốc có tỷ trọng thương mại lớn với Việt Nam) đã có xu hướng tăng từ mức thấp nhất là 6,111 vào ngày 29/10/2014 lên đến đỉnh 6,28377 vào ngày 2/3/2015, tức CNY đã bị phá giá 2,83%. Ta lấy luôn 2 thời điểm này làm chuẩn để so sánh các cặp tỷ giá khác trong khu vực, và có được bảng thống kê dưới đây.


Có thể thấy, trong số các đồng bản tệ trong khu vực, chỉ có VND, THB (tiền Thái Lan), PHP (tiền Philippines) là lên giá so với USD (tỷ giá giảm đi). Các đồng bản tệ khác đều mất giá so với USD (tỷ giá tăng lên). Riêng HKD là trường hợp đặc biệt, không xét đến, vì chính sách tiền tệ của lãnh thổ này là neo chặt HKD với USD.
Mức giảm giá mạnh nhất là MYR (tiền Malaysia; mất gần 11%), IDR (tiền Indonesia; mất hơn 7%) và SGD (tiền Singapore; mất 6,8%). Để dễ hình dùng hơn, tính trung bình cộng thì các đồng bản tệ này đã mất tới 5,9% so với USD, trong khi VND hầu như không biến động, thể hiện mức neo chắc với USD. Điều này cũng có nghĩa là VND đã lên giá đáng kể so với hầu hết các bản tệ chính trong khu vực.

Các đồng bản tệ còn lại như THB, PHP tuy có lên giá so với VND nhưng mức lên giá là tương đối nhỏ (nhưng cả 2 đồng tiền này sau đó đã bắt đầu mất giá mạnh trở lại cho đến tận hôm 16/3 là hôm FED họp và quyết định hoãn tăng lãi suất USD). Nói cách khác, diễn giải rằng các đồng bản tệ trong khu vực không thay đổi nhiều so với USD như trên của NHNN là không chính xác.
Và cũng cần nhắc lại rằng mức lên giá trên của VND là đáng kể vì mỗi một điểm phần trăm phá giá của các bản tệ cũng có ý nghĩa như việc các nước này đánh thuế nhập khẩu 1% lên hàng xuất khẩu của Việt Nam, hay trợ cấp 1% dưới dạng hoàn thuế xuất khẩu để giúp cho hàng hóa của họ thêm đà lấn lướt khắp thế giới và cả ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Nói như thế đủ để hình dung thiệt hại của VND lên giá lớn như thế nào cho xuất khẩu cũng như sản xuất nội địa của Việt Nam.

Tuesday 24 March 2015

Lỗi không phải ở ngày nghỉ (Bài đăng trên VnExpress, 24/3/2015)

(Bài này cũng đã bị edit, gọt đẽo nhiều)
http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/loi-khong-phai-o-ngay-nghi-3157889.html

Hồi còn làm trong một cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam, một ngày giữa tháng 6, tôi nhận được thư của khách hàng, là một tổ chức tài chính nước ngoài, yêu cầu cung cấp lịch nghỉ lễ của Việt Nam cho cả năm sau đó. Tôi đành chịu vì không kiếm đâu ra cuốn lịch nào ở Việt Nam cho năm kế tiếp.
 
Đó cũng là lúc tôi mới nhận thức được rằng đối với khách hàng, nhất là người nước ngoài, chuyện sắp đặt lịch trình, kế hoạch làm việc từ trước rất lâu là điều bình thường, thiết yếu. Sau này, khi làm việc ở Nhật Bản và Singapore, vấn đề này càng hiển nhiên với tôi, và các cuốn lịch của họ cũng đều ghi rõ các ngày nghỉ lễ trong cả năm, rất thuận lợi cho mọi người.

Các nước khác dễ dàng in và công bố lịch cho năm sau từ trước đó rất lâu bởi họ có những quy định rõ ràng và nghiêm túc thực hiện những quy định này. Chẳng hạn, nhiều nước quy định nếu ngày nghỉ lễ trùng với thứ bảy, chủ nhật thì ngày kế tiếp sẽ là ngày nghỉ bù - sẽ luôn là thế và chỉ có thế. Họ không tùy tiện cho làm bù để nghỉ bù. Nếu cứ nghiêm túc làm như vậy thì cho dù chưa có lịch công bố, chưa rõ lịch nghỉ lễ cho năm sau, ai cũng biết rằng nếu ngày lễ, ví dụ ngày Tết Dương lịch 1/1 rơi vào thứ năm thì thứ sáu chắc chắn phải là ngày làm việc bình thường.

Nhưng cách làm của ta hiện nay khác với nhiều nước. Ví dụ ngày Tết Dương lịch 1/1 rơi vào thứ năm, trước đó khoảng 1-2 tháng, Chính phủ mới đột nhiên công bố hoán đổi thêm một ngày làm việc để kéo dài đợt nghỉ Tết Dương lịch thành 4 ngày liên tục (từ thứ năm đến chủ nhật), thay vì chỉ nghỉ đúng ngày như thông lệ. Sự hoán đổi này tùy tiện, mỗi năm một khác. Đó là điều theo tôi nên tránh.

Nghỉ lễ dài hay ngắn, ít hay nhiều là câu chuyện gây ra tranh cãi ở Việt Nam. Thành thực mà nói, tôi không có câu trả lời dứt khoát nên hay không nên nghỉ lễ dài. Nhưng có một vấn đề rất quan trọng là Chính phủ cần công bố và cho in vào lịch những ngày nghỉ lễ cho năm kế tiếp để các cơ quan, doanh nghiệp và người dân chủ động được kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi của mình. Hoặc nếu thống nhất áp dụng phương pháp nghỉ ghép, hoán đổi ngày làm việc, thì phương pháp này nên được quy định rõ ràng, thành nguyên tắc chung. Theo đó, ai cũng có thể tự tiên liệu được năm tới, kỳ tới sẽ có những ngày nghỉ lễ, nghỉ bù và ngày đi làm bù nào.

Với tôi, tính minh bạch, nhất quán và rõ ràng trong việc lên lịch nghỉ lễ để không gây ảnh hưởng và đảo lộn tới đời sống xã hội một cách đột ngột như trên mới là quan trọng. Những vấn đề khác như nghỉ dài quá thì tinh thần và thái độ làm việc ảnh hưởng, các cơ quan không làm việc nghiêm túc, năng suất lao động giảm... chủ yếu là vấn đề quản lý con người và có thể khắc phục được, nếu người ta thực sự muốn, chứ bản thân những ngày nghỉ không có lỗi.

Không phá giá nhưng hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp? (Bài đăng trên CafeF, 24/3/2015)

http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/khong-pha-gia-nhung-ha-lai-suat-de-ho-tro-doanh-nghiep-2015032413453863.chn
 
Kết luận Việt Nam nên phá giá tiền đồng hay không xem ra vẫn chưa ngã ngũ, khi người trong cuộc, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa bày tỏ thái độ gì, còn nhiều người khác thì vẫn tiếp tục phản đối phá giá VND với lý do này hay lý do kia. Trong số đó, đáng chú ý là lập luận cho rằng thay vì phá giá VND, NHNN chỉ cần hạ lãi suất để hạ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Theo họ, điều này cũng có tác dụng tương đương như phá giá VND trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng. Đồng thời, hạ lãi suất còn có ý nghĩa rất lớn ở chỗ nó cứu vớt cho NHNN khỏi một cuộc khủng hoảng niềm tin khi phải tiến hành phá giá VND, nhất là khi phá giá mạnh hơn 1 điểm phần trăm, là phần hạn mức còn lại mà NHNN có thể dùng đến trong cả năm nay. Một giải pháp xem ra thật đơn giản nhưng hết sức hữu hiệu và thông minh!
Nhưng rất tiếc là lập luận trên sai lầm ở chỗ nó đã bỏ qua mối liên hệ giữa lãi suất và tỷ giá, coi 2 đại lượng vĩ mô này là độc lập với nhau.
Về nguyên tắc, để hạ lãi suất, NHNN buộc phải nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua hạ các lãi suất chính sách của mình như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu trên thị trường mở, hoặc thậm chí là hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đồng thời, NHNN cũng phải nới điều kiện cho các ngân hàng thương mại vay để đưa được nguồn vốn với lãi suất thấp này ra nền kinh tế, thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Nhưng hành động nới lỏng chính sách tiền tệ như thế này cũng chính là hành động tăng cung VND. Với nguồn cung USD giả sử là không thay đổi tại thời điểm NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ, việc có thêm một lượng VND được tung thêm ra nền kinh tế sẽ làm mất cân bằng cán cân cung cầu USD nghiêng về phía cầu USD nhiều hơn, dẫn đến áp lực tăng tỷ giá, tức là làm VND mất giá.

Nếu NHNN muốn bảo vệ tỷ giá như họ đã cam kết thì họ buộc phải lập lại cán cân cung cầu ngoại tệ như trước khi tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ, bằng cách: (1) hút bớt VND về (thông qua việc nâng các lãi suất chính sách, tức là thắt chặt lại chính sách tiền tệ như cũ) , hoặc (2) bán USD ra để tăng cung USD nhằm trung hòa lượng cầu USD tăng lên bởi cung VND tăng lên.
Theo cách (1), hút bớt VND về thì chính sách tiền tệ nới lỏng như ban đầu để hạ lãi suất của NHNN lại trở nên thất bại và lãi suất lại quay trở về mức cao như cũ.

Còn nếu NHNN chọn cách (2), bán USD ra để can thiệp nhằm bảo vệ tỷ giá. Khi bán USD ra, NHNN sẽ nhận về VND, và lượng VND này không đi vào lưu thông trong nền kinh tế nữa. Như thế, rốt cuộc hành động bán USD ra sẽ làm giảm cung VND ra nền kinh tế và tức là tăng áp lực lên lãi suất VND, buộc mặt bằng lãi suất VND trở về mức cao như lúc trước khi NHNN tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ.

Nhân tiện, cũng cần nói thêm ở đây rằng nguồn USD NHNN tung ra để ổn định tỷ giá sẽ được lấy từ dự trữ ngoại hối quốc gia. Như thế cũng có nghĩa là để ổn định tỷ giá thì cái giá phải trả là suy giảm dự trữ quốc gia. Nói cách khác, tỷ giá không tự nhiên mà ổn định (một cách miễn phí), hay chỉ cần NHNN tuyên bố không phá giá mà lựa chọn ổn định tỷ giá thì tỷ giá sẽ tự khắc ổn định. Đây là điều mà tác giả đã lặp đi lặp lại vài lần để nhắc nhở những người chủ trương ổn định tỷ giá rằng không được quên cái giá phải trả này khi muốn ổn định tỷ giá.

Chắc chắn sẽ có người vẫn viện rằng quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt mức xyz là mức cao kỷ lục từ trước đến nay nên NHNN có thừa tiềm lực để ổn định tỷ giá và tuy có suy giảm đi thì cũng không đáng kể so với quy mô lớn này của dự trữ ngoại hối. Nếu quả có ý kiến như vậy thì xin nhắc lại rằng không được nhìn vào con số tuyệt đối để mà cho rằng quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã rất lớn, mà phải so với quy mô nhập khẩu của Việt Nam. Nếu so với quy mô nhập khẩu thì quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ tương đương trên dưới 3 tháng nhập khẩu, là mức tối thiểu theo tiêu chuẩn quốc tế, sao có thể nói là lớn và yên tâm được? Và cũng như tác giả đã từng lấy ví dụ về Nga, với quỹ dự trữ ngoại hối có thứ hạng “khủng” trên thế giới thế mà rốt cuộc nước này cũng phải “buông” để tỷ giá đồng rouble lao dốc mất đến nửa giá trị so với USD. Như thế, dù có lên đến mức kỷ lục chăng nữa thì quỹ dự trữ ngoại hối này của Việt Nam cũng không thể là cái phao cứu sinh cho tỷ giá VND một cách chắc chắn được.
Ngược lại, cũng nhân nói đến việc hạ lãi suất, giải pháp phá giá VND không những sẽ giúp Việt Nam bảo vệ thị phần xuất khẩu, bảo vệ thị trường trong nước trước sự đổ bộ của hàng nhập khẩu như đã nói trong các bài trước, mà còn mang đến một tác dụng tích cực lớn khác không chỉ NHNN mà còn nhiều thành phần trong xã hội mong chờ. Đó là việc hạ lãi suất.

Khi muốn phá giá VND, NHNN có thể chọn kênh tương tự như kênh hạ lãi suất đã phân tích bên trên (thông qua nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ các lãi suất chính sách). Hoặc NHNN có thể trực tiếp mua gom USD từ hệ thống ngân hàng và tung VND ra. Cả 2 kênh này đều làm giảm mặt bằng lãi suất.

Như vậy, giải pháp phá giá VND mang đến nhiều tác dụng tích cực cho nền kinh tế. Nếu có hậu quả thì có thể kể đến 2 hậu quả chính: phá giá VND sẽ làm cho NHNN bị mất uy tín, và gây áp lực lên lạm phát. Về hậu quả lên uy tín của NHNN thì xin miễn bàn vì đây là lựa chọn của NHNN.

Về hậu quả lên lạm phát, như đã nói trong các bài viết trước, khi phá giá bản tệ, lạm phát không nhất thiết tăng vì hiệu ứng “thay thế hàng nhập khẩu” – thay thế hàng nhập khẩu với giá tăng lên do bản tệ mất giá bằng hàng sản xuất trong nước với giá rẻ hơn, ổn định. Ngoài ra, cứ cho là vẫn có một chút áp lực lên lạm phát nào đó do hàng trong nước không thể thay thế hết được hàng nhập khẩu, nhưng áp lực này sẽ có thể không phải là lớn. Lấy ngay ví dụ của Nga, mặc dù đồng rouble đã mất giá 40%-50% (cộng với cấm vận của phương Tây) mà lạm phát của Nga cũng chỉ vọt lên độ trên 10%, là mức được coi là “bình thường” ở ngay Việt Nam trong những năm trước đây. Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, với mức lạm phát hiện tại đang thấp, và mức phá giá VND, nếu có, vài điểm phần trăm thì chắc chắn lạm phát của Việt Nam cũng không thể tăng mạnh được.

Trên hết, áp lực lạm phát nếu có thì cũng chỉ là hiện tượng ngắn hạn vì sau khi phá giá, nền kinh tế sẽ dần đi vào ổn định với sản xuất và xuất khẩu tăng trưởng tốt hơn, nhập khẩu giảm đi (và giảm nhập khẩu lạm phát), tỷ giá ổn định trở lại ở mức mới, dẫn đến lạm phát sẽ dần trở về mức ổn định thấp hơn trong dài hạn.
Nói tóm lại, ngoài giải pháp nới lỏng tiền tệ để phá giá (và hạ lãi suất), hầu như sẽ chẳng có giải pháp thần kỳ nào trong trường hợp của Việt Nam nói riêng và những nền kinh tế nhỏ, có mức độ phụ thuộc lớn và thương mại và đầu tư thế giới nói chung trong bối cảnh mà các nước này đang phải đối mặt như hiện nay.

Sunday 22 March 2015

VND lên giá: Không thể xem thường (Bài đăng trên CafeF, 22/3/2015)

http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/vnd-len-gia-khong-the-xem-thuong-20150322161550624.chn

Việc neo giá trị VND với USD đã làm cho VND lên giá so với bản tệ của nhiều quốc gia lớn nhỏ trên thế giới và trong khu vực. Việc phá giá VND bởi vậy đã ngày càng trở nên cấp thiết cùng với đà tăng giá của USD với phần lớn các đồng bản tệ trên thế giới. Tuy nhiên, phản ứng hiện nay cho thấy câu chuyện phá giá xem ra không dễ mà thực hiện. Lực cản vẫn chủ yếu đến từ những luồng ý kiến xem nhẹ tác động tiêu cực của VND lên giá.
Nhiều người vẫn cho rằng nếu có tác động tiêu cực thì chủ yếu đó là làm giảm xuất khẩu của VIệt Nam. Nhưng, theo họ, xuất khẩu của Việt Nam có thể vẫn không bị ảnh hưởng nhiều nếu các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đa dạng hóa đồng tiền thanh toán, đa dạng hóa thị trường, hạ chi phí sản xuất để hạ giá xuất khẩu, tăng cường marketing, rồi thì tiến hành các biện pháp xyz…

Ngược lại, về mặt nhập khẩu, hầu như không một ai tỏ ra lo ngại về tác động tiêu cực của VND lên giá, mặc dù như đã chỉ ra, VND lên giá sẽ thúc đẩy tăng nhập khẩu, và, do đó, lấn át sản xuất trong nước, dẫn đến khả năng tăng trưởng chậm lại. Thậm chí, họ còn cho rằng không phá giá thì sẽ tốt cho doanh nghiệp trong nước, tốt cho kinh tế vĩ mô, vì VND lên giá làm giảm áp lực lạm phát ở Việt Nam.

Như thế, trong con mắt của nhiều người, sự phá giá hay không phá giá chỉ là một sự đánh đổi thuần túy giữa những cái được và những cái mất, và về tổng thể, vì không rõ lợi hay hại cái nào lớn hơn, trong khi phá giá sẽ lạ gây ra những xáo trộn trong sản xuất, kinh doanh, nên tóm lại, tốt nhất là không nên phá giá VND (bây giờ)!

Lối tư duy như trên rất nguy hiểm. Đành rằng tỷ giá không phải là yếu tố duy nhất hay quan trọng nhất quyết định khả năng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Nhưng, xin nhấn mạnh, khi mọi yếu tố khác được giả định là không thay đổi (ví dụ, cũng vẫn mẫu mã bao bì đó, vẫn giá thành tính bằng VND chừng đó, vẫn kênh phân phối đó v.v…), nếu tỷ giá VND tăng lên (VND bị phá giá) thì lập tức tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam được cải thiện tương ứng. Tất nhiên, nếu có cải thiện được cả những yếu tố trên thì xuất khẩu càng có thêm điều kiện để bứt phá. Nói cách khác, một đồng bản tệ yếu là một dấu cộng thêm (tuy không phải là dấu cộng duy nhất) cho khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước.

Ngoài ra, những biện pháp mà trường phái không phá giá nêu ra bên trên để ổn định xuất khẩu không phải là miễn phí, không phải trả giá. Ví dụ như ký hợp đồng phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Việc này sẽ tốn phí bảo hiểm tỷ giá, mà nhiều khi phí này cực kỳ lớn, nhất là trong bối cảnh tỷ giá có khả năng biến động mạnh. Đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường mới, thường sẽ chịu rủi ro lớn hơn trong khi không hiệu quả bằng các thị trường hiện tại do, ví dụ, khối lượng xuất khẩu không lớn. Còn đa dạng đồng tiền thanh toán thì không hề dễ dàng khi mà kèm theo đó là phí tổn chuyển đổi đồng tiền, rủi ro thanh toán và tỷ giá chuyển đổi, và, đặc biệt, là khi hầu hết mọi đồng tiền có thể dùng thanh toán xuất khẩu đều giảm giá so với VND, gây hại cho xuất khẩu của Việt Nam (như đã nói ở trong các bài trước).

Về tác động của việc không phá giá VND lên nhập khẩu và sản xuất trong nước, như đã phân tích rõ trong các bài trước, VND lên giá làm cho hàng hóa sản xuất trong nước kém cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu, làm cho sản xuất trong nước bị thu hẹp do hàng nhập khẩu tràn vào. Như thế, không phá giá VND để tránh được nỗi lo sợ lạm phát gia tăng khi phá giá VND thì rốt cuộc sẽ phải đối mặt với nỗi sợ kinh tế suy thoái, thất nghiệp gia tăng. Bởi vậy, nhìn tổng thể, phá giá VND vẫn là điều nên làm.

Tuy nhiên, sẽ có người nói rằng những hậu quả lên xuất khẩu và nhập khẩu và sản xuất nội địa như nói ở trên chỉ có thể đúng ở góc độ lý thuyết, chứ thực tế có thể không đến nỗi tệ như vậy. Về luồng ý kiến này, xin được dùng luôn dẫn chứng khách quan lấy ra từ một bài báo trên tờ Financial Times số ra ngày 20/3 để minh hoạ cho thấy tại sao một đồng bản tệ lên giá lại là một điều có hại trên toàn cục đối với một nền kinh tế bất kể nào đó.

Bài báo có tiêu đề: “Current account deficit grows wider as dollar strengthens” (tạm dịch: Thâm hụt tài khoản vãng lai tăng khi USD lên giá). Theo bài báo, USD mạnh lên đã làm thâm hụt tài khoản vãng lai (dùng để ghi nhận lưu chuyển đầu tư và xuất nhập khẩu) của Mỹ đã tăng 15% lên mức 113,5 tỷ USD trong quý 4/2014 so với quý 3, do xuất khẩu thu hẹp và lợi nhuận chuyển về từ các khoản đầu tư ở nước ngoài sụt giảm bởi USD lên giá so với hầu hết các đối tác thương mại chính của Mỹ.

Bài báo trích dẫn bình luận của một chuyên gia kinh tế cho rằng xuất khẩu tăng trưởng chậm lại sẽ trở thành một lực cản lớn cho tăng trưởng. Bài báo cũng cho biết Fed hôm thứ Tư vừa rồi đã cắt giảm dự báo tăng tưởng kinh tế của Mỹ một phần vì tác động bất lợi của USD. Thậm chí, theo bài báo, những nỗi lo liên quan đến việc lên giá của USD đã mang yếu tố chính trị nhiều hơn khi một số nghị sĩ đặt vấn đề liệu có phải các đối thủ thương mại của Mỹ ở châu Á và châu Âu đã cố tình phá giá bản tệ của họ để tạo lợi thế cạnh tranh.

Nhìn lại Việt Nam, tuy chưa có số liệu tăng trưởng GDP cho quý 1 năm nay, nhưng số liệu về nhập siêu tăng vọt trong 2 tháng đầu năm cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa về sự ổn định của tỷ giá VND. Nhập siêu tăng lên chắc chắn sẽ tác động ngược lại lên sự ổn định tỷ giá VND cũng như khả năng ổn định tỷ giá của NHNN, để rồi rốt cuộc phá giá VND là điều không thể tránh khỏi.

Mặt khác, cũng phải lưu ý rằng cho dù tăng trưởng GDP của quý 1 năm nay khi được công bố trong thời gian tới có thể vẫn ở mức tăng trưởng khả quan (ví dụ, cao hơn tốc độ tăng trưởng trong quý 1 năm 2014) thì cũng cần tránh ngụy biện rằng như vậy VND lên giá với các bản tệ khác chẳng gây thiệt hại gì cho tăng trưởng kinh tế. Bởi, như đã nói về xuất khẩu bên trên, khi mọi yếu tố khác không thay đổi thì VND yếu hơn có thể còn làm cho tăng trưởng GDP cao hơn nữa, chứ không chỉ dừng lại ở mức đó. Và nếu xét trong thời kỳ dài hơn (các quý còn lại), nếu cứ tiếp tục nhập siêu như vậy thì hoặc tăng trưởng GDP phải sụt giảm, và/hoặc tỷ giá sẽ thoát khỏi vòng kiểm soát của NHNN.

Friday 20 March 2015

Xây tháp truyền hình cao hàng đầu thế giới – những câu hỏi bỏ ngỏ (Bài gửi báo nhưng không được đăng)

Tòa báo chuyển đến tôi cái tin Việt Nam đang định xây tháp truyền hình cao hàng đầu thế giới, hỏi tôi nghĩ thế nào. Thực ra, tôi đã nhìn thấy cái tiêu đề này trên vài báo cách đây ít hôm, nhưng đã bỏ qua, không đọc đến nội dung, vì tôi rất “dị ứng” với những cái tin đại loại như vậy của và/hoặc liên quan đến Việt Nam.

Nay, sau khi đọc nghiêm túc cái tin này để có câu trả lời nghiêm túc cho báo và bạn đọc, và trong chừng mực thông tin liên quan rất hạn chế như hiện nay, tôi thấy việc nghiên cứu khả thi của dự án rất có vấn đề, và bởi thế hiệu quả và tính cấp thiết của việc xây cái tháp truyền hình cao hàng đầu thế giới là câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ.

Theo lời của Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh thì: "Khi nói chuyện về việc xây dựng tháp truyền hình, Thủ tướng nói tháp truyền hình sẽ phải cao nhất khu vực. Tôi đã hỏi Thủ tướng là cao nhất khu vực Đông Nam Á hay châu Á? Đông Nam Á thì đương nhiên sẽ là cao nhất rồi. Thủ tướng nói: Cao nhất châu Á”.

Đọc đến trích dẫn trên, tôi khá sốc vì thấy chuyện quyết định xây một công trình tầm cỡ như vậy lại diễn ra một cách hết sức dễ dãi, đúng hơn là mang đậm nét ý chí của một cá nhân. Chuyện này làm tôi liên tưởng đến câu chuyện được nghe về nhà độc tài Stalin cầm bút và thước kẻ xổ luôn một đường thẳng dài trên bản đồ để trả lời cho thuộc cấp về hướng tuyến của một đường cao tốc định xây, làm cho sau này một tòa nhà chính phủ bị vạt lẹm đi một góc do bị con đường chém qua.

Qua đoạn trích trên cũng có thể hình dung thêm rằng cái cơ quan chủ trương xây dựng tháp truyền hình mới, Truyền hình Việt Nam, ngay từ đầu đã không có một ý tưởng rõ ràng cái tháp họ muốn xây nó sẽ phải thế nào, mục đích (chính) xây để làm gì, và đáp ứng những công năng gì. Đồng thời, đoạn trích còn cho thấy cái phần người ta muốn thể hiện – showoff – qua cái tháp cao hàng đầu thế  giới này là nhiều hơn, được chú trọng hơn cái phần công năng chính của nó – dùng để phát sóng truyền hình.

Cũng cần phải chú ý đến chi tiết về độ cao của tháp, dự định sẽ là 636m, hơn cả tháp cao nhất châu Á hiện nay là Sky Tree ở Tokyo - Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu - Trung Quốc (600m). Chi tiết này càng củng cố nhận định rằng người ta cố tình xây tháp này cao hơn chỉ có 2m so với tháp Sky Tree có lẽ chỉ cốt để được mang danh là tháp cao nhất Châu Á. Chi tiết này cũng đồng thời cho thấy với những người chủ trương xây tháp này, độ cao của tháp phải là bao nhiêu thì mới là tối ưu, mới có hiệu quả xét về mặt công năng v.v... thực ra chẳng có nghĩa lý gì, miễn là, và cứ phải là cao hơn cái tháp cao nhất Châu Á hiện nay!

Nhưng đọc đến đoạn tiếp theo: “Đây được đánh giá là dự án tầm cỡ quốc tế, có tính chất đặc thù nên cần có cơ chế đặc biệt do Thủ tướng quyết định về vốn, hình thức giao đất và phương thức chọn nhà thầu. Dự án cũng được áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật”, thì tôi lờ mờ nhận ra rằng không phải vô tình người ta có ý định xây một cái tháp cao nhất Châu Á, hàng đầu thế giới. Phải chăng mục đích là để dễ bề, có lý do chính đáng biến dự án xây dựng này thành dự án tầm cỡ quốc tế, và nhờ đó có tính đặc thù nên sẽ được hưởng cơ chế đặc biệt thuộc quyền Thủ tướng, với những ưu đãi cao nhất? Nếu đúng vậy thì một câu hỏi nhạy cảm khác và,tất nhiên, bỏ ngỏ dành cho phần mục đích thực sự của việc xây tháp này.

Cuối cùng, theo Chính phủ, đây là một công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam, đem lại những ảnh hưởng to lớn với du lịch, đầu tư và xã hội, cũng như là điểm nhấn về kiến trúc cho Hà Nội.

Nhưng cứ theo những phân tích bên trên thì thật khó mà nói rằng những người chủ trương xây dựng dự án nhận thức được hay tính được ra rõ ràng dự án này sẽ đem lại những ảnh hưởng to lớn như thế nào và cụ thể là gì với du lịch, đầu tư và xã hội.

Tóm lại, với tôi, dự án này là sản phẩm của sự duy ý chí (hay vì một động cơ tế nhị nào đó) nhiều hơn là một dự án kinh tế xã hội có hiệu quả, được thai nghén và tính toán, hoạch định cẩn trọng.

Wednesday 18 March 2015

Áp lực tỷ giá nhìn từ động thái của các nước (Bài đăng trên CafeF, 18/3/2015)

http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/ap-luc-ty-gia-nhin-tu-dong-thai-cua-cac-nuoc-20150318180725058.chn


Nhiều quốc gia từ châu Âu sang châu Á, đến châu Mỹ và lan sang châu Đại Dương, không chỉ những quốc gia mà nhỏ mà còn những quốc gia có nền kinh tế lớn, có thứ hạng trên thế giới và trong khu vực như Nhật, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Úc, Canada, Đài Loan, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia v.v… đã từ sớm (trong năm 2014, đặc biệt kể từ tháng 11 hay 12/2014) hay chỉ mới đây đã phải chủ động phá giá, hoặc bắt buộc để đồng nội tệ của mình bị mất giá so với USD.
Lý do chung cho những hành động phá giá này tất nhiên là để đồng nội tệ của họ không lên giá theo một đồng USD đang mạnh lên từng ngày khi mà thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ nâng lãi suất USD đang đến gần (dự đoán là tháng 6 tới) để kiềm chế lạm phát sau khi nền kinh tế nước này đã tỏ rõ dấu hiệu hồi phục chắc chắn.

Điều cần chú ý là chủ ý chính trong việc phá giá của những nước trên không hẳn vì muốn duy trì một đồng bản tệ yếu so với USD để duy trì hay tăng tính cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nội địa Mỹ để duy trì hay tăng xuất khẩu vào Mỹ, hoặc, ngược lại, hạn chế nhập khẩu từ Mỹ vào thị trường nội địa của họ.

Vấn đề quan trọng và có tính sống còn hơn là, các nước này không muốn vì neo đồng bản tệ của họ vào USD mà làm cho đồng bản tệ của mình lên giá so với đồng bản tệ của các nước khác đã (chủ động) phá giá bản tệ của mình so với USD. Nếu để xảy ra như vậy thì xuất khẩu của họ đi khắp thế giới (không chỉ có thị trường Mỹ) sẽ bị hạn chế vì các đối thủ của mình, với một đồng bản tệ yếu hơn của họ (đều quy ra USD), có được lợi thế hơn về giá, và, do đó, giành mất thị phần xuất khẩu. Ngược lại, và cần hết sức lưu tâm, các nước có đồng bản tệ neo vào USD và lên giá so với bản tệ của các nước khác sẽ phải chứng kiến tình trạng hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ các nước khác trở nên cạnh tranh hơn ngay trên lãnh thổ của mình, dẫn đến những hậu quả như thu hẹp sản xuất nội địa, và gia tăng thất nghiệp.

Cần nói thêm là sẽ không tốn nhiều thời gian để cho một đồng bản tệ lên giá (so với bản tệ của các nước khác) gây ra tác động tiêu cực rõ rệt đến xuất khẩu và nhập khẩu, cũng như sản xuất nội địa như đã chỉ ra bên trên. Có không ít dẫn chứng điển hình về hậu quả của một đồng USD mạnh hơn các đồng tiền trong hầu hết phần còn lại của thế giới. Theo tin tức cho biết, Intel hồi tuần đầu tháng này đã phải cắt dự báo triển vọng doanh thu trong quý I năm nay đến gần 1 tỷ USD với một trong số những lý do là nhu cầu về máy tính cho doanh nghiệp yếu hơn dự đoán ban đầu. Trong khi đó, một doanh nghiệp thép của Mỹ, U.S.Steel, đã phải ngừng sản xuất tại một nhà máy ở Minnesota vì họ đang phải vật lộn với thép nhập khẩu giá rẻ hơn nếu quy ra USD. Trong 2 ví dụ này, tất nhiên đồng USD mạnh lên là một trong những nguyên nhân chính làm giảm tính hấp dẫn và do đó nhu cầu về hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ, đồng thời lại góp phần mở rộng thêm cửa cho hàng nhập khẩu từ các nước khác tràn vào thị trường nội địa.

Như vậy, một đồng bản tệ mạnh, lên giá với các đồng bản tệ khác là điều mà hầu như không một quốc gia nào mong muốn. Ngay đến Mỹ, Fed cũng đã phải trù trừ, cân nhắc việc/thời điểm nâng lãi suất. Còn các nước khác thì cứ nhìn nhau để rồi, miễn cưỡng hay không, đều phải lần lượt nhảy vào cuộc chiến tranh tiền tệ - phá giá bản tệ, “làm nghèo hàng xóm” (beggar thy neighbor).

Nhìn sang Việt Nam, như đã nói trong bài trước, tình hình lại khá im ắng. Ngoài những lý do đã phân tích, vẫn còn những luồng ý kiến mới có thể là lý do để giải thích cho sự trù trừ phá giá VND.

Có người cho rằng không đủ lý do thuyết phục để phá giá VND vì dù đồng USD đang tăng giá mạnh nhưng không có nghĩa tất cả các đồng tiền khác đều bị mất giá trước USD như đồng Euro, và rằng, nhìn vào diễn biến của đồng USD phải có một cái nhìn dài hạn. Chẳng hạn như 5 năm trở lại đây đồng USD có tăng nhưng nếu so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thì đang mất giá tới 10%, đồng Won của Hàn Quốc là 12%...

Đúng là không phải tất cả các đồng tiền khác đều bị mất giá trước USD. Nhưng, cũng như đã liệt kê ở trên, hầu như tất cả các nền kinh tế đáng kể trên thế giới đều phá giá bản tệ (hoặc để bản tệ mất giá), vào những thời điểm khác nhau, nhưng dồn dập từ cuối năm 2014 đến nay. Những nước còn lại có hay không phá giá thì cũng chẳng phải là điều đáng kể nữa.

Quan trọng hơn, và cũng như đã nêu dẫn chứng ở trên, tác động của phá giá hay nâng giá bản tệ lên xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất trong nước diễn ra nhanh chóng, có thể nói tác động này có tính thời điểm. Bởi vậy, việc đem so mức tỷ giá bây giờ với mức cách đây vài năm chẳng có nghĩa lý gì. Hơn nữa, tại sao lại chọn mốc 5 năm mà không phải là 1 năm, hay 10 năm? Mốc thay đổi sẽ làm cho bức tranh tỷ giá thay đổi, vậy thì sự so sánh kiểu này (so với quá khứ) có tác dụng gì?

Tiếp theo là ý kiến cho rằng, nếu chỉ nhìn vào biến động của cặp tỷ giá USD/Euro trên thế giới hiện nay mà phán đoán về khả năng điều chỉnh tỷ giá của ngân hàng Nhà nước là chưa có đủ cơ sở. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của Việt Nam hiện nay (kể cả xuất khẩu sang châu Âu) tuyệt đại vẫn là sử dụng đồng USD. Trong khi đó, nhìn về bức tranh ngoại hối của Việt Nam hiện nay thì dự trữ ngoại hối cũng như các nguồn cung ngoại hối khác của nước ta đang khá dồi dào, không hề có dấu hiệu khan hiếm.

Như đã nói, tác động của việc neo tỷ giá VND/USD sẽ làm cho VND mạnh lên so với bản tệ của hầu hết phần còn lại của thế giới, không chỉ có Euro. Nên, cũng như đã phân tích, việc lên giá này của VND chắc chắn sẽ tác động tiêu cực không chỉ lên xuất khẩu của Việt Nam (và không chỉ sang EU) mà còn lên cả nhập khẩu và sản xuất nội địa. Nói cách khác, phái chủ trương thúc giục NHNN phá giá không chỉ dựa vào tỷ giá USD/Euro như luồng ý kiến bên trên nêu ra một cách không chính xác, mà còn xuất phát từ thực tế là VND thực tế và thực sự đã lên giá so với rất nhiều đồng bản tệ khác do VND bị neo vào USD.

Việc nêu ra rằng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu tuyệt đại đa số vẫn sử dụng USD cũng chẳng có ý nghĩa gì, vì điều quan trọng là VND neo vào USD nên lên giá so với Euro, làm cho hàng xuất khẩu của Việt Nam không cạnh tranh được với hàng sản xuất tại châu Âu nhờ đồng Euro rẻ đi so với USD (và tức là rẻ đi so với VND); ngược lại, cũng vì Euro rẻ đi so với VND nên nhập khẩu từ châu Âu vào Việt Nam sẽ tăng lên, làm khó thêm cho doanh nghiệp nội địa.

Ngoài ra, vì VND bị neo vào USD nên lên giá so với bản tệ của các đối thủ khác, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu còn bị “ép” thêm một cách “tức tưởi” bởi hàng xuất khẩu của các đối thủ này cũng vào thị trường châu Âu cho dù đồng tiền dùng trong các giao dịch xuất nhập khẩu với châu Âu vẫn có thể là USD.

Cuối cùng, về cái lý do dự trữ ngoại hối và các nguồn cung ngoại hối đang dồi dào nên không cần phải phá giá VND. Cần biết rằng nhiều nước đã, đang và sẽ phá giá bản tệ, đều không gặp phải vấn đề về nguồn cung ngoại tệ hay gặp áp lực lên tỷ giá vì mất cân đối cung cầu ngoại tệ theo cái nghĩa hay được hiểu ở Việt Nam. Nhưng họ vẫn phá giá và chủ động phá giá là để duy trì thị phần xuất khẩu, bảo vệ thị trường nội địa và công ăn việc làm do chính sách “làm nghèo hàng xóm” của những nước khác mang đến trong cuộc chiến tranh tiền tệ hiện nay.

Trên hết, việc nhiều nước đã, đang và sẽ phá giá bản tệ tự thân nó đã cho biết là Việt Nam hay bất cứ một nước nào khác phá giá để làm gì và có nên phá giá hay không.

 

Tuesday 17 March 2015

Thấy gì từ việc tư nhân hào hứng mua sân bay, cảng biển (Bài đăng trên Vnexpress, 17/3/2015)

(Bài này đã bị edit lại khá nhiều, từ tiêu đề đến nội dung. Nên các đồng chí đọc đoạn nào, ý nào mà hay thì là của biên tập báo đã thêm vào, đoạn nào dở thì là của tớ)

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/thay-gi-tu-viec-tu-nhan-hao-hung-mua-san-bay-cang-bien-3157217.html

Từ năm 2014, Việt Nam có một số động thái mới liên quan đến cổ phần hóa, tư nhân hóa quyền sở hữu và khai thác cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải như cảng biển, sân bay và đường cao tốc. Năm nay, xu hướng huy động vốn tư nhân vào việc xây dựng, khai thác và quản lý hạ tầng giao thông vận tải tiếp tục được kỳ vọng sẽ có bước chuyển biến mạnh hơn khi Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ra đời ngày 14/2/2015.
Nghị định này thay thế cho các quy định hiện hành, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và rõ ràng cho đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải, trước đây chủ yếu thuộc độc quyền Nhà nước.
 
Trong số những thương vụ tư nhân hóa cơ sở hạ tầng giao thông mới đây, đáng chú ý là sự tham gia của các nhà đầu tư ngoài ngành. Không quá ngạc nhiên khi Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacifice Airlines sốt sắng đề nghị mua lại hay nhận quyền khai thác sân bay và nhà ga ở Nội Bài, Phú Quốc và Đà Nẵng, bởi khi không còn độc quyền nhà nước quản lý, họ không thể để chuyện kinh doanh của mình phải lụy một ông tư nhân nào. Thú vị nằm ở chỗ 2 tập đoàn tư nhân ngoài ngành như Vingroup hay T&T cũng tỏ ra quyết liệt không kém khi đề nghị mua lại cả sân bay và cảng biển.
cang-hai-phong.jpg
Cảng Hải Phòng đang được nhà đầu tư tư nhân để mắt đến.
 
Vingroup và T&T hiện đều chưa phải là những nhà vận hành cảng biển hay sân bay chuyên nghiệp, cũng chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh gắn bó mật thiết với việc sở hữu và vận hành, khai thác những dịch vụ này. Do vậy, một câu hỏi đặt ra là động lực nào để hai ông lớn này sở hữu các cơ sở hạ tầng giao thông, như với trường hợp Vietnam Airlines hay Vietjet Air muốn mua Nội Bài hay Phú Quốc.
 
Với Vingroup, có ngoại lệ do họ tiếp quản cảng Nha Trang từ tay Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) khi chuyển giao về cho địa phương theo yêu cầu của Chính phủ. Nhưng việc này mới diễn ra từ nửa sau năm 2014, nên cần thời gian để chứng minh hiệu quả hoạt động của tập đoàn này trong lĩnh vực cảng biển.
 
Điểm chung của hai doanh nghiệp này và có thể có chút liên quan đến việc mua lại các cảng biển và sân bay có lẽ chỉ là chuyện họ là những đại gia trong lĩnh vực bất động sản. Điều này có thể tạo nên ý kiến liên tưởng đến khả năng mua cảng rồi chuyển đổi công năng thành dự án bất động sản như Tân Cảng. Tuy nhiên, trong trường hợp này có lẽ không hẳn như vậy.
 
Trong đề xuất của Vingroup gửi Bộ Giao thông vận tải về chủ trương đầu tư, tập đoàn này bày tỏ mong muốn điều hành, quản lý và khai thác Cảng Sài Gòn và Hải Phòng. Song song với đó, họ cũng cho biết sẽ áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến trong việc quản lý và vận hành hai cảng này nhằm nâng cao công suất bốc dỡ, cải thiện hiệu quả kinh doanh,làm đầu mối vận chuyển hàng hóa và điều hành hoạt động xuất nhập khẩu. Hay như ở T&T, đơn vị này khi đặt vấn đề mua cảng hàng muốn thay thế Nhà nước làm cổ đông chi phối cảng Quảng Ninh đã cam kết phát triển kinh doanh cảng theo đúng định hướng của cơ quan quản lý và không chuyển nhượng cho đối tác khác trong 5 năm.
 
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, một trường hợp hay được nhắc đến trong việc mua cơ sở hạ tầng giao thông vận tải là Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI), một liên doanh giữa quỹ dự trữ quốc gia Oman và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). VOI đã đặt vấn đề mua 100% cảng Hải Phòng và cho biết lý do là ngoài năng lực tài chính dồi dào, họ còn nhiều quan hệ mật thiết với nhiều cảng và hãng tàu thế giới, có kinh nghiệm thiết kế đến vận hành khai thác cảng.
 
Qua tuyên bố của Vingroup và VOI như trên, có thể thấy các nhà đầu tư tiềm năng này đã nhìn ra những “điểm nghẽn” làm hạn chế khả năng sinh lời của những công trình hạ tầng khi thuộc sở hữu Nhà nước 100%. Đó là sự thiếu vốn để tái đầu tư, mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất và phần mềm, yếu kém về quản trị và điều hành doanh nghiệp, cũng như yếu kém về marketing, kết nối và khai thác thị trường.
 
Nói cách khác, những nhà đầu tư tiềm năng này có thể coi là những nhà đầu tư tài chính đơn thuần để phân biệt với những nhà đầu tư vì nhu cầu phát sinh từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiện tại, như Vietnam Airlines. Họ để mắt đến cảng biển và sân bay vì tự tin rằng nếu dùng tiềm lực tài chính mạnh của mình để thay đổi cách quản lý, hoạt động thì các công trình chắc chắn sẽ ăn nên làm ra.
 
Như vậy, có thể khẳng định rằng một bộ phận lớn nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước để mắt đến các công trình hạ tầng cơ sở giao thông của Việt Nam chủ yếu vì họ nhìn thấy tiềm năng phát triển, sau khi rót thêm vốn, trang bị mô hình quản lý hiện đại…, nhờ đó sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn trong tương lai. Khi đó, không những thu lợi nhuận đều đều từ hoạt động của các công trình này mà họ còn có khả năng thu lời lớn hơn khi bán lại phần vốn trong các dự án sau một thời gian nhất định, do giá trị công trình đã tăng lên nhờ tình hình kinh doanh thuận lợi hơn. Do vậy, có thể nói rằng khả năng sinh lợi là yếu tố chính thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoài ngành vào các dự án cơ sở hạ tầng.
 
Cũng từ nhận định trên, điều rút ra cho quá trình cổ phần hóa, tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước, các công trình hạ tầng giao thông vận tải hiện nay là không nhất thiết phải yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước tìm đối tác chiến lược là các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước cùng ngành nghề, như là một yêu cầu chính trong việc lựa chọn đối tác. Điều quan trọng cần xem xét là liệu những đối tác tiềm năng này sẽ mang đến những gì, sẽ làm được gì và như thế nào để cải thiện được chất lượng và hiệu quả hoạt động của các công trình cơ sở hạ tầng giao thông vận tải trong tương lai.

Saturday 14 March 2015

Chính sách tỷ giá của NHNN: Tiến thoái lưỡng nan (Bài đăng trên CafeF, ngày 14/3/2015)

http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/chinh-sach-ty-gia-cua-nhnn-tien-thoai-luong-nan-20150313233538702.chn
 
Tin tức về sự mất giá của đồng nội tệ so với USD của khu vực và trên thế giới, đặc biệt là sự lao dốc của đồng euro, đến liên tục và dồn dập trong thời gian ngắn gần đây đã làm không ít quốc gia khác chưa phá giá nội tệ ngày càng lo ngại. Một số trong số này, như Thái Lan mới hôm trước đây, cuối cùng thì cũng đã nhận thấy cái giá phải trả nếu không gia nhập cuộc chơi phá giá, và đã có những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua hạ lãi suất để làm yếu đồng nội tệ của mình nhằm thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhưng tình hình ở Việt Nam xem ra lại khá im ắng một cách bất ngờ và đáng…khâm phục! Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì đương nhiên là vẫn “kiên định” với chính sách tỷ giá ổn định (tỷ giá VND/USD không biến động quá 1-2% trong cả năm 2015) mà ông Thống đốc đã đặt ra từ đầu năm, làm cho tỷ giá VND/USD cứ rập rình lúc tăng, lúc lại giảm, không thể bứt phá lên được. Trong khi đó, một kiến nghị từ một tổ chức nghiên cứu đề xuất phá giá VND, dù chỉ là ở mức rất nhỏ, một vài điểm phần trăm cho cả 2,3 năm tới, đã bị dư luận và giới chuyên gia “quật” cho không thương tiếc, làm cho một vài tiếng nói tương tự từ một vài cá nhân khác rơi tõm vào hư không…

Điều hài hước là những ý kiến phản bác phá giá VND tuy đã rất cũ và sai lầm nhưng vẫn cứ “bổn cũ soạn lại”, được các chuyên gia có tiếng tăm đem ra để trấn áp cái kiến nghị phá giá xem ra nhiều phần yếu thế hơn.

Ngoài những sai lầm hiển nhiên từ góc độ kiến thức kinh tế học cơ bản, kiểu như tỷ trọng đầu vào nhập khẩu của hàng hóa Việt Nam lớn nên phá giá không có lợi ích gì cho xuất khẩu v.v…cũng có vài ý kiến phản bác mang tính ngụy biện cao mà bình thường nếu nghe lướt qua thì cứ tưởng là đúng. Chẳng hạn như ý kiến cho rằng tỷ giá bây giờ là phù hợp, không cần phá giá nữa, vì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức khả quan, Việt Nam vẫn đạt thặng dư thương mại trong thời gian qua. Tính ngụy biện nằm ở chỗ, nếu VND yếu hơn nữa so với USD thì xuất khẩu của Việt Nam còn tăng trưởng mạnh hơn thế nữa, và/hoặc thặng dư thương mại còn lớn hơn nữa. Chẳng lẽ Việt Nam không cần tăng trưởng xuất khẩu nhanh hơn, thặng dư thương mại lớn hơn ư?

Cũng có những phân tích mang tính cơ bản hơn một chút khi đưa ra những căn cứ để cho thấy tỷ giá ổn định là có cơ sở, chủ yếu xuất phát từ quan hệ cung cầu USD (được dự đoán là ổn định trên thị trường Việt Nam). Nhưng kiểu phân tích này mới chỉ nhìn từ góc độ phòng bị, bảo vệ tỷ giá mà bỏ qua góc độ chủ động dùng tỷ giá như một công cụ chính sách kinh tế sắc bén. Cụ thể hơn, trong bối cảnh các nước trong khu vực và trên thế giới, bao gồm cả những đối thủ trường kỳ và nặng ký của Việt Nam như Trung Quốc và ASEAN, thi nhau hạ giá nội tệ của họ để dành thị phần xuất khẩu, không lẽ Việt Nam nên chăm chăm bảo vệ sự ổn định của tỷ giá, không có chủ động phá giá để cho các đối tác này giành mất thị trường xuất khẩu hay sao?

Tất nhiên, NHNN và những người ủng hộ chủ trương không phá giá có thể trưng ra cái lý do là ổn định tỷ giá sẽ ổn định niềm tin vào VND và, tức là, ổn định được lạm phát và kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, nếu phá giá VND sẽ mang đến kết cục ngược lại, dù xuất khẩu và, do đó, tăng trưởng GDP sẽ tăng lên. Nói cách khác, có thể với họ, đây là 2 mục tiêu có tính đánh đổi, chứ không thể có sự dung hòa với nhau; và với họ thì mục tiêu ổn định vẫn là ưu tiên hơn nên họ muốn/phải chọn giữ ổn định tỷ giá.

Nhưng nếu thực sự họ quan niệm như thế thì hoàn toàn sai lầm. Ổn định tỷ giá VND trong bối cảnh các nước đang thi nhau phá giá bản tệ (mà theo kinh tế học gọi là hành vi xuất khẩu thất nghiệp sang các nước khác) sẽ tác động tiêu cực trực tiếp lên xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời lại khuyến khích nhập khẩu, đè chết doanh nghiệp/hàng hóa nội địa. Một loạt hậu quả nguy hại sẽ nảy sinh, bao gồm tăng trưởng GDP chậm lại, thất nghiệp gia tăng, thâm hụt thương mại gia tăng gây áp lực phá giá lên ngay chính VND v.v… Liệu pháp điều trị căn bản cho nền kinh tế trong tình huống này chủ yếu vẫn chỉ là phải chấp nhận phá giá VND, theo cuộc chơi của các đối thủ để lấy lại những gì đối thủ đã lấy từ phía mình. Nói cách khác, trong bối cảnh các nước khác đang phá giá bản tệ thì sự ổn định tỷ giá nói riêng và ổn định tỷ giá vĩ mô nói chung ở Việt Nam, nếu có, chỉ là một hiện tượng mang tính tạm thời, chắc chắn sẽ sớm mất đi.

Ngoài lý do trên, cũng có thể còn một lý do nữa để NHNN lựa chọn giữ ổn định tỷ giá vì muốn tái khẳng định và duy trì lòng tin của dân chúng vào chính sách của NHNN, vào uy tín của cơ quan này, với phương châm “nói là làm” (họ nói ổn định tỷ giá thì họ sẽ ổn định tỷ giá). Nếu đúng vậy thì đây chính là một nguồn cơn cho tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” của NHNN. Một mặt như trên đã phân tích, có thể bản thân NHNN cũng đã nhận ra sự bất ổn của cái thế “ổn định” hiện nay, nhưng, mặt khác họ lại bị mắc kẹt vào cam kết không phá giá VND quá 2% của chính mình, nên dù biết là cần thiết thì NHNN cũng không thể phá giá VND ở mức đáng kể như các nước khác đã làm.

Friday 13 March 2015

Phải chấp nhận giá điện tăng thôi! (Bài đăng trên CafeF, 13/3/2015)

http://cafef.vn/vi-mo-dau-tu/phai-chap-nhan-gia-dien-tang-thoi-20150313083843927.chn

Chính phủ đã chính thức đồng ý điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh từ ngày 16/3/2015. Theo chính phủ, việc tăng giá điện lần này đảm bảo các yêu cầu EVN không bị lỗ; đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5% v.v...

Cũng như những lần tăng giá điện trước, tất nhiên lần tăng giá điện lần này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều giới, nhiều người, vì chắc chắn giá điện tăng, cũng tương tự như khi giá xăng dầu tăng, sẽ ít hay nhiều đều làm tăng giá thành sản phẩm và dịch vụ, và rốt cuộc sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng và gia tăng áp lực lạm phát trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, cách thức và những luận cứ phản đối của những người phản đối này đáng tiếc là không có nhiều sức thuyết phục.

Có người cho rằng nếu buộc phải tăng giá điện thì không nên tăng cao quá, mà nên có lộ trình, mỗi lần tăng trên dưới 5% là được. Nhưng nếu nói như thế này thì EVN, hay cao hơn là Bộ Công thương và các bộ liên đới trong việc quyết định giá điện, có thể trưng ra Quyết định 2165/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ để phản biện lại. Theo Quyết định này thì từ năm 2013 đến 2015 giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh nhưng cao nhất không vượt quá mức tối đa là 1.835 đồng/kwh. Như thế, EVN và các bộ sẽ có cớ để nói rằng họ đã rất “thận trọng” và “cân nhắc” trong việc tăng giá điện, khi giá điện lần này tuy tăng tới 7,5% nhưng mới chỉ tăng lên 1,622 đồng/kwh, còn thấp xa so với mức được phép tăng. Hơn nữa, EVN cũng đã khẳng định chắc sẽ không có đợt tăng giá điện thứ hai trong năm nay. Như thế thì thậm chí EVN và bộ ngành liên quan còn được tiếng là đã “quyết liệt”, nỗ lực khống chế mức tăng giá điện hơn cả mức đã được phép, vì quyền lợi của cả nền kinh tế!

Cũng có người cho rằng nếu EVN thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ giảm bớt hao hụt đường dây, nâng cao năng suất lao động, giảm biên chế, sẽ bớt lỗ. Làm được như vậy, giá điện sẽ ít bị tăng. Cũng lại đáng tiếc rằng luồng ý kiến này cũng chỉ là kiểu nói cảm tính, vì đã không đưa ra được một bằng chứng nào vạch ra chuyện EVN không nỗ lực, không nghiêm túc thực hiện những nhiệm vụ này. Trong khi đó, ít ra thì EVN đã có những buổi giải trình với nhiều số liệu và dẫn chứng cho thấy họ đã tạo ra cạnh tranh, cắt giảm biên chế, tăng năng suất lao động, tăng chất lượng dịch vụ v.v... Tất nhiên, vấn đề còn lại là liệu những bằng chứng và dẫn giải của EVN có mức độ xác tín đến đâu. Nhưng trong chừng mực mà không có một ai khác chứng minh được rằng EVN đã lừa dối cả xã hội thì chúng ta buộc phải tin và chấp nhận những điều này như là sự thật mà thôi.

Tương tự như vậy là luồng ý kiến cho rằng thời điểm này, tất cả các tài nguyên trong nước đều còn nhiều: nước không thiếu, xăng dầu giảm giá hơn một năm qua... như vậy, không thể nói rằng chi phí sản xuất của ngành điện tăng lên. Tăng giá điện lại phụ thuộc vào các chi phí như chi phí nhân công, sản xuất thì có vẻ hơi lạ.

Dễ thấy rằng luồng ý kiến này cũng mang nặng cảm tính, và EVN cũng như một số chuyên gia trong ngành đã có những giải trình và dẫn chứng cho thấy chi phí thực sự đã tăng lên (chẳng hạn sản lượng điện chạy dầu chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi giá than và khí đã tăng lên v.v...). Đương nhiên là nếu không đưa ra được bằng chứng chắc chắn cho thấy giá thành điện không tăng hoặc không đến mức 7,5% thì ta chỉ còn cách chấp nhận thực tế này (giá thành sản xuất điện đã tăng) mà thôi.

Cũng có người phàn nàn rằng trong lúc giá dầu vừa giảm, chi phí đầu vào một số ngành sản xuất vừa giảm chút ít, doanh nghiệp chưa kịp mừng thì thông tin tăng giá điện khiến các doanh nghiệp thêm phần lo âu trở lại. Và rằng, mỗi khi EVN đề xuất tăng giá điện thì cuối cùng vẫn được nhà nước chấp thuận, các ý kiến phản biện của các chuyên gia kinh tế dường như không có tác dụng gì.

Những ý kiến kiểu này không có tác dụng gì hết. Thay vì, như đã nói, cần đưa ra những bằng chứng chắc chắn để buộc tội EVN đã nâng giá điện một cách vô lý, họ lại cố gắng dùng đến vòng kim cô “trách nhiệm xã hội” để làm EVN “chùn tay” trong việc tăng giá điện. Nếu thật sự trên thực tế EVN đang chịu lỗ (từ cả các năm trước) thì không phải là bất công hay sao khi kêu gọi EVN phải “nghĩ” đến các doanh nghiệp khách hàng? Khách hàng của EVN “lo âu” vì chi phí tăng lên, không lẽ EVN không được và không nên “lo âu” vì sẽ bị (tiếp tục) lỗ khi không tăng giá điện hay sao? Phản biện của các chuyên gia đúng là sẽ chẳng có tác dụng gì nếu phản biện đó cảm tính, hời hợt như đã phân tích ở trên. Như thế thì nhà nước chấp thuận đề xuất tăng giá điện của EVN với những bằng chứng thuyết phục là điều chẳng có gì đáng phê phán.

Liên quan đến “trách nhiệm xã hội” này là một lập luận cho rằng, hiện nay sức mua cũng như sức khỏe nền kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi. Trong lúc nhà nước cứ hô hào kêu doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh mà giá đầu vào sản xuất cứ tăng như giá điện thì sẽ rất khó cho doanh nghiệp.

Không cần nói đến sự vô lý nếu thực sự EVN đang lỗ mà lại đòi hỏi nó phải hy sinh vì quyền lợi của các doanh nghiệp khác, mà chỉ cần phản biện lại rằng nếu EVN thực sự bị lỗ mà nhà nước nghe theo những lời phản đối này để không cho EVN tăng giá điện thì rốt cuộc nhà nước sẽ lại phải bù lỗ bằng cách này hay cách khác, nếu không muốn EVN phá sản. Mà khi đã phải bù lỗ thì rốt cuộc mọi chi phí cũng sẽ lại đổ lên đầu doanh nghiệp và người tiêu dùng dưới hình thức tăng thuế, phí, hoặc tăng gánh nợ quốc gia mà người chi trả cuối cùng cũng vẫn là doanh nghiệp và dân chúng.

Và cuối cùng là một luồng ý kiến đòi hỏi EVN phải giải trình tại sao lại làm ăn thua lỗ, con số lỗ cụ thể, chứ không thể giấu nhẹm đi các số liệu liên quan để rồi báo lỗ và đòi tăng giá điện như vậy.

Nhưng, như đã nói ở trên, không chỉ EVN và cả các cơ quan quản lý liên đới đã có những giải trình bằng con số ở nhiều mức độ khác nhau. Quan trọng hơn, những người phản đối đứng trước những con số này lại không xoáy được vào mức độ chính xác, khả tín của chúng, mà lại xoay sang dùng những lý lẽ cảm tính như trên để mong nói chuyện “phải quấy” với EVN!

Bản thân người viết, tuy không có điều kiện để kiểm chứng các con số giải trình của EVN và các cơ quan chủ quản, nhưng dựa vào những bằng chứng thô sơ để cho rằng sự tăng giá của EVN là điều phải/nên chấp nhận. Lần cuối cùng EVN được tăng giá điện là vào thời điểm tháng 8/2013. Nếu đến tháng này EVN mới được tăng giá điện lên thêm 7,5%, thì mức tăng này thậm chí còn nhỏ hơn mức tăng CPI trong thời gian từ 8/2013 đến 3/2015. Với giả thiết (một cách hợp lý) rằng chi phí sản xuất điện tăng theo mức CPI thì việc tăng giá điện 7,5% là điều không có gì quá đáng.

Người viết cũng đã tham dự một vài hội thảo về năng lượng để biết được giá mua điện của EVN đang ở mức thấp, không khuyến khích được nguồn cung điện, đặc biệt là từ những nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Nếu sau khi tăng giá bán điện mà EVN cũng tăng giá mua điện thì đây là điều rất đáng khuyến khích.

Và cũng cần nói thêm một điều để thay cho lời kết là qua các cuộc phỏng vấn nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam và nước ngoài, người viết thấy một trong những yếu tố thu hút các doanh nghiệp thép nước ngoài đến Việt Nam là giá điện ở Việt Nam thấp, và vì thế không có gì lạ khi năng lực sản xuất thép ở Việt Nam hiện nay vượt xa so với nhu cầu tiêu thụ. Bởi vậy, một sự tăng giá điện hợp lý là điều cần thiết để cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và các ngành tiêu hao nhiều năng lượng nói riêng theo hướng xanh, sạch và bền vững hơn.

Tuesday 10 March 2015

Hạ lãi suất là trách nhiệm của ai và như thế nào? (Bài đăng trên CafeF, 10/3)

http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/ha-lai-suat-la-trach-nhiem-cua-ai-va-nhu-the-nao-20150310155436225.chn
 
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố kế hoạch tiền tệ cho năm 2015. Một trong những điều thu hút được sự quan tâm nhiều nhất của dư luận là chuyện NHNN có kế hoạch giảm tiếp mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1 - 1,5 điểm %/năm. Xung quanh định hướng này có 3 vấn đề đáng nói.

Vấn đề đáng nói đầu tiên là dường như việc giảm lãi suất này lại được cho là trách nhiệm của và phụ thuộc vào ý chí của các ngân hàng thương mại (NHTM), là quả bóng nằm trong chân các NHTM này. Cần phải khẳng định luôn rằng điều hành lãi suất như thế nào và muốn mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế ở mức bao nhiêu v.v... luôn là trách nhiệm và cũng là quyền năng của NHNN với tư cách là một ngân hàng trung ương.

Cụ thể, khi NHNN nhận thấy rằng lãi suất trong nền kinh tế đang ở mức cao quá mức, gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế và việc làm do nhiều chủ thể kinh tế bị lãi suất đi vay cao làm cho nản lòng, không muốn vay mượn để chi cho tiêu dùng và đầu tư nữa, điều NHNN có thể làm là nới lỏng chính sách tiền tệ, tức là bơm thêm tiền vào nền kinh tế, với hy vọng lãi suất đến tay người đi vay sẽ giảm đi theo mong muốn của NHNN. Tất nhiên, để quyết định mức bơm tiền thêm vào nền kinh tế là bao nhiêu và trong bao lâu sẽ là phù hợp, NHNN phải xem xét và cân nhắc một loạt các chỉ số vĩ mô như tăng trưởng GDP hiện tại, tăng trưởng GDP tiềm năng, lạm phát hiện tại, (chính sách) tỷ giá, cán cân thương mại và vốn, cũng như mức độ hấp thu vốn của nền kinh tế v.v...

Việc cân nhắc những chỉ số vĩ mô trên là điều thiết yếu để có được một chính sách lãi suất phù hợp với các biến số kinh tế vĩ mô khác trong khuôn khổ một chính sách phát triển kinh tế tổng thể của đất nước trong từng thời kỳ. Để cho dễ hình dung, hãy xem 2 ví dụ sau.

Ví dụ thứ nhất. Giả sử lạm phát ở Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với mức trung bình của khu vực và thế giới, trong khi tăng trưởng GDP đã tiệm cận với hoặc vượt mức tăng trưởng GDP tiềm năng. Lúc này, vì NHNN cho rằng (hoặc do bị áp lực từ dư luận buộc phải tin rằng) mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam quá cao so với khu vực và thế giới (lưu ý, đây là điều hiển nhiên, và là hậu quả tất yếu của lạm phát cao), nên NHNN lại bơm mạnh cung tiền để hạ lãi suất thì việc hạ lãi suất sẽ hun nóng thêm nền kinh tế, và chủ yếu dẫn đến các cơn sốt về bất động sản, vàng và chứng khoán và làm lạm phát gia tăng mạnh hơn nữa, trong khi tăng trưởng GDP hầu như không tăng thêm vì đã tiệm cận hoặc vượt quá tăng trưởng GDP tiềm năng.

Ví dụ thứ hai. Với định hướng chính sách tỷ giá ổ định trong cả thời gian dài tính bằng năm để khôi phục lòng tin vào tiền đồng, nếu NHNN lại nới lỏng chính sách tiền tệ để hạ lãi suất thì việc này vô hình trung lại gây ra tác động phá vỡ sự ổn định của tỷ giá mà NHNN mong muốn và đang nỗ lực thực hiện, do VND trở nên kém hấp dẫn hơn so với USD và xui khiến người có tiền chuyển sang nắm giữ USD thay vì VND.

Qua 2 ví dụ để thấy lạm phát chỉ là một trong nhiều yếu tố quan trọng để (NHNN) xem xét liệu có nên hạ lãi suất nữa hay không. Xét trên ý nghĩa này, sẽ là sai lầm và phiến diện khi NHNN tuyên bố “điều chỉnh (lãi suất) theo diễn biến CPI”, mà quên đi diễn biến và sự ràng buộc của các biến số vĩ mô khác như trong 2 ví dụ trên. Bởi vậy, cho dù hiện nay CPI vẫn đang theo xu hướng giảm nhưng không thể chỉ vì thế mà NHNN lại nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để hạ lãi suất. Hậu quả nhãn tiền có thể nhìn thấy trước nếu NHNN nới lỏng tiền tệ để hạ lãi suất vào thời điểm này sẽ là việc nó phải chấp nhận để VND bị mất giá mạnh hơn mức 1%-2% trong cả năm nay mà nó đã tuyên bố. Và cũng bởi những lý do như thế này nên sẽ không ngạc nhiên khi NHNN vẫn phải tiếp tục thận trọng với nới lỏng chính sách tiền tệ mặc dù tuyên bố sẽ giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn.

Vấn đề đáng nói thứ hai liên quan đến sự sai biệt kỳ hạn giữa vốn huy động và cho vay ở các NHTM. Người ta cho rằng nếu NHNN tăng cung tiền vào nền kinh tế thì thường đây là vốn ngắn hạn (ví dụ, thông qua cho vay tái chiết khấu với kỳ hạn ngắn). Bởi vậy, dù cung tiền có tăng lên và chảy vào hệ thống ngân hàng thì các NHTM cũng chỉ có thêm một nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn mà thôi. Cộng thêm với thực tế là vốn huy động từ tiền gửi tại các NHTM cũng có một tỷ trọng áp đảo là tiền gửi ngắn hạn, nên cho dù có hạ lãi suất huy động để làm tiền đề hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn thì các NHTM cũng không thể có đủ nguồn vốn cho việc này, làm cho lãi suất cho vay trung và dài hạn khó mà giảm đi được.

Nhưng tình hình sẽ không xảy ra đúng như trên nếu, thay vì tăng cung tiền và bơm thanh khoản trong ngắn hạn, NHNN tuyên bố sẽ hành động theo một kịch bản tương tự, ví dụ như Chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (FED), theo đó gia tăng cung tiền sẽ được duy trì trong thời hạn kéo dài hàng năm. Lúc này, các khoản vốn của NHNN cấp cho nền kinh tế mang tính trung và dài hạn, tạo điều kiện để các NHTM có được nguồn vốn cho vay mang tính trung và dài hạn với lãi suất thấp. Người gửi tiền, với kỳ vọng lãi suất không chỉ ngắn hạn mà cả trung và dài hạn sẽ ổn định theo hướng bị hạ thấp dần đi, sẽ có xu hướng chọn kỳ hạn trung và dài hạn hơn ngay từ bây giờ để được hưởng lãi suất hấp dẫn hơn so với gửi ở thời điểm sau này.

Tất nhiên, cần lặp lại rằng NHNN có nên thực thi những chính sách nới lỏng kiểu này hay không vẫn phải phụ thuộc vào nhiều biến số vĩ mô như nêu ở bên trên. Nhưng thông điệp ở đây là sự chênh lệch kỳ hạn huy động và cho vay vẫn có thể khắc phục được nếu NHNN thực sự mong muốn (và có thể) hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn. Nói ngược lại, nếu NHNN không có động thái hỗ trợ gì về nguồn vốn và lãi suất thì không thể yêu cầu lãi suất cho vay trung và dài hạn giảm đi được.

Vấn đề đáng nói thứ ba về định hướng hạ lãi suất trung và dài hạn của NHNN là phản ứng của các NHTM trước mỗi hành động chính sách của NHNN. Cứ như quan niệm hiện nay của nhiều người thì NHTM có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ đúng theo định hướng của NHNN. Nói cách khác, họ cho rằng nếu NHNN ra định hướng từ đầu năm nay rằng sẽ giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thì có nghĩa là các NHTM phải phấn đấu và nỗ lực giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn của mình. Nếu không làm được như vậy thì các NHTM sẽ bị buộc tội là không tuân thủ định hướng của NHNN, không có trách nhiệm, không có thiện chí, hoặc vô cảm với nền kinh tế và xã hội v.v...

Trên thực tế, NHTM chỉ nên và phải hành động theo những tín hiệu thị trường, một phần do NHNN tạo ra. Nếu NHNN muốn hạ lãi suất thì nó phải chủ động thực hiện việc này bằng quyền năng và những công cụ chính sách hữu hiệu của mình, chứ không phải bằng cách yêu cầu, bắt buộc, hay “vận động”, thuyết phục các NHTM phải hạ lãi suất cho vay của chúng. Nếu gặp hoàn cảnh thuận lợi và “đầy thiện chí”, chẳng hạn như khi NHNN tăng cung vốn trung và dài hạn với lãi suất thấp, thì các NHTM cũng có thể hạ lãi suất cho vay của mình. Trong bối cảnh thuận lợi như vậy, nếu có NHTM nào đó không chịu hạ lãi suất cho vay thì nó sẽ tự động bị thị trường cạnh tranh tự do đào thải, do các NHTM khác sẵn sàng hạ lãi suất cho vay.

Nếu vì một lý do nào đó mà các NHTM miễn cưỡng, hoặc không thể hạ lãi suất cho vay được kể cả khi bị NHNN yêu cầu, bắt buộc, hay “vận động”, thì phải hiểu rằng đó không hẳn là chúng không có thiện chí, hoặc “không tuân lệnh” của NHNN. Có nhiều lý do cho việc các NHTM không hạ lãi suất cho vay được, ví dụ như NHNN không cung cấp đủ nguồn vốn cho vay trung và dài hạn (với lãi suất thấp), NHTM đang bị “vướng” nợ xấu và, do đó, cần một nguồn vốn đáng kể giữ lại (không cho vay) để xử lý nợ xấu v.v... Vì thế, không thể chỉ căn cứ vào hiện tượng, ví dụ, trong khi tiền gửi trong hệ thống ngân hàng tăng 16,31% năm 2014 thì cho vay ra chỉ tăng trên 14%, để kết luận rằng hệ thống ngân hàng đang ứ đọng, dư thừa thanh khoản, nhưng  các NHTM không thiện chí, không chịu hạ lãi suất cho vay nói chung và cho vay trung, dài hạn nói riêng.

Nói tóm lại, trong cả 3 vấn đề nêu ra bên trên ta đều thấy vai trò quyết định của NHNN trong việc hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn ở Việt Nam. Nếu vì một lý do nào đó mà lãi suất cho vay trung và dài hạn không giảm đi theo đúng định hướng của NHNN thì đó hoàn toàn là trách nhiệm của NHNN chứ không phải của NHTM, cũng như không nên trông chờ hay đá quả bóng trách nhiệm sang các NHTM.

 

 

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).