Friday 16 December 2016

Cổ phần hóa và những khúc mắc (Bài đăng trên TBKTSG, 17/12/2016)

http://www.thesaigontimes.vn/154915/Co-phan-hoa-va-nhung-khuc-mac.html

Hiện nay, tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đang khá chật vật, chứa đựng nhiều khúc mắc, có thể là từ chủ trương “bảo toàn vốn nhà nước”, hay từ việc DNNN nắm giữ quỹ đất lớn, nhất là những mảnh đất ở vị trí đắc địa.

Với DNNN có những mảnh đất có giá trị lớn, dễ dàng cho thuê với giá cao, thì hiệu quả sản xuất kinh doanh trong những ngành nghề chính của họ nhiều khi trở nên không quan trọng nữa, bởi tiền cho thuê đã trở thành nguồn thu nhập quan trọng, trong khi ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của các doanh nghiệp này bị lỗ hoặc không tạo ra lợi nhuận đủ lớn như với những doanh nghiệp cùng loại nhưng thuộc sở hữu tư nhân hay nước ngoài. Ngay cả là đất đi thuê từ Nhà nước, chứ không phải là đất được giao, thì quỹ đất đi thuê này cũng là một tài sản, một lợi thế lớn, một đặc quyền với nhiều DNNN, đơn giản vì không phải doanh nghiệp nào cũng được thuê những mảnh đất như vậy từ Nhà nước.
 
Bởi vậy, nếu cho phép “doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ tính vào giá trị doanh nghiệp đối với diện tích đất nhận giao, còn đối với đất thuê, doanh nghiệp chỉ thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định như các doanh nghiệp khác, không phải tính giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất thuê vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa”, như một quan chức ngành tài chính thông tin, thì đây là một bất công lớn với ngay bản thân Nhà nước vì Nhà nước đã thất thu một khoản thu tiềm năng đáng kể từ những mảnh đất “vàng”, có lợi thế vị trí địa lý của mình. Bởi giá thuê đất theo biểu giá Nhà nước quy định thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Cũng vì lợi thế, đặc quyền được giao hoặc thuê đất với giá rẻ hơn giá thị trường nên nhiều DNNN tuy kém cỏi trong sản xuất kinh doanh nhưng vẫn “bảo toàn vốn nhà nước”, thậm chí vẫn có lãi, thoát khỏi sự chú ý của dư luận cũng như các cơ quan quản lý vốn, thông thường sẽ dẫn đến áp lực phải tiến hành cổ phần hóa.

 
Còn xét riêng trên khía cạnh bảo toàn vốn nhà nước như là một thước đo hiệu quả hoạt động của DNNN, có thể nói ngay rằng thước đo này còn nhiều khiếm khuyết, lệch lạc. Việc có quỹ đất vàng như nói ở trên tự nhiên giúp cho doanh nghiệp đạt hiệu quả một cách giả tạo nhờ cho thuê đất như trên là một ví dụ. Ngay cả việc DNNN được Nhà nước giao tài sản là các công trình, thiết bị, dây chuyền sản xuất, và tất nhiên là cả đất đai nữa, nhưng họ không bận tâm đến việc tự mình sản xuất, kinh doanh để tài sản Nhà nước giao cho ngày càng sinh sôi nảy nở, mà bán, sang nhượng, cho thuê dưới nhiều lý do để hợp lý hóa việc thu tiền và vẫn đảm bảo rằng tài sản Nhà nước giao cho họ quy ra tiền trên sổ sách không suy suyển, thì cũng là điều đáng suy nghĩ.

Thêm nữa, nhiều DNNN có quỹ tiền mặt lớn trong tay nhưng vì e ngại rủi ro hoặc không muốn “động não” xem phải đầu tư vào đâu với số tiền này cho hiệu quả nhất nên họ đem nó đi gửi ngân hàng để hưởng lãi.
 

Trường hợp nào trong những trường hợp này hoặc những trường hợp tương tự đều cho thấy rằng một khi đã có trong tay các tài sản nhà nước được giao hay cho thuê thì các DNNN không hề khó khăn gì trong việc bảo toàn vốn nhà nước, trong khi lẽ ra họ có thể làm tốt hơn nhiều, sinh lãi nhiều hơn cho chủ sở hữu là Nhà nước và mang lại thu nhập cao hơn cho công nhân viên. Điều đáng nói hơn là với “bửu bối” đã bảo toàn vốn nhà nước như vậy nên nhiều DNNN cũng thoát khỏi danh sách DNNN yếu kém, không hiệu quả, buộc phải cổ phần hóa.
 
Từ những vấn đề trên, điều có thể rút ra là việc cổ phần hóa các DNNN cần phải thay đổi một cách căn bản về chủ trương và đối tượng để tiến trình cổ phần hóa diễn ra một cách thực chất và hiệu quả. Trước tiên, cần xác định rằng mọi DNNN cần phải được cổ phần hóa, trừ số ít những DNNN thuộc diện Nhà nước phải sở hữu 100%. Sẽ không có chuyện những DNNN tiếp tục sản xuất kinh doanh “bảo toàn vốn nhà nước”, không thua lỗ thì sẽ không phải cổ phần hóa, bởi chuyện kinh doanh không thua lỗ là chưa đủ trong bối cảnh các DNNN nắm nhiều lợi thế, đặc quyền so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần khác.
 
Tiếp đó, các DNNN có quỹ đất dù là thuê của Nhà nước, nhất là những mảnh đất có giá trị, cần phải đưa lợi thế địa lý của những mảnh đất này vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Nếu không làm được như vậy thì vô hình trung Nhà nước tiếp tục làm lợi cho (một nhóm) chủ sở hữu mới doanh nghiệp này sau cổ phần hóa khi họ được thuê những mảnh đất đắc địa với giá rẻ.

Nếu không muốn đưa lợi thế địa lý của những mảnh đất thuê này vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa thì DNNN cần phải hoàn trả lại những mảnh đất đang thuê trước khi tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Đồng thời, Nhà nước sẽ cho đấu giá công khai quyền thuê những mảnh đất đó để đảm bảo lợi ích tối đa cho ngân sách.

Saturday 26 November 2016

Bán đấu giá nợ xấu, các AMC phải đứng ngoài (Bài trên TBKTSG, 26/11, bản đã biên tập)

http://www.thesaigontimes.vn/154208/Ban-dau-gia-no-xau-cac-AMC-phai-dung-ngoai.html

(TBKTSG) - Chiều ngày 17-11 Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam (hiện nay đó là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC) đã được đưa vào luật này.

Giải thích lý do quy định việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của VAMC, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn yêu cầu tại Nghị quyết số 05-NQ của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nhấn mạnh việc giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của VAMC trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ.

Bên cạnh đó, các quy định bán đấu giá nợ xấu trong luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung lại cho chặt chẽ, minh bạch, khách quan... tránh thất thoát tài sản nhà nước (trong quá trình đấu giá). Ví dụ, luật này không cho phép VAMC bán đấu giá theo trình tự, thủ tục rút gọn.
 
Tuy nhiên, từ góc độ xử lý nợ xấu, tình trạng hiện tại của luật còn một số tồn tại lớn.
Đó là, luật chỉ chọn và cho phép duy nhất VAMC được đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu mà hoàn toàn không đề cập đến các tổ chức xử lý nợ xấu (AMC) khác của các ngân hàng thương mại. Như đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn giải, mục đích quy định đấu giá xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu của VAMC là để tạo thẩm quyền và nâng cao năng lực xử lý nợ xấu của VAMC. Nhưng mục đích thực sự cuối cùng là để nhằm giải quyết nhanh nợ xấu theo cơ chế thị trường.
 
Bởi vậy, nếu song song với VAMC, luật quy định thêm các AMC khác cũng được đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại mà chúng nắm giữ thì rõ ràng quá trình xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng càng được đẩy nhanh. Đây là một điều tốt và là mong muốn không chỉ của các ngân hàng mà cả toàn xã hội. Vậy, không hiểu vì lý do gì mà các AMC của các ngân hàng thương mại lại không được trao quyền như với VAMC, biến quyền được đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo khoản nợ xấu trở thành một đặc quyền cho VAMC.
 
Nếu cho rằng chỉ có VAMC mới cần thiết, mới có đủ khả năng (hay trong mắt của giới quản lý là đáng tin cậy hơn, dễ quản lý hơn so với các AMC) thực hiện đấu giá nợ xấu thì hoàn toàn không chính xác. Nhu cầu xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại và các AMC của họ cũng rất cấp bách, thậm chí còn hơn cả VAMC, vì nợ xấu tồn tại ngày nào thì các ngân hàng thương mại thiệt hại ngày đó vì phải trích lập dự phòng xử lý nợ xấu, vì vốn bị chôn trong nợ xấu. Nếu VAMC xử lý được nợ xấu thì tốt, và thu được thù lao xử lý nợ xấu từ các ngân hàng thương mại; không xử lý được thì cứ để ở đó mà chẳng phải chịu tốn phí gì cả vì nợ xấu không phải là của VAMC mà thực chất chỉ được họ giữ hộ các ngân hàng thương mại mà thôi, nên động lực phải giải quyết nợ xấu không bằng các ngân hàng cũng như các AMC.
 
Trên hết và quan trọng hơn, vai trò của pháp luật là để điều chỉnh và chế tài tất cả các hành vi của các đối tượng được chế tài nên tất cả những quan ngại và lo sợ về việc trao quyền (và nghĩa vụ) tương đương cho các AMC như với VAMC hoàn toàn có thể hóa giải được bằng việc ban hành và thực thi nghiêm túc các điều luật liên quan, như những quy định cho VAMC. Trên khía cạnh này, việc “lờ” các AMC trong việc được đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo khoản nợ xấu càng trở nên khó hiểu.
 
Một tồn tại khác trong luật là dường như không nhận thức, đánh giá đúng được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đấu giá, chuyển giao sở hữu tài sản, nhất là tài sản đảm bảo khoản nợ xấu. Ví dụ, luật quy định VAMC có nghĩa vụ giao tài sản đấu giá và các giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người mua được tài sản đấu giá. Nhưng liệu người mua được tài sản đấu giá sau khi cầm được tất cả các giấy tờ liên quan đến tài sản này, gồm có sổ đỏ nếu tài sản đấu giá là mảnh đất, có sang tên chủ sở hữu thành của mình được hay không thì lại là chuyện khác, không có gì đảm bảo là việc này sẽ thành công, trong trường hợp, ví dụ, người chủ cũ nhất quyết không chịu làm thủ tục sang tên.
 
Do vậy, chừng nào Luật Đấu giá tài sản không có quy định liên quan, ví dụ, cho phép các cơ quan chức năng công nhận chủ sở hữu mới các tài sản bảo đảm nợ xấu sau quá trình đấu giá mà không cần người chủ mới này phải làm thêm thủ tục sang nhượng quyền sở hữu từ chủ cũ thì chừng đó luật này cũng chỉ phát huy tác dụng trong một số trường hợp hãn hữu nhất định.

Friday 25 November 2016

Nên tuân thủ cuộc chơi (Bài đăng trên TBKTSG, 25/11/2016, bản gốc)

http://www.thesaigontimes.vn/154201/Nen-tuan-thu-cuoc-choi.html

Việt Nam cho đến nay đã đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, nhiều hiệp định trong số này đã có hiệu lực mà đáng kể nhất trong số này là TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU.
Tuy vậy, nhận thức về tự do hóa thương mại còn nhiều lệch lạc, không chỉ trong một bộ phận người dân mà còn ngay cả trong một bộ phận giới chức.
Lệch lạc đầu tiên là tuy đã hội nhập, đã cam kết mở cửa nhiều thị trường hàng hóa và dịch vụ trong nước cho cạnh tranh của các nước đối tác, nhưng nhiều người vẫn cứ cố níu kéo, cản trở sự cam kết mở cửa này bằng nhiều cách, chủ yếu là dùng những hàng rào bảo hộ phi thuế quan. Một ví dụ điển hình là ngành sản xuất và kinh doanh ô tô. Các cam kết tự do hóa thương mại với ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh kinh tế Á Âu, và sắp tới là với EU có những điều khoản về mở cửa thị trường ô tô ở Việt Nam cho ô tô nhập khẩu từ những thị trường này. Tuy vậy, hiện nay nhiều người, nhiều tổ chức vẫn đang vận động đưa vào luật ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh ô tô thành ngành, nghề kinh doanh có điều kiện với mục đích không chỉ đảm bảo an toàn cho người sử dụng mà còn chủ yếu là để làm khó thêm ô tô nhập khẩu và bảo hộ ngành công nghiệp ô tô trong nước đang loay hoay với chiến lược phát triển nhưng lại vẫn đang được hưởng lợi lớn nhờ thuế nhập khẩu cao và nhiều quy định làm khó ô tô nhập khẩu.
Đương nhiên là những người và tổ chức vận động bảo hộ ngành công nghiệp ô tô nội địa có lý do thuyết phục cho việc này vì ngành ô tô là một ngành quan trọng với mọi nền kinh tế. Tuy vậy, quan trọng là một chuyện nhưng có nhất thiết phát triển bằng mọi cách và có phát triển được không lại là một chuyện khác. Thực tế cho thấy không phải nước nào cũng thành công với ngành công nghiệp ô tô, nếu như ngành này không là thế mạnh cạnh tranh của họ. Hiện tại Việt Nam cũng chẳng có thế mạnh gì có thể dẫn đến sự phát triển vững chắc của ngành công nghiệp ô tô trong nước, ngoài một lợi thế duy nhất là dân số đông, hứa hẹn một thị trường tiêu thụ có tốc độ tăng trưởng nhanh trong… tương lai!
Bù lại, khi hội nhập qua các hiệp định thương mại tự do, chúng ta được hưởng lợi từ sự mở cửa thị trường nội địa của các nước đối tác cho những ngành nghề mà Việt Nam có lợi thế, chủ yếu từ khai thác lực lượng lao động dồi dào và giá tương đối rẻ, như may mặc, da giày, thủy sản, lắp ráp v.v…, cũng như từ sự lỏng lẻo về bảo vệ môi trường. Sự đánh đổi các lợi thế này giữa Việt Nam và các nước là theo đúng lý thuyết về thương mại tự do và lẽ ra không phải là điều đáng ngạc nhiên hay thất vọng với bất cứ một ai trước và sau khi ký kết các hiệp định thương mại tự do với nước ngoài.
Vì vậy, nếu cứ còn lấn cấn giữa lợi ích với thiệt hại khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thì tốt nhất là hãy sớm chủ động rút lại những cam kết này, như cách mà ông Trump, Tổng thống mới của Mỹ đã chủ trương như vậy với TPP cho nước Mỹ từ khi đang tranh cử. Ngược lại, nếu đã cam kết mà vẫn cứ ngấm ngầm và cả công khai tìm mọi cách để “lách luật”, lách các cam kết với nước đối tác bằng những cách thức “khôn lỏi” như nêu trên thì hoặc chúng ta sẽ bị các nước đối tác trả đũa, hoặc các cam kết này sẽ phải bị xem xét lại, vì không có quốc gia nào lại cam chịu thiệt thòi một cách quá đơn giản và vô lý như vậy. 
Một lệch lạc phổ biến khác về tự do hóa thương mại tương tự là quan niệm (dù đã hội nhập sâu rộng) phải quyết xây cho bằng được một nền kinh tế có sự “phát triển hài hòa” giữa các ngành kinh tế, chắc có nghĩa là các ngành kinh tế phải có sự phát triển tương đương nhau “một chín, một mười”, ví dụ từ ngành dệt may đến ngành tự động hóa. Rồi nữa, phải có chiến lực phát triển sao cho đảm bảo gần như “tự cung tự cấp” trong nhiều ngành như ngành thép vì nếu không thì sẽ dẫn đến nhập siêu lớn, gây bất ổn vĩ mô…
Quan niệm “phát triển hài hòa” theo diễn giải trên là một thực tế, được thể hiện ở chiến lực phát triển “quả mít”, theo đó có quá nhiều ngành được xác định là ngành ưu tiên, ngành mũi nhọn. Kể cả với một nền kinh tế đóng cửa thì chiến lược này vẫn sẽ chắc chắn thất bại bởi nguồn lực kinh tế có hạn, không thể đáp ứng yêu cầu phát triển cùng một lúc của nhiều ngành khác nhau. Điều này cũng tương tự như một gia đình nghèo đông con, nếu không dồn sức cho đứa con nào có khả năng học nhất mà cứ chia đều ra thì đứa nào rồi cũng sẽ học hành làng nhàng như đứa nào. Trong thời đại hội nhập như hiện nay thì chiến lược này càng sớm thất bại vì giờ đây còn có thêm sức ép là sự cạnh tranh từ bên ngoài lên những ngành vốn đã ốm yếu trong nước, trong khi những ngành có khả năng phát triển theo thế mạnh cạnh tranh thì lại không được đầu tư đầy đủ.
Chuyển sang quan niệm ngành nào mà nhu cầu trong nước lớn, đang nhập siêu thì phải tìm mọi cách để phát triển, như ngành thép là một ví dụ điển hình. Nhiều người cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh so với thép nhập khẩu như có cảng nước sâu, có quặng sắt và nhiều khoáng chất cần cho sản xuất thép dồi dào, nhân công giá rẻ… Điều này ít nhiều là đúng nhưng chưa đủ. Về quặng sắt và các khoáng chất cần cho sản xuất thép, Việt Nam tuy có thể có với trữ lượng lớn nhưng điều quan trọng là điều kiện khai thác của mỏ có thuận lợi không, và chi phí khai khoáng liệu có đủ thấp để đảm bảo rằng chi phí đưa quặng đến chân công trình luyện thép sẽ thấp hơn chi phí cho quặng nhập khẩu cùng chất lượng hay không. Điều này chỉ được đảm bảo khi tối thiểu phải có một cơ sở hạ tầng và công nghệ cho khai khoáng và vận chuyển phát triển, là điều mà Việt Nam đang thiếu. Việc Thép Hòa Phát mặc dù có mỏ sắt trong nước nhưng vẫn phải nhập khẩu quặng sắt cho thấy sản xuất trong nước không nhất thiết là kinh tế nhất.
Ngoài ra, để thực sự ngành thép nội địa có sức cạnh tranh thì tất yếu phải phát triển các nhà máy thép dùng công nghệ lò cao, hiện đại đồng thời rất tốn kém. Như vậy, ngoài vấn đề là… tiền đâu, sự đi sau về đầu tư công nghệ lò cao làm các nhà máy thép ở Việt Nam khó cạnh tranh được với các nhà máy thép nước ngoài đã khấu hao máy móc thiết bị từ lâu, làm cho bài toán lợi thế trở nên mù mờ hơn. Tất nhiên Việt Nam vẫn có thể dốc sức đầu tư phát triển những thứ này, nhưng như thế thì lại vấp phải bài toán nhà nghèo đầu tư cho con học ở trên.
Nhân bàn về trữ lượng quặng sắt với chuyện tự chủ sản xuất trong nước, cũng xin đưa thêm một ví dụ là về ngành thép Ấn Độ. Nước này ước tính có tới hơn 13 tỉ tấn quặng sắt các loại, và ngành luyện thép nước này hàng năm sản xuất ra trên dưới 90 triệu tấn thép. Thế nhưng nước này hàng năm vẫn phải nhập hàng chục triệu tấn quặng sắt từ Úc, Canada, hay Nam Phi vì cung trong nước không đủ đáp ứng, với nhiều lý do từ vấn đề bảo vệ môi trường đến cơ sở hạ tầng kém phát triển hay chất lượng quặng không tốt… Đồng thời nước này cũng phải đương đầu với thép nhập khẩu giá rẻ hơn (và chất lượng tốt hơn) không chỉ từ Trung Quốc mà còn cả từ Nhật, Hàn Quốc là những nước đã có các hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ, làm cho Ấn Độ chẳng còn mấy cớ để buộc tội họ bán phá giá.
Bởi vậy, với Việt Nam, thay vì chủ quan cho rằng ngành thép là ngành có lợi thế cạnh tranh theo tư duy đơn giản là có quặng sắt, có đầy đủ các yếu tố để phát triển nên phải đầu tư, phải bảo hộ để nó phát triển bất chấp Việt Nam đã cam kết mở cửa, để cho thép ngoại tự do cạnh tranh với thép nội, thì chúng ta nên chấp nhận cuộc chơi mang tên “hội nhập”. Nghĩa là hãy để cho các chủ thể của thị trường tự tính toán bài toán chi phí và lợi ích trong ngành thép mà không có sự trợ giúp đặc biệt của nhà nước ngoài những hỗ chung như cho các ngành nghề khác. Nhà nước không nên đưa ra những biện pháp trợ giá ngầm như hạ giá thuê đất, ưu đãi đặc biệt về thuế, phí, và bảo vệ môi trường, hay giữ giá điện thấp hơn giá bán cho các ngành khác, hoặc thấp hơn giá thành… để khuyến khích đầu tư vào ngành thép.
Và cũng tương tự như với ngành ô tô, nếu vẫn cứ tiếc rẻ và muốn phát triển ngành thép hay bất cứ ngành nào khác không/chưa có lợi thế cạnh tranh thì tốt nhất là đừng hội nhập nữa! 

Tuesday 22 November 2016

Thực thi Basel II, khó ở đâu? (Bài đăng trên CafeF, 22/11/2016)

http://cafef.vn/thuc-thi-basel-ii-kho-o-dau-20161122092721299.chn

Kể từ tháng 2/2016, 10 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ định thực hiện thí điểm phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, đó là các ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB.
Thời thế mới cần tiêu chuẩn mới
Tiêu chuẩn Basel I, được áp dụng từ năm 1988, có nhiều nhược điểm. Nó không nhạy cảm với rủi ro, không phân biệt giữa rủi ro tín dụng với các loại rủi ro khác, và có thể dễ dàng vượt qua bằng các biện pháp lách luật. Vì chạy theo lợi nhuận nên các ngân hàng có xu hướng nắm giữ các tài sản chất lượng kém (rủi ro cao) thay vì các tài sản chất lượng cao (rủi ro thấp).
Trong cùng thời gian này, các sản phẩm tài chính mới như các sản phẩm phái sinh và chứng khoán hóa đã góp phần quan trọng làm thu hẹp ngành ngân hàng truyền thống. Điều này đã làm thay đổi tương lai của ngành ngân hàng và tạo ra các thách thức mới cho các nhà làm luật. Bởi vậy, Basel I được coi là hết tác dụng trong thời đại có nhiều sản phẩm tài chính mới phức hợp ra đời với sự hậu thuẫn của tiến bộ công nghệ.
Basel II
Basel II được “trình làng” tháng 6/2004 nhằm khắc phục các nhược điểm của Basel I bằng việc đo lường rủi ro một cách chính xác hơn và toàn diện hơn.
Basel II có 3 trụ cột. Trụ cột thứ nhất là luật lệ, theo đó gắn yêu cầu vốn tối thiểu (CAR) sát hơn với mức độ rủi ro thực tế của ngân hàng, gồm các rủi ro về tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Như vậy, trụ cột luật lệ của Basel II tương tự như của Basel I, với khác biệt ở phương pháp tính rủi ro bình quân gia quyền.
Về rủi ro tín dụng, có 2 phương pháp tính. Phương pháp thứ nhất, thường được áp dụng bởi các ngân hàng nhỏ, không có khả năng tự xây dựng các mô hình đánh giá rủi ro tín dụng và có các hoạt động tín dụng các sản phẩm tài chính không mấy phức tạp.     
Phương pháp tính rủi ro tín dụng thứ hai là phương pháp dựa trên đánh giá tín dụng nội bộ (IRB). Theo đó, lượng vốn ngân hàng cần phải nắm giữ đối với mỗi một khoản vay sẽ là một hàm số của rủi ro tín dụng ước tính của khoản vay đó. Đến lượt mình, rủi ro tín dụng ước tính được xác định dựa trên 4 biến số, gồm xác suất mất khả năng thanh toán (PD), lượng vốn bị mất khi xảy ra mất khả năng thanh toán (LGD), khoản cho vay tại thời điểm mất khả năng thanh toán (EAD), và kỳ hạn (M). Với sự áp dụng của phương pháp này, hầu như chắc chắn các ngân hàng sẽ đủ khả năng để hấp thụ hoàn toàn thiệt hại từ việc khách hàng mất khả năng thanh toán.
Trong phương pháp đánh giá tín dụng nội bộ IRB cũng lại có hai biến thể. Với biến thể “Cao cấp”, các ngân hàng sẽ phải tự xác định cả 4 biến số nói trên trong mô hình nội bộ của mình. Trong biến thể “Cơ bản”, các ngân hàng chỉ phải chịu trách nhiệm xác định biến số PD, còn 3 biến số còn lại thì được xác định bởi Ủy ban Basel.
Trụ cột thứ hai của Basel II là giám sát, nhằm xử lý các rủi ro không được trụ cột thứ nhất xử lý. Các thanh tra, giám sát viên sẽ xem xét sự đánh giá rủi ro nội bộ của ngân hàng để đưa ra kết luận liệu sự đánh giá nội bộ này đã phù hợp chưa và các ngân hàng đã nắm giữ đủ vốn tương ứng với mức rủi ro thực tế của họ hay chưa. Như vậy, trụ cột thứ hai này khuyến khích các ngân hàng tự xây dựng mô hình đánh giá rủi ro phù hợp.
Trụ cột thứ ba của Basel II là kỷ cương thị trường, thông qua việc bạch hóa thông tin, nhằm đảm bảo rằng kỷ cương thị trường hữu hiệu là một con mắt giám sát nữa bên cạnh các thanh tra, giám sát viên.  

Như vậy, so với Basel I, Basel II phức tạp, nhạy cảm với rủi ro và có độ bao phủ rộng hơn nhiều. Bởi vậy, sự thực thi hữu hiệu Basel II đòi hỏi phải có sự thông hiểu của cơ quan chức năng cũng như của các ngân hàng về các vấn đề, thách thức và tác động của nó lên nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã có kế hoạch áp dụng Basel II ngay sau khi nó ra đời, với lộ trình khác nhau, bắt đầu hoặc với biến thể “Cơ bản” của phương pháp đánh giá tín dụng nội bộ IRB, hoặc “Cao cấp”, hoặc cả hai.
Với Việt Nam, Basel II mới được áp dụng thí điểm vào năm 2016 cho thấy sự khá chậm chễ. Nhưng khách quan mà nói, sự chậm chễ này có nguyên nhân từ một số trở ngại và thách thức.

Trở ngại và thách thức trong thực thi Basel II ở Việt Nam
Ngoài tính chất phức tạp và độ bao phủ rộng hơn Basel I làm cho việc thực thi nó trở nên khó khăn hơn nhiều so với Basel I, việc áp dụng thành công Basel II trước tiên đòi hỏi quốc gia áp dụng phải có một hệ thống tài chính phát triển và mạnh. Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF cho rằng sự áp dụng sớm Basel II ở những nước có nguồn lực hạn chế sẽ làm phân tán các nguồn lực dành cho các ưu tiên cấp bách, làm loãng thay vì củng cố sự giám sát. Điều quan trọng là phải có đủ khả năng củng cố hệ thống tài chính và tập trung vào đạt được ở mức độ cao hơn việc tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi của Basel. Việt Nam có thể đã theo đuổi phương châm tiến chậm nhưng chắc, chỉ tiến hành áp dụng Basel II sau khi đã có sự chuẩn bị đầy đủ, bắt đầu với việc lấp các lỗ hổng trong hệ thống tài chính của mình.

Thứ hai, áp dụng thành công Basel II đòi hỏi phải có số liệu chính xác, đáng tin cậy và kịp thời. Nếu rủi ro không được tính toán, hay bị phóng đại hoặc bị tính thấp đi có thể làm vô hiệu hóa tác dụng tích cực của Basel II. Mà điều này ở Việt Nam xem ra vẫn còn là một thách thức lớn, chưa biết bao giờ có thể khắc phục được.

Thứ ba, cùng một số liệu, trình độ và nhận thức của đội ngũ nhân lực liên quan đến thực thi Basel II sẽ quyết định những số liệu này được diễn giải như thế nào. Bởi vậy, một nhân tố quan trọng để áp dụng thành công Basel II là công tác đào tạo nhân lực nhằm trang bị đầy đủ kĩ năng và kiến thức phổ quát và cập nhật cho những người thực thi. Đây cũng là một lĩnh vực Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều.

Thứ tư, ở Việt Nam, dường như chỉ có các ngân hàng mới phải áp dụng Basel II, trong khi các chủ thể khác của thị trường tài chính như công ty tài chính, chứng khoán, và bảo hiểm lại không bị yêu cầu này. Sự phân biệt này có thể làm hỏng toàn bộ nỗ lực củng cố thị trường tài chính bởi những chủ thể này cùng với các ngân hàng sẽ quyết định sự ổn định của hệ thống tài chính. Vấn đề bất đối xứng về nghĩa vụ này còn được khuyếch đại bởi sự bất đối xứng về giám sát. Trong khi ngân hàng thương mại và công ty tài chính được giám sát bởi Ngân hàng Nhà nước thì công ty chứng khoán và bảo hiểm lại được giám sát bởi Bộ Tài chính. Sự phối hợp giám sát giữa các cơ quan chức năng này vẫn còn phải cải thiện hơn nữa.
Thứ năm, thực thi Basel II sẽ không hề rẻ. Với gánh nặng phải tuân thủ các chuẩn mực Basel II, các ngân hàng ở châu Âu đã được ước tính phải bỏ ra hàng chục triệu USD để thực thi Basel II. Như vậy, thường chỉ có các ngân hàng lớn ở Việt Nam mới có đủ khả năng theo đuổi cuộc chơi tốn kém mang tên thực thi Basel II. Tất nhiên, đổi lại, những ngân hàng lớn sẽ đạt được sự cân bằng tốt hơn giữa rủi ro và lợi nhuận.

Cuối cùng, thực thi Basel II dẫn đến sự phân biệt giữa các đối tượng cho vay là doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ vì doanh nghiệp nhỏ thường được xem là có độ rủi ro cao hơn các doanh nghiệp lớn. Bởi vậy, cơ quan chức năng cũng phải có giải pháp để hạn chế mặt trái này của Basel II.

Saturday 19 November 2016

Để bảo hộ hay bảo đảm an toàn? (Bài đăng trên TBKTSG, 19/11/2016)

 http://www.thesaigontimes.vn/153932/De-bao-ho-hay-bao-dam-an-toan.html

Chiều 17/11 Quốc hội đã thông qua Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC) đã được đưa vào luật này.
Giải thích lý do quy định việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của VAMC, theo báo chí đưa tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn yêu cầu tại nghị quyết Trung ương 4, nhấn mạnh việc giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của VAMC trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ. Bên cạnh đó, các quy định bán đấu giá nợ xấu trong dự thảo luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung lại cho chặt chẽ, minh bạch, khách quan... tránh thất thoát tài sản Nhà nước (trong quá trình đấu giá). Ví dụ, luật này không cho phép VAMC bán đấu giá theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, từ góc độ xử lý nợ xấu, tình trạng hiện tại của dự thảo còn một số tồn tại lớn.
Trước tiên, không rõ có chính xác là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vào dự thảo quy định không cho phép VAMC bán đấu giá theo trình tự, thủ tục rút gọn, như báo chí đưa tin, hay không. Nếu đúng là như vậy thì thật khó hiểu khi điều 53 “Đấu giá theo thủ tục rút gọn”, mục 1.c của dự thảo lại vẫn cho phép VAMC được đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của mình theo thủ tục rút gọn. Và nếu đúng là VAMC được đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo thủ tục rút gọn như vậy thì những lo ngại của dư luận và của ngay chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội, như báo chí đưa tin, về chuyện thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình đấu giá là có khả năng thành sự thật.  
Tồn tại thứ hai là, dự thảo luật chỉ chọn và cho phép duy nhất VAMC được đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu mà hoàn toàn “lờ” đi các Tổ chức xử lý nợ xấu (AMC) khác của các ngân hàng thương mại. Như đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn giải, mục đích quy định đấu giá xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu của VAMC là để tạo thẩm quyền và nâng cao năng lực xử lý nợ xấu của VAMC. Nhưng mục đích thực sự cuối cùng (không được nói rõ ra) là để nhằm giải quyết nhanh nợ xấu theo cơ chế thị trường. Bởi vậy, giả sử song song với VAMC, dự thảo luật quy định thêm các AMC khác cũng được đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại mà chúng nắm giữ thì rõ ràng quá trình xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng càng được đẩy nhanh bội phần và đây là một điều tốt và mong muốn không chỉ của các ngân hàng mà cả toàn xã hội. Vậy, không hiểu vì lý do gì mà các AMC của các ngân hàng thương mại lại không được trao quyền như với VAMC, biến quyền được đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo khoản nợ xấu trở thành một đặc quyền cho VAMC.
Nếu cho rằng chỉ có VAMC mới cần thiết, mới có đủ khả năng (và “có tóc”, tức đáng tin cậy hơn, dễ quản lý hơn so với các AMC, trong con mắt của giới quản lý) thực hiện đấu giá nợ xấu thì hoàn toàn không chính xác. Nhu cầu xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại và các AMC của họ cũng rất cấp bách, thậm chí còn hơn cả VAMC vì nợ xấu tồn tại ngày nào thì các ngân hàng thương mại thiệt hại ngày đó vì phải trích lập dự phòng xử lý nợ xấu, vì vốn bị trôn trong nợ xấu, trong khi VAMC thì xử lý được nợ xấu thì tốt, và thu được thù lao xử lý nợ xấu từ các ngân hàng thương mại; không xử lý được thì cứ để ở đó mà chẳng phải chịu tốn phí cắc bạc nào cả vì nợ xấu không phải là của VAMC mà thực chất chỉ được họ giữ hộ các ngân hàng thương mại mà thôi.
Nếu cho rằng chỉ có VAMC mới đủ khả năng, mới đủ độ tin cậy để đứng ra thực hiện việc đấu giá thì đây chỉ là quan niệm của giới “cạo giấy” quan liêu. Đội ngũ nhân viên VAMC cũng chỉ được tuyển dụng quanh quẩn trong hệ thống ngân hàng, với trình độ xêm xêm như với những đồng nghiệp của họ ở các ngân hàng thương mại, ở các AMC. Về độ tin cậy thì VAMC cũng chỉ hơn được các AMC ở cái mác thuộc “sở hữu nhà nước 100%” nhưng cái mác này hiện nay không còn nhiều giá trị như trước, và cũng không nói lên nhiều về sự đáng tin cậy. Trong khi đó, động cơ làm việc thì VAMC có thể kém xa các AMC, vì, như đã nói, xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả là quyền lợi sát sườn của các AMC và các ngân hàng thương mại chủ nợ xấu, chứ không phải của VAMC.
Trên hết và quan trọng hơn, vai trò của pháp luật là để điều chỉnh và chế tài tất cả các hành vi của các đối tượng được chế tài nên tất cả những quan ngại và lo sợ về việc trao quyền (và nghĩa vụ) tương đương cho các AMC như với VAMC hoàn toàn có thể hóa giải được bằng việc ban hành và thực thi nghiêm túc các điều luật liên quan, như (hoặc hơn, nếu cần) những quy định cho VAMC. Trên khía cạnh này, việc “lờ” các AMC trong việc được đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo khoản nợ xấu càng trở nên khó hiểu, khó chấp nhận.
Tồn tại thứ ba của dự thảo luật là dường như không nhận thức, đánh giá đúng được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đấu giá, chuyển giao sở hữu tài sản, nhất là tài sản đảm bảo khoản nợ xấu. Ví dụ, dự thảo luật quy định VAMC có nghĩa vụ giao tài sản đấu giá và các giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người mua được tài sản đấu giá. Nhưng liệu người mua được tài sản đấu giá sau khi cầm được tất cả các giấy tờ liên quan đến tài sản này, gồm có sổ đỏ nếu tài sản đấu giá là mảnh đất, có sang tên chủ sở hữu thành của mình hay không thì lại là chuyện khác, không có gì đảm bảo là việc này sẽ thành công, trong trường hợp, ví dụ, người chủ cũ nhất quyết không chịu làm thủ tục sang tên.
Do vậy, chừng nào Luật đấu giá không có quy định liên quan, ví dụ, cho phép các cơ quan chức năng công nhận chủ sở hữu mới các tài sản bảo đảm nợ xấu sau quá trình đấu giá mà không cần người chủ mới này phải làm thêm thủ tục sang nhượng quyền sở hữu từ chủ cũ thì chừng đó luật này cũng chỉ để cho có, chỉ phát huy tác dụng trong một số hãn hữu trường hợp mà, ví dụ, chủ cũ tự nguyện hợp tác trong việc sang tên, đổi chủ mà thôi.
Tóm lại, nếu chỉ dừng lại ở hiện trạng như dự thảo thì Luật Đấu giá tài sản cũng không giúp gì nhiều cho việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng nói chung và của VAMC nói riêng!

Thursday 17 November 2016

Nên chủ động nới lỏng tỉ giá (Bài đăng trên CafeF, 16/11/2016, bản gốc)

http://cafef.vn/can-chu-dong-voi-ti-gia-20161116082225138.chn

Tỉ giá mấy ngày qua, nhất là kể từ khi đã rõ kết quả bầu cử Tổng thống ở Mỹ, đã có xu hướng tăng (VND giảm giá so với USD) đáng kể. Về nguyên nhân, lần này áp lực tăng tỉ giá VND không còn gì bí ẩn, đáng tranh luận như những lần trước nữa, vì hầu như ai cũng phải thừa nhận rằng sự mạnh lên của USD so với các ngoại tệ chủ chốt khác như Euro, Bảng Anh, Yen Nhật và Yuan (Nhân dân tệ) Trung Quốc là nguyên nhân chính đằng sau áp lực tăng tỉ giá VND.
Tuy vậy, cũng như nhiều lần trước, so với mức mất giá đến vài điểm phần trăm của các đồng tiền chủ chốt trên với USD, sự mất/giảm giá của VND với USD vẫn còn là quá nhỏ, chỉ vài chục điểm cơ bản (từ đầu năm đến nay, tỉ giá trung tâm chỉ tăng 0,7%). Một số người cho rằng tỉ giá VND ổn định vì nguồn cung ngoại hối tiếp tục dồi dào, Việt Nam tiếp tục xuất siêu, thặng dư cán cân thương mại v.v… Điều này là đúng nhưng chưa phải là nguyên nhân cơ bản.
Nhiều người đã nhìn ra rằng lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong mấy ngày qua, và thực tế là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng mạnh lãi suất tín phiếu của mình để hút tiền đồng về qua kênh thị trường mở OMO. Mục đích của việc siết cung tiền đồng (bất chấp áp lực phải giảm lãi suất cho vay tiền đồng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế) không gì khác ngoài nâng đỡ sức hấp dẫn tương đối của tiền đồng với USD, từ đó nhằm ổn định tỉ giá.
Cung tiền đồng bị siết lại làm lãi suất bị “neo” ở mức cao đương nhiên sẽ dẫn đến dòng vốn nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam (và chuyển đổi ra VND) để tìm kiếm cơ hội sinh lời như đã và đang chứng kiến. Nói cách khác, cung USD tiếp tục dồi dào ở Việt Nam không phải là điều tự nhiên có, tự nhiên xảy ra, hay xảy ra vì tính hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam một cách chung chung, mà cụ thể có phần đóng góp đáng kể của lãi suất tiền đồng bị neo cao. Mà như thế thì chuyện nguồn cung USD dồi dào và sự ổn định tỉ giá không phải là một điều hoàn toàn tốt, đáng ca ngợi và có thể an tâm được.
Cụ thể hơn, như đã phân tích qua, cái giá phải trả cho việc ổn định tỉ giá là lãi suất cao, sẽ tiếp tục gây khó cho doanh nghiệp khi chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục đứng ở mức cao. Ổn định tỉ giá cũng làm cho tính cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu và kể cả doanh nghiệp sản xuất cho thị trường nội địa thêm lao đao vì hàng hóa nước ngoài, nhất là Trung Quốc khi đồng tiền của nước này liên tục bị mất giá một cách có chủ ý, trở nên rẻ hơn đáng kể, chèn lấn thêm hàng của Việt Nam không chỉ trên thị trường xuất khẩu và còn cả ngay trên thị trường nội địa.
Bởi vậy, cách ứng xử với tỉ giá VND hiện nay cần phải khác với những năm trước. Những năm trước, NHNN luôn ở thế phải chống đỡ chật vật với áp lực phá giá tiền đồng do lạm phát lớn trong khi tỉ giá danh nghĩa bị neo chặt gần như cố định làm tiền đồng bị lên giá thực (real appreciation) tự gây ra áp lực phải phá giá. Sự chống đỡ này có hạn nên NHNN mỗi lần phải điều chỉnh tỉ giá là phải điều chỉnh mạnh và sự điều chỉnh này là hoàn toàn thụ động, tùy thuộc áp lực của thị trường.
Hiện nay, lạm phát đã “dễ thở” hơn, ở mức chấp nhận được trong khi mặt bằng lãi suất đứng ở mức cao so với lạm phát nên áp lực phá giá VND không còn mấy. Nhưng, như đã nói, nếu để VND “vững” giá như hiện tại thì cả nền kinh tế phải trả giá, nên NHNN cần thiết phải chủ động trong “cuộc chơi” tỉ giá như nhiều đối tác của mình ở các nước khác cũng đã chủ động để bản tệ của họ ít nhất là không lên giá theo USD và với các bản tệ khác, chưa nói đến việc họ còn chủ động để bản tệ của mình yếu đi so với USD nhằm duy trì tính cạnh tranh của mình.
Sự chủ động của NHNN trong việc điều chỉnh tỉ giá có thể dưới dạng NHNN tạm giãn bớt đà bán tín phiếu qua kênh OMO để giãn bớt đà siết cung tiền, và để cho tỉ giá tự điều chỉnh theo hướng VND yếu đi một cách có kiểm soát. Việc để cho VND yếu đi sẽ không làm “giật mình” thị trường hay nhất thiết sẽ tạo ra những cú sốc lớn vì trong bối cảnh hiện tại thì sự ổn định của tỉ giá VND mới là điều lạ, mới là điều mà thị trường và các nhà đầu cơ sẽ chú trọng đến với tư cách là một nguồn cơn gây bất ổn trong tương lai gần khi NHNN buộc phải điều chỉnh mạnh tỉ giá để lập lại cân bằng thương mại và phản ánh đúng hơn xu thế của thị trường ngoại hối Việt Nam như một mắt xích trong thị trường ngoại hối quốc tế.
Hơn nữa, sự cho ra đời của tỉ giá trung tâm là nhằm tạo ra một tấm đệm giảm sóc để không phải chứng kiến những cú phá giá bắt buộc, dồn nén và lớn như trước đây nên nó cần phải được phát huy tác dụng bằng cách để cho tỉ giá VND dần tăng lên hàng ngày, hàng tuần (nhưng ở mức độ lớn hơn so với hiện tại), tương tự như cách mà Trung Quốc đang làm với đồng Yuan của họ.
Nếu chủ động trong cuộc chơi như vậy thì Việt Nam sẽ có một tỉ giá phù hợp hơn với xu thế chung của thế giới trong khi vẫn kiểm soát được các tác động phụ của việc tiền đồng yếu đi so với USD.

Friday 11 November 2016

Nên làm gì với những doanh nghiệp “ngàn tỉ” đắp chiếu? (Bài đăng trên TBKTSG, 11/11/2016)

http://www.thesaigontimes.vn/153615/Nen-lam-gi-voi-nhung-doanh-nghiep-ngan-ti-dap-chieu.html

Tuần qua, Bộ Công Thương đã giải trình trước Quốc hội về 5 dự án ngàn tỉ “đắp chiếu”, gồm Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Bột giấy Phương Nam, Đạm Ninh Bình, Nguyên liệu sinh học Dung Quất. Cũng theo Bộ Công Thương thì ngoài 5 dự án này ra còn một số dự án khác còn tiềm ẩn nguy cơ và tồn đọng các vướng mắc, nếu không tháo gỡ kịp thời sẽ có khả năng rơi vào tình trạng kém hiệu quả, gây nguy cơ mất vốn nhà nước và xã hội.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, kém hiệu quả ở 5 dự án trên, Bộ Công Thương nêu những lý do như: thực trạng dự án khác xa tính toán ban đầu; quá trình điều hành thực hiện của chủ đầu tư và cấp quản lý chưa đến nơi đến chốn...     
Sai ngay từ gốc

Tuy nhiên, những nguyên nhân mà Bộ Công Thương đưa ra ở trên xem ra quá sơ sài, thậm chí chỉ là hậu quả chứ không phải nguyên nhân. Cụ thể, về nguyên nhân thực trạng dự án khác xa tính toán ban đầu, đây có thể nói thẳng là kết quả của nhiều nguyên nhân như khi thiết kế các bên liên quan đã cố tình tính toán thấp chi phí và tính cao lên giá bán trong tương lai để đảm bảo dự án có lãi. Hoặc quá trình lựa chọn nhà thầu, thi công dự án, sử dụng vốn đã có những hành động vụ lợi, khuất tất, “đi đêm” để cùng nhau “tàn phá” các dự án này đến nỗi chúng gần như không được hoàn thành, hoặc hoàn thành thì cũng hoạt động theo kiểu “năm ngày ba tật”.
Để minh họa, hãy xem kết quả thanh tra của Chính phủ vừa công bố về các nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol, trong đó có nhà máy ethanol Phú Thọ. Theo đó, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) đã được Tập đoàn Dầu khí (PVN) chấp thuận cho thực hiện gói thầu EPC cho dự án này theo hình thức chỉ định thầu mà không hề qua đấu thầu. Vấn đề còn tệ hại hơn nữa khi PVC không hề có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng EPC trong các dự án nhiên liệu sinh học hoặc các dự án có tính chất tương tự. Thanh tra Chính phủ đã kết luận việc chỉ định thầu để PVC thực hiện các công việc chính của dự án khi hạn chế năng lực và chưa có kinh nghiệm đã vi phạm Luật Đấu thầu và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc ngừng thi công dự án từ tháng 11/2011, và khó có thể tiếp tục thực hiện.

Chưa hết, trong quá trình thi công, cả PVC, PVN và chủ đầu tư là công ty CP Hoá dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) đã cùng nhau vi phạm nhiều quy định của pháp luật như chấp nhận cho PVC tăng chi phí một cách sai nguyên tắc, không bắt PVC bảo lãnh thực hiện hợp đồng…
“Chữa cháy” ra sao?

Kết quả thanh tra như trên của Thah tra Chính phủ có một số hàm ý quan trọng. Việc cố tình vi phạm các nguyên tắc, quy định trong quá trình chọn nhà thầu và tổ chức thực hiện của tất cả các bên liên quan đến các dự án dang dở như trên không những chỉ gây tổn thất cho ngân sách vì phải chi nhiều hơn cho cùng một dự án so với dự toán ban đầu, mà còn gây ra hậu quả khó có thể khắc phục được là chất lượng thi công, lắp đặt máy móc, thiết bị không đảm bảo như yêu cầu do nhà thầu EPC không có năng lực.

Do đó, để có phương án “chữa cháy” phù hợp cho những dự án “đắp chiếu” này thì điều đầu tiên phải làm rõ là tình trạng có thể phục hồi các dự án này được không. Ví dụ, với những dự án như ethanol Phú Thọ, đã dừng thi công từ tháng 11/2011 và trở nên dang dở bởi PVC không có khả năng thực hiện, nếu tính toán cụ thể chi phí bỏ ra để sửa sai, chữa lại hoặc thay thế những gì PVC bỏ lại hoen gỉ đằng sau lưng, đồng thời tiếp tục bỏ tiền ra để mua sắm và lắp đặt thiết bị để thực hiện tiếp dự án mà cho ra kết quả là sẽ còn tốn kém hơn cả nếu xây dựng lại từ đầu thì tốt nhất là “dẹp tiệm” dự án này. Bởi chuyện này cũng tương tự như xây một ngôi nhà cao tầng dang dở mà cái móng của nó đã bị xây sai do thợ vụng (chưa nói đến chuyện bị bớt xén, đánh tráo nguyên vật liệu), thì dù có bỏ tiền ra để tiếp tục xây tiếp thì cũng không có gì bảo đảm ngôi nhà sẽ đứng vững nhiều năm sau này khi đưa vào sử dụng. Lúc đó, điều tốt nhất có thể làm là phải phá bỏ cái móng đó và xây lại từ đầu.
Với những dự án chưa đến nỗi bị “bỏ ngang” như ethanol Phú Thọ, thì phải xem liệu có nên bỏ thêm tiền ra để sửa chữa, thay thế thiết bị, máy móc và đồng thời xây dựng, lắp đặt lại. Ở một số dự án, ví dụ như Đạm Ninh Bình, những người có trách nhiệm đưa ra một số lý do, trong đó đáng chú ý là máy móc không đồng bộ, hay hỏng vặt… Điều này làm người ta nghi ngờ nhà thầu và/hoặc chủ đầu tư đã cố tình ăn bớt hoặc mua thiết bị, linh kiện và phụ tùng thứ phẩm, không đúng quy cách để “ăn” chênh lệch giá, giảm giá thành gây tổn hại đến chất lượng hoạt động chung của dự án.

Nếu đúng là như vậy thì cũng phải tính toán lại bài toán kinh tế, mạnh dạn xóa bỏ khi cần. Như một cái xe máy Tầu, lắp đặt phụ tùng “trung ương”, chất lượng cũng đã gây hoài nghi, nay lại còn bị “tráo” bởi phụ tùng “địa phương”, “năm cha ba mẹ” thì nó chạy được, không xảy ra sự cố và tai nạn lúc nào là may lúc đó. Trong trường hợp này, tính tổng cộng công sửa chữa, mua lẻ thay thế phụ tùng, tính kèm thêm với rủi ro hoạt động không ổn định, an toàn, tốn xăng… có khi còn tốn hơn cả mua một chiếc xe mới và bán sắt vụn chiếc xe cũ này.
Với những dự án khác đã hoàn thành, tuy có nhúc nhắc hoạt động được nhưng hoạt động ngày nào gây lỗ ngày đó, ví dụ như Xơ sợi Đình Vũ thì phương án xử lý có đôi chút khác biệt. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ về Xơ sợi Đình Vũ, chủ đầu tư và nhà thầu đã không tuân thủ quy định của hợp đồng, thay đổi nguồn gốc xuất xứ nhiều thiết bị, và nhiều thiết bị khác sau khi nhập về sử dụng đã bị trục trặc, hỏng hóc. Như vậy, cũng tương tự như với các dự án ethanol trên, việc đầu tiên phải làm với những dự án như Xơ sợi Đình Vũ là thẩm định, đánh giá lại chất lượng, hiệu quả của hệ thống máy móc thiết bị, chất lượng xây dựng và lắp đặt xem có đảm bảo đúng như yêu cầu kỹ thuật và hiệu quả kinh tế hay không (ví dụ, tỷ lệ hao phí nguyên nhiên liệu và sản phẩm lỗi trên một đơn vị thành phẩm…). Nếu thấy những vấn đề về kỹ thuật không thể khắc phục được, hoặc quá tốn kém so với vốn đầu tư ban đầu thì cũng phải tính đến phương án thanh lý nhà máy.

Nếu thấy các tồn tại về kỹ thuật có thể khắc phục được thì cần chuyển sự chú ý sang những tồn tại về mặt kinh tế. Việc thua lỗ ở những dự án kiểu này còn bởi suất đầu tư quá cao do bị đội vốn (một cách gian dối bởi những người trong cuộc). Đây là một nguyên nhân không thể sửa chữa, khắc phục được nữa. Vậy, muốn cố gắng duy trì hoạt động của dự án mà không gây thêm thua lỗ quá lớn nữa thì một trong các giải pháp khắc phục là phải tập trung vào kiểm soát, cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng quản trị của dự án. Những tồn tại mà Thanh tra đã chỉ ra như lực lượng cán bộ công nhân quá dư thừa so với yêu cầu của dự án cho thấy việc cắt giảm chi phí đã không được coi trọng đúng mực bởi những người quản lý ở cấp cao nhất dự án mà động cơ, năng lực điều hành của họ là một dấu hỏi lớn.
Nếu tất cả các biện pháp cắt giảm chi phí có thể thực hiện được vẫn sẽ không giúp cắt giảm được thua lỗ và thời gian hoàn vốn vẫn kéo dài hàng chục năm thì điều này có nghĩa là dự án đã lâm vào bế tắc và giải pháp duy nhất chỉ là cho phá sản, thanh lý dự án. Lúc đó, tất cả những lý do đưa ra để biện minh cho việc duy trì dự án như giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm đời sống cho cán bộ công nhân viên, hay to tát hơn, là gây mất vốn nhà nước, vốn xã hội, là đảm bảo an ninh nguyên liệu, giảm phụ thuộc nhập khẩu, giảm nhập siêu, hay phát triển chuỗi sản xuất… đều chỉ là ngụy biện. Chí ít thì việc không phải bù lỗ vài ngàn tỷ đồng/năm cho mỗi một dự án “xác sống” loại này để chúng tiếp tục tồn tại sẽ là thừa đủ để bù đắp những “hậu quả” khi các dự án này được đem đi chôn!

Monday 31 October 2016

Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020: Làm thế nào để thực hiện? (Bài đăng trên ĐBND, 31/10/2016)

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=380730

Trong tờ trình Quốc hội về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã vạch ra cặn kẽ các mục tiêu, quan điểm, nội dung trọng tâm, nhiệm vụ, nội dung thực hiện, nguồn lực thực hiện, điều kiện thực hiện, và lộ trình thực hiện tái cơ cấu.
Tuy nhiên, chỉ đọc các mục đề lớn trên thôi cũng đã thấy sự phức tạp, rối rắm và có cả sự trùng lặp, lẫn lộn giữa các mục đề, giữa mục đích với phương tiện. Quan trọng hơn, điều thiếu vắng nhất trong Kế hoạch này là những điểm mới, mang tính đột phá, cách mạng, đúng nghĩa là một cuộc đổi mới lần thứ hai. Đồng thời Kế hoạch cũng chưa đưa ra cụ thể những cách thức làm thế nào để hiện thực hóa những mục tiêu, quan điểm, nội dung trọng tâm, nhiệm vụ, và nội dung thực hiện trên.
Ví dụ, về phần nội dung, Kế hoạch nêu ra 5 nội dung trọng tâm, trong đó có “phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân”. Để thực hiện nội dung này, trong phần về nhiệm vụ ưu tiên, Kế hoạch đặt ra nhiệm vụ: “cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cảc cấp trung ương và địa phương”. Nhưng nhiệm vụ này cần được triển khai thực hiện cụ thể như thế nào thì lại không thấy Kế hoạch đề cập đến, ngoài phần lộ trình thực hiện mà Kế hoạch này nhấn mạnh phải thực hiện ngay trong giai đoạn 2017-2018.
Trong khi đó, vấn đề phát triển khu vực kinh tế tư nhân nói trên đã được đề cập đến nhiều lần trong suốt ba chục năm nay trong các văn kiện của Đảng và Chính phủ, các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển các loại mà thậm chí có thể còn chi tiết, cụ thể hơn. Nhưng rồi kết quả thế nào thì tự nó cũng phản ánh rõ khi mục tiêu này lại một lần nữa được đưa vào thành một trong những mục tiêu trọng tâm phấn đấu đạt được của Kế hoạch hiện tại này.
Điều quan trọng mà công luận quan tâm là ai, cần làm gì, có giải pháp đột phá, khác biệt, mới mẻ gì không, như thế nào, kết quả ra sao thì mới được coi là đạt được mục đích (của tái cơ cấu)… Tiếc là những chi tiết “đắt giá” này hoàn toàn vắng bóng trong Kế hoạch. Điều này làm cho Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế hiện tại không khắc phục được sự chung chung, đại khái theo kiểu khẩu hiệu của nhiều kế hoạch tương tự, và điều khác biệt chủ yếu giữa Kế hoạch này với những kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn trước đây chỉ là ở cụm chữ “tái cơ cấu” mà thôi.
Tương tự như vậy là các nhiệm vụ khác. Ví dụ, yêu cầu thực hiện nghiêm Luật Ngân sách mà Kế hoạch này đặt ra cũng không phải là điểm mới, có giá trị, vì bản thân Luật Ngân sách đã có những điều khoản ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm của các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Bên cạnh đó, yêu cầu này còn chứa đựng điểm bất hợp lý. Cụ thể, một mặt thì nó yêu cầu thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước. Nhưng mặt khác, nó lại yêu cầu tiếp tục cải cách Luật Ngân sách nhà nước, thực hiện đầy đủ, nhất quán kỷ luật ngân sách. Nếu đã thấy rõ Luật Ngân sách còn chứa đựng nhiều điểm bất hợp lý, phải sửa mà lại yêu cầu thực hiện nghiêm luật này thì rõ ràng là Kế hoạch lại “làm khó” nền kinh tế khi hậu quả của những bất cập trong Luật Ngân sách tiếp tục được duy trì và bộc lộ ra.
Về yêu cầu (nhiệm vụ) kiên quyết xử lý nợ xấu, cho phá sản đối với các ngân hàng yếu kém. Những vấn đề này đã có trong các đề án chuyên ngành của ngành ngân hàng, cũng như trong các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Có lẽ điểm khác biệt ở đây chỉ là có thêm từ “kiên quyết”. Dẫu vậy, để sự khác biệt này có ý nghĩa thì chí ít Kế hoạch này cần phả diễn giải thế nào, ở mức độ nào là “kiên quyết”, ai, thực hiện như thế nào...
Về yêu cầu (nhiệm vụ) hoàn thiện thể chế đầu tư công, đây cũng không phải là điều mới mẻ vì đã được đề cập đến quá nhiều trong các năm qua. Điều khác biệt duy nhất ở Kế hoạch này là yêu cầu: “Đổi mới cơ chế quản lý và phân bổ đầu tư công theo nguyên tắc cạnh tranh, trên cơ sở lĩnh vực ưu tiên đầu tư và các đề xuất dự án tốt, khả thi…” (người viết nhấn mạnh).  Nhưng từ trước đến nay có nhiều dự án được phê duyệt vì được các cơ quan liên đới đánh giá là tốt, khả thi, nhưng rốt cuộc trở thành dự án “đắp chiếu” hoặc thua lỗ triền miên. Điều này chứng tỏ mọi ý đồ, mong muốn vẫn quan trọng ở khâu thực hiện, nên việc đưa thêm yêu cầu này vào trong Kế hoạch tái cơ cấu hiện nay là vừa thừa, vừa thiếu.
Sau cùng, cũng nên dành mấy câu nói về sự lạm dụng cụm từ “tái cơ cấu”. Điều này được thể hiện rõ ở yêu cầu/nhiệm vụ “tái cơ cấu các thị trường nhân tố sản xuất quan trọng bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường nhân lực, và thị trường khoa học công nghệ” mà Kế hoạch này đặt ra phải thực hiện ngay trong giai đoạn 2017-2018. Có lẽ không mấy người hiểu rõ thế nào là tái cơ cấu thị trường quyền sử dụng đất, thị trường nhân lực, và thị trường khoa học công nghệ. Phải chăng Kế hoạch này muốn nói đến các thay đổi cần thiết trong việc sang nhượng, mua bán quyền sử dụng đất để tạo thuận lợi cho việc tích tụ đất đai trong nông nghiệp? Về tái cơ cấu thị trường nhân lực, phải chăng Kế hoạch muốn nói đến việc giảm bớt tỷ trọng nhân lực trong khu vực kinh tế nhà nước? Về tái cơ cấu thị trường khoa học công nghệ, phải chăng ý muốn nói là tăng vai trò của khu vực tư nhân trong nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ? Nếu đúng vậy thì sao không dùng những cách diễn giải đơn giản như thế này, tránh gây hiểu lầm? Nếu không phải, vậy thì Kế hoạch này cũng phải được viết lại cho rõ ràng, dễ hiểu, vì đơn giản là để cho người đọc hiểu cũng chưa đạt được thì khó nói đến chuyện hiện thực hóa nó thành công. 

 

    

Sunday 30 October 2016

Xã hội chung tay xử lý nợ xấu: Phải rạch ròi, chuyện nào ra chuyện đó! (Bài đăng trên CafeF, 30/10/2016, bản gốc)

http://cafef.vn/xa-hoi-chung-tay-xu-ly-no-xau-phai-rach-roi-chuyen-nao-ra-chuyen-do-20161030165024287.chn

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, cho rằng cần có cái nhìn khách quan về nợ xấu. Nợ xấu không phải là do một mình hệ thống ngân hàng gây ra mà ngân hàng chỉ là một trong những nguyên nhân. Nợ xấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế vì vậy cần cả xã hội chung tay xử lý nợ xấu trên tinh thần công khai, minh bạch.

Ông Hùng đã nói đúng rằng ngân hàng chỉ là một trong những nguyên nhân gây ra nợ xấu. Có những nguyên nhân khác như Chính phủ bảo lãnh cho vay hoặc Chính phủ chỉ đạo ngân hàng thương mại cho vay một doanh nghiệp nào đó, phần nhiều là doanh nghiệp nhà nước, để rồi doanh nghiệp đó mất khả năng trả nợ nhưng Chính phủ không chi trả khoản nợ của doanh nghiệp với ngân hàng. Có cả nguyên nhân như một số doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để thực hiện các hợp đồng với Chính phủ nhưng vì lý do nào đó Chính phủ không thanh toán các hợp đồng nên đẩy doanh nghiệp vào đường cùng, mất khả năng trả nợ...
Trong những trường hợp vì một lý do khách quan như trên thì đúng là ngân hàng là một nạn nhân nhiều hơn là một tội đồ gây ra nợ xấu. Cách thức giải quyết nợ xấu trong những trường hợp này đương nhiên không phải là trông chờ, phó mặc cho ngân hàng tự loay hoay với đống nợ xấu do người khác để lại, mà phải là có sự chung tay, có sự chịu trách nhiệm của bên liên đới. Nếu ngân sách, và tức là tiền của dân, phải bỏ ra để đền bù trong những trường hợp này thì cũng là điều tất yếu và công bằng. Nhưng nếu đã đến mức độ này rồi thì phải quy trách nhiệm cho những ai đã tạo ra những lý do “khách quan” như vậy, chứ không thể để xảy ra tình trạng tiền dân là tiền “chùa”, muốn phá thế nào thì phá.

Trong những trường hợp còn lại, mà phần nhiều là lý do chủ quan, từ phía ngân hàng, thì đương nhiên trách nhiệm giải quyết nợ xấu phải là của ngân hàng. Kể cả trong trường hợp mà nhiều người hay viện dẫn “kinh tế khó khăn” làm nhiều doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, mất khả năng thanh toán thì đó cũng không phải là lỗi/lý do khách quan mà vẫn là lỗi của ngân hàng khi đã không tỉnh táo xem xét trước khi cho vay. Đặt một câu hỏi đơn giản, tại sao các ngân hàng khác không bị “vướng” vào những doanh nghiệp đóng cửa, phá sản này mà chỉ có một (số) ngân hàng cụ thể? Kinh tế thị trường đòi hỏi mọi chủ thể phải tự chịu trách nhiệm với các quyết định kinh doanh của mình mà khó có thể đổ lỗi cho ai khác, trừ những trường hợp thật sự khách quan như nói ở trên.
Chuyển sang vấn đề xã hội chung tay để giải quyết nợ xấu như ông Hùng kêu gọi. Như đã nói, trừ những trường hợp Chính phủ liên quan trực tiếp và là nguyên nhân gây ra nợ xấu thì cần thiết phải dùng ngân sách để đền bù cho ngân hàng. Xử lý nợ xấu trong những trường hợp này chỉ đơn giản là vậy, chẳng có gì phải vòng vo, phức tạp, cơ chế nọ kia.

Các trường hợp còn lại, sự chung tay của xã hội, nếu có, chỉ là sự cùng nhau thúc đẩy, giải quyết những điểm nghẽn trong xử lý nợ xấu, mà phần nhiều bằng cơ chế, đúng như một chuyên gia nào đó đã nói, chứ không phải là bằng việc kêu gọi, đòi hỏi ngân sách nhà nước (hoặc nói một cách bí hiểm hơn là “nguồn lực nhà nước”) phải chi tiền ra như một số người đang hào hứng kêu gọi.
Bởi, như đã nói đến đôi lần, trong cơ chế hiện tại, dù có muốn dùng ngân sách để xử lý nợ xấu theo đề xuất của một số người, kiểu như mua nợ xấu bằng tiền thật, theo giá thị trường v.v… thì nợ xấu mua về chắc chắn vẫn sẽ chỉ nằm ùn tắc thêm ở VAMC mà không thể thoát đi đâu được vì bản thân VAMC bây giờ cũng đang lúng túng với đống nợ xấu mà họ đang nắm với những lý do mà ông Hùng đã vạch ra cặn kẽ.

Trong khi đó, sự khai thông về cơ chế, chẳng hạn cho phép mua bán nợ với bên thứ ba, tạo thuận lợi cho việc thu giữ, phát mãi tài sản thế chấp v.v… chắc chắn không những sẽ thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu mà còn mang lại tính hiệu quả cao vì là xử lý theo cơ chế thị trường. Mà cũng lạ, chuyện hiển nhiên như vậy, ngay cả người trong cuộc đã khẩn thiết kêu gọi như vậy mà dường như không ai nhận thấy, muốn xắn tay vào cùng nhau giải quyết, thay vào đó lại chỉ nhăm nhăm kêu gọi ngân sách phải bỏ tiền ra mua lại hết nợ xấu của ngân hàng, để giúp ngân hàng “vượt khó, thoát nghèo”!

Đến đây, có một điều rất quan trọng cần phải lưu ý. Đó là lời kêu gọi tạo những cơ chế thuận lợi riêng cho VAMC với lý do là không thế thì không thúc đẩy được quá trình xử lý nợ xấu. Điều này chỉ đúng một nửa. Vì VAMC về bản chất cũng chỉ là một AMC (tổ chức xử lý nợ của ngân hàng thương mại), cùng có mục đích là xử lý nợ (xấu) trong hệ thống ngân hàng, nên tại sao chỉ tạo cơ chế riêng cho VAMC mà không mở rộng cơ chế này cho cả các AMC của các ngân hàng thương mại khác? Nếu chỉ tạo cơ chế riêng cho VAMC thì có khác gì vẫn buộc nút việc xử lý nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng?
Hơn nữa, cũng không khó để nhìn thấy trước kết cục trong tương lai gần, VAMC sẽ lại tiếp tục “ca” bài “nguồn lực hạn chế về con người và mạng lưới hoạt động, trong khi số lượng khoản nợ VAMC mua rất lớn… nên VAMC chưa thể trực tiếp quản lý… việc tổ chức thực hiện xử lý tài sản để thu hồi nợ kém hiệu quả” mà ông Hùng đang trần tình trước thiên hạ. Lúc đó, có lẽ VAMC muốn và sẽ trở thành một “siêu tổ chức” độc quyền trong chuyện giải quyết nợ xấu, còn các AMC khác vẫn mãi chỉ là để làm cảnh, nên tốt nhất là dẹp đi cho đỡ tốn kém.

Tóm lại, xã hội chung tay xử lý nợ xấu là việc cần làm nhưng sự chung tay này phải có giới hạn, có lựa chọn việc cần và có thể cùng nhau làm. Xã hội chung tay xử lý nợ xấu tuyệt đối không luôn đồng nghĩa với ngân sách, và tức là người dân phải bỏ tiền ra để cứu trợ ngân hang.

Tuesday 25 October 2016

Xử lý nợ xấu: Rốt cuộc có dùng ngân sách nhà nước hay không? (Bài không được báo đăng vì nhạy cảm)

Theo dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đưa ra hồi tháng 8 năm nay thì Bộ này đã đề xuất dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính được giao soạn thảo đề án nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước để xử lý một phần nợ xấu , dự kiến trình Quốc hội thông qua.

Đề xuất dùng ngân sách xử lý nợ xấu này đã nhận được nhiều ý kiến phản biện không đồng tình bởi nợ xấu là do ngân hàng gây ra nên không thể lấy tiền thuế của dân để xử lý nợ xấu, và bởi chưa giải thích được rõ ràng tại sao phải dùng ngân sách nhà nước để xử lý trong khi các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn đang trích lập dự phòng và bán nợ xấu vẫn được Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua và trả bằng trái phiếu đặc biệt có thể chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Có thể vì thế nên trong kế hoạch tái cơ cấu chính thức trình Quốc hội, việc xử lý nợ xấu bằng ngân sách nhà nước đã được sửa thành “nguồn lực nhà nước nhất định” để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, “nguồn lực nhà nước nhất định” là cái gì thì lại là một điều không được cắt nghĩa rõ ràng, tiếp tục gây thắc mắc trong dư luận về chuyện có dùng ngân sách để xử lý nợ xấu hay không.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi một lãnh đạo cao cấp của Chính phủ gần đây lý giải rằng: “Chúng ta đừng lẫn lộn hai khái niệm ngân sách nhà nước và nguồn lực nhà nước. Thực tế là từ trước đến giờ và có lẽ sau này cũng vậy, chúng ta rất cân nhắc chuyện sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém”. Cứ chiểu theo lý giải này thì ít có khả năng và trường hợp ngân sách nhà nước sẽ được dùng để xử lý nợ xấu.
Nhưng mặt khác, vị này lại nói rằng: “Thực tế hiện nay chúng ta đang dùng nguồn lực nhà nước rồi, khi một tổ chức tín dụng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Tức là nếu cho phép ngân hàng trích lập 100 đồng vào chỗ này thì ngân sách đóng 25 đồng rồi, bởi vì không cho trích lập thì nhà nước thu được 25 đồng (thuế thu nhập doanh nghiệp). Rồi khi nhà nước cho VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt thì có nghĩa là dùng ngân sách nhà nước rồi, bởi nếu cho vay thông thường thì lãi suất 7-8%, còn tái cấp vốn chỉ 3%. Cho nên đừng nghĩ chỉ dùng kỹ thuật là xử lý được nợ xấu. Lần này chúng ta khẳng định rằng có thể sử dụng nguồn lực của nhà nước lớn hơn để xử lý nợ xấu”.
Như vậy, có thể thấy trong phần giải thích trên, không những nguồn lực nhà nước với ngân sách nhà nước được dùng lẫn lộn với nhau, dường như được coi đồng nghĩa với nhau, mà có thể hiểu rằng bấy lâu nay chúng ta đã dùng ngân sách để xử lý nợ xấu rồi thì (và cứ thế) sẽ tiếp tục sử dụng ở mức độ lớn hơn để xử lý nợ xấu.
Quan trọng hơn, trong lời giải thích trên đã có sự nhầm lẫn. Cho phép trích lập dự phòng đúng là sẽ làm giảm lãi của ngân hàng, từ đó làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước. Nhưng không thể tính theo kiểu “đếm cua trong lỗ” như vậy được vì trích lập dự phòng nợ xấu là một bút toán kế toán bắt buộc, như với bất cứ một loại chi phí hoạt động nào khác của doanh nghiệp, và phần chênh lệch cuối cùng giữa thu và chi mới được coi là lợi nhuận và mới bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Ở đây không có chuyện nhà nước “tự nguyện” giảm trừ thuế cho doanh nghiệp, làm giảm thu ngân sách.
Về chuyện VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt cho TCTD để chiết khấu (hoặc “tái cấp vốn”, theo cách dùng từ của vị này) tại NHNN với lãi suất tái chiết khấu 3%. Cho vay tái chiết khấu hay tái cấp vốn từ NHNN là một nghiệp vụ hàng ngày của NHNN và nguồn tiền cho vay là từ sự tạo tiền của NHNN (nôm na là NHNN in tiền), do đó không thể coi nguồn tiền này là từ ngân sách nhà nước hoặc ngân sách nhà nước đã chịu thiệt vì NHNN đã cho vay tái cấp vốn hay tái chiết khấu. Để dễ hiểu hơn, chỉ cần biết rằng cung tiền (tạo tiền) của NHNN (hàng năm) không bao giờ, không được phép coi là nguồn thu (tiềm năng) của ngân sách nhà nước, tuy đúng là ngân sách nhà nước đôi lúc có thể vay trực tiếp tiền tạo ra từ NHNN như khoản vay 30.000 tỷ đồng hồi năm 2015.
Từ phân tích trên, có thể khẳng định rằng hầu như chúng ta chưa bao giờ dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Nếu coi các khoản tiền mà NHNN bỏ ra liên quan đến xử lý nợ xấu (như mua và tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng, tái chiết khấu trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, tái cấp vốn cho các ngân hàng tạm thời thiếu hụt thanh khoản vì nợ xấu lớn…) là các nguồn lực nhà nước thì đúng là nợ xấu đã được xử lý một phần bởi nguồn lực nhà nước, nhưng đó vẫn không phải là ngân sách nhà nước.
Tuy vậy, cũng cần phải thừa nhận, chấp nhận một số trường hợp ngân sách nhà nước sẽ phải được sử dụng để xử lý nợ xấu. Ví dụ, ngân sách sẽ phải chi trả để xóa các món nợ xấu tại các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước như Vinashin, vay dưới sự bảo lãnh hay chỉ định cho vay của Chính phủ, thông qua NHNN. Đây là các khoản cho vay biến thành nợ xấu không hoàn toàn do lỗi của ngân hàng nên cần thiết thì ngân sách phải bỏ ra để trả lại cho ngân hàng.
Tóm lại, hiện tại vấn đề có dùng ngân sách để xử lý nợ xấu hay không và, nếu có, thì tại sao phải dùng, vẫn chưa được làm rõ. Thiết nghĩ, Chính phủ cần phải có một câu trả lời chính thức và đầy đủ về vấn đề này để làm yên lòng công luận.

Friday 21 October 2016

Dùng ngân sách để xử lý nợ xấu là chưa thỏa đáng (Bài đăng trên TBKTSG, bản gốc, 21/10/2016)

http://www.thesaigontimes.vn/152820/Dung-ngan-sach-de-xu-ly-no-xau-la-chua-thoa-dang.html

Tại “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 trong giai đoạn mới: thách thức tái cơ cấu và triển vọng”, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đưa ra một số lập luận về chuyện cần thiết phải dùng ngân sách để xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Trong bài này, xin được phản biện một số lập luận này của ông Phước để những cơ quan có thẩm quyền có cái nhìn đúng đắn hơn về chuyện xử lý nợ xấu bằng ngân sách.
Trước tiên, về “quan điểm”, theo cách đặt vấn đề của ông Phước, rất đồng ý với ông về quan điểm rằng phải giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, không vì quyền lợi của một vài cổ đông, một vài ngân hàng mà là vì nền kinh tế nói chung. Và cũng đồng ý với ông rằng muốn tái cơ cấu (xử lý) nợ xấu thì không thể để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đơn thường độc mã.
Tuy nhiên, từ quan điểm trên không thể suy ra ngay rằng muốn xử lý nợ xấu (hiệu quả) thì phải dùng ngân sách nhà nước, vì hai vấn đề này không nhất thiết phải dính dáng, quan hệ với nhau. Không thấy ông Phước trình bày về mối quan hệ này, ngoài một “tiết lộ” về con số 12,5% GDP là nguồn lực tham gia giải quyết nợ xấu trong 5 năm qua, và chi tiết rằng “cả hệ thống chính trị vào cuộc (xử lý nợ xấu)”. Những con số và chi tiết này thực ra cũng hoàn toàn không nói lên điều gì liên quan đến câu hỏi tại sao  phải dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.
Không rõ con số 12,5% GDP nguồn lực giải quyết nợ xấu mà ông Phước nêu ra cụ thể là gồm những khoản chi tiêu nào, ai chi, cho ai và vào đâu. Tuy vậy, cứ suy từ diễn biến xử lý nợ xấu bấy lâu nay dư luận đã được biết thì nguồn lực này có thể bao gồm số tiền NHNN bỏ ra cho các ngân hàng yếu kém, 0 đồng vay dưới dạng cho vay tái cấp vốn để xử ý nợ xấu. Nhưng số tiền này của NHNN không phải là tiền từ ngân sách (mà từ tạo tiền, một nghiệp vụ thông thường của NHNN) nên không thể nói ngân sách đang được dùng để xử lý nợ xấu.
Hoặc nguồn lực trên cũng bao gồm số vốn VAMC đã bỏ ra dưới dạng trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu từ các ngân hàng. Nhưng trái phiếu VAMC cũng không phải là vốn từ ngân sách (lưu ý rằng 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ cấp cho VAMC hoạt động vẫn chưa được dùng đến một đồng nào, theo người đứng đầu VAMC cho biết). Bởi vậy, cũng không thể nói ngân sách đang được dùng để xử lý nợ xấu.

Quan trọng hơn, dù cho nguồn lực trên có được lấy ra từ ngân sách một cách bí mật, lén lút (vì chưa bao giờ được báo cáo công khai, trước Quốc hội) để dùng vào một việc nào đó liên quan đến nợ xấu  thì, theo nguyên tắc, không phải là cái cớ để kêu gọi tiếp tục và công khai, hợp pháp hóa cách làm này, trừ khi những người đứng đằng sau những hành động bí mật này công khai đứng ra nói rõ cách làm, sự cần thiết và lợi ích mang lại của nó cho nền kinh tế nói chung.
Như vậy, về quan điểm, ở đây rõ ràng chuyện tại sao phải dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu vẫn chưa (bao giờ) được những người kêu gọi dùng ngân sách xử lý nợ xấu như ông Phước giải đáp rõ ràng, thỏa đáng. Mà một khi đã vậy thì không thể yêu cầu dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu!

Chuyển sang vấn đề “kỹ thuật”, cũng theo cách nói của ông Phước. Theo ông Phước, để xử lý nợ xấu thì cần 25 tỉ đô la Mỹ trong 5 năm tới. Con số này bao gồm 10 tỉ đô la Mỹ để xử lý số nợ mà VAMC đã mua, 15 tỉ đô la Mỹ còn lại sẽ được các ngân hàng tự thực hiện bao gồm việc bán các tài sản, trích lập dự phòng cấn nợ trừ nợ… đồng thời cần thiết lập thị trường mua bán nợ thực sự.
Các thông tin ông Phước đưa ra như ở trên không giúp ích gì trong việc thuyết phục công luận rằng cần thiết phải rót tiền thật để xử lý nợ xấu (chưa nói đến chuyện tiền thật này phải từ ngân sách). Chẳng hạn, “xử lý số nợ mà VAMC đã mua” là xử lý kiểu gì? Phải chăng là VAMC dùng số tiền 10 tỉ đô la Mỹ này để chi trả các ngân hàng thương mại đã bán nợ xấu cho mình thay vì dùng trái phiếu đặc biệt?

Nếu đúng vậy. Vì nợ xấu đang “mắc kẹt” tại VAMC, chưa biết ngày nào mới xử lý và thu hồi được bao nhiêu trong số nợ đang ôm này, nên nếu VAMC, và thực chất là Nhà nước, cứ “mạnh dạn” chi trả ngay cho các ngân hàng có nợ xấu bằng tiền thật thì có khác gì “thả gà ra đuổi”? Tại sao lại phải hào phóng với các ngân hàng một cách vô nguyên tắc như thế?
Nếu nói rằng cần phải dùng tiền thật để khơi thông những trở ngại về pháp lý và cơ sở hạ tầng (ví dụ, sự thiếu vắng thị trường mua bán nợ) đang ngăn cản VAMC xử lý nợ xấu thì còn có đôi phần có lý. Nhưng chi phí này không thể nào lên đến 10 tỉ đô la Mỹ, mà quá lắm thì cũng chỉ (được phép) là một phần nhỏ trong con số này mà thôi.

Về khoản 15 tỉ đô la Mỹ còn lại dành cho các ngân hàng tự thực hiện (việc xử lý nợ xấu), đề xuất này cũng không rõ ràng và hợp lý. Chẳng hạn, tại sao việc bán các tài sản tại các ngân hàng lại cần (ngân sách) phải rót thêm tiền vào? Nếu cho rằng doanh thu từ bán tài sản không đủ bù đắp chi phí bỏ ra để bán tài sản đó thì tốt nhất đừng tìm cách bán nữa, và ngân sách chẳng cần phải bỏ ra một đồng nào để hỗ trợ cả. Hơn nữa, nguyên tắc nào cho phép dùng ngân sách để hỗ trợ (cho vay) ngân hàng trong việc bán tài sản thế chấp?
Còn nếu nói rằng khoản tiền 15 tỉ này giúp ngân hàng trích lập dự phòng, cấn nợ, trừ nợ... thì cũng vừa vô lý, vừa vô nguyên tắc. Các ngân hàng hiện đang hoạt động hoàn toàn có thể huy động vốn từ phát hành cổ phiếu, tăng mức đóng góp của cổ đông và/hoặc dùng vốn huy động để trích lập dự phòng, thực hiện các nghĩa vụ trả nợ. Nếu cho rằng một số ngân hàng không thể phát hành cổ phiếu hay tăng mức đóng góp của cổ đông vì đã... không thể làm được nữa thì điều này chứng tỏ sức khỏe của ngân hàng rất có vấn đề và NHNN lúc này buộc phải nhảy vào can thiệp, nếu thấy cần thiết thì cho vay tái cấp vốn như với các ngân hàng 0 đồng, tức là cũng vẫn chẳng cần đến vốn từ ngân sách.

Về đề xuất phát hành trái phiếu đặc biệt để huy động vốn trong dân xử lý nợ xấu. Trái phiếu loại này muốn bán được thì phải có bảo lãnh của Chính phủ vì người mua tiềm năng không muốn phải chứng kiến cảnh “thả gà ra đuổi”. Mà như vậy thì không khác gì việc Chính phủ phát hành trái phiếu thu tiền về cho ngân sách rồi từ ngân sách rót vào các ngân hàng.
Ngoài ra, nếu phải phát hành trái phiếu đặc biệt để huy động vốn xử lý nợ xấu thì tại sao không để các ngân hàng tự phát hành trái phiếu hay tăng cường huy động tiền gửi trong dân? Nếu cho rằng các ngân hàng không làm được việc này mà cần phải có bàn tay can thiệp của nhà nước (Chính phủ bảo lãnh phát hành) thì lại quay trở lại vấn đề cần có sự can thiệp của NHNN như nói ở trên. Hơn nữa, chẳng có nguyên tắc nào cho phép Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu vì lợi ích riêng của ngân hàng, cho dù dưới chiêu bài xử lý nợ xấu vì quyền lợi chung của nền kinh tế. 

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).