Thursday 26 October 2017

Cần nhiều hơn chuyện kê khai tài sản (Bài đăng trên VnExpress, 26/10/2017, bản gốc)

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/ke-ma-khong-khai-3661087.html

(Lưu ý: Bài trên VnExpress là bản do báo tự biên tập lại, kể cả tiêu đề. Tớ đọc mà chỉ thấy nhang nhác giống bài của mình viết).

Chính phủ đã đưa ra lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trong dự thảo luật này, một trong những điểm then chốt được bổ sung là chuyện kê khai tài sản, thu nhập và và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Dự thảo luật cũng đưa ra một số phương án lựa chọn liên quan đến một số điểm mới được bổ sung như: (1) cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; (2) đối tượng kê khai tài sản, thu nhập; (3) công khai bản kê tài sản, thu nhập; và (4) trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Những nhà làm luật và ngay cả dư luận kỳ vọng rằng khi Dự thảo luận được thông qua, dù với phương án nào trong số những phương án nêu trên thì đây sẽ là một công cụ pháp lý hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, nếu nó được thực thi nghiêm túc.

Nhưng tất cả nằm ở chữ “nếu”!

Thẳng thắn ra mà nói, các luật phòng chống tham nhũng trước đây và hiện tại, ví dụ như Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống, tham nhũng ban hành tháng 11 năm 2012 cũng đã bổ sung khá đầy đủ các điều xoay quanh vấn đề kê khai tài sản, thu nhập, và công khai bản kê khai tài sản, không thiếu nhiều (những điều quan trọng) so với Dự thảo luật nói trên.

Và kết quả thực hiện các luật này như thế nào thì là điều đã rõ hiện nay.

Người ta vẫn tránh né kê khai hoặc kê khai gian dối tài sản, thu nhập.

Người ta vẫn tránh né việc công khai hoặc công khai nửa vời (không đúng quy định) bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ công khai.

Người ta vẫn lấp liếm, bao che hoặc thực hiện thanh tra xác minh tài sản hời hợt, chiếu lệ.

Người ta vẫn tránh né xử lý những người vi phạm hoặc xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”.


Và, quan trọng hơn, người ta vẫn hầu như bình yên vô sự sau tất cả những “sóng gió” xảy ra. Để rồi phòng, chống tham nhũng từ bao năm nay vẫn chỉ chủ yếu dừng lại ở mức quyết tâm, mang tính khẩu hiệu là nhiều.

Vậy thì nguyên nhân của tình trạng tham nhũng, lợi dụng chức quyền trục lợi tràn lan hiện nay nhất định không phải là do luật thiếu hay yếu. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung luật sẽ không có mấy ý nghĩa, tác dụng thực tế nếu chỉ coi gốc rễ của vấn đề là do luật.

Để việc phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, song song với việc hoàn thiện pháp luật, điều quan trọng hơn là phải dần làm chuyển biến Việt Nam thành một quốc gia không khoan nhượng với tham nhũng theo tinh thần của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu truyền lại cho Singapore, biến nước này thành một trong những quốc gia trong sạch, ít tham nhũng nhất thế giới (đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng mức độ tham nhũng của tổ chức Minh bạch Quốc tế, Transparency International, năm 2016). Nói cách khác, cần phải làm thay đổi quan niệm phổ biến trong xã hội rằng tham nhũng là tất yếu, mặc dù tham nhũng có thể là một hiện thực của cuộc sống vì tham nhũng được sinh ra bởi lòng tham, một trong những thuộc tính của con người.

Kinh nghiệm thành công trong phòng, chống tham nhũng của Singapore cho thấy không thể thiếu ý chí chính trị và sự lãnh đạo mạnh mẽ, cũng như một văn hóa “nói không” với tham nhũng của dân chúng và quan chức nước này.

Thái độ cứng rắn của các nhà lãnh đạo đối với tham nhũng cũng cần phải có công cụ để hiện thực hóa. Có thể nói một yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của Singapore trong công cuộc chống tham nhũng là sự hình thành và hoạt động của Cục Điều tra tham nhũng (CPIB), một tổ chức có quyền lực rất lớn trong cả khởi tố lẫn phòng ngừa tham nhũng và có sự độc lập cao độ trong các hoạt động của mình với mọi ảnh hưởng chính trị.

Cách thức hoạt động của CPIB cũng không có gì là bí hiểm hay đặc biệt và “khác người”, thậm chí là ngược lại. Họ đánh giá cao vào giá trị của và, vì thế, dựa nhiều vào thông tin tố giác của dân chúng. Đến đây, văn hóa “nói không” với tham nhũng của người dân Singapore lại cộng hưởng mạnh mẽ với nỗ lực phát huy sức mạnh của dân chúng của CPIB. Cơ quan này thành lập ra các trung tâm và kênh tiếp nhận thông tin tố giác thuận tiện cho dân chúng tiếp cận. Phần lớn các cuộc điều tra tham nhũng của CPIB bắt nguồn từ những tin tức tố giác này.

Hiển nhiên là “dao sắc không gọt được chuôi”. Không hiếm trường hợp trên thế giới mà tham nhũng tồn tại ngay trong cơ quan phòng, chống tham nhũng. Bởi vậy, cần một cơ chế tuyển chọn và đãi ngộ đặc biệt cho cơ quan này nhằm hạn chế tối đa tham nhũng ở đó, biến nó thành nơi không thể tham nhũng.

Với người dân Singapore, không phải tự nhiên mà họ có được tinh thần bài trừ tham nhũng cao như vậy. Kết quả xử lý tham nhũng hữu hiệu của chính quyền, không có trường hợp ngoại trừ, “vùng cấm”, là một nguồn dinh dưỡng tiếp sức mạnh mẽ cho tinh thần này. Chính quyền và CPIB cũng thường xuyên tiến hành các cuộc nói chuyện, tuyên truyền cho dân chúng qua các triển lãm, sự kiện, để lan rộng tinh thần chống tham nhũng ra khắp cộng đồng.

Bởi vậy, thiết nghĩ một thực đơn phòng, chống tham nhũng hữu hiệu đã có sẵn. Có chăng chỉ là người ta muốn và sẽ thực hiện (được) đến đâu mà thôi.

Xử lý nợ xấu vẫn sẽ gian nan! (Bài đăng trên TBKTSG, 26/10/2017, bản gốc)

http://www.thesaigontimes.vn/165958/Xu-ly-no-xau-van-se-gian-nan.html

Bộ Tài chính vừa thông qua Quyết định 2071/QĐ-BTC về việc ban hành kế hoạch hành động triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”. Trong quyết định này có một số điểm đáng chú ý, liên quan đến tiến trình và kết quả xử lý nợ xấu.

Đã có sự bóc tách cụ thể hơn về nợ xấu

Từ trước cho đến nay, người ta hầu như vẫn chỉ hiểu, được làm cho hiểu rằng nợ xấu chủ yếu là vấn đề của ngành ngân hàng, do các ngân hàng chịu trách nhiệm (và gánh tổn thất) là chính. Hầu như không có một văn bản pháp luật chính thức nào đề cập đến phần nợ xấu bị gây ra bởi sự liên quan, dính líu của các cấp đảng, chính quyền và các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, Quyết định 2071 đã đề cập (một cách gián tiếp) đến những khoản nợ xấu theo dạng này.

Cụ thể, Bộ Tài chính có các trách nhiệm sau:

Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ quy định của pháp luật nghiên cứu xây dựng phương án và lộ trình bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trung ương, địa phương, trình cấp có thẩm quyền quyết định để tổ chức thực hiện.”

“Căn cứ quy định của pháp luật, nghiên cứu, xây dựng lộ trình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án, nguồn xử lý các khoản nợ xấu từ hoạt động cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam.”

“Căn cứ quy định của pháp luật, đánh giá, nghiên cứu phương án, lộ trình và bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến khoản nợ Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Và “Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành, các cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan, tổ chức tín dụng liên quan xây dựng phương án xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước.”

Như vậy, một phần trong khối nợ xấu hiện nay của ngành ngân hàng đã được thừa nhận một cách gián tiếp là do nhà nước, chính quyền gây ra và/hoặc có trách nhiệm xử lý. Những khoản nợ xấu thuộc loại này gồm: (1) nợ xấu do hoặc liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản (do doanh nghiệp/ngân hàng không được giải ngân vốn ngân sách đầy đủ, đúng tiến độ?); (2) nợ xấu do cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (chỉ định nhưng không cấp nguồn lực, làm cho các ngân hàng đã giải ngân phải “chịu trận” khi con nợ mất khả năng chi trả?); (3) nợ xấu từ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh (nhưng Chính phủ chưa thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh?); và (4) nợ xấu do doanh nghiệp nhà nước gây ra (có thể gồm các khoản vay theo chỉ định; các ngân hàng không thể làm gì được vì ông chủ các doanh nghiệp này là nhà nước).

Vi phạm hay không vi phạm Nghị quyết Quốc hội?

Sự bóc tách nợ xấu như trên về mặt nào đó có thể nói là một bước tiến đáng khích lệ trong công cuộc xử lý nợ xấu, với sự “vào cuộc” thông qua những nghĩa vụ và trách nhiệm cụ thể của nhà nước, của chính quyền các cấp, chứ không còn bị bỏ mặc cho ngành ngân hàng loay hoay tự xử lý như trước nữa. Tuy nhiên, đến đây lại phát sinh ra vấn đề liên quan.

Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua hồi tháng 6 có nêu rõ quyết nghị “không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.” Trong khi đó, theo Quyết định 2071 nói trên, Chính phủ có trách nhiệm bố trí nguồn (lực) xử lý các khoản nợ xấu thuộc trách nhiệm của mình. 

Ở đây chỉ có hai khả năng. Một là Chính phủ buộc phải dùng ngân sách nhà nước để thực hiện các nghĩa vụ của mình liên quan đến các khoản nợ xấu nói trên. Và điều này rõ ràng là vi phạm Nghị quyết 42. Phải chăng (Chính phủ biết rằng) Quốc hội sẽ (buộc phải) “châm trước”, bỏ qua sự vi phạm này, hoặc Quốc hội sẽ sớm ra một nghị quyết sửa đổi để gỡ vướng cho Chính phủ (và bản thân Quốc hội cũng đến lúc phải thẳng thắn thừa nhận vấn đề này)?

Khả năng thứ hai là Chính phủ sẽ phải tìm một nguồn lực, nguồn kinh phí nào đó không thuộc ngân sách. Về danh nghĩa, nguồn lực như vậy chỉ có thể đến từ một bên thứ ba, nhưng thường chỉ có được khi có sự liên đới về trách nhiệm của Chính phủ, ví dụ bảo lãnh, cam kết… Mà như vậy thì cũng vẫn là dùng ngân sách nhà nước vì không thể có khả năng 100% rằng những khoản tài chính dưới sự bảo lãnh, cam kết của Chính phủ sẽ được thu hồi hoàn toàn.

Trên hết, dù khả năng nào xảy ra chăng nữa thì vẫn thấy rõ một điều rằng việc thu xếp các nguồn tài chính để xử lý các khoản nợ xấu thuộc trách nhiệm của Chính phủ sẽ không hề dễ dàng, suôn sẻ. Một khi “danh” đã không “chính” thì “ngôn” sẽ chẳng “thuận”. Sẽ phải mất nhiều thời gian để giải quyết vướng mắc pháp lý giữa Quốc hội, Chính phủ, chủ nợ, các chủ thể liên quan và dư luận.

Gánh nặng tài chính ngày càng… quá nặng!

Một điểm đáng chú ý khác trong Quyết định 2071 là Bộ Tài chính có trách nhiệm “Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II…”

Trách nhiệm trên đồng nghĩa với áp lực thu chi ngân sách ngày càng lớn. Trước đây, Chính phủ còn trông vào cổ tức của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như một nguồn thu bổ sung cho ngân sách cạn kiệt. Nhưng, với quy định này và những quy định liên quan khác, không những nguồn thu cổ tức này coi như không còn, ít nhất cho đến năm 2020, mà thậm chí ngược lại, Chính phủ phải trích ngân sách để bổ sung vốn cho các ngân hàng này.

Ngoài ra, hiện nay nhà nước còn là chủ sở hữu của 3 ngân hàng “0 đồng” mua bắt buộc từ 2 năm trước, hiện đang trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu trầm trọng lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Chỉ riêng việc tái cấp vốn cho các ngân hàng này để phục hồi mức vốn điều lệ như quy định hiện hành cũng đã là một gánh nặng quá lớn, quá khó cho ngân sách. Nếu phải tuân theo tiêu chuẩn vốn của Basel II ở mức cao hơn nữa thì không khó để hình dung ngân sách sẽ căng thẳng đến mức nào, trừ khi 3 ngân hàng này tiếp tục được “để ngoài” phạm vi chế tài của các luật hiện hành như hiện tại. Nhưng nếu làm như vậy thì không biết bao giờ 3 ngân hàng này mới thoát khỏi được trạng thái “xác sống” để quay về với đời sống thường nhật?

Điều đáng nói thêm ở đây là căng thẳng ngân sách đương nhiên sẽ càng làm khó tiến trình xử lý nợ xấu, chí ít vì những khoản xử lý nợ xấu cần chi trả từ ngân sách sẽ không được thực hiện hoặc không đúng thời hạn.

Lại nghiên cứu và nghiên cứu…

Việc xử lý nợ xấu đang là việc “nước sôi lửa bỏng” nhưng Bộ Tài chính ít ra thì vẫn chỉ mới (bắt đầu, hy vọng là vậy) nghiên cứu, hoàn thiện, xây dựng một số vấn đề về, ví dụ, hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp, về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ; phương án và lộ trình bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản; phương án, lộ trình và bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến khoản nợ Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh; phương án xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước; hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, và cơ chế tài chính đối với các tổ chức tín dụng yếu kém trong quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.

Lộ trình thực hiện cho những sự nghiên cứu với hoàn thiện nói trên, ngắn thì là đến năm 2018, dài thì đến tận năm 2020. Điều này có nghĩa là việc xử lý nợ xấu hiện tại sẽ tiếp tục là câu chuyện dài tập khi mà cơ chế và khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động và giải pháp xử lý liên quan nói trên, có những cái chỉ (hy vọng là) được hoàn thành, hoàn thiện vào năm 2020.

Tuesday 24 October 2017

Để Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân tồn tại có ý nghĩa (Bài đăng trên TBKTSG, 24/10/2017)

http://www.thesaigontimes.vn/165706/De-Ban-Nghien-cuu-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-ton-tai-co-y-nghia.html

Ngày 3-10-2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ký ban hành Quyết định số 842 thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Ban nghiên cứu) của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính.

Sáu thành viên của ban này là các doanh nhân “có tiếng”, đại diện cho các cơ quan, tổ chức như Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, Hiệp hội tôm Bình Thuận, Hội đồng Tư vấn du lịch, Ban cố vấn Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam và tập đoàn VinaCapital.

Ban nghiên cứu có nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu và tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân gắn với mục tiêu kinh tế quốc gia, chủ động thiết lập bộ máy giúp việc, huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Việc ra quyết định thành lập riêng một ban nghiên cứu về phát triển kinh tế tư nhân không lâu sau khi Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần 2 được cho là thể hiện quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ trong việc đưa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển cũng như nâng cao vai trò, vị thế của khối doanh nghiệp này trong nền kinh tế Việt Nam.


Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ thành lập một ban có chức năng và nhiệm vụ như vậy. Năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó có điều khoản quy định thành lập Hội đồng khuyến khích phát triển DNNVV (Hội đồng). Hội đồng này có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển DNNVV. Các thành viên của hội đồng hoạt động kiêm nhiệm. Thủ tướng Chính phủ quyết định chức năng, nhiệm vụ và thành viên hội đồng theo đề nghị của Chủ tịch hội đồng. Thành phần tham gia hội đồng này, ngoài đại diện các bộ, chính quyền, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên minh Hợp tác xã, còn có đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp.

Năm 2009, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 56 về trợ giúp phát triển DNNVV, trong đó có điều khoản thành lập Hội đồng Khuyến khích phát triển DNNVV có thành phần tham dự cũng na ná như hội đồng của Nghị định 90 nói trên.

Cũng có thể là do thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính nên nếu so với hai Hội đồng khuyến khích phát triển DNNVV trong Nghị định 90 và 56 thì ban nghiên cứu có một số khác biệt như về quy mô (nhỏ hơn), cấp độ (bớt “hoành tráng” hơn, khi không có đại diện các bộ, chính quyền, VCCI và Liên minh Hợp tác xã…), và phạm vi (rộng hơn, bao quát toàn bộ kinh tế tư nhân, không chỉ là DNNVV).

Dù có một số khác biệt nhưng có thể nói không quá rằng ban nghiên cứu này cũng chỉ là một dạng thức (thu nhỏ) của các hội đồng nói trên. Trong bối cảnh không có mấy tin tức và báo cáo về hiệu quả hoạt động và “công trạng” (cũng như hạn chế) của các hội đồng này suốt từ ngày được công bố quyết định thành lập đến nay (và thực ra thì người ta cũng không biết rõ là những hội đồng này đã được thành lập hay chưa và đang hoạt động như thế nào) và trong khi khu vực kinh tế tư nhân, chiếm đa phần bởi DNNVV, vẫn chật vật phát triển với đủ loại rào cản bất chấp tầm quan trọng của chúng trong nền kinh tế đã được chính thức nâng tầm trong các văn kiện và chính sách của quốc gia, thì việc cho ra đời ban nghiên cứu nếu không cẩn thận sẽ lại chỉ như một việc làm cần có, cho có mà thôi.

Vậy để sự ra đời và tồn tại của ban này có ý nghĩa thực sự thì cần những điều kiện gì?

Để trả lời câu hỏi này, xin nói chuyện ngoài lề một chút. Trong một dịp gần đây, tôi đã gặp và nói chuyện với một thành viên của một hội đồng tư vấn cũng mới được thành lập không lâu. Khi đề cập đến nỗi quan ngại về mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao của Chính phủ và đặt câu hỏi về trách nhiệm tư vấn của hội đồng này, vị này trả lời, đại loại, rằng tuy hội đồng này có nhiều thành viên (toàn nhân vật “có tiếng” cả) nhưng thực sự chỉ có một số ít thành viên “nòng cốt”, mang tính chi phối. Quan trọng là quan điểm của các vị này khác biệt với phần còn lại, nên dù có quan ngại thì các thành viên không phải “nòng cốt” cũng chẳng làm được gì.

Điều rút ra từ thực tế trên là sự nổi tiếng hay tính đại diện cao của các thành viên của bất cứ ban bệ, hội đồng tư vấn hay nghiên cứu nào không quan trọng bằng liệu họ có (thống nhất) đưa ra được những phát hiện và kiến nghị có giá trị được công luận mong mỏi, cần phải có hay không.

Đồng thời, việc thành lập các ban, hội đồng nghiên cứu tư vấn cũng phải song hành với việc thiết lập cơ chế hiệu quả để những phát hiện và kiến nghị có giá trị của họ được lắng nghe, chấp nhận và thực thi “đưa vào cuộc sống”. Nếu không, sự tồn tại của các ban và hội đồng này cũng chỉ là hình thức. Và chắc rồi người ta sẽ lại nghe điệp khúc “tại cơ chế” để biện minh cho sự tồn tại mờ nhạt (thực ra chẳng biết là có hay không) và lãng phí của những ban và hội đồng loại này.

Friday 13 October 2017

Thương mại Việt Nam: Sự lên ngôi của Hàn Quốc (Bài đăng trên TBKTSG, 13/10/2017, bản gốc)

http://www.thesaigontimes.vn/165471/Thuong-mai-Viet-Nam-su-len-ngoi-cua-Han-Quoc.html

Theo số liệu cập nhật tình hình xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải Quan đến tháng 9 vừa qua (Bảng 1), nhập siêu từ Hàn Quốc tiếp tục gia tăng mạnh hơn trong năm nay.
Thay đổi về kim ngạch


Bảng 1 cho thấy tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới nói chung và với 3 nước đối tác chính ở châu Á là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc trong thời gian qua. Theo đó, cả xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều tăng vọt trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu tăng 20% đạt 154,3 tỷ đô la (năm 2016 chỉ tăng 9%). Nhập khẩu còn tăng mạnh hơn, với tốc độ 22,7% trong cùng kỳ (so với tốc độ 5,6% năm 2016), đạt gần 154 tỷ đô la (xuất siêu 328 triệu đô la).
Nhìn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với 3 nước đối tác chính ở khu vực thì xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc tiếp tục giữ vững đà tăng mạnh từ 2015, và đạt tốc độ 27,5% trong 9 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu sang Trung Quốc bứt phá ngoạn mục so với năm 2016, đạt tốc độ tăng tới 47,1%. Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu sang Nhật khiêm tốn hơn, ở mức 15,3% so với cùng kỳ năm 2016.


Do xuất khẩu sang Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng áp đảo nên thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục gia tăng, chiếm đến 14,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 9 tháng đầu năm nay so với 12,4% cùng kỳ năm trước. Tiếp đó, thị phần xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng tiếp tục được cải thiện lên 6,9% năm nay so với 6,5% năm trước. Ngược lại, do tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật có tốc độ chậm hơn nên thị phần sang Nhật có xu hướng ngày càng thu hẹp lại, còn 8% trong 9 tháng đầu năm nay so với 9,8% năm 2014.
Về phía nhập khẩu, nhập khẩu từ Hàn Quốc đã có bước nhảy đột biến, tăng trưởng tới 48.6% trong 9 tháng đầu năm so với chỉ 16,4% trong năm trước, đẩy nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc lên tới 23,7 tỷ đô la trong 9 tháng đầu năm nay so với mức nhập siêu 20,7 tỷ đô la năm 2016.


Nhập khẩu từ Trung Quốc và đặc biệt là Nhật tuy cũng tăng trưởng mạnh so với năm trước nhưng kém xa so với tốc độ nhập khẩu từ Hàn Quốc. Do nhập khẩu tăng trưởng chậm hơn xuất khẩu nên nhập siêu với Trung Quốc tụt giảm mạnh còn 19,5 tỷ đô la năm nay so với 28 tỷ năm trước. Trong khi đó, Việt Nam lại xuất siêu sang Nhật trong năm nay từ mức nhập siêu năm trước.
Như vậy, Hàn Quốc chính là nguyên nhân hàng đầu đằng sau tăng trưởng mạnh nhập khẩu của Việt Nam trong năm nay. Và dù thị phần nhập khẩu vẫn thấp hơn Trung Quốc nhưng khoảng cách này đang được thu hẹp rất nhanh.


Thay đổi về cơ cấu nhập khẩu
Vì bài này tập trung vào phân tích chuyện nhập siêu của Việt Nam nên ở phần này ta chỉ xét đến cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam tập trung vào các mặt hàng chính.


3 mặt hàng nhập khẩu chủ chốt của Việt Nam từ thế giới là (1) máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (gọi tắt là điện tử, linh kiện); (2) điện thoại các loại và linh kiện (điện thoại, linh kiện); và (3) máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (máy móc, phụ tùng), như được nêu ở Bảng 2.
Điều đáng chú ý là tỷ trọng của 3 mặt hàng nhập khẩu chính nói trên trong tổng kim ngạch nhập khẩu Việt Nam có xu hướng tăng đều và đáng kể trong mấy năm qua, từ 33,6% năm 2014 lên 41,3% trong 9 tháng đầu năm nay.


3 nước châu Á bạn hàng nhập khẩu chính của Việt Nam chiếm tỷ trọng chi phối trong 3 mặt hàng nhập khẩu chính, đặc biệt là mặt hàng điện thoại và linh kiện. Trong 3 nước này, Hàn Quốc dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng ở cả 3 mặt hàng, và về thị phần ở 1 mặt hàng là điện tử, linh kiện. Nói cách khác, nhập khẩu từ Hàn Quốc đã lấn át, tranh mất thị phần của Trung Quốc và nhất là của Nhật ít nhất là đối với 3 mặt hàng nhập khẩu chủ chốt.
Đánh giá


Điều đầu tiên có thể rút ra từ sự phân tích trên là tuy Việt Nam đều có các Hiệp định thương mại song phương/đa phương (FTA) với 3 nước bạn hàng châu Á nói trên nhưng xem ra FTA của Việt Nam với Hàn Quốc hiện đang phát huy rõ ràng tác dụng nhất, đặc biệt ở khía cạnh tốc độ tăng trưởng nhập khẩu vào Việt Nam từ Hàn Quốc.
Có thể lý giải cho sự tăng trưởng mạnh của Hàn Quốc với tư cách là một trong những bạn hàng thương mại chính (nhất là nhập khẩu) của Việt Nam là nhờ sự đầu tư gia tăng của Hàn Quốc vào Việt Nam như nhiều người đã chỉ ra. Nhưng cũng có thể còn lý do nữa là FTA với Hàn Quốc mới chỉ có hiệu lực từ cuối năm 2015, và thời gian đầu khi có hiệu lực thì thường chứng kiến sự gia tăng các hoạt động đầu tư và thương mại chớp lấy cơ hội mới mở ra. Không loại trừ khả năng xuất nhập khẩu và kể cả đầu tư của Hàn Quốc sẽ tăng trưởng trở lại tốc độ bình thường như các đối tác khác, Trung Quốc hay Nhật sau khi các FTA với họ đã tồn tại được một thời gian.


Thứ hai, có một mối lo ngại thường trực là càng ký nhiều FTA Việt Nam càng có khả năng trở nên thị trường tiêu thụ hàng hóa cho các nước đối tác do năng lực cạnh tranh xuất khẩu còn tương đối yếu, chưa tận dụng được các cơ hội mang lại từ các FTA này. Thực tế thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc cũng đã có sự bứt phá mạnh (cao hơn tăng trưởng xuất khẩu chung). Và nếu nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu trong năm qua và năm nay, dễ thấy là sự tăng lên về nhập khẩu từ Hàn Quốc lại đồng hành với sự sụt giảm nhập khẩu (về thị phần) từ Trung Quốc và Nhật, hoặc từ các nước khác. Nói cách khác, có thể Việt Nam đã tìm được một bạn hàng để xuất khẩu và, đặc biệt là nhập khẩu phù hợp hơn, ít nhất là so với Trung Quốc và Nhật như được thể hiện ở nhóm hàng điện tử, linh kiện, và nhóm hàng máy móc, phụ tùng (Bảng 2). Và điều quan trọng là về tổng thể xuất nhập khẩu thì cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam khá cân bằng trong năm nay (vẫn xuất siêu nhẹ).
Tóm lại, sự lên ngôi của Hàn Quốc và đi kèm là sự thoái vị của Trung Quốc với tư cách là nước gây nhập siêu lớn cho Việt Nam không phải là điềm xấu ít nhất là xét đến thời điểm hiện tại, nhưng cũng không nhất thiết là điểm tốt nếu nhìn từ góc độ “thoát Trung”. Bởi rốt cuộc thì chỉ có thị trường mới quyết định ai sẽ là bạn hàng của ai, về cái gì.





Wednesday 4 October 2017

Đại học phải nghiên cứu (Bài đăng trên VnExpress, 5/10/2017, bản gốc)

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/dai-hoc-phai-nghien-cuu-3651025.html?vn_source=box-GocNhin&vn_medium=ho&vn_campaign=vn

Một nhóm tác giả độc lập (nhóm tác giả) mới đây đã công bố bảng xếp hạng 49 đại học ở Việt Nam. Bảng xếp hạng này đã làm xôn xao dư luận bởi một số trường bấy lâu nay vẫn được coi là hàng đầu thì nay đứng ở hạng trung hoặc hạng bét. Kết quả này, theo giải thích của nhóm tác giả, là do sự hiện diện trên các ấn phẩm khoa học quốc tế của những trường được coi là hàng đầu này lại không cao.
Chuyện chung


Trước tiên, phải nhìn nhận một điều là trọng số của tiêu chí nghiên cứu khoa học (và công bố trên các ấn phẩm khoa học quốc tế) có thể là quá cao – 40%, trong khi số tiêu chí thì ít, chỉ có 3. Nếu so với bộ tiêu chí dùng để xếp hạng các đại học trên thế giới, ví dụ của Times Higher Education với bảng xếp hạng World University Rankings (1), thì thấy các chỉ tiêu và trọng số của nhóm tác giả là quá nghèo nàn và mất cân đối.
Nhưng có một điều đáng chú ý là dù có nhiều chỉ tiêu hơn nhằm đánh giá toàn diện chất lượng các đại học trên thế giới nhưng tổ chức công bố bảng xếp hạng World University Rankings vẫn gán trọng số tới 30% cho nghiên cứu (gồm các chỉ tiêu thành phần là khảo sát danh tiếng của trường trong nghiên cứu; thu nhập từ nghiên cứu tính trên lượng cán bộ khoa học của trường; và năng suất nghiên cứu tính theo số bài báo công bố trên các tạp chí học thuật quốc tế).


Đồng thời, số lượng các nghiên cứu được công bố của trường được trích dẫn trên thế giới (cho biết tầm ảnh hưởng và đóng góp của các nghiên cứu của trường đến kho tàng trí thức nhân loại) cũng được gán trọng số tới 30%. Ngoài 2 chỉ tiêu này, chỉ có giảng dạy (hoặc môi trường học tập) mới được gán trọng số 30%. 
Cách dùng các chỉ tiêu như trên cho thấy nghiên cứu và các yếu tố liên quan đóng một vai trò quan trọng đặc biệt, có thể nói là chi phối trong định vị thứ hạng của các trường đại học. (Cũng lưu ý thêm là tổ chức xếp hạng có những điều chỉnh thích hợp để khắc phục những chênh lệch giữa các loại hình đại học, ngành nghiên cứu, làm cho việc so sánh trở nên nhất quán, có ý nghĩa).


Nếu áp dụng bộ chỉ tiêu này, hoặc dù ở dạng lược giản hơn để phù hợp với tình trạng thiếu thông tin và thông tin không nhất quán, minh bạch ở Việt Nam, thì chắc cũng sẽ dẫn đến một kết quả khá tương tự như của nhóm tác giả, do chỉ tiêu nghiên cứu vẫn chiếm trọng số lớn và dễ dàng thống kê, so sánh nhất quán từ các nguồn quốc tế. Nói cách khác, một số đại học bấy lâu nay ở Việt Nam tuy vẫn là “hàng hot”, thu hút đông đảo sinh viên với điểm tuyển vào cao ngất ngưởng nhưng chắc chắn sẽ có thứ hạng rất xoàng vì thành tích nghiên cứu nghèo nàn, đáng thất vọng của họ. Thực tế này nên được thừa nhận một cách thẳng thắn và dũng cảm. Nếu không, họ mãi sẽ chỉ lội trong vũng ao làng, chỉ là “lò” dạy học sinh lớp 13+ mà thôi.
Chuyện riêng

Xin kể trải nghiệm của bản thân người viết để minh họa thêm cho tầm quan trọng của nghiên cứu trong trường đại học. Năm thứ hai làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Kinh tế, Đại học Kyushu (Nhật Bản), người viết đã có một nghiên cứu được chấp nhận xuất bản bởi tạp chí ASEAN Economic Bulletin (Singapore). Với nghiên cứu này, người viết được GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản, người chắc không xa lạ gì với giới làm chính sách hay học thuật ở Việt Nam, mời đến viện mình để trình bày nghiên cứu. Khi gặp người viết và biết rằng nghiên cứu này sẽ được xuất bản, GS Ohno nói ngay, đại ý là thế thì người viết coi như đã tốt nghiệp được rồi.


Cũng phải nói thêm, ở các trường khác, nước khác thì không biết như thế nào, nhưng ở Khoa Kinh tế Đại học Kyushu điều chủ chốt giúp nghiên cứu sinh tốt nghiệp được và sớm (3 năm) hầu như chỉ là phải có nghiên cứu được công bố, ít nhất thì là những tạp chí khoa học hàng đầu trong Nhật, và tốt hơn thì là tạp chí quốc tế. Bởi vậy, rất thường xuyên có nhiều người “ăn dầm nằm dề” ở khoa, thậm chí đến cả dăm bảy năm hoặc hơn mà vẫn chưa thấy tốt nghiệp được. Ngược lại, khi có một nghiên cứu sinh nào đó xuất bản được một nghiên cứu như vậy thì không chỉ con đường theo đuổi học vấn được rộng mở mà bản thân còn nhận được sự tôn trọng pha chút ganh tị của những người xung quanh. Điều này thậm chí còn đúng ngay với cả đội ngũ giáo sư của khoa, nhất là khi họ “vượt vũ môn”, xuất bản được một nghiên cứu nào đó ra thế giới.
Ngoài ra, cũng chính bởi người viết xuất bản được nghiên cứu trên và sau đó là một số nghiên cứu khác trong năm tiếp theo nên đã được trường giữ lại làm giảng viên chính thức, dù vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện luận văn tốt nghiệp. Có lẽ đây là trường hợp người nước ngoài hiếm hoi ở nơi này.


Nhìn rộng ra, trong giới làm nghiên cứu, giảng dạy tại các đại học và cơ sở nghiên cứu, điều làm nên sự khác biệt giữa các cá nhân cũng như giữa các trường đại học chính là thành tích nghiên cứu, mà như được đại diện bởi bộ tiêu chí đánh giá nói ở trên. Vào các trang nhà của bất cứ một đại học có thứ hạng nào trên thế giới đều có phần giới thiệu trang trọng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên với lí lịch học thuật liệt kê các nghiên cứu đã công bố, các cuốn sách đã xuất bản. Bởi, suy cho cùng, điều gì chứng nhận được, thước đo nào phản ánh chính xác được trình độ học thuật, uy tín và danh tiếng của cá nhân, của trường tốt hơn là đội ngũ giảng viên nổi danh với các công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế hàng đầu của họ?


(1)    https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/methodology-world-university-rankings-2016-2017

Tuesday 3 October 2017

Bảo lãnh chính phủ cho Lọc dầu Dung Quất: phải có điều kiện (Bài đăng trên TBKTSG, 3/10/2017)

http://www.thesaigontimes.vn/165054/Bao-lanh-chinh-phu-cho-Loc-dau-Dung-Quat-phai-co-dieu-kien.html

Tin tức mới đây cho thấy Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ khác xem xét nội dung báo cáo và kiến nghị của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) quản lý, vận hành.
Theo kiến nghị của PVN, dự án này cần khoản vay lên tới 1,26 tỉ đô la Mỹ và cần được Chính phủ bảo lãnh để tiếp cận được nguồn vốn vay nước ngoài và vay thương mại. Ngoài ra, một điểm đáng chú ý khác là trong tờ trình BSR gửi Bộ Công Thương mấy tháng trước, BSR cho biết, số tiền vay 1,26 tỉ đô la Mỹ này là “phù hợp với quyết định phê duyệt của Thủ tướng”(1). Mặt khác, BSR cũng tiết lộ thêm rằng “hiện nay công ty không bị áp lực về nguồn vay cho dự án, song vẫn cân nhắc để có được nguồn vốn vay lãi suất thấp và thời gian vay dài hạn”.
Căn cứ vào nội dung và cách đặt vấn đề của BSR và PVN, cũng như thực tiễn làm chính sách ở Việt Nam, ít có khả năng Chính phủ đã cam kết bảo lãnh vay vốn (vô điều kiện) cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Nhưng, ngược lại, chuyện bảo lãnh cũng không phải là chuyện không thể xảy ra, nếu dự án này đáp ứng được một số điều kiện nào đó.
Trên nguyên tắc, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thuộc sở hữu 100% của Nhà nước, một nguồn vốn khổng lồ đã tiêu tốn vào đây nên Chính phủ không thể “nhắm mắt làm ngơ”, để mặc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất xoay xở với các khó khăn. Do vậy, cũng là hợp lý nếu Chính phủ xem xét chuyện bảo lãnh khi dự án này đáp ứng được một số điều kiện nhất định, chứ cũng không nên từ chối ngay với lý do, ví dụ, là Chính phủ đã hạn chế bảo lãnh nhằm hạn chế gánh nặng cho ngân sách như dư luận chỉ ra.
Và cũng cần nói thêm một chút về chủ trương hạn chế bảo lãnh này. Cụ thể, chỉ đạo của Thủ tướng là từ năm 2017 tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới(2). Trong khi đó, dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã tồn tại từ nhiều năm nay, nên có thể nói là nó nằm ngoài phạm vi của chủ trương hạn chế cấp bảo lãnh.
Điều kiện để Chính phủ bảo lãnh vay vốn duy nhất đáng nói ở đây là khả năng tồn tại và cạnh tranh của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau khi BSR rót thêm vào nó một số tiền lớn nữa, trong đó có 1,26 tỉ đô la Mỹ vay với sự bảo lãnh của Chính phủ. Nói cách khác, BSR cần đảm bảo rằng số tiền đi vay này và những khoản vay trước đó chắc chắn sẽ trả lại được bằng nguồn trích từ lợi nhuận trong tương lai của bản thân Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (chứ không phải bằng việc, ví dụ, tiếp tục vay để đảo nợ), tránh cho Chính phủ phải lãnh trách nhiệm trả nợ thay sau này, và cũng đồng thời tránh việc tiếp tục “ném tiền qua cửa sổ” nếu thật sự Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khó có khả năng tồn tại mà không có sự tiếp tục hậu thuẫn về tài chính và chính sách của Chính phủ.
Nhìn chung, khả năng tự đứng được trên đôi chân của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là điều bất trắc, tuy vẫn có thể xảy ra nhưng lại kèm theo điều kiện mà BSR và PVN đặt ngược lại cho Chính phủ là “ban hành cơ chế ưu đãi bổ sung cho dự án nâng cấp”, đặc biệt là cơ chế ưu đãi về thuế đối với sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất(3). Điều này có nghĩa là nếu không có những ưu đãi gồm thuế và bảo lãnh chính phủ (để vay vốn lãi suất thấp nhằm hạ giá thành sản phẩm) thì sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau khi nâng cấp và mở rộng vẫn tiếp tục không thể cạnh tranh được với sản phẩm tương tự nhập khẩu. Thêm nữa, từ năm 2024, thuế nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam sẽ về 0% theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do. Lúc đó, sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất càng trở nên kém cạnh tranh hơn, thậm chí có khi Chính phủ phải bù lỗ nếu muốn nó tiếp tục hoạt động.
Cũng không nên quá lạc quan với khả năng cải thiện tính cạnh tranh sau khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được nâng cấp và mở rộng. Bởi, lúc đó nhà máy sẽ phụ thuộc phần lớn vào dầu thô nhập khẩu do nguồn dầu thô cung cấp trong nước suy giảm và có giá cao. Sau khi nâng cấp và mở rộng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất gần như bắt đầu lại từ đầu, khác nhiều so với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trước khi nâng cấp. Vì vậy, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mới sẽ không có mấy ưu thế so với những nhà máy lọc dầu khác hiện có và sắp ra đời trong khu vực và trên thế giới, từ nguyên liệu đầu vào, công nghệ, kinh nghiệm đến giá thành (gồm khấu hao tài sản).
Như vậy, nếu Chính phủ muốn bảo lãnh vay vốn cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cần nhận thức được khả năng cao “đâm lao phải theo lao”, không chỉ trả nợ hộ mà còn phải tiếp tục duy trì hoặc tăng thêm các ưu đãi, trợ cấp để nó tồn tại. Và bài toán kinh tế lúc này sẽ là cân đo, so sánh tổng thiệt hại cho ngân sách trong hai trường hợp xấu nhất: (1) nếu Chính phủ không bảo lãnh, để Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và PVN tự xoay xở và kết cục cuối cùng có thể là phải bán (cổ phần hóa) Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với giá rẻ cho nhà đầu tư tư nhân trong, ngoài nước, và (2) nếu Chính phủ bảo lãnh vay vốn (và trả nợ thay) đồng thời tiếp tục cung cấp các ưu đãi, thậm chí bù lỗ để Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tiếp tục tồn tại. Lời giải bài toán này sẽ là căn cứ để Chính phủ quyết định sẽ làm gì với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Cần nói thêm là Chính phủ nên thuê một tổ chức đánh giá độc lập về hiệu quả kinh tế của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với nhiều giả định khắt khe hơn. Không nên dựa vào tính toán của bản thân Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hay PVN vì thực tế cho thấy hiệu quả của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thấp hơn so với tính toán khi lập dự án, và vì xu hướng chung của chủ đầu tư là thường phóng đại các lợi thế của dự án.
(1) http://s.cafef.vn/bsr-229344/loc-dau-dung-quat-trinh-du-an-nang-cap-mo-rong-nha-may.chn
(2) http://vneconomy.vn/thoi-su/chinh-phu-tam-dung-bao-lanh-cac-du-an-moi-tu-2017-20160827062847477.htm
(3) http://vneconomy.vn/thoi-su/dau-hoi-hieu-qua-18-ty-usd-mo-rong-nha-may-loc-dau-dung-quat-20170920100142621.htm

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).