Sunday 24 February 2019

Đưa kinh tế chưa quan sát vào GDP: Dư địa đầu tư công sẽ tăng, nhưng không ổn (Bài đăng trên TBKTSG, bản gốc, tiêu đề do báo đặt lại)

https://www.thesaigontimes.vn/285396/dua-kinh-te-chua-quan-sat-vao-gdp-du-dia-dau-tu-cong-se-tang-nhung-khong-on.html


Chính phủ đang chủ trương tính lại GDP bằng cách bao gồm cả kinh tế ngầm và kinh tế không chính thức nhằm tăng quy mô GDP và từ đó (làm cơ sở) tăng dư địa nợ công để đầu tư cho nhu cầu phát triển (1).

Trước khi đi vào phân tích sâu hơn, cần hiểu logic của chủ trương này theo dòng chảy sau: Dựa vào tiêu chuẩn và kinh nghiệm thế giới Việt Nam tự đặt ra mức trần nợ công là 65% GDP. Nay nợ công đã tăng mấp mé mức này, nên nếu muốn tăng dư địa vay nợ thêm thì có một cách là phải điều chỉnh trần nợ công tăng lên. Nhưng cách này rất không ổn, vì trần nợ công đã được Quốc hội phê duyệt và Chính phủ cam kết nhất trí phấn đấu thực hiện. Nếu phải điều chỉnh lại trần nợ công thì Chính phủ sẽ mất uy tín. Cách còn lại để tăng dư địa cho nợ công là phải tăng giá trị của mẫu số là GDP. Nhưng tăng GDP cũng có giới hạn vì các nguồn lực đã và đang được khai thác triệt để, nên để đạt và duy trì tăng trưởng GDP ở mức, ví dụ, 7%/năm đã là một việc khó, đầy thử thách. Cách nhanh nhất và tiện lợi nhất để GDP tăng vọt trong một đêm, nhờ đó làm dư địa cho nợ công cũng tăng vọt theo, là đưa thêm các hoạt động kinh tế không thống kê được trước đây vào GDP. Đó chính là cơ sở của yêu cầu bổ sung kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức vào GDP.

Từ logic theo dòng chảy trên có thể thấy nếu Chính phủ cố gắng đưa các hoạt động kinh tế không thống kê được vào GDP (ở đây ta không nói đến chuyện có thống kê được các hoạt động kinh tế này hay không) thì việc tính trần nợ công thể hiện bằng tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ trở nên không tương thích với phương pháp của thế giới. Bởi phương pháp của thế giới là chỉ dùng GDP chính thức (gồm các hoạt động kinh tế chính thức, thống kê, quan sát được). Thế giới tất nhiên cũng có kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức nhưng hầu như không có nước nào tìm cách tính và gộp các hoạt động này vào GDP chính thức. Và chắc chắn cũng không có nước nào đặt ra trần nợ công dựa trên GDP mở rộng (gồm cả kinh tế phí chính thức và kinh tế ngầm).

Thêm nữa, cho dù sẽ tính được quy mô kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức và gộp chúng vào GDP chính thức công bố hàng năm thì cách làm này cũng chỉ làm tăng quy mô GDP tổng hợp công bố lên đột ngột trong năm đầu tiên khi áp dụng cách tính mới này. Từ những năm sau đó, quy mô GDP tổng hợp sẽ không còn những bước tăng kiểu “nhảy vọt” nữa bởi các hoạt động kinh tế cả chính thức lẫn phi chính thức đều đã được thống kê đầy đủ, và tốc độ tăng GDP tổng hợp này hàng năm sẽ trở lại mức tự nhiên (ví dụ, GDP chính thức sẽ tăng quanh quẩn 7%/năm).

Như vậy, dù với cách làm phi tiêu chuẩn trên, một kiểu để lách luật, thì dư địa nợ công cũng sẽ chỉ tăng vọt một lần duy nhất rồi sau đó quay trở lại trạng thái bị kiềm chế như lúc trước khi thay đổi cách tính GDP. Nói cách khác, cách lách luật trên sẽ không giúp ích cho việc đảm bảo an toàn nợ công trong dài hạn khi mà biện pháp quan trọng, hữu hiệu và cần làm nhất là kiềm chế và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, chỉ vay nợ trong trường hợp thật cần thiết lại không được thực hiện rốt ráo. Nợ công vì thế mà sẽ tiếp tục tăng nhanh, tăng mạnh, cho đến lúc ngay cả với mẫu số đã phình to một cách đột ngột là GDP tính theo cách mới cũng vẫn làm cho nợ công nhanh chóng chạm ngưỡng trần.  

Cũng vì không phải là mức và cách làm tiêu chuẩn so với thế giới nên dù Chính phủ có thành công với việc tính lại và làm tăng vọt GDP của Việt Nam một cách đột ngột thì lúc đó, về nguyên tắc, mức trần nợ công 65% mà Quốc hội đặt ra cho Chính phủ thực hiện như hiện tại sẽ không còn thích hợp và xác đáng nữa. Đó là do con số 65% này được Quốc hội đưa ra dựa trên tiêu chuẩn và kinh nghiệm của thế giới, dựa trên cách tính GDP chính thống mà không bao gồm kinh tế phi chính thức và kinh tế ngầm.

Vì vậy, cũng về nguyên tắc, khi Chính phủ tính lại GDP theo cách gộp cả kinh tế phi chính thức và kinh tế ngầm thì Quốc hội cần phải ban hành một nghị quyết mới trong đó quy định một mức trần nợ công mới thấp hơn mức 65% hiện tại để đảm bảo nợ công luôn được khống chế trong phạm vi an toàn, phù hợp với mức trả nợ của ngân sách (dựa phần lớn vào thu thuế và các khoản thu thường xuyên khác xuất phát từ các hoạt động kinh tế quan sát, thống kê được, chứ không phải là kinh tế phi chính thức và kinh tế ngầm). 

Lúc đó, cho dù Chính phủ quyết tâm và thành công trong việc tính lại GDP thì dư địa nợ công không vì thế mà tăng lên tương ứng. Do vậy, và kết hợp thêm với chuyện tính toán lại GDP sẽ làm hao tổn một nguồn lực một cách không cần thiết, chủ trương tính lại GDP cần được xem xét lại một cách thấu đáo và hủy bỏ trước khi được thực thi một cách dang dở.

(1)  https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tong-cuc-thong-ke-khong-the-thong-ke-duoc-kinh-te-ngam-phi-phap-20180119140922424.htm

Wednesday 20 February 2019

Thêm một con én thì vẫn chưa có mùa xuân (Bài đăng trên TBKTSG, 20/2/2019, tiêu đề do báo đặt lại)

https://www.thesaigontimes.vn/285172/them-mot-con-en-thi-van-chua-co-mua-xuan.html

Trong một động thái mới đây nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ, trước mắt cho ít nhất một doanh nghiệp viễn thông thí điểm.
Thông tin này đã được nhiều người hồ hởi đón nhận, bởi họ cho rằng khi dịch vụ này được triển khai thì việc đi chơi, đi chợ, du lịch... sẽ rất tiện lợi vì chỉ cần một chiếc điện thoại di động là có thể thanh toán được mà không cần phải mang theo thẻ tín dụng hay tiền mặt.
Ưu việt hơn các hình thức thanh toán khác?
Quả thật, nếu so với thanh toán bằng tiền mặt thì việc móc chiếc điện thoại di động trong túi ra, thực hiện một hai thao tác, ấn một vài nút để thực hiện việc thanh toán cho một khoản chi tiêu nào đó qua trực tuyến hoặc tại chỗ rõ ràng là tiện lợi, an toàn và văn minh hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu vậy thì việc thanh toán bằng điện thoại di động (gọi tắt là TTDĐ) cũng sẽ không hề tiện lợi, an toàn, văn minh và phòng chống rửa tiền hữu hiệu hơn việc sử dụng thẻ tín dụng và các loại thẻ tích trữ giá trị khác (ATM, thẻ trả trước, thẻ ghi nợ...) vốn thậm chí còn an toàn, đơn giản hơn và dễ quản lý hơn cả việc dùng điện thoại di động.
Như vậy, việc TTDĐ may ra chỉ có thể trở nên hấp dẫn hơn với người dùng so với việc dùng thẻ khi số lượng điểm bán hàng chấp nhận TTDĐ nhiều hơn so với số nơi chấp nhận thẻ các loại, và/hoặc chi phí giao dịch thấp hơn so với dùng thẻ, và/hoặc người sử dụng TTDĐ không thể tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng (mở tài khoản, chuyển tiền qua mạng...). Nhưng đến đây lại nảy sinh ra vấn đề là làm cách nào để nạp tiền vào tài khoản viễn thông một cách tiện lợi và an toàn để từ đó thực hiện TTDĐ?
Nếu việc nạp tiền vẫn phải diễn ra “thủ công”, tức thực hiện bằng tiền mặt tại các đại lý, các công ty dịch vụ thì việc này vừa vi phạm nguyên tắc không dùng tiền mặt, vừa có khả năng làm đội chi phí giao dịch, trong khi mức độ tiện lợi thì bị suy giảm. Nếu dùng chuyển khoản ngân hàng hoặc dùng thẻ tín dụng để nạp tiền thì có nghĩa là người sử dụng TTDĐ đã tiếp cận được dịch vụ ngân hàng nên không nhất thiết phải cần đến dịch vụ TTDĐ nữa.
Thực tế thanh toán không dùng tiền mặt ở Singapore và Ấn Độ
Việc chọn ra hai nước trên là có chủ định bởi Singapore là nước phát triển với đầy đủ các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt đang được sử dụng. Còn Ấn Độ là nước đang phát triển, có tỷ lệ người nghèo sống ở nông thôn lớn với cơ sở hạ tầng viễn thông và tài chính hạn chế, ít nhiều tương đồng với Việt Nam. Ấn Độ đã buộc phải triển khai cấp tập ở quy mô toàn quốc thanh toán không dùng tiền mặt bởi một cú hích chính sách lớn của nước này hồi tháng 11-2016 - thu hồi những đồng tiền giấy phổ biến trong lưu thông, có mệnh giá 500 và 1.000 rupee để đổi lấy các đồng tiền mới có mệnh giá 500 và 2.000 rupee có tính an toàn cao hơn.
Chuyện ở Singapore thì khá đơn giản. Và không như nhiều người tưởng tượng, việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn khá là phổ biến ở đây, đặc biệt là với những khoản chi tiêu nhỏ. Nếu đi siêu thị, chịu khó quan sát thì sẽ chứng kiến trong số chục người mua hàng sẽ có ít nhất vài ba người trả tiền mua đồ bằng tiền mặt, mặc dù hệ thống ngân hàng với ATM và thẻ tín dụng có thể nói không ngoa là quá nhiều so với dân số.
Và cũng chính vì sự phát triển của hệ thống ngân hàng (và có thể cả hạn chế bởi quy định của pháp luật) mà người viết đã sống ở đây hơn chục năm nhưng chưa bao giờ nghe thấy hoặc chứng kiến chuyện thanh toán qua tài khoản viễn thông, dù rằng việc dùng điện thoại di động để thanh toán (qua phương thức QR code hay ví điện tử...) đang ngày càng thấy nhiều hơn (nhưng chưa hoàn toàn phổ biến).
Còn ở Ấn Độ, việc thu hồi tiền giấy nói trên đột ngột làm cho hàng tỉ người của nước này bị ảnh hưởng nặng nề do có đến 86% tiền mặt trong lưu thông đã bị thu hồi lập tức, từ đó đã làm phổ biến nhanh chóng các hình thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt để thích nghi với cuộc sống mới không có tiền mặt.
Mười phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến nhất là: thẻ ngân hàng, USSD (unstructured supplementary service data), AEPS (Aadhar Enabled Payment System), UPI (Unified Payments Interface), ví điện tử, thẻ ngân hàng trả trước, PoS (Point of Sale), Internet banking, mobile banking, và Micro ATM. Trong mười phương thức này không hề có phương thức nào là thanh toán qua tài khoản viễn thông (mà không đòi hỏi người sử dụng phải có nối kết với tài khoản ngân hàng).
Tóm lại, nên hiểu thế nào cho đúng?
Qua những dẫn giải nói trên, người viết e ngại là đang có sự nhầm lẫn về khái niệm về thanh toán điện tử bằng tài khoản điện thoại (hoặc tài khoản viễn thông) mà được báo chí dịch từ cụm từ Mobile Money (hoặc ngược lại). Cũng từ cách đưa tin của báo chí cũng như sự trích dẫn phát biểu của các quan chức liên đới, người ta tưởng rằng Mobile Money không yêu cầu người sử dụng phải có tài khoản ngân hàng. Sự thực thì không phải như thế, như đã nói ở trên.
Nếu Mobile Money chỉ đơn thuần là một trong những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt được thực hiện qua điện thoại di động (có kết nối với tài khoản ngân hàng) thì mọi việc trở nên đơn giản hơn, không cần phải tốn nhiều giấy mực đến thế. Bởi đây chỉ là một kênh bổ sung để nhanh chóng đưa Việt Nam chuyển mình thành một xã hội không dùng tiền mặt, cũng là một chủ trương của Chính phủ được thể hiện qua đề án không dùng tiền mặt ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Dù đề án trên có một số mục tiêu có thể là khá tham vọng, nhưng như trường hợp của Ấn Độ cho thấy với sự quyết tâm cao và những biện pháp có phần cực đoan buộc các chủ thể liên đới tự giác và nghiêm túc thực hiện các bước đi cần thiết chuyển sang một xã hội không dùng tiền mặt thì đề án hoàn toàn có khả năng sẽ được hiện thực hóa.
Như là một phần trong các giải pháp toàn diện để thực hiện đề án nhìn từ kinh nghiệm của Ấn Độ, Việt Nam cần có thêm những động thái chính sách mang tính cưỡng bức gần đây của Chính phủ như bắt buộc các giao dịch mua bán bất động sản và xe máy, ô tô phải thực hiện không dùng tiền mặt; mua bán trực tuyến nhưng không được phép thực hiện thông qua hình thức giao hàng - trả tiền mặt; các dịch vụ chia sẻ trực tuyến như Grab không được thanh toán bằng tiền mặt...
Những động thái chính sách mang tính cưỡng bức này sẽ tạo điều kiện, khuyến khích và bắt buộc thêm nhiều người chuyển sang mở tài khoản tại ngân hàng và chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Về phía các đơn vị cung cấp hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ, việc trang bị các máy đọc thẻ và thiết bị thanh toán đầu cuối, cũng như nối mạng để thực hiện thanh toán điện tử không luôn dễ dàng và ít tốn kém, nên Chính phủ cần hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật và tài chính để thực hiện việc này.
Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp về lợi ích của việc sử dụng thanh toán điện tử, nó hoàn toàn có thể bù đắp được những tốn phí trong sử dụng thanh toán điện tử để khuyến khích mọi người tích cực chuyển sang các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, Chính phủ cần thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật để phủ sóng nối mạng Internet toàn quốc.

Về phía các ngân hàng thương mại, Chính phủ cũng cần có những động thái chính sách mang tính cưỡng bức và khuyến khích để họ tiến hành mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như hạ thấp các loại phí dịch vụ. Để hỗ trợ việc này, Chính phủ có thể cân nhắc sử dụng các biện pháp như miễn giảm thuế và các nghĩa vụ giao nộp, hay cho vay với lãi suất ưu đãi.

Friday 15 February 2019

Đánh giá, xếp hạng ngân hàng - Nhìn từ kinh nghiệm thế giới (Bài đăng trên TBKTSG, 16/2/2019)

https://www.thesaigontimes.vn/285181/danh-gia-xep-hang-ngan-hang--nhin-tu-kinh-nghiem-the-gioi.html

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), có hiệu lực từ ngày 1-4-2019. Thông tư này thay thế Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN ban hành quy định xếp loại ngân hàng thương mại cổ phần (NHTM).

Hệ thống tiêu chí được sử dụng để xếp hạng gồm sáu yếu tố: vốn (trọng số 20%), chất lượng tài sản (30%), quản trị điều hành (10%), kết quả hoạt động kinh doanh (20%), khả năng thanh khoản (15%), mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường (5%). Căn cứ vào mức điểm xếp hạng đạt được, TCTD được xếp vào một trong các hạng sau: tốt (A), khá (B), trung bình (C), yếu (D) hoặc yếu kém (E).

Kết quả xếp hạng sẽ chỉ được thông báo cho TCTD và NHNN chi nhánh tỉnh và thành phố mà không được công bố rộng rãi. Thậm chí, thông tư còn quy định việc lưu trữ và sử dụng kết quả xếp hạng phải theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng. Đây là một thay đổi lớn của Thông tư 52 so với Quyết định 06, bởi theo Quyết định 06 thì kết quả xếp hạng này được công bố trên trang web của NHNN.

Sự cần thiết có hệ thống xếp hạng

Nhiều nơi trên thế giới áp dụng một mô hình xếp hạng ngân hàng nào đó nhằm mục đích đưa ra được các chỉ số (dưới dạng con số cụ thể) phản ánh mức độ rủi ro mà TCTD đang đối mặt. Lợi ích chính của việc xếp hạng là nó tạo ra một khuôn khổ chung với những cấu thành cụ thể, dựa vào đó những thông tin định tính và định lượng của TCTD được thu thập và phân tích một cách nhất quán, từ đó tập trung nỗ lực thanh tra, giám sát vào những chỉ tiêu dưới chuẩn. Ở nhiều nước, theo quy định, TCTD nào dưới một mức chuẩn nào đó sẽ tự động bị thanh tra, giám sát. Do đó, việc xếp hạng sẽ xác định được TCTD có khả năng gặp rắc rối trong tương lai để tối ưu hóa các nguồn lực thanh tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực cụ thể (ví dụ, chất lượng tài sản yếu kém, quản trị rủi ro tín dụng yếu, lợi nhuận thấp...)(1).

Xếp hạng TCTD sẽ cung cấp một bức tranh đầy đủ về tình hình hiện tại và tương lai của hệ thống các TCTD, nhờ đó cho biết những điểm mạnh, yếu và rủi ro của TCTD. Nó cũng là cơ sở để cơ quan chức năng chủ động can thiệp sớm trong quá trình thanh tra, giám sát. Sự can thiệp sớm sẽ tập trung vào buộc TCTD khắc phục những điểm yếu lộ diện qua quá trình đánh giá, xếp hạng nhằm giảm thiểu khả năng sự yếu kém này tiếp tục xấu đi, dẫn đến nguy cơ phá sản và giải thể TCTD. Sự yếu kém về quản lý rủi ro và quản trị điều hành cần được đặc biệt quan tâm vì những khiếm khuyết trong các lĩnh vực này thường là chỉ dấu chính cho khủng hoảng của TCTD trong tương lai.

Mô hình xếp hạng ngân hàng CAMELS

Với sáu tiêu chí xếp hạng trên, có thể nói mô hình xếp hạng ngân hàng của NHNN hoàn toàn tương đồng với mô hình CAMELS ra đời và được áp dụng đầu tiên tại Mỹ bởi các cơ quan quản lý chức năng như Ngân hàng Dự trữ liên bang và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang... cho tất cả các TCTD của nước này (khoảng 8.000 tổ chức), sau đó lan tỏa sang các nước khác. Mô hình xếp hạng CAMELS dựa trên sự thanh tra tại chỗ kết hợp với phân tích các tỷ lệ trên báo cáo tài chính nhằm đánh giá và phân loại tình hình tổng thể về sức khỏe của một ngân hàng.

Các yếu tố phản ánh tình hình tổng thể của ngân hàng theo mô hình CAMELS cũng chính là sáu yếu tố được sử dụng bởi NHNN, và được viết tắt bởi sáu chữ cái, gồm C - Capital (vốn), A - Assets (chất lượng) tài sản), M - Management Capability (khả năng quản trị, điều hành), E - Earnings (kết quả kinh doanh, lợi nhuận), L - Liquidity (tình hình thanh khoản), S - Sensitivity (mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường, đặc biệt là lãi suất).

TCTD được xếp hạng từ 1 (tốt nhất) đến 5 (kém nhất) cho từng tiêu chí đánh giá trên. Kết quả xếp hạng không được công bố rộng rãi mà chỉ được thông báo cho hội đồng quản trị và những nhà quản lý cấp cao nhất của TCTD với lý do chủ yếu là giảm thiểu khả năng xảy ra sự đổ vỡ khi một TCTD nào đó nhận được kết quả xếp hạng kém đi. Tuy nhiên, điểm khác biệt với Việt Nam là ở Mỹ, Quốc hội nước này có thể tiếp cận được kết quả xếp hạng TCTD (thông qua, ví dụ, điều trần và các báo cáo của cơ quan chức năng) để nắm được tình hình an toàn và sức khỏe của ngành tài chính(2)(3).

Nên hay không nên công bố kết quả xếp hạng?

Về lý do không công bố kết quả xếp hạng ngân hàng, khi dự thảo thông tư, NHNN có giải thích rằng, do mục đích khác nhau, nên ngân hàng trung ương, cơ quan giám sát tài chính tại nhiều nước trên thế giới đều không công bố rộng rãi kết quả xếp hạng các ngân hàng như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế thực hiện định kỳ. Một lý do khác nữa là việc công bố này “có tính nhạy cảm cao”.

Trên thực tế, việc đánh giá, phân loại và công bố thông tin về tình hình hoạt động và sức khỏe của TCTD không phải là không được phép, không nên trong mọi trường hợp. Một minh họa điển hình là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố kết quả đánh giá sức khỏe và khả năng chịu đựng rủi ro của khoảng 130 TCTD hoạt động trong Cộng đồng chung châu Âu qua các đợt kiểm tra định kỳ và bất thường được ECB phối hợp với các cơ quan giám sát của các quốc gia thành viên(4). Kết quả đánh giá sức khỏe này chứa đựng những thông tin rất “nhạy cảm”, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của một ngân hàng nào đó. Với ECB, sự công bố kết quả này là cần thiết bởi một trong những mục đích của việc đánh giá và công bố này là để tăng cường chất lượng thông tin hiện có về tình hình của TCTD.

Một minh họa khác liên quan đến việc công bố thông tin “nhạy cảm” về sức khỏe của TCTD là việc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) khi đề cập đến vấn đề công bố thông tin liên quan đến ngân hàng yếu kém cũng không hề khuyến nghị rằng không nên, không được công bố các thông tin này. Thay vào đó, họ chỉ khuyến nghị rằng việc công bố thông tin cần phải được xem xét tùy từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở liệu nó có đóng góp tích cực vào mục tiêu xử lý các ngân hàng yếu kém và duy trì sự ổn định của toàn hệ thống hay không. Tuy nhiên, BIS khuyến khích việc công bố này trong phạm vi cho phép và yêu cầu của pháp luật.

BIS còn công nhận rằng việc công bố kế hoạch hành động toàn diện và đáng tin cậy khắc phục các tồn tại của TCTD yếu kém có thể sẽ giúp duy trì và phục hồi lòng tin vào TCTD. Ngược lại, BIS cảnh báo rằng sự công bố chậm trễ sẽ tạo ra kẻ thắng, người thua (là những người gửi tiền mới) do bất đối xứng thông tin khi một số người nào đó tiếp cận được những thông tin này. Tất nhiên, theo BIS, việc công bố quá sớm thông tin bất lợi có thể dẫn đến việc đổ xô rút tiền gửi của dân chúng, làm mất khả năng thanh toán của ngân hàng(5).

Thực tế thì cho dù kết quả xếp hạng ngân hàng chỉ được gửi cho một số đối tượng hạn chế nhưng kết quả này vẫn hoàn toàn có khả năng rò rỉ ra công luận. Chẳng hạn, việc xếp hạng khả năng quản trị, điều hành ngân hàng (M) của ngân hàng Wells Fargo bị tụt hạng xuống mức “3” trong năm 2017 đã bị rò rỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng, mặc dù việc tiết lộ thông tin trái quy định này là một vi phạm hình sự(3). Khả năng đặt ra là sự rò rỉ bắt nguồn từ báo cáo của cơ quan chức năng về việc giám sát Wells Fargo lên Quốc hội Mỹ và người trong Quốc hội muốn công chúng có cái nhìn xấu đi về ngân hàng này.

Như vậy, nhìn chung việc công bố kết quả xếp hạng vẫn có thể là cần thiết trong một số trường hợp và hoàn cảnh cụ thể. Do đó, có lẽ NHNN cần có những sửa đổi phù hợp theo hướng này trong Thông tư 52 để mở đường cho những trường hợp cần phải công bố kết quả đánh giá, xếp hạng ngân hàng nhằm mục đích chung là cải thiện sức khỏe của TCTD yếu kém và duy trì ổn định hệ thống. 
(1) https://www.bis.org/bcbs/publ/d330.pdf
(2) https://www.federalreserve.gov/boarddocs/press/general/1996/19961224/
(3) https://www.vedderbanking.com/2018/01/wells-fargos-camels-rating-leaked/
(4) https://www.bankingsupervision.europa.eu/banking/comprehensive/html/index.en.html
(5) https://www.fsa.go.jp/inter/bis/bj_20020404.pdf

Thursday 14 February 2019

'Khờ dại' đi mua vàng nếu nhìn dưới góc độ tín ngưỡng thì bình thường (Bài đăng báo Người đồng hành (NDH), tiêu đề do báo đặt lại)

http://ndh.vn/-kho-dai-di-mua-vang-neu-nhin-duoi-goc-do-tin-nguong-thi-binh-thuong-2019021410227454p145c151.news

Hàng năm, cứ đến 10 tháng Giêng - ngày vía Thần Tài lại xuất hiện cảnh dòng người đội mưa, nắng kiên nhẫn xếp hàng trước các cửa hàng vàng đợi đến lượt để mua vàng cầu may, mong một năm mới làm ăn thuận buồm xuôi gió, thành công về tiền bạc.
Đổ xô đi mua vàng ngày vía Thần Tài chỉ có ở Việt Nam
Không rõ nguồn gốc ngày vía Thần Tài này ra sao bởi có nhiều truyền thuyết và quan điểm khác nhau. Nhưng có một quan điểm được nhiều người chia sẻ là ngày này có nguồn gốc từ tục lệ cúng Thần Tài của giới doanh nhân người Hoa sinh sống ở Việt Nam rồi mới lan ra toàn xã hội, mà cũng chỉ trở nên phổ biến, thành một hiện tượng, chừng một hai chục năm nay.
Nhưng cũng lạ, người Hoa trên thế giới thì xem ra lại có những tục lệ khác người Hoa ở Việt Nam. Ở Singapore chẳng hạn, tuy người Hoa cũng khá mê tín, nhiều người cũng năng đi chùa, cúng bái, đốt vàng mã, cũng thờ cúng Thần Tài, nhưng dường như không có tục lệ mua vàng cầu may thành phong trào như Việt Nam, và đặc biệt là trong ngày 10/1 Âm lịch.
Còn người Hoa ở Trung Quốc, theo chia sẻ của một người Trung Quốc bản địa trên mạng internet, xem ra lại có đến mấy ngày cúng vía Thần Tài, tùy từng vùng miền. Người Miền Nam Trung Quốc cúng ngày 5/1 Âm lịch, miền Bắc vào ngày 2/1 Âm lịch, còn tỉnh Sơn Đông và các nơi khác thì cúng vào ngày 22/7 Âm lịch (1).
Thêm nữa, ngay một bài báo của tờ Hoàn Cầu (Trung Quốc) viết về việc đổ xô mua vàng vào ngày này ở Việt Nam cũng viết dưới một góc nhìn có phần ngạc nhiên, lạ lẫm với những gì mà tác giả đã thấy, đã nghe (2).
Bài báo có những câu như: “Ngày thứ 10 đầu tiên của năm mới Âm lịch được coi là ngày Thần Tài ở Việt Nam” cho thấy ngày này là lạ lẫm với tác giả. Bài báo cũng trích dẫn lời của một doanh nhân Trung Quốc qua lại Việt Nam nhiều lần rằng: “Tục lệ mua vàng vào ngày Thần Tài đã có từ lâu ở Việt Nam và phổ biến trước tiên ở trong cộng đồng người Việt gốc Hoa ở TP HCM và sau đó là Hà Nội”, mà không thấy vị này đả động gì đến điểm tương đồng ở Trung Quốc.
Như vậy, điều chắc chắn không chỉ là việc mua vàng trong ngày này không xuất phát từ tín ngưỡng của người Việt, mà tục lệ đổ xô mua vàng vào ngày vía Thần Tài 10/1 tháng Giêng (nếu có thể nói thế được) cũng chỉ là chuyện ở Việt Nam, của Việt Nam. Nhưng nói vậy không có nghĩa là chỉ có Việt Nam mới có ngày mà dân chúng đổ xô mua vàng. Những ngày tương tự cũng có ở một số nước, một số nền văn hóa. Ví dụ, Ấn Độ có ngày lễ Akhsaya Tritiya và Diwali và người dân sẽ mua vàng cầu may trong những dịp đó (1).
Vậy cần nhìn nhận tục lệ như thế nào, dưới góc độ nào?
"Khờ dại" đi mua vàng nhìn góc độ tín ngưỡng thì bình thường
Từ góc độ tín ngưỡng, tâm linh, có thể nói việc chọn ngày 10/1 Âm lịch và tục lệ mua vàng vào ngày này đã trở thành một tín ngưỡng, tục lệ mới ở Việt Nam. Điều này không có gì là lạ, xấu, cũng tương tự như việc làm của người dân ở một số nước, và cũng tương tự việc người Việt hiện nay đã du nhập nhiều tục lệ bên ngoài (ví dụ như ngày Valentine): khởi đầu chỉ là niềm tin, tín ngưỡng của một số người rồi lan tỏa ra rộng khắp cộng đồng.
Vì vậy, trong ngày này, nếu người dân có làm một việc “khờ dại” nào đó như đội mưa nắng, chen nhau mua vàng với giá cao để rồi hầu như bán lại sẽ lỗ, chỉ “làm béo” các doanh nghiệp kinh doanh vàng thì việc này cần nhìn dưới góc độ tín ngưỡng và lúc đó mọi việc sẽ trở nên bình thường.
Nếu vận dụng cái nhìn “biện chứng” (?) vào các tục lệ của người Nhật Bản treo một con cá muối trước cửa, người Việt mua muối hay người Hoa ăn cá hồng (vàng) năm mới để cầu tài, cầu bình an, may mắn thì sẽ chỉ thấy chúng là các hành động “mê tín dị đoan”. Thế nhưng, những tục lệ này chắc sẽ còn mãi bởi đơn giản chúng là tín ngưỡng, là niềm tin, tuy đa phần là “mù quáng” nhưng do không phải là một tục lệ xấu, có hại cần bỏ nên cứ thế mà trường tồn.
Trước việc có nhiều người mua vàng với số lượng nhiều, có nhiều chuyên gia lại lên tiếng khuyến cáo, can ngăn hoặc bày cách để người dân bớt bị thua lỗ khi bán lại. Nhưng đó là các chuyên gia đang đứng ngoài nhìn từ góc độ của một người kinh doanh đơn thuần.
Họ và cả một phần dư luận có lẽ không chấp nhận được chuyện người dân tin rằng mua càng nhiều vàng thì càng có lộc, càng may mắn, cũng tương tự như nhiều người tin rằng đã lên chùa cúng tế thì cố gắng cúng tế cho thật nhiều để có nhiều “lộc”, mặc dù với giáo lý đạo Phật thì vấn đề không phải là cúng nhiều hay ít mà là sự thành tâm.

Nói cách khác, nếu lại coi chuyện có người mua hàng chục lạng vàng trong ngày Thần Tài cũng chỉ đơn giản là xuất phát từ tín ngưỡng, niềm tin cá nhân, thì sẽ thấy chẳng còn gì đáng phải khuyến cáo nữa.
Mà ngay cả nhìn từ góc độ kinh doanh, việc chuyên gia khuyến cáo chỉ mua một ít vàng để lấy may thì cũng chưa chắc đã là đúng. Bởi rất có thể giá vàng ngay sau ngày Thần Tài lại nhảy vọt lên cùng chiều với biến động của giá vàng thế giới do đột ngột có một (số) tin tức nào đó làm lợi cho giá vàng. Ít có cái gì mà “đỏng đảnh” như giá vàng nên nhỡ đâu ngày hôm sau, hôm sau nữa giá vàng vọt tăng nhưng vì “trót” nghe khuyến cáo không mua nhiều vàng nên thôi đành ôm đầu than thở, tự trách “mình dại”!
Hãy "yên tâm" để người dân trải nghiệm theo cách riêng của mình
Tuy nhiên, cũng có một thực tế đã xảy ra hàng năm vào ngày Thần Tài là doanh nghiệp kinh doanh vàng thay đổi giá không theo giá thế giới và có sự loạn giá vàng mà thường theo hướng tăng giá bán, tăng chênh lệch giá bán-mua. Dựa vào đây, không ít người cho rằng doanh nghiệp kinh doanh vàng đã trục lợi trên niềm tin (mù quáng) của người dân.
Về chuyện trên, điều có thể nói trước tiên là thị trường vàng hiện nay không phải là thị trường độc quyền mà có sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn nhỏ nên khó có chuyện “làm giá”. Một số doanh nghiệp với thương hiệu vàng riêng của mình được ưa thích hơn sẽ có thêm một mức chênh lệch so với thị trường, nhưng đó cũng là chuyện bình thường, như kiểu người dân chấp nhận ăn “bún mắng, cháo chửi” chỉ vì nó ngon hơn các hàng khác.
Do vậy, vào những ngày đặc biệt như ngày Thần Tài, nhu cầu mua tăng vọt, thì cảnh “trăm người bán, vạn người mua” đương nhiên sẽ đẩy giá vàng trong nước, đặc biệt những thương hiệu được ưa chuộng, lên so với thông thường. Nhưng giá vàng trong nước cũng không thể tăng quá mức được vì thị trường vàng của Việt Nam vẫn có sự liên thông với thị trường quốc tế. Hơn nữa, như đã nói, việc mua bán trong ngày này không chỉ căn cứ vào giá mà có phần chủ yếu xuất phát từ tín ngưỡng nên dù có mua đắt một chút thì người dẫn vẫn vui vẻ bỏ tiền ra với tâm lý mua lấy may là chính.
Tóm lại, hãy coi việc cúng bái, mua vàng trong ngày Thần Tài là một hành động tín ngưỡng và “yên tâm” để người dân trải qua ngày này theo cách riêng của mình.
------------
(1) https://www.quora.com/Do-Chinese-or-other-Asian-countries-have-God-of-Wealth-Day-like-
Vietnamese
(2) http://www.globaltimes.cn/content/1031960.shtml

Tuesday 12 February 2019

Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Nên có hạn chế và linh hoạt (Bài đăng trên CafeF, 13/2/2019)

http://cafef.vn/giam-ty-le-du-tru-bat-buoc-nen-co-han-che-va-linh-hoat-20190213083057765.chn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã đưa ra lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc (DTBB) của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD). Một nội dung nổi bật của dự thảo là quy định về giảm tỷ lệ DTBB. Theo đó, "TCTD hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu kém sẽ được giảm 50% tỷ lệ DTBB đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt theo quy định."
Xoay quanh dự thảo này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia tài chính.
PV: Thưa ông, ông nhận xét thế nào về quy định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50% đối với các TCTD hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu kém mà cơ quan quản lý đang lấy ý kiến?
TS. Phan Minh Ngọc: Điều đáng nói đầu tiên về quy định trên là sự không rõ nghĩa, dễ gây hiểm nhầm. Nếu mệnh đề "theo phương án phục hồi" trong quy định giảm tỷ lệ DTBB nói trên là để giải thích cho loại tiền gửi được áp dụng giảm tỷ lệ DTBB thì loại tiền gửi có tên là "tiền gửi theo phương án phục hồi" cũng vẫn là rất mơ hồ, khó hiểu.
Còn nếu "theo phương án phục hồi" là để giải thích rõ đối tượng được hưởng ưu đãi này chính là các TCTD tham gia hỗ trợ các TCTD yếu kém "theo phương án phục hồi các TCTD yếu kém này" thì quy định trên cần phải được viết lại cho rõ và dễ hiểu hơn.
Có ý kiến cho rằng, việc giảm DTBB này không chỉ đơn thuần là hỗ trợ cho hoạt động tái cơ cấu mà sẽ có những tác động tới ngân sách, còn quan điểm của ông thế nào?
Với nhiều người, công cụ dự DTBB chỉ là một công cụ nghiệp vụ đơn thuần của NHNN, bên cạnh nhiều công cụ khác, nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu về lạm phát và thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Nên việc NHNN tăng lên hay hạ xuống tỷ lệ DTBB và/hoặc miễn giảm cho một đối tượng (TCTD) nào đó sẽ không có mấy ảnh hưởng đến những vấn đề vĩ mô khác như thu ngân sách.
Nhưng bản chất thì không hoàn toàn như vậy.
Cụ thể hơn, chỉ với một số ngân hàng tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, vốn chiếm đến non nửa tổng tiền gửi toàn hệ thống, thì việc giảm 50% tỷ lệ DTBB hiện nay (hiện đang ở mức từ 1% đến 3%, tùy theo kỳ hạn và đối tượng cụ thể) sẽ làm NHNN mất đi một khoản tiền gửi lớn có trong tay mà họ có thể đem cho vay lại trong hệ thống (giả sử rằng toàn bộ tiền gửi tại các ngân hàng hỗ trợ này được giảm 50% tỷ lệ DTBB). Lưu ý thêm rằng lãi suất mà NHNN áp dụng trả các TCTD cho số dư DTBB theo quy định chỉ là 1,2%/năm trong khi các loại lãi suất chính sách mà NHNN tính với TCTD thì cao hơn nhiều (ví dụ, lãi suất tái cấp vốn là 6,25%/năm, lãi suất tái chiết khấu là 4,25%/năm). Như vậy có nghĩa là song song với việc giảm tỷ lệ DTBB cho TCTD, NHNN sẽ phải hy sinh một nguồn thu tiềm năng lớn mà rốt cuộc có thể được bổ sung vào ngân sách.
Ngoài ra, cũng theo dự thảo, các TCTD yếu kém, được kiểm soát đặc biệt sau khi có văn bản gửi NHNN thì còn được miễn áp dụng DTBB. Dù những TCTD yếu kém này có quy mô khiêm tốn hơn nhưng điều này vẫn dẫn đến hậu quả là ngân sách nhà nước tiếp tục bị mất đi một khoản thu đáng kể một cách gián tiếp.
Một tác động liên quan là khả năng thực hiện cam kết không sử dụng ngân sách để xử lý các ngân hàng yếu kém. Với tổn thất có thể gây ra cho ngân sách như trên, miễn giảm gửi DTBB cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước phải dùng ngân sách để xử lý các ngân hàng yếu kém ở một mức độ nào đó. Lưu ý thêm rằng việc dùng ngân sách gián tiếp thông qua miễn giảm gửi DTBB như vậy cũng tương tự như việc cho phép TCTD hỗ trợ được hưởng ưu đãi trong vay tái cấp vốn, với lãi suất ưu đãi đến mức 0%, trong khi lãi suất tái cấp vốn thực tế cấp cho TCTD bình thường là 6,25%/năm.
Còn những tác động khác tới chính sách tiền tệ thì sao thưa ông?
Như đã biết, việc giảm tỷ lệ DTBB cho một (nhóm) đối tượng nào đó sẽ tác động trực tiếp đến cung tiền ở nghĩa là việc này sẽ giải phóng ra thị trường một lượng tín dụng mới có thể quay vòng nhiều lần, nhân lên nhiều lần. Tất nhiên là với chủ trương "linh hoạt, chặt chẽ" thì NHNN có thể vẫn kiểm soát được các biến số lạm phát và thanh khoản, nhưng việc giảm tỷ lệ DTBB một cách chọn lọc như vậy sẽ làm khó cho chính sách tiền tệ của NHNN. Bởi lượng tiền gửi huy động của các TCTD được miễn giảm DTBB thường xuyên biến động lớn (do đây là những TCTD lớn nhất trong hệ thống), do đó cũng sẽ làm tăng mức độ biến động của tăng trưởng tín dụng trong hệ thống, Kết hợp thêm với lợi thế các TCTD được ưu đãi không phải nộp (đủ) DTBB như với các TCTD khác nên có thể nâng lãi suất để cạnh tranh thu hút tiền gửi, lãi suất và thanh khoản trong hệ thống cũng vì thế càng biến động khó lường, khó kiểm soát.
Vậy theo ông, mức giảm dự trữ bắt buộc trong dự thảo nên như thế nào thì hợp lý hơn, để tác động tích cực hơn với ngân sách lẫn bản thân các TCTD?
Về cả lý và tình thì hiển nhiên là các TCTD hỗ trợ tái cơ cấu TCTD yếu kém cần thu lại một số lợi ích vật chất để đổi lấy việc họ phải bỏ ra các nguồn lực tài chính và nhân lực để tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém. Về phía Chính phủ và NHNN, một số công cụ chính sách đã và đang được triển khai theo hướng này, gồm, ví dụ, hạ tỷ lệ DTBB, cho vay tái cấp vốn với lãi suất đến 0%, ưu tiên cấp phép mở thêm chi nhánh, tăng cường tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng có vốn nhà nước (thường cũng chính là các ngân hàng tham gia hỗ trợ tái cơ cấu) v.v...
Tuy nhiên, từ phân tích bên trên về những tác động tiêu cực của việc miễn giảm nộp DTBB, điều rút ra là nên hạn chế sử dụng cùng lúc nhiều công cụ mang tính ưu đãi cho các TCTD tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu kém để giảm thiểu những tác động bất lợi đến hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Nếu ban hành thông tư mới theo hướng như trong dự thảo thì không nên sử dụng thêm công cụ khác, ví dụ như cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% nữa (lưu ý thêm là trong luật không quy định NHNN phải cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0%).
Ngoài ra, có một thực tế là không phải TCTD nào hỗ trợ tái cơ cấu TCTD yếu kém đều sẽ có mức độ đóng góp các nguồn lực (cho việc tái cơ cấu các TCTD yếu kém) giống nhau và/hoặc không thay đổi trong mọi thời điểm. Bởi vậy, nếu áp dụng đồng mức giảm tỷ lệ DTBB 50% cho mọi TCTD hỗ trợ tại mọi thời điểm sẽ là không xác đáng nếu có TCTD hỗ trợ nào đó có mức đóng góp nguồn lực thấp hơn mức ưu đãi họ được hưởng, và cũng không xác đáng ngay cả với bản thân TCTD đó bởi mức độ đóng góp là khác nhau tại mỗi thời điểm.
Như vậy, thay vì ban hành một mức cố định giảm tỷ lệ DTBB, nên có quy định linh hoạt hơn, theo đó mức giảm tỷ lệ DTBB áp dụng cho các TCTD hỗ trợ sẽ được tính toán và cân nhắc trên cơ sở đóng góp các nguồn lực của họ vào tái cơ cấu TCTD yếu kém tại từng thời điểm, đồng thời có tính đến các ưu đãi khác mà TCTD hỗ trợ (sẽ) được hưởng, ví dụ như lãi suất ưu đãi vay tái cấp vốn v.v... để đảm bảo TCTD hỗ trợ luôn được khuyến khích đúng mực và phù hợp.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ngân hàng cần học hỏi Fintech! (Bài đăng trên CafeF, 12/2/2019)

http://cafef.vn/ngan-hang-can-hoc-hoi-fintech-20190212143909765.chn

Sự phổ biến ngày càng tăng của các Fintech, từ các ngân hàng mới như N26 (nhà cung cấp dịch vụ mobile banking của Đức) đến những nhà cung cấp dịch vụ từng phần như Revolut, hay những đối thủ cạnh tranh trong một số phân khúc như Shine, đã làm nhiều người lo ngại rằng ngành ngân hàng nếu không đổi mới và sáng tạo thì chắc cũng sẽ đến ngày diệt vong.
Tuy nhiên, nếu xét về quy mô thì có lẽ ngày này còn rất xa. Revolut, một fintech tăng trưởng "thần tốc" của Anh thành lập năm 2015, cung cấp dịch vụ ngân hàng gồm thẻ ghi nợ trả trước (Master hay VISA), ngoại hối, đổi tiền mã hóa, và thanh toán ngang hàng, kỳ vọng sẽ đạt được 3 triệu khách hàng vào cuối năm 2018. Con số này quá nhỏ bé nếu đặt cạnh số lượng khách hàng hiện có của các ngân hàng truyền thống như Banco Satander vốn có đến hơn 113 triệu khách hàng tại hàng chục nước trên thế giới.
Nhưng dù rằng fintech rõ ràng không phải là đối thủ của ngân hàng truyền thống xét về mặt quy mô, điều này không có nghĩa là ngân hàng cứ ung dung tự tại mà không cần phải làm gì. Nếu xu hướng này tiếp diễn thì Ít nhất là ngân hàng sẽ cảm thấy bị ngáng chân, buộc phải chứng kiến một phần lợi nhuận và thị phần ngày càng lớn lẽ ra nắm trong tay phải nhường cho fintech. Cũng may là trên thực tế thì ngày càng có nhiều ngân hàng cũng đã và đang tích cực ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động của mình để nâng cao tính cạnh tranh với nhau và với fintech. Nhưng như vậy xem ra là chưa đủ.
Vậy ngân hàng cần và có thể làm gì?
Đơn giản là các ngân hàng hãy xem fintech làm gì và như thế nào, coi đó là một phòng thí nghiệm đổi mới bên ngoài để học hỏi theo. Với fintech, hình ảnh mà chúng tạo dựng thành công không phải là sự quan tâm, ưa thích của công chúng được thể hiện qua hàng loạt vụ gọi vốn "khủng" thành công hay sự tăng trưởng nhảy vọt của cơ sở khách hàng. Thay vào đó, người ta biết đến fintech như một ngân hàng không thu phí (dù trên thực tế, những dịch vụ miễn phí của fintech rất hữu hạn, và để tiếp cận được với hàng loạt dịch vụ khác của chúng cần phải trả phí hàng chục USD/tháng).
Nhưng fintech có những dịch vụ thực sự hấp dẫn như hệ thống chi trả bằng loại tiền mã hóa do người dùng tự chọn, là dịch vụ được đặc biệt ưa thích bởi các mạng lưới chia sẻ việc làm như WeWork, hay tiếp cận được với các dịch vụ bảo hiểm hay chuyển tiền ngang hàng được thực hiện qua ứng dụng trên điện thoại di động. Chúng cũng cung cấp các dịch vụ được thiết kế đặc biệt cho một số phân khúc khách hàng nhất định. Ví dụ, công ty Shine của Pháp cung cấp một giải pháp chuyên biệt giúp cho người làm việc tự do chào mời các dịch vụ từ đăng ký pháp lý đến nộp thuế (vốn rất lằng nhằng ở Pháp) mà việc đăng ký sử dụng cũng tương tự như với các mạng xã hội.
Do vậy, với những dịch vụ mới mẻ so với các dịch vụ của ngân hàng truyền thống, lại cực kỳ tiện lợi đi kèm với cảm nhận rõ rệt về giá trị gia tăng được tạo ra thì việc phải trả phí để sử dụng các dịch vụ của fintech vẫn rất xứng đáng.
Nếu các ngân hàng chỉ chạy theo fintech, chạy theo xu hướng mới nhằm lấp lỗ hổng trong hoạt động của mình bằng cách, ví dụ, tung ra "một dự án mới" bởi một cán bộ ngân hàng nào đó đang muốn cạnh tranh thu hút sự chú ý của lãnh đạo cấp cao đang phải thụ lý hàng ngàn dự án tương tự thì việc "đổi mới" này sẽ không mang lại hiệu quả kỳ vọng như so với các fintech vốn coi việc tung ra các dịch vụ này như là vấn đề mang tính sống còn của mình.
Ngân hàng truyền thống có thể phàn nàn hay đổ lỗi cho việc chậm đổi mới vì họ phải tuân thủ các quy định và luật lệ hiện hành. Tuy nhiên, tại sao các fintech lại có thể giúp người sử dụng dễ dàng mở và sử dụng tài khoản như thế mà vẫn an toàn, không tạo ra nhiều scandal nếu so với quy trình, thủ tục và thời gian mở và sử dụng tài khoản ngân hàng? Có ai trong số những nhà quản lý ngân hàng quan tâm đến fintech đã dành chút thời gian thử mở và sử dụng tài khoản cho tất cả các dịch vụ của fintech để có trải nghiệm thực tế và rút ra được bài học cho ngân hàng của mình? Có ai trong số này thực sự đặt ra câu hỏi ngân hàng mình cần phải làm gì và như thế nào để có được những dịch vụ tương tự như vậy? Có bao nhiêu người trong ngân hàng truyền thống đã và đang thực sự nghiên cứu mô hình fintech lấy đó làm nguồn ý tưởng cho đổi mới và phát triển? Hay họ đang quá bận rộn với những chuyện khác dường như là quan trọng hơn?
Trả lời được những câu hỏi trên một cách thấu đáo thì các ngân hàng sẽ biết mình phải làm gì, bắt đầu từ đâu và như thế nào để tự làm mới mình một cách thực chất, theo kịp được trào lưu mới trong thời đại 4.0 tưởng như xa xôi ở đâu đó.

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).