Thursday 29 August 2019

Trái phiếu doanh nghiệp: Rủi ro nhưng vẫn phải chấp nhận cuộc chơi (Bài đăng trên TBKTSG, 29/8/2019)

https://www.thesaigontimes.vn/td/293330/trai-phieu-doanh-nghiep-rui-ro-nhung-van-phai-chap-nhan-cuoc-choi-.html


Hiện nay, tình trạng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ồ ạt với lãi suất cao, đặc biệt là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, đang làm quan ngại các cơ quan chức năng không chỉ bởi rủi ro mang đến cho người mua, ngày càng chiếm tỷ trọng lớn là cá nhân, mà còn cho cả ngân hàng với tư cách là tổ chức bảo lãnh phát hành và/hoặc thanh toán, cũng như tư cách nhà đầu tư, nắm giữ trái phiếu. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có văn bản về việc kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Nguồn cơn của nỗi quan ngại nói trên chủ yếu xuất phát từ rủi ro nội tại của trái phiếu doanh nghiệp được phát sinh bởi không có tài sản thế chấp (hoặc có thì cũng là tài sản “giấy”) và không được xếp hạng tín nhiệm. Do vậy, khi xảy ra một sự đổ vỡ nào đó thì trái chủ chỉ còn biết “bắc thang lên hỏi ông trời”. Không chỉ có vậy, đổ vỡ ở khu vực doanh nghiệp sẽ lan sang khu vực tài chính, ngân hàng và kết cục là lan ra toàn bộ nền kinh tế thực.

Thực ra, những rủi ro như trên là tất yếu, song hành với sự tồn tại của trái phiếu doanh nghiệp. Nói cách khác, đã chấp nhận cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì cũng phải (biết) chấp nhận những rủi ro nói trên.

Về khái niệm và bản chất, trái phiếu doanh nghiệp thường/phải mời chào một lãi suất cao hơn là lãi suất từ các khoản đầu tư cố định như tiền gửi kỳ hạn tại ngân hàng. Điều này là do nó có nhiều rủi ro hơn. Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp (tiếng Anh gọi là corporate bond) chính là debenture, có nghĩa là một loại trái phiếu doanh nghiệp không được bảo lãnh bằng tài sản thế chấp. Nhà đầu tư vào trái phiếu này phải gánh chịu không chỉ rủi ro về lãi suất mà còn cả rủi ro về tín dụng, là rủi ro mà doanh nghiệp phát hành trái phiếu mất khả năng chi trả cho trái phiếu của mình.

Vì vậy, nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần phải biết đánh giá rủi ro tín dụng và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Và cần không chỉ nhận thức được rằng lãi suất tăng lên sẽ làm giảm giá trị khoản đầu tư vào trái phiếu của mình, mà còn phải sẵn sàng đón nhận khả năng mất sạch tiền đầu tư khi doanh nghiệp vỡ nợ. Trong nhiều trường hợp, trái chủ có thể may mắn nhận lại một phần khoản đầu tư của mình, nhưng thờng chỉ là với tỷ lệ vài phần trăm mang tính... an ủi là chính.

Đó là chưa kể đến hàng loạt rủi ro khác gắn liền với trái phiếu doanh nghiệp như rủi ro cho trái chủ khi doanh nghiệp triệu hồi trái phiếu (khi, ví dụ, lãi suất trên thị trường giảm đi), khi lạm phát tăng lên (làm giảm giá trị trái phiếu), hoặc rủi ro thanh khoản (trái chủ cần bán trái phiếu nhưng không/khó bán vì ít/không có người mua).

Như vậy, một khi Nhà nước  chấp nhận cho trái phiếu doanh nghiệp tồn tại, tức hợp pháp hóa trái phiếu doanh nghiệp, thì vấn đề còn lại chỉ ở phía bên mua – nhà đầu tư, với câu hỏi, làm thế nào để giảm thiểu rủi ro đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp?

Giảm rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có nhiều cách. Nhà đầu tư có thể đa dạng hóa tài sản của mình, trong đó trái phiếu doanh nghiệp chỉ là một hạng mục đầu tư. Họ cũng có thể đa dạng hóa hạng mục trái phiếu nắm giữ, ví dụ trái phiếu với kỳ hạn khác nhau, hoặc trái phiếu doanh nghiệp cùng với trái phiếu Chính phủ và trái phiếu đô thị...

Tất nhiên, sẽ có những nhà đầu tư mạo hiểm, thà đầu tư với lợi nhuận cao, rủi ro cao chứ không thích an toàn nhưng lợi nhuận thấp. Trường hợp này thì nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận “canh bạc” trái phiếu doanh nghiệp mà không có chút bận tâm đến những thứ “xa xỉ” như xếp hạng tín nhiệm, tình hình, triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp...

Do vậy, nhà đầu tư, kể cả là nhà đầu tư tổ chức như ngân hàng, khi đã chấp nhận cuộc chơi mang tên “trái phiếu doanh nghiệp” thì phải “quán triệt” tinh thần lợi nhuận cao thì rủi ro cao. Ở trên nghĩa này thì trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành hay không thì cũng không quan trọng và cũng không cần phải bận tâm (ít nhất thì việc phát hành của họ cũng là hợp pháp). Nhà nước không cần phải lên tiếng hoặc có hành động can ngăn/can thiệp để làm nhà đầu tư bớt “tham lam”, bởi nếu làm như vậy thì sẽ “không xuể”, sẽ phải can ngăn người dân đừng đầu tư vào chứng khoán, vàng, xổ số, cá cược (hợp pháp), thậm chí góp vốn mở doanh nghiệp...

Thay vào đó, điều Nhà nước cần làm là ban hành đầy đủ các văn bản chế tài và giám sát tuân thủ với các doanh nghiệp phát hành và tổ chức bảo lãnh, nhấn mạnh vào việc minh bạch hóa thông tin theo luật định để nhà đầu tư có đầy đủ dữ liệu để làm cơ sở phân tích, nếu muốn, cho các quyết định đầu tư của mình.

Với rủi ro hệ thống cho ngân hàng, việc NHNN yêu cầu ngân hàng thương mại kiểm soát rủi ro trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp như trong văn bản nói trên cũng là hợp lý, xuất phát từ chức năng kiểm soát rủi ro hệ thống của họ. Điều cần lưu ý là liên quan đến trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, NHNN chỉ yêu cầu một cách rất định tính là “kiểm soát chặt chẽ” chứ không cấm đoán, ngăn cản bằng việc dựng nên các chỉ tiêu định lượng cụ thể mang tính thắt chặt hơn. (1) 

Sự định tính trong văn bản trên cho thấy hai điều. Thứ nhất, có thể NHNN hiểu rằng doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu là quyền luật định của họ (miễn là họ tuân thủ luật pháp hiện hành trong việc phát hành) nên không thể cấm ngân hàng thương mại đầu tư vào một sản phẩm tài chính hợp pháp. Nhưng do nếu NHNN không có hành động cấm hay ngăn cản thì sợ sẽ bị coi là không làm tròn vai nhà quản lý nên dẫn đến điều thứ hai. NHNN bằng việc ra văn bản trên (và những văn bản tương tự trước đó) đánh tiếng cho thị trường biết họ đang “quan ngại”!

Thực tế, và cũng liên quan đến sự định tính, định lượng nêu trên, như đã biết, NHNN đang trong quá trình dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36 sửa đổi một số quy định liên quan đến tỷ lệ an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại (EM KIỂM TRA LẠI GIÚP ANH XEM ĐÃ BAN HÀNH CHÍNH THỨC CHƯA NHÉ). Theo đó, sẽ giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, đồng thời tăng hệ số rủi ro cho khoản vay bất động sản có dư nợ lớn. Dự thảo này vấp phải sự phản đối khá mạnh mẽ của thị trường nên chưa biết có sửa đổi gì nữa trước khi được thông qua hay không.

Nhưng điều rút ra ở ngay dự thảo này là NHNN dù có muốn trực diện “tấn công” lĩnh vực bất động sản thì cũng chỉ gián tiếp làm như vậy, trong phạm vi quyền lực và chức năng của mình, thông qua điều chỉnh hệ số rủi ro và giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn (mà biết chắc một phần đáng kể là cho vay dự án bất động sản).

Nếu ngân hàng thương mại đảm bảo được vốn để đáp ứng được những yêu cầu cao hơn này thì họ cứ “vô tư” mà cho vay bất động sản, nếu muốn. Còn việc đáp ứng những yêu cầu định lượng trong văn bản của NHNN nói trên thì, với ngân hàng thương mại, chỉ là chuyện nhỏ vì họ lúc nào cũng có thể trình ra những chứng cớ đã “tăng cường”, “tích cực”, “nâng cao”, “tập trung rà soát”... Trên hết, ngay cả khi NHNN muốn thanh tra, kiểm tra thì ngân hàng thương mại cũng biết cách đối phó, che mắt các hạn mức, tỷ lệ này. (1)

Nói tóm lại, rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp là có thật, và thậm chí là lớn (và đang tăng lên), nhưng là điều cần được coi là bình thường, phải chấp nhận (sau khi đã siết chặt việc tuân thủ pháp luật trong phát hành), trừ khi đóng sập cửa thị trường trái phiếu doanh nghiệp để khỏi có rủi ro.

Việc NHNN hay các cơ quan chức năng “quan ngại”, muốn siết thị trường trái phiếu, nhất là của doanh nghiệp bất động sản cũng là điều có thể hiểu được. Nhưng việc siết này có hiệu quả đến đâu là điều bỏ ngỏ, bởi nếu muốn thì ngân hàng thương mại vẫn “lách” được và, quan trọng hơn, cơ quan chức năng chỉ có thể siết trong phạm vi hạn hẹp cho phép của pháp luật.
(1) http://vneconomy.vn/con-khat-trai-phieu-doanh-nghiep-bom-no-cham-20190823083158143.htm

Wednesday 28 August 2019

VND sẽ đi về đâu? (Bài đăng trên CafeF, 28/8/2019)

http://cafef.vn/vnd-se-di-ve-dau-20190828112135031.chn


Suốt mấy tháng nay tỷ giá USD/VND luôn nhận được sự quan tâm xen lẫn lo ngại chủ yếu bởi sự thăng trầm của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đúng hơn là theo “tâm trạng” trồi sụt của Tổng thống Mỹ Trump đối với Trung Quốc.

Sự quan tâm này càng trở nên đáng kể hơn khi trên thực tế, tỷ giá USD/VND khá ổn định bất chấp đồng Nhân dân tệ (CNY) Trung Quốc đã liên tục cán mốc thấp kỷ lục mới trong cả thập kỷ qua. Bởi, theo lẽ thường thì VND sẽ phải chịu sức ép lớn và rốt cuộc phải suy yếu theo CNY.

Tuy nhiên, như đã nhận định trong bài viết bởi cùng tác giả hơn 3 tháng trước đây (1), do có nhiều yếu tố triệt tiêu lẫn nhau, từ sự biến động trái chiều của các đồng tiền chủ chốt trong khu vực và trên thế giới đến chủ ý can thiệp sớm và chủ động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để ngăn chặn tâm lý đầu cơ (mặc dù về trung hạn NHNN vẫn muốn sự mất giá vừa phải của VND) nên mọi biến động tăng hoặc giảm của tỷ giá USD/VND trong ngắn hạn (tính bằng tháng) sẽ nhanh chóng đảo chiều chứ không thể kéo dài thành xu hướng. Trên thực tế, tỷ giá VND/USD đã diễn biến đúng như vậy, biến động có lên và xuống trong biên độ hẹp +/-100-200 đồng kể từ đó đến nay.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu trong những tháng tới, chẳng hạn tính từ nay đến cuối năm, tỷ giá USD/VND liệu có tiếp diễn xu hướng lình xình này hay sẽ tăng vọt, “ăn theo” sự mất giá của CNY so với USD?

Để trả lời câu hỏi trên thì cần phải xem liệu các yếu tố giải thích cho sự ổn định tương đối của VND trong những tháng vừa qua có còn tiếp tục có hiệu lực trong thời gian tới, và đã và sẽ có thêm những yếu tố mới nào hỗ trợ hay “dìm” VND hay không.

Trước tiên, cần phải lặp lại rằng do thương chiến nên bản thân USD cũng là nạn nhân, cũng trồi sụt so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới cũng là các đồng tiền tham chiếu cho VND. Ngược lại, dù có một số đồng tiền thế giới và khu vực mất giá so với USD như đô la Singapore (SGD), won Hàn Quốc (KRW), đô la Úc (AUD), đô la Đài Loan (TWD), euro (EUR), bảng Anh (GBP), và ringgit Malaysia (MYR), thì cũng có những đồng tiền khác (ít nhiều có liên quan đến VND) tăng giá so với USD mà rõ nét nhất là đồng baht Thái (THB), yen Nhật (JPY), rupiah Indonesia (IDR), peso Philippine (PHP), franc Thụy Sĩ (CHF) v.v... Tóm lại là cán cân tương đối thăng bằng giữa hai nhóm đồng tiền tăng và giảm giá so với USD.

Xét trong những tháng tới thì chẳng có lý do hay cơ sở gì để tin chắc rằng những đồng tiền đang tăng giá so với USD sẽ quay đầu giảm giá theo đà của những đồng tiền yếu khác và theo đà của CNY. Bởi không chỉ nếu đơn giản vậy thì các đồng tiền này đã phải suy yếu đi trong mấy tháng qua chứ không phải đợi đến mấy tháng nữa, mà còn bởi nhiều khi đồng bản tệ của một nước cứ mạnh lên bất chấp ý chí của ngân hàng trung ương nước đó không muốn thấy đồng tiền của mình lên giá. Điển  hình cho chuyện này là JPY và CFH, với tư cách là hầm trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trên thế giới.

Tiếp đến, xét yếu tố nội tại, chính sách tiền tệ của NHNN. Nói gì thì nói, một điều có thể hầu như khẳng định được rằng thời điểm hiện tại và trong các tháng tới hầu như sẽ không có chuyện nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất VND của NHNN. Chính sách thận trọng này có lẽ được bắt nguồn từ và hậu thuẫn bởi một số yếu tố đan xen lẫn nhau.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế hiện tại và trong những quý tới, kể cả khi thương chiến đạt cao trào, có lẽ sẽ không còn là mối bận tâm lớn nữa nên lý do thuyết phục nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng như mọi khi trở nên không còn thuyết phục nữa. Đương nhiên là tăng trưởng kinh tế có phần thuận lợi là do những yếu tố như FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam một phần với tư cách là điểm đến để “tránh bão” (hay tránh thuế) chừng nào mà rủi ro thương chiến vẫn còn đó.

Bên cạnh đó, bất chấp lãi suất huy động đã và đang ngày càng nóng hơn, gây áp lực lên lãi suất cho vay nhưng trừ một số ngành và đối tượng doanh nghiệp thường hay phàn nàn về chuyện khó tiếp cận vốn ngân hàng kể cả lúc “thời bình” thì hiện nay nhìn chung tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế, của doanh nghiệp không khó khăn hơn nhiều so với trước đây, nếu có. Cộng thêm với chuyện lãi suất cao có tác dụng kiềm chế lạm phát, điều này càng làm cho NHNN ít có động cơ phải nới lỏng tiền tệ để “cứu” doanh nghiệp.

Đồng thời với lãi suất neo ở mức cao, tỷ giá USD/VND cũng nhờ đó mà trở nên ổn định tương đối, thậm chí giảm đi (VND mạnh lên). Thông thường, sẽ là một bận tâm chính sách lớn nếu bản tệ có xu hướng mạnh lên với USD và với nhiều đồng tiền khác bởi điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam thì xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu gì bị ảnh hưởng (có lẽ một phần được lợi bởi làn sóng FDI tránh thuế nêu trên).

Với NHNN, có lẽ họ không muốn gì hơn khi duy trì được một đồng tiền ổn định mà không làm ảnh hưởng đến các biến số vĩ mô chủ chốt khác như lạm phát, thâm hụt thương mại, tăng trưởng kinh tế. Và dù sao thì trong con mắt dư luận, đây là thước đó cho sự thành công của NHNN. Bởi vậy, trong bối cảnh mọi thứ đều xem ra rất ổn như hiện nay thì khó mà kỳ vọng, cá cược chính sách rằng NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá USD/VND theo hướng yếu đi của CNY, ít nhất vì NHNN không muốn có thêm rủi ro cho những thành quả/thành công của mình.

Tóm lại, điều kiện nội tại và bên ngoài hiện nay cho thấy có ít khả năng VND sẽ mất giá đáng kể trong những tháng cuối năm, bất chấp sự bất trắc và leo tháng của thương chiến cùng với đó là sự lao dốc của CNY.

(1) http://cafef.vn/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-vnd-se-di-ve-dau-2019051708520589.chn

Saturday 24 August 2019

Cổ phần hóa: vẫn giằng xé giữa các mục tiêu (Bài đăng trên TBKTSG, 25/8/2019)

https://www.thesaigontimes.vn/293063/co-phan-hoa-van-giang-xe-giua-cac-muc-tieu-.html


Có một vấn đề xem ra đã mang tính thời sự... trường kỳ, đến mức thành nhàm chán. Đó là việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Trong một năm và cứ như vậy kéo dài qua hàng thập kỷ nay, không biết bao nhiêu lần các cơ quan liên đới, các quan chức từ cấp vụ đến Phó Thủ tướng và Thủ tướng đưa ra kế hoạch, tìm giải pháp, đôn đốc, thúc giục, và thậm chí đe dọa sẽ “xử lý” cá nhân và tổ chức chậm chễ trong cổ phần hóa và thoái vốn. Nói thì cứ nói, dọa thì cứ dọa nhưng mọi việc chẳng mấy tiến triển so với mong muốn, với đủ loại lý do được đưa ra cũng đã trở thành quá quen thuộc, nhàm chán tương tự như cách người ta giải thích lý do các dự án đầu tư chậm chễ, đội vốn.

Tuy nhiên, có một điều cốt tử đằng sau việc lỡ kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước ít, hầu như không được đề cập đến. Nói tóm tắt trong mấy từ thì đó là xung đột mục tiêu.

Trên lý thuyết, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trước hết nhằm mục tiêu tối thượng là giảm thiểu nhanh chóng sự dính lứu của nhà nước vào các hoạt động kinh tế (thông qua các DNNN). Nhìn từ góc độ hiệu quả thì nhà nước là một nhà đầu tư, nhà quản lý tồi so với nhà đầu tư, nhà quản lý tư nhân. Bản chất của sự yếu kém này nằm ở chế độ sở hữu “cha chung không ai khóc”, do đó nguyên tắc “đồng tiền đi liền khúc ruột” bị vi phạm. Tiền nhà nước mang đầu tư là tiền của dân, nhưng/nên hầu như không một “người nhà nước” nào phải chịu trách nhiệm, phải bận tâm đến hiệu quả đầu tư. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả như nhà nước thất thoát vốn, thậm chí gánh thêm nợ nần phát sinh bởi DNNN, trong khi kinh tế tư nhân thì bị chèn ép...

Nhưng ngay cả khi thực hiện mục tiêu tối thượng trên thì bản chất sở hữu “cha chung không ai khóc” vẫn phát huy tác dụng, ở chỗ là do tiền không phải là của mình nên những người có trách nhiệm hoặc là thực hiện theo kiểu “ném tiền qua cửa sổ”, hoặc là lợi dụng để trục lợi. Sự thể này lại dẫn đến mục tiêu cũng là tối thượng thứ hai là cổ phần hóa và thoái vốn (nhanh chóng, đúng kế hoạch) nhưng không được làm thất thoát vốn nhà nước. Thế là người nọ nhìn người kia để rồi rốt cục “bất cập cơ chế” là thủ phạm chính được chỉ ra để giải thích cho mọi sự chậm chễ. Do thủ phạm này có danh nhưng không có (hình hài) thực nên có lẽ nó sẽ còn tồn tại dài dài ít nhất cho đến chừng nào mà “cơ chế” thay đổi về chất.

Chưa hết, trong bối cảnh ngân sách nhà nước luôn chi nhiều thu ít thì cổ phần hóa, thoái vốn trở thành một cái phao cứu sinh cho ngân sách. Nên lẽ đương nhiên là cổ phần hóa, thoái vốn có thêm một mục tiêu tối thượng thứ ba là tối đa hóa lợi ích cho nhà nước (tối đa hóa tiền thu về ngân sách). Vậy là, (với việc sử dụng nhiều thủ thuật), trong nhiều trường hợp DNNN và cổ phần nhà nước trong doanh nghiệp được định giá trên trời, với điều kiện để mua cổ phần khó nhằn, mang tính loại trừ cao. Đương nhiên là cổ phần hóa và thoái vốn cũng vì thế mà “đi bộ” trường kỳ!

Để khắc phục được sự xung đột mục tiêu trên thì phải phân loại DNNN và vốn nhà nước phù hợp với từng mục tiêu cụ thể. Chẳng hạn, DNNN nào, vốn nhà nước ở doanh nghiệp nào đang thua lỗ, bết bát, bên bờ phá sản mà không được phá sản thì cần phải được phép cổ phần hóa và thoái vốn khẩn trương bằng mọi giá, kể cả giá 1 đồng. Với những DNNN, vốn nhà nước còn lại, nguyên tắc giảm giá và nới lỏng điều kiện cần được áp dụng qua mỗi lần đấu giá cho đến khi cổ phần hóa, thoái vốn thành công.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là ai sẽ (có trách nhiệm, dũng cảm) thực hiện việc phân loại trên? Bởi người này có rủi ro lớn là sẽ phải hứng chịu hậu quả mỗi khi các trường hợp cổ phần hóa, thoái vốn được xét lại. Kể cả khi làm một cách trung thực, công tâm thì vẫn có rủi ro khi cấp dưới không như vậy trong việc đề xuất, “tham mưu” mà cấp trên không nhận biết được. Trong “cơ chế” hiện nay thì xem ra câu trả lời là bỏ ngỏ.

Liên quan đến vấn đề trên là chuyện sử dụng tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Gần đây có một số đề xuất thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn và dùng vốn này đầu tư vào một số dự án như giao thông, cảng biển... Với nhiều người, đây là một bài toán khó, bởi áp lực vốn nhà nước lớn trong khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước lại rất chậm chạp, thậm chí bế tắc trong nhiều trường hợp.

Tuy nhiên, trong khi không phủ nhận cái khó của nhà nước, các tiền đề trong bài toán trên cần được đặt lại cho phù hợp hơn. Thứ nhất, vốn thu về từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải được tập trung vào ngân sách. Về phía chi, vốn này không phải là để chi cụ thể cho một dự án nào theo kiểu “đồng này mua mắm, đồng này mua muối”, mà phải thực hiện theo các nguyên tắc chi ngân sách chung.

Thứ hai, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cần song hành với nguyên tắc nhà nước giảm thiểu các hoạt động đầu tư, và/hoặc sở hữu doanh nghiệp, dự án, cổ phần mới. Do đó, việc nhà nước trực tiếp đầu tư vào một dự án nào đó, kể cả có được dán nhãn “cấp thiết”, nhất là sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ một doanh nghiệp cụ thể nào đó, là điều nên tránh. Thay vào đó, nhà nước chỉ dùng các công cụ pháp lý để khuyến khích, hoặc “đặt hàng” nhà đầu tư tư nhân cho các dự án mong muốn.

Khi sửa lại được các tiền đề trên thì bài toán trên trở nên bớt khó hơn, bởi (i) trong số vô vàn dự án thuộc dạng “cấp thiết”, nhà nước buộc sẽ phải lựa ra một số dự án “cấp thiết hơn” phù hợp với khả năng chi ngân sách, đồng nghĩa là một số dự án “cấp thiết” sẽ không còn là cấp thiết, phải tiến hành ngay nữa; (ii) nhà nước không trực tiếp là nhà đầu tư, chủ đầu tư nên áp lực vốn lên ngân sách cũng vì thế mà giảm đi. Và cũng vì thế, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước sẽ đỡ bị vướng vào tình cảnh vừa phải làm nhanh, vừa phải thu được nhiều tiền mà lại không bị thất thoát. 

Friday 16 August 2019

Nếu không được quyền tiếp cận dữ liệu thì lấy gì mà kiểm toán! (Bài đăng trên TBKTSG, 16/8/2019)

https://www.thesaigontimes.vn/td/292803/neu-khong-duoc-quyen-tiep-can-du-lieu-thi-lay-gi-ma-kiem-toan.html


Mới đây,  Ủy ban thường vụ Quốc hội (Ủy ban) cho ý kiến về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kiểm toán nhà nước (KTNN). Dự luật cho phép KTNN trong quá trình kiểm toán có quyền truy cập dữ liệu của đơn vị chịu sự kiểm toán (1).

Lẽ đương nhiên là một dự luật đưa ra Quốc hội thì thường sẽ nhận được các ý kiến phản đối, “băn khoăn”, hoặc tán đồng. Dự luật trên cũng vậy. Nhưng điều đáng nói là các ý kiến nêu ra ra lại có sự khác biệt đáng kể liên quan đến phạm vi nội dung của dự luật.

Dữ liệu hay phần mềm quản lý?

Cụ thể, cũng theo bài báo (1), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu “băn khoăn về quyền của KTNN được truy cập phần mềm quản lý của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Cần lưu ý vấn đề này, xem kinh nghiệm quốc tế thế nào, bởi truy cập vào phần mềm của người ta có thể phạm đến bí mật đời tư, bí mật doanh nghiệp”. Tương tự, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lo ngại: “... tuy nhiên truy cập vào các phần mềm quản lý nội bộ lại là vấn đề cần quy định rõ”.

Cần lưu ý rằng khái niệm “phần mềm quản lý (nội bộ)” hoàn toàn khác với khái niệm “dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp”. Hãy hình dung phần mềm quản lý nội bộ này tương tự như, ví dụ, một hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Nhưng trong các sổ sách kế toán này có dữ liệu gì, đầy đủ và đúng đắn hay không thì lại phụ thuộc vào những kế toán viên và kế toán trưởng nhập dữ liệu doanh nghiệp vào trong sổ sách.

Do đó, nếu sự “băn khoăn” và lo ngại của ông Giàu và ông Hiển như nói trên được tường thuật chính xác thì câu hỏi cực kỳ quan trọng ở đây cần được trả lời ngay và trả lời gấp là vậy thì rốt cuộc dự luật trên cho phép KTNN truy cập cái gì trong hai thứ (i) dữ liệu, (ii) phần mềm quản lý (nội bộ) của đơn vị chịu sự kiểm toán?

Kinh nghiệm quốc tế

Bài báo (1) cũng đưa tin Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị quy định rõ KTNN có quyền truy cập nhưng phải đảm bảo danh dự, nhân phẩm, bí mật kinh doanh... của cá nhân, tổ chức chịu sự kiểm toán.

Như vậy, và kết hợp với sự phân tích ở trên, xem ra điều quan trọng, và quan ngại (một cách đúng đắn) và cái đích cuối cùng nhắm đến là chuyện truy cập, sử dụng các dữ liệu cá nhân, đơn vị chịu sự kiểm toán như thế nào, chứ không phải là chuyện truy cập phần mềm quản lý của đơn vị đó.

Liên quan đến vấn đề truy cập và sử dụng dữ liệu cá nhân, đơn vị chịu sự kiểm toán ở trên thế giới, có thể tham khảo ngay trường hợp của khối EU. Hiến chương về Quyền cơ bản của EU nêu rõ: “Mọi người đều có quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân về mình”. Do đó, Quy tắc Thực hành của Office of the Comptroller and Auditor General của EU (ở bài này gọi tắt là OCAG), có vai trò tương tự như KTNN, được xây dựng trên nguyên tắc này (2).   

Một mặt, phần Lời nói đầu của Quy tắc Thực hành của OCAG nêu rõ rằng họ có quyền luật định được tiếp cận dữ liệu và thông tin để đảm bảo rằng họ thực hiện hiệu quả chức năng theo luật (tức kiểm toán) của mình. Với họ, thông tin là xương sống trong quy tắc thực hiện công việc bởi công việc của họ là thường nhật kiểm tra các chứng từ, giấy tờ, phỏng vấn ban lãnh đạo, thanh kiểm tra, và xác nhận qua bên thứ ba... Nguồn chứng cứ đầu tiên chính là các giấy tờ, chứng từ của đơn vị được kiểm toán. Những giấy tờ, chứng từ này cũng chính là thông tin cá nhân bởi trong chừng mực nào đó thì thông tin đó là về các cá nhân đang có mặt trên đời.     

Hơn nữa, Quy tắc Thực hành của OCAG cũng trích dẫn Luật Kiểm toán (sửa đổi) năm 1993 cho phép OCAG có hàng loạt quyền như quyền thu thập dữ liệu và quyền xử lý dữ liệu...

Như vậy, Quy tắc Thực hành của OCAG đã gián tiếp và trực tiếp xác nhận và khẳng định quyền luật định của họ được tiếp cận dữ liệu, thông tin cần thiết về cá nhân, doanh nghiệp – vấn đề đang được đưa ra thảo luận nên hay không nên cho phép ở Việt Nam. Bởi vậy, điều quan trọng cần làm còn lại ở Việt Nam là cần quy định những nghĩa vụ nào cho KTNN liên quan đến dữ liệu cá nhân mà họ thu thập được.

Quy tắc Thực hành của OCAG cũng cho thấy nhiều chi tiết hữu ích liên quan đến nghĩa vụ nêu trên. Theo đó, KTNN cần phải đảm bảo cho đối tượng bị thu thập thông tin/dữ liệu cá nhân được quyền trong nhiều vấn đề, gồm có quyền được nghe KTNN giải thích lý do tại sao lại thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân của họ; quyền tiếp cận thông tin (tức dữ liệu về bản thân người đó đã được KTNN lưu giữ); quyền sửa đổi lại dữ liệu cá nhân của mình; quyền xóa dữ liệu (quyền được lãng quên); quyền được hạn chế việc xử lý dữ liệu cá nhân...

Về phía KTNN, cần phải đảm bảo tiếp cận dữ liệu cá nhân được giới hạn ở những người có trách nhiệm và chỉ được tiếp cận trong phạm vi cần thiết cho công việc của người đó. Ngoài ra, việc bảo mật thông tin cần được đảm bảo tuyệt đối, không được thất thoát, rò rỉ ra bên ngoài qua bất kỳ kênh nào theo đúng quy định của, ví dụ, Nguyên tắc Bảo vệ Dữ liệu cũng như các điều khoản liên quan trong Quy tắc Thực hành...

Tóm lại, dự luật về KTNN cần được thống nhất thông qua về điều khoản trao quyền cho KTNN tiếp cận và xử lý các dữ liệu, thông tin về cá nhân và tổ chức. Đồng thời, dự luật cũng cần quy định đầy đủ và chi tiết các nghĩa vụ của KTNN trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, mà có thể dễ dàng tham khảo thực tế ở nước ngoài.  

(1) https://tuoitre.vn/kiem-toan-co-quyen-truy-cap-toan-bo-du-lieu-ca-nhan-doanh-nghiep-20190812102449481.htm
(2) https://www.audit.gov.ie/en/Management-of-Personal-Data/Code-of-Practice-Protection-of-Personal-Data.pdf

Friday 9 August 2019

Chi khống, cho vay qua thẻ tín dụng đáng lo tới đâu? (Bài đăng trên TBKTSG, 10/8/2019)

https://www.thesaigontimes.vn/td/292460/chi-khong-cho-vay-qua-the-tin-dung-dang-lo-toi-dau.html


Gần đây rộ lên chuyện ngân hàng phát hành thẻ tín dụng chào mời khách hàng vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng, rồi chuyện chủ thẻ tín dụng cho thuê thẻ tín dụng, thanh toán hộ (thanh toán/chi khống)...

Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành thì các chuyện nói trên đều “có gì đó sai sai”, bởi theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trong cuộc họp báo Chính phủ mới đây thì Thông tư 19 banh hành vào tháng 6/2016 có quy định hành động thanh toán khống thẻ tín dụng là hành vi bị cấm và khi là hành vị bị cấm thì sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định 96 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Nhưng tại sao hành vi thanh toán khống (và cho vay qua thẻ) lại bị cấm thì Thông tư 19 hay các văn bản pháp luật khác không giải thích rõ. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, giải thích thêm: “Về nguyên tắc, thẻ tín dụng chỉ được sử dụng để thanh toán hoặc rút tiền tại máy ATM. Tuy nhiên, việc rút tiền mặt không được khuyến khích. Việc một số ngân hàng thương mại mời gọi người dân mở thẻ tín dụng, phê duyệt hạn mức cho vay rồi chuyển hạn mức đó vào tài khoản cá nhân thay thế cho việc phê duyệt một khoản vay thông thường, làm méo mó thị trường” (1).

Chiếu theo giải thích trên thì cái “sai” của việc cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng hay thanh toán khống thẻ tín dụng được phán định trên “nguyên tắc” là thẻ tín dụng chỉ được sử dụng để thanh toán hoặc rút tiền tại máy ATM.

Nhưng nguyên tắc trên liệu có đúng, có hợp lý?

Liên quan đến câu trả lời cho câu hỏi trên, xin nêu hai ví dụ cụ thể có tôi trong đó. Ví dụ thứ nhất là trong một chuyến đi đến Sydney, Úc, mấy năm về trước. Tại khách sạn, do hết tiền mặt nên tôi có hỏi cô lễ tân rằng có thể đổi tiền ở khách sạn không. Cô cho biết là khách sạn không có dịch vụ đổi tiền. Nhưng thấy tôi nhăn nhó khổ sở bởi không biết đổi tiền ở đâu ngoài phố, cô nói tôi đưa thẻ tín dụng cho cô để cô rút tiền hộ bằng một giao dịch sử dụng dịch vụ khống nào đó của khách sạn, theo đó cô đưa tôi số tiền cần thiết mà không tính thêm phí giao dịch (đương nhiên trừ những phí mà ngân hàng phát hành thẻ ở Singapore quy định). 

Ví dụ thứ hai, tôi thường nhận được điện thoại từ nhiều ngân hàng khác nhau ở Singapore mời chào vay tiền qua thẻ tín dụng, gọi là “balance transfer”, theo đó ngân hàng sẽ ghi nợ vào thẻ tín dụng của tôi và ghi có vào tài khoản cá nhân của tôi số tiền muốn vay trong hạn mức chi tiêu tối đa của thẻ tín dụng mà ngân hàng phát hành cấp cho tôi (tính dựa trên thu nhập). Lãi suất vay kiểu này cực kỳ cạnh tranh, chỉ khoảng 2%-2,2%/năm (đã gồm phí giao dịch) cho khoản vay ấn định kỳ hạn 6 tháng. Nếu quá thời hạn thanh toán 6 tháng mà tôi không trả được hết nợ thì số dư còn lại sẽ bị áp dụng lãi suất như với các khoản chi tiêu thông thường bằng thẻ tín dụng quá hạn thanh toán, khoảng 26%/năm. Tôi cũng đã có vài lần vay theo kiểu này một số tiền lớn để đầu tư (thậm chí vay gối đầu giữa các ngân hàng), và mọi chuyện đều suôn sẻ.

Từ hai ví dụ trên có thể thấy rằng “nguyên tắc” về cho vay qua thẻ tín dụng và chi khống thẻ tín dụng được hiểu và áp dụng như ở Việt Nam là không hoàn toàn giống như trên thế giới. Nói các khác, một số nguyên tắc về thẻ tín dụng đang được áp dụng hạn hẹp hơn ở Việt Nam so với thế giới. Cho nên, ở đây cần thống nhất một nguyên tắc là nếu cái “nguyên tắc” của Việt Nam khác biệt với thế giới thì Việt Nam cần thiết phải xem xét sửa cái “nguyên tắc” của mình, nếu thấy hợp lý. Không nên đơn thuần cấm đoán một hành vi nào đó chỉ vì hiểu chưa đầy đủ, hoặc thích cấm là cấm (vì những quan ngại và tác hại, nhưng không xác đáng, nêu dưới đây).  

Có lẽ điều gây quan ngại cho các cơ quan chức năng Việt Nam trưóc các hành vi cho vay qua thẻ tín dụng và chi khống thẻ tín dụng là những tác hại có thể có của những hành vi này mang đến cho xã hội. Điểm lại ý kiến của giới chuyên gia, quan chức và báo chí, các hành vi trên có thể gây ra những quan ngại, tác hại sau.

Thứ nhất, sở dĩ một số ngân hàng cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng là do các ngân hàng này có thị phần thẻ thấp, để cạnh tranh với các “ông lớn” khác họ phải triển khai loại hình cho vay này (2).

Nếu nhận định trên là đúng thì các “ông lớn” cũng hoàn toàn có thể/nên dùng hành vi tương tự để cạnh tranh với các ngân hàng nhỏ nhằm giữ thị phần. Nên việc nêu rằng các ngân hàng nhỏ đang cho vay qua thẻ chưa chứng minh được điều gì, nhất là liên quan đến tác hại của việc cho vay qua thẻ.

Thứ hai, ngân hàng cho vay qua thẻ là cạnh tranh trực tiếp (không lành mạnh? – người viết) với công ty cho vay tiêu dùng mà không cần chứng minh năng lực tài chính (trong khi người vay muốn vay từ công ty cho vay tiêu dùng thì phải chứng minh chuyện này) (2).

Nhận định trên là sai vì ngay từ đầu, khi mở thẻ tín dụng, ngân hàng đã yêu cầu và được chủ thẻ cung cấp đầy đủ giấy tờ, bằng chứng để ngân hàng nắm được nhân thân, thu nhập... của chủ thẻ. Ngân hàng nếu cho vay qua thẻ thì cũng sẽ  chỉ cho vay trong hạn mức dựa trên thu nhập của chủ thẻ.

Thứ ba, việc cho thuê thẻ, chi khống thẻ tín dụng gây ra hậu quả thực tế như chủ thẻ đã thanh toán xong hàng hóa, dịch vụ do người thuê thẻ mua nhưng người thuê thẻ không trả tiền cho chủ thẻ; người thuê thẻ tìm cách đánh cắp thông tin thẻ, lừa chủ thẻ đến địa chỉ bố trí sẵn để ghi lại thông tin thẻ... (3).

Những rủi ro trên là có thật nhưng chúng không chỉ là hậu quả duy nhất của việc cho thuê thẻ, chi khống thẻ tín dụng. Cùng một logic, do đã có nhiều trường hợp tiền trong thẻ (các loại) “không cánh mà bay”, vậy có nên cấm phát hành và sử dụng tất cả các loại thẻ và dịch vụ liên quan đến thẻ để đảm bảo an toàn cho người dùng?

Thứ tư, (theo đại diện Hội Thẻ Việt Nam), cho thuê thẻ về bản chất cũng giống như “vay ké” đã từng xảy ra. Ngân hàng không khuyến khích vì ngoài rủi ro cho chủ thẻ còn có thể xảy ra rủi ro cho ngân hàng khi chủ thẻ thông qua hình thức này rút tiền mặt quá hạn mức, sau đó chi xài hết mà không có khả năng thanh toán...(3).

Lý do trên là bất hợp lý, bởi, như đã nói ở trên, ngân hàng khi mở thẻ tín dụng bao giở cũng phải cấp cho chủ thẻ một hạn mức chi tiêu tối đa dựa trên chủ yếu là mức thu nhập. Nên dù chủ thẻ có tự chi tiêu hay cho thuê thẻ, rút tiền hộ người khác thì tổng số tiền rút ra được, về nguyên tắc, sẽ không thể vượt quá hạn mức ngân hàng đã cấp cho chủ thẻ, do đó giảm thiểu mất khả năng thanh toán. Tất nhiên, luôn có rủi ro là chủ thẻ chi tiêu, rút tiền ngay cả cho bản thân, ngay cả trong hạn mức nhưng vẫn không có khả năng thanh toán bởi vô vàn lý do. Nhưng việc mất khả năng thanh toán này không phải là hậu quả trực tiếp và duy nhất của việc cho thuê thẻ, chi khống thẻ.

Thứ năm, vệc một số ngân hàng mời gọi người dân mở thẻ tín dụng, phê duyệt hạn mức cho vay rồi chuyển hạn mức đó vào tài khoản cá nhân thay thế cho việc phê duyệt một khoản vay thông thường, làm ảnh hưởng tới thị trường, không phù hợp với chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ (2).

Không rõ việc ngân hàng chuyển hạn mức cho vay thẻ tín dụng vào tài khoản cá nhân sẽ “làm ảnh hưởng tới thị trường” như thế nào, bởi cũng như nêu trong ví dụ cá nhân ở trên, đây là việc làm bình thường ở nước ngoài. Chưa hết, việc cho vay qua thẻ như vậy không nhất thiết đi ngược lại chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, bởi tiền chỉ được chuyển từ (loại hình) tài khoản này sang (loại hình) tài khoản khác, chứ không phải giải ngân trực tiếp cho người vay (chủ thẻ) bằng tiền mặt. Sau đó, người vay vẫn có thể chi tiêu bằng cách chuyển khoản hay rút tiền mặt, như các trường hợp thông thường khác, chẳng hạn trả lương qua tài khoản.

Tóm lại, để thuyết phục thị trường, có lẽ NHNN cần phải có những luận cứ sắc bén hơn để vạch ra những tác hại cụ thể của việc cho vay qua thẻ, từ đó chứng tỏ việc cấm như trong Thông tư 19 là xác đáng. Nếu không, có lẽ NHNN cũng cần xem xét thực tế trên thế giới để có thêm các quy định áp  dụng cho vay qua thẻ, chi khống thẻ tín dụng...

 

(1) http://cafef.vn/lach-luat-rut-tien-the-tin-dung-20190722065925406.chn

(2) http://cafef.vn/chan-lach-luat-cho-vay-qua-the-tin-dung-20190728102254406.chn

(3) http://cafef.vn/om-no-vi-cho-thue-the-tin-dung-20190802072946875.chn

Monday 5 August 2019

Chủ động phòng ngừa rủi ro từ các Fintech (Bài đăng trên TBKTSG, 5/8/2019)

https://www.thesaigontimes.vn/td/292187/chu-dong-phong-ngua-rui-ro-tu-cac-fintech-.html

Mới đây Hong Kong Monetary Authority – HKMA (có chức năng như ngân hàng trung ương của Hong Kong) đã lên tiếng cảnh báo rủi ro rửa tiền đã tăng lên từ 2 năm qua trong một số phân khúc hoạt động của các Fintech kinh doanh công cụ lưu giữ giá trị như Alipay hay WeChat, gồm rút tiền ở nước ngoài, chuyển tiền xuyên biên giới, và chuyển tiền ngang hàng (giữa các cá nhân, P2P).   
HKMA bắt đầu cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp kinh doanh công cụ lưu trữ giá trị (SVF) từ năm 2016 và đến nay đã cấp phép tổng cộng cho 16 doanh nghiệp như vậy, trong đó có Octopus, WeChat Pay, Paypal và Alipay v.v... Các doanh nghiệp này buộc phải tuân thủ quy chế phòng chống rửa tiền (AML) do HKMA đặt ra.
Theo dõi quá trình hoạt động của SVF, HKMA nhận thấy phần lớn các nghiệp vụ cung ứng bởi SVF có mức độ rủi ro thấp. Tuy vậy, HKMA đánh giá cấp độ rủi ro liên quan đến AML và tài trợ khủng bố của SVF là ở cấp trung (NV: có 3 cấp - thấp, trung và cao). HKMA xác định rủi ro AML và tài trợ khủng bố chủ yếu tập trung ở những SVF dựa trên nền tảng kết nối được dùng cho nhiều hành động bất hợp pháp như nạp tiền ở nước ngoài có nguồn gốc bất minh vào các thẻ ghi có, và được rút ra bằng tiền mặt ở những nước có rủi ro cao, hoặc chức năng chuyển tiền ngang hàng P2P của SVF bị lợi dụng cho hoạt động cá cược bất hợp pháp.
Các doanh nghiệp kinh doanh SVF đã chủ động báo cáo khoảng 1.200 giao dịch đáng ngờ trong vòng 2 năm qua, từ tháng 11/2016 đến 12/2018, chủ yếu là các giao dịch trong đó tiền được dùng để mua các hàng hóa bất hợp pháp trên mạng, để đánh bạc và cá cược bất hợp pháp hoặc các hành vi liên quan đến rửa tiền như rút tiền mặt ở nước ngoài.
Dựa trên đánh giá và hiểu biết riêng của các doanh nghiệp kinh doanh SVF, HKMA ước tính có đến 1/3 giao dịch đáng ngờ là liên quan đến các hành vi phạm pháp nói trên. Một số giao dịch đáng ngờ khác thì được cho là có liên quan đến dịch vụ kiều hối lậu, buôn bán ma túy và buôn lậu.
Điều đáng nói ở đây là phương cách tiếp cận vấn đề của HKMA. Mặc dù mức độ rủi ro của nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố đã đạt cấp độ quan ngại, cần phải hành động, HKMA đã không chọn cách tiêu cực là thu hẹp hoạt động, cắt giảm bớt nghiệp vụ hoặc thậm chí là rút lại giấy phép hoạt động cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh SVF theo nguyên tắc khá phổ biến ở Việt Nam là “không quản được thì cấm”.
Thay vào đó, HKMA xác định việc cần làm là củng cố khuôn khổ quy chế để giảm thiểu khiếm khuyết đã được nhận diện cũng như mức độ rủi ro chung của SVF, đặc biệt liên quan đến các nghiệp vụ như rút tiền ở nước ngoài, chuyển tiền xuyên biên giới, và P2P, nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo duy trì chức năng hoạt động bình thường, lành mạnh của các SVF, tạo thuận lợi và dễ dàng cho khách hàng sử dụng SVF.
Theo hướng trên, một mặt doanh nghiệp kinh doanh SVF được coi là đối tác chứ không phải “thần dân bị trị” hay “tội đồ” của HKMA. Dẫu có thực tế là con số 1.200 giao dịch đáng ngờ mà các doanh nghiệp kinh doanh SVF báo cáo với HKMA chỉ chiếm có 0,7% trong tổng số giao dịch đáng ngờ mà HKMA nắm được nhưng HKMA dường như không coi đó là kết quả của việc báo cáo gian dối hoặc sự chểnh mảng với rủi ro từ các doanh nghiệp kinh doanh SVF. HKMA cũng đã công bằng khi đánh giá rằng hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh SVF đã thiết lập và thực thi hữu hiệu các hệ thống AML phù hợp với mức độ rủi ro rửa tiền mà họ đối mặt.
Do vậy, để nâng cao khả năng AML tại doanh nghiệp, HKMA đã tăng cường khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh SVF tích cực sử dụng công nghệ và các công cụ phân tích vào kiểm soát tội phạm tài chính và chủ động báo cáo định kỳ và bất thường diễn biến của các giao dịch bất thường, đặc biệt những giao dịch có quy mô đáng kể.
Mặt khác, HKMA cũng chủ động hợp tác với cơ quan chức năng ở các quốc gia khác trong việc giám sát các điển hình mới nhằm có thêm thông tin để hiểu rõ hơn các rủi ro rửa tiền đặc thù trong hoạt động của SVF. Tăng cường hợp tác với đối tác nước ngoài, đặc biệt ở Trung Quốc đại lục, được HKMA nhấn mạnh bởi đã có sự tăng mạnh trong sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của SVF giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục.     
Hàm ý cho Việt Nam là thay vì thái độ e dè, ngần ngại, thậm chí là có xu hướng không cấp phép và cấm đoán sử dụng các công cụ công nghệ tài chính mới như SVF, nên “mở lòng” đón tiếp, cho phép các doanh nghiệp kinh doanh các công cụ này hoạt động hợp pháp ở Việt Nam (theo một lộ trình được kiểm soát chặt chẽ).
Dù luôn có rủi ro và tiêu cực đi kèm các công cụ công nghệ tài chính mới này nhưng cần không chỉ nghĩ đến những lợi ích to lớn mà chúng đem lại cho người dân, mà còn cần nhận thức rằng những rủi ro này nếu chủ động và tích cực đối mặt và xử lý thì sẽ hoàn toàn có thể kiểm soát được với sự hợp lực của doanh nghiệp kinh doanh các công cụ này cũng như của các đối tác khu vực (Trung Quốc) và quốc tế.

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).