Tòa án Nhân dân tối cao vừa công bố Nghị quyết số 03/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội “rửa tiền”.
Nghị quyết này có các khái niệm liên quan về rửa tiền, căn cứ xác định tội rửa tiền và bốn minh họa về hành vi phạm tội rửa tiền... Nhưng các hướng dẫn xử lý rửa tiền ở Việt Nam như trong Nghị quyết 03 xem ra còn sơ khai.
Có thể nói, đây là một bước đi cần thiết để cụ thể hóa việc tội phạm hóa hành vi rửa tiền, tạo thành một công cụ pháp lý thiết yếu cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong cuộc chiến phòng chống rửa tiền và các hành vi tội phạm liên quan.
Tuy nhiên, nếu so sánh với nhiều hệ thống thể chế pháp luật trên thế giới được thiết kế để đương đầu với sự “tiến triển” mạnh mẽ ngày càng tinh vi, phức tạp của hành vi rửa tiền dưới sự trợ giúp đắc lực của công nghệ mới như tiền điện tử, tiền mã hóa, đánh bạc trực tuyến, và kể cả big data (dữ liệu lớn) và AI (trí tuệ nhân tạo) thì các hướng dẫn xử lý rửa tiền ở Việt Nam như trong Nghị quyết 03 xem ra còn sơ khai, chưa hợp lý.
Cụ thể hơn, trên thế giới hiện nay khái niệm rửa tiền đã lan rộng và bao hàm cả các dạng thức khác của các tội phạm tài chính và kinh doanh khác, và thậm chí nhiều lúc còn bao hàm cả các hành vi lợi dụng hệ thống tài chính (liên quan đến chứng khoán, tiền số, thẻ tín dụng, tiền truyền thống...) để phục vụ các mục đích tội phạm gồm tài trợ khủng bố và lẩn tránh trừng phạt, cấm vận quốc tế.
Ví dụ, trong ngành tài chính, nguyên tắc cơ bản “KYC” - nhận biết khách hàng, ví dụ về nhân thân, và các giao dịch mà khách hàng thường có khả năng sẽ thực hiện - được hầu như tất cả các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng trên thế giới thực thi theo yêu cầu của luật pháp sở tại.
Theo hướng này, khuôn khổ pháp luật phòng chống rửa tiền ở Việt Nam cần ít nhất quy định thêm các chế tài cho các hành vi vi phạm pháp luật liên quan, gồm (cố tình) không thực hiện (đầy đủ, hữu hiệu) KYC cho các tổ chức gồm ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng khác.
Liên quan đến KYC, Nghị quyết 03 quy định người phạm tội phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Tuy nhiên, trên thực tế ở một số nước, điều này là không cần thiết và, ví dụ, người mua tài sản dù có muốn truy nguồn gốc tài sản cũng không dễ thực hiện được.
Chẳng hạn ở Nhật và Singapore, khi bán một món đồ nào đó, kể cả có giá trị, người mua (ví dụ là cửa hàng đồ cũ) thường chỉ yêu cầu người bán cung cấp chứng minh thư để người mua lưu lại các chi tiết về nhân thân người mua (trong hệ thống) là đủ.
Tất nhiên là nếu có đầy đủ hóa đơn mua hàng (lưu ý là không có, không cần tên người mua trên hóa đơn) và giấy chứng nhận xuất xứ, chất lượng hàng (với những món hàng có giá trị) thì món hàng sẽ được cửa hàng đồ cũ mua với giá cao hơn. Người mua không cần, không được hỏi người bán là ai mua, mua ở đâu và như thế nào món hàng này trước đó.
Ngược lại, nếu áp dụng máy móc quy định trên ở Việt Nam thì, ví dụ, tất cả cửa hàng cầm đồ rất có thể sẽ bị truy tố vì cầm đồ là tài sản như giấy tờ và vật mà chủ/nhân viên cửa hàng không thể xác định được nguồn gốc tài sản hoặc tiền mua tài sản đó có “sạch” hay không.
Một điều cần đặc biệt lưu ý khác là xây dựng, ban hành các chế tài phòng chống rửa tiền phải không được xâm phạm bất hợp lý (và bất hợp pháp) các quyền riêng tư cá nhân.
Một ví dụ thực tế là vào tháng 6-2011, Ủy ban Tư vấn bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) ban hành một báo cáo về vấn đề bảo vệ dữ liệu liên quan đến công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ tội phạm, trong đó chỉ ra nhiều vụ việc xâm phạm các quy định pháp luật hiện hành về quyền riêng tư cá nhân và bảo vệ dữ liệu(1).
Trong báo cáo này có các kiến nghị chính sách sao cho xử lý việc rửa tiền và tài trợ tội phạm không vi phạm các quy định pháp luật về quyền riêng tư cá nhân và bảo vệ dữ liệu, có thể là một tham khảo chính sách tốt cho Việt Nam.
Đặt vấn đề là nếu dự thảo về luật quản lý thuế ở Việt Nam được thông qua với điều khoản quy định ngân hàng phải cung cấp hầu như mọi thông tin khách hàng và các giao dịch của họ cho cơ quan thuế, và cơ quan chức năng chuyên trách phòng chống rửa tiền áp dụng hoặc kết hợp quy định này để xây dựng và bổ sung khuôn khổ pháp luật phòng chống rửa tiền.
Lúc đó, các quy định pháp luật về quyền riêng tư cá nhân hiện hành ở Việt Nam sẽ bị vi phạm nặng nề. Hoặc nếu không thì sẽ có vận động chính sách để sửa đổi theo hướng bãi bỏ hoặc nới lỏng tối đa các quy định bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, xâm phạm đến quyền căn bản của công dân.
Do vậy, để phòng chống rửa tiền một cách hữu hiệu thì trước hết Việt Nam cần nghiên cứu thêm và xây dựng một khuôn khổ pháp luật đầy đủ và cập nhật các thông lệ và xu hướng liên quan trên thế giới. Điều này không chỉ giúp Việt Nam lấp được các lỗ hổng pháp lý, tránh bỏ sót tội phạm và giảm thiệt hại cho kinh tế, xã hội từ các hành vi rửa tiền trên nghĩa rộng, bao quát hơn, mà đồng thời không xâm phạm, xung đột với các quy định pháp luật khác hoặc gây tổn hại một cách bất hợp lý cho tổ chức và cá nhân.
Hơn thế, sự tham khảo và cập nhật tình hình thế giới còn giúp Việt Nam hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn với các nước, các tổ chức quốc tế trong việc phòng chống rửa tiền xuyên biên giới liên quan đến Việt Nam.
(1) https://ec.europa.eu/justice/article-29/documentation/opinion-recommendation/files/2011/wp186_en.pdf
No comments:
Post a Comment