Wednesday 28 December 2022

Toan tính của Vietnam Airlines

Hôm 27/12, đột nhiên thấy bài viết về Vietnam Airlines (VNA) xuất hiện trên hàng loạt báo chí, kể cả những tờ báo có uy tín như KTSG. Lần mò cũng ra được một vài điều thú vị.

1. Ít nhất có 2 tờ báo đăng bài về VNA với tư cách là nguồn, gồm KTSG, với bài (gọi tắt là bài 1) có tựa đề: “Hàng không Việt Nam: Vẫn cần ‘tiếp nhiên liệu’ để cất cánh” (link: https://thesaigontimes.vn/hang-khong-viet-nam-van-can-tiep-nhien-lieu-de-cat-canh/), tên tác giả không đề như thông thường, mà chỉ là “L.N”, và bài đăng trên trang tin/báo Tổ quốc (gọi tắt là bài 2) với tựa đề: “ Hàng không Việt Nam: Cần các giải pháp hỗ trợ để đẩy nhanh đà “cất cánh”” (link: https://ttvn.toquoc.vn/hang-khong-viet-nam-can-cac-giai-phap-ho-tro-de-day-nhanh-da-cat-canh-20221227165246288.htm ), không có tên tác giả, mà cũng chẳng ghi nguồn (nên đoán là báo nguồn).     

Trong khi đó, trang CafeF đăng lại bài 2 ở trên, có ghi nguồn là Tổ quốc, tên tác giả là Ánh Dương (nhớ không nhầm thì CafeF đăng bài này là vào hôm 27, ghi nguồn là Tuổi trẻ, đến hôm nay xem lại thì ngày đăng lại biến thành 28 và nguồn thì thành Tổ quốc). Điều này cũng gián tiếp cho thấy bài đăng trên Tổ quốc nói trên là bài gốc, được CafeF và một số báo (mạng) khác đăng lại. Điểm “lạ” ở đây là bài gốc ở Tổ quốc thì không có tên tác giả nhưng bay nhẩy một hồi sang các báo khác như CafeF thì lại thấy có tên tác giả.

Với tên tác giả tuy có nhưng là để cho có như kiểu ở KTSG (“L.N”) hoặc lập lờ, lúc có lúc không như trên Tổ quốc hay CafeF, điều này cho thấy sự không chính danh, khuất tất, ném đá giấu tay, có mục đích không tốt, nhằm tuyên truyền có lợi cho VNA (nói thêm ở phần sau). Nói cách khác, bài báo 1 hay 2 trên đều là của VNA viết hoặc cung cấp nội dung và mượn tay các báo để đăng cho vẻ khách quan.  

2. Nội dung của 2 bài báo nói trên về cơ bản là... từ một lò mà ra. Dàn bài như nhau, gồm 2 phần, phần 1: “Doanh thu tăng nhưng vẫn lỗ” (ở bài 1) hay “Doanh thu tăng nhưng hãng nào cũng lỗ” (ở bài 2); phần 2: “Vẫn cần một cú hích mạnh” (ở cả 2 bài).

Ngoài nội dung đa phần là giống nhau, trừ các điểm khác biệt nêu dưới đây, điều toát lên từ 2 bài là khéo léo mượn ngành “hàng không Việt Nam” để biện báo, kể khổ cho VNA, theo kiểu nói lấy được, đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan, bên ngoài là nguyên nhân gây thua lỗ cho ngành hàng không Việt Nam nói chung và VNA nói riêng.

Bài 1 tuy có nêu mức lỗ của các hãng hàng không Việt Nam khác ngoài VNA như Vietjet và Bamboo (còn bài 2 thì không), nhưng cả 2 bài đều lờ đi, không so sánh con số lỗ khủng của VNA với của Vietjet, hãng có thị phần gần bằng VNA (7.700 tỉ >< 760 tỉ) và đã không chỉ ra nguyên nhân chủ quan tại sao VNA lại lỗ nhiều thế so với Vietjet (ít nhất thì phải như bài này, đã phân tích rõ một số nguyên nhân chủ quan: https://vietnambiz.vn/vndirect-du-bao-vietjet-lai-rong-hon-1300-ty-trong-nam-2022-2022126121924165.htm  ) 

Điểm khác biệt khác là trong phần “Vẫn cần có một cú hích mạnh”, bài 1 thì có thêm đoạn viết về việc Chính phủ có nhiều biện pháp liên quan đến giá xăng dầu để cứu doanh nghiệp hàng không, còn bài 2 thì không.

Khác biệt cuối cùng là phần kết luận liên quan đến VNA, bài 1 chỉ dám nêu ngắn gọn là “Còn đối với các hãng có vốn chủ sở hữu nhà nước, đơn cử như Vietnam Airlines, cần có sự cởi mở hơn về chính sách quản lý, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian cho các quy trình xét duyệt thủ tục, để doanh nghiệp có thể bắt kịp với sự thay đổi của thị trường và giúp gia tăng tính linh hoạt, tính tự chịu trách nhiệm”, trong khi bài 2 thì lê thê hơn, kể khổ nhiều hơn cho VNA (so với các hãng tư nhân), gồm nào là không có quyền chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, “nhất cử nhất động” đều đợi sự phê duyệt của nhà nước, nào là chỉ được phép kinh doanh đúng ngành nghề vận tải hàng không để tránh đi chệch “đường băng” – là quy trình không kịp so với tốc độ thay đổi của thị trường và làm giảm tính linh hoạt, tính tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn nhà nước.

(Bài 1 còn có thêm một Box liệt kê các gói hỗ trợ của các nước Trung Quốc, Thái Lan và Úc cho các hãng hàng không, nhưng mục đích là gì thì không rõ, bởi VNA cũng đã được hưởng các gói hỗ trợ kiểu này hoặc hơn thế).  

3. Tóm lại, qua các bài tuyên truyền kiểu “mượn gió bẻ măng” trên, VNA toan tính gì?

Dựa vào phần kết luận của 2 bài trên, có thể thấy VNA kêu gọi được trao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh và được kinh doanh đa ngành (kinh doanh ngoài ngành hàng không).

Về tự chủ sản xuất kinh doanh, ô hay, VNA mượn danh doanh nghiệp nhà nước, hãng hàng không quốc gia, làm mình làm mẩy vận động để Nhà nước phải móc túi ra hàng chục nghìn tỉ đồng bơm vốn để giữ cho nó sống sót (và đang đòi nữa) thì đương nhiên nó phải có nghĩa vụ hoạt động như một doanh nghiệp nhà nước đúng nghĩa chứ? Đòi tự chủ à, ok, ok, tốt thôi, vậy hãy mạnh dạn đòi Nhà nước thoái vốn, ngừng bơm vốn, để đổi lấy quyền tự chủ như Vietjet ấy, chứ đừng khôn lỏi vừa muốn bú sữa Nhà nước vừa muốn tự tung tự tác như doanh nghiệp tư nhân.

Về kinh doanh đa ngành, không rõ VNA có mắc kẹt, hoặc trục lợi ở khoản đầu tư, kinh doanh ngoài ngành nào không mà xem ra rất “quyết liệt” đòi hỏi điều này. Nhưng trên hết, không rõ dựa vào đâu mà VNA tự tin cho rằng nếu được đầu tư kinh doanh đa ngành thì sẽ có lãi (lớn). VNA hãy nhớ rằng bản thân mình đang còn ngắc ngoải không biết đến bao giờ, đang đòi Nhà nước rót thêm vốn để tồn tại, và đến việc kinh doanh chính ngạch là vận tải hàng không còn làm không ra cái gì, ít nhất là so với Vietjet, thì đừng nên mơ tưởng đầu tư ngoài ngành để rồi trở thành một Vinashin phẩy của Việt Nam. Vẫn muốn đầu tư, kinh doanh ngoài ngành ư? Tốt thôi, một lần nữa hãy mạnh dạn lên tiếng đòi Nhà nước thoái vốn đi!

Wednesday 21 December 2022

Lại VinFast!

Vừa làm xong một bài ngắn về VinFast, lại thấy có tin, lại thấy ngứa ngáy khó chịu (tự thấy mình xấu tính, cứ thấy ai giầu có, giỏi giang, yêu nước nồng nàn như mấy anh/chị VinXXXX là máu lại sôi lên òng ọc).

Chẳng là khi đọc bản tin tiếng Việt này: “VinFast đã được cấp giấy phép bán hàng tại Mỹ, hình ảnh những chiếc VF 8 chạy trên đường phố Mỹ đang gần hơn bao giờ hết”(1) đăng đồng loạt trên nhiều tờ báo ở Việt Nam, thấy có một số điểm “lạ”, thử google một chút cũng ra nhiều cái hay.

Nguyên văn trong bản tin tiếng Việt: Giám đốc điều hành VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết trong một tuyên bố gửi qua email: “Chúng tôi đã nhận được tất cả các thủ tục và giấy tờ cần thiết phê duyệt để được bán xe điện tại thị trường Mỹ."

Nghe giọng văn này đoán ngay đây là một đoạn văn dịch. Đọc thêm đến đoạn tiếp theo thì thấy chữ Bloomberg nên càng chắc là bản tin dịch từ Bloomberg. Google tiếp thì thấy đúng là Bloomberg có đưa tin này thật, tại link này: https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-12-20/vinfast-gets-regulatory-ok-to-sell-first-electric-suvs-in-us

Nguyên văn toàn bộ bản tin Bloomberg:

-------

VinFast, an electric carmaker backed by Vietnam’s richest man, has received permission to sell EVs in the U.S. ahead of its planned initial public offering.

 

“We have received all necessary paperwork approvals to sell electric cars in the U.S.,” VinFast Chief Executive Officer Le Thi Thu Thuy said in an emailed statement. “That means our cars are qualified to be sold in the market.” The company, a unit of conglomerate Vingroup JSC, aims to start delivering its cars to U.S. customers this month.

 

U.S. Bank will facilitate consumer auto loans and leasing of VinFast electrical vehicles, according to the statement. VinFast is working with other US lenders for customer loans, it said.  

-------

Nhận thấy:

So với bản tin Bloomberg thì bản tin tiếng Việt về cơ bản là dịch nguyên đoạn 2 và 3 của bản tin Bloomberg (có thêm thắt chút cho tích cực hơn), còn các đoạn khác trong bản tin tiếng Việt (chắc) là trực tiếp được VinFast cung cấp nội dung (thực chất thì bản tin Bloomberg cũng chỉ là tin được cung cấp từ VinFast, qua email của bà Thủy, CEO).  

Rút ra:

1.       Các giấy phép Mỹ cấp cho VinFast như được nêu trong bản tin tiếng Việt hoặc đã không được Bloomberg đưa vào bài, hoặc đã không được VinFast gửi qua email cho Bloomberg. Trường hợp nào thì cũng nẩy sinh ra vấn đề về độ xác thực, có thể kiểm chứng, của thông tin loại này, nhất là trong con mắt quốc tế.

2.       Nếu quả thật VinFast đã được cấp các giấy phép này (và chắc mới chỉ gần đây, sau khi đã chở 999 chiếc VF 8 sang Mỹ, và cũng chắc chắn là sau khi bị “phang” bởi mấy anh Tây/Mỹ trên báo Mỹ tuần qua) thì phải ngả mũ khâm phục độ lì, liều (đúng bản chất) của Vin(Fast) khi cứ chất VF 8 lên tầu sang Mỹ mà trong tay không/chưa có giấy phép.

Và cũng khâm phục VinFast bằng cách nào đó đã “vận động” được các cơ quan chức năng Mỹ cấp phép nhập khẩu, bán và lưu thông VF 8, mà lại đúng vào ngày VF 8 (gần) cập bến (thế mới tài), bất chấp có nhiều vấn đề được nêu sơ sơ bởi mấy anh Mỹ “phang” nọ.

Mà cứ băn khoăn mãi là nếu VinFast đã biết chắc, rõ như lòng bàn tay về việc sẽ có giấy phép thì sao lại không táng lại mấy anh Mỹ phang mình bằng những tuyên bố kiểu “mày hãy đợi đấy, đến ngày 21/12 này thì mày sẽ sáng mắt”, đại loại thế.

Nhưng thôi, không lăn tăn nữa, mong là VinFast đã thật sự có được các giấy phép để giải phóng lô hàng 999 VF 8 này chứ không nhẽ lại xuất khẩu ngược về Việt Nam.

Cũng nhận thấy:

Trong bản tin của cả Bloomberg và trên báo Việt đều nhắc đến Ngân hàng Mỹ (U.S. Bank). Tuy nhiên, vào website của U.S. Bank, mục Auto-loans tại đây: https://auto-sales.usbank.com/ , thử “Search vehicles”, tab “Make” thì không thấy có hãng nào là VinFast cả, và hình như cũng không có một hãng Tầu nào hết.

Rút ra:

Hoặc là U.S. Bank không cho vay mua xe VinFast, một hãng không có tên tuổi, thậm chí còn “mới” và “lạ” hơn cả các hãng xe Tầu là những hãng mà nó đã không thèm chơi, hoặc là nó chưa cập nhật VinFast, nếu đúng như lời bà Thủy nói rằng nó sẽ cung cấp khoản vay mua/thuê xe VinFast.

Khả năng U.S. Bank không cho vay, nếu đúng thì... thôi, không còn gì để nói!

Khả năng U.S. Bank chưa cập nhật, nếu đúng thì có nghĩa là, ít nhất thì 999 chiếc VF 8 đã tìm được người mua, nhưng là bằng tiền mặt/tự có, nhưng không (dám) chắc điều này là chuyện phổ biến ở Mỹ.

Nếu không phải tất cả đã được mua, và bằng tiền mặt, thì có nghĩa là VinFast sẽ phải để một cơ số VF 8 không xác định nằm trong kho đợi người mua, nhất là đợi người được mua bằng loan từ U.S. Bank, hay các ngân hàng khác mà cho đến thời điểm này vẫn còn... chưa rõ! Một lần nữa xin ngả mũ trước độ lì, liều của VinFast nếu quả đúng là vậy.   

Tạm thế đã, rồi sẽ cập nhật thêm khi có... cập nhật từ VinFast.

---------

https://cafef.vn/vinfast-da-duoc-cap-giay-phep-ban-hang-tai-my-hinh-anh-nhung-chiec-vf-8-chay-tren-duong-pho-my-dang-gan-hon-bao-gio-het-20221221102350558.chn?fbclid=IwAR21IeE_vsWtSBzKuEJGE9cOr1lRql2hdA9r9aiPIHfJDe_VZT4L81WwdDw

VinFast cần sa thải ngay những "nhà báo" này

VinFast gần đây xem ra liên tục nhận được nhiều thông tin bất lợi về sản phẩm ô tô điện của mình, đặc biệt là mấy bài báo của các cây bút người nước ngoài đăng trên báo chí nước ngoài.

Phản ứng của VinFast trước các thông tin này xem ra khá yếu ớt, một cách bất ngờ, so với khi họ phải ứng phó với các tin bất lợi của các nguồn trong nước. Mới nhất thì có một bài báo trên Vietnamnet với tiêu đề “Thế khó của Vinfast VF8 tại Mỹ, phải chăng giá quá cao?”(1).

Sau khi điểm lại những điểm yếu chí tử - được các tác giả nước ngoài vạch ra - của VinFast VF8 trên thị trường Mỹ, cụ thể là giá bán đắt so với cự ly hoạt động của nó, bài báo trên Vietnamnet đã đập lại lời phê phán về giá bán đắt này bằng một số lập luận, trước tiên với một nhận định “đanh thép” kiểu các báo chính thống trong nước hay dùng khi muốn đập lại các “thế lực thù địch” với những từ ngữ quen thuộc như “mang rất nhiều tính cảm quan và thiếu khách quan”, “một cái nhìn vô cùng phiến diện”.

Hãy xem lại từng lập luận của bài báo của Vietnamnet để thấy tính xác đáng của chúng.

1.    1. Bài báo Vietnamnet viết: “ Đầu tiên, đúng là việc Vinfast tung ra phiên bản “đô thị” mới chưa từng công bố trước đây là một việc làm có thể khiến khách hàng không vui; song điều này cũng ghi nhận hãng xe Việt đã nỗ lực giảm giá tới 6.000 USD cho người tiêu dùng mua sản phẩm. Đây là một ưu đãi không hề nhỏ của nhà sản xuất mới như Vinfast.”

 

Bình luận: Không lẽ tác giả bài báo Vietnamnet không nghĩ rằng giá bán VF8 hoàn toàn có thể bị “nống” lên rồi sau đó được hạ đi (hạ 6.000 USD) để ra vẻ là một “ưu đãi”? Ưu đãi gì mà sau khi ưu đãi rồi vẫn còn cao hơn đáng kể sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường Mỹ?

 

2.     2. Bài báo Vietnamnet viết: “Ngoài ra, việc so sánh giá xe trên số dặm/km cũng là không tối ưu, bởi nó chưa đủ khi những chính sách trợ giá, ưu đãi, hậu mãi, bảo hiểm, đổi trả, cơ sở hạ tầng phục vụ,... vẫn chưa được công khai. Tại Việt Nam, Vinfast nổi tiếng bởi những chính sách gây "sốc" thị trường, giúp người tiêu dùng tiếp cận mua ô tô với giá cực hời, thì việc sớm kết luận giá đắt như Dot.LA nhận định là còn quá sớm.”

 

Bình luận: Tác giả bài báo Vietnamnet phê phán việc so sánh giá xe trên số dặm/km với lý do chưa tính đến những chính sách trợ giá, ưu đãi, hậu mãi... Vậy tác giả này có xem xét và khẳng định chắc chắn rằng giá bán sản phẩm các hãng khác cùng phân khúc cũng đã gồm hết các chính sách ưu đãi này chưa? Tác giả muốn người ta so sánh kiểu táo phải so với táo chứ không phải so với lê thì cũng phải tự mình so sánh kiểu đó để chứng minh rằng sau khi tính đến các chính sách ưu đãi thì VF8 vẫn... rẻ hơn.

Nếu tác giả lấy lý do “rất khách quan” rằng các chính sách ưu đãi chưa được công khai để không làm so sánh kiểu này thì kiểu phản luận này của tác giả chỉ là kiểu hay được đồng chí AQ dùng mà thôi.

 

3.     3. Bài báo của Vietnamnet viết: “Tiếp theo, điều mà Dot.LA đã cố tình không nhắc đến trong bài viết của mình, chính là chính sách thuê pin vô cùng độc đáo của Vinfast mà hiện nay chưa có nhà sản xuất ô tô điện nào tại Mỹ áp dụng.

Đối với các khách hàng mua xe không bao gồm pin, sản phẩm chỉ có giá là 42.200 USD. Trong khi đó, phí thuê pin hàng tháng ước tính 169 USD, tương đương với khoảng hơn 2.000 USD/năm (50 triệu VNĐ/năm). Có thể coi là khá mềm trên thị trường và sẽ tiết kiệm hơn cho khách hàng nếu không có quá nhiều nhu cầu di chuyển.”

 

Bình luận: Chính sách thuê pin của VinFast có thể đúng là “vô cùng độc đáo” trên thị trường Mỹ - đơn giản vì chưa có hãng nào áp dụng – nhưng sự vô cùng độc đáo này có làm cho VF8 có giá bán hấp dẫn hơn so với các sản phẩm cùng phân khúc không thì lại không được tác giả chỉ ra.

Tác giả nêu rằng chi phí thuê pin khoảng hơn 2.000 USD/năm và tự kết luận (hay VinFast kết luận?) rằng “khá mềm trên thị trường”. Xin hỏi tác giả là nếu đã “vô cùng độc đáo” ở cái nghĩa là không có hãng nào có chính sách cho thuê pin như vậy thì tác giả dựa vào đâu để so sánh và kết luận rằng giá thuê này là “khá mềm”?

Tác giả nói (hay VinFast nói?) rằng (việc thuê pin) “sẽ tiết kiệm hơn cho khách hàng nếu không có quá nhiều nhu cầu di chuyển” vừa thiếu thuyết phục – vì không nêu được “tiết kiệm” như thế nào – vừa vi phạm nguyên tắc so sánh táo với táo bởi chỉ đem so sánh VF8 với sản phẩm khác cùng phân khúc trong nhánh thị trường hẹp dành cho khách hàng “không có quá nhiều nhu cầu di chuyển”.  

4.     Bài báo của Vietnamnet viết: “Cuối cùng, về vấn đề giá bán, Vinfast hiện nay chỉ có duy nhất một nhà máy sản xuất xe hơi tại Hải Phòng, trong khi đơn hàng đang liên tục tới tấp không chỉ từ thị trường Mỹ mà cả thị trường trong nước lẫn khu vực. Việc phải vận chuyển và xuất khẩu sang Mỹ xuyên qua Thái Bình Dương khiến cho một chiếc VF8 hiện nay đến tay người tiêu dùng ở xứ sở cờ hoa phải gánh nhiều chi phí từ thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, chi phí vận chuyển, bảo trì bến cảng,...

Do đó, nếu trong tương lai gần, sau khi nhà máy sản xuất Vinfast đi vào hoạt động tại Bắc Carolina dự kiến vào năm 2024 tới đây, chắc chắn giá xe điện từ hãng ô tô Việt Nam được chào bán tại Mỹ sẽ có sự giảm đi đáng kể, phù hợp hơn nữa với đại đa số khách hàng.”


Bình luận: Đó là chuyện tương lai, và rất hy vọng là VinFast làm được, làm đúng những điều mà tác giả kỳ vọng, mong muốn ở họ. Nhưng chỉ biết trước mắt, tại thời điểm hiện tại thì sự thực khó nói khác đi được là, với “việc phải vận chuyển và xuất khẩu sang Mỹ xuyên qua Thái Bình Dương...” làm cho VF8 có giá bán không cạnh tranh được với các sản phẩm cùng phân khúc phải không? Nếu đúng thì đây chính là ý muốn nói của các tác giả nước ngoài mà tác giả bài viết của Vietnamnet muốn đập lại đó thôi, đập cái gì nữa?

Tóm lại, nếu VinFast trả tiền thuê người của Vietnamnet viết bài này thì nên hoặc là đòi lại tiền vì hiệu quả công việc là âm, hoặc là cạch mặt nhà báo này ra cho các “hợp đồng tuyên truyền” lần sau, nếu có.

Nếu sự thật không phải vậy, mà chỉ là nhà báo này của Vietnamnet “thấy sự bất bình chẳng tha” thì anh/chị này cần phải đi học một lớp trung/cao cấp lý luận chính trị để có thêm “vũ khí biện chứng” sắc bén hơn trước khi viết các bài tương tự, bằng không thì đã tự hại chết VinFast đó rồi nghen. Nếu đã trót học rồi thì nên chuyển nghề sang làm đại lý bán ô tô của VinFast vì khẩu khí rất thích hợp với việc bán hàng dạo.

-----

 (1)    https://vietnamnet.vn/the-kho-cua-vinfast-vf8-tai-my-phai-chang-gia-qua-cao-2092779.html

Friday 2 December 2022

Nghịch lý kết quả kinh doanh tốt nhưng giá cổ phiếu lại giảm (Bài đăng trên KTSG, 24/11/2022)

https://thesaigontimes.vn/nghich-ly-ket-qua-kinh-doanh-tot-nhung-gia-co-phieu-lai-giam/

Những đợt thoái trào của thị trường chứng khoán như hiện nay thường để lại những thắc mắc xem ra rất khó lý giải, có thể coi là nghịch lý, rằng doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh tốt, tình hình kinh tế vĩ mô cũng ổn (tăng trưởng kinh tế thuộc dạng cao nhất thế giới) nhưng giá cổ phiếu của doanh nghiệp lại “lội ngược dòng”, giảm mạnh.

Ví dụ cụ thể cho tình trạng trên là cổ phiếu ngân hàng. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của 28 ngân hàng nhìn chung khá khả quan, với 27 ngân hàng báo lãi (hai ngân hàng trong số này báo lãi giảm so với cùng kỳ năm trước). Bảy ngân hàng báo lãi tới trên 10 ngàn tỷ đồng. Chỉ có một ngân hàng duy nhất báo lỗ (1). Tuy vậy, như đã thấy, giá cổ phiếu của các ngân hàng, liên tục lao dốc, phá hết đáy này đến đáy khác.

Để tìm câu trả lời, điều cần lưu ý trước hết là các nhà đầu tư, các trader cổ phiếu có xu hướng hành động theo châm ngôn “mua theo tin đồn, bán khi tin ra”, tức họ sẽ mua và đẩy giá cổ phiếu lên khi có tin đồn hay kỳ vọng và bán ngay khi tin tức được công bố, kể cả là tin tốt. Đây chính là một trong những lý do giải thích tại sao giá một cổ phiếu nào đó lại giảm khi doanh nghiệp công bố tin tốt, thường là trong báo cáo tài chính.

Báo cáo tài chính hàng quý một mặt cung cấp tính minh bạch về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nhưng mặt khác nó cũng dẫn đến hình thành và tích tụ các tin đồn bởi khoảng cách ba tháng giữa các kỳ báo cáo. Tin tốt các quý trước không nhất thiết sẽ kéo dài sau đó, trong khi nhiều yếu tố nội tại (tin đồn) và ngoại lai xen vào, ảnh hưởng đến việc định giá cổ phiếu tại thời điểm mua/công bố báo cáo.

Hơn nữa, bất cứ sự sai lệch đáng kể nào so với kỳ vọng hay bất cứ tuyên bố gây ngạc nhiên lớn nào cũng có tác động lên giá cổ phiếu. Chẳng hạn, dù doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tích cực nhưng lại thấp hơn kỳ vọng mà thị trường, các nhà phân tích đặt ra trước đó thì cổ phiếu của doanh nghiệp vẫn có nhiều khả năng bị định giá thấp đi.

Một số tình huống giảm giá cổ phiếu khác cũng liên quan đến lợi nhuận công bố. Ví dụ, các nhà phân tích kỳ vọng doanh nghiệp A sẽ đạt được mức lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) là 0,8, trong khi doanh nghiệp báo cáo EPS thực tế ở mức 0,85, tức còn tốt hơn kỳ vọng (+6,3%). Dẫu vậy, nhà đầu tư vẫn phản ứng bằng cách bán ra cổ phiếu của A. Lý do là dù tin công bố là “tốt” nhưng nhiều nhà đầu tư lại kỳ vọng một mức còn cao hơn thế. Chẳng hạn nếu doanh nghiệp có lịch sử đánh bại các ước tính của giới phân tích ở mức 10% hay hơn thì mức tăng 6,3% này lại trở thành nỗi thất vọng.

Hơn thế, mỗi nhà đầu tư cũng thường có phân tích hay cảm nhận riêng của mình về doanh nghiệp, ngành, và cổ phiếu. Những phân tích, cảm nhận này qua nhiều kênh sẽ tập hợp với những phân tích, cảm nhận của những người khác tạo nên một con số về định giá mang tính đồn thổi chứ không công bố công khai như của các nhà phân tích trong các công ty chứng khoán. Định giá đồn thổi với định giá của các nhà phân tích nhiều khi rất khác nhau. Trong ví dụ trên, chẳng hạn EPS đồn thổi là 0,9. Doanh nghiệp A báo cáo EPS 0,85 tức là thấp hơn mức kỳ vọng đồn thổi, dù là cao hơn mức kỳ vọng của các nhà phân tích, nên vẫn có thể gây ra một làn sóng bán tháo từ tập hợp nhiều nhà đầu tư.

Trong các báo cáo tài chính, doanh nghiệp thường đưa ra một số kỳ vọng, nhận định hay kế hoạch của ban giám đốc cho tương lai. Đây cũng là một yếu tố lớn ảnh hưởng đến định giá cơ bản. Doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh khớp với hoặc vượt kỳ vọng của thị trường nhưng lại điều chỉnh giảm doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền kỳ vọng trong tương lai thì có khả năng sẽ làm giá tương lai của cổ phiếu. Điều này giải thích tại sao giá cổ phiếu vẫn có thể lao dốc dù kèm với tin tốt (kết quả kinh doanh bằng hoặc tốt hơn kỳ vọng).

Một lý do có thể nghĩ đến khác là ảnh hưởng của các trader “gây nhiễu”. Đây là các nhà đầu tư không chuyên, hoặc các nhà phân tích theo trường phái kỹ thuật. Những người này thường không phân tích cơ bản các khoản đầu tư tiềm năng mà dựa vào tin tức, chỉ số phân tích kỹ thuật, hay xu hướng. Họ thường có quyết định đầu tư khá bốc đồng, phản ứng thái quá với tin cả tốt lẫn xấu. Nên giả sử cổ phiếu của doanh nghiệp A bắt đầu bị bán tháo bởi một số nhà đầu tư thì xu hướng bán tháo này sẽ được đẩy lên mạnh mẽ bởi các nhà đầu tư gây nhiễu này.                

Lý do cuối cùng là ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô và vi mô. Yếu tố vĩ mô gồm những thứ như lãi suất tăng, hay sự chuyển hướng sang các tài sản đầu tư ít rủi ro (ví dụ tiền gửi ngân hàng) có khả năng gây sức ép lên giá cổ phiếu dù doanh nghiệp công bố tin tốt.  

Những yếu tố vi mô trong một ngành cụ thể, chẳng hạn (triển vọng) kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đối thủ tốt hơn của doanh nghiệp A cũng sẽ làm giảm khẩu vị của nhà đầu tư với cổ phiếu doanh nghiệp A dù họ cũng công bố thông tin tốt (nhưng kém hơn đối thủ).

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).