Friday 27 January 2023

Phở… ký sự! (Bài đăng trên KTSG số Tết, ngày 27/1/2023)

https://thesaigontimes.vn/pho-ky-su/

Gần nửa đời phiêu bạt nơi xứ người, rời bỏ quê nhà từ lúc mới thoát khỏi chuyện chật vật lo miếng ăn nên việc ăn uống vốn đơn giản, cốt lấy no và tiện làm đầu, sau thì thêm hai chữ lành mạnh. Bởi vậy, ký ức về món ngon đi suốt từ thuở thơ ấu có lẽ chỉ còn vấn vương với phở.

Mà thực ra thì hồi đó hàng phở ngon ở Hà Nội hình như không có mấy, hoặc có chăng thì cũng... khó tiếp cận trên nhiều nghĩa, hay không phải là ưu tiên. Nên rốt cuộc những bát phở đã ăn hầu như cũng chỉ là của những hàng phở loanh quanh gần nhà vào những dịp bất thường như bị ốm sốt hay những bát phở của mẹ nấu – một sự kiện trọng đại diễn ra vài tháng một lần khi bà quyết định thịt một con gà nhà nuôi, nấu một nồi phở to kèm đến mấy ký bánh phở, cốt sao cho đủ lượng để làm no bầy con háu đói.

Suốt tuổi thơ chỉ nhớ đâu như có hai dịp được ăn phở ngon còn nhớ mãi. Lần đầu là đi ăn với bác, người đang nắm một chức vụ to của ngành thương nghiệp Hà Nội lúc đó, thời bao cấp. Sáng dậy, bác cho lên ngồi cùng xe ô tô cơ quan đón chở đến một cửa hàng phở mậu dịch nọ. Các cô phục vụ ở đó làm phở cho mấy bác cháu ăn, thứ phở mà trong ký ức chỉ biết là rất thơm ngon, như thế nào thì không nhớ, không tả được, chắc bởi phở làm cho “sếp” ăn, với nhiều thịt bò tươi, của hiếm lúc đó.

Lần thứ hai có lẽ được ăn phở theo đúng nghĩa là dịp cơ quan bố tổ chức một sự kiện gì đó có chiêu đãi phở bò cho quan khách. Vì là “cơ quan nhà” nên con cái được dịp ăn phở thả phanh và cũng chỉ còn nhớ chắc chắn rằng phở rất thơm và ngon, ngon hơn nhiều thứ phở thịt lợn mậu dịch mà thỉnh thoảng bố mẹ đèo xe đạp chở cả nhà lên phố Hàng Bài cho ăn.  

Tốt nghiệp đại học, ra đời, chuyện đáng nhớ về phở nữa là chuyện xảy ra vào một đêm khuya vắng, bụng dạ trống rỗng sau nửa ngày không ăn uống, ở bên cô bạn người nước ngoài lái ô tô và bị tai nạn trong một chuyến đi dã ngoại nơi hẻo lánh miền bán sơn địa. Về đến Hà Nội, tạt vào hàng phở khuya gần nhà, “chơi” liền ba bát, nhanh đến mức cô bán hàng phải thốt lên “chắc đói lắm nhỉ?”. Cũng chẳng rõ, chẳng nhớ là phở đó có ngon hay không vì cái chuyện làm đầy dạ dày bằng một món gì đó còn bán muộn, nóng và có nước cho dễ nuốt đã choán hết tâm trí. 

Thế thôi, rồi đến lúc lên đường du học Nhật. Ấn tượng phở ngon chắc vẫn chỉ dừng lại ở mấy lần ít ỏi thời nhỏ. Sang xứ người cả chục năm mà chưa bao giờ muốn thử món phở ở đó. Phở gì mà trên ảnh menu thấy có cả nấm, nhìn thôi đã hết muốn thử. Từ Nhật mà có đi công tác, hội thảo nước khác hồi đó cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ăn món Việt, chưa nói đến phở, bởi mặc định chúng chỉ là phiên bản... mấy đời của các món này.

Rồi cũng đến lúc được ăn một bát phở ngon để lại ấn tượng đến giờ. Đó là dịp về Việt Nam cách nay đã mười mấy năm, đi cùng người nhà lên Yên Tử. Trên đường đi, được người nhà cho ghé vào quán phở ven đường đâu như ở thị trấn Sao Đỏ ăn sáng. Bát phở bò tái điểm xuyết ít nhánh hành hoa và vài lát hành tây thái mỏng hăng hăng tôn lên vị ngọt dịu, thanh nhã của nước dùng, đơn giản thế thôi nhưng để lại dư vị rõ ràng mà có thể tả lại cho đến giờ.

Chuyển sang sống ở Singapore này cũng đã nhiều năm rồi nhưng số lần ăn phở cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn là được rủ đi ăn trưa cùng đồng nghiệp bởi họ thấy ngon. Phở ở đây chủ yếu làm theo kiểu miền Nam, nhưng không phải vì thế mà không hề thấy ngon. Cũng bánh phở, cũng bò tái, bò viên, nạm, gầu nhưng sao cái vị không lọt. Có lẽ cái hồn cốt của bát phở đã bị xua bạt đi bởi thứ bánh phở khô chần lên vẫn thấy cứng bở và hôi mùi bột, hay của những lát thịt xén bằng máy để đông lạnh tuy mỏng mà lúc nhúng tái cứ cứng quèo quèo, nhạt nhẽo. Còn nước dùng thì nhờ nhờ, lờ lợ khó tả, lúc thì nồng hắc mùi thảo quả, lúc thì hăng hăng của thứ nguyên liệu, hóa chất gì đó để cố cho khác với thứ nước canh xương bình thường nhà vẫn nấu.

Lại nói đến tính vùng miền của phở. Với người sinh trưởng ở miền Bắc thì đương nhiên phở Bắc có vẻ vẫn ngon và hợp vị hơn. Ngoài những lần “nếm” phở ở Singapore mà rõ ràng là nấu theo kiểu Nam với từ chủ quán đến đầu bếp là người Việt nói giọng Nam, cũng đôi lần về Sài Gòn chơi và ghé ăn phở ở đó. Không biết có phải do “đen đủi”, vào ăn toàn quán dở hay không mà phải thành thật nói rằng chúng không để lại ấn tượng ngon lành gì.

Thế nhưng cũng dòng phở Nam đó sang Melbourne, Úc, thì lại là một câu chuyện khác. Lại cách đây đã hơn chục năm, ghé thăm thành phố này, được một cô bạn da trắng thổ địa nhưng có nhiều duyên nợ với Việt Nam dẫn đi ăn phở ở khu có nhiều cửa hàng cửa hiệu người Việt. Bát phở tuyệt vời (và rất to), với bánh phở tươi mềm hòa quyện với nước dùng thơm ngọt mà không phô vị đường hay thứ rau củ lờ lợ nào đó. Mọi nguyên liệu, rau thơm ăn kèm đều chất lượng, tươi ngon như mới thu hái ở xứ chuột túi này, làm cho bát phở trở nên ngon hơn cả mọi thứ phở đã ăn, kể cả ở Việt Nam (trong những lần ăn sau này).

Nhưng rất lạ, cũng dòng phở Nam, cũng ở xứ Úc, nhưng những lần ăn ở Sydney vài tháng trước Covid, cũng trong các cửa hàng người Việt lại là một trải nghiệm thất vọng. Có chút thời gian ở Sydney nên đã cất công hỏi kỹ dân gốc Á, chắc có cả người Việt, về quán phở nào ngon. Hai buổi trưa đến ăn ở hai hàng phở khác nhau được người ta giới thiệu. Cả hai lần đều được ăn thứ phở na ná như từng ăn ở Singapore, đến nỗi không còn hứng để thử thêm hàng nào nữa.  

Vẫn chưa chừa thói thích nếm thử phở ở những miền đất lạ, tháng rồi nhân dịp đến Manhattan, New York, cả nhà quyết tìm hàng phở ngon để thưởng thức, phần vì vẫn nghe ca ngợi phở trên đất Mỹ còn ngon hơn cả ở Việt Nam. Cậu con trai tìm trên mạng được một hàng bên Brooklyn mới mở được đâu như hai năm nay nhưng được đánh giá khá cao. Lại được phen thất vọng vì phở ở đây, vẫn theo kiểu phở Nam, còn tệ hơn cả ở Singapore, với bánh phở đã cứng thì chớ lại còn bị vón lại thành cục lớn phải dùng đũa gỡ dần ra. Mà giá đâu có rẻ. Mỗi bát phở (cỡ chỉ như ở Việt Nam) giá cao thấp bù nhau, cộng cả tiền tip (bắt buộc, 20%-25%) lên đến gần 25 đô la Mỹ.    

Với phở Bắc, những dịp về nước sau này có điều kiện để thử một vài hàng phở nổi tiếng Hà Nội, nhìn chung là có vẻ hợp khẩu vị và thấy ngon hơn. Nhưng cái gì cũng có thời của nó. Cũng phở T. Lò Đúc, lần đầu được ăn từ hàng chục năm trước thì thấy ngon và lạ. Đến các lần sau thì nước phở đã để cho thứ vị ngọt lợ không phải từ thịt xương lấn lướt. Ngán ngẩm nhất là cảnh người thu tiền kiêm phục vụ thản nhiên biến cái rổ sể đầy ắp hành hoa thái chẻ thành chỗ để những đồng tiền nhầu nhĩ vì tay còn bận xếp bát.

Rồi hồi hè năm nay có dịp sang quần thể bất động sản của tập đoàn nọ ở cạnh Hà Nội và ăn hàng phở có biển đề phở T. Lò Đúc (chắc nhượng quyền hay chi nhánh gì đó, không rõ lắm). Chỉ ấn tượng với bát phở nhiều thịt (tất nhiên là giá cao) mà vị thì chẳng ra sao.

Hàng phở cũng tên T. bên Bờ Hồ thì mới ăn một lần từ nhiều năm trước và nhớ là khá ngon nhưng chưa có dịp thử lại nên không rõ sau này có còn giữ được vị xưa hay không.

Hay hàng phở S. cũng khá đình đám, tưởng thế nào nhưng cũng chỉ được cái nhiều thịt xứng với giá tiền còn mọi thứ khác không đáng để gọi là phở ngon.

Và cũng phở-kiểu-Bắc, ăn ở Helsinki, Phần Lan mới hồi cuối năm ngoái đã để lại một dư vị kinh khủng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ngoài phở bò, gà, còn có phở lợn, phở đậu phụ. Giá mỗi bát đâu như 16-17 euro, tuy có cao so với nhiều nước khác nhưng là ở Phần Lan nên cũng không có gì đáng nói. Có chăng chỉ là nước phở không biết tả là cái gì, còn mùi vị phở thì nồng nặc khắp nơi trong quán, bám trên quần áo, bám trên đầu tóc, trên khóe miệng và nơi đầu lưỡi trong nhiều tiếng đồng hồ sau ăn. Sau này đọc báo chí trong nước có ai đó nói phở ở nước ngoài chỉ là nước luộc thịt pha gói vị phở, ngẫm chắc không sai. Cậu con trai vốn đang húng hắng ho sốt, sau khi nuốt vài thìa phở tự nhiên ho liên tục như thể cổ họng bị dị ứng với hóa chất trong nước phở.      

Sợ ai đó cho là khẩu vị ẩm ương, có vấn đề nên xin thanh minh nốt bằng một ấn tượng rất tốt đẹp về phở, nhưng là ở... Praha (Tiệp Khắc cũ). Chả là trong chuyến ngao du mấy nước châu Âu hồi năm 2016, ghé thăm bạn từ thuở học cấp III đang làm ăn ở chợ Sa Pa. Bạn mời ăn trưa ở hàng phở ngay trong chợ, hình như do người Bắc nấu, theo kiểu Bắc. Chuyện bạn mời ăn phở này đã kể trước đây nhưng xin kể lại trong bài về phở này cũng là để như lời cảm ơn một lần nữa gửi đến bạn vì đã cho ăn một bát phở ngon rất gần với những bát phở ngon trong ký ức thuở nhỏ hay lần ăn ở thị trấn Sao Đỏ năm nào. 

Sunday 22 January 2023

Chuyển đổi số là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế nhanh (Bài đăng trên tạp chí Thông tin & Truyền thông, ngày 22/1/2023)

https://ictvietnam.vn/chuyen-doi-so-la-be-do-cho-tang-truong-kinh-te-nhanh-55120.html

Nhân dịp Năm mới 2023, Phóng viên Tạp chí Thông tin và Truyền thông có bài phỏng vấn Chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc - Tư vấn cấp cao, Bondcritic (Singapore)  về Chuyển đổi số và Tăng trưởng kinh tế.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của chuyển đổi số trong thúc đẩy phát triển kinh tế?

TS. Phan Minh Ngọc: Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên của những đổi mới công nghệ thú vị. Các công nghệ số và sự chuyển đổi số đang tạo ra những đổi thay to lớn. Những bước tiến mới nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và các phát minh, sáng tạo liên quan đang giúp mở rộng biên giới của cuộc cách mạng số.

Chuyển đổi số - sự ứng dụng các mô hình kinh doanh trực tuyến (online) và sự chuyển dịch chung các hoạt động kinh tế và xã hội sang hình thức online, được đặc biệt đẩy mạnh trong thời dịch COVID-19 - đã làm thay đổi cách thức vận hành của các nền kinh tế, cách thức tiến hành kinh doanh, và cách thức tương tác xã hội. Việc khai thác dữ liệu đã tạo điều kiện cho sự ra đời các thành phố thông minh mới cũng như mô hình mới của nền kinh tế hoạt động trên nền tảng là dữ liệu. Tương lai đang xảy đến nhanh hơn dự tính.

Chuyển đổi số còn mở ra các cơ hội mới cho hợp tác quốc tế để thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng cho kỷ nguyên công nghiệp, tận dụng được các thị trường mới tạo ra bởi các nền tảng số và đẩy mạnh khai thác các dịch vụ được cung ứng nhanh chóng hơn nhờ các công nghệ thông minh.

Trên phạm vi thế giới, chuyển đổi số ngày càng trở nên một động cơ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững, với ước tính trên 30% GDP sẽ phụ thuộc vào các công nghệ số vào năm 2030.

Theo ông, tác động của chuyển đổi số lên kinh tế Việt Nam năm 2023 và những năm tới sẽ như thế nào?

TS. Phan Minh Ngọc: Các công nghệ mới và việc chuyển sang ứng dụng rộng rãi chúng trên các mặt kinh tế và xã hội hứa hẹn những lợi ích to lớn thông qua những cơ hội và kênh truyền dẫn mới tạo ra. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng tham gia thành công vào công cuộc đổi mới sáng tạo và trào lưu chuyển đổi số của thế giới. Nhiều nước đã bị bỏ lại phía sau và sự tụt hậu này diễn ra ở nhiều ngành nghề, doanh nghiệp, lực lượng lao động và các giai tầng xã hội.

Chưa có một nghiên cứu đánh giá sâu rộng và toàn diện về xu hướng chuyển đổi số và tác động của nó lên nền kinh tế và xã hội của Việt Nam trong những năm qua để nêu bật được vai trò thiết yếu của đổi mới công nghệ và chuyển đổi số trong việc phát triển kinh tế nhanh chóng và bền vững ở Việt Nam cho đến nay. Những đánh giá hiện nay, nếu có, thường chỉ là các mục tiêu lượng hóa tác động của chuyển đổi số, kiểu như kinh tế số sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm trong GDP vào năm nào đó trong tương lai, sẽ có bao nhiêu tỉnh thành áp dụng chính phủ điện tử, chính phủ số...

Tuy công cuộc chuyển đổi số đang được tích cực vận động áp dụng và đẩy mạnh ở nước ta nhưng trong một số ngành, lĩnh vực, kể cả khu vực công - là khu vực đóng vai trò, dẫn dắt, đi đầu trong chuyển đổi số nhờ vai trò và tiềm lực tài chính, công nghệ của nó so với các khu vực và các chủ thể kinh tế khác - vẫn còn đây đó những nốt trầm.

Một ví dụ mới gần đây minh họa rõ nét tình trạng tụt hậu của khu vực công trong chuyển đổi số là việc thu thập thông tin phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Công an TP. Hồ Chí Minh (HCM) được tiến hành theo kiểu thủ công, thông qua việc điền thông tin, kèm bản photo giấy đăng ký xe. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã có bài viết chỉ ra sự “kỳ kỳ” của cách làm thủ công này và đặt câu hỏi tại sao Công an TP. HCM không tận dụng các hệ thống công nghệ có sẵn? Điều này xảy ra bất chấp Chính phủ lẫn chính quyền TP. HCM đã đầu tư rất nhiều tiền của, công sức để xây dựng các hệ thống công nghệ để quản lý nhiều lĩnh vực trong xu hướng xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử (https://thesaigontimes.vn/co-it-nhat-mot-cach-thu-thap-du-lieu-tot-hon-la-phat-phieu-ghi-tay/).

Trước đây thì có những ví dụ điển hình khác về vấn đề khoảng cách giữa chủ trương và thực hiện, chẳng hạn như việc phát triển và sử dụng các ứng dụng/app khai báo liên quan đến COVID-19. Đã có nhiều app như vậy được đưa ra áp dụng nhưng hiệu quả, liên thông dữ liệu tại thời điểm dịch bệnh như thế nào thì chúng ta đều đã rõ.

Như vậy, ít hay nhiều vẫn còn một khoảng cách từ chủ trương, chính sách đến thực hiện trong công cuộc chuyển đổi số, nhất là ở những lĩnh vực, bộ phận mà việc số hóa hiển nhiên phải đi đầu ở Việt Nam trong các năm qua. Bởi vậy, vấn đề với chuyển đổi số ở Việt Nam có lẽ không phải, không còn là liệu nó sẽ có tác động như thế nào (tích cực hay tiêu cực), ở mức độ nào lên tăng trưởng kinh tế của chúng ta trong năm tới và những năm sau đó, mà là chúng ta liệu có tiến hành chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ và giải pháp mới, thông minh một cách sâu rộng, nhất quán và hợp lý được hay không.

Vậy chúng ta cần làm gì để đẩy nhanh chuyển đổi số?

TS. Phan Minh Ngọc: Như trên đã nói, ngay khu vực công cũng đã chưa thể hiện tốt vai trò định hướng, dẫn dắt, và đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam. Trong khi đó, hầu như là một ý niệm chung rằng chuyển đổi số là cần thiết và mang lại lợi ích thiết thực cho khu vực doanh nghiệp, và, do đó, sự chú ý của dư luận cũng như của các cơ quan hoạch định chính sách cũng chỉ tập trung vào khu vực này. Đây là một sai lầm phổ biến, cần khắc phục ngay. Điều quan trọng không kém là chuyển đổi số trong khu vực công phải được đẩy mạnh, diễn ra triệt để để ít nhất không kéo tụt sự tiến bộ trong chuyển đổi số ở khu vực tư, chưa nói đến việc dẫn dắt, đi đầu của nó.

Ngay trong việc chuyển đổi số ở cấp doanh nghiệp, mặc dù được Nhà nước vận động, khuyến khích áp dụng nhưng vai trò của Nhà nước vẫn chưa rõ nét, theo phản ánh của giới doanh nghiệp.

Khi thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn và trở ngại như thiếu nhân lực và kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ; cần kinh phí lớn để đầu tư vào các dự án chuyển đổi số trong khi năng lực tài chính của doanh nghiệp có hạn; chưa có cơ quan, tổ chức tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp hoạch định, đánh giá, lựa chọn, và xử lý các vấn đề trục trặc liên quan đến các giải pháp ứng dụng số hóa phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp...  

Tất nhiên, nếu để “bàn tay thị trường” phát huy tác dụng trong việc buộc các doanh nghiệp phải tự “bơi”, tự chuyển đổi số để tiếp tục tồn tại và phát triển thì cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp vượt qua được những trở ngại, khó khăn này ở một cấp độ nào đó. Đổi lại, sẽ có nhiều doanh nghiệp, ngành và lĩnh vực bị tụt hậu, không thể theo kịp, tạo ra một nền kinh tế, xã hội phân tầng, ốm yếu.

Để khắc phục tình trạng này cần có sự điều tiết, hỗ trợ của Nhà nước, đóng vai trò bà đỡ cho chuyển đổi số trên quy mô quốc gia, giúp doanh nghiệp đối phó một cách hữu hiệu các trở ngại và khó khăn nêu trên.

Trân trọng cảm ơn ông!

(Thực hiện: Lê Hưng)

Wednesday 4 January 2023

Về vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng Quốc gia hùng mạnh nhất thế giới

Báo chí mấy ngày trước hân hoan, hồ hởi, phấn khởi đăng tin Việt Nam đứng hàng thứ 30 trong bảng xếp hạng Quốc gia hùng mạnh nhất thế giới do US News tiến hành. Có mấy điểm cần lưu ý để người Việt Nam đỡ... hồ hởi thái quá.

Thứ nhất, bảng xếp hạng này là xếp hạng cho tổng cộng 85 quốc gia trong năm 2022. Vì vậy, thứ hạng 30 sẽ bớt “long lanh” hơn nhiều khi tổng số nước có trong bảng xếp hạng chỉ là 85 so với chẳng hạn hơn 200 các nước có trên thế giới.

Có một vụ việc hơi hơi giống vụ này. Đó là năm 2006 khi đồng chí chuyên gia Lê Đăng Doanh có loan báo trên tờ Tuổi trẻ tin tức rằng Việt Nam được kỳ vọng sẽ đứng thứ 17 thế giới về tiềm lực kinh tế (vào năm 2025), theo một xếp hạng/dự báo của Goldman Sachs đưa ra năm 2003. Bỉ nhân đã viết bài đăng trên cùng tờ Tuổi trẻ phang lại đồng chí Doanh về cái thứ hạng loại “impossible” này (link: https://tuoitre.vn/2025-vn-dung-thu-17-ve-tiem-luc-kinh-te-170046.htm ). Sau cùng, đồng chí Doanh đăng bài cải chính cái tin vịt này (trong cùng link trên, và ở link này: https://tuoitre.vn/2025-vn-dung-thu-17-ve-tiem-luc-kinh-te-169210.htm). Té ra Việt Nam đứng thứ 17 (đội sổ) trong số 17 nước có “nền kinh tế có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới”, thua cả Bangladesh, Indonesia và Philippines. Về thứ hạng chung, Việt Nam vẫn bị xếp hạng 63/170 nền kinh tế.      

Thứ hai, cũng trong bảng xếp hạng của US News, Việt Nam được xếp hạng 47 (trên tổng số 85 nước so sánh) trong năm 2022 về chỉ số “Best Countries Overall” – tiếng Việt không biết dịch thế nào cho đúng, đại loại chỉ cần hiểu đây là chỉ số phản ánh mức độ tốt – xấu toàn diện của một nước so với các nước khác trên thế giới. Thứ hạng này của Việt Nam năm 2021 thì cao hơn đáng kể trong năm 2021, tận 40, nhưng là so với... 77 nước khác, tức không có thay đổi, cải thiện gì sất, thậm chí chi li ra (về mặt toán học) thì còn tụt hậu.

Với vị trí tổng thể 47 cho năm 2022, Việt Nam còn thua cả các nước Đông Nam Á dạng lìu tìu như Indonesia (#41), Philippines (#46), chứ chưa kể đến các nước Đông Nam Á ở... tầng trên gồm Malaysia (#39), Thailand (#28), Singapore (#19).

Thứ ba, quay lại với xếp hạng thứ 30 của Việt Nam nói trên. Đây là xếp hạng cho chỉ số “Power” mà được báo chí Việt Nam dịch ra là “Hùng mạnh” dễ dẫn đến sự ngộ nhận thái quá. Đọc kỹ các thuộc tính liên quan đến chỉ số này (mà báo Việt Nam dịch sai – phóng đại lên, gồm câu có chữ “religiously” (xem bản dịch của báo Việt Nam ở đây: https://tuoitre.vn/quoc-gia-hung-manh-nhat-the-gioi-my-thu-nhat-viet-nam-xep-hang-30-20230101103237168.htm?fbclid=IwAR2GQiQow2qo-qxi_PDJrxWcWBBtOw0Xp1_EV9KjqM9iEEjw1B3OQP4KPVU&mibextid=Zxz2cZ so với giải thích của US News ở đây: https://www.usnews.com/news/best-countries/rankings/power ) thì bỉ nhân cho rằng chỉ số về “Power” nên dịch thành “Ảnh hưởng”.

Ảnh hưởng này lên thế giới, theo US News, gồm/được phản ánh qua điểm số cho 5 tiêu chí: nhà lãnh đạo, ảnh hưởng về kinh tế, ảnh hưởng về chính trị, độ mạnh của các đồng minh quốc tế, và sức mạnh quân đội.

Với các tiêu chí trên, nhà lãnh đạo theo phong cách đu dây, làm ai/nước nào cũng phải chèo kéo/dọa dẫm lôi về phía mình thì cũng đã là kiếm được một mớ điểm cao.

Về ảnh hưởng kinh tế, nước chuyên đi gia công, làm thuê cấp thấp, ký hiệp định tự do với đủ loại phe, đủ loại nước thì đúng là không thể thiếu được trên trường quốc tế (không có thì lấy ai gia công?), và đương nhiên do đó cũng kiếm thêm được một mớ điểm nữa cho xếp hạng.

Về ảnh hưởng chính trị, thôi nói cho nhanh, gọn thì cũng giông giống như ảnh hưởng của lãnh đạo.

Về độ mạnh của đồng minh quốc tế, làm bạn, làm đối tác toàn diện với Nga là đủ để kiếm thêm một mớ điểm nữa rồi.

Về sức mạnh quân đội, hẳn cũng không thể tệ khi có một đội quân đông về số lượng và vũ khí thì chủ yếu được đồng minh Nga trang bị mà vẫn (từng) được đánh giá vào loại tiên tiến nhất thế giới (cho đến khi xảy ra chiến tranh Nga – Ukraine).

Như vậy, có thể diễn giải lại như thế này: Theo xếp hạng của US News thì Việt Nam đứng thứ hạng thứ 30 trong tổng số 85 nước về tầm ảnh hưởng lên thế giới (nói công bằng là thứ hạng khá, với các chỉ tiêu được giải thích ở trên). Nhưng đồng thời cũng cần luôn nhớ rằng Việt Nam cũng “bị” xếp hạng dưới trung bình về chỉ số toàn diện của quốc gia – 47/85.

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).