Sunday 30 May 2021

Tăng vòng quay tiền để giảm cung tiền và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế? (Bài đăng trên Đầu tư, 30/5/2021)

https://baodautu.vn/tang-vong-quay-tien-de-giam-cung-tien-va-thuc-day-tang-truong-kinh-te-d143860.html

(Bài phang tiếp đồng chí Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa)

Gần đây nổi lên vấn đề về cung tiền tăng nhanh so với tăng trưởng GDP tạo rủi ro bong bóng bất động sản và chứng khoán. Nhưng nếu giảm cung tiền thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP. Để giải bài toán  khó này, đã có một khuyến nghị rất đáng chú ý, đó là phải tìm cách tăng vận tốc (hay vòng quay) tiền để thúc đẩy tăng trưởng GDP mà không phải tăng cung tiền từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tăng vận tốc tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Vận tốc tiền (velocity of money, V), là thước đo tốc độ trao tay của tiền trong nền kinh tế. Nói một cách đơn giản, đó là tốc độ mà người dân và doanh nghiệp tiêu tiền.   

Một nghiên cứu cho thấy V ở Việt Nam đã liên tục giảm xuống mức thấp kể từ năm 2011, kể cả năm 2020, cho dù có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được thực thi (1). V giảm “cho thấy lượng tiền khổng lồ dường như đã bị mắc kẹt trong hệ tài chính công với tâm lý e dè trong tiêu dùng của người dân, đã làm tăng trưởng GDP không như mức kỳ vọng”. Do đó, với lập luận rằng V cao là dấu hiệu của nền kinh tế lành mạnh (bởi V cao chứng tỏ giao dịch hàng hóa nhanh), nghiên cứu này khuyến nghị cần gia tăng V để kích thích tăng trưởng.

Phát hiện và khuyến nghị nói trên xuất phát từ việc áp dụng công thức: Vận tốc tiền (V) x Cung tiền (M2) = Giá cả (P) x Sản lượng hàng hóa, dịch vụ (Q). Theo đó, khi M2 tăng mạnh như vừa qua trong khi P và Q tạo thêm ra trong nền kinh tế không tăng mạnh tương ứng thì đương nhiên là vận tốc tiền V sẽ phải giảm đi.

Tuy nhiên, vấn đề mà nghiên cứu đặt ra là phải tăng Q. Nhưng cũng từ công thức trên suy ra: Q = VxM2/P. Như vậy, ngoài V thì Q sẽ còn phụ thuộc vào cả M2 và nhất là P, là đại lượng mà NHNN không hoàn toàn kiểm soát được. Nói cách khác, không thể chỉ dựa vào tăng vận tốc tiền V để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.       

Ngoài ra, cần lưu ý rằng V cao nhiều khi là dấu hiệu của nền kinh tế tăng trưởng nóng và/hoặc đang có lạm phát cao, chứ không phải là dấu hiệu của nền kinh tế lành mạnh. Chắc nhiều người vẫn nhớ câu chuyện nước Đức thời lạm phát phi mã cách đây một trăm năm, khi công nhân lĩnh lương xong là lập tức chạy ngay ra chợ để mua hàng hóa (tức V rất cao) bởi giá cả tăng chóng mặt từng giờ. 

Tăng vận tốc tiền để giảm cung tiền

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy V đang ở mức rất thấp “so với thời điểm tích cực”. (2) Có lẽ nghiên cứu này cũng xuất phát từ công thức nói trên nên kết luận rằng “bài toán và mục tiêu lớn của NHNN hiện nay vẫn sẽ phải thúc đẩy vận tốc của tiền. Khi vận tốc tiền gia tăng thì cung tiền sẽ giảm".

Nghiên cứu này lập luận rằng cung tiền M2 tăng nhanh là nguyên nhân đẩy dư nợ tín dụng/GDP lên mức cao, do đó khi rút bớt tiền thì sẽ gây rủi ro lớn cho nền kinh tế. Nhưng do không thể giảm mạnh cung tiền nên cần tăng vận tốc tiền V lên để đảm bảo lượng tiền có đủ cho tăng trưởng kinh tế.

Theo cách trên – tăng V, giảm M2 – thì có thể làm cho M2xV không thay đổi, và do đó PxQ cũng không thay đổi (vì M2xV=PxQ). Tuy nhiên, chỉ thế thôi thì chưa đủ để biết được chiều hướng biến động của sản lượng Q bởi hoàn toàn có khả năng Q thì giảm đi và giá cả P lại tăng lên để đảm bảo PxQ không đổi.

Vận tốc tiền giảm nên không cần lo M2 tăng

Một phân tích khác cũng dựa vào thực tế là V đã giảm đi để đánh giá tác động của M2 lên nền kinh tế.(3) Phân tích này có thể tóm tắt như sau: V đã giảm đáng kể, và đây là đặc trưng cơ bản của khủng hoảng, dẫn đến suy thoái hay đình trệ kinh tế. Do đó, dù M2 tăng mạnh thì cũng không thể có chuyện tiền tràn ngập thị trường.

Có thể suy đoán rằng ý của bài phân tích này là, do M2xV sẽ không tăng lên nên tiền sẽ không trôi nổi, thừa thãi trong nền kinh tế và không gây ra bong bóng tài sản. Nói cách khác, không cần phải lo M2 tăng mạnh khi mà V lại giảm đi.

Cần lưu ý rằng cho dù M2xV không tăng, nhưng đó không phải là lượng tiền do NHNN bơm ra và đang lưu thông trong nền kinh tế. Nó là tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ tạo ra trong một thời kỳ (PxQ), theo công thức M2xV=PxQ. Do đó, dù V giảm đi và M2xV không thay đổi (tăng) thì từ đó cũng không thể kết luận rằng tiền không tràn ngập, thừa thãi trong nền kinh tế.       

-------------

(1) https://saigondautu.com.vn/kinh-te/kich-thich-kinh-te-gia-tang-van-toc-dong-tien-90400.html

(2) https://viettimes.vn/ty-le-du-no-tin-dung-gdp-cao-ngan-hang-nha-nuoc-se-lam-gi-post145164.html

(3) https://baotintuc.vn/kinh-te/ts-le-xuan-nghia-khong-co-chuyen-tien-tran-ngap-thi-truong-gay-bong-bong-tai-san-20210515095744644.htm


Saturday 29 May 2021

Thông tin cá nhân có phải là hàng hóa để mua bán không? (Bài đăng trên TBKTSG, 30/5/2021)

https://www.thesaigontimes.vn/316649/thong-tin-ca-nhan-co-phai-la-hang-hoa-de-mua-ban-khong.html

Gần đây có một số vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân  (TTCN) như vụ mua bán 1.300 GB dữ liệu chứa TTCN và vụ hàng ngàn chứng minh nhân dân người Việt bị rao bán trên diễn đàn hacker đã được công an phát giác hoặc đang được điều tra.

Từ các vụ việc này, nhiều người rất bức xúc, cho rằng TTCN đang bị lạm dụng và đây là nguyên nhân gây bao phiền toái, thậm chí dẫn đến nhiều vụ trục lợi, lừa đảo. Do đó, cũng có rất nhiều người lên tiếng đòi hỏi phải xử lý không chỉ cả người bán mà còn cả những người mua TTCN mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu TTCN, và không chỉ xử phạt hành chính mà còn cả tội phạm hóa hành vi mua bán TTCN.

Không phải mọi hành vi mua bán TTCN là phạm pháp

Nỗi bức xúc, hoang mang của người dân liên quan đến TTCN bị mua bán là điều chính đáng và dễ cảm thông. Nhưng trước hết cần phải làm rõ rằng liệu pháp luật hiện hành của Việt Nam có cấm mọi hành vi mua bán, trao đổi TTCN hay không.

Một số người, có cả luật sư, viện dẫn điều 288 Bộ Luật hình sự 2015 về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” để cho rằng hành vi mua bán, trao đổi TTCN là hành vi phạm pháp. Theo đó, khon b, mục 1 của điều này quy định rằng hành vi “Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó” sẽ bị xử phạt hành chính,  cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù đến 3 năm.

Điều cần chú ý trong quy định trên là cụm từ “mà không được phép của chủ sở hữu thông tin”. Như vậy, có thể diễn giải rằng hành vi mua bán, trao đổi TTCN mà chủ sở hữu đã đồng ý trước đó là hành vi hoàn toàn hợp pháp.

Vậy có khi nào chủ sở hữu TTCN lại đồng ý với hành vi này không? Chắc chắn là có, khi, chẳng hạn, người tiêu dùng ký vào hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ với một doanh nghiệp, tổ chức nào đó mà trong hợp đồng có điều khoản (thường ghi chữ rất nhỏ, ở cuối hoặc trong phần phụ lục của hợp đồng) rằng khách hàng đồng ý cho phía doanh nghiệp cung cấp TTCN cho một bên thứ ba/bên đối tác với mục đích XYZ (thường rất mù mờ, chung chung).

Ngay cả khi gọi điện cho một ngân hàng chẳng hạn (là người viết đang nói đến chuyện ở Singapore, không rõ ở Việt Nam ra sao), máy tự động của ngân hàng trước khi nối kết cuộc gọi với cán bộ hữu trách cũng thòng thêm một câu rằng thông tin cung cấp trong cuộc gọi cũng có thể được cung cấp cho bên thứ ba... Mà đương nhiên là thông tin trong cuộc gọi/hợp đồng thì phải bao gồm mọi TTCN, còn việc “cung cấp” cho bên thứ ba bằng hình thức nào thì chỉ có... Trời mới biết, ngoài ngân hàng/doanh nghiệp và bên thứ ba/đối tác.

Ngoài ra, quy định trên còn kèm thêm điều kiện là hành vi được nói đến phải gây thiệt hại hoặc làm lợi bất chính từ bao nhiêu đồng trở lên, hoặc gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì mới chịu chế tài phạt như đã nêu. Nói cách khác, không phải hành vi mua bán TTCN nào cũng là phạm pháp.

Có phần tương tự như vậy là chế tài theo một loạt văn bản pháp luật khác như Luật Công nghệ thông tin (2006), Luật Bảo vệ người tiêu dùng (2010), Luật An toàn thông tin mạng (2015), Nghị định 185/2013 (và nghị định sửa đổi 2015), Nghị định 15/2020, Nghị định 98/2020. Theo đó, hành vi thu thập, xử lý, sử dụng, trao đổi TTCN mà “không được sự đồng ý” của chủ sở hữu TTCN sẽ bị cấm/phạt tiền. Như thế cũng có nghĩa là nếu chủ sở hữu TTCN trước đó đã đồng ý (dù vô tình, miễn cưỡng) thì việc mua bán TTCN là hợp pháp, hoặc ít nhất thì... không cấm!

Hướng khắc phục, xử lý

Như vậy, do vẫn còn mắc ở điều kiện/cụm từ “không được sự đồng ý” của chủ sở hữu TTCN nên TTCN mặc nhiên phải/vẫn được coi là hàng hóa hợp pháp và việc mua bán cũng được coi là hợp pháp chừng nào mà chủ sở hữu TTCN đồng ý. Đây sẽ là một khó khăn tiềm năng cho cơ quan chức năng khi muốn chứng minh với các đối tượng đang bị điều tra rằng dữ liệu TTCN mà họ mua bán không được sự đồng ý của chủ sở hữu TTCN. Ít nhất bởi cơ quan chức năng, theo nguyên tắc suy đoán vô tội, sẽ phải lần ngược lại từng TTCN để truy ra xem nguồn gốc lọt TTCN đó từ đâu, và có được sự đồng ý từ ban đầu của chủ nhân hay không, với điều kiện nào...   

Do đó, giải pháp pháp lý khắc phục về sau này sẽ được nghĩ đến đầu tiên là xóa luôn điều kiện “không được sự đồng ý” của chủ sở hữu TTCN khỏi mọi văn bản pháp luật để làm cho mọi việc trao đổi, cung cấp, mua bán dữ liệu TTCN (cho bên thứ ba) trở nên bất hợp pháp. Nhưng hậu quả của cách làm dễ dãi này sẽ là tước đi từ doanh nghiệp, tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ một công cụ chính đáng để họ hoặc bảo vệ, tăng cường lợi ích chính đáng của mình (ví dụ như cung cấp TTCN người vay cho bên thứ ba để đảm bảo khoản nợ được “quản lý” một cách hiệu quả) hoặc phục vụ khách hàng tốt hơn (ví dụ cung cấp cho khách hàng hàng hóa, dịch vụ phụ trợ từ bên thứ ba cho hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp). Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên khi hàng loạt văn bản pháp luật hiện nay vẫn phải duy trì điều kiện này.

Thay cho việc cấm thẳng thừng này thì cần bổ sung thêm trong các văn bản pháp luật liên quan điều khoản quy định buộc các chủ thể muốn mua bán, trao đổi, cung cấp dữ liệu TTCN cho/với một bên khác phải có bằng chứng về sự đồng ý của toàn bộ chủ sở hữu TTCN có trong bộ dữ liệu cho việc mua bán này (với mục đích mới khác với khi thu thập TTCN trước đó bởi bên bán), hoặc bằng chứng rằng các chủ thể này đã thông báo cho toàn bộ chủ sở hữu TTCN về việc mua bán này (và cho mục đích gì). Đây là kinh nghiệm tham khảo từ trường hợp của Singapore.(1) Chỉ cần một TTCN trong bộ dữ liệu không có những bằng chứng như vậy sẽ là căn cứ để coi vụ việc mua bán, trao đổi TTCN là phạm pháp và các bên tham gia mua bán sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Đồng thời với sự hợp pháp hóa mua bán TTCN này là bổ sung các hạn chế đối với các kênh khai thác dữ liệu TTCN truyền thống, ví dụ như các cuộc thi, rút thăm trúng thưởng, hội thảo và khảo sát..., và người tiêu dùng có quyền từ chối cung cấp TTCN. Việc làm thế nào để xác định được người tiêu dùng lúc đó là việc của doanh nghiệp.

Điều cũng rất quan trọng khác là bổ sung quy định buộc các tổ chức mua bán dữ liệu TTCN của bên thứ ba (ở Việt Nam chính là những doanh nghiệp mua bán dữ liệu đang bị công an điều tra) phải đăng ký với cơ quan chức năng, và buộc các tổ chức này phải cung cấp thông tin về hệ thống của họ cho phép chủ sở hữu TTCN được xóa TTCN của mình khỏi bộ dữ liệu. Đây là cách làm của Vermont, nơi đầu tiên ở Mỹ vào năm 2019 ban hành luật yêu cầu các công ty môi giới, mua bán dữ liệu cá nhân của bên thứ ba phải đăng ký với nhà chức trách.(2) Qua đây cũng thấy thực ra thì môi giới và mua bán dữ liệu cá nhân là cả một thị trường, một ngành công nghiệp lớn và trong vùng xám hợp pháp ở nước ngoài.

(1) https://www.straitstimes.com/singapore/singapore-privacy-watchdog-takes-first-data-monger-to-task

(2) https://www.fastcompany.com/90310803/here-are-the-data-brokers-quietly-buying-and-selling-your-personal-information

Monday 24 May 2021

Kinh tế Trung Quốc: Kiểm soát chặt chẽ, tăng trưởng chậm (Bài đăng trên TBKTSG, 23/5/2021)

https://www.thesaigontimes.vn/316442/kinh-te-trung-quoc-kiem-soat-chat-che-tang-truong-cham.html 

Trung Quốc là một kỳ tích về kinh tế của thế giới. Trong vòng 30 năm, từ 1980 đến 2010, tức chỉ hơn một thế hệ, GDP đầu người của nước này tính theo đô la Mỹ giá cố định đã tăng đến hơn 5 lần. Trên thế giới chưa từng có tiền lệ như vậy, kể cả các con rồng châu Á như Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, và Singapore.

Kỳ tích này có tiếp tục tồn tại trong những năm tới? Để trả lời câu hỏi này, trước hết phải xem nguồn gốc của sự thần kỳ này. Tất nhiên, đó là tăng trưởng kinh tế cao độ của Trung Quốc trong những năm qua. Cũng thuộc dạng “vô tiền khoáng hậu”, tăng trưởng GDP của Trung Quốc, như hình dưới đây, đạt trung bình đến gần 10%/năm trong suốt 3 thập kỷ từ 1980 đến 2010.


Nhưng điều gì dẫn đến tăng trưởng cao độ như vậy? Lý do phải kể đến đầu tiên là xuất phát điểm thấp kém của Trung Quốc trong những năm 1980. Vào thời điểm năm 1980, GDP/người của Trung Quốc theo giá cố định mới chỉ là 347 đô la (năm 2000 là 1.768 đô la). Quy luật là nước càng nghèo thì có tiềm năng tăng trưởng càng nhanh, và ngược lại.

Lý do thứ hai là sự cởi trói về chính sách kinh tế của nhà nước, chuyển từ một nền kinh tế theo mô hình cộng sản sang kinh tế thị trường, khởi xướng bởi lãnh tụ Trung Quốc lúc đó, Đặng Tiểu Bình. Nhờ ông ta, các nhà máy mọc lên như nấm ở các thành phố, nông dân nghèo ào ào di cư ra phố thị để làm việc trong các nhà máy. Thu nhập nhờ thế tăng nhanh chóng. Những thành công ban đầu này dẫn đến những cải cách sâu rộng trên cả nước, đẩy mạnh hơn nữa tăng trưởng kinh tế.

Về mặt kinh tế học thì sự tăng trưởng thần kỳ này không có gì khó hiểu, bởi chính sách cải cách, mở cửa của Đặng đã khuyến khích việc liên tục đầu tư và sử dụng có hiệu quả vốn và lao động với các công nghệ ngày càng hiện đại hơn theo tín hiệu của thị trường.   

Bước sang đầu thập kỷ 2010, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tuy có chững lại, một phần bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới trước đó, nhưng vẫn ở mức đáng mơ ước, trên 9% cho đến trước năm 2013. Kể từ năm này, tăng trưởng đã giảm tốc đáng kể và theo chiều hướng đi xuống rõ nét.

Năm 2013 cũng là năm Tập Cận Bình lên nắm quyền lực tối cao ở Trung Quốc. Cùng với đó là sự chuyển hướng trong chính sách của nước này, mà theo giới kinh tế học thế giới thì đó là một chính sách không thân thiện với tăng trưởng.

Thực tế thì Tập không có ý định bóp nghẹt tăng trưởng, nên có thể nói một cách khác là sự giảm tốc tăng trưởng liên tục của Trung Quốc trong thời đại của ông ta là một hậu quả không mong muốn, chứ không phải là chủ ý. Bởi ít nhất thì ông ta vẫn tham vọng biến Trung Quốc thành một siêu cường cả về kinh tế và quân sự, vượt cả nước Mỹ số 1, mà để làm được điều này thì buộc vẫn phải có tăng trưởng kinh tế mạnh.

Vậy thực chất chính sách của Tập là gì? Nói gọn trong mấy chữ thì ông ta muốn tăng cường sự kiểm soát chặt chẽ mọi mặt đời sống của Trung Quốc. Chẳng hạn, đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố muốn có sự kiểm soát cao hơn đối với các quyết định quản lý của các công ty Trung Quốc, mà chuyện “dẹp” vụ IPO của mảng tài chính Ant của tỉ phú Jack Ma là một trong những ví dụ điển hình.

Chính sách kinh tế thời của Tập cũng ưu ái gần như tuyệt đối các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), và, do đó, nạn nhân là doanh nghiệp tư nhân, như được thể hiện qua tỷ lệ tín dụng ngân hàng đổ vào hai khu vực này. Nếu như vào năm 2013, tỷ lệ tín dụng đổ vào doanh nghiệp, tư nhân trên tổng tín dụng của hai khu vực vẫn là 57% (tăng lên từ mức 48% năm 2010), thì từ sau năm đó tỷ lệ này tụt giảm thê thảm nhanh chóng, chỉ còn 34% năm 2014, 19% năm 2015 và 11% năm 2016. (1)

Trong một nền kinh tế mà các DNNN thường kém hiệu quả nhưng lại được ưu ái một cách bất bình đẳng lớn như vậy nhằm nhanh chóng đạt được các mục tiêu ưu tiên về chính trị thì đương nhiên nó sẽ kéo tụt hiệu quả chung của cả nền kinh tế. Hiệu quả thấp của DNNN của Trung Quốc có thể thấy rõ qua một số tỷ lệ như lợi nhuận trên tài sản (ROA) bình quân là 3,9%, so với của doanh nghiệp tư nhân là 9,9% vào năm 2018. DNNN chiếm 28% tổng tài sản công nghiệp của Trung Quốc cùng năm nhưng chỉ chiếm 18% tổng lợi nhuận của ngành. (2)                                             

Do đó, bên cạnh yếu tố chín muồi của nền kinh tế Trung Quốc (kinh tế Trung Quốc đã ở giai đoạn phát triển cao hơn nhiều so với mấy thập kỷ trước đây nên sẽ phải tăng trưởng chậm lại, như nói ở trên), sự ưu ái quá mức trong phát triển khu vực DNNN chính là một nguyên nhân chính giải thích cho sự đi xuống của tăng trưởng kinh tế thời Tập Cận Bình, tương phản với thời tăng trưởng nhanh trên nền tảng cải cách, mở cửa, khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài của Đặng Tiểu Bình.

Đến đây, có thể nói rằng sự thần kỳ về kinh tế của Trung Quốc, xét về tốc độ tăng trưởng thu nhập đầu người, sẽ khó có thể tồn tại trong những năm tới (trên cái nghĩa là sẽ không bị một nước nào khác vượt mặt) chừng nào mà Tập Cận Bình vẫn nắm quyền tối cao hoặc, ít nhất là, chính sách kiểm soát chặt chẽ và ưu ái quá mức DNNN của ông ta vẫn tiếp tục được duy trì.

(1) https://www.piie.com/blogs/china-economic-watch/chinas-private-firms-continue-struggle    

(2) https://www.china-briefing.com/news/chinas-soe-reform-process/

Sunday 23 May 2021

Động thái từ thị trường thép Trung Quốc và chính sách của Việt Nam (Bài đăng trên Đầu tư, 23/5/2021)

https://baodautu.vn/dong-thai-tu-thi-truong-thep-trung-quoc-va-chinh-sach-cua-viet-nam-d143289.html

Giá thép và nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt và than mỡ luyện cốc gần đây đã tăng mạnh, liên tục xô đổ các kỷ lục về giá trên các thị trường hàng hóa thế giới. Điều này xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc, nhà sản xuất thép và đồng thời cũng là nhà tiêu thụ thép và nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất thép lớn nhất thế giới, đang tìm cách cắt giảm lượng thép thô để đáp ứng mục tiêu cắt giảm phát carbon như cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2035.

Trung Quốc muốn giảm sản xuất và xuất khẩu thép

Ngày 28/4, Trung Quốc tuyên bố xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nguyên liệu dùng trong sản xuất thép. Theo đó, có hiệu lực từ ngày 1/5, phí nhập khẩu gang thỏi, phôi thép và thép phế liệu sẽ là 0. Đây là những nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép thay cho việc dùng quặng sắt để luyện thép trong lò cao. Đồng thời, việc hoàn thuế xuất khẩu thép cũng bị xóa bỏ. Mục đích của các động thái này được giải thích là để giảm chi phí nhập khẩu, tăng cường nhập khẩu các nguồn lực thép và hỗ trợ việc giảm sản lượng thép thô trong nước.

Trước đó, Trung Quốc, nước sản xuất quá nửa sản lượng thép toàn cầu, đã cam kết giảm sản lượng thép năm nay như là một phần trong kế hoạch giảm phát thải carbon từ một trong những ngành công nghiệp ô nhiễm nhất.

Ngoài biện pháp thuế phí, các biện pháp hành chính cũng được áp dụng, như việc chính quyền tỉnh Đường Sơn yêu cầu 23 nhà sản xuất trong tỉnh phải cắt giảm sản lượng thép trong năm 2021 để giảm phát thải carbon 30-50%. Việc cắt giảm này dẫn đến công suất sản xuất thép thô sẽ sụt giảm khoảng 34 triệu tấn/năm.

Ngoài Đường Sơn, Hiệp hội Gang thép của tỉnh Giang Tô, nơi sản xuất 121 triệu tấn thép thô năm 2020 (11% tổng sản lượng thép thô của Trung Quốc), trước đó cũng đã kiến nghị kiểm soát sản lượng thép. Thành phố Tần Hoàng Đảo của tỉnh Hà Bắc thì được báo cáo là có kế hoạch cắt giảm 30% trong tổng sản lượng 12 triệu tấn thép thô/năm.

Sẽ chỉ giảm được năng lực dư thừa với công nghệ ô nhiễm  

Các nỗ lực cắt giảm sản xuất thép của Trung Quốc như ở Đường Sơn cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá thép tăng mạnh ở Trung Quốc từ tháng 4, theo nhận định của Fitch. Do vậy, một số nhà phân tích nghi ngờ Trung Quốc sẽ quyết tâm thực hiện mục tiêu cắt giảm thép của mình nếu xét đến nỗ lực của nước này muốn kiềm chế giá thép tăng quá mạnh.

Ngoài ra, Trung Quốc chỉ tìm cách cắt giảm sản lượng thép tại các nhà máy sử dụng lò cao công nghệ cũ hơn gây ô nhiễm hơn. Do đó, việc cắt giảm sản lượng thép tại những nhà máy này sẽ được bù đắp bởi những nhà máy có công nghệ hiện đại, tuân thủ quy định về môi trường, bên cạnh những nhà máy luyện thép bằng lò hồ quang điện, nếu giá thép vẫn đứng ở mức cao như những tuần vừa rồi, kích thích các nhà sản xuất tiếp tục tăng sản lượng.

Đó là chưa kể kế hoạch tăng công suất thêm 30 triệu tấn năm nay từ các nhà máy mới được xây dựng, theo số liệu của S&P Global Platts. Đây là năng lực sản xuất mới nên chắc chắn sẽ phải đáp ứng được tiêu chuẩn về môi trường khắt khe hơn của Trung Quốc, và như vậy cũng có nghĩa là sản lượng thép của Trung Quốc khó mà giảm đi như ý định của Chính phủ.

Và thực tế là bất chấp chuyện cắt giảm sản xuất ở Đường Sơn, sản lượng thép thô của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay vẫn tăng đến 16% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 375 triệu tấn, theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Gang và Thép Trung Quốc.

Việc xóa hoàn thuế xuất khẩu thép cũng sẽ giúp tăng nguồn cung cho thị trường thép nội địa. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thép ở Trung Quốc sẽ giảm nhiệt thêm trong những tuần tới khi mùa hè đang đến, là mùa có nhu cầu xây dựng chậm lại.

Do vậy, Fitch dự báo giá thép của Trung Quốc đà tăng giá thép sẽ thép sẽ chậm lại trong những tháng tới, dù vẫn sẽ đứng ở mức cao. Giá thép sẽ được cân bằng bởi một bên là sự tiếp tục gia tăng sản lượng thép bất chấp nỗ lực cắt giảm của Chính phủ và bên kia là giá quặng sắt và các nguyên liệu làm thép (kể cả thép phế) vẫn tiếp tục đứng ở mức cao.

Kiến nghị hạn chế xuất khẩu thép ở Việt Nam

Đối phó với giá thép trong nước tăng cao, Bộ Công thương tính hạn chế xuất khẩu loại thép mà trong nước có nhu cầu, ngoài giải pháp yêu cầu doanh nghiệp tăng sản lượng sản xuất.

Như phân tích ở trên, giá thép ở Trung Quốc – nước chiếm quá nửa sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép toàn cầu, và xuất khẩu gần 60 triệu tấn thép/năm – trong những tháng tới sẽ hạ nhiệt. Nên giá thép trong nước cũng không thể neo ở mức cao như hiện nay. Do đó, lý do chính để đề xuất hạn chế xuất khẩu thép của doanh nghiệp Việt Nam sẽ không còn nữa.

Ngược lại, nếu doanh nghiệp thép Việt Nam có khả năng xuất khẩu thép ngay trong vòng một vài tháng tới thì cần tranh thủ, cần được khuyến khích tăng cường xuất khẩu để tận dụng cơ hội giá thép vẫn sẽ còn ở mức hấp dẫn trong mấy tháng tới. Điều này càng có ý nghĩa với những doanh nghiệp thép đã tích lũy đủ/thừa nguyên liệu sản xuất thép (quặng sắt, than mỡ, than cốc) từ những quý trước với giá cao, trước khi giá nguyên liệu trở lại mức dễ chịu hơn trong những tháng tới.

Ngoài ra, việc hạn chế xuất khẩu bằng mệnh lệnh hành chính là điều không nên làm. Trung Quốc cũng muốn hạn chế xuất khẩu thép nhưng họ cũng chỉ dám thực hiện bằng việc xóa bỏ hoàn thuế xuất khẩu mà thôi, chứ không có chuyện cấm đoán bằng mệnh lệnh hành chính (có thể do e ngại vi phạm các quy định về thương mại quốc tế). Giả sử Việt Nam cũng đã áp dụng hoàn thuế xuất khẩu với thép thì nay nếu muốn giữ lại thép cho tiêu dùng nội địa thì cũng chỉ nên dùng biện pháp như vậy là cùng. Quyết định xuất khẩu hay bán trong nước nên là quyết định thuần túy của doanh nghiệp. 

Nước ngoài quản lý sàn giao dịch tiền mã hóa thế nào? (Bài đăng trên TBKTSG, 23/5/2021)

https://www.thesaigontimes.vn/316406/nuoc-ngoai-quan-ly-san-giao-dich-tien-ma-hoa-the-nao.html

Thời gian gần đây liên tục chứng kiến hàng loạt vụ “sập” của các sàn giao dịch tiền ảo, vàng và forex ở Việt Nam.

Mà không chỉ ở Việt Nam. Lấy ví dụ ở Singapore. Tháng 12/2018, cảnh sát nước này cảnh báo từ tháng 9 đến tháng 11/2018 có 7 người bị lừa với tổng số tiền 78.000 đô la Singapore từ các bài đăng trên mạng (thực chất là quảng cáo trả tiền) chứa thông tin sai sự thật rằng những người khả tín ở Singapore (Phó Thủ tướng hay diễn viên nổi tiếng) đã “chia sẻ” rằng họ đầu tư vào bitcoin và thắng lớn (viết đến đây tự nhiên tôi lại nghĩ đến chuyện một ca sĩ hình như cũng có tiếng ở Việt Nam mới lên tiếng trên báo khoe đã đầu tư và thắng lớn vào tiền ảo, tất nhiên cũng thòng thêm cảnh báo rằng đầu tư tiền ảo là rủi ro, ngoài tuyên bố sẽ làm từ thiện. Lúc đọc xong cái sự “chia sẻ” của ca sĩ này tôi đã thấy... đầy dấu hỏi).

Trong các bài quảng cáo nói trên có link dẫn đến một trang web khác mời chào đầu tư qua hình thức mua bán tiền ảo hay các sản phẩm tài chính khác. Nạn nhân sau khi đã cung cấp thông tin cá nhân sẽ được “đại diện” của các nơi “giao dịch” này gọi và hướng dẫn nộp tiền qua thẻ tín dụng rồi... xong!

Một vụ khác mới “lộ” hồi tháng 3 liên quan đến nền tảng giao dịch tiền ảo Torque, đăng ký dưới một địa chỉ không đầy đủ tại British Virgin Islands, có 80 nhân viên ở Singapore và Việt Nam (20 người là công dân Singapore), được điều hành bởi Bernard Ong, người Singapore. Theo đó, có ít nhất 70 trình báo gửi cảnh sát vì đã bị mất đến nhiều triệu đô la đầu tư vào tiền ảo trên nền tảng này. Nạn nhân nhận được thông báo từ nền tảng rằng một nhân viên cấp cao của Torque đã vi phạm quy định của công ty và rằng hành động giao dịch không được phép của nhân viên này hồi tháng 2 đã gây thiệt hại lớn cho các tài khoản khách hàng. Ong cũng gửi thư đến các nhà đầu tư cho biết giao dịch sẽ bị đình chỉ để ngăn ngừa thua lỗ tiếp tục, và sau khi việc điều tra kết thúc thì khách hàng có thể chọn tiếp tục giao dịch hoặc rút ra số tiền còn lại và đóng tài khoản! Ngoài ra, Ong đã nộp đơn tố cáo nhân viên vi phạm đến cảnh sát nhưng nhân viên này không có ở Singapore và... không thể  liên lạc được!                

Với những trò lừa đảo và vụ mất tiền không chỉ trong mà còn ở ngoài Việt Nam như vậy nên chắc nhiều người Việt bây giờ nghe đến chữ “nền tảng” hoặc “sàn” là kinh và nghi ngờ tắp lự, trừ hai cái sàn chứng khoán của Việt Nam. Điều này dường như càng được củng cố thêm bởi cái tin nóng hổi gần đây về sàn tiền ảo lớn nhất thế giới Binance đang bị Mỹ điều tra vì tội rửa tiền. Binance được thành lập ở “thiên đường thuế” Cayman, có văn phòng ở Singapore mà không có trụ sở công ty (theo giải thích của CEO của nó là vì bitcoin cũng không có trụ sở! Phải nói thêm là ông này luôn lảng tránh câu hỏi trụ sở của Binance ở đâu). (1)

Không chỉ vậy, nhiều người chắc cũng đang rất băn khoăn tại sao ở những nước có pháp luật nghiêm minh và uy tín tài chính cao như Singapore mà cũng “chứa chấp” các loại sàn cùng các sản phẩm đáng ngờ, dễ dẫn đến các hành vi phạm pháp như vậy.

Hoàn toàn không phải vậy. Trở lại vụ 7 người Singapore bị lừa nói trên, cảnh sát đã nói rõ các trò “đầu tư” này thường được tiến hành bên ngoài Singapore và không được cấp phép bởi cơ quan chức năng của Singapore. Nói cách khác, các trò lừa đảo này cũng khá tương đồng với các trò diễn ra ở Việt Nam trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là tính bất hợp pháp, hoạt động không được cấp phép. Như vậy, đầu tư trên các sàn này đơn thuần chỉ là các trò lừa đảo, chứ chính quyền không hề liên quan hay dung túng, ủng hộ.

Tương tự như vậy, trong vụ Torque, Ong cũng giải thích (lý do tại sao lại đăng ký hoạt động tại British Virgin Islands) rằng chi phí hoạt động 24 giờ/ngày ở Singapore là quá cao và rằng quần đảo này thân thiện hơn với tiền ảo và không có khuôn khổ pháp luật cho tiền ảo. Như vậy, cũng có thể nói Torque cũng hoạt động ngoài Singapore và không được/không phải do Singapore  cấp phép.

Còn trong vụ Binance, công ty này cũng đăng ký tại một thiên đường thuế (Cayman), hay nói cách khác là chẳng ai kiểm soát, chế tài hoạt động của nó. Binance trong vụ điều tra của Mỹ là Binance Holdings, tức là cái doanh nghiệp đăng ký tại Cayman, chứ không phải là (văn phòng) Binance ở Singapore, được đăng ký dưới cái tên Binance Asia Services Pte. Ltd., với ngành nghề “các dịch vụ tư vấn quản lý khác”.

MAS – ngân hàng trung ương Singapore cũng không cấp phép cho Binance Asia Services mà chỉ miễn giấy phép cho nó trong vòng 6 tháng cho đến ngày 28/7/2020 cho hoạt động cung cấp các dịch vụ tiền ảo như quy định tại Luật Dịch vụ Thanh toán (PS Act) được ban hành và có hiệu lực từ tháng 1/2020. Trong thông báo miễn giấy phép này trên website của mình, MAS nói rõ là sự miễn này sẽ chấm dứt vào ngày đến hạn hoặc vào ngày mà công ty nộp đơn xin cấp phép (và được phê chuẩn/từ chối bởi MAS hoặc được công ty rút lại). (2) Nhưng cho đến nay, MAS không có thông báo nào khác (trên trang web của họ) liên quan đến (miễn) giấy phép của Binance nên suy ra là sự miễn giấy phép này đã hết hạn và các dịch vụ tiền ảo của nó theo PS Act là không được cấp phép (tiếp tục).

Tóm lại, điểm chung của các loại sàn với nền tảng có rủi ro lớn lừa đảo, phạm pháp là không có trụ sở hữu hình (mà thường là được đăng ký ở những thiên đường thuế tuy thực nhưng lại là ảo bởi không cần phải có trụ sở thật và hầu như không bị bất cứ chế tài nào của nơi đăng ký) và không được cấp phép hoặc công nhận bởi các cơ quan chức năng của nước sở tại (tức nhà đầu tư sẽ không được pháp luật bảo vệ).

[BOX?] Nói thêm một chút về chính sách và thái độ ứng xử liên quan của Singapore. Ở Singapore việc mua bán, kinh doanh tiền ảo là hợp pháp và Chính phủ nước này có một thái độ thân thiện hơn về vấn đề này so với các nước khác trong khu vực. Dù Singapore cũng không công nhận tiền ảo như bitcoin là một loại tiền pháp định nhưng họ lại coi nó là một hàng hóa và đánh thuế giá trị gia tăng lên việc mua bán tiền ảo. Đồng thời, MAS giữ một lập trường trung lập trong sự phát triển của tiền ảo: năm 2017 họ tuyên bố không chế tài tiền ảo nhưng sẽ chế tài các token thanh toán số (Digital Payment Token) nếu các token này được coi là “chứng khoán”.

Tuy vậy, giới chức Singapore như cảnh sát và MAS đã liên tục không ngừng đưa ra các cảnh báo về tính rủi ro của việc đầu tư vào tiền ảo để nhà đầu tư tiền ảo thận trọng và tỉnh táo để không bị lừa hoặc thua lỗ nặng nề. Ngoài ra, MAS nhấn mạnh rằng tiền ảo chịu sự quản lý của các chế tài luật hiện hành về rửa tiền và tài trợ khủng bố như với tiền pháp định. Và như đã nói, PS Act được ban hành và có hiệu lực từ tháng 1/2020 trao quyền cho MAS để quản lý các sàn giao dịch tiền ảo và các doanh nghiệp tiền ảo, và yêu cầu chúng phải có giấy phép hoạt động do MAS cấp. Danh sách các sàn giao dịch và doanh nghiệp tiền ảo có giấy phép được nêu rõ trên trang web của MAS và các nhà đầu tư được khuyến cáo trước khi đầu tư cần kiểm tra xem sàn hay doanh nghiệp liên quan có trên đó không.

----

(1) https://sg.news.yahoo.com/binance-doesn-t-headquarters-because-164521105.html

(2) https://www.mas.gov.sg/regulation/payments/entities-that-have-notified-mas-pursuant-to-the-ps-esp-r

Monday 17 May 2021

Chuyển đổi số: Động lực và những xu hướng chính sau đại dịch (Bài đăng trên Thông tin và Truyền thông, 17/5/2021)

https://ictvietnam.vn/chuyen-doi-so-dong-luc-va-nhung-xu-huong-chinh-sau-dai-dich-20210517092710838.htm 

Từ một thập kỷ trước, chuyển đổi số tiến triển với tốc độ khá chậm chạp, tập trung chủ yếu vào cải thiện sản phẩm, quy trình và trải nghiệm của nhân viên. Và sau đó thì đại dịch Covid-19 xảy ra, buộc các tổ chức phải chú trọng ưu tiên các chương trình/sáng kiến IT và đầu tư mạnh vào số hóa.

Do các công ty tiếp tục phải đối phó với hậu quả của đại dịch, và dự đoán tăng lên về trải nghiệm khách hàng, họ sẽ phải tăng cường chuyển đổi số. Dưới đây là một số xu hướng chính và động lực của chúng trong chuyển đổi số của doanh nghiệp trong thời hậu đại dịch năm nay hoặc năm tới.

Chuyển đổi sẽ không thể dừng lại

Khi đại dịch đang diễn ra trầm trọng, nhiều doanh nghiệp đã phải đổi mới, một cách nhanh chóng, để tiếp túc hoạt động và phục vụ được khách hàng của mình. Đã có nhiều cuộc khảo sát được tiến hành về công cuộc đổi mới, chuyển đổi số của các doanh nghiệp, và kết quả thường là phần lớn doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đã thực hiện một khối lượng lớn công việc liên quan đến chuyển đổi số để tồn tại và tiếp tục phát triển trong và sau đại dịch.

Và một khi họ đã thực hiện đổi mới, chuyển đổi số với nhiều khoản đầu tư và nỗ lực vào các lĩnh vực như công nghệ để giữ chân và làm lợi cho khách hàng thì họ sẽ không thể và không muốn quay lại với cách làm và công nghệ như trước khi có đại dịch. Và công nghệ thì luôn đổi mới nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp lực cạnh tranh, nên điều này lại càng buộc các doanh nghiệp phải tiếp tục đầu tư nỗ lực đổi mới, chuyển đổi số hơn nữa nhằm duy trì vị thế cạnh tranh và phục vụ khách hàng tốt hơn nữa.

Công nghệ tạo sự bền bỉ và linh hoạt quan trọng hơn những đổi mới kiểu “vụ nổ lớn”

Các doanh nghiệp phải đối mặt với bất trắc và bất ổn chưa từng có tiền lệ suốt trong năm 2020, với đầu tư công nghệ tập trung vào duy trì sự ổn định ở mức gần như bình thường hoặc ở một mức độ nào đó. Năm 2021 và 2022, họ sẽ phải tiếp tục sử dụng nhiều công nghệ hơn làm cho tổ chức của mình có sức bền bỉ hơn, đồng thời phải linh hoạt hơn để thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh mới và thách thức mới.

Ví dụ, nhiều doanh nghiệp quản lý nhiều loại hệ thống và thiết bị khác nhau nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm tốt việc tích hợp các ứng dụng hiện hữu, dịch vụ đám mây, hoặc cơ sở hạ tầng. Tích hợp dữ liệu là điều quan trọng giúp doanh nghiệp hiểu thấu và phân tích, đưa ra được các quyết định kinh doanh nhanh chóng, linh hoạt. Trên thực tế, dữ liệu và phân tích và tích hợp được xem là trong số những công nghệ hàng đầu mà các tổ chức sẽ ưu tiên trong năm nay và năm tới.

Do các doanh nghiệp tiếp tục phải xử lý hậu quả của đại dịch, động lực cho việc này sẽ là các công nghệ hướng đến củng cố tính bền bỉ tổng thể của doanh nghiệp, đặc biệt đối với những mối đe dọa cho kinh doanh rất thực như suy thoái, khủng hoảng sức khỏe, và đối thủ cạnh tranh.

Một trong những bài học lớn nhất năm 2020 là sự cần thiết của tính bền bỉ và linh hoạt trong những hoàn cảnh bất thường. Doanh nghiệp đầu tư vào IT và công nghệ số; không một ai có thể tiên đoán điều tiếp đến là gì, nhưng doanh nghiệp sẽ trở nên bền bỉ, dễ thích nghi hơn nhờ công nghệ khi phải đối mặt với bất trắc.  

Tác động của chiến lược duy trì sự bền bỉ và linh hoạt có thể thấy rõ trong ngành bán lẻ, nơi các doanh nghiệp với hệ thống eCommerce linh hoạt có thể nhanh chóng chuyển sang hình thức giao hàng tại một điểm xác định (thay vì tại nhà của khách đặt hàng) và phát triển tốt hơn những doanh nghiệp bán lẻ chỉ có hệ thống bán hàng lạc hậu và khó sử dụng hơn.

Ví dụ như Target, nhà bán lẻ online, đã thực thi giao hàng tại một điểm xác định cùng với dịch vụ nhận hàng mà vẫn ngồi trong xe từ trước đại dịch. Khi đại dịch nổ ra, họ chỉ thay đổi cách xác thực khách nhận hàng. Thay vì khách hàng phải để cho nhân viên tại cửa hàng quét mã vạch trên smartphone của khách để xác thực người nhận hàng thì nay khách hàng nhận được mã số 4 chữ số và chỉ cần ngồi trong xe và giơ cho nhân viên xem để xác thực mà không cần hạ kính cửa sổ. Trong xu hướng giao dịch không tiếp xúc để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh, đây là một thay đổi rất có ý nghĩa, làm tăng đáng kể trải nghiệm của cả khách hàng lẫn nhân viên. Chuyển đổi sang cách làm mới này cũng dễ dàng bởi Target đã có cơ sở hạ tầng hiện hữu dễ cập nhật cái mới.    

AI phải trở thành thực tiễn

Tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI) đã đạt đến ngưỡng mà nó có thể tạo thêm giá trị gia tăng cho hầu như mọi doanh nghiệp. Tuy vậy, nhiều dự án AI cho đến nay vẫn ở quy mô nhỏ - chỉ có chưa đến ¼ công ty trong báo cáo “2020 State of AI” của McKinsey cho biết AI đã tác động đáng kể đến lợi nhuận của công ty.

Để tăng được quy mô ứng dụng AI đem đến những thay đổi lớn hơn thì cần có những giải pháp mà người thực hiện không nhất thiết phải là chuyên gia tin học, dữ liệu. Ví dụ như với xe điện tự lái Tesla, nếu chỉ có chuyên gia tin học mới lái được thì điều này không còn ý nghĩa gì.

Công nghệ cần giúp người dùng giao tiếp với và vận dụng các mô hình mà không phải động chạm đến những vấn đề như code hay bộ dữ liệu. Những thứ này sẽ do AI đảm nhiệm. Ví dụ, nhân viên quản lý nhà cửa có thể ngồi một chỗ trong quán cà phê để quản lý tất cả các tòa nhà của mình. Họ sẽ thấy toàn bộ các hoạt động, trải nghiệm của người thuê, và chi phí, với khả năng can thiệp vào các vấn đề mà trong những hoàn cảnh khác sẽ là không thể.

Các dự án chuyển đổi số sẽ dựa vào trải nghiệm của khách hàng và nhân viên

Đại dịch đã làm cho hàng loạt trải nghiệm khách hàng, từ đi nhận hộ đồ đi chợ đặt hàng đến thăm khám bác sĩ được chuyển qua các kênh số. Thực hiện việc chuyển đổi số này thành công sẽ tác động đến sự thành công trong chuyển đổi số chung và, do đó, lợi nhuận tổng thể của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt hơn thì cũng đạt doanh thu lớn hơn so với những doanh nghiệp đối thủ có trải nghiệm khách hàng tồi hơn.

Vì vậy, sẽ là tất yếu khi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư ứng dụng các hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM) hiện đại, cũng như cải thiện trải nghiệm khách hàng và ứng dụng các nền tảng dữ liệu. 

Trước năm 2020, nhân viên của nhiều doanh nghiệp được yêu cầu làm việc hoặc đào tạo tại nhà theo hình thức làm việc/học tập từ xa đã báo cáo cảm giác không gắn bó với công việc. Cảm giác không gắn bó có tác động lớn đến thành tích và năng suất của nhân viên, đồng thời cũng ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, trong năm nay và năm sau, có thể kỳ vọng chuyển đổi số trong lĩnh vực nhân sự sẽ bao gồm thêm nhiều công cụ cho phép nhân viên đào tạo và làm việc từ xa có tương tác, hợp tác với nhau, cũng như các công cụ họp video.

Các dự án chuyển đổi số sẽ tập trung vào cải thiện chất lượng và phân tích dữ liệu

Chuyển đổi số hậu đại dịch chắc chắn sẽ cần dữ liệu có chất lượng hơn. Với dữ liệu có chất lượng tốt hơn thì doanh nghiệp mới có thể bán được nhiều hơn các sản phẩm và dịch vụ qua các kênh bán hàng số.

AI có thể đưa ra các khuyến nghị sản phẩm cho từng cá nhân trên các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, thuật toán AI chỉ có chất lượng bằng với chất lượng dữ liệu mà nó sử dụng. Vì vậy, đảm bảo dữ liệu sạch và quy trình sạch sẽ nhận được nhiều sự chú ý hơn trong chuyển đổi số trong thời gian tới.

Kết quả chứ không phải là công nghệ sẽ được chú trọng trong chuyển đổi số

Kết quả chuyển đổi số xét về hiệu quả kinh doanh, chứ không phải là công nghệ nền tảng trong chuyển đổi số, sẽ được chú trọng trong chuyển đổi số thời gian tới.

Trong quá khứ, các dự án chuyển đổi số được tạo ra xoay quanh các công nghệ nền tảng hay các phần mềm chủ chốt. Ví dụ, một cơ sở y tế lớn muốn triển khai hệ thống ERP (Quản lý Nguồn lực Doanh nghiệp) để tích hợp các chức năng tài chính, nhân sự, và chuỗi cung cấp vào một hệ thống thống nhất. Những dự án chuyển đổi số kiểu này được thực hiện theo trình tự: chọn và sử dụng hệ thống XYZ (ví dụ, Oracle, Workday, Salesforce...) như thế nào à để đạt được mục tiêu ABC (ví dụ, tăng doanh thu hoặc hiệu quả).

Nhưng vào năm nay và năm sau, sau đại dịch, các dự án chuyển đổi số có khả năng sẽ cắt bỏ vế đầu của trình tự trên, và sẽ được thiết kế để trả lời câu hỏi làm thế nào để đạt mục tiêu ABC nói trên.

Xu hướng mới về thiết kế và thực thi dự án chuyển đổi số lấy hiệu quả, kết quả làm trung tâm nói trên được thúc đẩy bởi sự nở rộ của các giải pháp SaaS (Software as a Service – phần mềm dịch vụ). Do nhiều công ty phần mềm triển khai mô hình thuê bao dựa trên SaaS, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng mua và triển khai các ứng dụng phần mềm này, tùy thuộc vào nhu cầu/mục đích theo đuổi của họ khi muốn áp dụng giải pháp số.

Trước khi triển khai phần mềm, các doanh nghiệp sẽ đánh giá quy trình hiện tại và công nghệ đi kèm để xem có cần phải áp dụng phần mềm ứng dụng mới để giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải. Nhờ vậy, các doanh nghiệp sẽ không còn phải trải qua tình trạng đi mua một giải pháp phần mềm về rồi phải quyết định thực hiện và sử dụng nó như thế nào.

Sunday 16 May 2021

Khủng hoảng chip và có cơ hội nào dành cho sản xuất chip tại Việt Nam (Bài đăng trên Đầu tư, 16/5/2021)

https://baodautu.vn/khung-hoang-chip-va-co-co-hoi-nao-danh-cho-san-xuat-chip-tai-viet-nam-d142865.html

Thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng chip ảnh hưởng đặc biệt nặng nề lên các hãng ô tô và các hãng công nghệ trên khắp thế giới. Giải pháp được nhiều người nghĩ ngay đến là xây mới và/hoặc tăng năng lực sản xuất chip. Ở Việt Nam cũng có những đề xuất, ý tưởng tương tự như vậy.

Tuy nhiên, việc xây dựng mới hoặc gia tăng năng lực sản xuất hiện tại chip không dễ thực hiện ngay và luôn, và, vì thế, cuộc khủng hoảng chip toàn cầu sẽ còn kéo dài ít nhất sang đến 2022.

Khó và rất tốn kém

Lý do đầu tiên là sản xuất chip là rất khó vì nó đòi hỏi mức độ tinh vi cao độ, với những lớp phủ vật liệu có độ dầy có khi chỉ bằng một nguyên tử, với các mạch in được chế tạo bằng cách dùng tia siêu cực tím để đốt cháy phôi thành các vật liệu đọng lại trên tấm nền silicon. Đây là những kỹ thuật thường chỉ xảy ra một cách tự nhiên trong vũ trụ.

Bởi vậy, sản xuất chip cần nhiều thời gian để xây dựng và lắp đặt thiết bị cho các nhà máy sản xuất chip (ít nhất 2 năm), cùng hàng tỷ USD vốn đầu tư. Sản xuất một con chip cụ thể thường cần khoảng hơn 3 tháng hoặc hơn, tùy vào độ phức tạp, và được tiến hành trong những nhà máy khổng lồ, những phòng sản xuất tuyệt đối sạch, không có bụi.

Về chi phí, để xây dựng một nhà máy thuộc hạng “entry” có côn suất 50.000 tấm nền silicon (wafer)/tháng thì cần đầu tư chừng 15 tỷ USD, chủ yếu là các thiết bị chuyên dụng. Những máy móc tiên tiến nhất có giá thậm chí trên 100 triệu USD và phải chuyên chở để lắp rắp bằng nhiều chuyến Boeing 747. 3 hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới là Intel, Samsung và TSMC (Đài Loan) chiếm phần lớn trong tổng đầu tư vào ngành sản xuất chip thế giới, với mỗi nhà máy của họ có mức đầu tư tới hơn 20 tỷ USD.

Trong ngành sản xuất chip, để không bị thua lỗ thì phải đạt tỷ lệ thành phẩm đạt tiêu chuẩn trên 90% lượng sản phẩm sản xuất ra, một con số chỉ đạt được sau quá trình học sửa sai tốn kém. Lý do này và những lý do trên giải thích tại sao chỉ có một vài hãng sản xuất là tiếp tục chi phố ngành sản xuất chip. Phần lớn trong số bộ vi xử lý của 1,4 tỷ điện thoại thông minh tiêu thụ trên thế giới là được tạo ra bởi TSMC. Intel thì nắm 80% thị trường bộ vi xử lý máy tính. Samsung thì chiếm lĩnh thị trường chip nhớ. Những nhà sản xuất còn lại, gồm có từ Trung Quốc, khó có thể phá vỡ được sự sắp đặt này.

Do yêu cầu cao như vậy nên nhiều nước muốn tự chủ về chip mà không được. Tổng thống Mỹ Biden cam kết dành 50 tỷ USD như là một phần của gói xây dựng cơ sở hạ tầng 2,3 nghìn tỷ USD để nâng cao năng lực sản xuất, đạt được sự tự chủ về chip tại Mỹ. Cộng đồng chung châu Âu (EC) cũng có kế hoạch sản xuất chip riêng của mình. Nhưng thành công của những kế hoạch này chẳng có gì đảm bảo.

Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn ước tính tham vọng trên của Mỹ phải cần đến khoản đầu tư và các hỗ trợ khác của Chính phủ trị giá đến 1.400 tỷ USD, và trong khoản thời gian trên một thập kỷ mới có thể hoàn thành. Nên khoản cam kết 50 tỷ USD của Biden quá nhỏ để có thể mang lại hiệu quả đáng kể.

Thiếu hụt chủ yếu chip cấp thấp

Một đặc điểm trong cơn khủng hoảng chip hiện nay là sự thiếu hụt các chip cấp thấp. Các hãng sản xuất chip lớn thế giới đang nỗ lực chạy đua sản xuất các chip tiên tiến dùng cho những sản phẩm và công nghệ như 5G và máy chủ. Năm 2020, 27% vốn đầu tư vào thiết bị sản xuất chip là dành cho sản xuất các loại chip tiên tiến nhất. Chỉ có dưới 11% vốn đầu tư này là vào các loại chip thương mại thông thường. 

Xu hướng đầu tư thiên lệch này làm cho các nhà sản xuất không trở tay kịp với sự thiếu hụt các chip cơ bản dùng trong các sản phẩm thấp cấp hơn về công nghệ như ô tô, màn hình máy tính, loa và đồ điện gia dụng – những sản phẩm mà nhu cầu của chúng đã tăng vọt trong đại dịch. Việc dịch chuyển năng lực sản xuất chip cao cấp sang thấp cấp hơn  không dễ dàng bởi mỗi một loại chip đòi hỏi những loại thiết bị khác nhau để sản xuất, dù cũng có một số bước trùng lắp.

Sự thiếu hụt chip còn được khuếch đại bởi căng thẳng Mỹ-Trung, nhất là trong năm 2020 khi Mỹ hạn chế xuất khẩu chip do Mỹ thiết kế hoặc chế tạo sang Trung Quốc. Việc này gây ra nạn mua tích trữ số lượng lớn chip bởi các công ty Trung Quốc, làm sụp đổ chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

Ngoài ra, các biến cố khác cũng tác động mạnh đến nguồn cung chip như cháy nhà máy sản xuất chip ở Nhật, lạnh giá kỷ lục ở miền nam nước Mỹ, hạn hán ở Đài Loan (gây thiếu nước dùng sản xuất chip).

Tương lai bất định

Trong bối cảnh thiếu hụt hiện nay, trước khi bỏ ra hàng tỷ USD đầu tư tăng năng lực sản xuất thì các hãng sản xuất lớn phải trả lời được câu hỏi cơ bản, liệu sự tăng vọt về nhu cầu này còn kéo dài trong tương lai hay sẽ giảm nhiệt vào thời điểm các nhà máy mới hoàn thành và đi vào sản xuất?

Nếu sự tăng vọt đến mức khủng hoảng này chỉ là ngắn hạn thì nhiều nhà sản xuất sẽ không muốn bỏ vốn đầu tư mạo hiểm. Hơn nữa, các nhà máy mới xây sẽ trở thành lạc hậu sau 5 năm hoạt động hoặc sớm hơn. Với mỗi nhà máy trị giá đến trên 20 tỷ USD thì mỗi nhà máy này phải tạo ra lợi nhuận tối thiểu là 3 tỷ USD mới làm bài toán đầu tư trở nên khả thi. Do vậy, hiện nay chỉ có Intel, Samsung, và TSMC, với doanh thu gộp 180 tỷ USD năm 2020 (bằng toàn bộ 12 hãng sản xuất chip lớn khác cộng lại) mới đủ sức để đầu tư xây dựng vài nhà máy như vậy.  

Mặt khác, dù vẫn có kế hoạch đầu tư lớn để tăng năng lực sản xuất tổng thể, như TSMC hồi tháng 4 công bố kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong 3 năm tới (28 tỷ USD năm nay) để tăng công suất và đầu tư thiết bị, nhưng với 2 nhà sản xuất lớn khác thì kế hoạch trung hạn chủ yếu của họ vẫn là phát triển năng lực sản xuất chip tiên tiến (như dự án 20 tỷ USD của Intel Arizona và một số dự án khác trong năm nay, 116 tỷ USD của Samsung đến 2030 để đa dạng hóa sản xuất chip). 

Các nhà sản xuất khác ở Trung Quốc như SMI cũng tham vọng đẩy mạnh sản xuất chip trong các nhà máy mới dưới sự thúc giục của Tập Cận Bình nhằm đạt được độc lập về công nghệ cao như sản xuất chip. Nhưng những nỗ lực này bị cản trở phần vì vấn đề vay nợ, phần vì không tiếp cận được các công nghệ sản xuất chip tiên tiến bị Mỹ cấm vận. Cũng có báo cáo cho thấy thiết bị sản xuất chip hiện cũng tốn nhiều thời gian hơn, thậm chí đến gấp 4 lần so với thông thường để được giao đến tay nhà sản xuất chip.  

Trong khi đó, về phía cầu, nhiều người nghi ngờ cầu tăng vọt hiện nay chỉ là ngắn hạn, gây ra chủ yếu bởi sự hoảng sợ của người mua, khi họ tăng lượng đặt hàng và/hoặc đặt hàng cùng lúc với nhiều nhà cung cấp. Bởi vậy, một số nhà cung cấp chip đã phải áp dụng các biện pháp như không cho phép hủy đơn đặt hàng để ngăn cản một số khách hàng đặt hàng kiểu dự phòng.

Sản xuất chip ở Việt Nam

Ở Việt Nam, hiện đang có những ý tưởng đầu tư để xây dựng công nghiệp chip nội địa, góp phần chủ động nguồn cung cho các doanh nghiệp trong nước.

Cần nói trước hết rằng Việt Nam muốn sản xuất chip nội địa thì hoàn toàn phải phụ thuộc vào ý đồ và kế hoạch của các nhà sản xuất chip thế giới, nhất là 3 “ông lớn”. Các hãng sản xuất khác, dù là nội địa hay nước ngoài, đều khó, không có năng lực/khả năng xây dựng các nhà máy sản xuất chip đúng nghĩa tại Việt Nam (có chăng chỉ là sản phẩm phụ trợ, dịch vụ gia tăng). Ngay như khoản đầu tư bổ sung gần 500 triệu USD công bố hồi tháng 1 của Intel vào dự án 1 tỷ USD của họ Việt Nam cũng chỉ là cho hoạt động lắp ráp chip và thử nghiệm. Và cho dù có một hãng sản xuất có năng lực nào đó có ý định thành lập nhà máy sản xuất chip mới ở Việt Nam thì họ vẫn sẽ vấp phải bài toán về tính khả thi như trên, trong thời gian hậu xây dựng.

Cũng có người nói chúng ta nên đợi khi có thị trường điện thoại thông minh đủ lớn thì hãy đầu tư vào sản xuất chip. Dù vậy thì việc tự chủ chip bằng sản xuất nội địa có lẽ sẽ là quá sức và mang tính phi kinh tế trong vòng nhiều năm nữa. 

Saturday 15 May 2021

Tiền chạy đi đâu? (Bài đăng trên TBKTSG, 16/5/2021)

https://www.thesaigontimes.vn/316214/tien-chay-di-dau.html

Một số báo cáo phân tích vĩ mô thường dựa vào số liệu cập nhật về khối lượng giao dịch trên thị trường mở để nhận định diễn biến của cung tiền và tín dụng. Chẳng hạn, dựa vào báo cáo thống kê về lượng tiền bơm ròng qua kênh thị trường mở và kênh ngoại tệ trong mấy tháng đầu năm đều bằng 0, kết luận đưa ra là chính sách tiền tệ của Việt Nam “vẫn rất thận trọng và có tính ổn định cao”(1). Nhưng thực tế có phải như vậy không?

Thực tế là trong cùng kỳ, cung tiền đã tăng khá mạnh, thậm chí còn cao hơn cả cùng kỳ năm trước, vốn cũng đã được coi là rất cao so với thế giới. Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 16-4-2021 tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 2,9% so với tháng 12-2020 và tăng đến 15,7% so với cùng kỳ năm 2020 (trong khi tốc độ tăng của cả năm 2020 là 14,5% (xem bảng 1).

NHNN cũng công bố tỷ lệ tiền trong lưu thông trên M2, nên từ đây có thể tính được lượng tiền có trong lưu thông (tức tiền mặt, nằm ngoài hệ thống ngân hàng). Hạng mục “Tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư bằng ngoại tệ” được tính bằng cách lấy tổng phương tiện thanh toán trừ đi các hạng mục còn lại.Bảng 1 sử dụng số liệu về M2 được công bố trên trang web của NHNN với cấu thành là tiền gửi của tổ chức kinh tế và của dân cư bằng tiền đồng, cập nhật đến tháng 2-2021.

Bảng 1 cho thấy chính sách tiền tệ của Việt Nam thực chất là đã tiếp tục xu thế nới lỏng mạnh hơn đáng kể trong thời gian qua. Nói cách khác, không thể chỉ dựa vào khối lượng giao dịch ròng trên thị trường mở (và ngoại tệ) để kết luận về xu hướng của chính sách tiền tệ như nói trên.

Dẫu vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là nếu cung tiền đã tăng mạnh, trong khi kênh bơm tiền qua thị trường mở lại... đóng, vậy thì tiền đã đi đâu? Hỏi cách khác là, làm cách nào mà NHNN đã bơm thêm được đáng kể tiền vào nền kinh tế mà không thông qua thị trường mở (và kênh mua ngoại tệ)?

Để trả lời câu hỏi trên, trước tiên cần biết các kênh truyền thống mà qua đó các ngân hàng trung ương có thể bơm tiền vào nền kinh tế là: (i) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; (ii) hạ lãi suất tái chiết khấu cho các khoản cho vay ngắn hạn của ngân hàng trung ương với ngân hàng thương mại; và (iii) mua giấy tờ có giá (trái phiếu chính phủ, tín phiếu) từ các ngân hàng thương mại trên thị trường mở. Ngoài ra, các kênh bất thường có thể là mua ngoại tệ (như ở Việt Nam) và nới lỏng định lượng (như ở Mỹ).

Trong các kênh trên, xét thời gian từ đầu năm đến nay thì có thể loại ra kênh dự trữ bắt buộc vì NHNN không điều chỉnh (hạ) gì thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong thời gian này.

Về kênh ngoại tệ thì, như các báo cáo nói trên cho biết, cũng có thể được coi như là không được NHNN sử dụng để bơm tiền trong mấy tháng qua. Tương tự là kênh nới lỏng định lượng, do không có tin tức nào liên quan nên cũng tạm thời coi là vô hiệu ở Việt Nam.

Với kênh thị trường mở, lập luận rằng NHNN không bơm ròng để cho rằng NHNN không bơm tiền qua kênh này là không đúng. Bởi dù NHNN có cả mua và cả bán giấy tờ có giá, tức có bơm ra và hút tiền về, với mức bán ròng là 0 thì vẫn có thể có sự chênh lệch tại một thời điểm, chẳng hạn vào ngày cuối của kỳ thống kê (cuối tháng, quí) mà tại đó số tiền bơm ra lớn hơn số hút về, làm cho bán ròng vẫn là dương. Nhưng để đơn giản hóa, hãy tạm coi NHNN không bơm tiền qua kênh này như đã được nêu ở trên.

Vậy còn lại kênh cuối cùng là kênh tái chiết khấu (và tái cấp vốn). NHNN hầu như không công bố số liệu nào liên quan đến kênh này, nhưng không vì thế mà có thể kết luận rằng kênh này cũng không được sử dụng để bơm tiền. Bằng chứng là trong báo cáo tài chính của tất cả ngân hàng đều có hạng mục vay NHNN.

Việc vay này có thể dưới các hình thức như vay tái cấp vốn sử dụng giấy tờ có giá như trái phiếu chính phủ, trái phiếu VAMC, tái cấp vốn cho các ngân hàng thực hiện các chương trình, chính sách của Chính phủ (ví dụ NHNN tái cấp vốn lãi suất 0% cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo gói hỗ trợ người lao động 16.000 tỉ đồng từ năm 2020 đến ngày 31-1-2021), hoặc vay theo hồ sơ tín dụng...

Lấy ví dụ về báo cáo tài chính của VietinBank quí 1-2021. Ngân hàng này có khoản vay NHNN là 1.854 tỉ đồng cuối quí, trong đó “Vay theo hồ sơ tín dụng” là 1.847 tỉ đồng, còn lại là “Vay hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước”.

Cuối cùng, vì hạng mục tiền mặt trong bảng 1 đã tăng mạnh đột biến trong tháng 2-2021 (tăng 16,3%  so với cùng kỳ) nên cũng có thể nói rằng một phần tăng lên của M2 bằng một số cách nào đó đã đi vào nền kinh tế dưới dạng tiền mặt.

Tóm lại, có nhiều cách để một lượng tiền lớn hơn đã đi vào nền kinh tế trong thời gian qua, cho dù số dư ròng mua bán trên thị trường mở là 0. Nói cách khác, một khi số liệu thống kê cho thấy M2 đã tăng lên, và tăng mạnh, thì điều đó có nghĩa là chắc chắn tiền đã được bơm mạnh vào nền kinh tế một cách tương ứng.

(1) http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Chinh-sach-tien-te-than-trongnen-tang-duy-tri-su-on-dinh/427624.vgp

Thursday 13 May 2021

Kiềm chế giá hàng hóa tăng: Cuộc chơi lần này không nằm trong tay Trung Quốc (Bài đăng trên CafeF, 13/5/2021)

https://cafef.vn/kiem-che-gia-hang-hoa-tang-cuoc-choi-lan-nay-khong-nam-trong-tay-trung-quoc-20210513095717716.chn 

Tăng, tăng và tăng, điệp khúc này xảy ra hầu như cho giá cả của mọi hàng hóa, nguyên liệu công nghiệp và ở khắp các thị trường trên thế giới trong thời gian qua. Đối với những quốc gia phụ thuộc vào nguyên liệu công nghiệp nhập khẩu thì sự tăng giá này là điều không mong muốn. Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ, đặc biệt khi nước này là nhà nhập khẩu lớn trên thế giới với nhiều loại hàng hóa và nguyên liệu.

Để đối phó với xu hướng tăng mạnh này, Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp, và cũng còn một số lựa chọn giải pháp khác. Nhưng các giải pháp này nếu có hiệu quả thì thường sẽ chỉ có trong ngắn hạn.

Hạn chế đầu cơ

Giá hàng hóa tăng có phần tất yếu là do đầu cơ nên giải pháp tất yếu cũng là ngăn đầu cơ. Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Đại Liên hôm 10/5 tuyên bố sẽ nâng giới hạn mua bán và margin cho các hợp đồng giao quặng sắt vào tháng 6, 9, 12 năm nay và các tháng đầu năm 2022. Các sàn giao dịch khác gồm sàn tương lai Thượng Hải và Trịnh Châu cũng tăng phí giao dịch cho các loại hàng hóa như thép và than nhiệt.

Vấn đề với giải pháp này là nó không mấy hữu ích trong việc quản lý thị trường hàng hóa hữu hình bị chi phối chủ yếu bởi cung cầu thật. Thị trường này đã chứng kiến sự tăng vọt về nhu cầu trên khắp thế giới, ngoài biên giới và phạm vi can thiệp của Trung Quốc, được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế mạnh và các gói kích thích kinh tế khổng lồ trong lịch sử ở nhiều nước.

Thực tế, trong khi dù quặng sắt trên sàn tương lai Đại Liên giảm nhẹ hôm 11/5 sau động thái siết lại trên, thép cuộn cán nóng và thép thanh thì lại tăng vọt lên mức kỷ lục sau khi giải pháp hạ nhiệt được công bố. Than nhiệt cũng tăng lên mức kỷ lục.           

Tăng cường nguồn cung

Trung Quốc có một khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đồ sộ mà chính quyền có thể sai khiến được, dù kết quả thường không được như ý muốn. Tháng trước, chính quyền Trung Quốc yêu cầu các mỏ than thuộc DNNN tăng sản lượng tối đa vốn chỉ dành cho những tháng cao điểm về nhu cầu than nhiệt vào mùa đông. Nhưng điều này đã không chặn được đà tăng của than nhiệt trong tháng này.

Trung Quốc có thể tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước tăng lên về năng lượng. Nhưng căng thẳng quan hệ Trung-Úc đã cản trở việc này. Trung Quốc đã cấm nhập than, trong số hàng loạt hàng hóa khác, từ Úc. Trung Quốc cũng đã cấm một vài doanh nghiệp nhập khẩu gas nhỏ nhập khẩu thêm gas từ Úc cho các hợp đồng giao năm sau.

Xả kho

Trung Quốc đang xem xét bán khoảng 500.000 tấn nhôm từ kho dự trữ nhà nước. Giá giảm ngay lập tức khi tin này được đưa ra, nhưng sau đó lại tăng vọt trở lại lên mức kỷ lục trong một thập kỷ. Sản lượng nhôm của Trung Quốc là 37 triệu tấn năm 2020, hơn một nửa sản lượng toàn thế giới (nhu cầu tiêu thụ cũng vậy).

Vấn đề với giải pháp này là nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc, trong khi việc xả kho chỉ như một ngụm nước giải khát ngắn hạn, và cũng không rõ các kho dự trữ chiến lược có bao nhiêu tấn hàng hóa vì số liệu dự trữ không được công bố. Ngoài ra, sau khi xả kho, Trung Quốc sẽ phải mua vào bổ sung để tăng dự trữ chiến lược trong trung hạn nên việc mua tích trữ này sẽ lại làm tăng mạnh giá hàng hóa.

Thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ

Để phục hồi từ đại dịch, Trung Quốc áp dụng chính sách thông thường – tăng chi tiêu và cơ sở hạ tầng. Điều này dẫn đến sự tăng vọt về giá của những hàng hóa cho xây dựng như thép, đồng và nhôm. Từ đầu năm nay, Trung Quốc đã hạn chế chính quyền địa phương phát hành trái phiếu để lấy vốn đầu tư và hạ tầng. Như vậy, Trung Quốc đang vướng vào tình trạng nan giải, phải chọn hoặc là tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, hoặc để giá tài sản, hàng hóa không căng lên thành bong bóng.

Chính sách tiền tệ cũng có thể bị thắt chặt để chặn đà tăng vọt của chỉ số giá cả sản xuất (PPI) – giá bán hàng hóa tại cổng nhà máy (tăng 7% hồi tháng 3 so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, do chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) mới chỉ tăng nhẹ, ở mức 1% trong cùng kỳ nên nếu thắt chặt chính sách tiền tệ thì Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro lớn hơn về tăng trưởng chậm khi nhu cầu tiêu dùng bị siết lại quá sớm.

Tóm lại, điểm khác biệt lớn của Trung Quốc hiện nay với Trung Quốc cách đây vài năm là Trung Quốc không còn là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn duy nhất, mang tính chi phối thế giới nữa. Nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, hiện nay đều có những gói chi tiêu khổng lồ hàng nghìn tỷ đô la để phát triển cơ sở hạ tầng, phục hồi tăng trưởng, biến họ thành những thị trường tiêu thụ hàng hóa cũng rất lớn, làm lu mờ vai trò của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang phải đối mặt nhu cầu duy trì và thúc đẩy tăng trưởng, làm dư địa thắt chặt lại chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp hơn. Ngoài ra, quan hệ căng thẳng với Úc cũng làm gián đoạn nguồn cung của nhiều hàng hóa, từ đại mạch, rượu vang, đến quặng sắt, than và gas..., làm triệt tiêu hiệu quả của các giải pháp kiềm chế giá có thể thực thi bởi chính quyền Trung Quốc.

Monday 10 May 2021

Đề xuất bỏ bản quyền vaccine Covid-19: Mỹ ủng hộ, nhưng còn nhiều trở ngại (Bài đăng trên báo Đầu tư, 8/5/2021)

https://baodautu.vn/de-xuat-bo-ban-quyen-vaccine-covid-19-my-ung-ho-nhung-con-nhieu-tro-ngai-d142499.html 

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đưa ra đề xuất bỏ bảo hộ bản quyền cho các hãng sản xuất vaccine Covid-19. Đề xuất này đã nhận được cả sự ủng hộ lẫn phản đối. Phía ủng hộ cho rằng nó sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine và giúp các nước nghèo nhanh chóng có đủ vaccine. Còn phía phản đối thì cho rằng bỏ bảo hộ bản quyền sẽ làm xói mòn động lực phát triển nhanh chóng các loại vaccine và do đó sẽ không có tác dụng trên thực tế.

Bất ngờ là ngày 5/5 đề xuất này đã được Mỹ tuyên bố ủng hộ. Nói bất ngờ bởi Mỹ là nơi đặt đại bản doanh của một số hãng dược lớn nhất thế giới, nên nếu ủng hộ thì sẽ bị nhiều người nhìn nhận rằng Mỹ đã tự làm suy yếu việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhất là cho các doanh nghiệp “ruột” của mình.

Cơ sở pháp lý

Cơ sở đề xuất là điều khoản ngoại trừ áp dụng đối với quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ, TRIPS. Theo đó, 35 trong số 159 nước thành viên WTO được phân loại kém phát triển nhất sẽ được miễn trừ áp dụng TRIPS trong một thời gian. Thời gian này sẽ kết thúc vào ngày 1/7 năm nay nhưng đã được gia hạn vài lần. Trong mọi trường hợp, các nước này được phép có cách tiếp cận linh động đến bản quyền và các dữ liệu phòng thí nghiệm đối với dược phẩm cho đến ít nhất là 2033.

Ngoài ra, với quy định cấp phép bắt buộc, tất cả các Chính phủ có quyền sử dụng mọi sáng chế được cấp bản quyền và cho phép người khác sử dụng quy trình được cấp bản quyền mà không cần phải xin phép chủ sở hữu bản quyền, nhưng phải trả cho người chủ một khoản đền bù nhất định. Thêm nữa, kể từ 2001, quy định này đã được sửa đổi theo hướng trong những tình huống khẩn cấp về y tế, như đại dịch, dược phẩm sản xuất theo sự cấp phép bắt buộc có thể được sản xuất tại một nước và bán cho nước khác.

Trên thực tế đã có một số vụ việc Chính phủ sở tại áp dụng cấp phép bắt buộc sản xuất dược phẩm. Chẳng hạn, năm 2002, Ai Cập cấp các giấy phép bắt buộc để sản xuất đại trà thuốc cường dương Viagra.

Cách tiếp cận thông tin khi có miễn trừ bản quyền

Sau khi được miễn bản quyền, các Chính phủ sở tại có thể tiếp cận, khai thác các thông tin bí mật mà cơ quan y tế sở tại được cung cấp trước đó để đánh giá sự an toàn của vaccine (nếu hãng dược liên quan muốn sản phẩm của mình được cấp phép tiêu thụ ở nước sở tại). Thông tin này gồm những chi tiết như thành phần vaccine, chi tiết chế tạo, và thông tin thử nghiệm... là những thông tin hữu ích để Chính phủ có thể dựa vào đó để tạo ra vaccine.

Nếu hãng dược có cơ sở hoặc đối tác tại nước sở tại thì chính quyền có thể buộc những chủ thể này giao nộp các bí mật thương mại họ đã chưa/không nộp cho cơ quan chức năng trước đó. Chính phủ cũng có thể yêu cầu các công ty khác thu nhập các thông tin đó. Nếu các chủ thể từ chối cung cấp thông tin thì sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả.

Trở ngại

Khi bị áp cấp giấy phép bắt buộc thì chủ nhân bản quyền hiển nhiên là không thể vui vẻ hợp tác được mà sẽ tìm cách phản đối hoặc trả đũa. Như trong vụ việc ở Ai Cập, hãng Pfizer đã xé bỏ kế hoạch xây dựng nhà xưởng trị giá 300 triệu đô la Mỹ ở nước này. Về sự bảo vệ từ Chính phủ nhà, Mỹ cũng đôi lúc đã áp đặt trừng phạt thương mại trả đũa các vụ ban hành giấy phép bắt buộc để sản xuất các sản phẩm của các công ty Mỹ.

Trong trường hợp cụ thể của Covid-19, nếu được áp dụng quyền cấp phép bắt buộc thì các nước áp dụng sẽ không còn sợ bị trả đũa bằng trừng phạt thương mại hay bị kiện ra WTO do vi phạm sở hữu trí tuệ. Việc bỏ bảo hộ bản quyền vaccine Covid-19 chủ yếu sẽ là bỏ bản quyền liên quan đến bí quyết kỹ thuật, như dòng tế bào và loại vi sinh được sử dụng, và cách tạo ra chúng. Một lợi thế nữa trong việc cấp phép bắt buộc là nhiều loại vaccine Covid-19 được phát triển nhanh chóng mà chưa được cấp bản quyền, dù công nghệ nền tạo ra vaccine đó có thể đã đăng ký bản quyền. Hoặc nữa là các nước có thể cũng đã từ chối cấp bản quyền cho các loại vaccine Covid-19.

Tuy vậy, WTO là một tổ chức hoạt động dựa trên sự đồng thuận, vì thế tất cả nước thành viên sẽ phải cùng đồng ý xóa bỏ bản quyền sở hữu trí tuệ này. Tìm được sự đồng thuận trong một vấn đề phức tạp như vậy là một việc rất khó khăn và kéo dài nhiều tháng. Cần nhớ rằng đề xuất ban đầu được đưa ra bởi Ấn Độ và Nam Phi cho việc xoa bỏ bảo hộ đối với kít thử, vaccine, thuốc, các dụng cụ bảo vệ cá nhân và máy thông gió. Nhưng trong tuyên bố ủng hộ của Mỹ chỉ đề cập đến vaccine. Còn Đức thì đã ra mặt phản đối sự bãi bỏ bảo hộ này.

Ngoài ra, để tự vệ, các hãng dược tuyên bố ngoài việc mở rộng sản xuất ở trong các nhà máy của họ, họ cũng đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất ở những nhà máy của bên thứ ba được cấp phép tự nguyện. Cấp phép tự nguyện có nghĩa là các hãng dược có một sự kiểm soát nhất định đối với việc để cho ai tiếp cận được các thông tin mật của họ. Nói cách khác, Chính phủ dù có được miễn bản quyền vaccine thì cũng khó buộc được các hãng dược quốc tế cung cấp thông tin, bí mật thương mại liên quan đến vaccine nếu các hãng dược chủ động lựa chọn, cấp phép cho nhà sản xuất khác. Bằng việc cấp phép tự nguyện, các hãng dược đáp ứng nhu cầu vaccine lớn cho nước sở tại, làm cho Chính phủ không còn lý do gì buộc các hãng dược cung cấp thông tin, bí mật thương mại nữa.

Về sự ủng hộ của Mỹ xóa bỏ bản quyền vaccine, một số nhà quan sát cho rằng sự ủng hộ của chính quyền Biden chủ yếu là do động cơ chính trị hơn là chân ý muốn mở rộng nguồn cung vaccine cứu trợ thế giới. Biden tuyên bố muốn Mỹ trở thành một đối tác tích cực với các nước khác, đảo ngược chủ trương “nước Mỹ trên hết” được xem là vô trách nhiệm với đồng minh và thế giới của người tiền nhiệm Donald Trump. Hơn nữa, chính quyền Biden cũng nói rõ rằng sự xóa bỏ bản quyền này là hành động xảy ra chỉ một lần, trước nhu cầu chống đại dịch, và không nên được nhìn nhận như một phần của nỗ lực làm suy yếu quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực khác.

Kể cả khi Chính phủ có được các thông tin cần thiết để sản xuất vaccine thì vẫn còn nhiều bất trắc, thách thức cho việc sản xuất trong nước. Chẳng hạn, Chính phủ sẽ phải xây dựng hoặc chuyển đổi các nhà máy và phương tiện sản xuất, trong khi nguyên liệu sản xuất vaccine thì đang bị thiếu hụt. Vấn đề khác nữa là sẽ khó mà đảm bảo rằng các nhà sản xuất mới sẽ sản xuất ra vaccine an toàn như nhà sản xuất ban đầu.


Saturday 8 May 2021

The dollarisation and cash economy puzzle (Bài đăng trên Vietnam Investment Review, 7/5/2021)

https://www.vir.com.vn/the-dollarisation-and-cash-economy-puzzle-83966.html

The more than 5-year-old Decision No.2589/QD-NHNN from the State Bank of Vietnam (SBV) lowered annual interest rates to zero, applicable for deposits in USD of institutions and individuals.


The decision has been considered one of the most effective tools in the SBV’s fight to reduce and eradicate the dollarisation problem in Vietnam. To assess how effective the SBV’s move has been, we first need to understand what dollarisation is and how it can be gauged.

Dollarisation refers to a situation where the USD or other foreign currencies have replaced part or the whole of a domestic currency. The currency that causes dollarisation is not necessarily just the USD as its name would suggest. Accurately gauging the degree of dollarisation – that is how much foreign currency bonds and bank deposits, as well as foreign currencies per se, are held by residents – is difficult.

An alternative indicator that was proposed by the International Monetary Fund (IMF) and has been widely used to approximate dollarisation is the share of foreign currency deposits in the entire deposits placed in the domestic banking system.

The SBV releases in its website monthly data on the so-called total means of payment consisting of such items as deposits in the local currency of economic entities, and savings in VND of residents as of February this year as the latest. The SBV also releases monthly data on the share of money in circulation. The formula for total means of payment applicable in Vietnam is an addition of the money in circulation plus any VND and foreign currency deposits of economic entities and residents.

Foreign currency deposits of economic entities and residents can then be calculated by subtracting VND deposits of the economic entities and the residents from total means of payment. The computation results show that the share of foreign currency deposits has trended upwards since 2015, which is also the year when Decision 2589 was promulgated to cap the USD interest rate at zero per cent. The share peaked at 6.2 per cent in the end of 2020 and going into February.

If we calculate the share of foreign currency deposits in total bank deposits, which is the IMF’s proposed indicator for the degree of dollarisation, the result will be even larger, because total bank deposits are part of total means of payment.

In other words, dollarisation in Vietnam tends to have deteriorated again even after USD deposit rates were capped at zero.

A reason for this situation may be that, although USD deposit rates are capped, depositors still find ways to earn positive returns on their deposits, making USD holdings still meaningful, especially when the USD is expected to appreciate against the VND. Also, banks still pay positive interest on deposits in foreign currencies other than USD, so depositors may have opted to deposit their savings in other foreign currencies, making the foreign currency deposits-related numbers not going down as expected.

Another possible reason is related to the risk aversion towards macro instabilities, which has still been there, incentivising individuals and businesses to hold more foreign currency-nominated assets, particularly when total means of payment increase as sharply as in 2020 and early 2021 amid slower GDP growth that fuels inflation risk.

In terms of the increasing cash economy, the amount of cash held by residents and businesses trended downward slightly from 2017 to 11.1 per cent of total means of payment at the end of 2020, but then strongly bounced back in the early months of 2021. Thus, it can be said that individuals and/or businesses suddenly became more interested in holding cash than depositing them in banks.

Corresponding to the rise in cash holdings was a sharp fall in VND deposits of economic groups and a hike in VND deposits of residents.

While it is difficult to find the exact reason for economic entities’ withdrawal of funds from the banking system, this could be related to the current stock and real estate fever which have caused businesses to invest in securities and property. They may have subsequently allocated part of the realised sales proceeds to individuals and kept the rest in cash to continue their investing.

Faced with greater dollarisation and increasing cash economy, the SBV should consider amending, and at best removing, its regulation on the USD deposit rate cap, because despite the zero per cent ceiling, individuals and businesses still make deposits in USD and other foreign currencies. Moreover, just setting the cap for USD deposits but not for other currencies is essentially no different than seeing dollarisation only related to USD but no other foreign currencies.

The most effective and fundamental solution would still be to continuously improve confidence in the VND so that individuals and businesses would no longer need to hoard foreign currencies (including USD), and they could easily purchase foreign currencies from the bank for their plausible needs.




Friday 7 May 2021

Nhận dạng những kẻ lừa đảo giấu mặt (Bài đăng trên TBKTSG, 7/5/2021)

https://www.thesaigontimes.vn/316021/nhan-dang-nhung-ke-lua-dao-giau-mat.html 

Trong số 2 tuần trước, TBKTSG đã có bài viết về giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo tài chính bằng cách nhận dạng kẻ lừa đảo. Nhưng đó là về những kẻ lừa đảo có nhân dạng cụ thể, bằng xương bằng thịt mà khi bị lộ thì chúng chỉ còn cách biến mất khỏi cõi đời này mới không bị tóm cổ và trả lại tiền, ít hay nhiều, cho nhà đầu tư. Vậy còn những kẻ lừa đảo giấu mặt, đứng sau các app lừa đảo kiểu như Coolcat, quảng cáo hoành tráng rồi xóa app và website chỉ sau một đêm, sau khi đã cuỗm hàng trăm tỷ đồng của “nhà đầu tư” Việt Nam thì làm sao để “đọc vị” và tránh xa chúng?

Về cách thức hoạt động, theo báo chí, Coolcat đảm bảo cho nhà đầu tư – theo kiểu đánh bạc – chỉ có từ hòa trở lên, chứ không có thua lỗ, mất (sạch) tiền. Vậy thì ngay ở chi tiết này, nếu là người tỉnh táo thì sẽ phải cảnh giác để không “sa lưới” lừa đảo. Như bài đăng trên TBKTSG số trước đã nêu, một trong những mánh khóe dụ dỗ con mồi điển hình trong các vụ lừa đảo tài chính là chào mời lợi nhuận đầu tư “khủng”, với điều kiện dễ dãi – hầu như chỉ cần... nộp tiền cho chúng là xong!

Trong trường hợp Coolcat, tuy nhà đầu tư không nhất thiết sẽ luôn thắng, mà cũng có khi có hòa, nhưng một khi đã thắng thì lợi nhuận đầu tư là vô cùng hấp dẫn. Nếu so sánh với đặc điểm nhận dạng lừa đảo này thì, một lần nữa, “nhà đầu tư” cần phải tránh xa “ngay và luôn”, mà không phải băn khoăn hay tiếc rẻ, những ai/nền tảng đầu tư nào chào mời lợi nhuận đầu tư trong mơ mà hầu như không có rủi ro mất tiền. Đặc điểm này không có gì mới nhưng vẫn tiếp tục có nhiều người bị lừa, gồm cả những người sành sỏi, có trình độ, thì chỉ có thể rút ra rằng mọi bài học đều vô nghĩa với những người mà lòng tham lấn át lý trí.

Cũng trong bài trên số tuần trước của TBKTSG có nêu một mánh khóe lừa đảo cao tay khác là để cho con mồi rút tiền tùy ý cho đến khi... hạ màn! Trong vụ Coolcat cũng vậy. Chiêu này đặc biệt có hiệu quả và con mồi khó có thể thoát khỏi cám dỗ và không hề mảy may nghi ngờ; mà khi nghi ngờ hoặc biết được thì đã quá muộn bởi tiền thì đã nộp vào rồi mà chưa (kịp) rút ra (hết).

Tuy là một mánh khóe cao tay và khó tránh nhưng suy cho cùng, “nhà đầu tư” sẽ không bị mắc bẫy nếu ngay từ đầu họ cảnh giác trước bả lợi nhuận quá hấp dẫn. Nói cách khác, và lặp lại một lần nữa, nếu họ không tham thì sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra.

Tóm lại, dù là có nhân dạng hay là ảo, kẻ lừa đảo vẫn chỉ có từng đó thủ đoạn và mánh khóe dụ dỗ và lừa gạt con mồi, chủ yếu đánh vào lòng tham của họ. Nạn nhân thì tất nhiên cần phải tự trách mình. Nhưng khách quan mà nói, trong những vụ lừa đảo này bao giờ cũng có phần trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Lại nói về vụ lừa đảo của Madoff nêu trong số báo trước, có một số tổ chức tài chính đã dễ dàng “đọc vị” được hoạt động của Madoff, nhưng các cơ quan chức năng của Mỹ thì hoàn toàn không biết gì trong suốt hàng chục năm, cho đến khi vụ việc vỡ lở. Trong vụ Coolcat, nó đã hoạt động công khai, rầm rộ được nhiều tháng, với những quảng cáo có cánh về năng lực và mức độ khả tín mà cũng không hề bị cơ quan chức năng nào tuýt còi hay cảnh báo như đã làm với, ví dụ, các sàn Forex hay tiền ảo. Khó mà có thể phủ nhận rằng sự im lặng của các cơ quan chức năng đã làm cho nhiều người càng tin tưởng vào tính pháp lý của nền tảng Coolcat để rồi không run tay đổ tiền cho nó.

Vì vậy, cũng là một cách giúp nhận dạng, giảm thiểu các vụ lừa đảo tài chính ngày càng nở rộ trong thời đại số này mà kẻ lừa đảo ngày càng ảo, giấu mặt nhiều hơn, các cơ quan chức năng cần phối hợp với nhau để tạo ra một đơn vị kiểu như “cảnh sát tài chính” chuyên rà quét, phát hiện, trấn áp và xử lý các hành vi lừa đảo tài chính ngay từ lúc chúng manh nha hình thành. Chỉ có quán triệt chữ “phòng” từ cả hai phía – người dân thì không tham để mắc bẫy, cơ quan chức năng thì tinh nhạy phát hiện từ sớm các bẫy lừa đảo – mới có thể giảm thiểu số vụ lừa đảo tài chính và số nạn nhân của chúng.  

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).