Tuesday 28 February 2023

Giải báo chí về bảo hiểm

Hôm trước tớ có nói đến một bài viết “Sao lại cấm công ty bảo hiểm kinh doanh bất động sản?” của mình đăng trên Kinh tế Sài Gòn ngày 10/6/2022 được nhận một giải thưởng. Cụ thể thì chiều hôm nay, ngày 28/2, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải báo chí về Bảo hiểm 2022, mà theo Ban tổ chức là một giải thưởng thường niên uy tín, dành cho các phóng viên, nhà báo có tác phẩm báo chí về lĩnh vực bảo hiểm.

Trong số các tác phẩm được trao giải thì có bài trên của tớ, được giải B. Không biết được bao tiền, nhưng cúp thì có. Hóa ra viết lách chơi chơi mà cũng ra tiền.



https://tv.congluan.vn/trao-giai-bao-chi-ve-bao-hiem-2022-vinh-danh-cac-tac-pham-bao-chi-xuat-sac-viet-ve-bao-hiem-post237227.html

Nói không vui thì không đúng, nhưng chính xác thì là cảm giác rằng bài viết đã giúp ích, bênh vực và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ngành bảo hiểm trước cái sự làm luật oái oăm, ngờ nghệch... một cách có chủ đích của giới làm chính sách. Nhìn rộng ra nữa, như đã nói hôm trước, cái luật mới về bảo hiểm còn nguy hiểm ở chỗ đã góp phần bức tử ngành bất động sản một cách gián tiếp. 

Nên chỉ mong giới làm luật sớm giác ngộ mà kịp thời sửa sai trong... đôi ba năm nữa (tuy có thể đã quá muộn)!   


Thursday 23 February 2023

Bất động sản chết cũng là phải

Tiêu đề trên không phải là để trù úm hay ghét bỏ gì bất động sản mà mong nó chết cho bằng được. Chẳng là hôm nay nhận được tin báo về một bài viết của tớ, bài “Sao lại cấm công ty bảo hiểm kinh doanh bất động sản?” đăng trên Kinh tế Sài Gòn ngày 10/6/2022 được nhận một giải thưởng nọ (nếu không thay đổi vào phút chót thì sẽ được công bố trong thời gian tới).

(https://thesaigontimes.vn/sao-lai-cam-cong-ty-bao-hiem-kinh-doanh-bat-dong-san/ )

Đọc lại bài này, chợt nghĩ ra thêm một lý do chính đáng để (ngành) bất động sản bị bức tử một cách rất... đúng luật. Bài viết trên phê phán một điều khoản quan trọng mới trong dự thảo luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm đương thời đang được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15. Điều khoản này là cấm công ty bảo hiểm kinh doanh bất động sản, tức ngược lại với quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Tuy nhiên, có thể bài viết xuất hiện quá muộn hay tớ hoặc tờ Kinh tế Sài Gòn quá thấp cổ bé họng nên chỉ một tuần sau ngày bài viết lên báo, dự thảo luật trên đã được Quốc hội thông qua và ban hành (16/6/2022, có hiệu lực 1/1/2023).

Trong bài viết, tớ đã chỉ ra sự vô lý của điều cấm nói trên, từ góc độ ngữ nghĩa, logic đến góc độ kinh tế và nguyên tắc hoạt động của các công ty bảo hiểm. Tại thời điểm hiện tại, điều nguy hiểm và hậu quả của cái điều luật trái khoáy, sai lầm một cách rất ất ơ này càng bộc lộ rõ khi một nguồn vốn lớn của các công ty bảo hiểm không được phép tiếp cận/tiếp máu cho thị trường bất động sản đang có biểu hiện sụp đổ bởi thiếu thanh khoản, thiếu vốn.

Có lẽ lúc soạn dự thảo luật là lúc thị trường bất động sản vẫn đang nóng sốt nên các đồng chí soạn thảo bệ nguyên tư duy cái gì không quản được thì cấm vào công việc của mình, nghĩ ra cách cắt các ống truyền dinh dưỡng cho thị trường bất động sản mà nguồn đầu tư từ công ty bảo hiểm là một trong số đó, bên cạnh việc siết tín dụng, pháp lý và trừng phạt các ông bà chủ bất động sản cộm cán.

Ở thái cực ngược lại, cũng trong thời điểm này, các đồng chí từ trên xuống dưới đang lo lắng, đôn đốc tìm mọi cách tháo gỡ phục dậy thị trường bất động sản, thì điều các đồng chí cần làm chí ít là phải đảo ngược lại ngay cái điều cấm oái oăm trên, đưa nó về trạng thái cũ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Thế nhưng cái luật mới này mới được ban hành nửa năm trước, mới có hiệu lực từ đầu năm nay, lẽ nào lại “muối mặt” phải sửa lại ngay thì coi sao được? Thế nên ngành bất động sản sẽ còn khó dài dài, và nếu có gượng dậy được thì cũng không thể được như xưa.

Friday 17 February 2023

Nhà nước sẽ in tiền cứu bất động sản?

Ngày 17/2/2023 có một số thông tin đáng chú ý về tín dụng cho bất động sản. Đó là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo chủ trương về 2 gói cho vay bất động sản. Gói thứ nhất là 110 nghìn tỷ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo đề xuất của Bộ Xây dựng. Gói thứ hai là 120 nghìn tỷ đồng cho cả người xây dựng và người mua nhà do 4 ngân hàng có vốn nhà nước đảm nhận.

Trước các thông tin này, dư luận cho rằng Nhà nước in tiền để giải cứu bất động sản, mà thực chất là giải cứu những ông chủ doanh nghiệp bất động sản, những nhà đầu cơ, giải cứu người giàu v.v... Rồi nữa là in tiền thế này tức là nới lỏng chính sách tiền tệ, sẽ tạo ra lạm phát...

Cáo buộc trên phần nào có lý, bởi suy cho cùng, nguồn gốc của những đồng tiền dành cho giải cứu này là từ NHNN, tức từ in tiền ra cung cấp cho các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, có một số vấn đề cần chú ý về chuyện in tiền này.

Đối với gói 110 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, bên cạnh sự khẳng định sự cần thiết của nó (mà tớ cho rằng ít nhiều cũng đúng, nhất là khi dùng nhà trong phân khúc này để cho thuê, chứ không phải là bán đứt cho công nhân, người thu nhập thấp), NHNN cũng nói khá rõ về nguồn tiền này: “Nhưng nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc, tức là với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Vì vậy, cần tính toán nguồn vốn tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng… và ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác.”

Nói như trên (và đương nhiên phải nói vậy, từ góc độ ngân hàng trung ương), NHNN cho thấy rõ nguồn tiền này là từ NHNN, từ in tiền (để tái cấp vốn – cho ngân hàng thương mại). Điều quan trọng là “cần tính toán nguồn vốn tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo...”.

Nói cách khác, dù là in tiền, tái cấp vốn nhưng nguồn tiền mới này sẽ nằm trong hạn mức cung tiền 14-15% cho năm nay mà NHNN đồng thời công bố. Nếu tung từng  này tiền ra cho bất động sản bình dân thì rất có thể từng đó tiền sẽ bị cắt giảm ở các ngành, các phân khúc khác. Nói khác đi nữa, dù không có gói giải cứu này thì vẫn sẽ có thêm một lượng lớn tiền mới được bơm ra cho nền kinh tế để đảm bảo tăng trưởng tín dụng đạt 14-15%.

Về gói tín dụng bất động sản 120 nghìn tỷ đồng, theo thông báo thì đây là gói tín dụng ưu đãi (lãi suất thấp hơn từ 1,5% đến 2%/năm lãi suất cho vay bình quân trên thị trường) được cung cấp bởi 4 ngân hàng thương mại nhà nước, và có khả năng mở rộng ra các ngân hàng khác nếu họ cũng muốn tham gia. Thoạt nghe thì tưởng nguồn vốn cho gói này là của ngân hàng thương mại nhà nước (và của các ngân hàng khác nếu tham gia sau này).

Tuy nhiên, NHNN lại “bảo kê” cho các ngân hàng này: “Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để triển khai tiếp.”

Về nguyên tắc, ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng tham gia khác, nếu có, cũng phải huy động vốn từ thị trường, với lãi suất huy động cạnh tranh, nên họ cũng sẽ phải cho vay theo lãi suất thị trường để đảm bảo lợi nhuận. Với cam kết cho vay ưu đãi như trên thì đương nhiên là họ sẽ gánh thiệt hại.

Nên ở đây có 2 khả năng. Một là các ngân hàng tham gia gói 120 nghìn tỷ này công bố đồng thuận tham gia là để cho có, làm màu, và nếu có cho vay thì sẽ ở mức độ tối thiểu, thậm chí là chỉ dành cho khách ruột.

Hai là, với cam kết sẵn sàng tái cấp vốn của NHNN, các ngân hàng thương mại sẽ tích cực cho vay bởi tội vạ đâu thì NHNN chịu, còn lãi thì mình hưởng. Rốt cuộc, 120 nghìn tỷ này cũng sẽ phải tính vào trong hạn mức cung tiền và tăng trưởng tín dụng cho năm nay, đồng nghĩa với có thêm nhiều ngành nghề và doanh nghiệp khác không được vay vốn.

Khả năng nào sẽ lớn hơn? Chưa thể biết, trừ chính người trong cuộc. Cũng có thể là các ngân hàng thương mại dưới sức ép của NHNN, của dư luận phải đi đầu trong công cuộc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, và vì trót mang danh là ngân hàng thương mại nhà nước, nên phải nghĩ ra một “sáng kiến đồng thuận”, và đó chính là gói 120 nghìn tỷ.

Đến lượt mình, cũng có thể NHNN dưới đủ loại áp lực từ tứ phía cũng phải nghĩ ra một cái gì đó để gọi là cho có, để mua thời gian, và đó có thể chính là gói 120 nghìn tỷ, được “gợi ý” cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Cuối cùng thì bên nào cũng giả vờ như thật và sẽ không có một biến chuyển đáng kể theo hướng hỗ trợ lãi suất này.

Tớ thiên về hướng giả vờ này hơn, có xem xét cả kết quả của các gói giải cứu, hỗ trợ đủ loại cho đến nay. Tóm lại là nói rằng ngân hàng giải cứu bất động sản nhưng nếu có thật thì hầu như chỉ có gói 110 ngàn tỷ, với ít thắc mắc và phản đối, và cũng ít để lại hậu quả vĩ mô cho nền kinh tế.  

Thursday 16 February 2023

Sốt bất động sản: Mê muội, bảo thủ, ngụy biện và chóng quên

Một chu kỳ khủng hoảng mới về bất động sản, từ giai đoạn trầm lắng rồi trở nên sốt hầm hập và sau đó lại nguội nhanh chóng, thậm chí đang đóng  băng ở nhiều nơi, nhiều phân khúc đang sắp hoàn tất ở Việt Nam.

Điều đọng lại từ sau chu kỳ này là người ta đã quá nhanh chóng quên các bài học từ các chu kỳ khủng hoảng trước, cách không quá xa hiện tại.

Còn nhớ, hồi nửa đầu năm 2021, bất động sản đã bắt đầu sốt được một thời gian, tớ đã cảnh báo cơn sốt bất động sản mới và chỉ ra nguyên nhân của nó là do tiền (từ ngân hàng) nhiều, rẻ và dễ chảy vào bất động sản, như trong bài này, viết ngày 2/4/2021: https://cafef.vn/sot-dat-chung-quy-chi-tai-tien-nhieu-20210402094327019.chn

Mặt khác, trong bài viết hôm 6/4/2021, https://cafef.vn/loi-canh-bao-ve-lai-suat-tu-singapore-trong-con-sot-bat-dong-san-20210406142433503.chn, tớ mượn chuyện của Singapore để cảnh báo viễn cảnh cận kề về chuyện lãi suất sẽ phải tăng lên ở Việt Nam làm cho nhà đầu tư/đầu cơ, và người mua bất động sản với mục đích để ở sẽ bị “ngộp lãi”. Mà từ chuyện ngộp lãi này đến chuyện bục bong bóng bất động sản sẽ chẳng cách xa là bao.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn khăng khăng rằng tín dụng ngân hàng vào bất động sản không tăng đột biến, và trước kỳ vọng tăng lãi suất này nó vẫn khẳng định hướng điều hành lãi suất thời gian tới sẽ “tạo sự ổn định” đối với cả lãi suất huy động và cho vay, mà có thể được diễn giải ra là NHNN sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục như hiện nay trong một thời gian bất định nữa. Từ đây tớ kết luận rằng cơn sốt này sẽ tiếp tục leo thang, lan rộng ra nhiều tỉnh thành khác và sẽ còn kéo dài (cho đến chừng nào NHNN đảo ngược lập trường chính sách và tăng lãi suất điều hành lên), như trong bài viết của tớ ngày 20/4/2021: https://vir.com.vn/charting-course-of-land-price-frenzy-83775.html  .

Phụ họa cùng NHNN lúc đó, nhiều chuyên gia, điển hình là đồng chí TS. Lê Xuân Nghĩa, hay TS Cấn Văn Lực, cùng nhiều quan chức ngân hàng thương mại như đồng chí gì đó quên mất tên hồi đó đang là Chủ tịch của Vietcombank lên tiếng phát biểu phản bác chuyện đang có sốt đất và chuyện tín dụng bất động sản là nguyên nhân gây sốt, như được tớ tóm tắt trong bài viết ngày 2/5/2021 của (https://cafef.vn/tin-dung-vao-bat-dong-san-va-chung-khoan-thuc-su-khong-dang-lo-20210502161057288.chn ).

Theo đó, các đồng chí này cho rằng tiền ngân hàng chảy vào bất động sản là không quá nhiều, thực sự không đáng lo, nên không cần siết tín dụng vào bất động sản. Thậm chí, đồng chí Nghĩa lại còn lớn giọng dạy dỗ tớ rằng “chớ vội lo thay cho các ngân hàng về rủi ro cho vay bất động sản và chứng khoán” (hình như phát biểu này của đồng chí Nghĩa trên báo đã bị gỡ bỏ). Ngứa mắt với sự ngụy biện này nên tớ viết bài này (ngày 20/4/2021) để lần lượt chỉ ra cái sai của các đồng chí này và nhấn mạnh lại một lần nữa sẽ rất là sai lầm nếu cứ tiếp tục “an tâm” và “yên lòng” trước thực tế là tín dụng ngân hàng đang chảy nhanh và mạnh vào bất động sản.

Rồi sự việc sau đó đã xảy ra đúng như những gì tớ cảnh báo, từ chuyện NHNN tăng lãi suất (dù trước đó rất quyết liệt với bình ổn lãi suất), đến chuyện ngân hàng thương mại buộc phải siết lại cho vay bất động sản, chuyện người vay bất động sản gồng lãi, rồi chuyện bất động sản đóng băng dù giá rơi thảm...

Chung quy chỉ tại vì sự mê muội, bảo thủ, ngụy biện và chóng quên của nhiều người có liên quan, từ người mua, doanh nghiệp, NHNN, ngân hàng thương mại và nhất là các chuyên gia... đểu nên mới xảy đến nông nỗi này. Thôi hãy đành tự an ủi rằng NHNN sẽ sớm muộn phải nới lỏng tiền tệ để cứu bất động sản, và rồi một chu kỳ sốt và khủng hoảng bất động sản mới sẽ sớm hình thành sau độ dăm năm nữa.

Tuesday 14 February 2023

Đào tận gốc, trốc tận rễ!

Cổ phiếu của FLC mới bị hủy niêm yết từ ngày 20/2. Nguyên nhân theo thông cáo của HoSE là do FLC đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác. Cũng theo công bố, việc hủy niêm yết này là nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

FLC đã nhanh chóng phản hồi thông cáo trên. Theo đó, trong thời gian gần đây, FLC và các đơn vị thành viên phải đối mặt nhiều nguy cơ và khó khăn trong quá trình hoạt động, do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin, cũng như những vấn đề phát sinh liên quan việc một số cựu lãnh đạo bị tạm giam để điều tra. Một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự việc này là trong thời gian dài, tập đoàn không thể tìm kiếm được công ty kiểm toán chấp thuận kiểm toán báo cáo tài chính.

Cũng theo phản hồi của FLC, nhận thức lý do bị hủy niêm yết nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp và là việc bất khả kháng, không thể khắc phục được trong thời gian ngắn, FLC kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại về việc hủy niêm yết cổ phiếu, trong đó cần đặc biệt xem xét đến các lý do khách quan cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin như đã giải trình. FLC cam kết sẽ nỗ lực để xúc tiến các lộ trình công bố thông tin theo quy định để có thể bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, cổ đông và góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Với tư cách là quan sát viên, chỉ nắm thông tin lào phào qua mạng, tớ thấy rằng FLC phản hồi như trên hay thế nữa thì chắc số phận đã an bài. Bởi xem ra có nhiều người muốn nó chết thẳng cẳng luôn, vì những lý do này kia, trong đó có có cả sự thù ghét, muốn tận diệt.

Chứ còn những lý do như HoSE công bố thì đâu có nhằm nhò gì, nếu cứ... noi tấm gương sáng của thằng nghịch tử là Vietnam Airlines (VNA) nói riêng và nhiều doanh nghiệp nhà nước nói chung.

Này nhé, về chuyện “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin”, đành rằng là có cái quy định về nghĩa vụ thông tin và nó đã bị FLC vi phạm. Nhưng như giải trình của FLC, đó cũng là do “bất khả kháng”, “khách quan”.

Nếu có ai đó cười nhạo cái lý do này, bảo rằng luật không có quy định nào chấp nhận cái lý do vớ vẩn này thì cần nhớ lại nhiều lần trong các năm qua và mới nhất gần đây, VNA, tuy đã thỏa mãn cả 3 quy định hủy niêm yết, gồm 3 năm lỗ liên tiếp, tổng lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp, và vốn chủ sở hữu là âm (nặng) trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất, nhưng VNA cũng chỉ bị HoSE liên tục “lưu ý” về khả năng hủy niêm yết, chứ HoSE vẫn “quyết liệt” không chịu hủy niêm yết VNA như đã nhanh chóng và thẳng tay thực hiện với FLC.

Sao lại có cái thói đối xử bất công, nhất bên trọng, nhất bên khinh như vậy? Nếu ai đó dẫn lại lời của VNA biện hộ cho lý do không hủy niêm yết của VNA rằng nó là trường hợp đặc biệt, rằng sự thua lỗ triền miên đến âm nặng cả vốn chủ sở hữu là “do khách quan”, “bất khả kháng”, cổ phiếu của hãng tốt, đang có khả năng phát triển v.v... thì hãy nhìn lại và so sánh với sự quyết tận diệt với FLC, dù lỗi của FLC theo công bố cũng là “do khách quan”, “bất khả kháng”, và FLC cũng cam kết nỗ lực với khắc phục này kia.

Còn với lý do để bảo vệ nhà đầu tư nên phải hủy niêm yết của FLC, thì cũng phải soi lại thằng nghịch tử VNA. Bởi VNA thua lỗ triền miên và âm vốn chủ sở hữu, bất chấp nó tuyên bố láo rằng cổ phiếu của nó là tốt, luôn hứa hẹn rằng đang nỗ lực đưa ra các giải pháp, đang có khả năng phát triển v.v... Nói cách khác, với con bệnh kinh niên, vô phương cứu chữa (trừ khi nhà nước tiếp tục dốc thêm tiền của cho nó trong thời gian... không xác định, kiểu Vinashin), việc hủy niêm yết sớm ngay từ lúc VNA thỏa mãn 1 trong 3 điều kiện hủy niêm yết trong những quý/năm trước cũng là để kịp thời bảo vệ nhà đầu tư. Nhưng HoSE đã không làm vậy, đã nhân từ một cách rất... định hướng xã hội chủ nghĩa với VNA.         

Thật quả là mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con khác!

FLC thử lấy trường hợp của VNA để kháng nghị, kiện HoSE xem sao. Nếu không muốn làm, không làm được hoặc có làm nhưng không kết quả gì thì thôi đành tự khóc với nhau rằng mình thấp cổ bé họng, số đã tận. 

Monday 13 February 2023

Bàn về lời khuyên của các chuyên gia (4 – kỳ cuối) (Lại Vinfast!)

Phần cuối của bài phỏng vấn, ông Dũng trả lời câu hỏi về vai trò mang tính quyết định thành bại của các tập đoàn lớn, với cái tên cụ thể được gọi ra là Vinfast, trong công cuộc hóa rồng của Việt Nam để dẫn dắt đến nhu cầu cấp thiết phải hỗ trợ, tạo điều kiện cho Vinfast. Theo nội dung câu hỏi thì thực ra không phải người phỏng vấn tự chọn ra Vinfast mà chính ông Dũng đề cập đến ở đâu đó trước đây và được người phỏng vấn nhắc lại.

Tớ phải đặc biệt chú ý điều này bởi đã chứng kiến và rất e sợ các chuyên gia tự nhiên đứng ra kêu gọi, bênh vực nhà nước hỗ trợ, bảo hộ cho một doanh nghiệp, một tập đoàn nào đó như hiện nay là Vietnam Airlines và các dự án đầu tư yếu kém thua lỗ triền miên của Bộ Công thương. Tớ cũng đôi lần phang các đồng chí chuyên gia này, và nay buộc phải lên tiếng với ông Dũng. Và vì thế mới có cái tiêu đề gồm mấy chữ “các chuyên gia” trong chuỗi bài này.

Mở đầu câu trả lời, ông Dũng khẳng định: “Thực ra, nếu muốn VinFast thành công, có lẽ phải có sự hỗ trợ của nhà nước. So với những ‘gã khổng lồ’ đã tồn tại hàng trăm năm nay, thậm chí là khấu hao hết rồi, thì một công ty mà công nghệ lõi cũng phải đầu tư, tốn cả một núi tiền, thì cạnh tranh như thế nào? Một cách dễ hiểu là như thế này: bắt một đứa trẻ sơ sinh cạnh tranh với một người đàn ông lực lưỡng, thì đó không phải là công bằng, mà là một sự bất công. Hay làm sao một võ sĩ hạng nhẹ có thể cạnh tranh công bằng với một võ sĩ hạng nặng được?”.

Câu khẳng định trên của ông cũng đã chứa đựng lời đáp cho câu hỏi “thì cạnh tranh như thế nào?”. Xin mượn sự so sánh của ông về việc “bắt” một đứa trẻ cạnh tranh với một người lực lưỡng để hỏi ngược lại, dù giả sử nhà nước là bà mẹ nhân từ của đứa con và sẵn sàng hy sinh mọi thứ để giúp đứa trẻ cạnh tranh được với người lớn thì liệu cuộc cạnh tranh có thành công? Nếu khôn ngoan ra và biết cuộc cạnh tranh này là vô vọng thì lẽ ra bà mẹ nhà nước nhân từ này tuyệt đối không bao giờ nên “bắt” con mình cạnh tranh với người lớn để rồi dẫn đến những hy sinh vô ích.

Đó là chưa kể, Vinfast cùng lắm chỉ là đứa con nuôi, chứ chẳng phải ruột thịt máu mủ gì với bà mẹ nhà nước như, ví dụ, EVN với nhà nước. Nhà nước cũng chẳng nắm tẹo cổ phần nào, chẳng có cơ hội chi phối Vinfast như trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối khác chẳng hạn như Vietnam Airlines. Bởi vậy, sự hy sinh hỗ trợ hết mình cho Vinfast xem ra vừa rất kỳ khôi, vừa rất vô nguyên tắc.

Không nhận thức được lỗ hổng trong lập luận trên của mình, ông Dũng dấn thêm một bước để kêu gọi hỗ trợ Vinfast: “Cái khó là hỗ trợ VinFast mà không dựa trên khuôn khổ thể chế của nhà nước kiến tạo phát triển, sẽ rất dễ bị cho thiên vị hoặc thân hữu. Rõ ràng xác định việc lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là rất quan trọng ở đây. Nếu không, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Đó là một nửa vấn đề.”

Hóa ra mục đích cuối cùng cho công cuộc vận động áp dụng mô hình nhà nước kiến tạo của ông Dũng có lẽ cũng chỉ là để hợp pháp hóa bàn tay can thiệp, o bế, hỗ trợ của nhà nước với những doanh nghiệp như Vinfast. Nếu đúng thế thì ông đã hiểu rất sai về nhà nước kiến tạo phát triển trong bối cảnh ngày nay. Như đã nói về Singapore ở bài đầu, nếu muốn học hỏi họ thì phải luôn khắc ghi trong đầu mấy chữ “khuyến khích cạnh tranh và đổi mới” và biết định hướng nền kinh tế phát triển theo những ngành có thế mạnh cạnh tranh một cách khôn ngoan.

Nếu đã theo đuổi 2 chữ “cạnh tranh” như Singapore thì hãy để đứa bé Vinfast tự đứng trên đôi chân mình cạnh tranh với các gã khổng lồ khác. Chết thì ráng chịu. Xin đừng lặp lại bài học Vinashin!

Nếu bao biện bằng cách lấy ví dụ về Trung Quốc đã hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp như thế nào thì hãy cùng tớ thử hỏi Tiến sĩ ChatGPT về cách Trung Quốc hỗ trợ đích danh BYD, hãng xe điện TƯ NHÂN hàng đầu của Trung Quốc.

Câu trả lời là Trung Quốc có 4 biện pháp hỗ trợ BYD VÀ CÁC HÃNG XE ĐIỆN KHÁC. Các biện pháp này gồm trợ cấp sản xuất và tiêu thụ (để hạ giá bán...), xây dựng cơ sở hạ tầng (trạm sạc...), nghiên cứu và phát triển, và chính sách (miễn thuế...).

Hàm ý rõ ràng là Trung Quốc đã không chọn cụ thể một doanh nghiệp nào để hỗ trợ. Họ hỗ trợ là hỗ trợ chung cho ngành xe điện của Trung Quốc, ít nhiều cũng giống như cách làm của nhiều nước khác trên thế giới, không có gì là đặc biệt hay quá đáng, đáng bị chỉ trích. Bằng cách này, các đứa con đẻ và con nuôi, hiện tại và tương lai, vừa có cơ hội để lớn lên, vừa vẫn phải cạnh tranh với nhau để đứa nào lớn được thì sẽ lớn nhanh và mạnh khỏe.

Vấn đề là ở Việt Nam hiện hình như chỉ có mỗi Vinfast là hãng xe điện nội địa đúng nghĩa nên nếu hỗ trợ cho ngành xe điện nội địa thì lại thành hỗ trợ mỗi Vinfast. Không sao, chỉ cần Nhà nước tuyên bố các biện pháp hỗ trợ kiểu Trung Quốc cho ngành xe điện trong nước thì chắc chắn sẽ có thêm các doanh nghiệp mới khác, cả trong và ngoài nước, nhảy vào thị trường này ở Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng nhân cơ hội học hỏi từ Singapore ở khía cạnh biết định hướng phát triển một cách khôn ngoan theo các ngành nghề có lợi thế thì chưa chắc ngành xe điện là một ngành có lợi thế, có tiền đồ phát triển ngoạn mục ở Việt Nam, như chính ông Dũng cũng thừa nhận khi nói về Vinfast. Nên trước khi xác định muốn hỗ trợ ngành xe điện nói chung hoặc một doanh nghiệp cụ thể như Vinfast nói riêng, thì phải làm rõ ngành này (các doanh nghiệp trong nước) có cơ hội phát triển hay lại... chết yểu như với tấm gương tày đình là ngành xe động cơ đốt trong nội địa dù đã được hưởng bao ưu đãi, hỗ trợ từ nhà nước trong mấy chục năm qua để đến nay vẫn chỉ có doanh nghiệp có hoạt động lắp ráp ô tô là chính?   

Cuối cùng, ông Dũng hoàn thiện câu chuyện về Vinfast với phát biểu: “Và một nửa còn lại, là sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp, nếu nhiều người Việt có thể ủng hộ và chia sẻ sự thành công của họ. Không khéo, chúng ta dễ dàng chia ngọt, sẻ bùi trong chiến tranh, gian khó, nhưng khó khăn chia sẻ sự thành công vượt bậc của đồng hương. Cứ nghĩa mà xem, nếu không có các tập đoàn hùng mạnh, Việt Nam nhìn vào đâu để “hoá rồng”?”.

Có lẽ ông Dũng cần tìm hiểu tại sao người Việt lại “khó khăn chia sẻ sự thành công vượt bậc của đồng hương”. Như loạt bài về Vinfast của tớ cho thấy những thứ... không hay của nó, khó mà đòi hỏi nhiều người Việt lại tin tưởng, yêu mến và ủng hộ hết mình cho doanh nghiệp này.

Tóm lại, bài trả lời phỏng vấn rất dài này của ông Dũng có nhiều chi tiết rất bất cập, không đầy đủ và đúng đắn về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Nhưng điều nguy hiểm nằm ở kiến nghị phải tăng cường sự can thiệp, tham gia trực tiếp của nhà nước vào hoạt động kinh tế theo mô hình kiểu cũ từng thịnh hành cả nửa thế kỷ trước đây ở Đông Á mà nay ít được áp dụng (theo nguyên mẫu), cũng như cái kiến nghị của ông Dũng về việc phải hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như Vinfast nhân danh sự thịnh vượng của Việt Nam.  

Sunday 12 February 2023

Bàn về lời khuyên của các chuyên gia (3)

Bài hôm nay nói về các luận điểm có vấn đề khác của ông Dũng, ngoài vấn đề văn hóa như là một yếu tố phù hợp để Việt Nam theo đuổi mô hình nhà nước kiến tạo phát triển như của Singapore mà tớ đã phê phán ở 2 bài trước.

Theo ông Dũng thì một điều Việt Nam có thể học hỏi được ở Singapore là họ có đội ngũ hành chính công vụ tinh hoa để giúp nhà nước định hướng và dẫn dắt phát triển. Ông Dũng cho rằng muốn quốc gia hùng mạnh phải có bộ máy hùng mạnh; các nước có văn hoá Đông Bắc Á thường có đội ngũ hành chính công vụ tinh hoa, vì có truyền thống khoa bảng; và rằng Singapore hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì đều có bộ máy hành chính công vụ rất chuyên nghiệp, người tài được tuyển chọn thông qua khoa bảng, chứ không phải theo thân hữu hay dòng tộc.

Lập luận kiểu trên rất có vấn đề, có thể bởi do ông Dũng bị gượng ép phải có sự liên hệ với cụ thể các nước Đông Bắc Á – là nơi được cho là xuất phát mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Nếu chỉ là tuyển chọn công chức chuyên nghiệp, có trình độ khoa bảng thì không chỉ và không phải là đặc biệt ở Đông Bắc Á hay Singapore mới có chuyện đó, mà hãy nhìn rộng ra các nước dân chủ và phát triển để xem người không chuyên nghiệp có dễ xin được vào làm công chức không hay chỉ cần thân quen, bè cánh, họ hàng với quan chức nào đó?

Lưu ý rằng ông Dũng nói như trên cũng có nghĩa là cho rằng bộ máy hành chính công vụ của Đông Bắc Á vì có truyền thống khoa bảng nên tốt/giỏi hơn, chuyên nghiệp hơn của các nước khác, kể cả các nước tự do, dân chủ, giàu có khác. Hiển nhiên đây là một sự nhìn nhận vô căn cứ.

Lẽ ra chỉ cần hiểu, nói đơn giản rằng đối với Việt Nam hay bất cứ một quốc gia nào từ xưa đến nay muốn phát triển giàu mạnh thì chuyện hiển nhiên là phải có một chính phủ (và công chức) liêm chính, chuyên nghiệp, có năng lực điều hành và định hướng phát triển kinh tế. Mà để điều này xảy ra thì e rằng với Việt Nam trong thể chế như hiện tại là... hơi bị khó! Đấy mới là vấn đề, chứ không phải là chuyện Việt Nam không biết tầm quan trọng của chính phủ và công chức có chất lượng như của Singapore.

Tiếp đến, ông Dũng chỉ ra một đặc điểm nữa của Singapore mà Việt Nam có thể học hỏi là gần như toàn bộ sự giàu có của Singapore nằm ngoài Singapore. Không thực sự hiểu rõ ý này của ông lắm, nhưng dựa vào mạch bài tớ đoán chắc ông muốn nói rằng Singapore có được sự giàu có như ngày nay là chủ yếu bởi họ đầu tư ra nước ngoài và thu về lợi nhuận lớn hơn nhiều so với hoạt động kinh tế sinh lợi trong nước.

Lại hỏi Tiến sĩ ChatGPT về Tổng sản phẩm quốc gia (GNP) và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore. Nó cho biết GNP và GDP của Singapore lần lượt là 389 tỉ và 334 tỉ USD năm 2021. Vì [GNP = GDP + Chênh lệch thu nhập ròng từ đầu tư nước ngoài chuyển ra nước ngoài] nên suy ra Chênh lệch thu nhập ròng này là = 389 – 334 = 54 tỉ USD, tức chỉ bằng 16% GDP. Nói cách khác, không như ông Dũng nói, phần lớn của cải và sự giàu có của Singapore vẫn được tạo ra ngay trong lòng Singapore, chứ không phải từ đầu tư ra nước ngoài. 

Hàm ý của điều này là đầu tư nước ngoài không phải là công cụ chủ yếu để làm quốc gia giàu mạnh nên Việt Nam đừng có nhân cớ này, nghe lời khuyến cáo này mà dốc sức đổ tiền của ra nước ngoài, đặc biệt là qua các “quả đấm thép” kiểu Vinashin, Vietnam Airlines, Viettel hay PVN và các tập đoàn tư nhân thân hữu kiểu Vinfast, với mong muốn làm giàu nhanh chóng.

Chuyển sang các vấn đề khác quan trọng hơn, chính xác ra thì là nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Ông Dũng vạch ra 3 yếu tố để giúp Việt Nam thúc đẩy công nghiệp hóa theo định hướng mà không phải đi theo cách hỗ trợ mạnh mẽ của Trung Quốc bởi không có được vị thế như của Trung Quốc. Thứ nhất, phải tăng cường vai trò quản lý của nhà nước, phủ nhận những điều phương Tây vẫn nói rằng “nhà nước nhỏ, xã hội lớn” hay “nhà nước quản lý tốt nhất là nhà nước quản lý ít nhất”. Minh họa cho lập luận này, ông trích dẫn ý kiến giáo sư nào đó chỉ ra rằng mọi thành tựu vượt bậc, tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế phương Tây đều có nhà nước đứng sau, đều có sự tham gia của nhà nước (như Internet, GPS...). Với kiểu lập luận này, ông Dũng đã đánh đồng một cách sai lầm việc nhà nước (tăng cường) quản lý với nhà nước trực tiếp tạo ra các đột phá (nghiên cứu), các thành tựu. 

Hàm ý rút ra từ đây là nhà nước trực tiếp nghiên cứu, sáng tạo thì cũng tốt thôi, nhưng đừng vì thế mà... tăng cường quy mô, phình to bộ máy và cường độ can thiệp, dính dáng của nhà nước! Xin chớ nhầm lẫn tai hại giữa quản lý nhà nước với đầu tư/nghiên cứu/tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế bởi nhà nước.

Yếu tố thứ hai giúp Việt Nam thúc đẩy công nghiệp hóa, theo ông Dũng, là hỗ trợ nghiên cứu đột phá bằng nhiều cách, như thông qua nghiên cứu quốc phòng rồi chuyển giao cho dân sự. Còn yếu tố thứ ba là (xây dựng) đội ngũ hành chính công vụ giỏi.

Có thể nói cả 3 yếu tố trên đều hiển nhiên là tốt, là cần thiết, nhưng chúng cũng đúng cho hầu hết mọi nước muốn và đã phát triển, nên rốt cuộc là chẳng cứ phải theo đuổi cái gọi là mô hình nhà nước kiến tạo phát triển thì mới tạo lập, thúc đẩy được các yếu tố này, mà hãy cứ tự nhiên như hơi thở để hiểu rằng muốn đẩy mạnh được công nghiệp hóa, phát triển kinh tế (tri thức) thì phải có nghiên cứu sáng tạo, phải có sự nhân rộng các thành tựu này, qua một đội ngũ công chức lành nghề. Phương Tây đã không (cần) phải là những nhà nước kiến tạo, theo lời ông Dũng, để có được những yếu tố này thì Việt Nam cũng không nhất thiết cứ phải đội cái lốt nhà nước kiến tạo phát triển để mong làm được việc đó. “Thích thì cứ nhích” thôi, việc gì phải lôi thôi bày đặt?

(Còn nữa)

Saturday 11 February 2023

Bàn về lời khuyên của các chuyên gia (2)

Bài trước đang nói đến yếu tố văn hóa mà dường như theo ông Dũng là có sự tương đồng giữa Việt Nam và Singapore, dù ông không trực tiếp chỉ ra cụ thể sự tương đồng này là như thế nào, ngoài nêu chung chung rằng Việt Nam và Singapore đều nằm ở Đông Nam Á nhưng nền tảng văn hóa lại gần với Đông Bắc Á.

Hỏi cụ thể với Tiến sĩ ChatGPT về sự tương đồng văn hóa giữa Singapore và các nước Đông Á thì được trả lời như sau (tóm tắt): Singapore có một nền văn hóa đa dạng và độc đáo, bị ảnh hưởng bởi lịch sử là thuộc địa của Anh, bởi vị trí nằm giữa Đông Nam Á và bởi dòng người nhập cư từ Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ và phương Tây.

Trong khi có một số tương đồng với các nước Đông Á như xã hộ có tôn ti trật tự (kẻ dưới nể sợ kẻ trên), chủ nghĩa tập thể, và chú trọng vào giáo dục, nền văn hóa của Singapore có những điểm khác biệt riêng, ví dụ đa ngôn ngữ, ẩm thực, đặc biệt coi trọng sạch sẽ và trật tự thể hiện qua các nơi công cộng xanh, sạch đẹp.

Hỏi tiếp về sự tương đồng và khác biệt giữa Việt Nam và Singapore, thì ngoài những tương đồng trên còn có thêm coi trọng giá trị gia đình và tôn giáo đa dạng. 2 nước khác biệt lớn về lịch sử, ngôn ngữ và hệ thống chính trị.

Như vậy có thể thấy thực ra thì sự tương đồng và khác biệt này giữa Singapore và Việt Nam nói riêng và các nước Đông Á khác cũng na ná như khi so sánh các nước này với nhiều nước khác trên thế giới, chẳng nói lên được điều gì.

Nói cách khác, yếu tố văn hóa khá nhạt nhòa như là một trong các yếu tố quyết định một nước như Singapore hoặc Việt Nam có nên đi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển như các nước Đông Á khác không.

Điều đáng nói là từ sự so sánh văn hóa này mà ông Dũng nhảy một phát sang kết luận rằng: “Việt Nam, quả thực cũng đã có những bước cải cách khá mạnh theo mô hình này [Ngọc: tức mô hình nhà nước kiến tạo phát triển], dù không hình thành khuôn khổ lý thuyết, chúng ta phát triển thị trường nhưng vai trò quản lý của Nhà nước rất được coi trọng”. Không hiểu ông lấy ở đâu ra chi tiết rằng “vai trò quản lý của Nhà nước rất được coi trọng” ở các nước Đông Á nói chung, Singapore nói riêng để suy ra rằng Việt Nam cũng giống các nước này, cũng rất coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước?

Câu hỏi trên là để vạch ra sự thiếu logic trong lập luận của ông Dũng. Tuy nhiên, về ngữ nghĩa, Việt Nam hay bất kể nước nào cũng thế thôi, phải coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước chứ? Nếu không thì thành ra nước loạn 12 Sứ quân à? Nói cách khác, coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước là điều mặc định và là cơ sở để tồn tại của bất cứ nhà nước chính danh nào, chứ tuyệt nhiên không phải là sản phẩm hay đích hướng đến của bất cứ mô hình nhà nước nào. Để dễ hiểu hơn, thử hỏi ngược lại, chẳng nhẽ những nước được cho là không theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển như phương Tây và Bắc Âu lại không coi trọng vai trò quản lý của nhà nước, lại là những nước mà nhà nước/chính phủ không có vai trò đáng kể gì trong phát triển kinh tế, và nếu như vậy dân chúng lại để yên cho họ quản lý mình?

Nói dài dòng, vòng vòng vậy để chốt lại một ý rất quan trọng ở đây là ông Dũng dường như đã nhầm lẫn, đánh đồng vai trò/sự quản lý nói chung của nhà nước với những hành động đặc thù, cụ thể hơn của nhà nước mà ông nêu ở các phần sau như trực tiếp tham gia, đầu tư của nhà nước vào các hoạt động kinh tế, sự can thiệp, hỗ trợ của nhà nước (cho các tập đoàn như Vinfast). Đây mới là điều nguy hiểm nếu chính thể này nghe theo và cố gắng thực hiện (lại) những kiến nghị kiểu này. Vấn đề này sẽ được nói tiếp ở bài 3.

(Còn nữa)   

Friday 10 February 2023

Bàn về lời khuyên của các chuyên gia (1)

Báo chí hôm trước đăng bài phỏng vấn TS. Nguyễn Sĩ Dũng và giật tít một cách rất... giật mình: “TS Nguyễn Sĩ Dũng: Nếu không có các tập đoàn thành công, thì Việt Nam nhìn vào đâu để ‘hoá rồng’?”

(https://cafef.vn/ts-nguyen-si-dung-neu-khong-co-cac-tap-doan-thanh-cong-thi-viet-nam-nhin-vao-dau-de-hoa-rong-20230210084343195.chn )

Bài phỏng vấn trên có mấy vấn đề trong lập luận của ông Dũng mà nếu cứ thế nhắm mắt theo đuổi, triển khai thì sẽ là nguy cơ lớn cho kinh tế, xã hội.

Vấn đề thứ nhất, ông Dũng cho rằng Singapore lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển mà theo ông là tương phản với mô hình kiểu phương Tây hay mô hình nhà nước phúc lợi xã hội Bắc Âu. Ông thêm rằng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển mà ông cho rằng “có vẻ là phù hợp với văn hóa Singapore” là mô hình nhà nước dẫn dắt phát triển kinh tế chứ không phải mô hình tạo ra thị trường tự do như các nước phương Tây.  

Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là gì? Đến đây tớ thấy ChatGPT cực kỳ hữu ích để trả lời câu hỏi này và các vấn đề liên quan. Theo ChatGPT (các đồng chí nên chat bằng tiếng Anh thì nội dung sẽ tốt hơn; phần nội dung liên quan trong bài này là tớ dịch ngược lại từ các đoạn chat bằng tiếng Anh), nhà nước kiểu này là nhà nước tích cực khuyến khích và hỗ trợ phát triển kinh tế và công nghiệp hóa thông qua nhiều chính sách và sáng kiến dẫn dắt bởi nhà nước.   

Nhà nước kiến tạo phát triển được biết đến với vai trò can thiệp mạnh mẽ vào nền kinh tế. Đó có thể là sự kiểm soát trực tiếp của nhà nước trong các ngành chủ chốt, thiết lập các doanh nghiệp nhà nước, cung cấp các khoản trợ cấp/bao cấp, và các dạng hỗ trợ khác cho doanh nghiệp tư nhân, và thực thi các chính sách và quy chế nhằm tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Mô hình này thường được gắn cho các nước Đông Á như Nhật, Hàn Quốc, và Đài Loan. Tuy nhiên, khái niệm này không chỉ giới hạn ở Đông Á mà còn được ứng dụng ở các nước và khu vực khác như Brazil và Ấn Độ.

Hỏi tiếp ChatGPT rằng Chính phủ Singapore có phải là một chính phủ kiến tạo phát triển không, nó trả lời là về mặt chính sách kinh tế thì Chính phủ Singapore thường được gọi là chính phủ kiến tạo bởi đóng vai trò trung tâm trong khuyến khích và định hướng phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, ChatGPT còn thêm một số chi tiết mà tớ tóm tắt, hiểu thành: Sự thành công của (Chính phủ) Singapore về mặt kinh tế không chỉ là do Chính phủ đóng vai trò tích cực trong khuyến khích phát triển kinh tế chung chung theo định nghĩa, mà còn do sự tập trung vào khuyến khích cạnh tranh và đổi mới, và đây mới là vai trò chính được nhìn nhận của Chính phủ trong sự thành công về kinh tế của Singapore.

Cuối cùng, ChatGPT kết luận rằng (Chính phủ, Nhà nước) Singapore KHÔNG PHẢI là một nhà nước kiến tạo phát triển về mặt kỹ thuật theo định nghĩa, nhưng vẫn thường được gọi là như vậy bởi vai trò tích cực của nó trong khuyến khích phát triển kinh tế và CẠNH TRANH.

Trở lại với phát biểu của ông Dũng. Nếu ông cho rằng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là sản phẩm của (riêng) một số nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á (và tương phản với phương Tây và Bắc Âu) thì là không chính xác. Bởi nói chung chẳng chính phủ nào lại không muốn phát triển kinh tế, vì đó là vai trò mặc định của nhà nước, của chính phủ. Như ChatGPT cũng đã nói, mô hình này còn được áp dụng ở nhiều nước... xa lắc xa lơ như Brazil hay ngay trong khu vực châu Á là Ấn Độ đó thôi?

Điều khác biệt là chính phủ dùng công cụ gì và như thế nào để phát triển kinh tế, và điều này sẽ quyết định sự thành công của chính phủ, của quốc gia. Như ChatGPT đã chỉ ra, sự thành công của Chính phủ Singapore, mặc dù không được coi hoàn toàn là chính phủ kiến tạo phát triển như ông Dũng nói, là nằm ở sự tích cực khuyến khích phát triển kinh tế và cạnh tranh, đổi mới.

Cũng nên nhớ rằng, dù cũng được ông Dũng cho là cùng áp dụng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển nhưng các nước Đông (Bắc, Nam) Á hiện nay đều về cơ bản không còn doanh nghiệp nhà nước, nên bản thân cái khái niệm/mô hình nhà nước kiến tạo cũng đã biến đổi theo thời gian và việc áp dụng nó (hay không) cũng chỉ còn mang tính hình thức, chẳng quyết định được điều gì, và cuối cùng “ăn nhau” vẫn là ở chuyện chính phủ đã và đang sử dụng công cụ gì và như thế nào.

Và trong chuyện này thì yếu tố văn hóa mà ông Dũng nói đến như một khác biệt quyết định sự thành công của các chính phủ, các nền kinh tế, gồm, ví dụ, văn hóa chính trị, văn hóa quản trị, văn hóa tương tác v.v... không có đóng vai trò mang tính quyết định nào cả. Suy cho cùng, văn hóa nào mà chẳng do thể chế, chính quyền nhào nặn, tạo lập? Với nước đa sắc tộc như Singapore thì cái gọi là văn hóa (Singapore) là cái gì, của dân tộc nào, nếu không phải là một thứ văn hóa pha trộn được chế tài bởi luật lệ, quản lý bởi nhà nước? Hình như ở Việt Nam cũng có câu chính quyền/thể chế nào thì dân như thế đó thôi?

Cũng từ khái niệm mà ChatGPT cung cấp có thể thấy ông Dũng cũng sai khi nói mô hình nhà nước kiến tạo phát triển nói chung, và kiểu “phù hợp với văn hóa Singapore” nói riêng là mô hình nhà nước dẫn dắt phát triển kinh tế chứ không phải mô hình tạo ra thị trường tự do như các nước phương Tây. Bởi Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, mà đặc biệt là Singapore như đã thấy ở trên đều cổ xúy phát triển kinh tế tư nhân, đều nhấn mạnh cạnh tranh và đổi mới, tức chính là các nguyên tắc tạo nên thị trường tự do, và có ai dám bảo những nước này không phải là các thị trường tự do?

Qua tham khảo, phân tích học hỏi mô hình Singapore, ông Dũng dường như có ý cho rằng văn hóa Việt Nam và Singapore có những điểm tương đồng để làm cơ sở cho Việt Nam tham khảo, học hỏi (dù rằng ông lại tự đặt câu hỏi: “Vậy văn hoá của Singapore và Việt Nam có gì tương đồng?” và... không có câu trả lời trực tiếp!).   

(Còn nữa)

Thursday 9 February 2023

 Lại Vinfast (4)!

Bài hôm nay nói về nghệ thuật bơm thổi. Chẳng là lướt Facebook hôm nay thấy có đồng chí share bài viết bằng tiếng Việt của tác giả Thanh Hải Nguyễn về Vinfast có đăng trên website của Vinfast (https://vinfast.vn/dien-dan/thao-luan/999-chiec-xe-vf8-den-hoa-ky-la-xe-de-tiep-thi-thi-truong-my-chau-au-rat-kho-chieu-ceo-vinfast-noi-ve-tham-vong-toan-cau/#post-173769 ) nói rằng 999 chiếc xe VF8 đến Hoa Kỳ là để tiếp thị.

Vào đọc thì thấy bài của Thanh Hải Nguyễn chỉ là bài cắt dán và dịch từ một bài viết bằng tiếng Anh của tác giả khác có tên Lam Le đăng trên website của Rest of World (https://vinfast.vn/dien-dan/thao-luan/999-chiec-xe-vf8-den-hoa-ky-la-xe-de-tiep-thi-thi-truong-my-chau-au-rat-kho-chieu-ceo-vinfast-noi-ve-tham-vong-toan-cau/#post-173769 ).

Đoạn mở bài của Thanh Hải Nguyễn như sau: “Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, Rest of World đã nói chuyện với Giám đốc điều hành toàn cầu của VinFast, Lê Thị Thu Thủy, người đã lãnh đạo công ty từ năm 2021”. (Đây là một đoạn trong phần dạo đầu trong bài của Lam Le).

Với cụm từ “cuộc phỏng vấn độc quyền”, người đọc được dẫn dắt theo cách hiểu là đây là một đặc ân (nếu nghe nặng quá thì gọi đại khái là sự ưu ái riêng) mà Vinfast dành cho Rest of World (hay ngược lại).

Lam Le là ai? Theo lời (tự) giới thiệu khi click vào cái tên này, đây là một cộng tác viên (contributor, của Rest of World), đồng thời là một nhà báo tự do (freelance journalist, kiểu như tớ là cộng tác viên của một vài tờ báo, chẳng có lương và danh phận, thích thì viết mà không thì thôi, và cũng không thể nhân danh các tờ báo này được) ở Hà Nội.

Vậy có thể nói ngay Lam Le không phải là phóng viên/nhà báo của Rest of World, và bài phỏng vấn của Lam Le (nếu thực sự có) chỉ là bài gửi đăng của cộng tác viên. Nên theo thiển ý của tớ thì rất là lố khi cho rằng bài viết là sản phẩm của “cuộc phỏng vấn độc quyền” của Rest of World, hay cho rằng “Rest of World đã nói chuyện” với đồng chí Lê Thị Thu Thủy, CEO của Vinfast. Tớ đồ rằng Vinfast cung cấp nội dung cho Lam Le (nếu người này có thật) để gửi/mua bài đăng trên Rest of World.

Bằng cách “mượn rìu nấu cháo” này, dường như các nhà đạo diễn bộ phim Vinfast đã “tăng level” của các nội dung mà Vinfast muốn truyền tải. Chưa hết, điều quan trọng hơn thế nữa là qua sự “lăng xê” (kiểu cóp pết) của tác giả Thanh Hải Nguyễn, nghiễm nhiên trong mắt độc giả thì Vinfast đã có thêm một bài đăng về mình từ một tờ báo Tây (nghe có vẻ khách quan, uy tín hơn hẳn phải không?) với những nội dung có lợi cho nó mà bình thường thì chỉ có thể xảy ra khi phải trả một cơ số tiền không nhỏ để được đăng dưới dạng... thông tin quảng cáo từ các tờ báo Tây nghiêm túc.

Tại sao tớ lại đề cập đến các tờ báo Tây nghiêm túc? Bởi dù biết rằng Rest of World, theo lời tự giới thiệu là một tổ chức báo chí phi lợi nhuận có trụ sở ở New York, đã nhận được một số giải thưởng và ghi nhận này kia, nhưng chỉ riêng cái việc nó vẫn đăng bài Vinfast của Lam Le mà không biên tập, vẫn để nguyên các lỗi ngữ pháp, văn phạm tiếng Anh trong bài (độc giả nào không thạo tiếng Anh có thể dùng ngay ChatGTP để kiểm tra) thì cũng đã đủ để đặt dấu hỏi về chất lượng, uy tín của tổ chức báo chí này, cũng như thực hư việc Vinfast gửi bài đăng qua Lam Le hay chỉ là mua chỗ đăng bài trên Rest of World dưới dạng bài quảng cáo.

Chợt nhớ ra dạo nào cũng có đồng chí cỡ... cực bự ở Việt Nam cũng được tờ báo gì đó ở nước ngoài đăng bài (hình như) ca ngợi. Sau thì dân tình phát hiện ra (hình như) đó là bài đăng trên mục... phải trả tiền!

Wednesday 8 February 2023

Kỳ quặc những lý do

Thiên hạ dường như có thù ghét, thích quy tội ngân hàng thương mại, nhất là chuyện về lãi suất cao này nọ. Hãy lấy một vài ví dụ minh họa để thấy chuyện thù ghét, thích quy tội này, nhưng lại bằng những lý do kỳ quặc.

Ví dụ thứ nhất, như trong bài này, https://cafef.vn/phai-som-giam-lai-suat-cho-vay-20230208074408603.chn , đồng chí Tùng cho biết công ty phải vay 40 triệu USD nên bị ảnh hưởng lớn bởi tỷ giá và lãi suất nên đòi chính phủ phải có chính sách hỗ trợ, kéo giảm lãi suất. Khôn quá thì chết đồng chí Tùng ạ. Bởi chính vì lý do muốn được hưởng lãi suất thấp nên đồng chí quyết (đòi) vay ngân hàng bằng USD, những mong được hưởng lãi suất 1-2% thay vì trên chục % như với khoản vay tiền đồng. Nhưng ngờ đâu cơ sự lại ấm ớ khi Fed chơi xấu quyết tăng lãi suất USD đến trên 5% hoặc hơn, làm cho khoản vay của đồng chí chắc còn chịu lãi suất cao hơn thế. Nên có trách và phê phán trước tiên phải là mình (khi đi vay bằng USD phải biết rủi ro kèm theo đó), sau đó đến Fed, chứ không phải là ngân hàng, cũng không phải là Chính phủ. Ngân hàng và Chính phủ chẳng thể làm gì giúp đồng chí trong chuyện lãi suất, trừ khi đồng chí đòi họ phải cắt máu, xẻ thịt mình ra để trợ cấp cho cái khôn lỏi hóa... dở của đồng chí. Có kêu cứu, giãi bầy này nọ thì cũng phải nghĩ ra lý do cho ra hồn một chút. Cả báo chí cũng vậy, cứ thế mà nhắm mắt đăng bài, chẳng thèm hiểu mình đăng cái gì.

Ví dụ thứ hai, lấy luôn từ bài trên cho tiện, là chuyện đồng chí Quý than vãn thiếu vốn do không tiếp cận được vốn ngân hàng, dù chấp nhận vay với lãi suất 14%-15%. Chuyện của đồng chí Quý là rất phổ biến hiện nay, nhưng tiếc là không phải lỗi của ngân hàng như thiên hạ vẫn đang chĩa mũi dùi vào.

Nói trước tiên về lãi suất cao, chuyện này chẳng phải là do ngân hàng thương mại thích cao thì đặt cao. Nguồn gốc của lãi suất cao phải đi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tại sao không cho vay/cấp vốn cho các ngân hàng thương mại với lãi suất thấp. Đến lượt NHNN thì quả bóng sẽ được đá sang... tận Mỹ, bởi, như nói ở trên, bọn Fed phản động, gian ác đã đơn phương làm khó thế giới bằng cách nâng lãi suất vù vù, buộc các nước phải nâng theo. Tất nhiên, về phần mình, Fed chắc luôn muốn thanh minh là nó buộc phải ác thế bởi lý do này kia (không cần nói đến trong bài này). Tóm lại là rốt cuộc chẳng có ai chịu trách nhiệm cho chuyện lãi suất tự nhiên tăng vọt lên ở Việt Nam, và ngân hàng thương mại đương nhiên sẽ trở thành tội đồ vì... không còn ai khác để thế chỗ!

Còn chuyện doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay ngân hàng thì cũng liên quan trước hết đến NHNN thôi, ở 2 khía cạnh. Một là các quy định hoạt động an toàn NHNN đã ban hành, đòi hỏi ngân hàng thương mại phải tuân thủ nên chúng không thể cứ thích cho vay là cho vay, dẫu doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận lãi suất vay cao. Hai là, tại vì Fed nên NHNN phải nâng lãi suất chính sách, thậm chí thế vẫn chưa đủ mà phải bóp thêm cả việc bơm tiền ra nền kinh tế để lạm phát và tỷ giá không tăng thêm lên. Tất nhiên đến lượt mình thì NHNN cũng... vô tội bởi nó cho rằng nó buộc phải làm vậy. Bởi vậy, chỉ còn ngân hàng thương mại là nạn nhân bị nguyền rủa vì cái tội không chịu cho doanh nghiệp vay.

Ví dụ thứ ba, thôi lại lấy từ cùng bài trên, là chuyện đồng chí Họa kiến nghị ngân hàng ưu tiên room tín dụng, hoặc rộng hơn thì nhiều doanh nghiệp kiến nghị NHNN nới thêm room tín dụng để ngân hàng tăng cho vay doanh nghiệp. Điều này kỳ quặc ở chỗ room tín dụng không phải là lời giải của việc ngân hàng có tăng cho vay được hay không. Dù có thêm room tín dụng nhưng NHNN không hạ lãi suất chính sách, không tăng bơm tiền ra nền kinh tế thì ngân hàng thương mại cũng không có đâu tiền mà tăng cường cho vay doanh nghiệp, mà lại với lãi suất thấp nữa chứ. Dẫu vậy thì rốt cuộc cũng chỉ có ngân hàng thương mại là nạn nhân dễ bị tóm tóc ăn vạ nhất mà thôi.


Tuesday 7 February 2023

Lại Vinfast (3)!

Khá ngạc nhiên và thú vị vì mới ngày 4/2 tớ post bài về kiểm chứng các thông tin mà Vinfast loan báo, trong đó có chuyện U.S Bank (cho đến thời điểm viết) CHƯA TÀI TRỢ cho thuê/mua ô tô của nó thì đến ngày 6/2 Vinfast loan tin nó đã “LỰA CHỌN” U.S Bank là đối tác ưu tiên cung cấp giải pháp cho thuê và vay dài hạn tại Mỹ, cứ như thể Vinfast gấp rút tìm cách đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch chống phá quyết liệt nó!  

Tuy nhiên, có mấy vấn đề tồn tại xung quanh lần loan báo thông tin ngày 6/2 của Vinfast. Thứ nhất, lời lẽ từ phía Vinfast chỉ cho thấy nó mới chỉ có hành động là “lựa chọn U.S Bank” – tức một hành động đơn phương, chứ không có một từ nào nói về hai bên đã bắt tay, đã thỏa thuận, hay đã ký kết chính thức một vấn đề gì. Nói cách khác, “lựa chọn” khác với “hợp tác” và... chấm hết.

Thứ hai, lời của đồng chí John Hyatt được trích dẫn trong bài là một chứng cứ trọng yếu để đập tan mọi nghi ngờ về quan hệ hợp tác giữa 2 bên. Tiếc là một chi tiết quan trọng như vậy lại không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu (ngoài những bản tin đăng lại tin mà Vinfast loan báo), ví dụ trên Linkedin của đồng chí John Hyatt hay trên website của U.S Bank.

Thứ ba, à mà tưởng là một chi tiết nhỏ thôi, rằng chức vụ của đồng chí John Hyatt được Vinfast loan báo là Executive Vice President, U.S Bank, Dealer Services. Thực tế thì trên Linkedin của đồng chí này (https://www.linkedin.com/in/john-hyatt-96bb8852) hay trong website của U.S Bank (https://www.usbank.com/about-us-bank/company-blog/article-library/us-bank-launches-new-vehicle-shopping-ownership-tools.html) thì đồng chí này là President of Dealer Services – nghe nhỏ hơn nhiều thì phải, và quan trọng hơn, khác hoàn toàn với chức vụ mà Vinfast loan báo. Tuy có thể chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng cũng đặt ra dấu hỏi to đùng về tính xác thực của một thông tin cực kỳ quan trọng của Vinfast.

Thứ tư, lại thử truy cập website của U.S Bank, phần tài trợ mua ô tô, kết quả vẫn không thấy có tên Vinfast trong mục “Make” (https://auto-sales.usbank.com/) . Thôi đành tự nhủ có lẽ U.S Bank mải vui với mối quan hệ mới với Vinfast quá nên chưa kịp cập nhật tên Vinfast vào trong danh sách các hãng ô tô mà nó nhận tài trợ. Các đồng chí ở Mỹ hãy đành kiên nhẫn chờ khi nào U.S Bank nhớ ra và cập nhật nhé trước khi quyết định mua xe Vinfast. 

Monday 6 February 2023

Năng suất lao động thấp hay chuyện con gà quả trứng

Báo chí mới đưa tin năng suất lao động của Việt Nam thuộc diện rất thấp trong khu vực, chỉ cao hơn 3 nước Lào, Myanamar, Cambodia trong năm 2020 (tính theo sức mua tương đương, PPP, của năm 2017, xem hình). Điều này gây ngạc nhiên và thất vọng cho không ít người, bởi với họ, bên cạnh chuyện thua kém về GDP trên đầu người, nay Việt Nam lại còn thua kém ở khoảng cách rất xa so với thế giới về một chỉ tiêu nữa là năng suất lao động của người lao động.

Thực ra thì hai chỉ tiêu trên đều có liên quan mật thiết với nhau theo kiểu con gà và quả trứng, và chung quy đều xuất phát từ vấn đề chậm phát triển, “không chịu lớn... nhanh” của Việt Nam so với thế giới trong mấy chục năm qua. Còn nếu muốn biết lý do tại sao Việt Nam không chịu lớn nhanh thì lại phải hỏi... đồng chí Trọng và các đồng nghiệp hoặc tiền bối (đã khuất) của đồng chí ấy.

Để giúp các đồng chí và các bạn hiểu cụ thể vấn đề con gà và quả trứng này, tớ copy lại cái link như dưới đây về một bài viết của tớ trên báo Doanh nhân Sài Gòn hồi năm 2014, và mong rằng từ nay về sau báo chí và dư luận cũng đừng, bớt ngạc nhiên hay thất vọng về năng suất lao động nữa, mà hãy chỉ cần tập trung vào tăng trưởng GDP là đủ.

Link: https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/nang-suat-lao-dong-viet-nam-thap-do-dau-1407053408.htm

Saturday 4 February 2023

Lại Vinfast (2)!

Trong bài trước tớ có bán tín bán nghi về chuyện Vinfast thông báo đã nhận được một số giấy phép này nọ của Mỹ để nhập khẩu, bán và lưu hành xe VF8, VF9. Sau hơn một tháng, nay thử kiểm tra lại tính xác thực của thông tin này bằng cách google search và tìm tại website của các cơ quan liên đới của Mỹ.

Theo Vinfast như được đưa tin trên báo chí trong nước (ví dụ: VinFast đã được cấp giấy phép bán hàng tại Mỹ, hình ảnh những chiếc VF 8 chạy trên đường phố Mỹ đang gần hơn bao giờ hết (cafef.vn)) thì Vinfast đã nhận được 2 loại giấy phép là EPA COC và CARB EO, đồng thời cũng đã hoàn thành bài kiểm thử FMVSS theo quy định của NHTSA.

Trước tiên, tớ vào trang chủ của EPA và search Vinfast thì ra được một bảng excel có tiêu đề “Certified Vehicle Models (Model years 2014 – present)”, trong đó có 4 dòng về 4 sản phẩm của Vinfast. Ok, nếu theo đúng tiêu đề thì VF8/9 đã được cấp phép như Vinfast thông báo.

Tiếp theo, thử search CARB EO là cái gì thì được dẫn đến trang này: https://ww2.arb.ca.gov/executive-orders-certifications-verifications .  Gõ từ khóa Vinfast trong cửa sổ search ra được 5 tin tức liên quan nhưng chỉ có duy nhất 1 tin chứa thông tin về Vinfast tại đây: EV Model Diversity & Upcoming EVs (ca.gov), nhưng rất tiếc tin này là một bản presentation của một tổ chức nào đó không phải là cơ quan chức năng (ARB), và tin này cũng chỉ nêu/liệt kê Vinfast có 2 model xe điện được “kỳ vọng” xuất hiện năm 2023. Như vậy có thể kết luận rằng Vinfast vẫn CHƯA ĐƯỢC cấp CARB EO cho đến thời điểm này.

Lưu ý rằng kết luận trên về CARB chỉ đúng với điều kiện là thông tin về việc cấp giấy phép này phải xuất hiện trên website của ARB. Tuy nhiên, thử gõ tên Tesla hay Nissan chẳng hạn thì lập tức hiện ra giấy phép/chứng nhận cấp đích danh những hãng này, ví dụ như ở đây: CARB Document: https://www.arb.ca.gov/msprog/onroad/cert/pcldtmdv/2016/tesla_pc_a3740014r4_0_z_e.pdf . Điều này một lần nữa chứng tỏ Vinfast CHƯA CÓ bất cứ một loại chứng nhận nào từ ARB.  

Về FMVSS, vào website của NHTSA, thử search các kiểu, ở các mục (ví dụ, “Ratings”) với từ khóa Vinfast thì đều cho kết quả là 0, trong khi thử với Toyota chẳng hạn thì ra vài trăm kết quả. Nói cách khác, Vinfast cũng CHƯA HOÀN THÀNH bài thử nào của NHTSA, căn cứ theo thông tin có trong website của họ.

Chuyện ngoài lề liên quan đến Vinfast: Trong tháng trước, có đồng chí nào đó “tự hào” tuyên bố Vinfast đã được hãng bảo hiểm Allstate của Mỹ nhận bảo hiểm sản phẩm của hãng, với screenshot cho thấy tên Vinfast hay tên sản phẩm VF gì đó xuất hiện trong trang về giá bảo hiểm. Tuy nhiên, suốt cả hơn tháng nay kể từ lúc đồng chí đó tuyên bố thì tớ không thể nào “get a quote” để biết được hãng này có bảo hiểm cho sản phẩm của Vinfast hay không, giá bao nhiêu, bởi lỗi “We are sorry but we are having difficulties understanding your request.” Thử search Vinfast trên website của hãng thì cho kết quả 0, trong khi thử với Tesla và Toyota thì ít nhất cũng được 1 kết quả. Điều này cũng chứng tỏ Vinfast... nằm ngoài bộ nhớ của Allstate!

Cập nhật thông tin: Hồi tháng 12, như đã biết, Vinfast tuyên bố đã được U.S Bank đồng ý tài trợ mua xe của nó. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại thì trên website của U.S Bank, mục mua ô tô (Shop Cars for Sale Online ) vẫn CHƯA THẤY CÓ tên Vinfast trong danh sách “Make”, mặc dù trong đó hiện có vài chục tên hãng ô tô khác của thế giới. Điều này chứng  tỏ ngân hàng này CHƯA TÀI TRỢ cho mua xe của Vinfast.

Với tất cả thông tin tổng hợp được như trên, có lẽ chỉ nên tin các thông báo của Vinfast/VinGroup độ... 10%! Và cũng cần phải thận trọng với thông tin mới nhất về nó rằng: “VinFast hoãn giao xe điện cho khách Mỹ đến cuối tháng 2 để cập nhật phần mềm”, bởi lý do rất có thể do những vấn đề nói trên chứ không phải do thứ... vớ vẩn là phần mềm! 

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).