Friday 27 November 2020

Tránh việc đổ gánh nặng của ngành thuế lên người dân (Bài đăng trên TBKTSG Online, 26/11/2020)

 https://www.thesaigontimes.vn/311097/tranh-viec-do-ganh-nang-cua-nganh-thue-len-nguoi-dan.html

Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 12 này và đang tạo ra nhiều dư luận trái chiều. Phần lớn dư luận trái chiều tập trung vào góc độ sợ lộ thông tin khách hàng của ngân hàng, là lo ngại phần nào có lý, bởi càng nhiều người được “chia sẻ” thông tin, dù là các công chức nhà nước, thì càng có nhiều dư địa để lộ thông tin.

Tuy nhiên, điều mà dư luận hầu như chưa đề cập đến và ít người để ý đến liên quan đến nghị định trên là những bất cập của nó sẽ tạo ra những gánh nặng cho xã hội mà rốt cuộc khách hàng của ngân hàng, tức người dân và doanh nghiệp, sẽ phải gánh chịu.

Cụ thể, theo đề nghị của cơ quan thuế, ngân hàng thương mại (NHTM) có trách nhiệm cung cấp và cập nhật hàng tháng các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế (Điều 30). Nếu cơ quan thuế chỉ “đề nghị” NHTM cung cấp thông tin tài khoản của một số lượng ít khách hàng của NHTM thì cũng có thể coi là không ảnh hưởng gì lắm đến NHTM.

Nhưng nếu số lượng bị “đề nghị” này là một con số lên đến hàng trăm ngàn, hàng triệu tài khoản thì chắc chắn NHTM sẽ phải dành riêng một nguồn lực đáng kể để chuyên trách đảm nhiệm công việc được “đề nghị” này. Như thế, chắc chắn cái giá của nguồn lực tiêu phí này sẽ cuối cùng đổ lên khách hàng của ngân hàng và nền kinh tế.

Nói cách khác, sự tiện lợi cho ngành thuế có thể sẽ được trả giá bởi người dân và doanh nghiệp.

Tiếp đó, nghị định cũng quy định NHTM khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Cần lưu ý rằng NHTM chỉ là trung gian thực hiện các giao dịch, nếu có, giữa người nộp thuế và cơ quan thuế, chẳng hạn như thực hiện lệnh chuyển tiền (để nộp thuế) của chủ tài khoản đến một tài khoản chỉ định bởi cơ quan thuế. NHTM không phải, không thể, không có thẩm quyền và tư cách pháp lý đại diện cho cơ quan thuế để làm những công việc của cơ quan thuế. Nên những việc như tự động khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế,... là những công việc không phải của NHTM, trừ khi được cơ quan thuế yêu cầu bằng văn bản cho từng đối tượng cụ thể mà ngành thuế giám sát, theo dõi. 

Nếu cứ “bắt” NHTM phải tự động khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế... như quy định thì sẽ lại dẫn đến hậu quả là gây tốn phí thêm cho NHTM, mà cuối cùng là cho người dân và doanh nghiệp, vì phải dành thêm một nguồn lực thực hiện, theo dõi, xử lý công việc này (trên diện rộng, bao quát hầu như mọi khách hàng ngân hàng). Hậu quả tai hại khác là NHTM hoặc do không có đủ “nghiệp vụ”, hoặc vì một lý do nào đó khác sẽ khấu trừ, nộp thay thuế sai đối tượng, sai mức độ, sai cái này cái kia, để rồi người phải gánh chịu hậu quả như phải đi khiếu nại, kiện tụng vẫn là người dân, doanh nghiệp.

Tất nhiên, nói như trên không có nghĩa là phản đối sự hợp tác của NHTM với ngành thuế trong việc phòng tránh trốn, tránh, gian lận thuế. Nhưng tinh thần hợp tác này phải được xây dựng trên nguyên tắc ngành thuế chỉ yêu cầu NHTM hợp tác với một số đối tượng có chọn lọc, ví dụ; diện đang nghi ngờ, theo dõi… NHTM (chỉ) có trách nhiệm báo cáo cho ngành thuế và cơ quan chủ quản, như Ngân hàng Nhà nước các giao dịch đáng ngờ, bất thường chẳng hạn số tiền lớn không phù hợp với thu nhập định kỳ của khách hàng...

Nói cách khác, nếu ngành thuế có yêu cầu hợp tác của NHTM thì không được có những yêu cầu tạo ra thêm những gánh nặng và phí tổn cho xã hội, nhất là chỉ bởi lý do ngành thuế không “quản” được nên phải buộc NHTM làm thay, đảm nhiệm hộ mình.

Saturday 21 November 2020

Tính hai mặt của bảo hộ sản xuất (Bài đăng trên TBKTSG, 19/11/2020)

https://www.thesaigontimes.vn/310775/tinh-hai-mat-cua-bao-ho-san-xuat.html

Chính phủ đang dự định nghiên cứu và áp dụng các chính sách thuế và tín dụng để thúc đẩy ngành lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước phát triển. Cụ thể, nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô hay hình thành gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.

Có khả năng bị kiện không?

Một trong những điều làm dư luận quan tâm với dự định này là tính khả thi của các giải pháp hỗ trợ sẽ được đưa ra, mà cụ thể là liệu chúng có bị các nước đối tác thương mại của Việt Nam có xuất khẩu ô tô và linh kiện vào thị trường Việt Nam phản đối, kiện cáo vì lý do vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các thỏa thuận thương mại song phương/đa phương hay không.

Để trả lời câu hỏi này, xin điểm lại những trường hợp ít nhiều tương đồng được mang ra xét xử bởi WTO.

Tháng 10-1996, Cộng đồng châu Âu (EC), Nhật Bản, Mỹ... cùng yêu cầu tham vấn với Indonesia liên quan đến “Chương trình 1993” và “Chương trình Ô tô quốc gia 1996” của nước này. “Chương trình 1993” sẽ giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu với linh kiện/phụ tùng ô tô dựa vào tỷ lệ nội địa hóa. Trong khi đó, chương trình còn lại thì cung cấp nhiều lợi ích cho doanh nghiệp ô tô nội địa như miễn thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế nhập khẩu nếu đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa. Mục đích cuối cùng của chúng là làm cho ô tô nhập khẩu đắt hơn ô tô tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước.

Tháng 3 và tháng 4-2006, EC, Mỹ và Canada khiếu nại lên WTO về việc Trung Quốc áp đặt các biện pháp ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu ô tô của những nước này vào Trung Quốc. Những biện pháp này dẫn đến phụ tùng ô tô được sử dụng để lắp ráp ô tô bán ở Trung Quốc bị đánh thuế ngang với ô tô nhập khẩu, nếu các phụ tùng này được nhập khẩu trên một ngưỡng tối đa nào đó. Mục đích cuối cùng cũng là khuyến khích người tiêu dùng mua ô tô nội địa nếu chúng sử dụng nhiều linh kiện nội địa. Một số nước khác gồm Nhật Bản, Úc và Mexico sau đó cũng tham gia vụ khiếu nại này.Các nước khiếu kiện cho rằng, hai chương trình này của Indonesia đã vi phạm các điều khoản của WTO về trợ cấp và thuế đối kháng, phân biệt đối xử nghiêm trọng giữa sản phẩm trong nước và nhập khẩu. WTO đã ra phán quyết ủng hộ phần lớn các khiếu kiện của các nước chống lại Indonesia. Indonesia đã phải chấp nhận phán quyết này và đến tháng 7-1999 thì thông báo đã ban hành chính sách ô tô mới thực hiện đầy đủ theo các phán quyết và khuyến nghị của WTO.

Tháng 9-2008, Trung Quốc kháng nghị phán quyết của WTO về những vi phạm của nước này. Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng của WTO vào tháng 12-2008 vẫn duy trì phần lớn những phán quyết trước đó. Vào tháng 8-2009, Trung Quốc thông báo họ đã ban hành nghị định mới chấm dứt thực thi các điều khoản về nhập khẩu phụ tùng ô tô liên quan trước đó, và tuân thủ các phán quyết và khuyến nghị của WTO.

Chuyển sang Việt Nam. Việc không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô, hoặc việc cung cấp gói tín dụng ưu đãi, chẳng qua chỉ là một dạng bảo hộ khác so với các biện pháp nêu trên, đều có mục đích cuối cùng là phân biệt đối xử, làm cho ô tô nhập khẩu trở nên đắt hơn, hoặc làm cho ô tô sản xuất trong nước trở nên có giá thành rẻ hơn so với ô tô nhập khẩu.

Về nguyên tắc, mọi vi phạm nguyên tắc đối xử công bằng của WTO như vậy sẽ bị các nước có quyền lợi liên quan khiếu kiện. Có chăng chỉ nên hy vọng rằng, quy mô và tác động của những chính sách của Việt Nam trên thực tế là không đáng kể, không “đáng” để các nước bị ảnh hưởng bỏ công khiếu kiện.

Có nên tiếp tục bảo hộ không?

Trên thực tế, dù vi phạm rõ ràng các nguyên tắc của WTO, các chính sách bảo hộ như yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa, vẫn được không ít quốc gia trên thế giới sử dụng, kể cả những nước phát triển như Úc, Canada, và một số nước châu Âu (mà vẫn “bình an”!).

Câu hỏi đặt ra là các chính sách tiếp tục bảo hộ cho ngành ô tô trong nước như vậy có nên được duy trì, “đổi mới”? Lưu ý rằng dự định bảo hộ ngành ô tô đang được nghiên cứu lần này hoàn toàn không phải là chuyện mới, vì rất nhiều chính sách, giải pháp đã được đề xuất và thực thi ở Việt Nam trong suốt gần 30 năm qua, gồm chính sách tỷ lệ nội địa hóa... Nhưng kết quả như thế nào thì đã rõ.

Nên, thay vì trả lời câu hỏi có nên tiếp tục bảo hộ ngành ô tô nội địa không, câu hỏi có ý nghĩa thiết thực và sát sườn hơn là tại sao không rút kinh nghiệm từ những thất bại của bao nhiêu giải pháp trong quá khứ để đi đến quyết định sáng suốt là chấm dứt bảo hộ, hạ thuế nhập khẩu và mở cửa thị trường trong nước cho cạnh tranh tự do?

Xin bổ sung thêm một số kết quả nghiên cứu thực chứng trên thế giới để củng cố khuyến nghị chấm dứt bảo hộ. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự thất bại của chính sách quy định tỷ lệ nội địa hóa lên sự phát triển của công nghiệp phụ trợ trong nước, hoặc làm giảm sản lượng sản xuất và xuất khẩu thành phẩm, cũng như giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp nội địa vào linh kiện/phụ tùng nhập khẩu(1). Kết luận này cũng đúng ngay cả với Indonesia, nước “nổi tiếng” về chính sách kinh tế hướng nội, trong đó có việc bảo hộ ngành ô tô nội địa. Lý do là bởi sự thực thi pháp luật yếu kém; các doanh nghiệp sản xuất linh kiện nội địa không có động cơ đổi mới, cải thiện chất lượng sản phẩm vì thiếu vắng cạnh tranh; nhà sản xuất nội địa vẫn buộc phải dựa vào nguồn linh kiện nhập khẩu có chất lượng cao (nhưng giá đắt hơn) nên sản phẩm làm ra không cạnh tranh về giá, làm suy giảm sản lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...

Ngược lại, nếu sớm tự do hóa thị trường ô tô trong nước, hạ thấp các rào cản phi thuế quan (gồm thuế tiêu thụ đặc biệt) vốn vẫn đang có xu hướng phát triển thì các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng được ước tính là sẽ tăng được đáng kể đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, việc làm và GDP vào năm 2025(2).

(1) https://www.iseas.edu.sg/images/pdf/ISEASEWP2016-04Negara.pdf

(2) https://www.oxfordeconomics.com/my-oxford/projects/321360



Thursday 19 November 2020

RCEP - những điểm nhấn và khác biệt (Bài đăng trên TBKTSG, 19/11/2020)

 https://www.thesaigontimes.vn/310769/rcep--nhung-diem-nhan-va-khac-biet.html

Ngày 15-11 vừa qua, 15 nước châu Á - Thái Bình Dương đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới (về tổng GDP của các nước thành viên). Đây được coi là một động thái thúc đẩy triển vọng kinh tế của khu vực trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành toàn cầu.

Dù đã ký kết nhưng RCEP vẫn chưa được phê chuẩn ở các nước thành viên. Sự phê chuẩn này được kỳ vọng sẽ hoàn tất trong vòng 12 tháng tới, nhưng chưa có mốc thời gian chắc chắn.

Việc Trung Quốc là thành viên RCEP có nghĩa là Trung Quốc - nước cạnh tranh vị thế siêu cường kinh tế với Mỹ trong khu vực - bây giờ có thêm ảnh hưởng về luật lệ thương mại ở khu vực này. Khi các nước thành viên đang đàm phán về RCEP thì một thỏa thuận thương mại lớn khác, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng đang được đặt trên bàn nghị sự. Trung Quốc không có mặt trong số 12 nước thành viên khi đó.

Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ ra khỏi TPP. Đây được xem là việc đã làm tăng cơ hội thành công cho RCEP. TPP sau đó được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP và bao gồm bảy thành viên hiện tại của RCEP.

Quy mô thị trường của RCEP lớn gần gấp 5 lần của CPTPP, với kim ngạch thương mại và tổng GDP lớn gần gấp đôi, tất cả nhờ một phần đáng kể sự tham gia của Trung Quốc. Dẫu vậy, CPTPP được coi là toàn diện hơn RCEP, vốn không có các quy định về tiêu chuẩn môi trường và nhân quyền, gồm lao động. Ngược lại, RCEP tạo ra một khuôn khổ tự do thương mại được dựa trên và củng cố thêm nữa thông qua các vòng đàm phán thương mại trong tương lai. Các nước khác trên thế giới cũng có thể gia nhập RCEP trong tương lai, mở rộng hơn nữa phạm vi ảnh hưởng kinh tế của các thỏa thuận tự do hóa thương mại và đầu tư của RCEP.

RCEP đã trải qua một quá trình đàm phán dài suốt từ năm 2012, vì các nước  với các nền kinh tế rất đa dạng đã không thể thỏa thuận được với nhau trong một số điều khoản gồm sự dịch chuyển lao động, đối xử về dịch vụ và tiếp cận thị trường. Chưa hết, lẽ ra đàm phán đã kết thúc trong năm 2019 nhưng Ấn Độ vào phút chót đã quyết định rút bởi quan ngại RCEP sẽ làm thương tổn các doanh nghiệp nội địa, nhất là bởi sự tràn ngập hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các nước thành viên đã để ngỏ cửa cho Ấn Độ tham gia lại sau này.

Với một số thành viên như Việt Nam và các nước ASEAN khác, do các nước này đa phần đã có thỏa thuận thương mại song phương/đa phương với các thành viên còn lại (trừ Trung Quốc) nên lợi ích trực tiếp từ RCEP sẽ không phải là quá nhiều. Nếu có thì có lẽ chủ yếu dưới dạng đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng. Ngược lại, điều đáng ngạc nhiên là hầu như không có nước nào quá quan ngại đến sự cạnh tranh, lấn lướt của Trung Quốc như Ấn Độ. Có lẽ một phần là do các nước ASEAN kỳ vọng sự lớn mạnh hơn của khối trong tương lai sẽ (gián tiếp) làm lợi cho toàn khối và từng thành viên thông qua hiệu ứng lan tỏa, làm tăng công ăn việc làm và thu nhập cho người tiêu dùng, bù đắp cho tác động tiêu cực của sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

Lợi ích của RCEP có lẽ sẽ rõ ràng hơn sau khi đại dịch Covid-19 được chế ngự. Xu hướng di chuyển chuỗi cung ứng đến các nước khu vực được định hình từ thời điểm nổ ra thương chiến Mỹ - Trung ba năm trước sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn khi RCEP có hiệu lực, bởi các công ty và nhà đầu tư nước ngoài càng có thêm lý do để đầu tư vào không chỉ là Trung Quốc như trước mà còn vào các nước trong khu vực.

Đầu tư nước ngoài được kỳ vọng gia tăng trong khuôn khổ RCEP, đặc biệt với các nền kinh tế đang phát triển của ASEAN như Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, một phần cũng nhờ quy định về xuất xứ. Ngoài những quy định chung thường có ở các hiệp định thương mại tự do khác, RCEP lần đầu tiên đã thống nhất các khái niệm về xác nhận xuất xứ và hạn ngạch giữa các nước thành viên. Nay chỉ cần một giấy xác nhận xuất xứ là đủ để áp dụng cho toàn khối. Vì vậy, RCEP sẽ thúc đẩy dòng đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, giày dép... ở những nước đang phát triển từ các nước phát triển hơn trong khối. Chi phí sản xuất được cắt giảm trong toàn khối sẽ làm lợi cho người tiêu dùng và các quốc gia thành viên, đồng thời cũng lan tỏa đến các phần còn lại của thế giới, gồm Mỹ và châu Âu thông qua xuất khẩu.

Ngoài tự do hóa dòng chảy đầu tư và thương mại, RCEP cũng đạt được thỏa thuận về công nhận lẫn nhau về bằng cấp, chứng chỉ hành nghề, là một cánh cửa tiềm năng mở ra các cơ hội nghề nghiệp dành cho luật sư, nha sĩ, bác sĩ và các ngành chuyên môn khác. 

Một điểm nhấn khác biệt khác là RCEP, như đã nói, không toàn diện, bao quát bằng CPTPP. Ngoài chuyện bỏ ngỏ lĩnh vực môi trường và nhân quyền, lao động, RCEP còn bỏ qua khu vực nông nghiệp. Tất cả các thành viên RCEP đều muốn bảo vệ thị trường nông nghiệp của mình, và RCEP không đặt ra các tiêu chuẩn chung cho các sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, RCEP tại giai đoạn này cũng không đạt được thỏa thuận về quy chế thương mại điện tử, do các nước thành viên bất đồng với bất cứ luật lệ nào về lưu chuyển số liệu xuyên biên giới hay miễn trừ thuế quan cho truyền dẫn số liệu. Lĩnh vực này sẽ là chủ đề chính yếu cho đàm phán trong tương lai. 

Saturday 14 November 2020

Priority banking – dịch vụ ngân hàng dành cho tầng lớp "có tiền" và những đặc quyền đáng mơ ước (Bài đăng trên CafeF, 13/11/2020)

https://cafef.vn/priority-banking-dich-vu-ngan-hang-danh-cho-tang-lop-co-tien-va-nhung-dac-quyen-dang-mo-uoc-20201111224021225.chn

Kỳ 2: Priority banking – dịch vụ ngân hàng dành cho tầng lớp có tiền

Ở những nơi như Singapore, bạn có nhiều cách làm giả cho mình trông giàu có hơn. Bạn có thể mua một chiếc ô tô đẹp để rồi tối đến lái Grab kiếm tiền trả nợ vay mua xe, hoặc tiêu tốn tiền tiết kiệm cả năm để du lịch một chuyến ở châu Âu rồi khoe ảnh trên Instagram.

Nhưng nếu bạn là khách hàng priority banking của một ngân hàng ở Singapore thì chắc chắn bạn là một người có tiền. Lưu ý ở đây từ "có tiền" được dùng thay cho từ "giàu có" bởi những người thật sự giàu có thì nằm ở một bậc trên (về độ... "có tiền", có hàng triệu USD) và thường là khách hàng private banking của ngân hàng mà chúng ta đã đề cập đến trong bài trước. Nói chính xác thì priority banking là dành cho tầng lớp trung lưu ở Singapore. Để so sánh thì khách hàng priority banking được ví với khách hàng hạng Business Class của các hãng bay, còn khách hàng private banking thì như khách hàng First Class vậy.

Để được gọi là khách hàng priority banking thì cần phải gửi tiền và/hoặc các tài sản khác (có thể gồm tài khoản tiền gửi tiết  kiệm, gửi có kỳ hạn, và các công cụ đầu tư khác như trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư ủy thác, quỹ phòng hộ v.v...) tối thiểu ở một ngưỡng nào đó tùy theo từng ngân hàng. Nhưng ngưỡng tối thiểu này thường thấp hơn rất nhiều so với khách hàng private banking.

Cũng ở Singapore chẳng hạn, bạn chỉ cần có 70.000 SGD (khoảng hơn 1,2 tỷ VND) – mức mà nhiều người Singapore bình thường có – là đã có thể trở thành khách hàng priority banking của ngân hàng Citi, so với nếu là khách hàng priority banking thì cần có tài sản ít nhất là 6 chữ số (đơn vị USD). Tuy nhiên, với hàng chục ngân hàng còn lại thì mức tối thiểu này cao hơn nhiều, từ 200.000 SGD trở lên đến 350.000 SGD. Khi đã có mức tài sản sở hữu ở mức tối thiểu trở lên như vậy thì bạn sẽ được các ngân hàng cấp cho thẻ tín dụng với những tên gọi không nhất thiết chỉ có từ "priority" mà còn có thể là "priviledge",  "premier", "prestige", "treasures" hoặc "Infinite" v.v...

Khi đã trở thành khách hàng priority banking thì bạn sẽ được hưởng một số đặc quyền, thường là: (1) không phải xếp hàng tại quầy như với khách hàng thông thường mà không ít khi mất đến cả nửa tiếng đến một tiếng đồng hồ mới đến lượt được phục vụ tại nhiều ngân hàng Singapore. Tại các chi nhánh ngân hàng, thường sẽ có một cửa/quầy phục vụ dành riêng cho priority banking; (2) được cắt cử một nhân viên phụ trách quan hệ (RM) riêng trợ giúp các yêu cầu và hỗ trợ đầu tư tài sản; (3) hưởng lãi suất ưu đãi hơn (cả đi vay lẫn gửi tiền) và tỷ giá tốt hơn một chút so với khách hàng thông thường; (4) được giảm các phí và lệ phí ngân hàng; và (5) các quyền lợi khác, có thể là chiết khấu du lịch, sử dụng phòng VIP tại sân bay, chiết khấu chơi golf, được phục vụ miễn phí đồ uống như cà phê, nước quả, chè (thậm chí cả rượu vang) tại các chi nhánh vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, được nhận phong bì lì xì vào dịp tết, được mời tham dự các buổi nói chuyện về đầu tư và sự kiện khác v.v...

Nguồn khách hàng priority banking càng trở nên quan trọng với các ngân hàng trên thế giới trong bối cảnh có khủng hoảng, bất ổn trong và ngoài nước, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bình thường của ngân hàng. Trong và sau khủng hoảng, các ngân hàng trong nỗ lực thu hút nhà đầu tư nước ngoài phải tung ra các dịch vụ đặc biệt để thu hút vốn bù đắp cho sự sụt giảm vốn đầu tư và/hoặc tiền gửi của người cư trú hoặc không cư trú. Đổi lại, khách hàng priority banking được thương lượng với các ngân hàng về lãi suất, tỷ giá, phí và lệ phí v.v... là những thứ mà thông thường thì ngân hàng sẽ áp đặt một chiều đối với các khách hàng "bình dân" khác.

Do khách hàng private banking cũng được hưởng các đặc quyền trên nên đôi khi có sự khó hiểu về bản chất của hai loại dịch vụ ngân hàng này. Để cho dễ hiểu hơn, cần biết rằng để được là khách hàng private banking thì thường bạn phải được ngân hàng gửi giấy mời, chứ không đơn giản chỉ là việc bạn tự nộp đơn như khi bạn xin trở thành khách hàng priority banking của một ngân hàng nào đó.

Ngoài ra, tuy cũng được hưởng các đặc quyền như với priority banking nhưng những đặc quyền này của private banking nằm ở một cấp độ khách hẳn so với của khách hàng priority banking, đặc biệt về chiến lược đầu tư, chiến lược tài chính và né thuế. Nói cách khác, mức độ chăm sóc tài chính dành cho khách hàng private banking sẽ cao hơn nhiều, chuyên nghiệp và giá trị hơn nhiều so với cho khách hàng priority banking.

Một khác biệt lớn khác giữa hai loại dịch vụ ngân hàng này là mức độ bảo mật riêng tư. Đây có thể là một sự hấp dẫn rất lớn, đặc biệt đối với những người (siêu) giàu và/hoặc nổi tiếng là những người không muốn thông tin tài chính cá nhân rò rỉ từ bất cứ nơi đâu, thời điểm nào.

 (Còn nữa...)

Thursday 12 November 2020

Giới nhà giàu ở Singapore và Thụy Sĩ đang được quản lý tài sản thế nào? (Bài đăng trên CafeF, 12/11/2020)

https://cafef.vn/gioi-nha-giau-o-singapore-va-thuy-si-dang-duoc-quan-ly-tai-san-the-nao-20201111093208381.chn

 Bài 1: Dịch vụ Private banking

Private banking liên quan đến các tổ chức tài chính (TCTC) cung cấp dịch vụ quản lý tài chính cho khách hàng VIP, được hiểu là khách hàng có tài sản có thể đầu tư vượt trên một ngưỡng tối thiểu nào đó, theo quy định hoặc thông lệ từng quốc gia (thường là khoảng 1 triệu USD). Private banking thường được thiết kế riêng cho những khách hàng có nhiều tiền mặt và tài sản khác gửi vào tài khoản để đầu tư.

Private banking cung cấp các tư vấn liên quan đến đầu tư căn cứ vào hoàn cảnh tài chính của từng khách hàng. Dịch vụ này thông thường trợ giúp khách hàng trong việc bảo vệ và duy trì tài sản của khách hàng. Nhân viên ngân hàng đảm nhiệm dịch vụ này được phân công phụ trách khách hàng sẽ làm việc với khách hàng để đưa ra từng giải pháp tài chính chuyên biệt cho từng khách hàng. Những nhân viên này cũng sẽ giúp khách hàng lập kế hoạch và gửi tiền tiết kiệm chuẩn bị cho nghỉ hưu của họ và cơ cấu các tài sản của khách hàng để cho thừa kế, chuyển giao lại cho các thành viên trong gia đình họ hoặc những người thụ hưởng khác.

Đối với các TCTC, càng tìm kiếm và giữ chân được nhiều khách hàng VIP giàu có thì TCTC càng được lợi, thể hiện ở số dư lớn trong tài khoản vãng lai khách hàng mở tại TCTC và TCTC có thể sử dụng cho đầu tư và thanh toán. TCTC cũng thu được các khoản lãi lớn phát sinh từ các món vay bất động sản hoặc kinh doanh của khách hàng VIP với số dư cho vay lớn dù lãi suất cho vay có thể là rất thấp, mang tính ưu đãi.

Còn ở khía cạnh khách hàng, để thu hút và giữ chân khách hàng tiềm năng giàu có thì các TCTC có dịch vụ private banking phải chào mời, cung cấp cho các khách hàng tiềm năng này một số lợi ích và đặc quyền. Đó là: (i) hưởng lãi suất, phí và chi phí ưu đãi; (ii) các dịch vụ chăm sóc khách hàng cá nhân, bảo đảm cho họ luôn tiếp cận tức khắc với nhân viên phụ trách tài khoản của mình hoặc cấp trên để thực hiện mọi giao dịch, từ việc thanh toán séc đến việc chuyển một số tiền lớn từ tài khoản này đến tài khoản khác, hoặc được tư vấn từ các nhà chuyên môn về thuế, các vấn đề về luật pháp và tài chính; (iii) không bao giờ phải xếp hàng đợi để được phục vụ tại quầy; (iv) quyền tiếp cận những sản phẩm và dịch vụ đầu tư đặc biệt chỉ dành riêng cho khách hàng VIP như các quỹ phòng hộ riêng biệt hay các đợt phát hành cổ phiếu riêng.

Private banking trên thế giới

Singapore là một trong những trung tâm của ngành quản lý tài sản và private banking ở châu Á và thế giới, và được gọi là "Thụy Sĩ của châu Á" nhờ thanh thế là một quốc gia có hệ thống tài chính quy củ được điều tiết chặt chẽ, minh bạch bởi pháp luật và có tính an toàn cũng như bảo mật cao, trên nền tảng một nền kinh tế và chính trị ổn định. Các TCTC cung cấp dịch vụ private banking toàn diện, đáng ứng mọi yêu cầu của khách hàng VIP với chất lượng và chi phí cực kỳ cạnh tranh. Singapore còn có lợi thế rất đáng kể khác như không công nhận Chỉ dẫn Thuế châu Âu 2005 là quy định theo đó các nước thành viên có thể trao đổi thông tin cá nhân của người gửi tiền và đầu tư ở các nước đó. Và Singapore cũng không đánh thuế lên lãi vốn và lãi tiền gửi thu bên ngoài Singapore.

Khách hàng của dịch vụ private banking ở Singapore được quy định theo luật là những khách hàng có tài sản trị giá ít nhất là 1 triệu SGD (742.000 USD) hoặc tương đương bằng ngoại tệ khác. Trên thực tế, một số NHTM chính của Singapore quy định ngưỡng này ở mức cao hơn, chẳng hạn như ở DBS, Citibank và Standard Chartered là 1,5 triệu SGD, 2 triệu SGD ở UOB... Các tài sản này có thể bao gồm tiền gửi tại ngân hàng, các sản phẩm của thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu), bảo hiểm nhân thọ hay các sản phẩm đầu tư khác được luật quy định.

Ngoài những đặc quyền và lợi ích chung nêu trên, khách hàng VIP ở Singapore còn có thêm một số đặc quyền khác, tùy vào ngân hàng. Chẳng hạn, khách hàng của DBS được kết nối trong một mạng lưới chuyên biệt cho phép họ kết nối với các đối tác và các cơ hội trên toàn thế giới. Trong khi đó, khách VIP của UOB được sử dụng dịch vụ chăm sóc khách hàng về y tế và du lịch, được hoàn tiền trong chi tiêu cho khách sạn, du thuyền và các sản phẩm xa hoa khác. Ngân hàng khác như OCBC và HSBC thì cung cấp cho khách hàng các giải pháp quản lý tài sản may đo riêng theo nhu cầu.

Dịch vụ private banking và quản lý tài sản đã đóng góp một phần rất quan trọng trong thu nhập của hệ thống ngân hàng Singapore, chiếm đến 40% trong tổng thu nhập từ phí trong 9 tháng đầu năm 2019.

Đáng chú ý là dịch Covid 19 và bất ổn chính trị làm cho Hong Kong, một trung tâm tài chính khác của khu vực đang đánh mất dần sự hấp dẫn như là một điểm đến cho dòng vốn của giới giàu có trong khu vực và trên thế giới vào tay Singapore, được thể hiện qua việc khách hàng VIP của ngân hàng UBS đã chủ yếu yêu cầu ngân hàng này chuyển dòng tiền mới của họ sang Singapore thay vì tiếp tục đổ vào Hong Kong như trước.

Ở tầm thế giới, Thụy Sĩ được coi là đứng đầu thế giới về dịch vụ quản lý tài sản xuyên quốc gia cho giới giàu có trên toàn cầu, với tỷ trọng đạt được là 25% của tổng tài sản thế giới được quản lý trên toàn cầu năm 2019. 47% khách hàng cá nhân không cư trú chiếm 47,6% tổng số khách hàng cá nhân của các ngân hàng Thụy Sĩ.

Uy tín của Thụy Sĩ như một trung tâm quản lý tài sản đến từ những lợi thế truyền thống như sự bảo mật khách hàng, thuế thấp, và sự ổn định về kinh tế và chính trị.Tuy nhiên, hiện nay ngành private banking của Thụy Sĩ đang đối mặt với 3 thách thức chính: Tăng trưởng chậm, thu nhập giảm sút, và cơ sở chi phí khó thay đổi (khó cắt giảm chi phí).

Một vài con số cụ thể minh họa về tình hình hoạt động của ngành này ở Thụy Sĩ năm 2019: Dòng tiền mới được quản lý giảm 1% năm so với năm trước; biên độ thu nhập giảm còn 80 điểm cơ bản từ mức 97 (tuy vẫn cao hơn mức trung bình của châu Âu là 73); trong khi đó, biên độ chi phí trên thu nhập vẫn tương đối ổn định ở mức 58 điểm cơ bản.

Nguyên nhân của sự trì trệ này được cho là bởi sự cạnh tranh của các trung tâm quản lý tài sản trên thế giới, cũng như sự tụt hậu của giới quản lý tài sản nước này trong lĩnh vực số hóa. Chất lượng dịch vụ cũng là một tồn tại khi mà có đến 1/3 khách hàng không được các nhân viên tư vấn phụ trách liên lạc trong những tháng kinh doanh trồi sụt mạnh là tháng 3 và tháng 4...

(Còn nữa...)

Monday 2 November 2020

Ý tưởng thành lập "tổ hợp tín dụng" liệu có khả thi? (Bài đăng trên CafeF, 2/11/2020)

 https://cafef.vn/y-tuong-thanh-lap-to-hop-tin-dung-khong-kha-thi-20201102143115084.chn

Mới đây có đề xuất thành lập tổ hợp tín dụng với quy mô 3-3,5% tổng dư nợ cho vay hiện nay, tức khoảng 300.000 tỉ đồng, để cho các danh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có cơ hội tiếp cận tín dụng. Theo đó, tổ hợp cung cấp các khoản vay tín chấp (không cần tài sản đảm bảo) với lãi suất 3-5%/năm, năm đầu ân hạn nợ gốc và chỉ trả lãi. Khoản vay có kỳ hạn khoảng năm năm.

Để được vay vốn thì vốn chủ sở hữu doanh nghiệp phải còn thực dương. Doanh nghiệp SME có thể vay tối đa số tiền không vượt quá ba lần giá trị thực dương của vốn điều lệ, hay vốn chủ sở hữu hoặc tùy điều kiện khác do “tổ hợp tín dụng” quy định. Tuy nhiên, để tổ hợp này hoạt động được thì Chính phủ cần phải lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với quy mô khoảng 30.000 tỉ đồng, để bảo lãnh cho tổ hợp tín dụng quy mô 300.000 tỉ đồng.

Điểm thuận lợi của hình thức như đề xuất là Chính phủ không phải bỏ tiền ra trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, mà là tiền của các ngân hàng cho vay. Trong khi đó, thanh khoản hệ thống hiện nay đang rất tốt, đặc biệt là nguồn tiền gửi và tiết kiệm không kỳ hạn đang chiếm khoảng 20% trên tổng vốn huy động. Các ngân hàng thương mại có thể lấy nguồn đó tham gia vào tổ hợp tín dụng, từ đó có cho thể cho vay với lãi suất thấp từ 3-5%/năm.

Đề xuất trên không khả thi vì những lý do như nêu dưới đây.

Thứ nhất, có một số điều kiện làm cho NHTM (tích cực) cho vay SME với lãi suất thấp và, quan trọng hơn, không có tài sản bảo đảm. Đó là: (i) NHTM bị bắt buộc phải cho vay SME; (ii) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và/hoặc Chính phủ (và các tổ chức được ủy quyền) cấp vốn/cho vay ưu đãi/bù lãi suất cho NHTM với lãi suất thấp để đảm bảo NHTM cho vay lại SME với lãi suất nào cũng vẫn có lãi; (iii) đồng thời NHNN/Chính phủ vẫn phải bảo lãnh toàn bộ các khoản cho vay SME. Nếu không có bảo lãnh thì dù cho vay SME có lãi đến mấy nhưng khả năng không thu hồi được nợ là cao nên cũng không mấy NHTM dám cho SME vay.

So sánh với cơ chế hoạt động theo đề xuất của tổ hợp tín dụng nói trên thì trước tiên có thể thấy điều kiện (i) nêu ở đoạn trên đã bị vi phạm. Thậm chí ngược lại, NHNN luôn khẳng định không hạ tiêu chuẩn và điều kiện cho vay để tránh nợ xấu.

Điều kiện thứ hai – cấp vốn giá rẻ cho NHTM để cho vay lại SME – cũng bị vi phạm bởi theo cơ chế đề xuất của tổ hợp tín dụng thì Chính phủ chỉ bảo lãnh chứ không cấp vốn giá rẻ cho NHTM để cho vay lại SME.

Sẽ có người lập luận rằng, theo diễn giải trong đề xuất trên thì NHTM đang có nguồn vốn “giá rẻ” ở ngân hàng (tiền gửi/tiền tiết kiệm không kỳ hạn) chiếm đến 20% trong tổng vốn huy động của NHTM nên đây chính là nguồn vốn để NHTM dùng để cho vay SME với lãi suất thấp.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là nguồn vốn riêng, và là lợi thế của từng NHTM, có được là nhờ nỗ lực của từng ngân hàng chứ không phải tự nhiên trên trời rơi xuống (hoặc của Chính phủ/NHNN cấp phát). Nếu NHTM vẫn có khách hàng vay vốn với các điều kiện thương mại bình thường, có tài sản thế chấp, và lãi suất cao hơn cho vay SME thì NHTM, về nguyên tắc, sẽ không cho vay SME cho đến khi nào không còn khách hàng vay thương mại nào khác “tốt” (có chất lượng) hơn SME (thể hiện ở lãi suất cho vay, tài sản đảm bảo, khả năng thu hồi nợ v.v...). Nói cách khác, nguồn vốn rẻ có được từ nguồn tiền gửi/tiết kiệm không kỳ hạn hoàn toàn không đảm bảo được rằng NHTM sẽ tích cực cho SME vay.

Với điều kiện thứ ba – có bảo lãnh của Chính phủ – đây là điều kiện duy nhất mà cơ chế của tổ hợp tín dụng theo đề xuất có thể thỏa mãn nhưng...

Thứ hai, vì cho vay SME không có tài sản đảm bảo nên có nhiều khoản vay dễ dàng biến thành nợ xấu không thể thu hồi. Tuy theo đề xuất thì Chính phủ chỉ bảo lãnh chứ không đứng ra cho vay, và nguồn tiền cho vay là của NHTM chứ không phải từ ngân sách, nhưng một khi khoản cho vay SME biến thành nợ xấu thì gánh nặng bồi thường của Chính phủ sẽ tăng lên tương ứng.

Vậy, với quy mô cho vay tới 300.000 tỷ đồng trong bối cảnh nhiều khoản vay có thể biến thành nợ xấu thì quỹ bảo lãnh 30.000 tỷ đồng của Chính phủ, tương đương 10% quy mô cho vay, là quá nhỏ. Nói cách khác, người thiết kế gói cho vay, quỹ bảo lãnh không được phép “tính non”, lạc quan quá đà, mà cần phải đủ thận trọng để, ví dụ, tăng quy mô quỹ bảo lãnh lên tương đương 100% quy mô cho vay, như cách mà nhiều NHTM đang trích lập dự phòng. Nhưng...

Thứ ba, giả sử chỉ một nửa trong quỹ bảo lãnh 300.000 tỷ đồng của  Chính phủ bốc hơi thì nó cũng đã tương đương với việc ngân sách Chính phủ mất đi 150.000 tỷ đồng/6 tỷ USD, tương đương 2-3% GDP của Việt Nam để bồi thường cho NHTM. Vậy nguồn tiền quy mô lớn này lấy ở đâu ra và sẽ được bù đắp lại bằng cách nào? Sẽ có bao nhiều khoản chi công khác bị ảnh hưởng, bị cắt giảm bởi khoản mất mát này và tác động thế nào đến nền kinh tế nói chung? Xin đừng lạc quan nói rằng nợ xấu cho vay SME không có tài sản bảo đảm nếu có thì sẽ... không đáng kể! Không cần phải nói lại rằng chính vì rủi ro này mà cho vay SME luôn là một vấn đề thời sự ở mọi nơi trên thế giới.

Thứ tư, trong khi đồng ý rằng việc Chính phủ thu xếp được nguồn bảo lãnh 300.000 tỷ đồng này là khó khăn nhưng có thể vẫn có người “phát hiện” ra một nguồn vốn giá cực rẻ, cực sẵn mà không tốn một đồng chi phí nào – đó là nguồn “in tiền” từ NHNN! Trong quá khứ cũng đã từng có nhiều đề xuất tương tự, và thậm chí đã được thực hiện, chẳng hạn như việc cho vay bù lãi suất trước đây.

Nhưng cũng chính hậu quả nặng nề và tai hại của việc cho vay bù lãi suất này đã làm cho Chính phủ và bản thân NHNN đã rất ý thức được cái giá phải trả cho chủ trương sai lầm biến tiền của NHNN thành ngân sách cho Chính phủ. Nên tóm lại là nguồn vốn cho quỹ bảo lãnh 300.000 tỷ đồng này vẫn... chưa biết lấy từ đâu. Điều này cũng có nghĩa là đề xuất tổ hợp tín dụng này sẽ có thêm một yếu tố nữa để... chết yểu.

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).