Sunday 29 September 2013

Lời kêu gọi nhân vụ đồng chí Huyền Chíp

Từ entry trước, theo dõi các phản hồi cũng như số lượng pageviews tớ thấy vấn đề liên quan đến đồng chí Huyền Chíp đã nóng quá mức cần thiết và quá mức độ có thể chấp nhận được nên tớ muốn qua đây kêu gọi mọi người hãy tạm quên vụ việc đi để đỡ bức xúc (cả 2 phía), và để mọi thứ quay trở lại bình thường như vốn cần phải thế. Cuộc sống hiện tại có nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết và bức xúc hơn. Hãy dành năng lượng cho những vấn đề đó, hơn là tung hô lên mây hoặc đạp xuống bùn đen một cá nhân mà xét ra thì cũng không đáng được/đáng bị phải thế.

Tớ mong các đồng chí hiểu và ủng hộ tớ.
Cám ơn mọi người.
Ngọc

Friday 27 September 2013

Ngứa mồm một tí về đồng chí Trần Ngọc Thịnh nhân vụ đồng chí Huyền Chíp

Có lẽ tại tớ là đàn ông nên tớ nhìn cái mặt đồng chí chàng này ở đây mà thấy ghét (về mặt tướng học) và ngứa mắt nên quyết định phang vài nhát, mặc dù biết rằng việc phang này của tớ cũng rách việc và đểu như việc đồng chí chàng này phang đồng chí Huyền Chíp, cũng đều chẳng có gì hay ho cả. (À quên, cũng là thực hiện lời xui của đồng chí em hôm trước bảo tớ viết về đề tài xã hội nữa).

1. Anh chàng Thịnh nói: "Tôi đã trả lời nghi vấn này trên Facebook Page của mình. Tôi xin nói lại là tôi mới biết bạn Huyền Chip từ sau buổi họp báo hôm 19/9/2013 ở Hà Nội nên không có gì là ân oán quá khứ để mà trả thù. Tôi và nhiều độc giả đã rất bao dung khi cho em cơ hội giải thích và trình bày tại 2 buổi họp báo, nhưng bạn Huyền Chip đã thể hiện một thái độ hết sức vô lễ, thiếu văn hóa và quan trọng hơn cả là thách thức dư luận. Việc bạn ấy cố tình thách thức dư luận là điều khiến tôi cảm thấy bất bình nhất. Tôi muốn làm việc này để cho Huyền hiểu được mà trưởng thành hơn."
Tớ bình luận: Tranh luận mà phải mượn đến tay chính quyền để can thiệp để giết người ta thì thật là khốn. Dù người ta có vô lễ (với ai? anh là bố người ta chắc?), thiếu văn hóa, thách thức dư luận, nếu không tiêu hóa được thì hãy chửi lại, mà nếu không đủ gan, đủ khốn như người ta để chửi lại thì rút lui đi, hay làm như AQ là chửi thầm trong bụng thôi. Anh là cái thá gì mà bao với chẳng dung? Anh là cái thá gì mà có nghĩa vụ và trách nhiệm làm người ta trưởng thành hơn? Thằng khốn vô lễ!

2. Anh chàng Thịnh nói: "Tôi nghĩ có 2 cụm từ khi nói về Huyền Chip làm những người hâm mộ bạn ấy bị mê muội.

Cụm từ thứ nhất là "truyền cảm hứng". Mọi người cứ thấy truyền cảm hứng là cổ vũ, nhưng sao không hỏi là truyền cảm hứng cái gì? Tôi không phản đối việc đi du lịch khám phá, nhưng hãy nhìn lại đất nước mình. Đất nước còn nghèo, mà chỉ lo hưởng thụ, với đi du lịch, các bạn trẻ không lo học hành, chi lo ăn chơi thì làm sao đất nước khá lên. ​​Nhìn sang các nước giàu có, họ học tập và làm việc chăm chỉ để rồi lúc đó mới đi du lịch, hưởng thụ khám phá thế giới. Đất nước họ giàu có, Tây ba lô với khoản trợ cấp thất nghiệp còn thừa tiền để sống thoải mái ở Việt Nam, còn chúng ta thì sao, chưa lo làm giàu đã lo hưởng thụ. Tôi thấy Huyền Chip đi du lịch khi không có tiền, phải sang đó làm việc chui lủi, rồi phạm pháp chỉ để thỏa mãn cái sự tò mò, thích trải nghiệm của tuổi trẻ thì việc "truyền cảm hứng" đó cần phải soi xét lại.

Cụm từ thứ hai là "dám nghĩ, dám làm". Giống như cụm từ trên mọi người cứ thấy ai "dám nghĩ, dám làm" là thần tượng. Không thấy ai trong số đó tự hỏi dám nghĩ cái gì? dám làm cái gì?  Huyền Chip thừa nhận vượt biên trái phép, rồi cư trú bất hợp pháp ở Malawi, rồi làm việc với visa du lịch không có working permit như thế, toàn là việc phạm pháp nghiêm trọng như thế. Từ khi nào một thanh niên phạm pháp trở thành hình mẫu thanh niên vì dám nghĩ dám làm? Dám nghĩ, dám làm thì nó cũng phải là nghĩ cái gì và làm cái gì chứ? Nếu Huyền Chip dám nghĩ chuyện có ích, dám làm việc có ích cho xã hội thì đáng khen. Đây là dám nghĩ tới việc trốn vé, làm giả giấy tờ, vượt biên để tiết kiệm tiền, để trải nghiệm và dám làm nó bất chấp hậu quả nghiêm trọng thế nào thì có gì để độc giả ngưỡng mộ. "


Tớ bình luận: Đất nước nghèo thì không được đi du lịch à? Những thằng bỏ học ngang đều là bọn vất đi hết à? Đã làm khảo sát để biết trong bọn Tây ba lô, có bao thằng học tập và làm việc chăm chỉ rồi mới đi du lịch chưa mà nói chắc vậy? Hưởng thụ hay du lịch là quyết định và sở thích riêng của mỗi người, nói thế ngang với khuyến nghị Tổng cục Du lịch và các công ty lữ hành du lịch là phải xem xét, lọc ra ngay từ đầu bọn nào không thích học hành mà chỉ thích rong chơi, du lịch bằng tiền túi, để cấm chúng nó đi chơi với lý do là để tiền và công sức ở lại mà làm giàu cho đất nước đã rồi mới được đi à? "Truyền cảm hứng" đi du lịch, mạo hiểm, khám phá chứ không phải là truyền cảm hứng phạm pháp, chui lủi. Tớ thấy cháu gì đó, hình như là Ngân Thỏ nói đúng đấy, đại loại em trong sáng nhưng những cái đầu nhìn em không trong sáng nên mới thấy nó dung tục, hở hang.

Tương tự như "truyền cảm hứng", cụm từ "dám nghĩ dám làm" hình như đều là của anh chàng này nhét vào mồm nạn nhân Huyền Chíp, chứ có lẽ bản thân đồng chí Huyền Chíp không gọi hành động của mình là dám nghĩ dám làm, để rồi đồng chí Thịnh này có cái lý do mà suy diễn, quy chụp như bọn bần nông quy chụp địa chủ. Cả 2 cái đoạn trên, anh chàng Thịnh đều dùng kiểu diễn đạt đao to búa lớn, mượn cái nọ cái kia để tăng trọng lượng cho lời kết tội bọn địa chủ của mình. Thật khốn!

3. Anh chàng Thịnh nói: "Không, nếu tác giả ghi ngay từ đầu đây là cuốn tiểu thuyết hay có yếu tố hư cấu thì không ai đòi hỏi phải thật. Nhưng tác giả mô tả nó là nhật ký hành trình thì tính chân thực phải đặt lên hàng đầu. Trong sách có nhiều tình tiết rất phi lý. Ví dụ, Huyền Chip bị xe máy chạy 100km/h (làm sao bạn ấy chắc tốc độ xe máy chạy thế) đâm vào gãy ống đồng mà 3 tuần sau có thể chạy nhảy, leo núi thì sự thật là 0% chứ không được nổi 1%. Hoặc là không có trình độ, mới tốt nghiệp cấp 3, sử dụng visa du lịch ngắn ngày, không có kinh nghiệm làm việc, không biết tiếng bản địa mà có thể xin được việc 150USD/tuần ở một nước châu Phi nghèo hơn Việt Nam rất nhiều, với tỷ lệ thất nghiệp đang lên tới 50% thì khó mà tin được. ​"

Tớ bình luận: Anh chàng Thịnh này moi đâu ra cái luật rằng nhật ký hành trình (nhất là của một kẻ vô danh tiểu tốt) phải đặt tính chân thực lên hàng đầu vậy, không được có một chi tiết nào hư cấu hoặc không chính xác (vì lý do khách quan chẳng hạn; ví dụ như vì ảo ảnh trên sa mạc nên Huyền Chíp nhầm tưởng xe máy chạy đâu đó khoảng 90km/h thành 100km/h)?

Nước nghèo, thất nghiệp lớn chẳng nhẽ có nghĩa là hoàn toàn không có cơ hội việc làm cho người nước ngoài ư? Thế anh chàng Thịn có thử tưởng tượng rằng biết đâu cái song bạc ở Châu Phi ấy lại khoái em Huyền vì là da vàng mũi tẹt, nhất là người VN là cái giống người lạ ít thấy ở nơi đó nên quyết định tuyển vào làm khỉ mua vui cho khách thì sao? Sao trí tưởng tượng lại nghèo nàn để rồi nghĩ rằng không thể có chuyện như vậy được nên mới quy chụp người ta thế?

4. Anh chàng Thịnh nói: "Tôi không chèn ép ai cả, cái tôi làm là để tìm sự thật không chỉ riêng tôi mà rất nhiều độc giả mong đợi. Nếu Huyền Chip không ngoan cố, không thách thức thì sẽ chẳng có việc này. Đây là việc vạn bất đắc dĩ. Và cũng xin nói lại cho rõ, đây là một kiến nghị để mời cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vì tranh luận không thể kết thúc khi Huyền Chip liên tục từ chối. Đây không phải là kiện tụng mà có thể coi là chèn ép. Còn về mạng xã hội, tôi muốn dùng mạng xã hội để có thể truyền đạt thông điệp của mình với mọi người. Quyền lựa chọn là của các bạn, tôi chỉ cảnh báo và đưa ra các lựa chọn mà thôi.​​"

Tớ bình luận: Như tớ nói ở đoạn đầu, cãi/đánh nhau không được nên mượn tay kẻ khác giết đối thủ là tư cách của những thằng hèn/khốn hoặc là của bọn du thủ du thực. Lại còn mượn tay của mạng xã hội để đánh hội đồng, giết một cá nhân (vô danh tiểu tốt, hoặc luôn muốn em ấy vô danh tiểu tốt như vậy) nữa. Khốn không để đâu cho hết.

5. Anh chàng Thịnh nói: "Đây là những lỗi ngụy biện hết sức phổ biến mà những ai ​​bênh vực huyền Chip thường xuyên vào Facebook Page của tôi để tham gia tranh luận. Thứ nhất, nếu coi Huyền Chip là một đầu bếp, thì cuốn sách của cô ta là một món ăn. Độc giả là thực khách sẽ là người nói xem món ăn đó ngon hay dở. Do vậy, để nhận xét một món ăn, chả lẽ thực khách phải trở thành đầu bếp?

Như đã nói ở trên, tôi chỉ bắt đầu biết và quan tâm tới Huyền Chip từ vụ họp báo, trước cái status không chủ ngữ và đầy tính hăm dọa, tôi đã đi dự họp báo xem tác giả công bố sự thật như thế nào. Và từ đó tôi mới theo dõi vụ này đến giờ, trước đó tôi không quan tâm tới Huyền Chip và sách của bạn ấy. Còn việc cho rằng đi tìm sự thật, đi tìm chân lý, đưa ra những bằng chứng cụ thể, xác thực là hẹp hòi, là ích kỷ thì đó là một sự ngụy biện theo kiểu công kích cá nhân nhằm bao che cho sự đuối lý."


Tớ bình luận: Tại sao anh chàng Thịnh này không để độc giả/thực khách tự thưởng thức món ăn của đầu bếp Huyền mà cứ phải chõ mồm vào la lên rằng đấy là món dở lắm, đừng có ăn?

Nói thật là tớ thấy cái việc anh chàng này, cũng như nhiều người khác, đi dự họp báo công bố sự thật đã là rách việc lắm rồi. Nhưng thôi, đó là quyền của anh chàng. Tớ không thể dùng sức mạnh của cộng đồng mạng (đánh hội đồng) hay chính quyền để buộc tội anh chàng này là không lo làm ăn xây dựng đất nước cho giàu mạnh đã rồi hãy nghĩ đến, hãy rách việc đi chọc mũi vào việc của người khác.

Chuyện tranh luận đuối lý hay không, thì đúng là có thể có xảy ra. Nhưng không mấy ai thừa nhận là mình đuối lý (kể cả tranh luận tranh cử tổng thong, khi một bên đuối lý, nhưng không ai nói tôi sai rồi, anh đúng rồi, mà vẫn phải nói một cái gì đó vớt vát, và khán giả sẽ là người bỏ phiếu) nên giả dụ đồng chí Huyền có thấy mình sai, đuối lý nhưng không thừa nhận (nhất là không có một quan tòa phân xử ai đúng ai sai) thì cũng không thể nói thế là không thể chấp nhận được, và phải tìm cách triệt cho bằng chết vì can tội biết là ngu còn tỏ ra nguy hiểm (câu đi mượn)!

6. Anh chàng Thịnh nói: "Nhà báo Minh Trí bên báo Công an Nhân dân là nhà báo đầu tiên đặt ra nghi vấn về cuốn sách này. Tôi hy vọng tôi là người cuối cùng phải làm việc đó. Tôi tin là với những bằng chứng và lý lẽ đã trình bày trong thư kiến nghị, Cục xuất bản sẽ đứng về phía tôi và đông đảo độc giả chờ mong sự thật. "

Tớ bình luận: Sao lại có cái kiểu lôi người khác vào dọa khỉ, chia lửa với mình vậy nhỉ? Lại khốn nữa rồi!

Tóm lại, tớ phải thừa nhận thêm rằng tờ rất rách việc và khốn nạn khi chõ mồm vào chuyện của 2 anh chị này, nhưng phải thành thật mà nói rằng tớ thấy anh chàng Thịnh này khốn quá nên ngứa không chịu nổi. Nói thêm rằng, tớ đọc xong mà chẳng biết anh chàng này là ai, mãi cho đến khi đọc mấy cái comment bên dưới thì mới biết anh chàng này cũng từng được học bổng du học Mỹ. Thôi, tớ không bình luận thêm về chi tiết này nữa kẻo mọi người bảo tớ ghen ăn tức ở.








Thursday 26 September 2013

Tập làm văn (tập 2)


Quên không nói thêm rằng tuy hắn học hành láng tráng thế nhưng hắn vẫn thỉnh thoảng thông minh đột xuất, thi cử đạt điểm kha khá, đủ cao để lĩnh học bổng, thậm chí là học bổng toàn phần, mấy chục nghìn một tháng. Thời đó, sinh viên ít khi đi làm, phần vì ít việc, phần vì không quen thế. Mà hình như mấy năm đầu sinh viên như hắn còn được nhà nước nuôi bằng chế độ tem phiếu, gạo sổ thì phải (ơn đảng, ơn chính phủ!). Bởi thế, hắn chỉ trông vào số học bổng này giải quyết đủ thứ chi tiêu cần thiết, như tình phí, học phí, lộ phí v.v… Ăn thì đã có cơm nhà rồi, coi như đỡ một gánh nặng lớn chuyện cơm áo. (Bọn học nội trú thì thật sự là thảm họa, đói kinh niên, dặt dẹo suốt ngày, mang cả chăn lên lớp học chùm vào người cho ấm để ngồi học trong tiết trời đông gió bấc thổi thông thống qua mấy cái cửa sổ cánh cái còn cái mất, long lay, mục nát).

Vì có học bổng, vì bố mẹ hắn không phải đại gia nên hắn chủ trương không xin tiền nhà mà tìm cách xoay trong số tiền hợp pháp hắn có, nếu không xoay được thì tìm cách khác. Cách nhanh nhất và ngắn nhất là cắt giảm tối đa chuyện phải trả tiền. Ví dụ, hắn đã lê la hầu hết các trung tâm ngoại ngữ Hà Nội, học tiếng Anh và Pháp từ bằng A lên đến C mà hầu như chưa một lần phải trả học phí. Sẽ có người hỏi bằng cách nào. Chịu, hỏi hắn hắn chỉ cười hề hề mà nhất định không nói, bảo ngượng lắm.

Đến cái khoản học nhảy (hay khiêu vũ), hắn chọn học lớp mở trên Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (đau cả lưỡi), do mấy anh đi học, lao động xuất khẩu bên Tiệp về mở lớp cải thiện cuộc sống. Tiền học thì đành phải nộp đầy đủ, không trốn được. Được cái là lớp học cũng có chất lượng nên hắn học độ một khóa là có thể nhảy hết các điệu như van sờ (thầy nói là van Anh), chachacha, bi bốp, rumba, samba, lambada, van Viên… cũng như ai.

Đúng như hắn tư duy, học nhảy, biết nhảy thì chim gái dễ ợt. Vừa vào lớp học nhảy sơ cấp, hắn đã cua được một em cũng con nhà lành, thành phần xuất thân tạm ổn (nghĩa là bố mẹ là cán bộ công nhân viên chức trong biên chế nhà nước, có tem phiếu và sổ gạo), nghề nghiệp trên cả lương thiện (nuôi dạy trẻ), khai mục đích học nhảy là để giao lưu mà thực ra hắn hiểu là đi bướm trai (cho đối xứng với chim gái) là chính.

Thế là ngoài những buổi học nhảy là buổi giao lưu (lành mạnh nhé, hehe) với bạn gái. Một trong những chốn giao lưu của bọn hắn là các sàn nhảy ở Quang Trung, ở Hồ Xuân Hương. Có lần, dặm trong túi hết cả số tiền còn lại của tháng học bổng, hắn lại rủ bạn gái hiên ngang vào nhảy và gọi nước uống ở cái sàn Hồ Xuân Hương là sàn mới đi lần đầu. Cô phục vụ mang nước ra, rồi nói giá tiền, hắn chột dạ. Móc túi trái, lộn túi phải ra được mớ tiền lẻ mà liếc qua là biết ngay không đủ, hắn đang cực kỳ bối rối thì cô bạn gái nhanh ý và rất tử tế thò tay dưới gầm bàn nhét cho hắn một mớ tiền lẻ nữa. Cô phục vụ đành phải đếm, nhưng chắc cũng hiểu, không muốn làm hắn ngượng thêm nên chỉ đếm lấy lệ rồi biến, để hắn thở phào một nhát, quay sang cười ngượng nghịu với em.

Thế rồi mối tình này (hình như là tình hai, hay tình đầu gì đó, không biết có phải là mối tình mà hắn phải tỏ tình gấp gáp để thắng cuộc thằng bạn thân rằng đứa nào có bồ vào trước ngày này, tháng này thì sẽ được thằng kia mất cho một cái gì đó) không kéo dài được lâu vì những lý do vớ vẩn, và vì hắn tự ái, nghiến răng thề không thèm làm lành khi trên đường lao ra từ nhà cô nàng sau trận giận dỗi, trong nỗi bực tức hắn đâm phải hòn đá bên đường, ngã xoài và làm méo cái vành xe cuốc thân thương của hắn.

Hắn lại trở lại thời xưa, lang thang vật vờ với mấy thằng bạn lúc quán nước, lúc học ngoại ngữ, lúc bát tiết, lượn lờ nơi trường này lớp kia để giao lưu. Rồi một hôm có thằng bạn thân cùng lớp nhà ở Lãn Ông nhưng khá tẩm, bày tỏ ý muốn nhờ hắn dìu dắt cho nên người bằng cách dẫn đi học nhảy (chắc nhìn thấy hiệu quả qua hắn). Hắn Ok ngay, bố trí một tối dẫn bạn lên Cung Việt Xô (gọi thế cho nó ngắn gọn) vào lớp học trước đây hắn đã học.

Hắn vẫn nhớ hôm đó, mục đích là dẫn thằng bạn tẩm kia đi để thằng đó học nhảy chứ không phải hắn nên hắn đi dép lê, ăn mặc luộm thuộm, ngồi lặng lẽ một góc, kiên nhẫn đợi thằng bạn nhảy nhót loi choi xong thì về. Đang ngồi lớ xớ thì có một giọng tiếng Anh cất lên với bàn tay mời nhảy chìa ra trước mặt. Hắn ngước lên nhìn. Là một khuôn mặt nữ với mái tóc vàng, mắt xanh, mũi Đức Mẹ! Chúa lòng lành ơi!

(Còn nữa, mời các đồng chí đón đọc).

Việt Nam có thể thấy gì qua QE? (Bài đăng trên TBKTSG 26/9/2013, bản gốc)

(Bài này có một số đoạn giống bài gốc đăng trên TBKTSG số trước; nhưng bài trước chắc bị cắt gọt nhiều nên tớ viết lại ở bài này cho đủ ý. Nhưng cũng không biết là có bị cắt gọt tiếp không).
------------------------------------------------------------------------------------

Ngày 18/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tiếp tục chương trình nới lỏng định lượng (QE) – chương trình mua trái phiếu Chính phủ Mỹ - của mình thêm một thời gian nữa. Việc FED ngừng hay tiếp tục QE đã gây sóng gió cho cả thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế mới nổi. Mấy tháng liền cho đến trước ngày 18/9 khi FED chính thức công bố tiếp tục hay chấm dứt QE, ý kiến chung trên thị trường tài chính quốc tế là FED sẽ chấm dứt (hoặc giảm bớt quy mô) QE trong tháng 9 này. Nhận định này đã làm cho các dòng vốn đảo ngược, chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi, trở về các nước phát triển nơi mà lãi suất đã tăng, làm sụt giảm giá của các tài sản có tính rủi ro các nước có thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai lớn như Ấn Độ, Indonesia, và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời làm suy yếu đồng tiền của họ.

Tuyên bố tiếp tục QE của FED đã có tác dụng giữ chân và/hoặc thu hút thêm các dòng vốn đổ vào các nước đang phát triển này, dẫn đến sự hồi phục của giá chứng khoán và các loại tài sản khác, cũng như tỷ giá bản tệ. Ví dụ, với Ấn Độ, tỷ giá đồng rupee/USD đã suy yếu từ mức 53,8 vào ngày 1/5 xuống mức thấp kỷ lục 68,5 ngày 28/8, tức sụt tới 27% trong vòng 3 tháng, trước khi tăng mạnh trở lại, lên mức 62,2  vào ngày 19/9, một ngày sau khi FED ra quyết định giữ nguyên QE.

Vì FED không nói rõ khi nào sẽ chấm dứt QE, cũng như không rõ chỉ tiêu cụ thể để FED ra quyết định liên quan đến QE, nên dòng vốn đang đổ vào các nước đang phát triển và hậu thuẫn cho tỷ giá ở những nước này hầu như chỉ mang tính ngắn hạn, phản ánh rõ nét tính bất trắc của QE. Trên ý nghĩa này, điều quan trọng cho các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước phải dựa vào vốn nước ngoài để trang trải thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và kinh niên của mình, là phải có những biện pháp chính sách để tránh hay giảm thiểu tác động của việc tháo chạy của vốn nước ngoài khi FED tuyên bố dừng QE.

So với Ấn Độ, Việt Nam có một số tương đồng như tăng trưởng GDP đã tụt giảm mạnh trong mấy năm gần đây, trong khi thâm hụt vãng lai là vấn đề kinh niên và ở mức lớn trong suốt nhiều năm. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Việt Nam ở mức trung bình là 3,5% GDP trong suốt khoảng thời gian từ 1980 cho đến 2012 (so với 1,4% của Ấn Độ trong cùng thời kỳ), và mới chỉ chuyển sang thặng dư bắt đầu từ năm 2011 (0,2% GDP) và vọt lên mức 7,4% GDP năm 2012. Việt Nam cũng có thâm hụt ngân sách kinh niên và đứng ở mức lớn (trung bình đứng ở mức 3,6% GDP từ 1980 đến 2012; so với mức khoảng 3% GDP của Ấn Độ).

Bởi vậy, có thể nói chắc chắn rằng Việt Nam cũng thuộc một trong những nước có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực do các nguồn vốn nước ngoài đảo chiều từ việc chấm dứt QE, tuy mức độ ảnh hưởng có thể nhỏ hơn hoặc đến chậm hơn do mức độ kém phát triển hơn của thị trường tài chính và sự có mặt của các biện pháp kiểm soát lưu chuyển vốn.

Ngoài tác động trực tiếp của việc đảo chiều các luồng vốn vào Việt Nam, việc chấm dứt QE sẽ lại một lần nữa châm ngòi cho sự bất trắc và chao đảo trên các thị trường tài chính quốc tế, có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và đà hồi phục kinh tế toàn cầu, và tức là của Việt Nam. Mức lãi suất chung sẽ tăng lên làm giảm các nguồn vốn vào Việt Nam, kể cả vốn FDI, hoặc làm cho chúng trở nên đắt đỏ hơn. Khi đó, những yếu kém mang tính cơ cấu của Việt Nam như thâm hụt vãng lai và thâm hụt ngân sách lớn nếu vẫn không được cải thiện thì chắc chắn sẽ càng làm khuyếch đại ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài lên tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Trong bối cảnh dễ bị tổn thương bởi khi QE xảy ra thực sự (chỉ còn là chuyện sớm hay muộn), Việt Nam cần phải (tiếp tục) thực thi nhiều biện pháp chính sách để đảm bảo các cân đối vĩ mô của mình, trong đó có cán cân tài khoản vãng lai và cán cân thu chi của ngân sách.

Với tài khoản vãng lai, điều may mắn là Việt Nam đã bắt đầu đạt được thặng dư tài khoản vãng lai từ năm 2011, tạo ra cảm giác khá an tâm về tài khoản vãng lai của Việt Nam. Tuy nhiên, với tình trạng nhập siêu đang rình rập quay lại sau một thời gian ngắn đạt xuất siêu trong mấy quý vừa qua, khả năng quay trở lại trạng thái thâm hụt kinh niên của tài khoản vãng lai trong thời gian tới là điều khó có thể phủ nhận. Duy trì tỷ giá linh hoạt, thay vì ổn định trong biên độ hẹp như hiện tại, là một trong những điều cần làm để cải thiện cán cân thương mại.

Về thâm hụt ngân sách và nợ nước ngoài, đáng tiếc là, mặc dù với thâm hụt ngân sách lên tới 6,9% GDP năm 2012 (số liệu của ADB), vẫn có một số tiếng nói kiến nghị tiếp tục nới lỏng mức thâm hụt ngân sách để tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. Đương nhiên, đi đôi với việc này sẽ là sự gia tăng của, và phụ thuộc vào, nợ nước ngoài của Việt Nam. Việc kiến nghị nới lỏng này trong hoàn cảnh bình thường thì có thể hiểu và chấp nhận được. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bất trắc và rủi ro đang tăng lên của môi trường kinh tế toàn cầu có phần liên quan đến QE trong thời gian tới như đã nói ở trên, việc tiếp tục gia tăng thâm hụt ngân sách và nợ nước ngoài là điều bất cập. Thay vì tập trung vào kích thích tăng trưởng bất chấp những rủi ro đang rình rập, điều cần thiết là duy trì một môi trường vĩ mô ổn định để sẵn sàng đối phó những cơn sốc bên ngoài sẽ đến nay mai.

Tuesday 24 September 2013

Tập làm văn (tập 1 của n tập)


Hôm trước có đồng chí em xui tớ viết về đề tài xã hội nữa (chắc thấy tớ càng ngày càng kém về kinh tế). Thì cũng liều một phen xem sao vậy. Phát huy tối đa trí tưởng tượng, tớ quyết định viết về một nhân vật X (không phải đồng chí X mà ai cũng biết đâu nhé) mà tớ gọi là hắn cho nó có vẻ văn vẻ tí chút. Truyện có thể có nhiều phần, tùy thuộc vào trí tưởng tượng và độ hứng của tớ, cũng như độ hứng của các đồng chí bạn đọc.

Đầu năm 1991. Hắn đang học năm cuối ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Nói là học, nhưng hắn đã đánh mất thói quen học, mà chỉ còn thói quen đi đến trường (và không học) có lẽ từ năm thứ 2 hay chậm nhất là năm thứ 3 rồi. Hàng ngày, cứ tầm độ 10 giờ sáng gì đó,từ nhà hắn lóc cóc đạp cái xe cuốc mầu mắm tôm cao lều nghều mà bố hắn đi xuất khẩu lao động ở Tiệp gửi về cho hắn đi vào trường, dựng ngay trước cửa giảng đường (ở tầng 1), trong tầm nhìn của hắn từ mấy dẫy bàn trong giảng đường, khóa lại cẩn thận. (Ông bố hắn là người cục tính nhưng rất thương và chiều hắn một cách ngấm ngầm. Để mua được cái xe cuốc này, chắc theo ông là rất hợp với cái dàng cao lều nghều của hắn, hẳn ông phải tiết kiệm tiền lương mấy tháng lao động khổ sai bên Tiệp). Hắn phải khóa xe và dựng ở chỗ mà hắn có thể nhòm ra bất cứ lúc nào vì hắn đã từng bị cắt khóa một con xe đạp ghẻ trước đó, ở một góc khuất của khu giảng đường, báo hại hắn phải đi bộ từ nhà đến trường (may mà không quá xa). Hắn càng có lý do để ghé mắt trông xe khi đang học vì hắn không muốn mất tiền gửi vào bãi trông xe, khi mà phòng học nhìn ngay ra sân, chỗ hắn để xe đạp.

Hình như hắn chẳng mang cái gì đi học thì phải, bút không, mà giấy cũng chẳng có. Hắn không nhớ tại sao lại vào cái giờ đó, cũng có thể là cái giờ mà giáo viên đứng lớp hay điểm danh. Hắn “đi học” chủ yếu vì đến gặp và đưa cô bạn thân học cùng lớp về nhà khi hết giờ. Cô bạn này, tạm đặt tên là Loan, hắn rất thân, đôi lúc hắn cũng tưởng là có tí cái gọi là tình yêu, nhưng ngẫm ra thì chắc không phải. Cô bạn thì đương nhiên cũng rất thân với hắn, còn hắn thì chịu không thể biết là cô nàng có yêu hắn tí nào không (vì hắn chẳng bao giờ hỏi). Hắn thân với Loan trước tiên vì khi làm thủ tục nhập học, hắn mới nhận ra là cô bé này cũng ngồi cùng phòng thi đại học với hắn, và Loan là một trong hai cô gái người Hà Nội duy nhất trong cái lớp có đến hơn 40 mạng của hắn.

Hắn cũng chẳng nhớ là làm cách nào mà hắn qua được mấy năm học cuối khóa khi mà động lực học hắn đã đánh mất ngay sau năm thứ nhất. Những buổi sáng và chiều kinh hoàng nhất với riêng hắn và với cả đám sinh viên là những buổi học 4 đến 6 tiết học toàn Kinh tế chính trị Mác Lê Nin, hoặc khốn nạn không kém là Lịch sử đảng, hay Triết học Mác Lê Nin, hoặc những cái đại loại như vậy. Thực ra, những môn học gắn với mấy cái chữ đến đau bụng này không phải hoàn toàn, không luôn tồi tệ. Ít nhất là với hắn, kỳ học đầu tiên của năm thứ nhất, môn học Kinh tế chính trị là môn học khá thú vị, chủ yếu do công lao của một ông thầy già, trông khắc khổ và nghèo nàn với trang phục thiếu vải (tức là quần ống thấp ống cao). Ông thầy nói không cần nhìn giáo trình, biết đặt câu hỏi đánh thức và bắt động não lũ sinh viên theo lẽ thường là đang ngủ gật trong giờ. Hắn đã từng xung phong giơ tay trả lời ông thầy này vài lần. Có lúc đúng, có lúc sai, nhưng đại loại là nó cho hắn cái cảm giác mà sau này du học hắn mới biết, mới hiểu.

Hoặc với những môn nghe rất oái oăm, hình như là Đạo đức Xã hội chủ nghĩa, hắn thậm chí còn đạt cực khoái khi rinh về một con 10 cho bài tiểu luận xuất sắc (!) viết về tình yêu của con người mới xã hội chủ nghĩa!!! Đó là năm thứ 2 thì phải, là năm mà hắn thậm chí còn chưa có lấy cái gọi là mảnh tình vắt vai. Hắn vẫn còn nhớ, bài tiểu luận đó, hắn viết (bằng bút, tất nhiên, chứ làm gì có máy tính và máy in như bây giờ) có nhẽ đến cả chục trang, và đến bây giờ hắn vẫn còn phục hắn là tại sao hắn lại có thể bịa ra dài (và hay, tất nhiên) như vậy được cơ chứ. Buồn cười nhất là hắn mang cái đề tài đó đến nhà một cô bạn-bắt-đầu-thân-chứ-không-thể-yêu, dân học ngoại ngữ, khoa tiếng Nga, vốn văn chương khá là lai láng, để bảo cô ấy triển khai mấy đường cho hắn xem. Kết cục là hắn thấy một trang giấy với khoảng chục dòng rồi... tắc tị! Hắn hả hê lắm, nghĩ bụng tưởng gì, hóa ra mình còn kinh hơn bọn này.

Nhưng tình hình bắt đầu tệ đi kể từ đó, với những đồng chí thầy đứng suốt cả mấy tiết học đều đều đọc giáo trình ra cho lũ sinh viên đói ăn, thiếu áo ngồi dưới chép lia lịa. Giờ nghĩ lại, hắn cho rằng thầy đọc vậy vì cũng chẳng nhớ, chẳng hiểu gì về những cái thầy đang giảng (quên, đang đọc) – một cảm giác nữa mà nhiều năm sau này hắn đã trải nghiệm khi đứng trên bục giảng cho sinh viên Nhật (hehe). Tinh thần học tập lơ đãng của hắn có lẽ bắt đầu xuất phát từ đấy, với những lần hắn đang thả hồn theo một con chim gì đó đang bay nhẩy trên cái cây cổ thụ ngay cạnh cửa sổ của giảng đường thì thầy giáo gọi giật giọng làm hắn choàng tỉnh, bắt nhắc lại đoạn kinh về xã hội chủ nghĩa thầy vừa đọc xong. Tất nhiên, hắn không phải là Chúa thì sao mà thuộc được, thế là bị kỷ luật gì đó, hình như là một cái dấu đánh trong sổ đen của thầy.

Tất nhiên là hắn không phải là thằng lười. Không học ở trường thì hắn học những cái hắn thích, hoặc cho là cần, hoặc thành mốt, ở bên ngoài. Hắn vẫn nhớ những buổi chiều, tan học, đạp xe trên đường Giải phóng thì phải để đến lớp học tiếng Anh, tiếng Pháp cùng với mấy thằng ngoại trú người Hà Nội của lớp hắn, lẽo đẽo đi sau mấy em tóc cụt, lải nhải hát bài gì của Trịnh Công Sơn có đoạn “ôi tóc em dài.. đến ngang cổ”. Không nhớ là các em đó phản ứng thế nào, nhưng chắc chắn là hắn và mấy thằng bạn dường như vẫn còn chưa qua tuổi học sinh không có ý định làm quen, cưa cẩm mấy em đi đường đó.

Và hắn cũng không xa lánh xu thế thời đại khi đăng ký học nhảy, còn được gọi là khiêu vũ quốc tế, vì nghĩ là chim gái thì chẳng cái gì hiệu nghiệm bằng cái món này. Chính vì học nhảy, và biết nhảy (khá đẹp, theo hắn) mà quả thật là đời hắn đã thay đổi hoàn toàn, với nhiều biến cố mà có giàu trí tưởng tượng như hắn cũng không bao giờ nghĩ ra được. (Hết tập 1, mời các đồng chí đón đọc số tiếp, đồng thời cho biết cảm tưởng nhé).

Monday 23 September 2013

Mặt trái của TPP (bài đăng trên Doanh nhân Sài Gòn, bản gốc)

Hôm trước có đồng chí em (hy vọng là nữ) hỏi tớ liên quan đến TPP và ngành ngân hàng ở VN. Tớ có tìm tư liệu, nhưng cũng chưa tìm được nhiều nên chỉ tranh thủ viết tạm như bài này (cám ơn đồng chí em này đã gợi ý đề tài cho tớ nhé). Sau này, tìm/biết thêm được cái gì thì tớ lại viết tiếp. Các đồng chí cứ đặt bài tớ nhé, tớ cảm ơn trước.

http://www.doanhnhansaigon.vn/online/dien-dan-doanh-nhan/thoi-su/2013/09/1076903/tpp-mot-goc-nhin-khac/
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Hiệp định đối tác Thái Bình Dương (TPP) đang được đàm phán mật giữa 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nói là đàm phán mật vì các văn kiện và nội dung đàm phán không được công bố, và chỉ có một số ít đối tượng trong Chính phủ và các tổ chức hữu quan của các nước thành viên được biết đến.

Mặc dù là đàm phán mật, nhưng một số tài liệu và nội dung liên quan đến đàm phán đã rò rỉ ra ngoài. Từ đó, công luận mới phần nào nắm bắt được sự việc và có những phân tích, mổ xẻ. Tuy được gọi là một hiệp định thương mại với mục đích là khuyến khích thương mại giữa các thành viên và thống nhất các biểu thuế và các luật định thương mại khác, song trong 29 điều khoản của TPP, chỉ có 5 điều khoản là liên quan đến thương mại. Các điều khoản còn lại liên quan đến những vấn đề phi thương mại như giới hạn sự riêng tư trên Internet, tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, quyền kiện tụng đòi bồi thường, và tự do hóa tài chính.

Cũng như mọi thỏa thuận song và đa phương khác, TPP cũng sẽ mang đến những lợi ích và thiệt hại khác nhau cho từng quốc gia, từng nhóm lợi ích nếu nhìn từ các góc độ và lập trường khác nhau. Tuy nhiên, có một số tác động tiêu cực được không ít người cho rằng sẽ xảy đến với không chỉ một (nhóm) nước nào đó mà với hầu như mọi nước thành viên, và người luôn thắng cuộc là các công ty đa quốc gia, vì về bản chất, những người này cho rằng TPP được thiết kế để bảo vệ và làm lợi cho các công ty đa quốc gia (cũng nên lưu ý ở đây rằng mặt trái này là trong con mắt một số nhóm người nhưng vẫn là mặt phải trong con mắt của những nhóm khác). Dưới đây là tóm tắt một số những tác động tiêu cực của TPP theo cái nhìn của các nhóm chống đối TPP.

  1. TPP ngăn cản việc chính phủ mua sắm ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước. TPP cho phép các doanh nghiệp ở bất cứ nước thành viên nào có quyền tiếp cận bình đẳng với mua sắm của những Chính phủ thành viên khác. Như thế, chắc chắn chương trình, ví dụ, vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng vì các chương trình mua sắm công của Việt Nam sẽ không còn được phép quy định việc mua sắm một số chủng loại hàng hóa nào đó phải có xuất sứ từ Việt Nam. Hoặc việc một bộ nào đó yêu cầu đích danh phải mua sắm tại một (số) doanh nghiệp nào đó, như đã từng xảy ra, cũng sẽ bị cấm.
  2. TPP làm suy yếu các quy định và luật lệ về bảo vệ môi trường. TPP cho phép các công ty đa quốc gia kiện và đòi Chính phủ các nước thành viên bồi thường cho những thiệt hại gây ra khi các Chính phủ này thực thi một số luật định liên quan đến môi trường vì mục đích công cộng như cấm hay dần loại bỏ các hóa chất độc hại, khai thác gỗ rừng, giấy phép khai mỏ, chương trình năng lượng sạch v.v... mà có thể làm phương hại đến lợi ích của các công ty đa quốc gia đó (ví dụ, khi chính quyền địa phương yêu cầu các dự án năng lượng tái tạo phải dùng các thiết bị phát điện tái tạo trong nước sản xuất, chứ không được nhập khẩu, do đó làm ảnh hưởng đến nhu cầu về thiết bị nhập khẩu).
  3. TPP làm suy yếu quyền tự do trên Internet. Điều khoản về sở hữu trí tuệ sẽ tác động tiêu cực đến khả năng sáng tạo nội dung, hạn chế khả năng của các công ty công nghệ tạo ra các sản phẩm mới, và khả năng của người dùng internet sử dụng nội dung theo cách thức mới.
  4. TPP làm phương hại đến nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Trong khi các công ty đa quốc gia buôn bán và chế biến lương thực thực phẩm thu được lợi nhuận khổng lồ thì nông dân nuôi trồng sản xuất lương thực thực phẩm lại là người chịu thiệt hại khi không thể cạnh tranh được (về giá) với lương thực thực phẩm nhập ngoại. Về an toàn thực phẩm, TPP buộc Chính phủ phải cho phép nhập các sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn trong nước, cũng như hạn chế việc kiểm tra thực phẩm và các sản phẩm.
  5. TPP tác động tiêu cực đến các luật về sức khỏe, an toàn, môi trường, người tiêu dùng và lao động. Một số điều khoản trong TPP cho phép các công ty/nhà đầu tư được kiện đòi bồi thường các khoản “lợi nhuận tương lai” từ những luật định liên quan đến các vấn đề trên. Bởi thế, Chính phủ các quốc gia sẽ phải tránh ban hành các điều luật mà có khả năng làm phương hại đến lợi nhuận của các công ty này, dẫn đến kiện tụng và bồi thường nặng nề. Quyền được kiện cáo các Chính phủ trở thành một trở ngại cho Chính phủ thực thi các hành động bảo vệ công nhân, người tiêu dùng, sức khỏe và môi trường.
  6. TPP làm tăng chi phí y tế vượt quá khả năng chi trả. Dưới áp lực của Mỹ có thể TPP sẽ có những điều khoản mở rộng sự bảo vệ độc quyền dược phẩm (ví dụ, bảo vệ nhãn hiệu độc quyền với thời gian kéo dài, làm tăng giá thuốc), tước đi khả năng tiếp cận với dược phẩm giá rẻ của đại chúng, đặc biệt ở những nước đang phát triển như Việt Nam.  TPP còn buộc hệ thống y tế công cộng mở cửa cho các hãng dược phẩm với sự kiểm soát lớn hơn về giá thuốc của chúng, hạn chế khả năng đàm phán của quốc gia được mua thuốc với giá rẻ, cũng tức là hạn chế cung cấp dịch vụ y tế với giá rẻ cho đại chúng.
  7. TPP ngăn chặn hoạt động của các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước và các luật định về tài chính, ngân hàng. Điều khoản về doanh nghiệp nhà nước cũng được áp dụng cho các ngân hàng thuộc sử hữu nhà nước. Những đặc quyền mà các ngân hàng nhà nước đang được hưởng hay đảm nhận (ví dụ như tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ) sẽ bị coi là đặc quyền bất công bằng, vi phạm quy định tự do thương mại của TPP, và do đó bị cấm hoặc bị kiện cáo. Về ảnh hưởng của TPP lên luật định ngân hàng, TPP yêu cầu tự do hóa tối đa cho hệ thống tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bao gồm cấm đối với các hạn chế về quy mô của tổ chức tài chính (vốn là một biện pháp phòng chống chuyện “quá lớn để cho phá sản”), cấm việc đặt ra các vách ngăn giữa các loại hình tổ chức tài chính, cho phép sử dụng các sản phẩm tài chính phái sinh độc hại, cũng như cho phép vốn được tự do lưu chuyển vào và ra khỏi quốc gia thành viên. Lưu ý rằng việc lơi lỏng/bất lực trong kiểm soát lưu chuyển vốn, đặc biệt là luồng “tiền nóng”, là một trong những nguyên nhân chính gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới. Trước nguy cơ này, đã có hơn trăm nhà kinh tế học, trong đó có nhiều người nổi tiếng, cùng ký vào một đơn thỉnh cầu gửi đến các đoàn đàm phán TPP kêu gọi cho phép các Chính phủ được kiểm soát và chế tài lưu chuyển vốn mà không bị rủi ro bị kiện cáo, đòi bồi thường.

Tóm lại, nếu được thông qua như những gì đã biết hiện nay thì, ngoài những tác động tích cực thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa các nước thành viên, mặt trái của TPP được cho là tước đi sự tự chủ của chính quyền ở mọi cấp trong từng quốc gia thành viên, đồng thời khuyến khích các hành động thương mại mang tính hủy diệt cộng đồng và môi trường. Tuy vậy, cần nhấn mạnh lại rằng đây là mặt trái theo cách nhìn nhận của một số nhóm người, chứ không phải là tất cả. Có lẽ số đông vẫn sẽ là những người nhìn thấy mặt phải của TPP nhiều hơn.

Sunday 22 September 2013

Lạ lùng phát biểu của đồng chí TS Nguyễn Trí Hiếu

Trong bài phỏng vấn này, đồng chí Hiếu nói một số chỗ mà tớ thấy lạ lùng quá thể.

1. Đồng chí Hiếu nói: "NHNN đã nỗ lực và có thành công nhất định trên các lĩnh vực quản lý thị trường vàng, ổn định tỷ giá và điều hành lãi suất. Về lĩnh vực quản lý thị trường vàng, NHNN đã khẳng định thiết lập trật tự thị trường, sau đó ổn định giá. Trật tự trên thị trường vàng đã được thiết lập, không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng mỗi lần xảy ra đoản cung, tạo ra những cơn sốt vàng gây xáo trộn thị trường; chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã được thu hẹp đáng kể; NHNN cũng thành công trong việc chống “vàng hóa”, cụ thể NHNN đã tách vai trò người huy động và cho vay vàng ra khỏi các ngân hàng thương mại (NHTM), bởi bản thân các NHTM cũng thua lỗ nặng nề, hiện tượng đầu cơ vàng đã giảm."

Tớ bình luận: Người dân không còn đổ xô mua vàng như mỗi lần xảy ra đoản cung trước đây. Nhưng ai gây ra đoản cung trước đây? Chẳng phải là NHNN không cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng hay sao? Nay cho dù có không xảy ra đoản cung thì cũng chỉ có nghĩa rằng NHNN thay vì thình thoảng làm đoản cung như trước đây nay đã chịu khó duy trì và tăng cung vàng ra thị trường. Chuyện này cũng giống như sai lầm và đổi mới (tức sửa sai, nhưng có khả năng vẫn sai) ấy mà, thần thánh gì đâu.

Chênh lệch giá vàng trong nước và ngoài nước đâu có được thu hẹp đáng kể đâu nhỉ? Tất nhiên là so với mức chênh lệch kỷ lục 6-7 triệu đồng/lượng thì chênh lệch hiện nay là đã nhỏ đáng kể rồi. Nhưng, lại nhưng, cái mức chênh lệch 6-7 triệu này có từ lúc nào, ai và cái gì gây ra?

NHNN đâu có thành công trong việc chống vàng hóa, được hiểu là phải giảm lượng vàng đang đóng vai trò như VND trong nền kinh tế. Giảm gì mà bao nhiêu tấn vàng đã được NHNN tung thêm vào nền kinh tế, trong vòng có mấy tháng nay, và tung ra bao nhiêu thì cũng hầu như bán sạch bấy nhiêu?

Hiện tượng đầu cơ vàng, như tớ có lần đã nói, có thể và chỉ giảm khi NHNN duy trì việc bán vàng với giá tương đối ổn định hoặc xu hướng giảm đi, làm triệt tiêu động cơ đầu cơ (kỳ vọng giá vàng sẽ tăng trở lại). Nhưng khi NHNN dừng bán vàng và/hoặc giá vàng thế giới tăng trở lại thì... hãy đợi đấy!

2. Đồng chí Hiếu nói: "Qua việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng, NHNN đã giải quyết sự mất cân đối cung - cầu vàng trên thị trường, nhờ đó giải tỏa cơn khát của thị trường, khoảng 40% lượng vàng đấu thầu đã đi vào trong dân chúng… Tôi nghĩ, về lâu dài, NHNN nên thành lập sàn vàng quốc gia để có sự liên thông với thế giới, thị trường vận hành thông suốt."

Tớ bình luận: Như đã nói ở trên, sự mất cung cầu vàng trên thị trường là do ai, cái gì tạo ra? Nay NHNN bán vàng để "giải tỏa" cơn khác thì cũng chỉ nên hiểu đó là hành động sửa sai mà thôi, có gì đâu mà ca ngợi?

3. Đồng chí Hiếu nói: "Tôi cho rằng, NHNN chưa thể dừng đấu thầu vàng dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã giảm (còn trên 2 triệu đồng/lượng). Mặc dù nhu cầu về vàng đã giảm dần, nhất là sau khi các ngân hàng hoàn tất đóng trạng thái vàng, nhưng cầu vàng giảm chưa bền vững. Trong số gần 60 tấn vàng NHNN đấu thầu vàng miếng thì có gần một nửa số vàng được các TCTD mua để tất toán số dư huy động vàng, số còn lại đã được đưa ra thị trường. Điều này cho thấy, nhu cầu mua vàng của người dân là không nhỏ. Ước tính thị trường vẫn cần khoảng 50 tấn vàng nữa nên trong năm nay chắc chắn NHNN chưa thể dừng đấu thầu vàng, ngay cả khi mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới xuống thấp hơn 1 triệu đồng/lượng. Tôi dự đoán điều này sẽ không xảy ra trước khi hết quý I.2014.
Khi chênh lệch giá vàng nội - ngoại được thu hẹp ở mức trên và duy trì trong một thời gian nhất định (3 - 6 tháng) thì NHNN nên cân nhắc biện pháp đấu thầu vàng. Không loại trừ phương án mua vàng miếng. Tôi nghĩ, hoạt động đấu thầu vàng chỉ chấm dứt khi nhu cầu bình ổn không còn."

Tớ bình luận: Trong lý luận trên, cần phải hiểu rằng gần 30 tấn vàng các ngân hàng mua vào và tất toán cũng có thể (hoàn toàn) đã đi vào tay dân chúng nên không thể nói lượng vàng ước tính còn 50 tấn (cho dù bản thân con số 50 tấn này là một dấu hỏi, kể cả cứ cho rằng hơn 30 tấn vàng đã được đưa ra thị trường trong số 60 tấn vàng đấu thầu).

Theo lý luận của NHNN và đồng chí Hiếu thì sẽ/nên dừng đấu thầu khi nhu cầu bình ổn không còn. Nhưng nhu cầu vàng luôn biến động (theo hướng tăng, chí ít vì quy mô nền kinh tế và dân số có xu hướng tăng, trong ít nhất là ngắn và trung hạn), nên nếu NHNN không bình ổn nữa, tức không đấu thầu nữa, và vẫn không cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng thì giá vàng mà không tăng thì là chuyện lạ. Vì thế, lúc đó NHNN lại buộc phải nối lại và duy trì đấu thầu vàng, cái thòng lọng do chính mình làm ra thòng vào cổ mình.

Tóm lại, về chuyện vàng và NHNN, nhìn đi nhìn lại thì chỉ thấy một sự bế tắc (chủ động), một cái chết được báo trước, nếu không có một cuộc đổi mới (aka sửa sai) khác!

4. Cái đoạn tiếp theo về tỷ giá, đồng chí Hiếu cũng sai lầm hệt như một loạt các đồng chí khác. Tớ nói mãi nên chán không phang nữa.

5. Đọc đến cuối, mới phát hiện ra bài này là của tờ Đại biểu Nhân dân, tờ báo một thời thân thiết của tớ. Càng hết (muốn) bình luận.

Nhiều dòng về giá sữa

Suốt bao năm nay dư luận (trừ cái bọn liên quan đến sữa) tỏ ra rất căm tức chuyện sữa cứ tăng giá liên tục ở VN mà không vì lý do cụ thể, thích đáng gì và không ai làm gì được. Gần đây thì dư luận dường như tóm được thằng thủ phạm làm tăng giá sữa là cái thằng cơ chế, khi 2 bộ, Tài chính và Y tế lằng nhằng thế nào đó trong chuyện đổi tên sữa thành sản phẩm dinh dưỡng, rồi là buông lỏng quản lý, rồi là không đưa sữa vào mặt hàng bình ổn giá v.v... Đến nỗi, mặc dù bận rộn trăm công nghìn việc, toàn chuyện quốc gia đại sự (tuy dạo này có vẻ hơi lặng lẽ tí chút), đồng chí Thủ tướng anh minh và kính yêu của tớ vẫn phải chỉ đạo 2 bộ này tìm ra thủ phạm, giải quyết vấn đề. 2 bộ thì chưa chỉ mặt đích danh được là tại ai, cái gì, thì báo chí đã phát hiện ra thủ phạm hộ rồi, như tớ nói, là thằng cơ chế.

Tuy nhiên, đọc cái tít giật gân và nội dung dài ngoẵng của bài này, tớ thấy hóa ra tưởng vậy mà không phải vậy.

Thứ nhất, nhìn vào cái biểu đồ thị phần các hãng sữa ở VN, ta thấy có hàng loạt hãng, với hãng lớn nhất không chiếm quá 1/4 thị phần và 3 hãng lớn nhất cũng chỉ chiếm 54% thị phần cả nước. Đọc một bài báo khác nào đó thì hình như có tới hơn 200 nhà nhập khẩu sữa vào VN. Với thị trường và thị phần như vậy, có thể nói thị trường sữa VN rất cạnh tranh, khó có đất sống cho chuyện độc quyền và lũng đoạn giá. Trong một thị trường khá cạnh tranh như vậy, có thể loại bỏ khả năng doanh nghiệp nào đó đơn thương độc mã tăng giá sữa mà không (sợ) bị doanh nghiệp khác cướp mất thị phần, trừ trường hợp các doanh nghiệp khác cũng phải tăng giá vì một áp lực nào đó từ thị trường, chứ không hẳn là chúng cũng "tự nhiên" muốn tăng giá.

Thứ hai, bài báo cho biết chênh lệch lớn giữa giá nhập và giá bán lên tới 3, 4 lần. Nhưng nếu đọc chi tiết trong cái box xanh ở cuối bài thì mới thấy rằng giá sữa ở VN phải gánh đủ loại chi phí và thuế khác. Chỉ riêng 17 loại phí chính thống (hình như chưa tính đến các loại thuế như nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp, VAT) đã lên tới 250k đồng/hộp. Với giá nhập khẩu 5-7,5 USD/hộp (hơn 100k-150k đồng/hộp), cộng với chỉ riêng 17 loại phí đã thành 350k-400k đồng/hộp. Nếu cộng thêm các loại thuế như kể trên thì giá nhập + phí + thuế chắc chắn không khác nhiều lắm, như người ta tưởng, so với giá bán là 400k-600k/hộp. Đấy là còn chưa kể doanh nghiệp phải chi ra thêm phí quảng cáo, mà nếu cứ cho là ở mức khiêm tốn 5%-10% theo quy định thì cũng thêm vài chục nghìn đồng/hộp nữa. Rồi là chi phí cho đại lý phân phối, chi phí bôi trơn, lobby v.v... Tóm lại là thêm một mớ chi phí nữa, trước khi để lại cho doanh nghiệp một mức lợi nhuận xứng đáng độ 10%-20% giá thành. Cứ như thế thì có thể thấy doanh nghiệp sữa đâu có hưởng siêu lợi nhuận như cái sự chênh lệch giữa giá bán và giá nhập mà người ta thấy trên giấy đâu?

Thứ ba, 2 tội đồ - Bộ Tài chính và Y tế - do buông lỏng quản lý, thực ra cũng bị oan. Phí, thuế, chi phí này kia không phải họ muốn đẻ ra thì sẽ đẻ ra được. Có trách thì trước tiên phải trách cái gì đã đẻ ra một loạt chi phí và thuế chính thống và phi chính thống như thế. Chuyện không đưa sữa vào danh mục bình ổn, hoặc có đưa vào cũng không bình ổn được cũng là điều dễ hiểu, chẳng có tác dụng ngăn chặn hoặc, chẳng có liên quan gì đến chuyện giá sữa cứ tăng ầm ầm. Hình như không có ai chịu phân tích vào thời điểm các hãng tăng giá sữa, chuyện gì thực tế đã xảy ra. Liệu tỷ giá có tăng lên không, liệu chính sách thuế, phí có bị điều chỉnh tăng lên không, liệu các mức phí liên quan (giao thông vận tải, phân phối, quảng cáo v.v..) có tăng lên không, nguồn cung có bị gián đoạn, thiếu hụt không, nhu cầu có tăng đột biến không (chuyện này có khả năng lắm nhé, vì, ví dụ, mấy đồng chí China lục địa sang VN mua vét sữa như đã và đang làm thế ở các nước khác, thậm chí còn ở xa Trung quốc hơn nhiều) v.v... là những vấn đề cần phải tìm hiểu trước rồi hãy kết luận giá sữa tăng vô lý.

Tóm tóm lại, như tớ đã nói trong entry trước, chuyện về giá sữa hay giá cá tra không phải vô cớ mà lại hóa ra nông nỗi vậy, còn báo chí và các chuyên gia bàn phím thì cứ việc ngồi một chỗ mà phán, đánh hội đồng, nguyền rủa bọn trung gian, bọn doanh nghiệp dã man mà chẳng chịu hiểu tại sao nó lại vậy.

Sunday 15 September 2013

Chi phí phân phối

Trong entry trước về doanh nghiệp ép giá cá tra, tớ có nêu về chuyện buôn rau và giải thích dưới góc nhìn của tớ tại sao chuyện rau bán ở chợ có giá cao gấp vài lần giá mua tại ruộng nên coi là bình thường (kể cả chuyện sữa  cũng vậy).

Hôm nay đọc bài báo này tớ tìm thêm được một minh họa cho chuyện này. Tuy bài báo có cái dở nghiêm trọng là không nêu được lý do tại sao giá hành lại tăng 500% trong vòng 1 tháng, nó cũng phần nào cho thấy tại sao giá hành bán ở chợ lại thường cao hơn gấp đôi giá mua của nông dân. Từ Ấn Độ, cũng có thể suy ra một bức tranh tương tự cho Việt Nam.

Sẽ có người đọc và nghĩ ngay đến kiến nghị rằng thế thì tại sao nhà nước không tập trung xử lý những ách tắc này đi (ví dụ, cải thiện hệ thống đường xá toàn quốc, tạo chuỗi cung ứng mới với hệ thống bảo quản hiện đại, thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài v.v...).

Đương nhiên lẽ thường thấy mắc đâu thì xử lý đấy. Nhưng vấn đề đầu tiên là tiền đâu? Thứ hai, ai làm và/hoặc tại sao làm mãi mà không xong, không được? Rốt cuộc, tớ lại thấy có mặt của thằng cơ chế!

Friday 13 September 2013

Sao chúng nó ăn dầy thế?

Tình cờ hôm nay có một bạn làm tại một tờ báo hỏi ý kiến tớ về chuyện nông dân bán cá tra bị doanh nghiệp xuất khẩu ép giá chỉ có 1 USD/kg, trong khi doanh nghiệp xuất với giá 2,5 USD/kg. Đại loại bạn này thấy bất bình cho nông dân quá, và thấy căm doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vì độc quyền (?) nên ra sức chèn ép nông dân quá.

Tớ hoảng quá, vội phải nói ngay rằng chẳng phải vô cớ tự nhiên nó mua giá thấp, bán giá cao được thế đâu. Vì hôm lâu lâu tớ về gặp ông gì người Mỹ của AmCham, nói chuyện thì mới được biết rằng để đưa được hàng nhập khẩu vào các siêu thị Mỹ, ví dụ như Walmart thì doanh nghiệp (VN) phải đáp ứng được một loạt điều kiện mà nhiều trong số đó rất khắt khe, khó thực hiện (tớ nghe không thôi mà ù hết cả tai vì chẳng hiểu mô tê gì, lằng nhằng cực). Bởi vậy thường doanh nghiệp phải xuất qua một công ty trung gian của/ở Mỹ sẽ thực hiện những thủ tục này. Đương nhiên như vậy thì chi phí sẽ đội lên. Doanh nghiệp đâu có phải là được hưởng hết phần chênh lệch giữa giá mua đầu nguồn với giá bán cuối nguồn đâu?

Thứ nữa, tớ nói với bạn này rằng bị ép giá vậy mà nông dân vẫn tiếp tục nuôi và bán cá tra cho doanh nghiệp xuất khẩu thì chứng tỏ mức giá vậy vẫn có lãi, và có khi họ kêu thế để được trợ cấp từ chính phủ. Nếu không thì đương nhiên họ sẽ phải đóng ao (và bạn này xác nhận rằng có thế thật) và cái bọn doanh nghiệp dã man kia sẽ hết đường ép giá.

Ngược lại, vì xuất khẩu là tự do cạnh tranh (đúng thế không nhỉ?) nên lẽ thường nếu doanh nghiệp này mà ép giá quá đáng thì nông dân sẽ tự biết mà không bán cho nó nữa, mà bán cho thằng khác. Nhưng nếu họ vẫn cứ phải bán cho bất cứ thằng nào thì chứng tỏ một điều rằng cung đã quá dư thừa. Đương nhiên lúc đó doanh nghiệp, bất kể dã man hay không, không ngu gì mà không ép giá. Còn nông dân nếu khôn ra thì hoặc phải đóng ao, hoặc phải chọn thời điểm nuôi và xuất cá. Không làm được thế, tức ngược lại với khôn, thì đương nhiên phải trả phí không khôn, và tớ kết luận rằng đời có công bằng lắm đâu.

Để thêm phần thuyết phục, tớ mới nói rằng ở VN rất hay có cái kiểu nói thế này. Mớ rau muống mua tại ruộng chỉ có 1.000 đồng, thế mà về đến chợ được bán với giá 5.000 đồng, chứng tỏ bọn con buôn ăn lãi cực nhiều, và cần phải có biện pháp cắt giảm cái lợi nhuận vô ý này đi. Tớ phải nói rằng nếu thấy ngon, sao không đi buôn rau đi? Ai thức khuya, ai dậy sớm đi chợ mua rau, thồ trên xe mấy chục km mang về chợ, chịu tai nạn, chịu thiệt khi rau hư hỏng, thuế chợ, làm luật v.v... để đổi lấy cái giá bán như vậy?

Chuyện sữa trẻ em cũng vậy. Thiên hạ sôi sục khi thấy giá nhập và giá bán lẻ quá chênh nhau. Tớ không biết rõ lý do nhưng thấy không ngạc nhiên lắm nếu giá chênh lệch vậy, vì xét ra thị trường sữa là thị trường hình như khá là cạnh tranh đấy chứ, từ đầu nhập đến đầu bán lẻ, nên khó có khả năng một doanh nghiệp nào đó làm giá (ở mức đủ lớn) được, theo kiểu giá độc quyền hoặc gần độc quyền.

Tớ chưa kịp nói với bạn ở trên, khi hình như bạn ấy ấm ức muốn đề xuất nhà nước phải can thiệp vào cái tình trạng ép giá cá tra như nói trên. Tớ muốn can bạn ấy rằng hãy để thị trường tự điều chỉnh. Cứ can thiệp thì nhà nước tiếp tục tốn tiền trợ cấp cho nông dân tiếp tục nuôi để càng ngày càng dư thừa, còn doanh nghiệp thì hoặc là tha hồ ép giá, hoặc là lại lấy tiền trợ cấp của nhà nước (ví dụ như vay với lãi suất 0% để mua cá như với mua tạm trữ lúa). Đây là một điển hình cho phân bổ lãng phí nguồn lực trong nền kinh tế. Xét cho cùng, (một bộ phận) nông dân không nuôi cá tra thì sẽ tự khắc tìm được cái gì đó để làm, chứ có phải cứ thế bó tay chịu chết đâu? Sao cứ phải dồn nguồn lực (cả công lẫn tư) vào đó làm gì?

Thursday 12 September 2013

Tác động của chấm dứt nới lỏng tiền tệ của Mỹ lên các thị trường mới nổi ở châu Á và Việt Nam (Bài đăng trên TBKTSG, 12/9/2013, bản gốc)


Một số định chế tài chính thế giới tin rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng mua trái phiếu (QE) của mình vào cuối tháng này. Họ cũng tin rằng các nước mới nổi ở châu Á như Ấn Độ và Indonesia, vốn là những nước có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, là những nạn nhân gánh chịu hậu quả trầm trọng nhất của việc rút lại gói kích thích tài chính này của Mỹ.

Thâm hụt tài khoản vãng lai thoạt nhìn tưởng vô hại, khi nó vẫn được tài trợ bởi vay mượn nước ngoài. Nhưng nền kinh tế sẽ bị cuốn vào bờ vực khủng hoảng nếu không còn đi vay được một cách dễ dãi, hoặc phải vay với lãi suất và chi phí cao hơn.

Các nền kinh tế mới nổi mấy năm qua đã được hưởng lợi từ  QE của Mỹ cũng như của các nước đã phát triển khác, khi chúng là một nguồn vốn dồi dào (lên đến vài nghìn tỷ USD) chảy đến những nơi có các tài sản đầu tư với lợi suất cao hơn ở bản quốc. Nguồn vốn này giúp các nước mới nổi trang trải cho thâm hụt tài khoản vãng lai của mình và là nguồn vốn bổ sung cho đầu tư trong nước.

Thế nhưng mọi việc đột nhiên thay đổi theo chiều hướng xấu khi QE có dấu hiệu bị chấm dứt. Những nguồn vốn này sẽ đảo chiều, như đang được chứng kiến, chảy ngược khỏi các nền kinh tế mới nổi về bản quốc, nơi mà lãi suất được kỳ vọng sẽ tăng lên do cung tiền được thắt chặt lại.

Sự chấm dứt nguồn vốn dồi dào với chi phí rẻ này sẽ làm việc tài trợ cho thâm hụt tài khoản vãng lai trở nên một bài toán hóc búa cho Chính phủ các nước mới nổi có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn. Ngoài chuyện cầu mong các nước đã phát triển khác nối lại/duy trì các gói kích thích tài chính của mình để bù đắp cho sự chấm dứt của nguồn vốn từ QE của Mỹ, chính sách đối phó thông thường sẽ là phải phá giá để giảm thâm hụt tài khoản vãng lai, đồng thời phát hành trái phiếu nợ nước ngoài để tài trợ thâm hụt. Lãi suất cho các trái phiếu bằng bản tệ và ngoại tệ sẽ phải tăng vừa để tránh một cuộc tháo chạy của vốn nước ngoài, vừa để tạo hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài mua chúng nhằm có đủ vốn tài trợ thâm hụt cán cân vãng lai. Một trong số không nhiều lựa chọn khả thi khác là giảm thâm hụt ngân sách nhằm giảm áp lực lên ngân hàng trung ương tiền tệ hóa các khoản nợ của Chính phủ.

Tuy nhiên, biện pháp nâng lãi suất và giảm thâm hụt ngân sách lại là những chính sách khó được chấp nhận ở các nước mới nổi do hiệu ứng giảm tăng trưởng của nó. Nên các nước mới nổi thường chọn ngó lơ những biện pháp mang tính thắt lưng buộc bụng này, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn quốc tế vẫn còn thuận lợi như trong mấy năm qua.

Cần lưu ý thêm rằng, ngoài tác động bất lợi lên tỷ giá, sự đảo ngược của dòng vốn đầu tư gián tiếp (bắt nguồn từ việc chấm dứt QE) ra khỏi các nước mới nổi còn làm giảm giá chứng khoán, bất động sản, và các tài sản có giá khác. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp càng có tỷ trọng tiền “nóng” mang tính đầu cơ lớn thì những chao đảo và đổ vỡ trong thị trường tài chính và bất động sản trong nước càng lớn khi QE chấm dứt.

Chưa hết, giá chứng khoán và bất động sản suy giảm và sự chậm lại của dòng vốn nước ngoài đổ vào nền kinh tế trong nước sẽ làm suy giảm đầu tư vì các doanh nghiệp sẽ trì hoãn triển khai đầu tư chừng nào họ thấy còn chưa thấy cơ hội phục hồi chắc chắn. Kết hợp với việc lãi suất trong nước có thể tăng làm suy giảm thêm nữa nhu cầu đầu tư, tất cả những yếu tố này sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế mới nổi có sự phụ thuộc lớn vào dòng vốn nóng (và có nguồn gốc từ QE).

Tóm lại, cú số từ việc chấm dứt QE xem ra có vẻ như sẽ khá trầm trọng, đặc biệt với những nền kinh tế mới nổi có các bất cân đối vĩ mô lớn và có ít gối đỡ giảm các cú sốc từ bên ngoài (ví dụ, thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt ngân sách lớn, lạm phát ở mức cao, lãi suất và tỷ giá bị đè nén lâu, nợ nước ngoài gia tăng v.v...).

Nhìn đến Việt Nam, thâm hụt tài khoản vãng lai dường như chưa phải là vấn đề lớn khi cán cân tài khoản vãng lai đã chuyển từ thâm hụt lớn (11% GDP năm 2009) sang thặng dư khá lớn gần đây (5,9%  GDP năm 2012 và dự đoán tiếp tục thặng dư năm nay), chủ yếu do thặng dư chuyển ròng từ nước ngoài bù đắp cho thâm hụt cân thương mại trong suốt nhiều năm (trừ năm 2012). Điều đáng nói là có bao nhiêu trong số vốn chuyển ròng từ nước ngoài này là tiền nóng, mang tính đầu cơ, là điều chưa rõ, và cũng không thể loại trừ nhiều trong số các khoản mục chuyển ròng này có nguồn gốc là tiền đầu cơ, kinh doanh chênh lệch lãi suất (kể cả tiền đội lốt dưới dạng kiều hối).

Ngược lại, thâm hụt ngân sách là vấn đề có tính kinh niên (trừ 2 năm 2004 và 2006), và ở mức lớn, trên 5% GDP từ năm 2009 đến nay (thậm chí tới 9.3% GDP năm 2009), và chưa nhìn thấy có dấu hiệu giảm trong năm nay và các năm tới.

Trong khi đó, các gối đỡ giảm sốc như tỷ giá và lãi suất đang bị đè nén bởi nhiều biện pháp hành chính, không phản ánh chính xác cung cầu thị trường. Tỷ giá đang bị kìm giữ ở mức bất lợi cho xuất khẩu, góp phần làm cho thâm hụt thương mại kéo dài nhiều năm (trừ năm 2012), với lý do ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát. Lạm phát tuy đã giảm nhiều nhưng vẫn còn ở mức cao trong khi cần cấp vốn với lãi suất thấp cho nền kinh tế đã dẫn đến lãi suất bị kìm hãm trong khi chống lạm phát dựa chủ yếu vào các biện pháp kiểm soát giá mang tính hành chính.  Do bị đè nén lâu và ở mức lớn nên khi cần phải dùng đến các công cụ này để hấp thụ các cơn sốc từ bên ngoài (phá giá để lập lại cân bằng thương mại, nâng lãi suất để giữ chân và thu hút vốn trong và ngoài nước), mức độ cần có để chúng phát huy tác dụng sẽ rất lớn, so với hiện thời, dễ dàng gây ra những phản ứng ngược, làm trầm trọng thêm các bất cân đối vĩ mô.

Trong bối cảnh quy mô tiền nóng đổ vào Việt Nam sau các QE của Mỹ và các nước phát triển còn chưa rõ ràng, khó có thể kết luận rằng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và mạnh từ việc FED chấm dứt QE. Nhưng điều không thể phủ nhận được rằng tác động của việc chấm dứt QE sẽ đến một cách gián tiếp, thông qua việc làm giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi nói chung và toàn cầu nói riêng, từ đó gây ảnh hưởng đến từng quốc gia ở mức độ nhiều hay ít. QE cũng có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính khu vực (và toàn cầu) khác như kịch bản đã xảy ra với các nước châu Á hồi những năm cuối thập kỷ 90, một khả năng mà không ai có thể phủ nhận hoàn toàn được. Những lúc như thế, nền kinh tế nào có các cân đối kinh tế vĩ mô lành mạnh nhất và nhiều gối đỡ giảm sốc nhất với các cơn sốc ngoại lai là nước trụ lại được, không bị cuốn đi bởi cơn lốc khủng hoảng. Và chắc chắn Việt Nam không nằm trong số này.

Sunday 8 September 2013

Ổn định tỷ giá - Một kết quả nổi bật


Hehe. Thật vô cùng thú vị! Tiêu đề bên trên là tiêu đề của 1 bài báo của tác giả Minh Ngọc nào đó trên website của Chính phủ làm tớ giật mình thon thót, vội phải thanh minh ngay đây không phải là bài của tớ “nâng bi” (từ tớ mượn) mấy đồng chí Chính phủ đâu nhé. Không biết đây là sự trùng lặp vô tình hay hữu ý nữa không biết.

Thú vị cái nữa là tớ vừa mới nói 2, 3 tuần trước trên TBKTSG rằng thậm chí ổn định tỷ giá còn được coi là thành công trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, thì nay tớ bị ngay bài viết này đập một nhát vào giữa mặt, từ cái tiêu đề trở đi. Đành phang lại bài báo này một vài nhát cho đỡ tức vậy.

Bài báo viết: Việc ổn định tỷ giá VND/USD đã có nhiều tác động tích cực. Tác động rõ nhất là góp phần kiềm chế lạm phát về hai mặt. Một mặt, có tác động kiềm chế sự tăng lên của chi phí đẩy, nhất là đối với hàng nhập khẩu- một trong những yếu tố quan trọng của lạm phát”.

Tớ bình luận:  Bài báo vừa viết ở đoạn trên đó rằng: “Có nguyên nhân quan trọng do lạm phát được kiềm chế từ năm ngoái đến năm nay. CPI tháng 12/2012 so với tháng 12/2011 chỉ còn tăng 6,81%;” Điều đó có nghĩa rằng tác giả cũng nhận định rằng lạm phát tác động đến tỷ giá chứ không phải theo chiều ngược lại. Nhưng đến cái đoạn này thì tác giả nói ngược lại, tức tỷ giá tác động đến lạm phát. Vậy thì cái nào tác động đến cái nào trước? Nói cách khác, tác giả tự mâu thuẫn hoặc tự đẩy mình vào thế kẹt. Và tớ xin góp lời ở chỗ này rằng, theo tớ thì đúng là lạm phát tác động đến tỷ giá trước, ít nhất là ở Việt Nam, ít nhất là trong thời gian vài năm qua.

Bài báo viết: “...Mặt khác, giảm thiểu tác động của tâm lý kỳ vọng lạm phát, nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia, mà tâm lý, lòng tin tuy không phải là yếu tố kinh tế trực tiếp như các yếu tố về kinh tế, nhưng trong nhiều trường hợp tác động còn lớn hơn cả các yếu tố về kinh tế.”

Tớ bình luận: Việc cho rằng neo tỷ giá làm giảm kỳ vọng lạm phát là sai, ít nhất ở Việt Nam. Kỳ vọng lạm phát xuất phát/bị chi phối một phần chủ yếu bởi cung tiền (cung tiền tăng mạnh thì lạm phát và kỳ vọng lạm phát cũng tăng mạnh), từ đó mới tác động đến lãi suất thực, chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước, để rồi mới đến tỷ giá danh nghĩa. Khi tỷ giá danh nghĩa bị “ổn định”, không phản ánh đúng kết quả của các áp lực giảm giá VND, thị trường sẽ kỳ vọng tỷ giá danh nghĩa VND tăng lên nữa (VND mất giá) để lập lại cân bằng. Có nghĩa là lạm phát và kỳ vọng lạm phát vẫn chi phối tỷ giá (trước), chứ không phải ngược lại, ít nhất ở Việt Nam, trong thời điểm hiện tại. Và do đó, việc kìm hãm tỷ giá chỉ kéo dài được một thời gian chứ không thể kéo dài vô tận được; và tuy tỷ giá ổn định có thể giảm tác động tiêu cực ngược trở lại lạm phát thông qua kênh nhập khẩu nhưng khi đã phải phá giá thì thậm chí còn phải phá giá lớn hơn cả mức cần có nếu chủ động. Điều này cũng có nghĩa là ổn định tỷ giá bằng mọi giá có thể là lợi bất cập hại.

Bài báo viết: “Một tác động khác rất quan trọng là góp phần cải thiện cán cân thanh toán, giảm việc găm giữ ngoại tệ, giảm tình trạng “đô - la  hoá” nền kinh tế, thông qua việc mua vào ngoại tệ trên thị trường, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm sự an toàn của nền tài chính quốc gia.”

Tớ bình luận: Khi tỷ giá bị kìm giữ và lãi suất VND lớn hơn ngoại tệ thì đương nhiên sẽ thu hút một lượng vốn nóng nước ngoài đổ vào hưởng chênh lệch lãi suất. Đây chính là một trong những khả năng dẫn đến thặng dư tài khoản vốn (thậm chí trong cái gọi là kiều hối chắc chắn bao gồm cả một phần loại vốn này). Mà cái này thì khó có thể gọi là tác động tích cực của việc ổn định tỷ giá, cũng như của việc “cải thiện cán cân thanh toán” được. Bản chất của luồng vốn này là vào nhanh, ra cũng nhanh để hưởng chênh lêch lãi suất. Và thặng dư tài khoản vốn thực ra là tiền vay của thiên hạ, sớm muốn cũng phải trả lại cho thiên hạ, chứ không thể giữ lại ở Việt Nam được. Bài học về khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ thâm hụt thương mại và tỷ giá cố định vẫn còn nóng hổi đó.

Còn về chuyện giảm “đô la hóa” nền kinh tế thì cũng phải xem lại. Giả sử số đô la mua thêm được vào dự trữ ngoại hối là luồng tiền nóng nói trên và nằm im trong két sắt của NHNN (không tung ra qua hệ thống ngân hàng Việt Nam)  thì đương nhiên tổng lượng đô la đang lưu thông trong nền kinh tế vẫn không đổi như trước chứ, sao gọi được là đã giảm đô la hóa? Đây mới chỉ là một ví dụ để thấy cái kết luận này là hết sức dễ dãi, chủ quan, duy ý chí.

Bài báo viết: “Ngoài ra, sự ổn định của tỷ giá cũng là một trong những yếu tố góp phần làm cho GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế đã tăng nhanh trong mấy năm nay (nếu năm 2010 đạt 1.273 USD, năm 2011 đã tăng lên 1.517 USD, năm 2012 đã tăng lên 1.749 USD và khả năng 2013 có thể đạt 1.900 USD).”

Tớ bình luận: Cái này làm tớ phì cả cười, vì lần đầu tiên được thấy một cái lý luận hài như vậy. Như tớ viết trong bài về thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với khu vực mấy tháng trước đây. Nếu muốn làm tăng thu nhập đầu người danh nghĩa của Việt Nam ở mức thần kỳ thì cách ngắn nhất là Việt Nam tăng cung tiền thật mạnh để lạm phát tăng chóng mặt, trong khi cố định tỷ giá danh nghĩa VND thì mức thu nhập đầu người Việt Nam còn có thể tăng lên đến 3.000 USD vào năm 2014 và 4.000 USD hoặc hơn vào năm 2015 chứ chẳng chơi. Vậy cứ yên tâm mà ổn định tỷ giá (đồng thời tăng cung tiền) đi, cho có lợi đủ đường nhé, khỏi cần thậm chí phải "điều chỉnh" tỷ giá 2-3% năm nay làm gì nữa cho thiệt.

 

 

 

 

 

Thursday 5 September 2013

Lại thêm đồng chí TS Trần Du Lịch nói sai về tỷ giá


Hôm nay tớ đọc được bài này của đồng chí Lịch, thấy lý luận của đồng chí ấy giống hệt như những lý luận mà tớ đã lôi ra để phang trong các entry trước. Cứ cái đà tiếp tục phỏng vấn các đồng chí chuyên gia ở Việt Nam thế này thì khéo rốt cuộc tỷ lệ phản đối phá giá sẽ lên tới trên 99% trong tổng số người được hỏi. Nhưng thôi, lần này tớ không buông lời chê trách về trình độ của đồng chí nào nữa, kể cả đồng chí Lịch, vì xem ra chẳng thay đổi được cái gì hữu ích cả. Nhưng tớ vẫn cứ phải phang vào các lý luận của đồng chí Lịch để ... đỡ ngứa mắt.

---------------------------------------------

PHÓNG VIÊN: - Tại một cuộc hội thảo mới đây bàn về tỷ giá sau khi NHNN khẳng định không điều chỉnh tỷ giá và tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định. Nhiều chuyên gia cho rằng đây chính là nguyên nhân làm cho hàng hóa Việt Nam mất dần sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, làm cho hàng tồn kho liên tục tăng, doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Nhiều năm qua mà chúng ta có thể lấy mốc từ tháng 7-2007 đến tháng 7-2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 99,57% trong khi tỷ giá chỉ tăng 24,2%. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Vì sao NHNN ngại phá giá VNĐ? Tại sao giữ tỷ giá ổn định bất chấp lạm phát tăng luôn được coi là thành công trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam?

Tớ bình luận: Phóng viên này đang nói đến bài “Bàn tròn chuyên gia” trên TBKTSG số tuần trước, dùng ngay lời lẽ của tớ để đặt thành câu hỏi. Khá khen!
-TS. TRẦN DU LỊCH: ... Như đã biết, hầu hết sản phẩm xuất khẩu công nghiệp của Việt Nam là gia công, có nghĩa là chúng ta tùy thuộc nguyên liệu rất lớn, thể hiện qua nhập siêu rất cao, có năm lên đến 20% giá trị xuất khẩu. Như vậy, nếu phá giá, chúng ta sẽ tự nâng giá vật tư nguyên liệu đầu vào, đẩy chi phí sản xuất lên, kể cả trong nông nghiệp và công nghiệp, đặc biệt là các loại vật tư xây dựng phải nhập khẩu..

Tớ bình luận: Đồng chí này sai cơ bản tại cái điểm này (cũng giống tuyệt đại đa số đồng chí khác cũng nhầm nhọt như thế) vì kinh tế gia công không nhất thiết liên quan đến nhập siêu. Không ai nhập nguyên vật liệu với chi phí 100 USD lại xuất hàng ra nước ngoài với giá 90 USD cả, mà phải là con số nào đó, ít nhất thì cũng bằng giá nguyên vật liệu (100 USD) cộng với chi phí gia công và các loại chi phí khác, tức phải lớn hơn 100 USD. Khi tỷ giá tăng thì đương nhiên giá nguyên vật liệu cũng tăng. NHƯNG đó là giá tính theo VND, chứ không phải giá tính theo USD (nhấn mạnh nhé!), vì giá nguyên vật liệu theo USD lúc đó vẫn là 100 USD và giá xuất khẩu vẫn là trên 100 USD và cả nền kinh tế tuy vẫn là gia công nhưng vẫn thu được lợi nhuận. Các đồng chí nhớ cho kỹ nhé! Về chuyện này tớ đã nói đi nói lại nhiều rồi, trong các entry sau:
http://phan-minh-ngoc.blogspot.sg/2013/02/co-nen-pha-gia-vnd-khong.html

và các entry tiếp theo đó (trong tháng 2 đến gần đây nhất là tuần trước) về cùng chủ đề. Vì thế tớ không mất thì giờ nêu lại nữa, chỉ cầu mong các đồng chí có thời gian đọc để mà rút kinh nghiệm cho những lần phát biểu sau này.

Đồng chí Lịch: Bên cạnh đó, nợ quốc gia bằng ngoại tệ của Nhà nước và doanh nghiệp đã lên đến gần 50% GDP, mỗi lần phá giá đồng tiền, nợ tăng tính bằng VNĐ rất lớn. Chúng ta nhập khẩu xăng dầu, mỗi lần điều chỉnh tỷ giá, giá xăng dầu sẽ tăng rất mạnh. Tôi thí dụ như lần điều chỉnh tỷ giá 9,3% vào đầu năm 2011, nhiều doanh nghiệp ngủ 1 đêm sáng dậy nợ tăng 10% đối với các khoản cam kết khi doanh nghiệp thu bằng tiền đồng và phải trả bằng ngoại tệ.

Tớ bình luận: Tớ cũng nói về chuyện nợ tư và công này rồi nên không nói lại, chỉ nói thêm là vậy thì cứ vui vẻ mà xuất dự trữ ngoại hối để “bù giá” cho mấy đồng chí tư nhân đi nhé. Còn nợ công thì cũng thế, lỗ hà ra lỗ hổng thôi.
Còn về chuyện tỷ giá tăng sẽ làm hàng nhập khẩu tăng, ngoài các entry liên quan tới nói đến thì hãy đọc thêm về bài này:

để mà thấy tại sao các nước người ta không ngu xuẩn như mình khi cố gắng tìm cách kìm hãm tỷ giá như vậy. Muốn học cái khôn của thiên hạ thì hãy học ngay từ những cái tưởng biết rồi như thế này, chứ đâu xa xôi gì?

Đồng chí Lịch: Dĩ nhiên, nếu ổn định tỷ giá như hiện nay rõ ràng bất lợi cho các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu không phải nhập khẩu nhiều. Như xuất khẩu cà phê, gạo, tỷ lệ nội địa hóa lớn, phần nhập khẩu cấu tạo giá trị ít hơn một số ngành khác nên đang chịu thiệt. Nhưng nếu nhìn tổng thể nền kinh tế, nếu như chúng ta cứ điều chỉnh tỷ giá liên tục theo mức CPI trong nước, chắc chắn chi phí sản xuất sẽ tăng rất cao.
Tớ bình luận: Khổ lắm, “chi phí sản xuất tăng cao” là chi phí sản xuất tính bằng VND thôi, chứ không phải USD tnên chẳng có gì là bất lợi cho sản xuất nông nghiệp cả. Nếu để xuất khẩu, giá sẽ được tính bằng USD. Vì giá bán/xuất không đổi nên rốt cuộc biên độ lợi nhuận không thay đổi. Nếu để bán ở mấy cái chợ nội địa và giá tính bằng VND thì giá bán cũng vẫn tăng lên theo đà tăng của CPI chứ, nó có chịu đứng yên đâu? Ai bảo mớ rau, con cá bán ở các chợ xanh không tăng giá? Nếu đồng ý là có tăng thì “chi phí sản xuất tăng cao” cũng vẫn Ok chứ? Có thế thôi mà không hiểu.

Đồng chí Lịch: Đây là vấn đề được bàn luận khá nhiều ở Hội đồng Tài chính tiền tệ Quốc gia cũng như ở các cơ quan. Cuối cùng cân nhắc là điều hành tỷ giá linh hoạt, nghĩa là để cho biên độ có dao động nhưng không đặt vấn đề phá giá đồng tiền. Đó là chưa kể phá giá đồng tiền ảnh hưởng tâm lý rất lớn khi đồng tiền bị mất giá.
Tớ bình luận: Trời ạ! Tớ đã mấy lần lên tiếng khuyến nghị dẹp cái hội đồng này đi, toàn nói linh tinh, sai nhiều hơn đúng. Có mấy khuôn mặt cộm cán của cái hội đồng này thì tớ đều có vinh dự lôi lên đây hoặc lên báo chí để phang rồi, có đẹp đẽ, sáng sủa gì đâu.

Đồng chí Lịch: Thực chất việc điều chỉnh tỷ giá 9,3% đầu năm 2011 cùng việc giảm biên độ giao dịch từ 3% xuống 1% không phải là phá giá, vì trước đó VNĐ đã mất giá trên thị trường. Trên thị trường từ quý IV-2010 đã hình thành 2 tỷ giá, tỷ giá thực và tỷ giá chợ đen, nhưng sau đợt điều chỉnh đó, cơ bản trên thị trường không hình thành 2 tỷ giá mà tỷ giá hướng dẫn của NHNN phù hợp với giao dịch của thị trường cung cầu về ngoại tệ.
Tớ bình luận: Liều, nhảm có cỡ!

Đồng chí Lịch: Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, bên cạnh việc giữ ổn định tỷ giá cũng cần phải điều chỉnh ở mức độ phù hợp để nông nghiệp không bị thiệt hại do tỷ giá. Năng lực cạnh tranh của từng ngành tùy thuộc tỷ giá từng phần, còn phần lớn hơn là phụ thuộc năng suất và năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Chúng ta nên có một số biện pháp hỗ trợ nông nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất, tăng cạnh tranh và chất lượng chứ không nên chỉ nhìn vào vấn đề tỷ giá để giải quyết căn cơ.
Tớ bình luận: Rồi, cứ “hỗ trợ” đi rồi yên tâm và chuẩn bị tinh thần bị các nước nhập khẩu áp dụng thuế chống phá giá và trợ cấp nhé!

Đồng chí Lịch: Đây là vấn đề khá lớn. Hiện nay sau 6 năm tham gia WTO, xuất khẩu gia tăng mạnh nhưng cũng bộc lộ năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam yếu kém, đặc biệt là chi phí cao. Gốc vấn đề là ở chỗ Việt Nam có năng suất lao động quá thấp, những năm qua, nhìn trên tổng thể nền kinh tế, tăng tiền lương, tăng các loại chi phí nhanh hơn tăng năng suất. Mặt khác, rất nhiều loại chi phí doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu nhưng ở các nước không có như chi phí cảng, chi phí vận tải, các loại phí khác mà doanh nghiệp phải chịu, làm nâng giá thành sản phẩm.
Tớ bình luận: Cứ tăng cung tiền lắm vào thì lạm phát tăng và do đó các loại tiền lương và chi phí phải tăng nhanh hơn năng suất lao động là đúng rồi, không tránh được. Nguyên nhân là đấy chứ còn ở đâu mà phải tìm loanh quanh?

Và tớ thề là đã không tin vào mắt mình khi được đồng chí Lịch cho biết rằng các doanh nghiệp ở nước ngoài không phải gánh nhiều loại chi phí như chi phí cảng, vận tải v.v... như ở Việt Nam.

Đồng chí Lịch: Yếu tố tiếp theo là do công nghệ lạc hậu, chủ yếu gia công nên tính cạnh tranh cũng giảm xuống. Tổng thể để nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, yếu tố tỷ giá chỉ là một phần nhỏ, yếu tố lớn nhất là Chính phủ và Nhà nước phải cung cấp tốt hơn các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và xã hội để doanh nghiệp được hưởng phí tổn thất.

Tớ bình luận: Rốt cuộc cũng đến điểm này. Nếu đã thừa nhận tỷ giá là một yếu tố (dù chỉ là phần nhỏ) thì (trong lúc chưa cải thiện được những yếu tố khác) sao lại không dám công khai thừa nhận và tiến hành “điều chỉnh” đi? Sao cứ lấp liếm, vòng vo, loanh quanh, cộng với sự “kiên định không phá giá” ngu xuẩn như hiện nay thế?

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).