Friday 26 October 2012

2 ý kiến đóng góp vào Báo cáo KT - XH của Chính phủ (Bài đăng trên Đại biểu Nhân dân)

08:34 | 27/10/2012
 
Thủ tướng Chính phủ đã trình bày bản báo cáo trên trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XIII. Báo cáo sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Bài viết này muốn góp ý 2 điểm chính cần tập trung thảo luận.
Góy ý đầu tiên. Có thể thấy toát ra từ Báo cáo là tâm lý ưu tiên cho các hành động và thành quả mang tính ngắn hạn và theo tư duy định kỳ nhằm đạt các chỉ tiêu về KT - XH đã được Quốc hội thông qua.
Điều đáng nói là chính vì tâm lý chạy theo các mục tiêu ngắn hạn thế này nhiều khi sẽ nảy sinh những tác động tiêu cực trong trung và dài hạn. Một ví dụ cụ thể là việc kiềm chế lạm phát. Chính phủ “trong những tháng cuối năm nay sẽ thực hiện các biện pháp để giữ mức lạm phát cả năm khoảng 8%”, theo bản báo cáo. Dòng chữ này tuy ngắn nhưng chứa đựng ít nhất một thông điệp lớn rằng Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp cả cũ và mới, nếu cần thiết, để kìm giữ lạm phát dưới 8%.
Thực ra lạm phát nếu đã ở mức 8% thì cũng không khác biệt bao nhiêu so với mức lạm phát 2 con số ví dụ 10% hay 15%. Điều khác biệt thực sự chỉ là ở cái ngưỡng tâm lý lạm phát 1 con số hay 2 con số mà thôi, chứ không phải ở tác động tiêu cực nhiều hơn hay ít hơn (đáng kể) lên phát triển KT - XH. Bởi vì ngay ở mức 8% thôi, lạm phát ở Việt Nam vẫn cần phải được coi là mức khá cao nếu so với khu vực và thế giới, và so với chính Việt Nam những năm trong thập kỷ trước.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi đến cuối năm, triển vọng lạm phát sẽ không dừng lại ở con số 8% như dự tính? Tất nhiên, lúc đó, ngoài những biện pháp rất chung chung và đã quá quen thuộc mà năm nào, báo cáo nào cũng nhắc đi nhắc lại, một số biện pháp mới, mà chắc chắn đa phần mang tính hành chính, sẽ lại được những người có trách nhiệm đưa ra. Dù cũ hay mới, với cường độ như cũ hoặc mạnh hơn, tất cả những biện pháp này đều nhằm khóa mức lạm phát theo báo cáo ở mức 8% cho đến hết năm nay, bất chấp hậu quả để lại cho (các) năm tới.
Ví dụ dễ thấy cho tình trạng này là giải pháp không cho phép một số ngành, doanh nghiệp tăng giá một số hàng hóa dịch vụ nào đó, ví dụ, xăng dầu, điện, nước, học phí, phí y tế v.v… trong một thời gian nào đó. Tuy những giải pháp này có thể ở một mức độ nào đó có tác dụng kìm giữ lạm phát không tăng lên ngay lập tức, nhưng đó chỉ là một hành động tương tự như việc chườm đá lên một cái nhọt đang sưng, và rốt cuộc cái nhọt sẽ vỡ ra, sớm hay muộn.
Lạm phát trong tháng 9 vừa rồi tăng mạnh đến 2,2% được quy kết cho nguyên nhân là quản lý giá cả không khéo léo làm cho một loạt ngành như xăng dầu, điện, giáo dục, y tế chọn cùng thời điểm để tăng giá. Nhưng nếu lật ngược lại vấn đề, vì việc kìm tăng giá những hàng hóa và dịch vụ nói trên không thể kéo dài mãi nên đến một lúc nào đó thì giá cả các hàng hóa đó phải được thả ra, vậy thì việc kìm hãm như trên chỉ có tác dụng làm đẹp số liệu trong một hạn định nào đó (cụ thể là cho đến trước tháng 9 vừa rồi), chứ không có, nếu không muốn nói là ngược lại, tác động tích cực gì đến ổn định kinh tế vĩ mô sau hạn định đó cả. Nếu không thả viện phí, học phí, giá điện, xăng v.v…, lạm phát tháng 9 có thể không tăng tới mức 2,2% nhưng chắc muộn nhất thì đến năm sau lạm phát của một tháng nào đó sẽ phải tăng vọt để bù lại cả một thời gian bị kìm hãm trước đó. Với cung cách điều hành nền kinh tế như vậy thì vô hình trung khuyến khích có các giải pháp ngắn hạn (chủ yếu là hành chính) mang tính bất ổn nhiều hơn là bền vững trong trung và dài hạn.
Với phân tích như trên, nên chăng Quốc hội không nâng lên đặt xuống từng điểm thập phân của mỗi 1 điểm % trong các chỉ tiêu như lạm phát, tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu, tiền tệ và tín dụng v.v… và coi đó như chỉ tiêu pháp lệnh để đánh giá chất lượng điều hành của Chính phủ và/hoặc một thành viên nào đó? Suy cho cùng, việc này, nếu tiếp tục tồn tại, cũng sẽ không còn mấy ý nghĩa khi mỗi lần thấy khả năng không đạt được mục tiêu, Chính phủ lại xin điều chỉnh, và Quốc hội thì thường là thông qua.
Điểm thứ hai muốn góp ý là sự cần thiết phải yêu cầu Chính phủ có những hành động cụ thể chứ không chỉ là những lời nói chung chung luôn luôn được lặp đi lặp lại với tần suất lớn. Chẳng hạn, trong phần Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Báo cáo nêu ra một loạt các biện pháp mà không cần nói thì cũng biết phần lớn chúng đã được đề cập đến từ lâu rồi. Điều người đọc quan tâm không phải là (người đứng đầu) Chính phủ đã có những chỉ đạo gì, quy định gì, triển khai gì v.v… mà là Chính phủ đã đạt được những gì, tiến được bao xa với những biện pháp/chỉ đạo/quy định đó, triển khai cụ thể những biện pháp đó vào thực tiễn như thế nào v.v… Nói cách khác, cái cần được biết là kết quả thực tiễn của các biện pháp chứ không phải là bản thân các biện pháp đó.
Vì những biện pháp này hay biện pháp khác đã được Chính phủ nêu ra trước đây, nên điều Quốc hội cần làm không phải là nghe Chính phủ trình bày và yêu cầu Chính phủ phải có (thêm) các giải pháp khắc phục các yếu kém về KT - XH hiện thời. Thay vào đó, phải chăng Quốc hội nên có thêm một động thái là thảo luận và bỏ phiếu cho chất lượng điều hành của Chính phủ trên phương diện thực hiện các chủ trương, đường lối phát triển chung của Đảng, Nhà nước (ví dụ việc thực hiện 3 đột phá chiến lược)?

Friday 19 October 2012

Xử lý nợ xấu - Bắt đầu từ đâu và như thế nào? (Bài đăng trên Đại biểu Nhân dân)

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=261526

08:58 | 20/10/2012
Nợ xấu, một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay, đã được nhắc đến nhiều trong phiên họp của UBTVQH tuần này và chắc chắn sẽ còn được thảo luận nhiều trong Kỳ họp thứ Tư Quốc hội Khóa XIII khai mạc ngày 22.10 tới. Dẫu vậy, chuyện xử lý nợ xấu thế nào là điều còn đang rất mơ hồ, và vẫn chưa được định hình trong giới hoạch định chính sách. Bài viết này gợi ý một số bước đi trong xử lý nợ xấu.
Vì nợ xấu phát sinh từ các ngân hàng thương mại nên chủ thể đầu tiên cần phải tích cực và tự giác xử lý nợ xấu chính là các ngân hàng thương mại. Điều đáng ngạc nhiên là hiện nay hầu như trách nhiệm xử lý nợ xấu lại dường như được dồn lên các cơ quan hữu trách nhà nước. Người ta vẫn còn đang băn khoăn có nên thành lập các công ty mua bán nợ xấu (AMC) trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay không, có nên mở rộng mô hình Công ty quản lý tài sản (DATC) thuộc Bộ Tài chính hay không, có nên dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu không v.v..., mà không mấy nhắc đến vai trò chính của các ngân hàng thương mại, buộc họ phải tích cực dọn dẹp đống nợ mình đã để lại trong quá trình kinh doanh nhiều bất cẩn chạy theo lợi nhuận như vừa qua.
Còn phía ngân hàng thương mại thì cũng rất ngạc nhiên khi ta thấy họ hầu như chẳng có mấy động thái gì để chứng tỏ họ đang dốc sức, quyết tâm xử lý nợ xấu để làm lành mạnh hoạt động của mình. Ngay đến việc báo cáo tỷ lệ nợ xấu của mình chính xác là bao nhiêu thì hầu như cũng chẳng có ngân hàng nào thực hiện (được), và vì thế việc xử lý nợ xấu trong tình huống này cứ như thể bảo bác sĩ chữa bệnh mà người bệnh chỉ thò mỗi ngón tay ra cho xem. Dường như đang có một thái độ ỷ lại vào sự cứu trợ và can thiệp của Chính phủ trong việc xử lý những hậu quả do chính các ngân hàng làm nảy sinh với suy nghĩ rằng Chính phủ không thể để các doanh nghiệp phá sản hàng loạt vì không tiếp cận được vốn vay ngân hàng, vì thế sẽ phải làm cái gì đó để cứu trợ cho cả hệ thống ngân hàng.
Vậy, bước đầu tiên cần làm là buộc các ngân hàng thương mại tích cực và tự giác xử lý nợ xấu. Để làm được điều này thì trước tiên NHNN phải tổ chức thanh tra chọn mẫu một số ngân hàng thương mại để biết được mức độ nợ xấu thực sự, mức dự phòng rủi ro, thị giá và loại hình tài sản thế chấp v.v... của từng ngân hàng trong hệ thống. Đồng thời với đó là mạnh tay với việc xử phạt nếu phát hiện các ngân hàng thương mại khác không làm nghiêm túc việc kiểm toán, thanh tra nội bộ (theo các quy trình và tiêu chuẩn đã quy định) để xác định những vấn đề tương tự. Việc này là để khuyến khích các ngân hàng tự giác với mức nợ xấu thực tế của mình mà NHNN không cần phải bỏ công đi thanh tra từng ngân hàng một.
Tiếp đến, sau khi đã biết được mức độ nợ xấu nói chung của hệ thống và của từng ngân hàng nói riêng, cũng như mức dự phòng rủi ro và thị giá của các tài sản thế chấp của họ, NHNN sẽ cần thiết phải buộc những ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu quá mức quy định/hoặc mức được cho là nguy hiểm (có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống) gấp rút xử lý trong một thời gian hạn định (ví dụ, 6 - 9 tháng) nhằm đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn (bằng những cách ví dụ như bán nợ, thanh lý tài sản thế chấp, sử dụng trích lập dự phòng và lợi nhuận v.v...). Quá trình xử lý gấp rút, trong một hạn định như thế này có thể sẽ rất thiệt thòi cho ngân hàng thương mại đó nhưng đây là một việc cần thiết và phải thực hiện hết sức nghiêm túc để lập lại kỷ cương trong hệ thống. Bất kể ngân hàng nào không thực hiện nghiêm túc việc xử lý này cần phải có chế tài mạnh từ NHNN.
Đồng thời với quá trình xử lý nợ xấu ở các ngân hàng, Nhà nước cũng cần phải hoàn thành các khuôn khổ luật pháp chưa hoàn chỉnh (nếu có) để quá trình xử lý nợ xấu diễn ra trôi chảy hơn (ví dụ những rắc rối pháp lý liên quan đến việc phát mại tài sản thế chấp, nếu có).
Sau khi đã thực hiện xử lý nợ xấu ở bước thứ nhất (cấp độ từng ngân hàng thương mại), Chính phủ và NHNN sẽ nắm được một bức tranh đầy đủ hơn về những vấn đề tồn đọng, chẳng hạn quy mô và bản chất/cấu thành của khối nợ xấu còn lại mà không thể giải quyết được ở bước thứ nhất bởi từng ngân hàng thương mại. Tùy theo quy mô nợ xấu tồn đọng, NHNN và Chính phủ ở bước thứ hai có thể phải cân nhắc đến những giải pháp mang tính hệ thống hơn như dùng ngân sách để xóa nợ cho một nhóm con nợ nào đó (ví dụ các đối tượng được NHNN chỉ định cho vay), cho một nhóm con nợ nào đó được vay vốn từ ngân sách để trả nợ ngân hàng thương mại, thành lập AMC với nguồn vốn từ ngân sách để mua nợ xấu tồn đọng với giá chiết khấu tối đa (mang tính bắt buộc đối với ngân hàng thương mại phải bán nợ xấu cho AMC này nếu không còn bán được ở nơi khác).
Ở bước thứ ba, NHNN sẽ phải cân nhắc việc quốc hữu hóa (toàn bộ hoặc từng phần) hoặc cho phá sản một số ngân hàng nào đó mà tất cả các biện pháp trên vẫn không giải quyết được hết nợ xấu, đến mức mà phần nợ xấu còn lại ăn lạm cả vào một phần hoặc toàn bộ vốn chủ sở hữu. Cũng tương tự như trên đã đề cập, các khuôn khổ pháp lý cho những biện pháp này (ví dụ việc buộc các cổ đông sở hữu phải giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần tương ứng, việc NHNN cử cán bộ của mình vào các vị trí quản trị ngân hàng v.v...) cũng cần phải được hoàn thiện song hành.
Trong quá trình xử lý theo các bước nói trên, một nguyên tắc cần được quán triệt là phải tối thiểu hóa nguồn lực công nếu cần phải sử dụng đến, và tối đa hóa các nguồn tài chính từ chính các ngân hàng thương mại có nợ xấu. Nguồn lực công có thể là từ ngân sách (hoặc thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ) hay từ NHNN và điều này không quan trọng vì đằng nào thì gánh nặng tài trợ cũng sẽ dồn lên NHNN và kết thúc ở việc NHNN bơm tiền cho hệ thống.
Song song với các bước giải quyết nợ xấu, điều không kém phần thiết yếu là NHNN phải tiếp tục củng cố và xiết lại các tiêu chuẩn hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng để không làm phát sinh thêm nợ xấu. Chính phủ nói chung cũng phải có những động thái tích cực, ví dụ như ngừng các chỉ đạo cho vay (ưu đãi) một số nhóm đối tượng nào đó, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước v.v... để sao cho cho vay thương mại sẽ chỉ còn đơn thuần được tiến hành trên những cân nhắc mang tính thị trường giữa các bên liên quan.

Thursday 18 October 2012

Kết quả thực tế cho kiến nghị chính sách kiểu của 2 đồng chí TS Phạm Đỗ Chí và Vũ Viết Ngoạn


Trong mấy bài viết đi và phản hồi lại của tớ với 2 đồng chí TS này trên TBKTSG và cả trên blog này, tớ đã vạch ra cái sai lầm về khuyến nghị chính sách của 2 đồng chí theo mô hình IS-LM là nới lỏng chính sách tiền tệ để hạ lãi suất nhờ đó kích thích đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng.

Cụ thể, tớ nói rằng mô hình IS-LM dựa trên giả thiết cơ bản rằng đầu tư chỉ phụ thuộc vào lãi suất. Nhưng thực tế thì đầu tư còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có việc doanh nghiệp tiếp cận được với vốn tín dụng ngân hàng. NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ để/sẽ dẫn đến hạ lãi suất nhưng điều này lại không nhất thiết sẽ dẫn đến làm tăng đầu tư vì ngân hàng lúc đó có cho doanh nghiệp vay hay không là chuyện khác, và rất có thể ngân hàng sẽ khắt khe hơn về tiêu chuẩn được vay vốn khi đầy nợ xấu và rủi ro phá sản. Rốt cuộc thì tăng trưởng tín dụng và đầu tư sẽ không được như kỳ vọng.

Nay thì ngay cả đồng chí Chí trong bài viết mới nhất của mình cũng phải thừa nhận rằng nới lỏng chính sách tiền tệ (tăng hơn 10% trong 9 tháng, mà theo đồng chí ấy thì là “vừa phải”) và lãi suất đã hạ nhưng tín dụng vẫn tăng “nhỏ giọt” (sic). Tức là kịch bản mà đồng chí Chí và Ngoạn dựng nên trong kiến nghị chính sách của họ đã không xảy ra.

Nói qua vậy thôi để mong đây là một bài học kinh nghiệm cho những học giả/học thật trước khi động chạm gì đến lý thuyết thì cần phải có sự hiểu biết một cách thực sự lý thuyết đó. Tuyệt đối cần tránh tình trạng dùng những lý thuyết/mô hình với những khái niệm và ký hiệu (toán học) lằng nhằng để làm le với thiên hạ, theo kiểu khoe chữ và làm hàng.

Cũng qua cái sự việc nêu trong entry này, sự ngớ ngẩn trong cái kiểu kiến nghị chính sách của đồng chí Bùi Kiến Thành (NHNN in tiền thật nhiều cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất cực thấp để ngân hàng thương mại cho vay lại doanh nghiệp với lãi suất thấp...) cũng đã được vạch ra. Hy vọng đến một lúc nào đó những cái loa gây nhiễu kiểu này sẽ tự censored/tự kiểm duyệt và đục bỏ.

Sunday 14 October 2012

Chuyện về Moody’s và Standard and Poor’s


Tuần trước nữa và tuần vừa rồi tớ đã thu xếp đến gặp 2 đồng chí Moody’s và Standard and Poor’s (S&P) ở Singapore để hỏi cho ra nhẽ tại sao 2 đồng chí ấy tuy cùng là hãng xếp hạng tín nhiệm lại có hành động mâu thuẫn nhau đến vậy (đồng chí Moody’s thì cuối tháng 9 đã hạ hạng tín nhiệm của Chính phủ Việt Nam và một số ngân hàng Việt Nam, còn đồng chí S&P thì lại sửa lại triển vọng hạng tín nhiệm của Chính phủ Việt Nam từ Tiêu cực thành Ổn định và cũng cuối tháng 9 vừa rồi lại nâng hạng của một số ngân hàng thương mại Việt Nam).

Nhìn chung, có thể nói 2 đồng chí này ở 2 thái cực khác hẳn nhau. Một đồng chí thì quá tiêu cực và lo xa, nhưng ẩu (Moody’s). Đồng chí còn lại (S&P) thì quá tích cực và hời hợt, nhưng cả tin.

Về Moody’s, các đồng chí ấy lo ngại rằng nợ xấu và thiếu hụt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng sẽ là một gánh nặng rất nặng chất lên vai Chính phủ và Chính phủ không thể trốn tránh được khỏi nghĩa vụ phải nhảy vào cứu trợ hệ thống ngân hàng trong khi bản thân (Chính phủ) thì nợ đầm đìa, khó mà xoay xở ở đâu được. Tăng trưởng chậm lại cũng làm khuyếch đại những khó khăn của Chính phủ thêm nữa.

Sau một hồi tớ vặn vẹo thì các đồng chí Moody’s cũng phải thừa nhận rằng sự cứu trợ này của Chính phủ, nếu có, thì cũng có hạn (chứ không phải cần bao nhiêu thì đáp ứng bấy nhiêu) và cũng không thể xảy ra ngay nay mai được. Mà như vậy thì lại mâu thuẫn với lập luận ban đầu của các đồng chí ấy để làm cơ sở để hạ hạng tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam như nói ban đầu. Cuối cùng, các đồng chí ấy đành bào chữa rằng hành động vừa rồi của các đồng chí ấy là hành động mang tính phòng xa, đi trước sự việc (ring-fencing), có nghĩa là cảm thấy sẽ xảy ra thế thì hành động luôn, chứ không chờ cho đến khi sự việc xảy ra rồi thì mới hành động!

Trong quá trình thuyết minh, các đồng chí ấy đưa ra một vài bảng biểu với đồ thị ước tính mức độ nợ xấu của Việt Nam và theo đó là mức độ vốn cứu trợ (tái cấp vốn) cần thiết cho hệ thống ngân hàng mà mức cao nhất là (tương ứng với tỷ lệ nợ xấu là 30%) chỉ là tương đương với 11% của GDP. Nghe thì cũng hơi hơi... kinh (vì tớ không nghĩ nó lại ... thấp thế!) để minh họa cho tính nguy cấp, trầm trọng của vấn đề nợ xấu và nhu cầu can thiệp của Chính phủ. Nhưng vấn đề là các đồng chí ấy sử dụng số liệu có đến năm 2011 thôi! Thế thì tớ mới có cái cớ để hỏi xoáy rằng tại sao các đồng chí ấy không hạ hạng tín nhiệm ngay từ đầu năm (cùng lắm là cuối quý 1 hoặc sang quý 2), khi các loại số liệu mà các đồng chí ấy sử dụng trong các bảng biểu và đồ thị trên được công bố? Sao phải chờ đến tận cuối tháng 9?

Điều đáng nói là sau cái ngày bọn tớ viếng thăm đó 2 ngày (tức vào thứ 2 tuần qua), các đồng chí ấy lại gửi cho tớ một bản Special Comment chính thức (hình như có đăng trên website của Moody’s), trong đó cũng có những bảng biểu với đồ thị như trước, nhưng điều đáng nói hơn nữa là các số liệu gánh nặng tái cấp vốn của Chính phủ lại tăng vọt, từ 11% trong ước tính hôm gặp bọn tớ vọt lên đâu như 20-30% của GDP gì đó, và tất nhiên vẫn là tính trên số liệu cuối năm 2011. Lên bao nhiêu thì không quan trọng lắm bằng cái bản chất sự việc là các đồng chí ấy đã phải sửa sang số liệu trước và sau khi công bố chính thức. Điều này cũng chứng tỏ các đồng chí ấy hành động khi chưa có một cơ sở chắc chắn cho các nhận định làm nền tảng cho các hành động điều chỉnh hạng tín nhiệm.

Vì những vấn đề ấm ớ như trên nên tớ khi viết báo cáo nội bộ phải cố vắt óc nghĩ ra một lý do khả dĩ hơn để làm nhẹ “tội phán mò” của các đồng chí Moody’s. Cuối cùng thì tớ cũng tìm ra được một chi tiết, đó là chuyện Moody’s đề cập đến việc bắt đồng chí bầu Kiên, và bình luận thêm rằng việc bắt giữ này gây ra quan ngại cho Moody’s và họ cũng không nghĩ rằng sự việc tương tự chỉ dừng lại ở ACB (mặc dù các đồng chí ấy có vẻ cũng chẳng biết nhiều về những chuyện này, và cũng có vẻ cũng không sẵn sàng để nói về chúng lắm). Từ đó, tớ mới triển khai thêm rằng phải chăng đây mới chính là một (trong những) lý do thực sự để Moody’s đến thời điểm này mới hạ hạng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam, khi lo ngại rằng nếu có các hành động bắt bớ hoặc trấn chỉnh mạnh tay của các cơ quan có thẩm quyền sẽ gây ra một cơn chấn động trong toàn hệ thống làm tăng đột ngột rủi ro đổ vỡ hệ thống và Chính phủ buộc phải nhảy ngay vào can thiệp và cứu trợ đúng như kịch bản mà các đồng chí ấy vạch ra? Nếu đúng Moody’s nghĩ vậy thì còn thông cảm được. Bằng không thì buồn lắm, các đồng chí Moody’s à! Chắc cũng đoán được những “băn khoăn” của tớ trong buổi gặp gỡ, mấy đồng chí Moody’s này 2, 3 lần gửi email nhắc tớ là nếu cần trao đổi thêm thì cứ cho biết. Nhưng tớ thì vốn lịch sự nên đành trả lời là để bọn tớ nắm lại vấn đề đã rồi có gì hỏi thêm sau, để cho các đồng chí ấy còn đường mà làm ăn, vì rõ ràng là các đồng chí ấy đã rất nao núng.

Về S&P, các đồng chí này thì theo kiểu thấy đâu nói đó, rất cả tin. Chẳng hạn, các đồng chí ấy thấy anh Bình nhà ta (thống đốc NHNN) tuyên bố cái này cái kia, quyết tâm làm cái này cái kia (tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, khống chế tăng tín dụng cho ngành phi sản xuất v.v...) thì tin sái cổ rằng anh Bình đang làm thật và kết quả có tốt hơn thật. Các đồng chí ấy còn khen anh Bình hết lời, nào là con người của đổi mới, nào là con người của minh bạch (là Thống đốc lần đầu tiên công bố tỷ lệ nợ xấu cao hơn con số báo cáo của các ngân hàng thương mại, là người mạnh tay áp đặt các chuẩn mực hoạt động nghiêm khắc hơn cho hệ thống ngân hàng v.v...). Cũng tương tự, các lời khen ngợi được dành cho các chính sách vĩ mô của Chính phủ, nào là đã thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, chấp nhận giảm tăng trưởng tín dụng (giảm tăng trưởng GDP) để ổn định vĩ mô. Từ đó, hệ thống ngân hàng thương mại dần đi vào ổn định, và S&P thấy là cần phải tăng hạng của họ lên. Xong! Rất đơn giản và... dễ hiểu!

Tớ nghe các đồng chí này nói một hồi về những chuyện tốt đẹp trên mà ù hết cả tai, bèn chỉ dám khẽ khàng hỏi lại là thế các đồng chí có biết rằng chính sách tiền tệ thực tế là nới lỏng rất mạnh không (10,5%/9 tháng), có biết tại sao tín dụng chỉ tăng 2,5%/9 tháng không (mà không phải là do chính sách kiềm chế tăng trưởng tín dụng đâu), có biết anh Bình hứa nhiều nhưng chẳng làm được bao nhiêu không, Chính phủ thực tế đang thi hành những chính sách ngược lại với ý định ban đầu không v.v... Tức là những cái các đồng chí S&P ca ngợi và lấy đó làm cơ sở để nâng hạng tín dụng của các ngân hàng thực ra đã không còn tồn tại, nếu có. Và vì thế hành động nâng hạng của các đồng chí như vừa rồi rất là vội vã, dựa trên những hiểu biết hời hợt về Việt Nam – superficial – là từ mà tớ dùng trong báo cáo nội bộ của mình.

Không biết các đồng chí S&P có khách sáo không, vì khi tớ phản biện lại, các đồng chí ấy thỉnh thoảng lại nói “justified”, và tỏ ý sẽ trao đổi với tớ sau này. Tớ trộm nghĩ khéo mà mình có ảnh hưởng to lớn đến các quyết định xếp hạng của S&P chứ chẳng chơi! Nhưng có điều chắc chắn là S&P sẽ không tăng hạng của Việt Nam ít nhất là hết năm 2013. Khả năng đánh tụt hạng là nhiều hơn, nhất là sau khi các đồng chí ấy ngộ ra nhiều chuyện ở Việt Nam, nhờ cuộc nói chuyện với tớ! Thế thì cũng gay go cho tớ quá lắm!

Friday 12 October 2012

Một số dự đoán cho xu hướng chính sách tiền tệ năm 2013 (Bài đặt của một báo nhưng không được đăng)


(Một phiên bản bài này cuối cùng cũng được đăng trên Vneconomy. Biên tập ẩu quá.

Chính sách tiền tệ (CSTT) đã bước vào quý 4 và để lại một số điểm đáng chú ý đằng sau nó như tổng phương tiện thanh toán (cung tiền của NHNN, M2) đã tăng tới 10,4% trong tháng 8 so với cuối năm 2011. Tương ứng, tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng cũng tăng 11,2% trong cùng kỳ. Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng (tính đến 20/9) chỉ tăng 2,4% so với cuối năm 2011. Lạm phát đã quay trở lại một cách rõ nét với mức tăng trong tháng 9 vọt lên 2,2% so với tháng 8 và 6,2% so với tháng 12/2011, chấm dứt thời kỳ của cái gọi là “suy thoái kép”, mà một số người lo lắng sai lầm đã gán ghép cho nó khi lạm phát theo tháng giảm liên tục trong một số tháng, thậm chí xuống mức âm như vừa qua và tăng trưởng GDP theo quý cũng chững lại.

Trong bối cảnh trên, CSTT sẽ theo hướng nào trong thời gian tới là một vấn đề đáng quan tâm. Liệu M2 sẽ nên tiếp tục tăng với tốc độ tương tự năm nay, tức tới trên 15% (10,4% trong 8 tháng đầu năm, cộng thêm tối thiểu 5% cho 4 tháng còn lại của năm khi nhu cầu phương tiện thanh toán thường tăng mạnh, cũng như nhu cầu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hơn nữa từ mức tăng “lẹt đẹt” trong suốt cả 9 tháng qua? Câu trả lời là không nên. Bức tranh kinh tế vĩ mô của 9 tháng qua khác nhiều so với những tháng còn lại của năm nay và sang năm tới.

Khác biệt đầu tiên là áp lực lạm phát đã gia tăng trở lại rõ nét, thu hẹp đáng kể dư địa cho CSTT nới lỏng của NHNN. Nếu như từ đầu năm nay NHNN đã dốc sức bơm tiền để “cứu” thanh khoản, để “cứu” tăng trưởng tín dụng nhằm “cứu” doanh nghiệp, sự bơm tiền mạnh đó chưa làm tăng đáng kể áp lực lạm phát. CSTT cần một độ trễ nhất định (vài tháng, thậm chí là 2, 3 quý) để phát huy tác dụng. Nay cũng là thời điểm để sự bơm tiền này phát huy tác dụng, thông qua chỉ báo CPI đã quay đầu tăng vọt. Thêm nữa, việc bơm tiền của NHNN thời gian vừa qua “may mắn” diễn ra trong bối cảnh tổng cầu suy giảm mạnh nên áp lực lạm phát nếu có cũng vì thế mà dịu bớt.

Khác biệt thứ hai, môi trường kinh tế thế giới đã có một số diễn biến đáng chú ý khi đồng hành với các gói kích thích kinh tế và nỗ lực bơm tiền của NHTW các nước, giá cả thế giới đã tăng mạnh ở nhiều loại hàng hóa nhập xuất nhập khẩu ở Việt Nam. Vì thế, yếu tố lạm phát đẩy sẽ phối hợp với yếu tố lạm phát từ cầu kéo do cung tiền trong nước tăng sẽ củng cố thêm xu hướng tăng của lạm phát ở Việt Nam trong thời gian tới.

Khác biệt thứ ba, bất chấp ai đó liên tục lôi chuyện doanh nghiệp phàn nàn khó khăn, phá sản, liên tục nói đến nguy cơ suy thoái, thực tế là kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng và mạnh dần lên, ở mức không thể gọi là không khả quan được, 4% quý 1, 4,7% quý 2 và 5.4% trong quý 3, đặc biệt trong bối cảnh toàn thế giới đang suy giảm tăng trưởng. Điều này chứng tỏ tổng cầu đã phục hồi và tăng trưởng khá mạnh ở Việt Nam, làm triệt tiêu hoặc ít ra là bớt đi nhu cầu cấp thiết phải nới lỏng CSTT để kích thích tăng trưởng như ở nhiều nước trên thế giới.

Với những yếu tố trên, sự tiếp tục nới lỏng CSTT ở mức độ lớn như năm nay trong năm tới chắc chắn sẽ đẩy Việt Nam vào lại vòng xoáy lạm phát mới.

Tuy vậy, có một số lý do mà NHNN có thể sẽ buộc phải duy trì CSTT nới lỏng ở mức độ lớn trong năm sau. Lý do thứ nhất, áp lực từ chiêu bài tăng cung tiền để “cứu” tăng trưởng tín dụng nhằm “cứu” doanh nghiệp không phải là dễ bỏ qua đối với NHNN. Cho dù rõ ràng tăng trưởng tín dụng “lẹt đẹt” như thời gian vừa qua không phải có nguyên nhân từ việc thắt chặt CSTT của NHNN, nhưng vẫn có nhiều tiếng nói kể cả của giới chuyên gia, quan chức, và Quốc hội đòi hỏi NHNN tiếp tục “hỗ trợ” ở phương diện này. Và cũng dễ thấy là NHNN không hiếm khi phải thay đổi lập trường của mình trước những áp lực như vậy.

Lý do thứ hai, với cục nợ xấu vốn đã lớn và lại có nguy cơ tiếp tục phình ra nhanh chóng song hành với sự đi xuống của thị trường bất động sản trong khi việc tái cơ cấu ngân hàng gần như án binh bất động và việc giải quyết nợ xấu vẫn còn đang ở giai đoạn... tranh cãi xem nên làm thế nào, thì  áp lực cứu thanh khoản cho hệ thống lên NHNN ngày càng lớn. Chắc chắn rằng trong số 10,4% tăng trưởng M2 nói trên có không nhỏ một tỷ lệ là dành cho cứu trợ thanh khoản trên toàn hệ thống. Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s vừa rồi hạ hạng tín dụng của Việt Nam cũng chủ yếu vì lý do lo ngại rằng nhu cầu lớn về vốn cho việc tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng để dọn dẹp nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ đặt lên vai Chính phủ và việc bơm tiền từ NHNN là điều khó tránh khỏi. Trong tình huống khẩn cấp, với cam kết không để bất cứ ngân hàng nào đổ vỡ của NHNN, nhìn từ thực tế chuyện đã xảy ra ở ngân hàng ACB, không khó để hình dung một lượng tiền khổng lồ sẽ phải được bơm ra từ NHNN vào hệ thống ngân hàng để duy trì sự sống còn của cả hệ thống. Lúc đó, áp lực lạm phát và những bất cân đối vĩ mô đương nhiên là những vấn đề bị đẩy lùi lại trên bậc thang ưu tiên trong hoạch định chính sách.

Tóm lại, xu hướng CSTT sang năm tới rốt cuộc có nhiều khả năng sẽ phải theo hướng tiếp tục nới lỏng đáng kể (tức M2 sẽ tăng đáng kể) để hỗ trợ thanh khoản, tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng và kéo tăng trưởng tín dụng, bất chấp việc những người trong cuộc như NHNN có thể không mong muốn như vậy. Đồng nghĩa với điều này là lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì thấp một cách khiên cưỡng còn áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh.

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).