http://www.thesaigontimes.vn/266339/Tiep-tuc-go-nut-that-co-phan-hoa-DNNN.html
Chính phủ mới ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển
doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do
DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Theo đó, nghị định này sẽ
chặt hơn trong một số nội dung nhưng lại thoáng hơn ở mộc số nội dung khác. Do
khuôn khổ bài viết có hạn, ở đây chỉ nêu ra một số điểm liên quan đến điều kiện
và đối tượng DNNN thực hiện cổ phần hóa, đối tượng mua cổ phần là nhà đầu tư
chiến lược và giá bán cổ phần cho họ.
Thứ nhất, Nghị định 126 đã quy định chi tiết hơn về điều
kiện cổ phần hóa so với Nghị định 59/2011/NĐ-CP và các nghị định sửa đổi Nghị định
59. Theo Nghị định 126, trong trường hợp các doanh nghiệp sau khi đã được xử lý
tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp mà giá trị thực tế doanh nghiệp
thấp hơn các khoản phải trả thì chỉ các doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước tiếp
tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa mới cần phải phối hợp với
Công ty Mua bán nợ Việt Nam (VAMC) và các chủ nợ của doanh nghiệp xây dựng
phương án mua bán nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong khi đó, theo Nghị định
59, đối tượng thực hiện việc này là tất cả các doanh nghiệp thực hiện cổ phần
hóa có giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả.
Như vậy, Nghị định 126 đã mở ra lối thoát thêm cho một số
doanh nghiệp không thuộc đối tượng Nhà nước nắm trên 50% cổ phần gặp khó khăn
tài chính trong quá trình cổ phần hóa mà nếu theo các quy định cũ trước đây thì
có nhiều khả năng cứ bị treo ở đó, không cổ phần hóa được mà cũng không thể thực
hiện các hình thức chuyển đổi khác (gồm cả phá sản) được vì cứ phải thực hiện
phương án tái cơ cấu nợ thông qua VAMC và các chủ nợ vốn rất gian nan, mất thời
gian mà không chắc đã đi đến kết quả ngã ngũ gì.
Thứ hai, Nghị định 126 cũng có thêm một điểm mới liên
quan đến đối tượng cổ phần hóa, là việc Nhà nước không cấp thêm vốn để cổ phần
hóa. Quy định này có lẽ nhằm tránh khả năng nếu rót vốn thì không những Nhà nước
tự biến thành con tin của DNNN khi tiếp tục phải rót vốn khi DNNN không phục hồi
được, mà còn đi ngược lại một trong những mục đích cổ phần hóa là để giảm gánh
nặng cho ngân sách. Quy định rõ ràng như thế này đã gạt bỏ lối tư duy hiện hữu
là muốn cổ phần hóa thành công DNNN có tài chính yếu kém thì Nhà nước phải rót
vốn bổ sung để DNNN có giá trị thực tế lớn hơn 0, và/hoặc để DNNN hoạt động (bình
thường) được nhằm thu hút nhà đầu tư cho việc cổ phần hóa.
Thứ ba, về đối tượng mua cổ phần, Nghị định 126 quy định
chặt chẽ, cụ thể và chi tiết hơn về nhà đầu tư chiến lược, như phải có kết quả
kinh doanh 2 năm gần nhất có lãi, cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh
doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất
3 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược … Việc tiêu
chuẩn hóa, luật hóa các điều kiện thế này, tuy vẫn còn một số điều có thể gây
tranh cãi về sự cần thiết, ít nhất cũng tạo ra một sự minh bạch về tiêu chuẩn
và việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, giảm thiểu khả năng “chọn nhầm” những
nhà đầu tư chỉ quan tâm đến “đánh nhanh thắng nhanh”, mua cổ phần với mục đích
đầu cơ hơn là đầu tư, hoặc vì những động cơ khác (không có lợi cho Việt Nam).
Quy định rõ như vậy cũng làm giảm khả năng vận động hành lang của một số doanh
nghiệp, nhà đầu tư nhằm được chọn làm nhà đầu tư chiến lược.
Bù lại, Nghị định 126 cũng “thoáng” hơn khi quy định nhà
đầu tư không được chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm (so với
5 năm theo quy định cũ). Điều này là đỡ trói buộc hơn cho nhà đầu tư, tăng thêm
phần hấp dẫn của việc đầu tư vào DNNN.
Ngoài ra, nghị định này cũng quy định việc tổ chức bán cổ
phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc
danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa,
thay vì là mọi DNNN khi cổ phần hóa như trước đây. Tác dụng của sự thu hẹp này
là đẩy nhanh việc cổ phần hóa ở những DNNN mà Nhà nước không cần chi phối, vốn
vẫn thường bị vướng mắc ở chuyện tìm và duyệt nhà đầu tư chiến lược như hiện
nay.
Liên quan đến số lượng nhà đầu tư chiến lược, quy định mới
không giới hạn số nhà đầu tư chiến lược như trong quy định cũ (tối đa là 3). Có
lẽ sự sửa đổi này xuất phát từ thực tế có nhiều nhà đầu tư chiến lược nhưng số
cổ phần họ mua không ở mức đủ lớn nên nếu hạn chế số lượng tối đa nhà đầu tư
chiến lược thì việc cổ phần hóa qua nhà đầu tư chiến lược càng khó khăn (một
cách không cần thiết). Ngược lại, càng có nhiều nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần
(nhiều hơn số lượng muốn bán) thì giá bán cổ phần càng có thêm hỗ trợ do họ phải
cạnh tranh, đấu giá với nhau.
Thứ tư, về giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, điểm
khác biệt trong quy định mới là kết quả của cuộc đấu giá công khai ra công
chúng thường được lấy làm giá khởi điểm hoặc giá bán cho nhà đầu tư chiến lược,
và việc đấu giá hay quyết định giá bán cho nhà đầu tư chiến lược chỉ xảy ra sau
khi đã có kết quả đấu giá công khai ra công chúng. Theo quy định cũ trước đây,
vẫn có trường hợp bán cho nhà đầu tư chiến lược theo giá thỏa thuận, hoặc đấu
giá giữa các nhà đầu tư diễn ra trước khi đấu giá công khai ra công chúng, tuy
giá thỏa thuận hoặc giá đấu thành công này được quy định không thấp hơn giá khởi
điểm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, giá bán cho nhà đầu tư chiến lược theo quy định
mới sẽ công khai, minh bạch hơn, không “tù mù” diễn ra sau cánh gà chỉ một số
ít người trong cuộc mới biết, và không mang tính chủ quan như kiểu giá khởi điểm
do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như trước đây.
No comments:
Post a Comment