Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 tuần trước, Thủ tướng đã chỉ đạo "Để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, bắt đầu ngay trong tháng 3 và quý 1 năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo mở rộng tín dụng, giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên".
Trước chỉ đạo trên của Thủ tướng, có hai luồng ý kiến trái ngược. Luồng ý kiến thứ nhất thì cho rằng chỉ đạo trên sẽ lặp lại chính sách tăng trưởng kinh tế dựa vào mở rộng tín dụng trước đây, với hậu quả là sẽ tạo ra tăng trưởng nóng, gây lạm phát và mất giá bản tệ, thâm hụt thương mại và cuối cùng là suy thoái kinh tế.
Ở chiều ngược lại, có người cho rằng dù có muốn nhưng việc mở rộng tín dụng cũng không dễ bởi vì hạn chế về vốn của nhiều ngân hàng kết hợp với thực tế là cơ cấu/nhu cầu vốn cho vay nghiêng về trung và dài hạn, lãi suất huy động đang chịu áp lực tăng lên, trong khi giới hạn tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết lại. Tất cả những yếu tố này làm cho các ngân hàng thương mại khó đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Xoay quanh vấn đề thời sự này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính - TS. Phan Minh Ngọc.
PV: Ông nhận xét thế nào về thông điệp mà Thủ tướng mới truyền đi liên quan đến việc mở rộng tín dụng ngay từ đầu tháng 3?
TS. Phan Minh Ngọc: Trên thị trường đang xuất hiện 2 luồng ý kiến như bạn nói. Nhưng cần lưu ý rằng cả 2 luồng ý kiến trên đều bỏ qua một chi tiết cực kỳ quan trọng trong chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, Thủ tướng chỉ yêu cầu mở rộng tín dụng và giảm lãi suất "cho các lĩnh vực ưu tiên".
Cũng cần lưu ý thêm rằng chỉ đạo của Thủ tướng với NHNN về việc mở rộng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nêu trên không phải là một chính sách mới. Trước đó, đã nhiều lần trong mấy năm gần đây NHNN gửi công văn cho các tổ chức tín dụng yêu cầu tăng cường cho vay các lĩnh vực ưu tiên, chẳng hạn như Công văn số 5321/NHNN-TTGSNH hồi tháng 7/2018.
Do các lĩnh vực ưu tiên là có giới hạn và tín dụng dành cho những lĩnh vực này chỉ là một phần nhỏ trong tổng lượng tín dụng bơm ra nền kinh tế hàng năm (do những đặc thù của chúng, không hấp dẫn các ngân hàng thương mại cho vay) nên có thể nói ngay rằng mở rộng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên này chắc chắn sẽ không làm tăng vọt tổng tín dụng ra nền kinh tế để mà gây ra những hậu quả như nói trên.
Chưa hết, cho dù tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên có bị đẩy lên quá mạnh thì NHNN vẫn còn một chốt chặn an toàn khác là hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thương mại và cho cả nền kinh tế. Như vậy, nếu tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên có tăng mạnh lên thì buộc tín dụng cho các lĩnh vực khác, đặc biệt là những lĩnh vực rủi ro, không được khuyến khích như bất động sản, BOT, chứng khoán v.v... sẽ phải thu hẹp lại.
Từ phân tích ở trên, có thể thấy lo ngại về chuyện mở rộng tín dụng (cho các lĩnh vực ưu tiên) sẽ dẫn đến những bất ổn vĩ mô là không thỏa đáng. Thậm chí là ngược lại, việc mở rộng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên sẽ làm cho tăng trưởng trở nên bền vững hơn, lành mạnh hơn, an sinh xã hội tốt hơn.
Vậy theo ông việc mở rộng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên có khả thi hay không trong bối cảnh có nhiều ràng buộc và khó khăn như vậy?
Câu trả lời nhanh là "khả thi", với điều kiện có sự trợ giúp của NHNN.
Do việc cho vay các lĩnh vực ưu tiên có nhiều rủi ro (chẳng hạn cho vay nông nghiệp sẽ chịu rủi ro mất mùa, dịch bệnh v.v...) nên thường các ngân hàng thương mại chỉ tăng cường cho vay những lĩnh vực này khi mức độ rủi ro được san sẻ, và/hoặc chi phí cho vay được bù đắp, và/hoặc điều kiện cho vay được nới lỏng bởi NHNN, cũng như các hỗ trợ khác.
Theo hướng này, NHNN có thể cần phải nới room tín dụng, hỗ trợ lãi suất, thậm chí cam kết gánh một phần thiệt hại khi doanh nghiệp và người vay trong các lĩnh vực ưu tiên này mất khả năng chi trả v.v... cho những ngân hàng thực hiện tốt chủ trương mở rộng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên.
Cụ thể NHNN có thể hỗ trợ gánh thiệt hại và những biện pháp hỗ trợ khác như thế nào thưa ông?
Liên quan đến cam kết gánh một phần thiệt hại khi doanh nghiệp và người vay trong các lĩnh vực ưu tiên mất khả năng thanh toán, việc này có thể sẽ cần sự tham gia của các cơ quan chức năng khác bên cạnh NHNN. Chẳng hạn, việc Bộ Nông nghiệp đề xuất hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi là một trong những chính sách theo hướng này, gián tiếp giúp làm giảm rủi ro cho vay với các lĩnh vực ưu tiên, giúp các ngân hàng thương mại an tâm hơn khi cho vay các lĩnh vực này.
Những chính sách và biện pháp hỗ trợ khác thì trên thực tế đã ít nhiều được NHNN tiến hành. Và theo thống kê của NHNN, cho vay các lĩnh vực này liên tục được mở rộng. Nên nếu có thêm các giải pháp và sáng kiến khác (và được duy trì thường xuyên) thì chủ trương mở rộng tín dụng, hạ lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên sẽ được thực hiện không quá khó khăn mà vẫn không dẫn đến những rủi ro vĩ mô lớn như khi mở rộng tín dụng đại trà như trước đây.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
No comments:
Post a Comment