Tớ thấy bài này của đồng chí Vũ Thành Tự Anh
liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, chợt nhớ lại 2 bài tớ viết vào 21/2 và
22/2/2009 phản biện lại “Báo cáo Harvard” mà đồng chí này là một thành viên chắp
bút. 2 bài này tớ gửi cho VNN, tưởng cứ được đăng vì căn cứ vào thái độ rất chi
là thiện chí của ban biên tập. Thế rồi thế nào đó mà cuối cùng “bài lờ” được sử
dụng, báo hại tới phải cắt 2 bài này thành các bài nhỏ hơn theo từng chủ đề để
đăng các báo khác. Mời các đồng chí bỏ chút công sức xem qua, vì bài rất dài.
Bài 1
Một số nhận xét về những khuyến nghị chính sách của
“nhóm Harvard”
Trong tình
hình nền kinh tế suy giảm tăng trưởng do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự
lúng túng về chính sách đối phó của Chính phủ, sự ra đời của những báo cáo và
khuyến nghị về chính sách như của “nhóm Harvard” với trình độ học thuật cao của
những người chắp bút quả là một điều đáng mừng. Không phải ngẫu nhiên mà những
báo cáo kiểu này thường được đón đọc với sự trân trọng của nhiều người, có lẽ một
phần lớn là do cái thương hiệu Harvard mang lại.
Tuy vậy, nếu
chịu khó đọc và phân tích sâu một chút sẽ thấy chúng có không ít “sạn”. Hai (trích
đoạn) báo cáo gần đây nhất của nhóm này đăng trên VNN về vấn đề kích cầu và đầu
tư ở Việt Nam cũng vậy.
Trước tiên, hãy bắt đầu từ bài khuyến nghị thứ nhất được đặt dưới tiêu đề
“Kích cầu ở Việt Nam – Những khuyến nghị từ nhóm Harvard”. Bài viết bắt đầu bằng
một so sánh về khoảng trống lựa chọn chính sách, với việc cho rằng: “Những nền
kinh tế nhỏ có tỷ lệ nhập khẩu trong tổng tiêu dùng cao không thể kích cầu đơn
giản chỉ bằng cách tăng chi tiêu công và hạ lãi suất vì khi ấy, nhu cầu tăng
thêm sẽ được thỏa mãn bởi hàng nhập khẩu và việc tăng cung tiền sẽ dẫn tới lạm
phát.”
Về chuyện nhập khẩu sẽ tăng lên, điều này chỉ đúng với điều kiện là hàng
rào thuế quan và phi thuế quan không thay đổi (hoặc không tồn tại). Nếu song
song với việc tăng chi tiêu công và hạ lãi suất bằng việc tăng thuế nhập khẩu
hoặc áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu phi thuế quan khác như hàng rào kỹ
thuật, xuất sứ hàng hóa v.v... thì hậu quả của chính sách này không nhất thiết
là nhập khẩu tăng lên. Nhiều trong số những biện pháp trợ giá, cứu trợ đây đó
trên thế giới gần đây chính là một dạng của chính sách này.
Về chuyện lạm phát tăng do hạ lãi suất, điều này cũng chỉ đúng khi người có
vốn (ví dụ người gửi tiết kiệm) có nhiều lựa chọn để đa dạng hóa danh mục tài sản
và phòng rủi ro lạm phát (chẳng hạn mua vàng và ngoại tệ cất trữ, hoặc đầu tư
vào bất động sản). Nếu song song với chính sách hạ lãi suất là các biện pháp kiểm
soát hành chính, ví dụ chính sách liên quan đến việc nắm giữ và lưu thông ngoại
tệ để cho không phải ai muốn là có thể mua và nắm giữ ngoại tệ được thì việc
tăng cung tiền (hạ lãi suất) không nhất thiết dẫn đến lạm phát. Hơn nữa, ở nhiều
nước đang bị khủng hoảng như hiện nay, hạ lãi suất không dẫn đến lạm phát vì
giá trị các loại tài sản đều giảm sút mạnh không kém, nếu không muốn nói là hơn
nhiều (giống như ở Việt Nam mới mấy tháng trước đây), và bởi vậy tiền mặt vẫn
được coi là vua. Người ta chấp nhận đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ với lãi
suất bằng không vì chẳng còn biết đầu tư vào đâu để bảo toàn được tài sản của
mình nữa, chứ chưa nói đến chuyện sinh lãi.
Tiếp theo, bài viết cho rằng: “Tương tự như vậy, ở những nước có chế độ tỷ
giá cố định, khi lãi suất giảm doanh nghiệp và người dân sẽ không tiêu tiền mà
thay vào đó sẽ tích trữ vàng và ngoại tệ mạnh.” Như đã nói ở trên, điều này
không phải luôn đúng, nếu Chính phủ áp dụng nghiêm ngặt và chặt hơn các biện
pháp kiểm soát hành chính để hạn chế việc chuyển đổi và nắm giữ các loại tài sản
này (thực ra Việt Nam cũng đang áp dụng một số biện pháp kiểm soát ngoại hối
nhưng không hữu hiệu và không đủ liều lượng).
Quan trọng hơn, nếu đã là chế độ tỷ giá cố định và nếu lãi suất VND giảm đi
nhưng giả sử vẫn còn lớn hơn lãi suất ngoại tệ (hoặc vàng) ở trong nước thì người
ta cũng chẳng phải nhọc công tích trữ vàng và ngoại tệ làm gì. Nếu đem gửi tiết
kiệm bằng VND người ta vẫn có lãi hơn là gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ vốn có lãi
suất thấp hơn, và sau khi đáo hạn, chẳng hạn là một năm sau, nếu thích thì người
ta có thể quy đổi ngược lại từ VND ra ngoại tệ với tỷ giá cố định của một năm về
trước đó để thu được một khoản cả vốn lẫn lãi lớn hơn so với nếu đem gửi một
năm trước bằng ngoại tệ. Và trong bối cảnh đó, nếu chọn tích trữ ngoại tệ và
vàng để dưới chiếu không ra đồng lãi nào thì chẳng hóa ra là thiệt đơn thiệt
kép?
Sau đó, bài khuyến nghị mang trường hợp của Trung Quốc ra so với Việt Nam
và kết luận rằng không gian lựa chọn chính sách của Việt Nam rất hẹp so với nước
này. Kết quả của sự so sánh này đương nhiên là đúng như họ kết luận, nhưng câu
hỏi đặt ra ở đây là tại sao lại đi so sánh chàng lùn Việt Nam với gã khổng lồ
Trung Quốc? Tại sao không so sánh Việt Nam với những nước cũng tầm tầm như thế
trong khu vực như Indonesia, Myanmar, Philippines v.v...? Nếu so sánh với những
nước này, liệu kết luận có còn giữ nguyên? Thực ra, nếu chỉ để chứng minh rằng
không gian lựa chọn chính sách của Việt Nam rất hẹp thì chẳng cần đến một so
sánh quốc tế nào như thế này cả mà hãy xuất phát ngay từ các chỉ số kinh tế vĩ
mô của Việt Nam như thâm hụt ngân sách, cán cân vốn, cán cân thương mại, lạm
phát, mức lên giá của nội tệ v.v... và những chỉ số này tự bản thân chúng nói
lên rằng Việt Nam có những lựa chọn gì và khả thi đến đâu.
Bài khuyến nghị đề cập đến việc lên giá của VND như là một trong những
nguyên nhân làm giảm xuất khẩu, tăng nhập khẩu, gây ra thâm hụt thương mại lớn.
Lý thuyết cũng nói như vậy. Nhưng cần lưu ý rằng tỷ giá chỉ là một trong những
yếu tố tác động lên xuất nhập khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng rất
mạnh ngay cả trong những thời kỳ mà nhóm Harvard cho rằng VND đã lên giá mạnh
và liên tục. Các tác giả cần phải kể thêm rằng có nhiều yếu tố khác giúp nhà xuất
khẩu Việt Nam vẫn có lãi cho dù tỷ giá chống lại họ. Đó có thể là những biện
pháp trợ giá xuất khẩu, hỗ trợ tín dụng và lãi suất cho sản xuất và xuất khẩu.
Đó cũng có thể là những ưu đãi về thuế, khuyến khích xuất khẩu (thưởng cho
thành tích xuất khẩu, xúc tiến thương mại) và những biện pháp khác. Như vậy,
nói cách khác, xuất khẩu của Việt Nam cho đến nay dường như không mấy nhậy cảm
với tỷ giá.
Ngược lại, nhập khẩu tăng mạnh (thậm chí mạnh hơn xuất khẩu) còn có những
lý do khác như đặc thù cơ cấu kinh tế (xuất khẩu dựa nhiều vào đầu vào nhập khẩu),
chính sách kinh tế (thay thế hàng nhập khẩu bằng cách khuyến khích FDI vào khu
vực này, để rồi khoảng một nửa sản lượng hàng hóa FDI được tiêu thụ trên thị
trường nội địa, đồng nghĩa với việc phải tăng nhập khẩu nguyên vật liệu và máy
móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động này. Các doanh nghiệp trong nước cũng được
khuyến khích theo chính sách này), hoặc do tính cạnh tranh yếu của các doanh
nghiệp trong nước làm cho sản phẩm của họ không cạnh tranh được với hàng nhập
khẩu, buộc người tiêu dùng phải lựa chọn hàng nhập khẩu v.v...
Xét đến những yếu tố này thì kiến nghị phá giá VND là chưa đủ cơ sở và
không thuyết phục. Lưu ý thêm rằng tuy người viết cũng công nhận chuyện VND lên
giá là một thực tế và việc phá giá VND là một việc trước hay sau cũng phải làm,
nhưng có lẽ người ta cần phải nghĩ sâu hơn một chút tới tính thời điểm và hậu
quả của việc làm này. Cũng như nhận định của nhóm Harvard, việc phá giá có thể
sẽ làm tỷ giá tăng quá mức khi người ta mất niềm tin vào VND, vào khả năng kiểm
soát tình hình của các cơ quan chức năng. Quả thật, ở thời điểm nhạy cảm như hiện
nay, mọi động thái chính sách đều cần phải rất thận trọng vì nó có thể gây ra những
cuộc khủng hoảng khác mà đôi khi hậu quả còn lớn hơn là những gì mà cuộc khủng
hoảng kinh tế toàn cầu đang đem đến cho Việt Nam. Bởi vậy, một tín hiệu rõ ràng
từ phía cơ quan chức năng rằng VND sẽ bị phá giá (và sẽ bị phá giá nhiều để lập
lại cân bằng trong cán cân thương mại căn cứ vào tỷ giá hiệu dụng như trong
tính toán của nhóm Harvard) trong nay mai (mặc dù có thể theo từng bước) có lẽ
sẽ gây ra một cuộc xáo trộn lớn trong nền kinh tế và xã hội, là điều tuyệt đối
nên tránh trong thời điểm này. Có lẽ đây là lý do để Ngân hàng Nhà nước vẫn
đang duy trì một chính sách hối đoái “mờ mờ tỏ tỏ”, và dường như rất nghịch lý
là chính sách hối đoái như hiện nay lại tỏ ra “được việc”. Làm như khuyến nghị
của nhóm Harvard xin hãy nên để đến một thời điểm chưa được/thể xác định.
Chuyển sang một vấn đề khác là đầu tư công. Dựa vào mức thâm hụt ngân sách
cao, nhóm Harvard khuyến nghị Chính phủ lập lại ưu tiên trong đầu tư, hướng vào
các dự án tạo việc làm, duy trì nhu cầu nội địa để giảm thiểu thâm hụt thương mại
và khuyến khích sản xuất trong nước v.v... Dường như nhóm tác giả có sự đánh đồng
giữa đầu tư công và đầu tư từ các doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, nếu hiểu theo
nghĩa đầu tư công chỉ là đầu tư trực tiếp từ ngân sách thì những kiến nghị của
nhóm cũng cần phải xem lại một chút. Vì thâm hụt ngân sách của Việt Nam đã ở mức
rất cao hiện nay (5% đến gần 7% GDP, tùy theo cách tính) và đã kéo dài nhiều
năm, hơn thế lại có xu hướng tăng lên mạnh hơn nữa khi nhiều biện pháp trong
gói kích cầu tổng thể trị giá 6 tỷ đôla có liên quan đến thu chi ngân sách đã
và sắp được thi hành tới đây (theo tác giả tính toán mức thâm hụt sẽ tăng thêm
lên khoảng tối đa là 2,5% GDP), nên điều cần làm trước tiên là xác định cho được
mục tiêu ưu tiên của chính sách kinh tế trong thời gian tới là gì. Nếu song
song với mục tiêu kích cầu, kích đầu tư có cả mục tiêu kiềm chế lạm phát thì trước
hết phải cắt giảm đầu tư công rồi mới
tính đến việc có cần sắp xếp lại đầu tư công hay không. Nói phải cắt giảm đầu
tư công vì trong điều kiện thâm hụt ngân sách cao và sẽ tăng thêm lên như vậy
và lại muốn hạ lãi suất để kích thích đầu tư thì đầu tư công thường chỉ có thể
trang trải bằng những biện pháp có hậu quả làm tăng lạm phát (phát hành tiền,
vay nợ nước ngoài để rồi VND hóa chúng). Mà lạm phát đã thật sự quay trở lại
trong 2 tháng đầu năm, thậm chí với tốc độ nguy hiểm, chứ không như nhiều
chuyên gia cho rằng thời điểm này không phải bận tâm đến chuyện kiềm chế lạm
phát vì khó xảy ra lạm phát.
Ngược lại, nếu không cần bận tâm đến lạm phát thì đương nhiên chẳng cần phải
sắp xếp, xác lập lại ưu tiên trong đầu tư như kiến nghị của nhóm.
Nhóm tác giả cũng phê phán đầu tư của Chính phủ vào các dự án lọc dầu và cảng
biển. Sự phê phán này có thể là đúng đắn nếu xuất phát từ mục tiêu mạng lại hiệu
quả kinh tế và nếu thực tế sau này cho thấy hiệu quả kinh tế của các dự án là
thấp. Nhưng ở đây có một thiếu sót trong lập luận của họ. Nếu Chính phủ coi mục
tiêu giải quyết công ăn việc làm ngay trong thời gian tới là ưu tiên chính sách
hàng đầu thì những dự án này, hay nói chung là bất cứ dự án nào có thể triển
khai ngay được, sẽ phải được coi là đúng đắn vì chúng sẽ tạo ra thêm công ăn việc
làm. Nếu hình dung những dự án như lọc dầu sẽ thu hút hàng nhiều ngàn lao động
cả phổ thông và kỹ thuật trực tiếp tham gia vào dự án, chưa kể hàng vạn lao động
sẽ liên quan gián tiếp đến dự án như cung cấp thiết bị, nguyên vật liệu, giao
thông vận tải, dịch vụ... thì sẽ chẳng có gì phải phê phán các dự án này cả.
Hơn nữa, cứ tạm cho là tính hiệu quả kinh tế của dự án tại thời điểm này là
thấp. Nhưng đây là những dự án chỉ có thể hoàn thành sau vài năm xây dựng nên
những dự toán kinh tế ban đầu đều có thể trật lấc sau thời gian đó, và người ta
không thể khẳng định ngay tại thời điểm này rằng mấy năm nữa các dự án lọc dầu
này vẫn sẽ không có tính hiệu quả kinh tế (cũng như ngược lại). Xét cho cùng, trong
thời điểm hiện nay nếu không đầu tư xây nhà máy lọc dầu mà thay vào đó là đầu
tư xây dựng, ví dụ, cơ sở hạ tầng đường xá, như phần lớn dư luận tán đồng, thì
tính hiệu quả về kinh tế của đầu tư công cũng vẫn không được đảm bảo là sẽ cải
thiện. Rủi ro về dự án lọc dầu khi xong sẽ sản xuất ra dầu với giá cao hơn đối
thủ cạnh tranh có lẽ cũng không lớn hơn rủi ro về một con đường có thu phí khi
xây xong sẽ không có đủ nhiều người sử dụng tại một mức phí nhất định để thu hồi
vốn trong một thời gian nhất định.
Sau cùng, nhóm tác giả khuyến nghị thành lập tổ công tác đặc biệt về đầu tư
công nhằm điều tra hoạt động liên quan đến đầu tư công. Đây cũng là điều cần phải
xem lại vì chắc nhóm tác giả cũng hiểu rõ rằng vấn đề hiệu quả kém ở Việt Nam
không phải là do thiếu ban bệ, thiếu tổ công tác, ban kiểm soát, thiếu nghị định,
thông tư, hướng dẫn, cũng như thiếu chế tài kiểm tra và xử phạt.
Tóm lại, cảm nhận của người viết về các khuyến nghị này là sự thiếu vắng về
chiều sâu của kiến thức và bề rộng của tầm nhìn, chưa kể đến tích sách vở của
chúng. Những vấn đề này sẽ còn được tiếp tục được người viết mổ xẻ thêm trong
bài viết tiếp theo nhân khi đọc bài khuyến nghị chính sách thứ hai của nhóm
Harvard cũng đăng trên VNN với tựa đề “Báo cáo Harvard: VN cần chuẩn bị cho
phục hồi tăng trưởng”.
Bài 2
Một số nhận xét về những khuyến nghị chính sách của
“nhóm Harvard”- Bài 2
Bài viết này sẽ tiếp tục nhận xét và
đánh giá tính đúng đắn và hợp lý của những khuyến nghị và các luận điểm của
nhóm Harvard được nêu ra trong bài khuyến nghị chính sách thứ hai của họ đăng
trên VNN với tựa đề “Báo cáo Harvard:
VN cần chuẩn bị cho phục hồi tăng trưởng”.
Điều gây chú ý đầu tiên là danh mục
những điều Chính phủ phải làm. Có lẽ cũng không khác gì so với nhiều báo cáo của
các nhóm tư vấn nước ngoài, bài khuyến nghị của nhóm Harvard cũng liệt kê một
loạt những việc mà Chính phủ phải làm: “Một cách vắn tắt, Chính phủ cần duy trì
sự ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng những cơ sở hạ tầng thiết yếu, mở rộng cơ hội
tiếp cận với giáo dục phổ thông và đại học đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục
các cấp, hạn chế rủi ro có tính hệ thống trong khu vực ngân hàng và tăng cường
năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua việc xóa
bỏ vị thế độc quyền và những đặc quyền của các công ty có thế lực trên thị trường
nội địa.”
Ngoài chuyện “nhàm”, việc liệt kê
các đầu mục công việc như thế này buộc người ta phải than lên “biết rồi, khổ lắm!”
để rồi hỏi lại “muốn được thế nhưng làm như thế nào?”. Chẳng hạn, làm thế nào để
duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô? Có Chính phủ nào chẳng muốn ổn định kinh tế
vĩ mô, nhưng trong hoàn cảnh bùng nhùng, đầy bất ổn và khó khăn như thế này thì
phải bắt đầu từ đâu, bằng cái gì, như thế nào, bao lâu, trả giá thế nào, kết quả
đến đâu v.v...?
Phải xây dựng những cơ sở hạ tầng thiết yếu ư? Thì đúng như cái tên, những
cơ sở hạ tầng này chắc là rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững
của nền kinh tế. Nhưng vấn đề đầu tiên là tiền lấy ở đâu trong khi Chính phủ phải
đang giật gấu vá vai, đang phải đối phó với nhiều cái phải chi mà nếu ngẫm kỹ
ra thì cũng không thể đừng được? Tiếp theo sẽ là một loạt câu hỏi tương tự như
đoạn trên.
Chắc rằng hỏi thì cứ hỏi thế thôi chứ khó hy vọng có câu trả lời xác đáng,
không ngọng nghịu. Bởi nếu không phải vậy thì ta cũng chẳng còn dịp ngồi bàn luận
đến những vấn đề này ở đây nữa rồi. Ngay trong bài khuyến nghị chính sách này của
nhóm Harvard cũng còn nhiều bất hợp lý. Thật nóng lòng được thấy từ phía các
chuyên gia tư vấn một chính sách phát triển tổng thể ít cái “phải” và nhiều cái
“làm như thế này, bắt đầu từ đây...” một cách khả thi.
Tiếp theo, nhóm tác giả lý luận rằng: “Chính sách khuyến khích sự hình
thành và phát triển của các công ty có năng lực cạnh tranh bất kể thành phần
kinh tế đóng vai trọng tâm trong nỗ lực nâng cao tốc độ tăng trưởng”, để dẫn nhập
đến 2 câu hỏi của họ dành cho Chính phủ trước mỗi lựa chọn chính sách: (1) liệu
những thay đổi chính sách đang được đề xuất có góp phần giúp các doanh nghiệp
trong nước trở nên cạnh tranh hơn hay không? và (2) tác động của chính sách có
tạo thêm việc làm mới không?
Việc cho rằng chính sách khuyến khích hình thành và phát triển các công ty
có năng lực cạnh tranh có vai trò trọng tâm trong nỗ lực nâng cao tốc độ tăng
trưởng không phải luôn đúng. Doanh nghiệp
xuất khẩu Việt Nam có thể có lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường quốc tế (ví
dụ, về giá và sản lượng) nhưng điều này không hẳn là có lợi cho tăng trưởng
kinh tế và phúc lợi xã hội, nếu, ví dụ, sự cạnh tranh này có được là nhờ những
biện pháp trợ giá, trợ cấp từ phía Chính phủ (như đã nêu qua trong bài viết trước).
Như tính toán của người viết (xem Phan et
al. 2003), dồn nguồn lực từ khu vực kinh tế nội địa cho khu vực xuất khẩu của
Việt Nam (khu vực có tính cạnh tranh quốc tế) đã đóng góp không đáng kể vào việc
làm tăng thêm tăng trưởng GDP, hay, nói cách khác, khu vực xuất khẩu đã không
mang lại một động năng tăng trưởng cho các khu vực kinh tế khác.
Về câu hỏi 1 của nhóm tác giả, nếu
luôn phải cân nhắc đến câu trả lời cho câu hỏi này thì e rằng sẽ chẳng bao giờ
Chính phủ có thể đi đến được một lựa chọn chính sách nào cả, đơn giản vì hầu
như bất kể một chính sách nào khi đưa ra bao giờ cũng sẽ làm lợi cho một nhóm
hoặc một số nhóm quyền lợi và làm thiệt hại một (số) nhóm quyền lợi khác. Một
minh họa là chính sách khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và
nhỏ thường xuyên được đề xuất bởi các chuyên gia và các nhóm tư vấn. Nhưng vì
nguồn lực của Chính phủ là một con số hữu hạn nên nếu giành ưu tiên cho nhóm
doanh nghiệp này (ví dụ vốn để đầu tư công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất)
thì phải cắt giảm ưu tiên tương tự dành cho nhóm doanh nghiệp nhà nước. Kết quả
là tính cạnh tranh của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tăng lên song song với
tính cạnh tranh của nhóm doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm đi tương đối.
Liên quan đến câu hỏi 2, đặt mục
đích tạo việc làm mới bên cạnh năng lực cạnh tranh, tức là vừa phải tăng cường
năng lực cạnh tranh vừa phải tạo thêm việc làm trong lý luận xuyên suốt của
nhóm tác giả về vai trò trọng tâm của năng lực cạnh tranh lên tăng trưởng kinh
tế có thể là một sự “tham lam” quá mức về chính sách. Để đưa câu hỏi 2 vào bối
cảnh tăng cường năng lực cạnh tranh thì nhóm tác giả cần chứng minh rằng tăng
cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo thêm công ăn việc làm là 2 mục
đích có quan hệ hữu cơ với nhau và hỗ trợ cho nhau.
Theo người viết, không nhất thiết 2 mục đích này có quan hệ như vậy. Bởi vậy,
nếu phải luôn cân nhắc đáp ứng được cả 2 mục đích này cùng lúc thì có lẽ chẳng
mấy khi đi đến được quyết định. Chẳng hạn, nếu Chính phủ hạ thuế nhập khẩu và
lãi suất cho vay để nhập khẩu máy móc và thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất cho
một ngành nghề nào đó thì doanh nghiệp trong ngành đó sẽ có xu hướng sử dụng
nhiều hơn máy móc thiết bị và, ngược lại, sẽ sử dụng ít đi lao động. Như thế, một
mặt thì tính cạnh tranh sẽ được cải thiện, nhưng mặt khác thì số việc làm có thể
giảm đi.
Cũng có trường hợp cực đoan là sẽ tạo ra những doanh nghiệp mà chỉ sử dụng
tối thiểu thiết bị máy móc và sử dụng tối đa lao động phổ thông với tiền lương rẻ
mạt để tạo ra tính cạnh tranh về giá thành đồng thời thỏa mãn được mục tiêu tạo
thêm việc làm. Nhưng một lựa chọn chính sách kinh tế như vậy là một cái bẫy
nghèo đói trong trung và dài hạn nên chắc không có chỗ tồn tại.
Cũng liên quan đến câu hỏi
thứ 2, nhóm tác giả đã trích dẫn một công trình nghiên cứu để rút ra 2 kết luận
“đáng lo ngại”: “Thứ nhất, so với vài
năm trước, tỷ lệ việc làm mới do một đơn vị tăng trưởng tạo ra đã giảm đi rất
nhiều. Thứ hai, tỷ lệ số việc làm mới tăng thêm khi khu vực nhà nước
tăng trưởng thêm một phần trăm đã giảm nhanh trong bốn năm trở lại đây và thấp
hơn nhiều so với hai khu vực còn lại. Thực tế là trong giai đoạn 2005 – 2007,
tăng trưởng của khu vực nhà nước không hề tạo ra việc làm mới.”
Xin được bình luận cái “đáng
lo ngại” thứ nhất trước, mặc dù các tác giả không triển khai gì thêm ở đây để
chứng minh nó đúng là đáng lo ngại. Như đã nói ở phần trên, mục tiêu tăng cường
năng lực cạnh tranh không nhất thiết song hành với mục tiêu tạo việc làm. Những
ngành, bộ phận kinh tế có tính cạnh tranh nhất, là đầu tầu kéo tốc độ tăng trưởng
GDP lên nhanh trong thời gian qua lại là (phải là) những ngành tạo ra giá trị
thặng dư lớn (cả tương đối và tuyệt đối) so với ngành khác, và bởi vậy thường
là những ngành thâm dụng vốn, chứ không phải là những ngành thâm dụng lao động
(vốn thường có mức lương thấp).
Số liệu thống kê cho thấy tỷ trọng vốn đầu tư trên GDP có xu hướng tăng lên
trong suốt thời gian qua. Điều này cũng có nghĩa là vai trò tương đối của vốn
trong tăng trưởng kinh tế tăng lên, và đổi lại, vai trò tương đối của lao động
giảm đi. Minh chứng cho nhận định này là hai nghiên cứu của người viết xuất bản
trong năm 2008 (xem tài liệu tham khảo dưới đây). Hai nghiên cứu này (có cùng chủ
đề đánh giá vai trò của các nguồn lực lên tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam) cũng đều
cho thấy vốn là nguồn đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế (từ 85% đến 95%;
lao động chiếm phần còn lại, còn tiến bộ công nghệ không đóng góp gì), và vai
trò của lao động đã giảm mạnh đi trong giai đoạn sau đổi mới so với giai đoạn
trước đổi mới. Với đặc thù của nền kinh tế và cơ cấu tăng trưởng như vậy, dễ hiểu
là trong chừng mực tiến bộ công nghệ không đóng vai trò gì trong tăng trưởng
như ở Việt Nam trong thời gian qua còn vốn thì cứ tiếp tục tăng lên tương đối so
với GDP thì số việc làm mới được tạo ra theo thời gian càng giảm đi một cách
tương đối tính theo một đơn vị GDP mới tạo ra.
Tiếp tục phát triển vấn đề.
Vậy thực tế trên gây ra sự “đáng lo ngại” ở chỗ nào? Phải chăng ý của nhóm tác
giả là muốn được thấy một cơ cấu tăng trưởng mà ở đó đóng góp tương đối của lao
động trong tăng trưởng GDP phải tăng lên, nếu không thì cũng phải giữ nguyên. Nhưng
nếu xét đến các hàm sản xuất nêu trong 2 nghiên cứu trên, điều này có nghĩa là đóng
góp của vốn và/hoặc tiến bộ công nghệ phải giảm đi. Nhưng vì tiến bộ công nghệ
là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để tăng năng lực cạnh tranh, nên nếu
giảm nó đi thì liệu các doanh nghiệp có thể duy trì và cải thiện được năng lực
cạnh tranh của mình, là cái mà nhóm Harvard nhấn mạnh, hay không? Còn nếu để
cho đóng góp của vốn giảm đi (ví dụ trong năm sau và các năm sau nữa mọi thành
phần kinh tế, đặc biệt là khu vực nhà nước, đều cắt giảm vốn đầu tư), liệu người
ta có thể chắc rằng số việc làm mới tạo ra cũng như tốc độ tăng trưởng không bị
ảnh hưởng? Những mâu thuẫn này tự chúng là một minh chứng cho tính khập khiễng
khi để 2 mục tiêu tăng cường tính cạnh tranh và tạo thêm việc làm mới trong
chính sách khuyến nghị của nhóm Harvard.
Tiếp theo, ta bàn tới cái “đáng lo ngại” thứ
2. Tăng trưởng của khu vực nhà nước không hoặc tạo ra ít việc làm mới có một lý
do bắt nguồn từ việc khu vực này đang được tái cơ cấu và sắp xếp lại. Với
chương trình cổ phần hóa, một bộ phận doanh nghiệp trước đây được thống kê vào
khu vực kinh tế nhà nước nay được chuyển thành khu vực kinh tế dân doanh (như
trong bảng thống kê mà nhóm Harvard sử dụng). Như vậy, bỏ sót chi tiết này đã
cho thấy bức tranh mà nhóm Harvard vẽ ra là không chính xác.
Quan trọng hơn, cho dù con số thống
kê số người lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp nhà nước có giảm đi tương
đối so với các khu vực kinh tế khác, điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp nhà
nước không tạo ra nhiều công ăn việc làm vì ta còn phải xét đến số lượng công
ăn việc làm gián tiếp được tạo thêm ra do sự tăng trưởng của khu vực kinh tế
nhà nước. Như đã lấy ví dụ trong bài viết trước, cũng giống nhà máy lọc dầu
Dung Quất, một nhà máy lọc dầu thứ hai rất có thể sẽ tạo ra hàng vạn việc làm
gián tiếp, mà rất có thể khu vực kinh tế dân doanh chiếm một phần lớn. Như vậy,
để nói cho đúng, cho đủ, các tác giả cần phải làm một phép thống kê để tính xem
tổng số việc làm mới, cả trực tiếp và gián tiếp, của mỗi khu vực kinh tế (nhà
nước, dân doanh, FDI) được tạo ra hàng năm là bao nhiêu, rồi từ đó mới làm phép
tính về tỷ lệ việc làm mới được tạo ra từ một đơn vị tăng trưởng GDP của mỗi
khu vực này. Chỉ khi làm được như vậy với kết quả không mấy thay đổi so với
tính toán hiện thời thì các tác giả mới nên “lo ngại”. Đấy là chưa kể đến chuyện
lựa chọn cái nào, năng lực cạnh tranh hay tạo việc làm như nêu ở đoạn trên. Nhân
đây cần nêu thêm rằng doanh nghiệp nhà nước không nhất thiết có tính cạnh tranh
kém hơn các doanh nghiệp khác, dân doanh hay FDI. Tính toán của người viết (xem
Phan and Ramstetter, 2004) cho thấy
doanh nghiệp nhà nước có năng suất vốn thậm chí còn cao hơn cả doanh nghiệp
FDI, và tất nhiên cao hơn nữa nếu so với doanh nghiệp dân doanh.
Những sai sót trên đương nhiên sẽ
làm cho kết luận và khuyến nghị của nhóm về chuyện không nên bơm vốn cho doanh
nghiệp nhà nước trở nên không còn cơ sở và mất hoàn toàn sức thuyết phục, ngoại
trừ khuyến nghị chung chung, nói trong hoàn cảnh nào cũng đúng: “Chính phủ phải
sử dụng các nguồn lực của mình để tạo lập những điều kiện cần thiết giúp tăng
cường năng lực cho mọi doanh nghiệp bất kể thành phần sở hữu, làm tiền đề cho
tăng trưởng công bằng và bền vững”.
Chuyển sang một vấn đề khác là khuyến
nghị của nhóm hạn chế chuyện đầu tư ra ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước.
Sự bành trướng sang các lĩnh vực trái ngành không chỉ diễn ra bởi các doanh
nghiệp nhà nước mà còn cả các doanh nghiệp dân doanh và FDI khi họ nhìn thấy
các cơ hội kiếm tiền quá dễ dãi như trong thời gian qua. Mở ngân hàng và công
ty tài chính, công ty chứng khoán, bảo hiểm không chỉ có các doanh nghiệp nhà
nước. Tuy vậy, dường như mũi dùi lại chỉ chĩa vào doanh nghiệp nhà nước. Điều
này có hợp lý hay không, không cần xét đến. Thay vào đó, đặt ngược lại câu hỏi,
liệu các doanh nghiệp nhà nước còn có “gan” để tiếp tục dấn thân vào những
ngành này nữa không khi chúng đang là “của nợ” của không ít doanh nghiệp trong
cơn khủng hoảng này? Thêm vào chuyện (có thể sẽ có) cắt giảm nguồn vốn ưu đãi
rót từ ngân sách cũng như mọi ưu đãi mang tính phân biệt khác, liệu có cần phải
đưa ra những quy định cấm đoán doanh nghiệp nhà nước đầu tư trái ngành (mà lại
còn theo một tỷ lệ nhất định) nữa không?
Nhóm tác giả cũng đã không chính xác
khi nói rằng mô hình tập đoàn đa ngành (có cả tài chính, ngân hàng...) đều thất
bại ở các nước thử nghiệm. Họ chỉ liệt kê ra các mô hình này ở Indonesia và
Chile mà “quên” không kể thêm rằng chúng cũng đã từng rất thành công ở Hàn Quốc
(chaebol) hoặc Nhật Bản (zaibatsu), và từng là nền tảng để họ vươn lên thành nước
công nghiệp hóa.
Lấy ví dụ Vietnam Airlines và Lilama
cùng nhau thành lập công ty bảo hiểm, nhóm tác giả cho rằng việc tự bảo hiểm
cho mình là một việc làm hết sức phi lý. Có thể không phi lý chút nào cả nếu
trong công ty con này chỉ có một phần vốn của các công ty mẹ và phần còn lại là
do những đối tác khác, và đây chính là những người sẽ bảo hiểm cho các công ty
mẹ. Trong trường hợp xấu nhất thì ở đây cũng có 2 đối tác là Lilama và Vietnam
Airlines cùng bỏ vốn ra, và như vậy thì có thể coi là họ bảo hiểm cho nhau, đâu
có gì là phi lý?
Rồi chuyện công ty bảo hiểm con này chắc sẽ phải mua hợp đồng tái bảo hiểm
từ một công ty bảo hiểm khác cũng được nhóm tác giả coi là một chuyện đáng bàn
(vì được họ nêu ra). Tuy vậy, nếu nhắc lại rằng chuyện tái bảo hiểm là để san xẻ
gánh nặng tài chính cho các công ty bảo hiểm khi rủi ro thực sự xảy ra thì tự
thân chuyện tái bảo hiểm chẳng có gì đáng bàn ở đây cả.
Đáng nói hơn, từ ví dụ về công ty bảo hiểm này, nhóm tác giả đột nhiên đưa
ra nhận định: “Đây là một ví dụ về các DNNN kiếm được lợi nhuận một cách dễ
dàng nhờ mối quan hệ hơn là nhờ năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước
cũng như quốc tế và khả năng tạo ra giá trị thông qua sáng tạo và lao động
nghiêm túc”. Trong ví dụ trên, đâu có thấy nói gì đến “DNNN kiếm được lợi nhuận
một cách dễ dàng”? Thêm nữa, dễ dàng và hợp pháp, hợp lý (như người viết lập luận
ở đoạn trên) thì sao lại không theo, không làm?
Tương tự như vậy, người đọc có thể
thấy những đoạn viết tiếp theo của nhóm tác giả về chuyện đầu tư trái ngành,
tách bạch lợi ích v.v... là những đoạn văn ghép vụng về, nhiều sạn, bất hợp lý.
Ta hãy chuyển sang phần kết luận và
7 khuyến nghị của nhóm. Như đã phân tích ở bài trước và bài này, cần xem lại
khuyến nghị thứ nhất (phá giá VND), khuyến nghị thứ ba (thành lập tổ công tác đặc
biệt về đầu tư công). Đối với các khuyến nghị khác, ta cần phân tích thêm một
chút.
Về khuyến nghị thứ hai (xem xét lại ưu tiên đầu tư công), nhóm tác giả đề
nghị phải tập trung đầu tư công vào các dự án thâm dụng lao động, và ở các
trung tâm kinh tế lớn. Xin lưu ý một điểm là các dự án thâm dụng lao động là những
dự án trực tiếp sử dụng nhiều lao động nhưng không nhất thiết là những dự án sẽ tạo ra nhiều lao động gián tiếp
liên quan. Bởi vậy, quan trọng hơn lời khuyến nghị đầu tư vào dự án thâm dụng
lao động phải là khuyến nghị đầu tư vào dự án nào mà sẽ đem lại tổng cầu lao động
(cả gián tiếp và trực tiếp) lớn hơn khi phải so sánh. Với cái nghĩa này, đôi
khi đầu tư vào các dự án thâm dụng vốn lại tạo ra được nhiều công ăn việc làm
hơn là những dự án thâm dụng lao động trực tiếp.
Về khuyến nghị thứ tư (ngừng giấy phép thành lập ngân hàng, tài chính, bảo
hiểm...), đây là một khuyến nghị hết sức phi lý. Nếu các nhà đầu tư đáp ứng được
các yêu cầu về thành lập mới các tổ chức này thì cớ sao lại từ chối cấp phép
cho họ?
Còn khuyến nghị thứ bảy (phải khuyến khích cạnh tranh) vừa chung chung (nói
đâu cũng đúng), vừa không chính xác khi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam
không thể có năng lực cạnh tranh thế giới nếu chúng không được tập dượt cạnh
tranh trên thị trường nội địa. Như đã nói ở phần trên, các doanh nghiệp xuất khẩu
của Việt Nam có tính cạnh tranh không hẳn là do năng lực của bản thân mà còn do
những trợ giúp của Chính phủ. Vì thế, nếu để họ sống bằng thị trường trong nước
thì họ sẽ chết yểu vì không được hưởng những ưu đãi đó nữa, nhưng lại có lãi
(có tính cạnh tranh) khi được vùng vẫy ở thị trường quốc tế.
Cuối cùng, cũng như đã viết ở bài trước, ở đây có lẽ người viết chỉ tán đồng
duy nhất với khuyến nghị thứ năm (không nên tăng thêm thâm hụt ngân sách), và một
phần của khuyến nghị thứ sáu (lạm phát sẽ quay trở lại nên phải thận trọng với
gói kích cầu). Đây có lẽ là điều còn đọng lại khi đọc bài khuyến nghị dài này.
Tài liệu tham khảo
1.
Phan Minh Ngoc, Nguyen Thi
Phuong Anh and Phan Thuy Nga, 2003. “Export and long-run growth in Vietnam,
1975-2001”, ASEAN Economic Bulletin,
Vol. 20, No. 3.
2.
Phan Minh Ngoc and Eric D.
Ramstetter, 2004. “Foreign multinationals and local firms in Vietnam’s economic
transition”, Asian Economic Journal,
Vol. 18, No. 4.
3.
Phan Minh Ngoc, 2008. “The
roles of capital and technological progress in Vietnam’s economic growth”, Journal of Economic Studies, Vol. 35,
No. 2.
4.
Phan Minh Ngoc, 2008.
“Sources of Vietnam’s economic growth”, 2008. Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
gió nổi lên rồi!!!
ReplyDeleteChào đồng chí,
ReplyDeleteChúc mừng đồng chí đã đọc đến cuối bài! (Hy vọng là thế).
Gió ở trong blog này yếu lắm, thổi ra ngoài sao đặng? Giá bài này được đăng trên VNN (nơi có đồng chí (nguyên) Tổng biên tập Tuấn từng có thời gian học ở Harvard) vào thời điểm được viết ra thì may ra gây ra được chút gió.
This comment has been removed by the author.
ReplyDeleteViết hời hợt, tào lao
ReplyDeleteĐồng chí quăng nhõn một câu thế này thì tớ nghĩ là không cần bình luận gì cả. Muốn phang tớ thì phải viết cho có đầu có đuôi nhé.
Delete"Nếu hình dung những dự án như lọc dầu sẽ thu hút hàng nhiều ngàn lao động cả phổ thông và kỹ thuật trực tiếp tham gia vào dự án, chưa kể hàng vạn lao động sẽ liên quan gián tiếp đến dự án như cung cấp thiết bị, nguyên vật liệu, giao thông vận tải, dịch vụ... thì sẽ chẳng có gì phải phê phán các dự án này cả" - câu này của bác Ngọc thể hiện tư duy kém quá. Ai lại đi tạo công ăn việc làm bằng cách đầu tư vào những dự án kém hiệu quả, tiêu tốn tiền của của dân? Bác lại "không nhất thiết" với "không nhất thiết"... Đọc kỹ mới thấy bác dùng thuật nguỵ biện là chủ yếu (như một đ/c anynomus nào đó đã phang) chứ chẳng có lập luận gì ra hồn. Sorry vì nói thẳng. Đừng xó nhé!
ReplyDeleteChuyện nào ra chuyện đó chứ, đồng chí thân mến (tớ ngửi thấy mùi quen của đồng chí rồi đấy)!
DeleteĐang nói đến tạo công ăn việc làm thì hãy cứ bám vào đó mà phang nhé, đừng phang lung tung.
Ngay cả cái luận điểm dự án kém hiệu quả. Mặc dù tớ không nói đến trong bài là kém hay không, nhưng nếu giả sử dự án lọc dầu đó là hiệu quả thì đồng chí còn "lăn tăn" cái gì nữa?
Về chuyện ngụy biện, tớ lại phải ngụy biện với các đồng chí thế này: Hãy cứ ngụy biện như tớ đi. Không cãi được thì phải chịu tớ nhé, rõ chưa?
Ui thôi, mấy bác phang nhau ở cái câu chữ làm chi, quan trọng là nội hàm của nó. Các bác cứ chấp nhặt nhau thì làm sao khá được!
ReplyDeleteMột trong những thứ nguỵ biện hay dùng là "tạo công ăn việc làm" để biện minh cho các công ty, dự án, chương trình kém hiệu quả, gây thua lỗ, thiệt hại. Bác Ngọc bảo các dự án kém hiệu quả nhưng tạo được công ăn việc làm là mắc vào cái bẩy nguỵ biện đó rồi (bán đang "tự diễn biến" theo lối tư duy đó rồi)
ReplyDeleteTớ đã định không trả lời nữa nhưng thôi cố gắng thêm một lần nữa. Tại sao đồng chí vẫn cứ lạc đề thế nhỉ? Đã bảo là đang nói đến công ăn việc làm thì cứ nói đến công ăn việc làm, và nếu giả sử (mặc dù tớ không đả động gì đến trong bài) những dự án này là có hiệu quả thì sao?
Delete"Quan trọng hơn, nếu đã là chế độ tỷ giá cố định và nếu lãi suất VND giảm đi nhưng giả sử vẫn còn lớn hơn lãi suất ngoại tệ (hoặc vàng) ở trong nước thì người ta cũng chẳng phải nhọc công tích trữ vàng và ngoại tệ làm gì. Nếu đem gửi tiết kiệm bằng VND người ta vẫn có lãi hơn là gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ vốn có lãi suất thấp hơn, và sau khi đáo hạn, chẳng hạn là một năm sau, nếu thích thì người ta có thể quy đổi ngược lại từ VND ra ngoại tệ với tỷ giá cố định của một năm về trước đó để thu được một khoản cả vốn lẫn lãi lớn hơn so với nếu đem gửi một năm trước bằng ngoại tệ. Và trong bối cảnh đó, nếu chọn tích trữ ngoại tệ và vàng để dưới chiếu không ra đồng lãi nào thì chẳng hóa ra là thiệt đơn thiệt kép?"
ReplyDeleteĐoạn trên bạn lập luận thiếu vững chắc rồi! Một mặt bạn cổ súy cho việc phá giá tiến đồng (vì cho rằng VNĐ đang được định giá cao), mặt khác bạn bảo dùng tiền VNĐ gửi tiết kiệm (với lãi suất thấp như hiện nay) tốt hơn là mua USD... Bạn lập luận cũng không có gí chắc chắn như chính nhóm Havard vậy. Nếu vậy, sao đả kích được nhóm này?
Đồng chí để ý chữ "nếu" trong đoạn trích dẫn trên nhé.
DeleteBài này cho thấy đ/c Ngọc cũng tự diễn biến quan điểm về tỷ giá và về xuất/nhập khẩu! Trước đây, bạn bảo phải phá giá VNĐ để hỗ trợ xuất khẩu; bây giờ bạn bảo việc xuất khẩu tăng không liên quan đền tỷ giá....Vậy sao phải phá giá? Hehe cuối cùng thì cũng phải tự diễn biến nhận thức thôi!
ReplyDeleteĐồng chí chịu khó nghiên cứu thế là tốt. Ở đây tớ chỉ trích lại 2 điểm mà tớ nhấn mạnh trong bài:
ReplyDelete"Lưu ý thêm rằng tuy người viết cũng công nhận chuyện VND lên giá là một thực tế và việc phá giá VND là một việc trước hay sau cũng phải làm, nhưng có lẽ người ta cần phải nghĩ sâu hơn một chút tới tính thời điểm và hậu quả của việc làm này."
Và: "...là điều tuyệt đối nên tránh trong thời điểm này."
Từ 2 điểm trên, và đồng chí nhớ lại bối cảnh tỷ giá vào thời điểm của bài viết để cố gắng hiểu tại sao tớ lại phang thế nhé.
Trước đây, có bạn nào đó phang đ/c về chuyện cổ súy phá giá VNĐ, bạn ấy cũng nói là cần thận trọng. Đ/c lúc đó đâu có chịu, cứ khăng khăng bảo phải phá giá mạnh. Bây giờ đ/c lại bảo phải thận trọng. Vậy không tự diễn biến thì là gì? Nói chung, một số bạn nào đó nói đ/c giỏi lập luận thep kiểu chung chung, an toàn, vô hại là đúng quá rồi. Lúc thì "nếu", lúc thì "không nhất thiết"...- tức toàn những giả thiết tương đương với "có thể", "có lẽ", "không phải lúc nào cũng"....Nói vậy thì có bao giờ sai? Ví dụ, tớ nói, đ/c Ngọc nói có thể sai nếu..., hoặc những gì đ/c Ngọc nói không hẳn là đúng nếu... thì hẳn không ai bắt bẻ được tớ!?
ReplyDeleteĐồng chí nói cho chính xác nhé. Tớ nói phá giá mạnh ở đoạn nào vậy? Thận trọng của các đồng chí có nghĩa là không (cần) phá giá, khác với cái "thận trọng" của tớ là phải phá giá, tuy có mức độ từng thời điểm, hiểu chưa? Không đúng à? Thế thì lục xem lại những cái đã bàn đến nhé.
ReplyDeleteMuốn phang tớ thì phải nghĩ ra cái gì cho nó hay ho, có giá trị tí chứ? Cứ loanh quanh mãi vậy mà không thấy tự ngán à?
Đ/c lập luận tào lao thôi. Và mọi lập luận của đ/c đều được "rào chắn" cẩn thận bằng kiểu nói nước đôi thì làm gì có lỗi mà bắt bẻ? Chỉ có điều duy nhất, đ/c không giấu được là những rào chắn đó quá lộ liễu. Vì vậy, đ/c khoe những bài "phang" người khác của đ/c là phản tác dụng. Nó chỉ làm cho những người bị đ/c phang có thêm uy tín. Cài kiểu vạch lá tìm sâu của đ/c sao giống vụ ai đó đi tìm sự thật về tuổi của Công Phượng...
ReplyDeleteHehe, thôi nhé, đồng chí thân mến!
ReplyDelete