Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư Quy định Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia (“Quỹ”). Theo đó, Quỹ được sử dụng để hỗ trợ ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Quỹ được cấp nguồn từ việc trích 20% từ chênh lệch thu chi hàng năm của NHNN, đảm bảo số dư thực có của Quỹ không vượt quá 1 (một) lần mức vốn pháp định của NHNN. Về sử dụng, có bảy mục đích theo đó Quỹ được sử dụng, gồm: (1) các khoản cho vay tổ chức tín dụng (TCTD) gặp sự cố; (2) cho vay TCTD tham gia hỗ trợ hệ thống thanh toán khi gặp sự cố; (3) mua cổ phần TCTD được kiểm soát đặc biệt; (4) cấp vốn cho doanh nghiệp đặc thù liên quan thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; (5) bù đắp thâm hụt sau khi NHNN đã sử dụng hết Quỹ Dự phòng tài chính; (6) xử lý các khoản NHNN đã sử dụng theo quyết định của Thủ tướng để hỗ trợ chính sách tiền tệ; và (7) các khoản phát sinh được Thủ tướng phê duyệt về chủ trương.
Vì đây là một quỹ của nhà nước nên mối quan tâm hàng đầu của công chúng với Quỹ là liệu nó có được sử dụng minh bạch, hiệu quả, an toàn và bền vững hay không. Xét trên những chỉ tiêu này, xem ra quy chế quả lý và sử dụng Quỹ xem ra chưa đáp ứng được.
Như dự thảo, các sứ mệnh của Quỹ là nhằm hỗ trợ ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD. Tuy nhiên, bảy mục đích sử dụng Quỹ như nêu trên lại không thấy gắn bó mấy với sứ mệnh này của Quỹ.
Cụ thể hơn, bảy mục đích sử dụng trên chủ yếu là gắn với, đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng nói chung và của NHNN nói riêng, và đây là một trong số các sứ mệnh của Quỹ được liệt kê trong dự thảo. Suốt dự thảo không thấy một chi tiết nào đề cập đến các sứ mệnh khác của Quỹ, gồm ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Sẽ có lập luận chống chế rằng xét cho cùng việc bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD cũng sẽ là góp phần ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bằng cách này hay cách khác. Nhưng nếu chắc chắn vậy rồi thì chỉ cần nêu sứ mệnh của Quỹ là bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD là đủ, chặt chẽ, không tạo ra kẽ hở để hứng chịu những phê phán không cần thiết, đồng thời không tạo ra những cơ hội để Quỹ có thể bị lạm dụng khi sứ mệnh của nó được gắn cho những thứ to tát nhưng... mơ hồ!
Dự thảo cũng không hề có một dòng nào chỉ ra cụ thể thế nào và đâu là các doanh nghiệp đặc thù liên quan đến thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Nếu không được làm rõ, sẽ không thể loại trừ được khả năng sẽ có những doanh nghiệp (được cho) đội lốt “đặc thù” theo chủ ý, được cấp vốn một cách không thỏa đáng, gây thiệt hại cho nền kinh tế nói chung.
Cũng có liên quan với các doanh nghiệp “đặc thù” này là chuyện nếu NHNN sử dụng Quỹ để cấp vốn cho chúng thì đương nhiên đây sẽ là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nhưng việc cấp vốn cho DNNN có những quy tắc, quy định và quy trình khác biệt, không thể đơn giản và dễ dàng như trong dự thảo, tức chỉ cần lấy tiền từ Quỹ là xong. Và dù có lập luận khác đi để biện hộ thì vẫn có một điều không thể phủ nhận là Quỹ về bản chất là để đáp ứng các nhu cầu thanh khoản khẩn cấp, đột xuất bởi các chủ thể kinh tế liên quan một cách tạm thời, theo kiểu cho vay và thu hồi, chứ không phải là một nguồn vốn ngân sách để cấp phát cho một đối tượng nào đó. Đó là chưa kể việc cấp vốn cho DNNN mâu thuẫn với chủ trương không dùng ngân sách, không rót (thêm) vốn cho DNNN hiện nay.
Điều đáng lưu ý khác là trong dự thảo là cũng không có một lần nào thấy xuất hiện các quy địnhh liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ, hoàn trả lại tiền cho Quỹ, ngoài yêu cầu khá chung chung: “Quyết định sử dụng Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia quy định rõ mục đích sử dụng, số tiền cần sử dụng và các điều khoản khác có liên quan”.
Thông thường, trong bất cứ một hồ sơ đề nghị cho vay, cấp vốn ở bất cứ một TCTD nào, bên cạnh đề mục bắt buộc là đối tượng được vay, mục đích, số tiền và hình thức vay, còn phải có đề mục là thời hạn vay cụ thể; điều kiện và điều khoản được giải ngân, trả nợ; trách nhiệm cung cấp thông tin cần thiết định kỳ và đột xuất bởi con nợ - TCTD và các công ty liên đới – cho chủ nợ, tức NHNN, theo dõi và có hành động cần thiết kịp thời; và những quyền của chủ nợ đối với con nợ khi không đáp ứng được các điều kiện và điều khoản cho vay đặt ra...
Sự thiếu vắng các điều kiện và điều khoản liên quan nêu ở trên đương nhiên sẽ làm cho Quỹ phải chịu rủi ro là tiền trong Quỹ sẽ “đội nón ra đi” không hẹn ngày trở lại, buộc NHNN hoặc phải in/tạo tiền hoặc “giật gấu vá vai” để bù đắp phần thiếu hụt do không thu hồi được tiền trích Quỹ, mà hành động nào thì cũng sẽ để lại hậu quả tai hại cho ổn định kinh tế vĩ mô.