https://www.thesaigontimes.vn/311097/tranh-viec-do-ganh-nang-cua-nganh-thue-len-nguoi-dan.html
Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 12 này và đang tạo ra nhiều dư luận trái chiều. Phần lớn dư luận trái chiều tập trung vào góc độ sợ lộ thông tin khách hàng của ngân hàng, là lo ngại phần nào có lý, bởi càng nhiều người được “chia sẻ” thông tin, dù là các công chức nhà nước, thì càng có nhiều dư địa để lộ thông tin.
Tuy nhiên, điều mà dư luận hầu như chưa đề cập đến và ít người để ý đến liên quan đến nghị định trên là những bất cập của nó sẽ tạo ra những gánh nặng cho xã hội mà rốt cuộc khách hàng của ngân hàng, tức người dân và doanh nghiệp, sẽ phải gánh chịu.
Cụ thể, theo đề nghị của cơ quan thuế, ngân hàng thương mại (NHTM) có trách nhiệm cung cấp và cập nhật hàng tháng các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế (Điều 30). Nếu cơ quan thuế chỉ “đề nghị” NHTM cung cấp thông tin tài khoản của một số lượng ít khách hàng của NHTM thì cũng có thể coi là không ảnh hưởng gì lắm đến NHTM.
Nhưng nếu số lượng bị “đề nghị” này là một con số lên đến hàng trăm ngàn, hàng triệu tài khoản thì chắc chắn NHTM sẽ phải dành riêng một nguồn lực đáng kể để chuyên trách đảm nhiệm công việc được “đề nghị” này. Như thế, chắc chắn cái giá của nguồn lực tiêu phí này sẽ cuối cùng đổ lên khách hàng của ngân hàng và nền kinh tế.
Nói cách khác, sự tiện lợi cho ngành thuế có thể sẽ được trả giá bởi người dân và doanh nghiệp.
Tiếp đó, nghị định cũng quy định NHTM khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.
Cần lưu ý rằng NHTM chỉ là trung gian thực hiện các giao dịch, nếu có, giữa người nộp thuế và cơ quan thuế, chẳng hạn như thực hiện lệnh chuyển tiền (để nộp thuế) của chủ tài khoản đến một tài khoản chỉ định bởi cơ quan thuế. NHTM không phải, không thể, không có thẩm quyền và tư cách pháp lý đại diện cho cơ quan thuế để làm những công việc của cơ quan thuế. Nên những việc như tự động khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế,... là những công việc không phải của NHTM, trừ khi được cơ quan thuế yêu cầu bằng văn bản cho từng đối tượng cụ thể mà ngành thuế giám sát, theo dõi.
Nếu cứ “bắt” NHTM phải tự động khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế... như quy định thì sẽ lại dẫn đến hậu quả là gây tốn phí thêm cho NHTM, mà cuối cùng là cho người dân và doanh nghiệp, vì phải dành thêm một nguồn lực thực hiện, theo dõi, xử lý công việc này (trên diện rộng, bao quát hầu như mọi khách hàng ngân hàng). Hậu quả tai hại khác là NHTM hoặc do không có đủ “nghiệp vụ”, hoặc vì một lý do nào đó khác sẽ khấu trừ, nộp thay thuế sai đối tượng, sai mức độ, sai cái này cái kia, để rồi người phải gánh chịu hậu quả như phải đi khiếu nại, kiện tụng vẫn là người dân, doanh nghiệp.
Tất nhiên, nói như trên không có nghĩa là phản đối sự hợp tác của NHTM với ngành thuế trong việc phòng tránh trốn, tránh, gian lận thuế. Nhưng tinh thần hợp tác này phải được xây dựng trên nguyên tắc ngành thuế chỉ yêu cầu NHTM hợp tác với một số đối tượng có chọn lọc, ví dụ; diện đang nghi ngờ, theo dõi… NHTM (chỉ) có trách nhiệm báo cáo cho ngành thuế và cơ quan chủ quản, như Ngân hàng Nhà nước các giao dịch đáng ngờ, bất thường chẳng hạn số tiền lớn không phù hợp với thu nhập định kỳ của khách hàng...
Nói cách khác, nếu ngành thuế có yêu cầu hợp tác của NHTM thì không được có những yêu cầu tạo ra thêm những gánh nặng và phí tổn cho xã hội, nhất là chỉ bởi lý do ngành thuế không “quản” được nên phải buộc NHTM làm thay, đảm nhiệm hộ mình.
No comments:
Post a Comment