Wednesday, 23 February 2022

Sốt đất: “tội đồ” và giải pháp (Bài đăng trên KTSG, 23/2/2022, bản gốc)

https://thesaigontimes.vn/sot-dat-toi-do-va-giai-phap/

Trước tiên xin bàn đến vế sau trong vấn đề trên – giải pháp trị sốt đất, vì qua đó sẽ thấy một phần của nguyên nhân gây ra sốt đất.

Nếu chiểu theo các văn bản của các cơ quan hữu trách thì thấy “trị” sốt đất thật ra rất dễ, đơn giản.

Theo Bộ Xây dựng, đầu năm 2021 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất nền tại một số địa điểm ở một số địa phương. Tuy nhiên, hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo (1).

Giả sử đúng như báo cáo trên là cơn sốt đất từ đầu năm 2021 đã nhanh chóng bị dập tắt. Cũng theo báo cáo trên, giải pháp dập sốt đất trong thời gian qua chỉ là, Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo để chính quyền địa phương “kịp thời” đưa ra các thông báo cảnh báo.

Tóm lại, phương pháp dập sốt đất là chính quyền cấp trên dùng văn bản chỉ đạo để chính quyền cấp dưới dùng lời lẽ cảnh báo ra thị trường.

Lại giả sử rằng đúng là thị trường đã “biết sợ” các lời lẽ cảnh báo của chính quyền địa phương mà thôi sốt. Câu hỏi đặt ra là Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường quản lý thế nào mà chỉ sau khi phải ra văn bản chỉ đạo thì chính quyền địa phương mới đưa ra các thông báo cảnh báo? Và tại sao chính quyền các địa phương không chủ động, kịp thời có các giải pháp dập sốt đất “ngay và luôn”? Nên nhớ rằng chính quyền địa phương nói ở đây cũng bao gồm cả các nhánh của ngay các cơ quan Chính phủ, và cơ quan quản lý theo ngành dọc gồm cả các Sở/Phòng Xây dựng, Sở/Phòng Tài nguyên và Môi trường ở các tỉnh, huyện, xã trên cả nước.

Thêm một dấu hiệu của sự tắc trách, bất lực của cơ quan quản lý trung ương được thể hiện ngay trong báo cáo trên của Bộ Xây dựng. Theo đó, “thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 5370/BXD-QLN ngày 24/12/2021 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tổng hợp báo cáo tình hình đấu giá đất, đánh giá tình hình, nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản,... đồng thời khẩn trương thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường”.

Rõ ràng là Bộ Xây dựng đã không biết làm gì ngoài việc đợi chỉ đạo của Thủ tướng, và khi có chỉ đạo rồi (sau cả một năm trời) thì cũng chỉ biết đá quả bóng trách nhiệm cho các địa phương trong việc tự biết  mà đưa ra và thực hiện các giải pháp “ổn định thị trường”. Chẳng nhẽ vai trò của bộ chỉ là liên lạc viên?

Như vậy, có thể chỉ ra ngay một phần gốc rễ của cơn sốt đất được cho là đã bị dập hiện nay chính là phản ứng chậm chễ, thiếu trách nhiệm, yếu năng lực của cả bộ máy quản lý từ trung ương đến địa phương, thậm chí cả lợi ích nhóm khi để xảy ra sốt đất.

Điều đáng nói nữa là có lẽ là quá sớm để Bộ Xây dựng cho rằng sốt đất đã nhanh chóng hạ nhiệt. Ví dụ với đất nền, bản thân báo cáo trên cũng thừa nhận giá đất nền tiếp tục tăng so với quý trước “tại một số địa phương”. Và bộ này cũng phải dự báo về một cơn sốt mới trong năm 2022.

Điều gì sắp xảy ra để Bộ Xây dựng phải cảnh báo vậy? Đó chính là, trích từ báo cáo trên: “Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt”.

Do đó, nguyên nhân sâu xa của các cơn sốt đất trước đây, hiện nay và sắp đến, cũng được ngay cơ quan quản lý thừa nhận, chính là nguồn tiền quá dư thừa trong nền kinh tế mà Chính phủ đã không thể kiểm soát được và để chúng chảy mạnh vào bất động sản. Kèm thêm vào đó, như đã phân tích ở trên, là sự yếu kém, thiếu trách nhiệm (và có thể cả lợi ích nhóm) từ chính quyền các cấp trong việc kiểm soát tình hình khi sốt đất đã nổ ra.

Nếu đã nhìn nhận được nguyên nhân sâu xa xảy ra sốt đất như vậy thì giải pháp cũng đơn giản là cứ theo thế mà làm. Cụ thể, nếu có kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế thì phải kích và hỗ trợ đúng chỗ, đúng mục tiêu, và đúng liều lượng. Chỉ cần sai sót ở một trong những yếu tố này thì sẽ có dòng tiền “lạc” vào bất động sản (hoặc các tài sản đầu cơ khác như chứng khoán).

Tất nhiên vấn đề mà nhiều người sẽ đặt ra là làm thế nào để làm vừa đúng, vừa trúng, vừa đủ. Vấn đề này không thể trả lời được và cũng không thuộc phạm vi bài viết này. Nhưng cũng phải thừa nhận là rất khó để làm được như vậy, nếu cứ nhìn từ thực tế các nước đã và đang áp dụng các biện pháp kích cầu, như Mỹ chẳng hạn. Nên cơn sốt đất sẽ có nguy cơ tiếp diễn kéo dài, chứ không phải là lại xảy ra mới trong năm nay như Bộ Xây dựng báo cáo/dự đoán.

Không ít người cũng sẽ đặt câu hỏi tại sao không áp dụng các biện pháp căn cơ và mạnh tay như đánh thuế bất động sản. Điều này thực ra không chỉ không hoàn toàn có hiệu quả như ý muốn trong việc ngăn chặn sốt đất, như kinh nghiệm nhiều nơi trên thế giới cho thấy. Chẳng hạn như ở Singapore, Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp gồm thuế, phí, tín dụng... nhưng rốt cuộc giá bất động sản nhà ở vẫn cứ tăng vọt trong vòng 2 năm qua, đặc biệt là quý 4/2021 (2). Và một điều quan trọng nữa là dù có áp dụng thì điều này sẽ không xảy ra sớm ở Việt Nam ngay trong năm nay hoặc thậm chí năm sau, do hiệu quả của quy trình làm luật ở Việt Nam.

Nói vậy để thấy nguyên nhân sốt đất không có gì là bí hiểm, còn giải pháp chữa sốt đất thì lại không dễ như cách mà người ta đang nói đến. Nhưng nếu chỉ muốn ngăn ngừa sốt đất xảy ra (và bỏ qua các mục tiêu khác) thì giải pháp căn cơ nhất vẫn phải là đừng bao giờ để tiền chảy quá nhiều vào nền kinh tế so với khả năng hấp thụ của nền kinh tế thực.  

------------  

(1) https://cafef.vn/con-sot-dat-dien-cuong-nhanh-chong-bi-dap-tat-20220210165925362.chn

(2) https://tradingeconomics.com/singapore/housing-index

Wednesday, 9 February 2022

Covid ký sự (Bài số Tết, đăng trên KTSG, 9/2/2022)

https://thesaigontimes.vn/covid-ky-su/

Mới làm cho công ty mới này được mấy tháng nên khá phấn chấn khi được tin công ty tổ chức tiệc gặp mặt, mời nhân viên từ London và Singapore đến New York dự tiệc liên hoan gặp mặt cuối năm. Vội vàng đi mua vé máy bay cho cả gia đình vì công ty báo tin đột ngột, cũng chỉ cách ngày tiệc tùng hai ba tuần. Đến ngày gần đi mới biết là bay theo đường đã mua vé thì khi quay lại Singapore sẽ bị cách ly theo quy định phòng chống Covid hiện hành. Mà đặt đường bay không bị cách ly thì hết chỗ, nên đành hủy chuyến đi.

Cậu con trai thì rất thất vọng vì đã hai năm nay không được đi du lịch nơi đâu vì thi cử và Covid, rồi cả năm nay thì lại phải đi nghĩa vụ quân sự, đã xin và chỉ nghỉ phép được vào đợt cuối năm này, không đi được đâu mà phải ở nhà thì quá chán. Thế là đành vội vàng tìm các điểm đến nước khác mà không bị cách ly khi về Singapore để thế chỗ. Cậu ta chợt nhớ ra cậu bạn người Phần Lan học với nhau mấy năm hồi cấp I ở một trường quốc tế nọ tại Singapore nên bảo bố mẹ là muốn sang đó chơi kết hợp với thăm bạn, trước khi bạn cũng phải đi nghĩa vụ quân sự đầu năm sau ở Phần Lan. Thế là lại mua vé ngay để hôm sau bay luôn đi Phần Lan.

Có lẽ chuyến đi ngay từ ban đầu đã có những dấu hiệu trục trặc nên càng về sau càng... trục trặc. Ra đến sân bay Changi, làm thủ tục check in lên chuyến bay của Jetstar để quá cảnh tại Bangkok mới biết Thái Lan không cho quá cảnh, tất nhiên vì Covid, dù vé máy bay là của Finnair trọn gói, mua trực tiếp trên website của hãng này. Gọi điện cho Finnair ở Singapore thì ò e suốt mà không thấy ai nhấc máy. Yêu cầu nhân viên sân bay cung cấp số điện thoại của đại diện của Finnair ở sân bay hay ở Singapore thì họ bảo không có. Bó tay, cậu con trai lại gọi điện sang cho mẹ bạn ở Phần Lan để chị ấy liên lạc với hãng bên đó. Nghe xong chuyện chị thởi dài, nói ngay “Lại là Finnair à. Hãng này rất lắm chuyện”. Tuy cũng phải đợi cả hai ba chục phút nhưng rồi chị ấy cũng nối máy được và yêu cầu hãng gọi điện sang Singapore cho “bị hại” để đổi lại vé bay hai ngày sau mà không bị đổ lỗi không bay được là vì không tuân thủ quy định về Covid của Singapore/Thái Lan.

Hai ngày sau, thứ bảy, bay sang Helsinki. Cậu bạn của con và ông bố, Peter, người Anh, ra sân bay đón. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, vui quá nên quên cả một hành lý tại bãi đỗ xe. Về đến khách sạn mới nhớ ra, thế là Peter lại chở lại sân bay để tìm. Không thấy, nên đành tìm ra chỗ “Lost and found” để khai báo nhưng cửa thì đóng im ỉm, gọi điện theo số dán ở bên ngoài thì cũng chỉ thấy máy tự động trả lời. Peter an ủi bảo rằng đồ đạc thất lạc ở Phần Lan thường tìm lại được thôi (quả thật sau mấy hôm thì cũng liên lạc được với bộ phận này và lấy lại được hành lý, tuy phải mất phí gọi là nhận lại hành lý).

Hôm đến Helsinki đã chỉ thấy tuyết và tuyết. Nhưng Peter bảo may là đến tuần này, chứ tuần trước đó thì nhiệt độ xuống âm 17-20 độ. Cậu con đến nhà bạn tắm sauna và ngủ lại. Sau mới biết là hai đứa ngồi trong phòng sauna rồi trần như nhộng ra phơi tuyết ngoài vườn rồi lại chui vào sauna.

Ở chơi loanh quanh Helsinki hai ba ngày, hôm sau mua vé tầu đêm giường nằm đi Lapland, thăm làng của ông Santa, vốn cả nhà chỉ được biết đến qua xem một clip của một anh đầu bếp người Scotland được gắn mấy sao Michelin gì đó có ghé thăm ngôi làng này.

Đến nơi, quả là khung cảnh thật lãng mạn, với tuyết trắng ngập tràn, những ngôi nhà gỗ súc, lều của thổ dân Phần Lan như trong truyện cổ tích, trang trại tuần lộc và chó kéo xe cung cấp dịch vụ xe do tuần lộc và chó kéo. Ngó thấy có ngôi nhà đề là nhà của Santa, bèn đi vào, đến phòng của Santa, thấy một ông Santa bằng xương bằng thịt đang ngồi để du khách chụp ảnh cùng với cái giá 35 euro một tấm. Ông hỏi chuyện, biết từ Singapore sang bèn bảo đợi tý, rồi hý hoáy mở iPhone ra xem. Tưởng gì, hóa ra ông cho xem mấy cái ảnh chụp ông đang làm... Santa ở casino bên Singapore. Hí hửng chụp với ông được một tấm ảnh, coi như thành tích trọn vẹn của chuyến đi. Nhưng khi ra đến ngoài rồi thì lại thấy một ngôi nhà, cũng đề là nhà của Santa, lại còn to và hoành tráng hơn. Rẽ vào thì thấy hàng người dài đang xếp hàng theo lối đi bài trí hệt trong sách vở với ngổn ngang các bưu kiện và phong thư từ khắp nơi trên thế giới gửi về cho ông già Santa. Dịch chuyển dần theo hàng người, đến trước bức tường dán ảnh chụp ông Santa với các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, có cả ông Tập Cận Bình và... anh đầu bếp Michelin kia thì mới biết đây là ông Santa... xịn!

Ở chơi Lapland đôi ba ngày, ngày đi trượt tuyết, tối về nhà nghỉ, có sauna luôn trong phòng, dù căn nhà không rộng rãi gì mới biết tình yêu với sauna của người Phần Lan quả là không có biên giới. Đến đêm thứ ba, sau khi quyết ngồi phơi sương và tuyết đến 12 giờ đêm ở bên bờ một cái hồ đóng băng lạnh run người vì trời âm mười mấy độ để đợi xem ánh cực quang, “đặc sản” của Phần Lan, trở về nhà nghỉ cậu con kêu mệt. Trước đó, kể từ hôm đầm mình ngoài vườn đầy tuyết với bạn, về khách sạn cậu ta đã bắt đầu ho và xổ mũi. Linh cảm không hay, bèn bắt cậu test nhanh Covid thì thấy hiện lên hai vạch. Bán tín bán nghi. Nhưng hôm sau vẫn phải về Helsinki theo lịch trình để có ít nhất một ngày đi test Covid và lấy giấy chứng nhận thì mới bay về Singapore được.

Gọi điện theo đường dây nóng Covid để xin hướng dẫn, nhưng mãi không được, chỉ thấy ò e với thông báo là tiếp tục đợi chờ, hoặc không thì gọi số khẩn cấp. Bấm số gọi khẩn cấp thì vài lần mới gọi được, và lại loanh quanh được hướng dẫn quay lại đường dây nóng Covid! Nghĩ bụng, bị tai nạn, bị sự cố khẩn cấp mà gọi được họ thì chắc đã lên thiên đường lâu rồi. Mãi đến hai tiếng sau, mới có người từ đường dây nóng Covid gọi lại (vì đã để lại số). Sau khi nghe tình hình về tự test Covid và dương tính, người ta nói là thôi, cứ ở trong khách sạn, không cần đến bác sĩ (và bác sĩ/bệnh viện cũng không nhận đâu), uống vitamin với paracetamol rồi... tự khỏi...

Tại Helsinki, dịch vụ test Covid kèm giấy chứng nhận kết quả được cung cấp bởi một số cơ sở, phổ biến nhất là tại các xe lưu động, với cái giá là 99 euro cho test nhanh (ART) và 155 euro cho PCR, nhưng vẫn phải đăng ký online và phải còn chỗ (đối với ART, còn với PCR thì chỉ việc ra xếp hàng). Finnair cũng có dịch vụ test ở sân bay, nhưng thử gọi điện đến thì báo là đã kín chỗ cho đến tháng 1 năm sau.

Đăng ký test PCR tại xe lưu động cho chắc ăn, đỡ âm tính thành dương tính như với kết quả test ở Việt Nam. Hôm sau, sau khi xếp hàng cả tiếng đồng hồ ngoài trời tuyết lạnh thì được vào ngoáy mũi. Rạng sáng hôm tiếp theo, đang ngủ thì thấy cuộc gọi đến từ Phần Lan, nhấc máy thì hóa ra là gọi từ nơi test Covid hôm trước. Giọng đàn ông trên máy báo rằng, rất không may, có người tên là thế này (cậu con), đã bị dương tính với Covid, và phải cách ly nguyên ở nơi ở hiện tại, đợi người của Cục Kiểm soát bệnh lây nhiễm liên lạc và hướng dẫn thêm.

Vốn đã bắt đầu có kinh nghiệm không hay với người Phần Lan về cái kiểu liên lạc qua lại như thế này, bèn hỏi luôn là bao giờ thì Cục này sẽ gọi tôi. Người trên điện thoại nói là cứ đợi đó, và nhớ là đừng có đi ra ngoài đường. Khi được bảo rằng chúng tôi là người nước ngoài đi du lịch đến đây, nay bị cách ly thì làm sao mà thu xếp ăn uống, và lo đủ thứ chuyện được nếu không ra ngoài, ông này bảo là thế thì phải đeo hai khẩu trang và đi găng tay...

Đợi thêm vài tiếng nữa cũng chẳng thấy có ai gọi đến, bèn đặt rồi chuyển ngay đến một căn hộ Airbnb vì xác định sẽ mắc lại ở đây cả tuần, cả tháng nữa. Và cũng quả nhiên là đến hôm nay, đúng một tuần sau khi có kết quả dương tính cũng không thấy ai từ cái Cục kia gọi lại. Nghĩ cái nước này hay thật, chẳng kiểm soát người dương tính gì, cứ để mặc người ta đi lại tự do. Mà nghĩ kỹ, họ không gọi là may. Nói dại, họ cứ gom tất cả F0 với F1 vào khu cách lý như Việt Nam thì... xong.

Ngoài chuyện ăn ở, lại đến chuyện đổi vé máy bay. Gọi điện cho Finnair vài lần theo số hotline có trên mạng, mỗi lần cả nửa tiếng vẫn cứ báo bận. Tìm cách đổi vé trên mạng của Finnair thì nó lại thông báo mạng đang có sự cố! Buộc phải lóc cóc đi tầu hỏa ra sân bay cách đó nửa tiếng, đến quầy Finnair để “trần tình”. Nhân viên ở đó bảo là chỉ còn cách gọi số hotline của Finnair (?!). Cố gắng bình tĩnh bảo là gọi không được mới phải ra đây, yêu cầu cho gặp người có trách nhiệm. May là sau cùng thì cũng có một người ra và gọi điện đi đâu đó và đồng ý đổi vé.   

Peter và chị vợ rất nhiệt tình, cứ động viên bảo, chỉ cậu con bị thì cứ để cậu con ở lại một mình trong căn hộ thuê, hàng ngày sẽ mang thức ăn đến đặt ngoài cửa. Tất nhiên là chỉ biết cám ơn bạn và nói là kiểu gì cũng phải ở lại với con.

Cũng may là ba hôm sau, cậu con test lại thì đã cho kết quả âm tính. Thế là lại vội vàng một lần nữa lại ra sân bay đổi vé máy bay để về sớm hơn. Đồng thời, lại phải một lần nữa đăng ký test Covid để lấy chứng nhận. Lúc viết bài này là hai ngày trước khi lên máy bay theo ngày giờ ghi trên vé, nhưng quả thật là vẫn không dám chắc là sẽ lên được máy bay để về Singapore không.

Cảm xúc thật sự lẫn lộn với cái đất nước phát triển, giàu có và đắt đỏ, với những con người xem ra lành tính, bặt thiệp, và lương thiện hơn hẳn những nước phương Tây khác, nhưng cũng không phải là không có chuyện này. 

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).