Hôm nay thì có đồng
chí bạn đọc trực tiếp yêu cầu tớ viết về vấn đề xử lý nợ xấu của Nhật (chắc là
để rút ra bài học cho Việt Nam) và kèm thêm câu hỏi nếu Việt Nam vay tiền nước
ngoài để xử lý nợ xấu liệu có gây ra lạm phát không. May quá, thế là có đề tài!
Cảm ơn đồng chí bạn đọc này nhé!
Về cái vấn đề xử
lý nợ xấu Nhật, vì đây không phải là mối quan tâm của tớ từ hồi ở Nhật cho đến
bây giờ nên tớ phải thú nhận rằng tớ cũng không tường tận lắm, chỉ có thể nói
sơ qua ở đây những gì tớ đọc mót, nghe mót đây đó (nhân dịp này xin mạn phép đồng
chí bạn đọc này cho tớ mượn cái đề tài của đồng chí để viết một bài nghiêm chỉnh
gửi cho báo nào đó. Còn chuyện được đăng hay không nhiều khi cũng phập phù lắm,
nhất là với người ấm ớ như tớ trong con mắt báo chí Việt Nam).
Nhận thức đầu
tiên của tớ về chuyện nợ xấu ở Nhật là Chính phủ Nhật nhận ra và bắt tay vào xử
lý vấn đề nợ xấu khá chậm chạp và không đủ liều lượng, khi nợ xấu đã trở thành
rất nghiêm trọng. Cũng giống như ở Việt Nam hiện thời, chuyện xử lý nợ xấu thế
nào, bằng phương pháp nào vẫn còn là điều lúng túng trong Chính phủ (vào những
năm cuối thập kỷ 80, đầu 90). Hệ thống thuế của Nhật đương thời cũng không cho
phép khấu trừ thuế cho những khoản write-off, còn các ngân hàng Nhật thì cũng
không đủ vốn để xử lý nợ xấu.
Sau khi có nhiều
vận động hành lang, cuối cùng luật thuế cũng được sửa đổi theo hướng này (1995).
Còn NHTƯ Nhật thì tăng bơm tiền, hạ lãi suất để tăng margin cho các ngân hàng thương
mại, nhằm tạo điều kiện để chúng có thêm lợi nhuận đưa vào xử lý nợ xấu.
Nhưng tình hình
sau đó cũng chẳng cải thiện là mấy, chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục
xấu đi. Đồng yen mất giá càng làm trầm trọng vấn đề khi tài sản nước ngoài tăng
giá, buộc các ngân hàng phải tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay ngân hàng, trở
thành nạn nhân vì các ngân hàng không cho vay nữa mà tập trung xử lý nợ xấu và
bảo toàn vốn. Doanh nghiệp phá sản hàng loạt, rồi ngân hàng cũng phá sản
(Hokkaido Takushoku Bank, 1997). Sau đó, Chính phủ Nhật ban hành đạo luật cho
phép sử dụng công quỹ để mua cổ phiếu ưu đãi của các ngân hàng, tạo vốn cho
chúng xử lý nợ xấu. Công ty mua bán nợ xấu tương tự như DATC Việt Nam cũng được
mở rộng quy mô để mua bán nợ xấu.
Tóm lại, cách thức
và công cụ xử lý nợ xấu rốt cuộc cũng chỉ có từng ấy thứ, với một số trở ngại
và rào cản có thể khác nhau ở từng nước, ví dụ các luật lệ hiện hành về thuế,
chi tiêu công. Có một điểm tương đồng là, khi quy mô nợ xấu đã ở mức nguy hiểm
(ước tính đến nghìn tỷ USD ở Nhật), việc xử lý nợ xấu sẽ phải diễn ra trong cả
một thời gian dài, thậm chí rất dài. Hôm nay đồng chí Chủ tịch ngân hàng tớ mới
thông báo rằng ngân hàng đã giải quyết xong nợ xấu có khi có từ cái thuở tớ còn
đang đi học (cấp 3 hoặc đại học)!
Về câu hỏi của đồng
chí bạn đọc trên rằng khi vay nợ nước ngoài để xử lý nợ xấu có làm tăng lạm
phát không, đây là câu hỏi khó trả lời và khó có câu trả lời rõ ràng. Thứ nhất,
có tăng lạm phát hay không phụ thuộc vào việc NHNN xử lý khoản ngoại tệ đi vay
về này thế nào. Nếu NHNN tung tiền đồng ra đối ứng để thu khoản ngoại tệ này,
cung tiền đương nhiên sẽ tăng. Nếu NHNN sau đó tung tín phiếu, trái phiếu ra để
hút VND, cung tiền sẽ được điều chỉnh ở mức độ tương ứng. Nhưng hành động trung
hòa cung tiền này nếu có diễn ra thì chắc quy mô không lớn vì NHNN phải ưu tiên
tăng cung tiền, bơm vốn cho các NHTM xử lý nợ xấu, tăng thanh khoản. Kết cục là
áp lực lạm phát có thể tăng lên.
Nhưng đây mới chỉ
là một vế. Ở vế kia, nếu niềm tin trong dân chúng và doanh nghiệp thấp, cộng với
triển vọng phục hồi kinh tế mù mịt, rủi ro đổ vỡ phá sản vẫn lớn thì cung tiền
có tăng thêm nhưng rốt cuộc lại nằm chết trong hệ thống ngân hàng hoặc trở ngược
lại NHNN thông qua kênh gửi vượt dự trữ bắt buộc hoặc đổi lấy tín phiếu NHNN và
trái phiếu Chính phủ (tớ có viết về “bẫy thanh khoản” này), tác động xấu lên tổng
cầu, và rốt cuộc cung tiền có tăng nhưng cũng không làm tăng áp lực lạm phát.
Tớ cho rằng nếu đi vay nước ngoài để xử lý nợ xấu thì tốt nhất là NHNN in
tiền ra mà làm cái việc này, còn hiệu quả hơn và quan trọng nhất là không gây tổn
thất cho ngân sách nhà nước.
T/b: Tớ đề nghị đồng
chí bạn đọc nào có đề tài, vấn đề gì quan tâm thì cứ mang ra đây để tớ bình luận
nhé, không thì tớ bó tay vì chẳng biết viết cái gì nữa rồi.
xin cảm ơn TS đã có bài viết về nợ xấu,xin TS giúp hiểu biết : Nếu bơm tiền để xử lý nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát? như vậy VN nhập xiêu nhiều sẽ gây lỗ lớn nhiều doanh nghiệp??
ReplyDeleteXin cảm ơn (1 bạn đọc thường xuyên ghé thăm blog của TS.
Bác Ngọc ơi, em đang tính làm đề tài luận văn về AMC ở Việt Nam đó. Bác có tài liệu hay góp ý gì hay hay không cho em tham khảo với. Theo bác thì Việt Nam có nên lập một AMC của NHNN để giải quyết nợ xấu của ngân hàng không? Finance như thế nào?
ReplyDeleteTớ dạo này lười qua, gần như quên bẵng mất cái blog này nên trả lời đồng chí muộn. Về câu hỏi của đồng chí liên quan đến tài liệu hay góp ý về AMC, trả lời của tớ không thể đầy đủ và hay bằng đồng chí Google được. Đồng chí cứ hỏi đồng chí Google nhé, thế nào cũng ra cả một đống thong tin. Về chuyện thành lập AMC ở Việt Nam, tớ nghĩ là cũng nên vì các giải pháp xử lý nợ xấu cũng chỉ có một số, và đã biết. Mỗi giải pháp lại có cái hay cái dở (trong điều kiện Việt Nam) nên tốt nhất là phải phối hợp nhiều giải pháp khác nhau, và đặc biệt là phải chú trọng đến tính minh bạch, nhất quán trong việc thực thi.
DeleteDạo này ít thấy Dr Ngọc viết bài nhé. Nhờ anh phân tích về cơ cấu chỉ số ICOR của viêt nam nhé, theo anh Chí ( giảng viên kinh tế) cơ cấu GDP của việt nam phụ thuộc vào đầu tư công nhiều, mong anh có bài viết cho các độc giả thưởng lãm nhé.và xin hỏi Dr Ngọc Việt nam có bị ảnh hưởng từ hệ lụy của các luồn vốn FDI, kiều hối và FII ( do sữ dụng không đúng) bằng cách tung tiền ra mua USD này làm cung tiền tệ để đầu tư vào khu vực công gây nên hậu quản ngày hôm nay không.
ReplyDeleteXin trân trọng.
Quả thật là dạo này tớ cũng ít viết lách thật, phần vì bận rộn, phần vì hay gặp trục trặc với các báo ở Việt Nam nên hoặc là tớ không viết (cho họ) nữa, hoặc là họ không đặt bài tớ nữa, và vì thế không có bài để post trên cái blog này. Các đồng chí bạn đọc có đề tài gì cần trao đổi như thế này thì cứ post lên đây cho tớ nhé.
DeleteVề câu hỏi thứ nhất của đồng chí, cơ cấu GDP phụ thuộc vào đầu tư công nhiều. Cách nói như thế này là không chính xác. Phải nói rằng tăng trưởng GDP phụ thuộc nhiều vào (tăng trưởng) đầu tư công. Hoặc đầu tư công là một cấu thành lớn/chiếm tỷ trọng lớn trong GDP.
Còn về chuyện có đúng rằng đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn trong GDP hay không, tớ không nắm rõ số liệu tỷ trọng đầu tư công trong GDP (bạn đọc cung cấp số liệu giúp tớ nhé), nhưng có cảm giác rằng không phải vậy. Điều đầu tiên cần làm rõ là về khái niệm đầu tư công. Nếu đầu tư công được hiểu là đầu tư từ ngân sách cộng với đầu tư từ các DNNN (kể cả các liên doanh giữa DNNN với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân.) thì đầu tư công quả thật là rất đáng kể, có thể nói là chiếm tỷ trọng lớn (nhưng không rõ có thể gọi là chiếm tỷ trọng chi phối trong GDP (dominant, >50%) hay không).
Nếu đầu tư công chỉ là đầu tư từ ngân sách (tớ nghĩ cái này thì đúng hơn), thì đầu tư công không phải là lớn lắm và chiếm tỷ trọng đáng kể trong GDP, vì bản thân ngân sách cũng chỉ bằng đâu như 20-30% GDP mà lại còn phải chi thường xuyên cho nhiều thứ (trả lương, trả nợ Chính phủ, mua sắm công v.v... Bạn đọc lại cung cấp số liệu ngân sách giúp tớ nhé). Vì thế nói rằng đầu tư công là cấu thành lớn trong GDP là không chính xác (tớ nghĩ rằng người đưa ra nhận định trên có ngụ ý muốn nói rằng đầu tư công chiếm tỷ lệ chi phối trong GDP).
Về câu hỏi thứ hai của đồng chí, đi vay nợ để chi cho chi tiêu của Chính phủ (chi tiêu công), và nguồn ngoại tệ từ vốn FDI, FII nếu vào Việt Nam và được NHNN mua và tung VND ra đối ứng (mà không trung hòa để cân bằng cung tiền) thì đương nhiên cung tiền VND phải tăng lên (tớ đã viết nhiều về vấn đề này, điển hình là bài này: http://vneconomy.vn/68741P0C19/giai-ma-tang-gia-sao-cu-so-ngon.htm), tăng lạm phát, tăng trưởng nóng, bất cân đối vĩ mô trầm trọng hơn...