Trong bối cảnh
nền kinh tế đang tăng trưởng thấp hơn so với mức được coi là tiềm năng và vẫn
còn đó những bất ổn kinh tế vĩ mô, một câu hỏi được đặt ra là phải làm gì để “vực”
dậy tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn tiếp tục cải thiện các cân đối kinh tế vĩ
mô.
Trả lời câu
hỏi trên, gần đây có luồng ý kiến cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần phải từ bỏ chính sách quản lý tổng cầu (hay “trọng cầu”)
để thúc đẩy tăng trưởng. Thay vào đó là chính sách “trọng cung”, gồm thực thi
chính sách tiền tệ theo hướng duy trì lạm phát ở mức thấp, giúp doanh nghiệp có
thể tiên đoán được sự biến đổi về lãi suất, nhờ đó có thể giúp doanh nghiệp xây
dựng được các chiến lực kinh daonh và yên tâm bỏ vốn đầu tư trong trung và dài
hạn; giảm các loại thuế và phí,
cắt giảm chi tiêu chính phủ; đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cổ phần hoá các DNNN; giải
điều tiết các thị trường, tăng cường cạnh tranh và tự do thương mại; khuyến
khích đầu tư vào phát triển công nghệ, giáo dục và đào tạo để cải thiện năng suất
và phát triển vốn con người.
Đối với luồng ý
kiến này, có thể thấy một số vấn đề cần làm rõ thêm.
Nhận diện thách thức hiện tại
Nền kinh tế Việt
Nam hiện đang phải đối mặt với tổng cầu tăng yếu (hơn mức kỳ vọng và/hoặc tiềm
năng), thể hiện ở tăng trưởng GDP và chỉ số bán lẻ ròng thấp. Cầu yếu còn thể
hiện ở việc dư cung, với chỉ số hàng tồn
kho cao, ở việc doanh nghiệp không dám vay vốn (mặc dù đủ điều kiện vay với lãi
suất ưu đãi) để mở rộng sản xuất. Trong khi đó, thu ngân sách bị hụt lớn (so với
kế hoạch) do Chính phủ tiến hành một loạt động thái cắt giảm, hoãn, miễn, hoàn thuế trong khi mức giao nộp của doanh
nghiệp và cá nhân, theo báo cáo, bị sụt giảm bởi sản xuất kinh doanh không khả
quan.
Cho dù các thách
thức trên có thể chỉ là ngắn hạn nhưng nếu không có biện pháp xử lý đúng đắn
thì chúng sẽ thành vấn đề có tính dài hạn hơn. Nói cách khác, hiện nay nền kinh
tế đang đối mặt với thiếu cầu chứ không phải thiếu cung để mà phải “kích cung”.
Nên nếu tiến hành chính sách trọng cung (hiểu ở đây chắc là, theo ý của phía
“trọng cung” này, phải tăng cung hơn nữa;
và lưu ý thêm rằng hiểu như vậy thì chính sách này không thể được gọi là “trọng
cung” theo đúng định nghĩa của nó) thì nền kinh tế sẽ càng phải chứng kiến sự
dư thừa, tồn kho hàng hóa lớn hơn, doanh nghiệp càng phải co hẹp và đóng cửa
nhiều hơn. Vì thế, chí ít thì tình trạng thiếu cầu (và dư cung) là căn bệnh
đang diễn ra hiện nay và cần phải được giải quyết ngay và trước mắt đã. Cho đến
khi nào sự bất cân đối này được cải thiện thì có thể lúc đó ta mới có thể phải
xem xét các biện pháp kích thích sản xuất kinh doanh (lưu ý lại là các biện
pháp này không thuộc về chính sách “trọng cung” theo đúng nghĩa của nó) trong
trung và dài hạn.
Trong bối cảnh hụt
thu ngân sách ở mức lớn như hiện nay (và còn kéo sang ít nhất năm sau), chính
sách trọng cung với các biện pháp giảm thuế phí hơn nữa chỉ càng dẫn đến sự hụt
thu trầm trọng hơn. Nguy hiểm hơn, điều này sẽ càng buộc Chính phủ phải dựa vào
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để tiền tệ hóa khoản thâm hụt ngân sách Chính phủ, tức
là làm trầm trọng thêm các bất ổn vĩ mô (áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng
v.v...).
Cho dù phía trọng
cung nói trên có đề cập đến giảm chi tiêu Chính phủ, nhưng rõ ràng là cho dù có
giảm được chi tiêu Chính phủ nhưng thâm hụt ngân sách vẫn có khả năng không giảm
đi, thậm chí vẫn trầm trọng hơn, nếu tổng thu ngân sách giảm mạnh hơn mức giảm
chi của Chính phủ. Chưa nói thêm rằng giảm chi tiêu của Chính phủ sẽ lại dẫn đến
vòng luẩn quẩn là tổng cầu yếu lại càng thêm yếu trong khi cái cần ngay trước mắt
là phục hồi tổng cầu, chứ không phải là tổng cung.
Động lực tăng trưởng nằm ngay ở giải pháp xử lý những
thách thức hiện tại
Xử lý được những
“điểm nghẽn tăng trưởng” nói trên cũng tức là mang lại động lực phục hồi tăng
trưởng cho nền kinh tế. Và giải pháp xử lý đương nhiên sẽ phải là tăng tổng cầu
(và giảm tồn kho), và giảm thâm hụt ngân sách Chính phủ. Vì khuôn khổ giới hạn,
nên ở đây ta chỉ nêu một số nét làm ví dụ.
Tổng cầu gồm có cầu
từ thị trường nội địa và từ xuất khẩu. Tuy xuất khẩu đã tăng trưởng rất khả
quan trong suốt mấy quý qua nhưng vẫn có thể tạo thêm dư địa để khu vực này đóng góp tích cực hơn nữa
vào tăng trưởng kinh tế, thông qua các biện pháp như phá giá tiền đồng để tăng
sức cạnh tranh, nhờ đó tăng được doanh số xuất khẩu. Xuất khẩu tăng sẽ có tác động
tích cực tới nền kinh tế nội địa khi nó tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập,
thuế phí giao nộp, v.v... và tức là tăng tổng cầu.
Ngoài mặt lượng,
dư địa đóng góp của xuất khẩu vào tăng trưởng còn có thể được mở rộng thêm về
chất, tức nhờ vào tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu. Các biện
pháp chính sách theo hướng này là phải tăng cường liên kết theo chuỗi giữa hoạt
động xuất khẩu với hoạt động của các ngành công nghiệp phụ trợ. Mà theo hướng
này, một loạt các biện pháp chính sách cần phải tiến hành, trong đó đáng kể nhất
là cải thiện tính hiệu quả của việc hoạch định chính sách, của hoạt động của bộ
máy công quyền, quản lý hành chính; cải thiện chất lượng và số lượng các yếu tố
đầu vào như lượng và chất nguồn lực lao động, đất đai, hạ tầng v.v...
Đối với thị trường
nội địa, giảm, miễn và hoãn thuế phí như đã và đang làm có lẽ không phải là một
giải pháp hiệu quả và có tính quyết định, vì như đã nói, nó có tác dụng phụ là
làm tăng hụt thu. Ngay những nước như Nhật, với nền kinh tế trì trệ hàng thập kỷ
qua, vẫn phải cân nhắc đến tăng thuế tiêu thụ để bù đắp nguồn thu. Thay vào đó,
cải thiện lòng tin của người tiêu dùng, của doanh nghiệp vào triển vọng tăng
trưởng của nền kinh tế là điều cần được ưu tiên để họ mở rộng hầu bao cho tiêu
dùng và đầu tư. Mà để làm việc này thì việc giảm thiểu tính bất trắc của nền
kinh tế trong tương lai, chứ không phải là việc nâng lên hay hạ xuống bản thân một
chỉ số kinh tế vĩ mô nào đó (như lạm phát), mới là điều quan trọng. Người ta thậm
chí còn mạnh tay chi tiêu tại thời điểm hiện tại nếu nhìn thấy trước được rằng
lạm phát chắc chắn sẽ ở mức xung quanh, chẳng hạn, 7% vào năm sau. Kể cả đối với
đầu tư cũng vậy, đầu tư vẫn có thể tăng nếu nhà đầu tư tính toán được bài toán
lợi nhuận dựa trên mức lạm phát cho trước hầu như là sẽ thành sự thật này. Điều
rủi ro mà người ta lo ngại nhất, và co lại, chính là việc dự tính lạm phát một
đằng mà thực tế hóa ra một nẻo. Nói cách khác, chính sách tiền tệ làm cho lạm
phát ở mức thấp, như phía “trọng cung” đề xuất, không nhất thiết là cần thiết
và/hoặc có lợi hơn một chính sách tiền tệ gây ra lạm phát cao hơn, nhưng ổn định
hơn.
Với chi ngân sách
Chính phủ, cắt giảm chi tiêu và đầu tư công vừa là điều không dễ dàng, vừa là
điều không nhất thiết là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh không còn
trông chờ vào đâu để vực tổng cầu. Thay vào đó, và hiển nhiên là vậy, hiệu quả
chi tiêu là điều cần chú trọng. Theo hướng này, tất nhiên sẽ có một loạt biện
pháp chính sách cần được xây dựng và thực thi để cải thiện chất lượng chi tiêu
của Chính phủ. Một khi hiệu quả chi tiêu được nâng cao thì đương nhiên nhu cầu
tăng thâm hụt ngân sách sẽ phải giảm đi.
Những giải pháp trên cũng sẽ mang lại động lực
tăng trưởng trong trung và dài hạn
Không như một số
người sẽ hiểu lầm rằng các giải pháp trên chỉ mang tính ngắn hạn, đối phó với
những thách thức hiện tại. Cần lưu ý rằng các giải pháp trên thường là (và liên
quan đến), như đã dẫn chứng, việc cải
thiện tính hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, của từng khu vực, thành phần kinh
tế và của chức năng và hoạt động của Chính phủ v.v... để sao cho cùng một nguồn
lực hiện có nhưng thành quả đóng góp vào tăng trưởng kinh tế lớn hơn. Mà bản thân nội hàm của việc cải thiện tính hiệu
quả đã tự nó bao gồm tất cả những biện pháp mà phía “trọng cung” đề xuất. Chẳng
hạn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng chính là một biện pháp để cải
thiện tính hiệu quả của khu vực kinh tế này, sao cho ngân sách không phải bỏ
thêm vốn ra mà đóng góp của nó lại tăng lên.
Tóm lại, đi tìm
và mang lại động lực cho hồi phục và tăng trưởng kinh tế không nên chỉ giới hạn
ở trong 2 khái niệm “trọng cầu” và “trọng cung”. Trong ngắn hạn, động lực này nằm
ngay ở chính kết quả của các giải pháp có xử lý hữu hiệu được các khó khăn và
thách thức hiện nay của nền kinh tế hay không. Tiếp tục thực thi hữu hiệu các
giải pháp này để cải thiện tính hiệu quả của các nguồn lực trong trung và dài hạn
cũng chính là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.
Trước hết tôi rất thích thú thấy anh Ngọc đã thẳng thắn đề cập tới vấn đề cốt lõi của tình hình kinh tế hiện nay: Mất cân đối trầm trọng giữa cung và cầu, và đề xuất hướng xử lý, kết hợp cả ngắn, trung và dài hạn. Đọc bài này, tôi có một số suy nghĩ sau:
ReplyDeleteNhận diện thách thức hiện tại
Anh Ngọc cho rằng hiện tại cầu thấp hơn cung quá nhiều nên giải pháp phải là kích cầu chứ không phải kích cung; nếu kích cung thì tình trạng mất cân đối sẽ trầm trọng và nguy hiểm hơn.
Tôi rất tán thành nhận định này; nhưng thực ra theo tôi, nếu phân tích kỹ trong nhiều lĩnh vực thì thấy nền kinh tế nước ta thường xuyên trong tình trạng vừa thiếu cầu vừa thừa cung, đồng thời vừa thừa cầu vừa thiếu cung. Ví dụ như anh Ngọc có nói thiếu ngành công nghiệp phụ trợ, thiếu lao động có chất lượng, thiếu năng lượng điện nước, thiếu năng lực của bộ máy quản lý nhà nước... Đụng vào đâu, muốn làm gì, sản xuất gì cũng thấy thiếu đầu vào và khó khăn trong quá trình triển khai.
Do đó kích cầu, nhưng cũng phải kích cung.
Theo tôi thu ngân sách bị hụt lớn (so với kế hoạch) không phải chủ yếu do Chính phủ tiến hành một loạt động thái cắt giảm, hoãn, miễn, hoàn thuế... mà thực chất là do sản xuất tụt giảm nghiêm trọng và tình trạng thông đồng gian lận thuế, trốn thuế ngày càng lớn. Nhìn số tiền cắt giảm, hoãn, miễn thuế quá nhỏ bé là thấy ngay. Con số tăng trưởng GDP năm nay do Chính phủ ước không đáng tin cậy; tôi tin là tốc độ tăng trưởng thấp hơn số đó.
Một thực trạng nữa là kích cầu từ ngân sách đã lên đến mức tột đỉnh (bội chi ngân sách, nợ trong và ngoài nước, lạm phát vẫn cao, mất khả năng thu ngân sách...), nếu muốn kích tiếp thì cần cực kỳ thận trọng và sử dụng tiền có hiệu quả, không thì sẽ bùng nổ lạm phát, khủng hoảng nợ, khủng hoảng ngân sách và kinh tế.
Mặt khác nếu như trước đây kích cầu qua ngân sách còn có tác dụng thì giờ đây tác dụng của nó rất ít. Kích cầu phải nhằm tăng thu nhập cho người nghèo, người lao động, nhưng kích ở ta, tiền rơi vào đám tham nhũng, toàn đám giàu nên không làm tăng tiêu dùng.
Kích cung mà chỉ tập trung vào giảm thuế là sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Mức kích sẽ cực thấp, không có tác dụng, trong khi nguy cơ khủng hoảng ngân sách tăng vọt.
Ua, anh Đức viết hăng và thực tiễn quá.
DeleteThực ra tôi chỉ muốn nói gọn trong bài rằng thời buổi này còn lôi chuyện kích cầu hay cung, đặc biệt là tự nhiên lại lôi cái khái niệm "trọng cung" với "trọng cầu" cũ rich ra làm cái gì nữa. Như đã nêu qua trong bài, và anh cũng nêu ra, các chính sách đều đan quện với nhau, chẳng thể nào tách bạch cái nào là cái nào, trường phái nào, tư tưởng nào. Đại loại là cứ cái gì có lợi cho dân thì ta làm (hehe, nghe quen quen!).
Và tuyệt đối tránh tình trạng nghe, đọc lõm bõm cái gì đó rồi bệ nguyên xi về đòi áp dụng với thi hành, căn bệnh của mấy học giả VN. Chán không buồn nói thêm.
Tôi cũng đồng ý với ý kiến của anh Ngọc. Phân biệt trọng cung và cầu chỉ dành cho mấy bác mọt sách và đã quá lỗi thời. Thực tế làm gì có việc phân biệt rach ròi giữa chính sách nào là thực sự trọng cung và cầu.
DeleteĐộng lực tăng trưởng ngắn hạn:
ReplyDeleteHoan hô anh Ngọc đề xuất xử lý bằng được những “điểm nghẽn tăng trưởng”, tập trung vào cầu. Tuy nhiên, nhìn tình hình hiện nay tôi lại ưu tiên hơn cho kích cung. Kích cung mới tạo ra thu nhập và thu nhập mới rơi vào tay người nghèo, người lao động, họ có tiền thì sẽ chi tiêu ngay, qua đó mới có tác dụng tới kích cầu.
Về xuất khẩu: Phá giá vừa có tác dụng kích cung (vì tạo ra động lực mới cho người làm hàng xuất khẩu) và điều chỉnh cơ cấu sản xuất, vừa có tác dụng kích cầu (kích thích nước ngoài tăng mua hàng Việt Nam sản xuất).
Một loạt các biện pháp nhằm tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu, tăng cường liên kết theo chuỗi giữa hoạt động xuất khẩu với hoạt động của các ngành công nghiệp phụ trợ... thực chất là kích cung, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, tức áp dụng các chính sách sao cho người sản xuất trong những ngành ưu tiên này cảm thấy có lợi hơn, từ đó ưu tiên đầu tư.
Như vậy, rất cần kết hợp phá giá khá cao và xóa bỏ mạnh mẽ những “điểm nghẽn", những "hạn chế, ràng buộc" ảnh hưởng bất lợi tới sản xuất, nhất là tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng. Phải trừng trị thẳng tay những đối tượng gây khó khăn cho người sản xuất, kinh doanh. Phải tạo thuận lợi cao nhất (vốn, đất đai, kỹ thuật, thủ tục hành chính...) cho doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, doanh nghiệp tham gia các chuỗi giá trị, doanh nghiệp làm hàng phụ trợ cho công sản, nông sản xuất khẩu và làm đầu vào, doanh nghiệp tham ra xử lý những ách tắc cơ sở hạ tầng quan trọng nhất phục vụ sản xuất... Dĩ nhiên, lúc đó không nên quan tâm chuyện kinh tế nhà nước là chủ đạo với DNNN là nòng cốt, mà chỉ quan tâm tới hiệu quả.
Về giải pháp lòng tin: Cải thiện lòng tin không có tác dụng đáng kể làm tăng tiêu dùng (kích cầu), nhưng có tác dụng vô cùng to lớn tới đầu tư. Đặc biệt, nếu áp dụng một chính sách tiền tệ tương đối chặt và ổn định trung hạn (3 năm) để duy trì lạm phát cũng ổn định trung hạn, thì tác dụng tới đầu tư còn tăng hơn nữa. Đây chính là chính sách kích cung.
Về chi ngân sách: Tôi tán thành có thể nới lỏng thêm một chút đi kèm với những cải cách lớn trong chính sách chi, theo hướng điều chỉnh lớn cơ cấu chi và sử dụng có hiệu quả hơn các khoản chi. Khi đó tiền chi sẽ có tác dụng kích cả cung chứ không chỉ có tác dụng kích cầu. Lưu ý vốn đầu tư vừa là nhân tố cầu, vừa là nhân tố cung.
Động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn
ReplyDeleteNhững đoạn anh Ngọc viết phản ảnh việc xử lý những điểm nghẽn cơ cấu, nên sẽ có tác dụng trung và dài hạn. Cần rà soát loại cơ chế quản lý toàn nền kinh tế và từng lĩnh vực, xem cơ chế nào hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, tạo điều kiện cho cửa quyền, tham nhũng, lãnh phí... thì kiên quyết xóa ngay. Nghe thì tưởng khó, nhưng thực ra doanh nhân, quan chức nhìn thấy hết, chỉ có điều doanh nhân có dám dũng cảm tố ra, quan chức có dám hy sinh lợi ích của mình để xử lý không ? Và trên hết, Đảng và Nhà nước có kiên quyết làm không ? Cắt chức, xử tù hàng loạt quan chức thì chỉ sau nửa năm bộ máy nhà nước sẽ hoạt động thực sự vì dân, vì doanh nghiệp, và Đảng ta lại có uy tín tuyệt đối như Đảng của bác Lý Quang Diệu nơi anh Ngọc ở.
Tóm lại cần tập trung điều chỉnh cơ cấu kinh tế (đặc biệt là dùng tỷ giá) để người sản xuất thấy đầu tư có lợi, và khẩn trương tháo gỡ, xóa bỏ những cơ chế kìm hãm sản xuất; đó là con đường có lẽ là duy nhất đúng để thoát khỏi tình hình hiện nay đồng thời mở ra một giai đoạn phát triển hiệu quả hơn và dài hạn hơn.
Tất cả những điều trên cần một cuộc đổi mới về tư duy, về nhận thức của giới lãnh đạo chóp bu: Họ tự dưng thức tỉnh, thấy vì lợi của bản thân và phe cánh mà làm hại cả dân tộc là sai lầm; và thấy giờ là lúc phải sửa sai.
Xem thêm: http://toithichdoc.blogspot.ch/2012/08/ve-nhung-kho-khan-hien-nay-cua-nen-kinh.html
Đọc thêm để biết chứ tình hình và giải pháp bây giờ khác hẳn thời đó.
Tôi cũng đã nói đôi lần rồi, cái quan trọng là cần một thủ lĩnh thực sự của cải cách và đổi mới đủ sức lôi kéo, buộc cả xã hội phải cải cách và đổi mới. Tiếc rằng cho đến nay vẫn thiếu vắng những nhân vật này. Vì thế, mọi sự cải cách và đổi mới chỉ đem lại sản phẩm dở dang, hoặc phế phẩm, quái thai. Vì thế mà tôi mới phải bi quan mà rằng: Tái cơ cấu, hãy đợi đấy!
Delete