Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)
đã công bố kế hoạch tiền tệ cho năm 2015. Một trong những điều thu hút được sự
quan tâm nhiều nhất của dư luận là chuyện NHNN có kế hoạch giảm tiếp mặt bằng
lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1 - 1,5 điểm %/năm. Xung quanh định hướng
này có 3 vấn đề đáng nói.
Vấn đề đáng nói đầu tiên là dường
như việc giảm lãi suất này lại được cho là trách nhiệm của và phụ thuộc vào ý
chí của các ngân hàng thương mại (NHTM), là quả bóng nằm trong chân các NHTM
này. Cần phải khẳng định luôn rằng điều hành lãi suất như thế nào và muốn mặt
bằng lãi suất trong nền kinh tế ở mức bao nhiêu v.v... luôn là trách nhiệm và
cũng là quyền năng của NHNN với tư cách là một ngân hàng trung ương.
Cụ thể, khi NHNN nhận thấy rằng lãi
suất trong nền kinh tế đang ở mức cao quá mức, gây tổn hại cho tăng trưởng kinh
tế và việc làm do nhiều chủ thể kinh tế bị lãi suất đi vay cao làm cho nản
lòng, không muốn vay mượn để chi cho tiêu dùng và đầu tư nữa, điều NHNN có thể
làm là nới lỏng chính sách tiền tệ, tức là bơm thêm tiền vào nền kinh tế, với
hy vọng lãi suất đến tay người đi vay sẽ giảm đi theo mong muốn của NHNN. Tất
nhiên, để quyết định mức bơm tiền thêm vào nền kinh tế là bao nhiêu và trong
bao lâu sẽ là phù hợp, NHNN phải xem xét và cân nhắc một loạt các chỉ số vĩ mô
như tăng trưởng GDP hiện tại, tăng trưởng GDP tiềm năng, lạm phát hiện tại,
(chính sách) tỷ giá, cán cân thương mại và vốn, cũng như mức độ hấp thu vốn của
nền kinh tế v.v...
Việc cân nhắc những chỉ số vĩ mô
trên là điều thiết yếu để có được một chính sách lãi suất phù hợp với các biến
số kinh tế vĩ mô khác trong khuôn khổ một chính sách phát triển kinh tế tổng
thể của đất nước trong từng thời kỳ. Để cho dễ hình dung, hãy xem 2 ví dụ sau.
Ví dụ thứ nhất. Giả sử lạm phát ở
Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với mức trung bình của khu vực và thế giới,
trong khi tăng trưởng GDP đã tiệm cận với hoặc vượt mức tăng trưởng GDP tiềm
năng. Lúc này, vì NHNN cho rằng (hoặc do bị áp lực từ dư luận buộc phải tin
rằng) mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam quá cao so với khu vực và thế giới
(lưu ý, đây là điều hiển nhiên, và là hậu quả tất yếu của lạm phát cao), nên
NHNN lại bơm mạnh cung tiền để hạ lãi suất thì việc hạ lãi suất sẽ hun nóng
thêm nền kinh tế, và chủ yếu dẫn đến các cơn sốt về bất động sản, vàng và chứng
khoán và làm lạm phát gia tăng mạnh hơn nữa, trong khi tăng trưởng GDP hầu như
không tăng thêm vì đã tiệm cận hoặc vượt quá tăng trưởng GDP tiềm năng.
Ví dụ thứ hai. Với định hướng chính
sách tỷ giá ổ định trong cả thời gian dài tính bằng năm để khôi phục lòng tin
vào tiền đồng, nếu NHNN lại nới lỏng chính sách tiền tệ để hạ lãi suất thì việc
này vô hình trung lại gây ra tác động phá vỡ sự ổn định của tỷ giá mà NHNN mong
muốn và đang nỗ lực thực hiện, do VND trở nên kém hấp dẫn hơn so với USD và xui
khiến người có tiền chuyển sang nắm giữ USD thay vì VND.
Qua 2 ví dụ để thấy lạm phát chỉ là
một trong nhiều yếu tố quan trọng để (NHNN) xem xét liệu có nên hạ lãi suất nữa
hay không. Xét trên ý nghĩa này, sẽ là sai lầm và phiến diện khi NHNN tuyên bố “điều
chỉnh (lãi suất) theo diễn biến CPI”, mà quên đi diễn biến và sự ràng buộc của
các biến số vĩ mô khác như trong 2 ví dụ trên. Bởi vậy, cho dù hiện nay CPI vẫn
đang theo xu hướng giảm nhưng không thể chỉ vì thế mà NHNN lại nới lỏng thêm
chính sách tiền tệ để hạ lãi suất. Hậu quả nhãn tiền có thể nhìn thấy trước nếu
NHNN nới lỏng tiền tệ để hạ lãi suất vào thời điểm này sẽ là việc nó phải chấp
nhận để VND bị mất giá mạnh hơn mức 1%-2% trong cả năm nay mà nó đã tuyên bố.
Và cũng bởi những lý do như thế này nên sẽ không ngạc nhiên khi NHNN vẫn phải tiếp
tục thận trọng với nới lỏng chính sách tiền tệ mặc dù tuyên bố sẽ giảm lãi suất
cho vay trung và dài hạn.
Vấn đề đáng nói thứ hai liên quan
đến sự sai biệt kỳ hạn giữa vốn huy động và cho vay ở các NHTM. Người ta cho
rằng nếu NHNN tăng cung tiền vào nền kinh tế thì thường đây là vốn ngắn hạn (ví
dụ, thông qua cho vay tái chiết khấu với kỳ hạn ngắn). Bởi vậy, dù cung tiền có
tăng lên và chảy vào hệ thống ngân hàng thì các NHTM cũng chỉ có thêm một nguồn
vốn chủ yếu là ngắn hạn mà thôi. Cộng thêm với thực tế là vốn huy động từ tiền
gửi tại các NHTM cũng có một tỷ trọng áp đảo là tiền gửi ngắn hạn, nên cho dù
có hạ lãi suất huy động để làm tiền đề hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn thì
các NHTM cũng không thể có đủ nguồn vốn cho việc này, làm cho lãi suất cho vay
trung và dài hạn khó mà giảm đi được.
Nhưng tình hình sẽ không xảy ra đúng
như trên nếu, thay vì tăng cung tiền và bơm thanh khoản trong ngắn hạn, NHNN
tuyên bố sẽ hành động theo một kịch bản tương tự, ví dụ như Chương trình nới
lỏng định lượng của Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (FED), theo đó gia tăng cung
tiền sẽ được duy trì trong thời hạn kéo dài hàng năm. Lúc này, các khoản vốn
của NHNN cấp cho nền kinh tế mang tính trung và dài hạn, tạo điều kiện để các
NHTM có được nguồn vốn cho vay mang tính trung và dài hạn với lãi suất thấp.
Người gửi tiền, với kỳ vọng lãi suất không chỉ ngắn hạn mà cả trung và dài hạn sẽ
ổn định theo hướng bị hạ thấp dần đi, sẽ có xu hướng chọn kỳ hạn trung và dài
hạn hơn ngay từ bây giờ để được hưởng lãi suất hấp dẫn hơn so với gửi ở thời
điểm sau này.
Tất nhiên, cần lặp lại rằng NHNN có
nên thực thi những chính sách nới lỏng kiểu này hay không vẫn phải phụ thuộc
vào nhiều biến số vĩ mô như nêu ở bên trên. Nhưng thông điệp ở đây là sự chênh
lệch kỳ hạn huy động và cho vay vẫn có thể khắc phục được nếu NHNN thực sự mong
muốn (và có thể) hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn. Nói ngược lại, nếu NHNN
không có động thái hỗ trợ gì về nguồn vốn và lãi suất thì không thể yêu cầu lãi
suất cho vay trung và dài hạn giảm đi được.
Vấn đề đáng nói thứ ba về định hướng
hạ lãi suất trung và dài hạn của NHNN là phản ứng của các NHTM trước mỗi hành
động chính sách của NHNN. Cứ như quan niệm hiện nay của nhiều người thì NHTM có
trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ đúng theo định hướng của NHNN. Nói cách khác, họ
cho rằng nếu NHNN ra định hướng từ đầu năm nay rằng sẽ giảm lãi suất cho vay
trung và dài hạn thì có nghĩa là các NHTM phải phấn đấu và nỗ lực giảm lãi suất
cho vay trung và dài hạn của mình. Nếu không làm được như vậy thì các NHTM sẽ
bị buộc tội là không tuân thủ định hướng của NHNN, không có trách nhiệm, không
có thiện chí, hoặc vô cảm với nền kinh tế và xã hội v.v...
Trên thực tế, NHTM chỉ nên và phải
hành động theo những tín hiệu thị trường, một phần do NHNN tạo ra. Nếu NHNN
muốn hạ lãi suất thì nó phải chủ động thực hiện việc này bằng quyền năng và
những công cụ chính sách hữu hiệu của mình, chứ không phải bằng cách yêu cầu,
bắt buộc, hay “vận động”, thuyết phục các NHTM phải hạ lãi suất cho vay của
chúng. Nếu gặp hoàn cảnh thuận lợi và “đầy thiện chí”, chẳng hạn như khi NHNN
tăng cung vốn trung và dài hạn với lãi suất thấp, thì các NHTM cũng có thể hạ
lãi suất cho vay của mình. Trong bối cảnh thuận lợi như vậy, nếu có NHTM nào đó
không chịu hạ lãi suất cho vay thì nó sẽ tự động bị thị trường cạnh tranh tự do
đào thải, do các NHTM khác sẵn sàng hạ lãi suất cho vay.
Nếu vì một lý do nào đó mà các NHTM
miễn cưỡng, hoặc không thể hạ lãi suất cho vay được kể cả khi bị NHNN yêu cầu, bắt
buộc, hay “vận động”, thì phải hiểu rằng đó không hẳn là chúng không có thiện
chí, hoặc “không tuân lệnh” của NHNN. Có nhiều lý do cho việc các NHTM không hạ
lãi suất cho vay được, ví dụ như NHNN không cung cấp đủ nguồn vốn cho vay trung
và dài hạn (với lãi suất thấp), NHTM đang bị “vướng” nợ xấu và, do đó, cần một
nguồn vốn đáng kể giữ lại (không cho vay) để xử lý nợ xấu v.v... Vì thế, không
thể chỉ căn cứ vào hiện tượng, ví dụ, trong khi tiền gửi trong hệ thống ngân
hàng tăng 16,31% năm 2014 thì cho vay ra chỉ tăng trên 14%, để kết luận rằng hệ
thống ngân hàng đang ứ đọng, dư thừa thanh khoản, nhưng các NHTM không thiện chí, không chịu hạ lãi
suất cho vay nói chung và cho vay trung, dài hạn nói riêng.
Nói tóm lại, trong cả 3 vấn đề nêu
ra bên trên ta đều thấy vai trò quyết định của NHNN trong việc hạ lãi suất cho
vay trung và dài hạn ở Việt Nam. Nếu vì một lý do nào đó mà lãi suất cho vay
trung và dài hạn không giảm đi theo đúng định hướng của NHNN thì đó hoàn toàn
là trách nhiệm của NHNN chứ không phải của NHTM, cũng như không nên trông chờ
hay đá quả bóng trách nhiệm sang các NHTM.
No comments:
Post a Comment