Nỗi lo an ninh khi bán sân bay – cần hiểu cho đúng!
Trước thông tin nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ được
mua hoặc nhượng quyền khai thác các sân bay và nhà ga sân bay như Phú Quốc và Nội
Bài, nhiều người tỏ ý lo ngại vấn đề về độc quyền, và đặc biệt là an ninh, an
toàn bay. Đáp lại lo ngại này, mới đây một lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải
(GTVT) tuyên bố trên báo chí rằng nhà nước chỉ bán, nhượng quyền phần dịch vụ khai
thác thương mại và một phần đầu tư xây dựng, còn toàn bộ hoạt động quản lý bay,
cũng như an ninh quốc phòng đều thuộc chủ quyền quốc gia, do nhà nước (thông
qua Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, VTAM) nắm giữ.
Vấn đề an ninh liên quan đến việc bán và nhượng quyền sân
bay, nhà ga có thể xuất phát từ một nỗi lo rằng khi đã thuộc quyền sở hữu tư
nhân, nhất là người nước ngoài, các nhà ga hay sân bay này có thể bị lợi dụng để
phục vụ các mục đích, ý đồ xấu, có lợi cho một thế lực nào đó trong hoặc ngoài
nước, xâm phạm và gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Từ suy nghĩ
này, sự tin cậy, phó thác việc quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn bay vào bàn
tay của các cơ quan quản lý nhà nước là điều tất yếu, vì người ta cho rằng các
cơ quan này do là của nhà nước nên không có động cơ chạy theo các lợi ích
thương mại và chính trị khác, ngoài lợi ích của quốc gia. Các cơ quan này sẽ
không thỏa hiệp với bất cứ ai, lực lượng nào để gây phương hại cho an toàn bay,
an ninh và chủ quyền quốc gia.
Mọi chuyện dường như đã rõ ràng, hiển nhiên nếu không có một
chi tiết nhỏ liên quan đến VTAM. Tuy là một doanh nghiệp công ích do nhà nước nắm
giữ 100% vốn và được xác định là không thuộc diện cổ phần hóa trong giai đoạn
hiện nay, nhưng, theo các phương tiện truyền thông trích lời Tổng giám đốc VTAM
cho biết, VTAM cũng đang xây dựng và triển khai một số đề án cổ phần hóa.
Trong cơ cấu tổ chức hiện tại của VTAM, ngoài các phòng
ban chức năng và 3 công ty quản lý bay ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, cùng với Trung
tâm Hiệp đồng điều hành bay và Trung tâm Thông báo tin tức hàng không, và một
công ty con trực thuộc là công ty TNHH Kỹ thuật quản lý bay, còn có một đơn vị
thực hiện cổ phần hóa mà VTAM nắm trên 50% vốn điều lệ là Trung tâm dịch vụ
thương mại quản lý bay. Như thế có nghĩa là ngoài Trung tâm dịch vụ thương mại
này ra, VTAM có thể còn đang xây dựng và triển khai công tác cổ phần hóa (hiện
tại hoặc trong tương lai gần) cả những công ty con và/hoặc bộ phận khác mà qua
cái tên của chúng đều cho thấy chúng dính dáng đến công tác quản lý an ninh, an
toàn bay nói chung.
Bởi thế, cho dù VTAM đã và sẽ chỉ cổ phần hóa một số công
ty con và/hoặc bộ phận trong số những đơn vị kể trên, và cho dù VTAM có thể sẽ
vẫn nắm giữ cổ phần chi phối trong các công ty và bộ phận này sau cổ phần hóa,
thì về bản chất, hoạt động của VTAM đã vương mùi thương mại, chịu phần nào ảnh
hưởng của các đối tác tư nhân là các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Và cũng cần
phải nhấn mạnh rằng dù các nhà đầu tư này có thể chỉ nắm cổ phần không chi phối
nhưng họ không dễ dàng bỏ vốn ra mà lại chấp nhận không có tiếng nói, không có ảnh
hưởng gì trong hoạt động của các công ty và bộ phận của VTAM.
Do đó, nếu cứ suy từ logic chỉ có sở hữu 100% nhà nước mới
đảm bảo được an ninh, an toàn bay thì không nên cổ phần hóa các công ty/bộ phận
của VTAM. Còn nếu đã chủ trương cổ phần hóa chúng thì phải chấp nhận một khái
niệm mới về thế nào là, và ai đảm bảo, an ninh, an toàn bay, vốn không thể và
không nên cứng nhắc và cực đoan như người ta vẫn nghĩ.
Trên hết, những lo ngại về an ninh, an toàn bay đứng từ
góc độ chính trị, an ninh, và chủ quyền quốc gia hoàn toàn có thể xử lý tách rời
khỏi doanh nghiệp liên đới là VTAM. Suy cho cùng, cho dù là doanh nghiệp nhà nước
100% thì VTAM vẫn chỉ là một doanh nghiệp theo đuổi đồng thời cả mục tiêu doanh
thu. Nó càng không phải là một cơ quan quản lý nhà nước, mà chỉ là một công cụ
để thông qua đó cơ quan quản lý nhà nước chủ quản của nó – Cảng vụ hàng không
hoặc một tổ chức tương tự như vậy của Bộ GTVT – thực hiện quản lý nhà nước về
an ninh, an toàn bay trên lãnh thổ Việt Nam. Cơ quan chủ quản này có trách nhiệm
ban hành các quy chế, luật lệ liên quan và thanh tra, giám sát việc thực thi. Các
doanh nghiệp như của VTAM hoặc bất cứ một doanh nghiệp tư nhân nào khác, nếu có
trong tương lai, tham gia vào công tác điều hành, quản lý bay đều phải tuân thủ
nghiêm những quy chế và luật lệ này và phải báo cáo, chịu sự theo dõi, giám sát
thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước này. Nếu làm được như vậy thì nỗi lo
mất an ninh, an toàn bay khi trao quyền cho tư nhân có thể yên tâm gạt sang một
bên được!
No comments:
Post a Comment