Chuyện những
thanh niên trẻ tuổi đang từ vị trí vô danh bỗng một ngày “vùng dậy sáng lòa” đã
dần trở thành chuyện “thường ngày ở huyện” vì ở Việt Nam nó là thế. Chuyện về
anh Giám đốc Sở 30 tuổi này thì cũng vậy, có lùm xùm một thời gian ngắn rồi chắc
cũng sẽ lại xẹp êm. Điều mà ta cần nói đến là việc lớn hơn, hà cớ gì nhà nước lại
phải trả tiền để nuôi ăn học và “quy hoạch” một số đối tượng nào đó?
Đã có một thời
gian dài trước đây nhà nước đã tuyển chọn con em một số đối tượng và thành phần
được ưu tiên trong xã hội để gửi đi đào tạo cả trong và ngoài nước, chủ yếu là
các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, bên cạnh một ít sự tuyển chọn công bằng và
công khai hơn qua thi tuyển, qua thành tích học tập. Sự tuyển chọn mang tính
“con em” như thế này, từng có lúc được ví là những “hạt giống đỏ”, ở một giác độ
nào đó có thể hiểu được và thông cảm được, vì cha anh của họ là những thành phần
có công trạng hoặc có vị trí trong xã hội, ở cái thời mà lý lịch chứ không phải
năng lực mới là yếu tố quyết định con đường hoạn lộ của mỗi cá nhân. Do những
“hạt giống đỏ” mới chỉ là hạt giống nên cần phải gieo trồng vun xới, tưới tắm từ
nhỏ nên tất nhiên là nhà nước phải bỏ tiền ra để nuôi ăn học những đối tượng
này.
Ngoài những đối
tượng hạt giống đỏ trên, còn có một hiện thực nữa là nhiều cán bộ biên chế nhà
nước, nhất là đối tượng thuộc dạng “quy hoạch” (tất nhiên, cũng thường là những
người có lý lịch “đẹp”) nhưng trình độ học vấn và chuyên môn chả đâu vào đâu
nên cần phải được nâng cấp để đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp và trình độ để
làm sếp trong tương lai. Trong trường hợp này, nhà nước cũng phải bỏ tiền ra để
nuôi họ ăn học vài năm nhằm “chuẩn hóa cán bộ”, với tâm lý là không thế thì lấy
đâu ra người (giỏi) để làm việc.
Nhưng rồi cùng với
sự đổi mới và mở cửa nền kinh tế, đổi mới tư duy và cung cách điều hành xã hội,
ngành “làm quan” cũng dần dà được cởi mở hơn cho những đối tượng bên ngoài xã hội
được tham gia mà không cần, không được đóng cửa tuyển dụng “con em” hoặc người đang
công tác trong ngành như trước nữa. Và quả thật là hiện nay ngày càng có nhiều
đợt tuyển công chức, cán bộ công khai mà không ít trong số đó cũng khá là công
bằng và cởi mở. Đồng thời, thực tế cũng cho thấy, bất cứ lúc nào, chỉ cần nhà
nước thông báo tuyển dụng bất cứ vị trí nào, trình độ nào, kinh nghiệm nào, độ
tuổi nào, lĩnh vực nào và ngành nghề nào thì sẽ có hàng trăm hàng nghìn hồ sơ dự
tuyển, và trong đó chắc chắn có không ít người xuất sắc đáp ứng tất cả mọi tiêu
chuẩn tuyển chọn đặt ra để nhà nước tha hồ mà lựa chọn những người giỏi và phù
hợp.
Trở lại trường hợp
anh Bảo ở trên. Có thể thấy anh Bảo là người không có tài cán gì đặc biệt, hơn
người. Cho dù anh đủ năng lực đi học Thạc sĩ ở Mỹ (cứ cho là cái trường anh
theo học không phải là là cái lò bán bằng), thì việc này cũng trở thành quá
bình thường ở Việt Nam trong thời đại này. Anh cũng không phải là thần đồng hay
người đoạt các giải cao trong các cuộc thi học sinh, sinh viên giỏi để được đặc
cách hay tưởng thưởng một xuất học bổng du học nước ngoài từ ngân sách nhà nước.
Trong quá trình học 1 năm ở Mỹ cũng chưa thấy có báo cáo nào cho biết anh có
thành tích đặc biệt gì đó đến nỗi tỉnh Quảng Nam phải quyết định “truy cấp” học
phí cho anh suốt 2 năm học Thạc sĩ. Vậy thì cái việc tỉnh Quảng Nam tài trợ chi
phí ăn học cho anh Bảo là không thể hiểu nổi trong bối cảnh hiện nay, trừ phi
người ta coi anh Bảo là “hạt giống đỏ” như thời trước đây.
Sau đó, trong quá
trình công tác ngắn ngủi sau tốt nghiệp về Việt Nam, cũng chưa thấy anh Bảo có
công trạng hay thành tích đặc biệt lưu danh gì để mà phải tưởng thưởng đặc cách
phong chức. Công việc và vị trí của anh đã từng kinh qua cũng không phải là
công việc thuộc loại quá hiếm và quá khó đến nỗi chỉ có một số rất ít người, đặc
biệt là chỉ có anh, mới có thể đảm nhiệm tốt được. Thay vì anh Bảo, nếu muốn, tỉnh Quảng Nam chắc chắn có thể lựa chọn
trong đội ngũ cán bộ hiện tại hoặc tuyển ngang từ bên ngoài những người có bằng
cấp, trình độ và năng lực bằng và hơn anh Bảo nhiều để đảm nhiệm những vị trí
mà anh Bảo đã và đang đảm nhiệm. (Nếu không phải vậy thì lẽ nào những vị trí mà
anh Bảo bỏ lại sau lưng lại đang bị bỏ trống vì không ai đủ năng lực đảm nhận?)
Vậy thì cái việc anh Bảo được cất nhắc và thăng tiến vù vù như vậy cũng là
không thể hiểu nổi trong bối cảnh hiện nay, trừ phi người ta lại coi anh Bảo là
“hạt giống đỏ”, là đối tượng được “quy hoạch” từ trong trứng như thời trước
đây.
Tóm lại, về
nguyên tắc, rõ ràng là nhà nước hiện nay không cần và không nên “quy hoạch” và trả
tiền cho một người bình thường đi học để về đảm nhiệm những công việc và vị trí
mà nhiều người khác trong xã hội hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt được, cho dù đó
là một vị trí lãnh đạo nào đó, vì luôn có thể tìm được người thích hợp cho mọi
vị trí trong bộ máy nhà nước thông qua tranh cử và thi tuyển. Nhưng các nguyên
tắc này sẽ bị “xếp xó” nếu tình trạng “hạt giống đỏ” vẫn tồn tại và phát triển.
No comments:
Post a Comment