(TBKTSG) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có kiến nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ nguồn nhập khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm xăng dầu trong nước.
Theo tính toán của PVN, khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành thương mại vào năm 2017 và đạt công suất tối đa vào năm 2018 thì nguồn cung xăng dầu nội địa cho thị trường Việt Nam tại thời điểm đó sẽ vượt nhu cầu trong nước, đặc biệt là dầu diesel.
Điều đáng chú ý hơn là PVN thừa nhận rằng các sản phẩm xăng dầu do hai nhà máy lọc dầu của mình làm ra khó cạnh tranh được với sản phẩm xăng dầu cùng loại nhập khẩu, đặc biệt sản phẩm xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc- được áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các nước và khu vực này. Do đó, PVN kiến nghị Chính phủ điều chỉnh các chính sách về kinh doanh xăng dầu trên cơ sở cân đối cung cầu, chỉ cấp hạn ngạch (quota) nhập khẩu sau khi cân đối đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất để các nhà máy lọc dầu trong nước “tiêu thụ an toàn, hiệu quả toàn bộ sản phẩm, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án, đảm bảo an ninh năng lượng”.Giả sử Chính phủ chấp nhận kiến nghị trên của PVN. Việc cần xem xét ở đây là liệu Chính phủ có được phép áp đặt quota nhập khẩu xăng dầu hay không. Theo cam kết WTO thì kể từ ngày gia nhập WTO, Việt Nam không được áp dụng mới và áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế số lượng nhập khẩu không phù hợp với quy định của WTO. Riêng với biện pháp hạn chế số lượng nhập khẩu dưới hình thức hạn ngạch thuế quan thì Việt Nam chỉ được duy trì đối với bốn nhóm mặt hàng là thuốc lá nguyên liệu; trứng gia cầm; đường thô và đường tinh luyện; muối.
Nếu cụm từ “quota nhập khẩu” được PVN dùng trong kiến nghị của mình lên Chính phủ đồng nghĩa với hạn ngạch thuế quan như trong cam kết WTO thì Chính phủ Việt Nam cho dù có muốn bảo hộ PVN đến đâu đi nữa cũng không được phép áp đặt bất cứ một dạng quota để hạn chế nhập khẩu xăng dầu nào.
Phân tích kiến nghị trên từ một góc độ khác. Theo lộ trình cam kết của Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, từ năm 2015-2018, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu có nguồn gốc từ các nước này sẽ phải đưa về mức 20% với xăng, 5% với dầu diesel cho ô tô và dầu hỏa. Tuy nhiên, trên thực tế, các mặt hàng này ở Việt Nam đang phải chịu thuế suất nhập khẩu theo cam kết WTO ở mức 35% (trước thời điểm 13-4-2015) vì nguồn nhập khẩu từ các nước hưởng ưu đãi thuế nói trên chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam (chiếm 0,08% trong quí 1-2015, theo Bộ Tài chính).
Hiện tại, từ sau ngày 13-4-2015, mức thuế nhập khẩu xăng đã giảm còn 20%, dầu diesel là 10%. Với bối cảnh giá dầu thế giới đang giảm mạnh, thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế cũng giảm, càng làm lộ rõ tính hiệu quả của các nhà máy lọc dầu của PVN là thấp. Bởi vậy, việc các nhà máy này vẫn tồn tại và tiếp tục tiêu thụ được sản phẩm có nghĩa là cả nền kinh tế Việt Nam phải ngậm hai “quả đắng” lọc dầu này, tiếp tục phải trực tiếp và gián tiếp bù lỗ cho chúng duy trì hoạt động.
Nhưng hãy tạm gác lại chuyện hiệu quả thấp của các dự án này, vì chúng là “chuyện đã rồi” và ở vào thế “đâm lao phải theo lao”. Điều đáng nói ở đây là, đã nhìn ra được tương lai ảm đảm về tính cạnh tranh của mình đến tận năm 2018, thế mà, kỳ lạ thay, PVN, các cổ đông của họ và các cơ quan có thẩm quyền vẫn xem xét hoặc quyết định nâng cấp và mở rộng đáng kể công suất của hai nhà máy lọc dầu Dung Quất (từ 6,5 triệu lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2021) và Nghi Sơn (từ 200.000 thùng/ngày lên 400.000 thùng/ngày), với lý do để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đang ngày càng tăng ở Việt Nam.
Như thế, có thể thấy, khi cần xin xỏ một cái gì đó có lợi cho mình thì những “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước như PVN luôn viện ra những lý do nghe có vẻ cực kỳ xác đáng (nhưng thật ra là cực kỳ vô lý). Trong việc xin bảo hộ thị trường trong nước bằng quota nhập khẩu vì lo dư cung, PVN viện lý do nào là bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án (?), nào là đảm bảo an ninh năng lượng. Ngược lại, dù biết và thừa nhận sẽ có dư cung năng lực sản xuất trong nước, nhưng để tiện bề xin mở rộng công suất, PVN và các cổ đông lại viện đến lý do đáp ứng nhu cầu xăng dầu đang ngày càng tăng ở Việt Nam (vậy sao lại kiến nghị siết nhập khẩu vì lo dư cung?).
Từ những lý do “tréo ngoe” như nói ở trên, có thể thấy PVN đang quá “tham lam” khi vừa muốn được bảo hộ khỏi sự cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu, lại vừa muốn sản xuất nhiều để bán được nhiều và thu lãi nhiều hơn với giá bảo hộ cao ngất ngưởng.
Nếu muốn toàn dân “thông cảm” chung tay bảo hộ để các dự án lọc dầu có đất sống vì đã trót bỏ ra quá nhiều tiền xây dựng chúng thì PVN phải quên đi việc xin mở rộng hơn nữa công suất lọc dầu từ mức hiện tại. Trong trường hợp này, Chính phủ có thể bảo hộ các nhà máy lọc dầu này một cách hợp pháp bằng việc duy trì hàng rào thuế quan tối đa theo mức cam kết với WTO (40%). Tất nhiên, toàn bộ gánh nặng thuế này sẽ đổ lên đầu toàn dân để đổi lấy sự tồn tại của các nhà máy lọc dầu.
Ngược lại, nếu muốn mở rộng thị phần bằng cách tăng công suất lọc dầu cho các nhà máy này thì PVN phải chấp nhận bị cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu mà không được hưởng sự bảo vệ bằng bất cứ chính sách nào của Chính phủ theo hướng siết chặt lại nhập khẩu xăng dầu với những lý do không chính đáng. Trong trường hợp này, thậm chí Chính phủ còn phải nhanh chóng xem xét hạ thấp hàng rào thuế quan từ mức rất cao như hiện tại để đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên liên quan.
No comments:
Post a Comment