“Tín dụng đen” thực chất là việc cho vay cá nhân hoặc tổ chức không tuân thủ những quy định và khuôn khổ pháp luật hiện hành, nằm ngoài hệ thống ngân hàng chính thống (tạm gọi là cho vay ngoài lề pháp luật) với lãi suất cho vay ở mức cao hoặc rất cao so với lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng hoặc của Chính phủ quy định.
Trong khi nghề cho vay có lẽ là một trong những nghề xưa cũ nhất của thế giới, xuất hiện trước cả khi đồng tiền quốc gia chính thức ra đời thì nghề cho vay với lãi suất rất cao (cho vay nặng lãi hoặc tín dụng đen) có lẽ chỉ xuất hiện khi hệ thống ngân hàng thương mại chính thống ra đời, hoạt động dưới sự kiểm soát, giám sát của cơ quan chức năng Nhà nước. Chỉ có thông qua hệ thống ngân hàng hoặc cơ quan chức năng thì người ta mới có một mức lãi suất tham chiếu chính thống để so sánh với lãi suất của các khoản cho vay ngoài lề pháp luật. Nếu lãi suất cho vay ngoài lề pháp luật cao hơn mức tham chiếu này (ở mức độ nào đó) thì lúc ấy mới có đủ cơ sở gọi những khoản này là tín dụng đen.
Nhưng câu hỏi liên quan là tại sao đã có hệ thống ngân hàng thương mại rồi mà tín dụng đen vẫn tồn tại và có đất sống? Có thể nói luôn rằng tín dụng đen là một thực tế khách quan tồn tại trong mọi hình thái xã hội, mọi giai đoạn. Đơn giản, vì nó phục vụ và đáp ứng nhu cầu vay tiền của một bộ phận dân chúng không có khả năng tiếp cận tín dụng chính thống từ hệ thống ngân hàng - vốn đòi hỏi phải chứng minh thu nhập hay dự án kinh doanh hoặc phải có lịch sử tín dụng sạch sẽ và tài sản thế chấp mới được vay tiền.
Không cần nói đến trường hợp của các nước đang phát triển, nơi có hệ thống pháp luật yếu và sự kiểm soát lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, ngay ở các nước phát triển như Singapore - nơi người dân và các tổ chức xã hội không thể “đùa” với pháp luật thì tín dụng đen vẫn tồn tại ngay trước mắt cơ quan công quyền. Ở các khu dân cư, cảnh sát còn phải dán các bảng cảnh báo bằng cả hình lẫn chữ kêu gọi người dân không nên vay tiền từ những kẻ cho vay nặng lãi. Thỉnh thoảng, báo đài vẫn đưa những tin tức về cách hành xử giang hồ, tạo áp lực thúc giục con nợ trả tiền của những kẻ cho vay này nhưng thế giới cho vay ngầm vẫn thản nhiên hoạt động. Điều đó đủ để thấy rằng, việc dẹp bỏ tín dụng đen về nguyên tắc là không thể. Pháp luật và chính quyền dù có mạnh tay đến mấy, đất nước có giàu và phát triển đến mấy nhưng trong xã hội vẫn có những người dân vì lý do nào đó cần đến tiền mà không thể vay được từ hệ thống ngân hàng thì tín dụng đen vẫn có đất để sinh tồn.
Tín dụng đen là xấu trên cái nghĩa là mức lãi suất cao, thậm chí ở mức cắt cổ, dồn nhiều con nợ vào đường cùng, không có khả năng chi trả dẫn đến nhiều bi kịch cho con nợ cũng như những hành động phạm luật của chủ nợ. Nhưng nói như thế không có nghĩa là Nhà nước cần phải tìm cách dẹp bỏ hoàn toàn tín dụng đen. Việc này không những là duy ý chí, không thể thực hiện được như đã nói ở trên mà còn tước đi cơ hội thỏa mãn tài chính cho những người không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Cần nói thêm, nhu cầu này là hoàn toàn chính đáng, không vi phạm bất cứ luật lệ nào và Nhà nước cũng không có bất cứ cơ sở nào để hạn chế hay loại bỏ nhu cầu này.
Thay vào đó, điều Nhà nước và pháp luật có thể làm với tín dụng đen là hạn chế những hành vi phạm pháp liên quan đến tín dụng đen. Trong khi việc tự thỏa thuận giữa con nợ và chủ nợ về lãi suất, số tiền và thời hạn của khoản vay có thể được coi là những thỏa thuận dân sự thông thường, Nhà nước cần kiên quyết xử lý theo đúng các điều khoản pháp luật những hành động phạm pháp như đe dọa, bức hại con nợ. Nếu pháp luật hiện hành chưa có những điều khoản quy định cho những tội danh như vậy thì cần sớm bổ sung. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu thêm về những nguy cơ và rủi ro để giúp họ chủ động không vướng vào vòng tín dụng đen. Ngoài ra, có thể xem xét thành lập những tổ chức phi Chính phủ đóng vai trò tư vấn về tài chính cho những người dân có nhu cầu, giúp họ tìm được cách thức tối ưu trước khi phải tìm đến tín dụng đen và khi có những tranh chấp phát sinh giữa con nợ và chủ nợ, các tổ chức này sẽ làm cầu nối hòa giải, giúp 2 bên tìm ra một giải pháp phù hợp nhất.
No comments:
Post a Comment