Monday, 23 January 2017

Toilet… ký sự (Bài đăng trên TBKTSG, 23/1/2017)

http://www.thesaigontimes.vn/156247/Toilet-ky-su.html

Có dịp sống và đi lại qua hàng chục nước từ Á, Úc sang Phi và Âu (chưa đến Mỹ), thấy chuyện về cái toilet đôi khi chẳng phải chỉ đơn giản là cái toilet mà còn cho thấy nhiều vấn đề khác.
Đương nhiên, với những nước nghèo, kém phát triển như Việt Nam hay ở châu Á và châu Phi, thì chuyện toilet công cộng ít, mất vệ sinh, và phải trả tiền là chuyện hầu như tất yếu phải thế, không thể khác, không có gì là đáng ngạc nhiên hay thất vọng cả. Bởi vậy, nếu có đi du lịch ở những nước này thì tốt nhất là luôn phải chuẩn bị tâm thế để đối phó với chuyện tìm đỏ mắt không thấy cái toilet nào trên đường thiên lý, hoặc phải bịt mũi nhắm mắt cho xong chuyện mà vẫn có thể cứ phải trả tiền dù đã mua hàng hóa hay dịch vụ của nơi đó, ví dụ như siêu thị hay nhà ga.
Vẫn cái chuyện toilet đó và ở ngay trong khu vực, nếu mà sang những nước giầu có, phát triển như Singapore và Nhật thì hầu như chắc chắn là “Xin chúc mừng bạn đã đến thiên đường của… toilet!” Toilet có ở hầu hết khắp mọi nơi, kể cả những nơi hẻo lánh, chẳng mấy khi phải xếp hàng vì “cầu” cao hơn “cung”, mà lại hầu như rất ít nơi phải trả tiền, gần như hoàn toàn miễn phí cho mọi người qua lại. Thậm chí, ở Nhật, có lẽ do thời tiết mùa đông lạnh giá kết hợp với chuyện là xã hội có nhiều người cao tuổi, hay chỉ đơn giản bởi tại văn hóa sạch sẽ của người Nhật nó là thế nên nước này đã trang bị các bệ xí bệt hiện đại với vòi xịt rửa nước nóng và xấy khô trong các toilet tại rất nhiều địa điểm công cộng, và tất nhiên cũng hoàn toàn miễn phí. Và cũng không rõ có phải do ý thức cao của người Nhật hay không mà các toilet đều khá sạch sẽ, khô ráo, dù ít khi nhìn thấy nhân viên vệ sinh quét dọn.
Ở nước giầu như Singapore, “thiên đường toilet” có hơi khác với Nhật một chút ở chỗ là chất lượng không được đồng đều như vậy. Toilet công cộng ở nhiều nơi “xịn” và sạch như khách sạn 5 sao, và tất nhiên là vẫn miễn phí hoàn toàn, trực tiếp hay gián tiếp. Trong khi đó, toilet ở một số nơi lại khá bầy hầy, dù cũng có người quét dọn thường xuyên. Có lẽ lý do tại ý thức của nhiều người Singapore, và nhiều người nước ngoài sống hoặc du lịch tại nơi đây chưa đạt đến đẳng cấp của người Nhật chăng?
Và cũng chẳng nơi nào giống như Singapore khi ở sân bay Changi, cứ cách một vài chục mét lại có một toilet lớn có thể phục vụ hàng chục người một lúc, với màn hình điện tử đặt ngay ngoài cửa ra vào để khách sử dụng toilet xong có thể chấm điểm ngay người lao công trực trong phiên đó. Từ những điều nhỏ nhặt như vậy nên chẳng phải ngẫu nhiên mà Changi được xếp hạng là một trong những sân bay lớn tốt nhất thế giới.
Đến đây, chắc nhiều người sẽ chép miệng tự nhủ, thì tại nước người ta giầu có, phúc lợi cao, thuộc diện “nhà có điều kiện” mới làm được như thế chứ, đâu có gì lạ?
Xin thưa luôn là không phải vậy!
Nếu đặt chân đến châu Âu, kể cả một số nước Tây Âu giầu có và nhiều phúc lợi hạng cao như Áo và Đức, nếu ai là người có vấn đề với hệ tiêu hóa và bài tiết thì hơi bị… phiền! Phiền từ chuyện không phải lúc nào cũng tìm thấy toilet công cộng, hoặc nếu may có tìm được thì phải xếp hàng dài (nhất là bên nữ), đến chuyện một số tiền không nhỏ sẽ chui khỏi túi mình cho các toilet sau mỗi ngày lang thang ngoài đường.

Nơi đây, có lẽ nhu cầu đi toilet bị xếp hạng thấp nhất, không đáng quan tâm đến trong số những nhu cầu cơ bản của con người. Hoặc giả người dân nơi đây “nhịn” giỏi, có ít nhu cầu đi toilet. Hoặc nữa là Chính phủ muốn dành phúc lợi cho những chuyện khác cấp bách hơn chuyện toilet, nên chuyện toilet ở đây mới có nhiều cái “lạ” trong mắt những người đến từ nơi khác.
Chưa kể đến những nơi hẻo lánh hơn, ngay trong các siêu thị, trung tâm mua sắm, nhiều cái khá rộng, vài ba tầng như trong tòa nhà ngay cạnh vị trí vừa bị khủng bố bằng xe tải ở Berlin hồi tháng 12 vừa qua, chỉ duy nhất có một cái toilet với hàng người dài với nét bồn chồn đợi đến lượt hiện rõ trên mặt (lậy trời mong không ai bị tiêu cấp!).

Ở những nơi công cộng do Chính phủ quản lý như nhà ga, bến tầu, một số địa điểm tham quan người sử dụng vẫn cứ phải trả tiền để vào toilet (mỗi lần nửa euro hoặc hơn, tức khoảng 12-13 nghìn đồng) dù đã mua vé tầu, xe, hay vé vào cửa. Nên biết thêm là nửa euro này ở Đức là gần mua được một chai nước, một phong kẹo chocolate, hay một chai sữa trong siêu thị rồi đó. Thôi đành tự lý giải (để cho đỡ tức) rằng mức vé đã được Chính phủ tính “sát nút”, không bao gồm chi phí thuê lao công quét dọn vệ sinh, và/hoặc Chính phủ không muốn người khác, nhất là không phải khách hàng, dùng “chùa” dịch vụ của mình.

Một số cửa hàng cửa hiệu hoặc không bố trí toilet cho khách mua, hoặc có nhưng vẫn thu tiền mà lại lờ đi chuyện hoàn lại cho khách khi khách mua hàng hóa và dịch vụ của họ, tuy ở một số cửa hàng khác, như McDonald’s, thì sòng phẳng và công bằng hơn khi khấu trừ lại tiền phí toilet nếu khách chìa ra hóa đơn sử dụng toilet ra khi mua đồ ăn của họ (hóa đơn này in ra bởi máy tự động đặt ở cửa toilet, phải nhét tiền xu thì mới vào được bên trong). 
Tóm lại là hầu như không có một mô thức chung nào cho cái toilet từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam cả. Nhưng có một điểm chung có thể rút ra là, trừ một số rất ít nước “đặc thù” như Nhật và Singapore ra, ở mọi nơi, mọi quốc ga, dù là giầu hay nghèo, đã hay đang phát triển, và phúc lợi công cộng cao hay thấp, nếu là người tiết kiệm và không muốn bị rầu lòng, phiền toái với chuyện toilet thì tốt nhất là nên nhịn ăn, nhịn uống tối đa trước và trong khi ra đường!

Friday, 20 January 2017

Không có lý do gì để Việt Nam bỏ Tết âm lịch (Bài đăng trên Doanh nhân Sài gòn, 20/1/2017, bản gốc)

http://www.doanhnhansaigon.vn/van-de/khong-co-ly-do-gi-de-viet-nam-bo-tet-am-lich/1102462/

Những năm gần đây, mỗi dịp gần Tết âm lịch là lại nổ ra cuộc tranh luận gay gắt và xem ra bất phân thắng bại về chuyện nên hay không duy trì Tết âm lịch, có nên nghỉ dài (từ 7 đến 10 ngày) hay không, và có nên gộp Tết âm lịch vào Tết dương lịch hay không.

Qua theo dõi dư luận, thấy bên phản đối duy trì Tết âm lịch, hoặc ủng hộ chuyện gộp 2 cái tết này vào với nhau đưa ra một số lý do sau:

Thứ nhất, nghỉ Tết âm lịch 10 ngày, hay kể cả 7 ngày, là quá dài. Điều này không những là ngược với phần còn lại của thế giới khi họ làm việc thì ta nghỉ (và khi họ nghỉ Noel, nghỉ Tết dương lịch thì ta lại làm việc), ảnh hưởng đến quan hệ với đối tác nước ngoài, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và năng suất làm việc (trước và sau Tết người lao động làm việc uể oải, cầm chừng), kéo theo những tệ nạn như nhậu nhẹt, tai nạn giao thông v.v...

Thứ hai, Nhật đã chuyến sang ngày Tết dương lịch, bỏ Tết âm lịch (hoặc chỉ nghỉ 1 ngày), Hàn Quốc cũng đang đi theo hướng này, trong khu vực chỉ còn Trung Quốc và Việt Nam là nghỉ Tết âm lịch nhiều.

Thứ ba, Việt Nam phải theo tiến trình văn minh của thế giới, tiến hành hội nhập bằng cách chuyển/gộp Tết âm lịch vào Tết dương lịch, thay đổi hình thức ăn Tết âm lịch theo hướng ngắn hơn, văn minh hơn (tức là ít đến thăm nhau hơn, ít ăn nhậu hơn, hướng đến các hoạt động văn hóa chất lượng hơn).

Thứ tư, Việt Nam thuộc diện có nhiều ngày nghỉ lễ cao nhất khu vực. Những nước như Thái Lan, Lào, và Singapore chỉ nghỉ 4 - 5 ngày trong các dịp quốc  lễ.

Dưới đây, xin phân tích từng lý do trên để xem xét điểm hợp lý và bất hợp lý của chúng.

Về lý do thứ nhất, thực ra những năm gần đây Việt Nam mới nghỉ nhiều ngày trong dịp Tết âm lịch như vậy, chứ trước đây chỉ nghỉ 3 ngày (từ mùng 1 đến 3 Tết). Gần đây, số ngày nghỉ tăng lên không phải là người dân được nghỉ nhiều hơn, mà là do phải làm bù vào những ngày trước hoặc sau Tết âm lịch để thời gian nghỉ Tết kéo dài hơn mà không bị gián đoạn.
Cho đến năm trước vẫn là như vậy, nhưng riêng năm nay thì không thấy đả động gì đến chuyện phải làm bù, mà cụ thể là là cho ngày 26/1 và 27/1 (tức 29 và 30 Tết) là ngày lẽ ra không được nghỉ Tết.
Vậy, chuyện nghỉ dài ở Việt Nam thực ra không phải là nghỉ dài, chẳng qua chỉ là nghỉ trước, làm bù sau, hoặc làm bù trước, nghỉ sau, và số ngày nghỉ trong năm thì vẫn thế (ít nhất là đúng cho đến năm trước). Nói cách khác, không phải vì có Tết âm lịch mà (gần đây) chúng ta được nghỉ dài, nghỉ thêm này. Do đó, phê phán vì có Tết âm lịch nên nghỉ dài là bất hợp lý. Cái có thể phê phán ở đây chỉ là sự tùy tiện trong cách tính ngày nghỉ Tết và không thông báo trước lịch nghỉ Tết từ lâu để toàn xã hội biết mà điều chỉnh lịch làm việc (mãi đến khoảng tháng 10 hoặc muộn hơn thì Chính phủ mới thông báo lịch nghỉ Tết của năm đó).

Về chuyện nghỉ ngược với thế giới, điều này là một thực tế. Nhưng nếu vì chuyện này mà yêu cầu phải bỏ Tết âm lịch (hoặc gộp vào Tết dương lịch) để cho giống thế giới thì có khác gì yêu cầu các nước phải "nhất thể hóa", có ngày nghỉ giống nhau? Còn nếu lý luận rằng ngày nghỉ có thể khác nhau nhưng miễn là phải ngắn để đỡ bị ảnh hường thì hãy xem bảng dưới đây.


Các nước trong khu vực có từ 6 ngày nghỉ lễ liên tục trở lên trong năm 2017
 (Kể cả ngày nghỉ trùng vào thứ bảy, chủ nhật)

Quốc gia/vùng lãnh thổ
Thời gian nghỉ
Số ngày
Myanmar
12/4 - 23/4
12
Trung Quốc
27/1 - 2/2
7*
Indonesia
24/6 - 2/7
8
Việt Nam
26/1 - 1/2
7
Đài Loan (Trung Quốc)
27/1 - 1/2
6

* Gồm cả ngày nghỉ do làm bù trước hoặc sau kỳ nghỉ. Nguồn: http://publicholidays.asia

Theo bảng trên, mới chỉ xét đến các nước Đông Á và Đông Nam Á đã có thể thấy ít nhất có 4 nước ngoài Việt Nam có những kỳ nghỉ dài liên tục từ 6 ngày trở lên trong năm 2017 (chưa kể 3 nước khác là Brunei, Nhật và Thái Lan có một kỳ nghỉ liên tục 5 ngày, gồm cả thứ bảy và chủ nhật, khác biệt hoàn toàn với khu vực và thế giới). Tại sao các nước trên không bãi bỏ hoặc gộp những ngày nghỉ dài của mình vào những ngày nghỉ khác cho giống, cho “hội nhập” với thế giới?
Về chuyện nghỉ dài nên năng suất lao động giảm, điều này thuộc về chuyện nội bộ của công ty, cơ quan, những người sử dụng lao động, do những lý do ví dụ như thiếu vắng những biện pháp kỷ luật lao động cứng rắn và phù hợp để buộc người lao động quay trở về với nhịp điệu lao động như cũ, chứ không phải do tại nghỉ dài. Hơn nữa, nếu cứ cho rằng nghỉ dài là giảm năng suất lao động thì chẳng lẽ Nhà nước cần cấm người lao động được nghỉ phép liên tục, ví dụ 5 ngày trong một lần nghỉ sao? Quay trở lại với những nước ở bảng trên và những nước có kỳ nghỉ dài cả tuần lễ, mà thường được gọi là “golden week”, như Nhật và Trung Quốc, liệu có ai chứng minh được năng suất lao động của họ giảm đi sau kỳ nghỉ lễ?

Tương tự, không thể “đổ lỗi” cho nghỉ dài kéo theo tai nạn, tệ nạn. Đã là ngày nghỉ, dù chỉ 1 ngày thì người ta vẫn cứ ăn nhậu, vẫn có thể gây ra tệ nạn, tai nạn như thường. Để tránh hậu họa thì chỉ còn cách cấm tiệt “ăn” Tết, theo đúng nghĩa đen! Nói cách khác, Tết âm lịch không phải là nguyên nhân của tệ nạn, tai nạn.

Lý do thứ hai, rằng Nhật và Hàn Quốc đã/đang chuyển Tết âm lịch sang Tết dương lịch, chỉ còn Trung Quốc  và Việt Nam nghỉ Tết âm lịch nhiều.

Nếu hàm ý rằng 2 nước này nhờ chuyến sang ăn Tết dương lịch nên mới được như ngày nay thì rất thiếu căn cứ. Chẳng ai chứng minh được bằng con số (thực chứng) rằng có mối liên hệ chặt chẽ giữa bỏ Tết âm lịch hoặc gộp Tết âm lịch vào Tết dương lịch với sự giàu mạnh của một quốc gia.

Kể cả lập luận rằng 2 nước trên được như ngày này là nhờ họ có ngày nghỉ Tết âm lịch ngắn, trái với Việt Nam và Trung Quốc, thì đây vẫn là lập luận phi lý, vì bản thân Trung Quốc nghỉ (Tết âm lịch) nhiều như vậy nhưng họ đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, sắp có cơ soán ngôi đầu bảng của Mỹ. Vậy thì chuyện nghỉ Tết âm hay không, và nghỉ dài hay ngắn, xem ra không có mấy liên hệ với chuyện quốc gia đó có giàu có lên được hay không

Về lý do thứ ba, rằng Việt Nam phải theo tiến trình văn minh của thế giới, có vẻ như những người phản đối Tế âm lịch đánh đồng chuyện nghỉ/ăn Tết âm lịch với sự lạc hậu, không văn minh. Nếu đúng vậy thì cần biết rằng không chỉ người dân ở Việt Nam hay Trung Quốc và vùng lãnh thổ Hồng Kông hay Đàl Loan, mà cả người dân ở các nước như Singapore và Thái Lan, Brunei, Indonesia và Malaysla, cũng coi Tết âm là ngày lễ quốc gia và người dân được nghỉ lễ. Rõ ràng không thể gắn chuyện bỏ Tết âm lịch với trào lưu thế giới hay hội nhập gì cả.


Và dù rằng Brunei, Indonesia, và Malaysia là các quốc gia Hồi giáo nhưng các nước này vẫn coi Tết âm lịch là ngày nghỉ lễ quốc gia, chứ không vì lý do hội nhập hay “giữ gìn sự trong sáng” của, ví dụ, văn hóa đạo Hồi mà họ cấm đoán, chối bỏ hay hợp nhất ngày lễ này, vốn là ngày lễ theo tập quán, văn hóa ngoại đạo. Cũng cần biết rằng Indonesia chính thức chọn Tết âm lịch là ngày nghỉ lễ quốc gia từ 2003.
Các nước khác sẵn lòng chấp nhận văn hóa và tập quán ngoại lai như vậy, tại sao ta lại cứ muốn chối bỏ văn hóa và tập quán có từ hàng ngàn năm nay của cha ông, nhất là khi chưa ai chứng minh được rằng thứ văn hóa, tập quán này (nghỉ Tết âm lịch) là xấu?

Và cũng nên biết thêm rằng tập tục ăn/vui Tết âm lịch ở các nước này (ít nhất trong cộng đồng người Hoa) từ bao lâu nay vẫn là vậy. Ai thích đi thăm họ hàng, tổ chức ăn uống, lì xì thì vẫn đi, vẫn làm; ai thích tranh thủ những ngày nghỉ để đi du lịch, thưởng ngoạn văn hóa thì vẫn cứ đi. Chẳng có chuyện Tết âm lịch của họ theo hướng ngắn hơn, "văn minh" hơn, thể hiện ở việc ít đến thăm nhau hơn, ít ăn nhậu hơn, hướng đến các hoạt động văn hóa chất lượng hơn... như những người phản đối Tết âm lịch ở Việt Nam lập luận.

Về lý do cuối cùng, Việt Nam thuộc diện có nhiều ngày nghĩ lễ cao nhất khu vực. Những nước như Thái Lan, Lào, và Singapore chỉ nghỉ 4 - 5 ngày trong các dịp quốc lễ.

Thông tin trên là hoàn toàn sai. Như bảng dưới đây cho thấy, Việt Nam thực ra có số ngày nghỉ thuộc dạng ít nhất trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong năm 2017, dù Việt Nam đã cho nghỉ thêm 2 ngày trong dịp Tết âm lịch năm nay (ngày 26/1 và 27/1) so với các năm trước. Do đó, nếu bỏ Tết âm lịch thì Nhà nước phải cho người dân nghỉ bù vào các thời điểm khác trong năm để đảm bảo số ngày nghỉ lễ ờ Việt Nam không trở nên quá ít ỏi so với khu vực và thế giới. Mà nếu làm như vậy thì dù có bỏ Tết âm lịch ở Việt Nam thì mọi tác động tiêu cực được gắn với Tết âm lịch (nghỉ nhiều, dài, thiệt hại kinh tế, không hội nhập, tệ nạn, tai nạn gia tăng...) vẫn sẽ còn nguyên đó.

Số ngày nghỉ lễ quốc gia tại các nước trong khu vực năm 2017
(không kể các ngày nghỉ trùng vào thứ bảy, chủ nhật)

Quốc gia/vùng lãnh thổ
Số ngày
Quốc gia/vùng lãnh thổ
Số ngày
Campuchia
21
Nhật
12
Indonesia
19
Macao
12
Myanmar
18
Hàn Quốc
11
Thái Lan
15
Trung Quốc
11
Đài Loan
14
Việt Nam
11
Hồng Kông
13
Malaysia
10*
Philippines
13
Singapore
10
Brunei
12
Lào
9

* Mỗi bang có thêm các ngày nghỉ riêng. Nguồn: http://publicholidays.asia

Tương tự, nếu gộp Tết âm lịch vào Tết dương lịch thì vẫn phải/nên đảm bảo tổng số ngày nghỉ trong năm không ít hơn so với trước đây, và, do đó, mọi chuyện rốt cuộc vẫn như cũ, chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Sau tất cả, Tết âm lịch từ lâu đã trở thành một thứ như là tín ngưỡng trong lòng hầu hết người Việt, không nên và không dễ gì xóa bỏ.

Wednesday, 18 January 2017

Giải pháp hiện thực hóa thanh toán không dùng tiền mặt (Bài đăng trên Doanh nhân Sài gòn, 18/1/2017, bản gốc)

http://www.doanhnhansaigon.vn/van-de/giai-phap-hien-thuc-hoa-thanh-toan-khong-dung-tien-mat/1102379/

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Đề án này có những mục tiêu cụ thể như đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; đến năm 2020, toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ, có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020 v.v…

Ví dụ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Ấn Độ
Một trong những ví dụ điển hình về sự chuyển biến nhanh chóng sang một xã hội không dùng tiền mặt là Ấn Độ. Nước này vào ngày 8/11/2016 đã đột ngột ban bố lệnh thu hồi các đồng tiền có mệnh giá 500 và 1.000 rupee, là 2 mệnh giá phổ biến nhất ở Ấn Độ, và đổi lấy các đồng tiền mới có mệnh giá 500 và 2.000 rupee có tính an toàn cao hơn.

Việc thu hồi và đổi tiền mới nói trên ngoài mục đích chính là chống tham nhũng và sự phát triển của thị trường ngầm, nó còn châm ngòi cho một diễn biến khá bất ngờ khác là buộc hàng trăm triệu người tiêu dùng nước này thành khách hàng bất đắc dĩ của hệ thống thanh toán điện tử do không còn đủ tiền mặt để tiến hành các giao dịch thanh toán thông thường như trước đây nữa. Cần biết rằng trước thời điểm 9/11/2016, giao dịch bằng tiền mặt chiếm 95% tổng số các giao dịch thanh toán ở Ấn Độ, ngay cả dịch vụ taxi Uber cũng chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt; có tới 90% cửa hàng bán lẻ không có máy đọc thẻ và các phương tiện chấp nhận thanh toán điện tử khác; có đến hơn nửa dân số nước này không có tài khoản ngân hàng…

Dù có nhiều nghi ngại về thời điểm Ấn Độ quyết định thực hiện được điện tử hóa thanh toán trên toàn quốc trong bối cảnh tiền mặt chiếm ưu thế tuyệt đối trong các giao dịch như trên, nhưng thực tế việc chuyển sang một xã hội không dùng tiền mặt đang diễn ra nhanh chóng ở đây sau lệnh thu hồi và đổi tiền tháng 11/2016. Tài khoản ngân hàng mới đang được mở với tốc độ tăng vọt so với trước, các dịch vụ thanh toán điện tử được đẩy mạnh, hình thức giao hàng và trả tiền trong thương mại trực tuyến đã hầu như chấm dứt và những ngành nghề kinh doanh dựa trên thanh toán điện tử như mua tạp hóa online đã bắt đầu lan rộng. Báo chí đưa tin thậm chí ngay cả người bán rau trên vỉa hè cũng lắp đặt các thiết bị đọc mã vạch và thanh toán trực tuyến. Các cửa hàng bán lẻ khác thì cũng đã chấp nhận ví điện tử v.v…
Hiện thực hóa Đề án không dùng tiền mặt ở Việt Nam

Có nhiều điểm tương đồng về một xã hội bị chi phối bởi tiền mặt giữa Việt Nam và Ấn Độ, như trình độ phát triển ở mức thấp với đa phần dân chúng sống ở nông thôn, tỷ trọng tiền mặt trong thanh toán ở mức cao, số dân có tài khoản ngân hàng ở mức thấp, cơ sở vật chất phục vụ thanh toán điện tử, đặc biệt là ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa cực kỳ thiếu thốn…
Mặc dù Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2020 ở Việt Nam không đưa ra những số liệu tương ứng hiện có và trong quá khứ, cho phép ta so sánh giữa hiện thực và mục tiêu để nhận biết sơ lược rằng các mục tiêu của Đề án có quá tham vọng và có thể thực hiện được vào năm 2020 hay không, nhưng như trường hợp của Ấn Độ cho thấy với sự quyết tâm cao và những biện pháp có phần cực đoan buộc các chủ thể liên đới tự giác và nghiêm túc thực hiện các bước đi cần thiết chuyển sang một xã hội không dùng tiền mặt thì Đề án hoàn toàn có khả năng sẽ được hiện thực hóa.

Trong những trường hợp như Việt Nam hay Ấn Độ, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt phải đối mặt với một câu hỏi mang kiểu “con gà hay quả trứng có trước?”. Cụ thể, để thanh toán điện tử được phổ cập, trước tiên cần có nhiều người sử dụng rộng khắp trên cả nước. Nhưng để có nhiều người sử dụng thì phải thiết lập được một cơ sở hạ tầng kỹ thuật rộng khắp, hỗ trợ thanh toán điện tử. Đồng thời, phí sử dụng thanh toán điện tử cho cả người mua lẫn người bán phải ở mức thấp, khuyến khích mọi người chuyển sang sử dụng thanh toán điện tử vì sự tiện lợi, an toàn của nó. Nhưng phát triển cơ sở hạ tầng rộng khắp và mức phí thấp chỉ có thể thực hiện được khi hệ thống ngân hàng có đủ động lực và có điều kiện để làm những việc này, mà cụ thể hơn khi họ có thêm nhiều tài khoản thanh toán mới được mở ra để có thêm một nguồn tiền gửi thanh toán lớn hầu như không tốn phí và một cơ sở khách hàng lớn tạo điều kiện cho ngân hàng hạ thấp các mức phí dịch vụ liên quan đến thanh toán nhưng vẫn làm tăng tổng thu nhập từ dịch vụ thanh toán cho các ngân hàng.     
Để giải quyết tình trạng “con gà hay quả trứng” nói trên, những động thái chính sách mang tính cưỡng bức gần đây của Chính phủ như bắt buộc các giao dịch mua bán bất động sản và xe máy, ô tô phải thực hiện không dùng tiền mặt là những tiền đề và động thái đúng đắn và cần nhanh chóng nhân rộng mang tính cưỡng bức ra các lĩnh vực và ngành nghề khác. Một trong những lĩnh vực kế tiếp là mua bán trực tuyến nhưng không được phép thực hiện thông qua hình thức giao hàng-trả tiền mặt. Tương tự như vậy là các dịch vụ chia sẻ trực tuyến như Uber, Grap Taxi và Easy Taxi v.v... Những động thái chính sách này của Chính phủ, ở một góc độ nào đó cũng có ý nghĩa tương tự như hành động đổi tiền mang tính cưỡng bức, cực đoan hơn của Ấn Độ, sẽ tạo điều kiện, khuyến khích và bắt buộc thêm nhiều người chuyển sang mở tài khoản tại ngân hàng và chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Về phía các đơn vị cung cấp hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ ở nông thôn và vùng sâu vùng xa, việc trang bị các máy đọc thẻ và thiết bị thanh toán đầu cuối, cũng như nối mạng để thực hiện thanh toán điện tử không phải là điều dễ dàng và ít tốn kém, nên sự hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật và tài chính của Chính phủ cũng là điều cần thiết.
Chính phủ cũng cần thiết phải tăng cường tuyên truyền sâu rộng cho người dân và doanh nghiệp về lợi ích sử dụng thanh toán điện tử, ví dụ bằng những bài toán cụ thể cho thấy tính an toàn và hiệu quả hoàn toàn có thể bù đắp được những tốn phí trong sử dụng thanh toán điện tử để khuyến khích mọi người tích cực chuyển sang các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, Chính phủ cần thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật để phủ sóng nối mạng internet toàn quốc, hỗ trợ nhân rộng thanh toán không dùng tiền mặt trên cả nước.

Song song đó, ở phía các ngân hàng thương mại, Chính phủ cũng cần có những động thái chính sách mang tính cưỡng bức và khuyến khích để họ tiến hành mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt (ví dụ như đặt điều kiện về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cho việc mở và duy trì các chi nhánh và điểm giao dịch), cũng như hạ thấp các loại phí dịch vụ (ví dụ, quy định mức trần về phí giao dịch, thanh toán điện tử). Do trước mắt, việc trang bị và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật là rất tốn kém với các ngân hàng nên các chính sách hỗ trợ cần thiết của Chính phủ như miễn giảm thuế và các nghĩa vụ giao nộp, hay cho vay hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước. 

Friday, 13 January 2017

Thúc đẩy thanh toán không sử dụng tiền mặt: Tốt cho tất cả các bên (Bài đăng trên CafeF, 13/1)


Thủ tướng chính phủ mới đây ban hành quyết định số 2545/QĐ-TT về Phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016- 2020, với những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho các bên liên quan.
Cụ thể, đến cuối năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt; thực hiện mục tiêu của kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 (100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại có thể chấp nhận thiết bị thẻ…); tập trung phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020…
Thực tế, quyết định 2545 phần nào là một bước tiếp nối ở mức độ cao hơn của quyết định số 291/2006/QĐ ngày 29/12/2006 phê duyệt đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020. Ví dụ theo quyết định 291, đến năm 2020 phấn đấu đạt tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán khoảng 15% (theo quyết định 2525 là thấp hơn 10%), và tỷ lệ các siêu thị trung tâm mua sắm, nhà hàng, khách sạn lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ khoảng 95% (theo quyết định 2525 là khoảng 100%). Điều này cho thấy quyết tâm của chính phủ trong việc thúc đẩy thanh toán không sử dụng tiền mặt ở Việt Nam.
Lợi ích của thanh toán không sử dụng tiền mặt
Thanh toán không sử dụng tiền mặt trước hết giúp giảm chi phí giao dịch. Riksbank, Ngân hàng trung ương Thụy Điển, nước đã hầu như không sử dụng tiền mặt, từng có một nghiên cứu vào năm 2012 cho thấy thẻ ghi nợ (debit card) là phương tiện thanh toán rẻ nhất so với thẻ tín dụng (credit card) và tiền mặt. Hơn thế, càng tăng cường sử dụng thẻ ghi nợ so với sử dụng tiền mặt thì hiệu quả của hệ thống thanh toán càng tăng lên, càng giúp giảm chi phí giao dịch bằng thẻ ghi nợ. Một số nghiên cứu ở các nước như Đan Mạch cũng cho kết quả tương tự.
Hình thức thanh toán qua thẻ ghi nợ là rẻ nhất bởi cơ cấu chi phí khác nhau giữa các thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và tiền mặt. Với thẻ ghi nợ, chi phí gồm thực hiện giao dịch, công nghệ thông tin và viễn thông, dịch vụ khách hàng, ủy quyền thanh toán và sao kê/kiểm tra. Chi phí cho thẻ tín dụng gồm marketing, đánh giá tín nhiệm, dịch vụ khách hàng và các chương trình thưởng... Chi phí cho tiền mặt gồm in ấn, vận chuyển, gửi vào, rút ra, chi phí nhân lực liên quan đến kiểm đếm cuối ngày, quản lý… Ngoài ra thanh toán tiền mặt còn làm phát sinh thêm những chi phí gián tiếp như bảo hiểm cho giao dịch bằng tiền mặt, thiệt hại khi hệ thống thanh toán bằng tiền mặt bị trục trặc, ách tắc và thất thoát từ thu ngân, và khả năng bị cướp…
Khi hệ thống thanh toán bị chi phối chủ yếu bởi tiền mặt thì tất cả những chi phí liên quan nói trên sẽ được tính đầy đủ và rốt cuộc làm đội giá hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng phải trả, cao hơn mức đáng lẽ ra họ phải trả khi dùng thẻ, nhất là thẻ ghi nợ. Hơn nữa chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt thì không chỉ người tiêu dùng mà tất cả các bên liên quan đều có lợi.
Với người bán hàng hóa và dịch vụ, lợi ích này đến từ việc người tiêu dùng do mua hàng hóa, dịch vụ với giả rẻ hơn nên nhu cầu mua sẽ cao hơn, dẫn đến doanh số tiêu thụ lớn hơn, lợi nhuận cao hơn. Chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt làm cho việc giao dịch trở nên nhanh gọn, an toàn, và có chi phí tổng thể thấp hơn so với nhận thanh toán bằng tiền mặt, làm cho lợi nhuận người bán cũng vì thế mà tăng lên.
Với hệ thống ngân hàng, khối lượng giao dịch hưởng phí sẽ tăng tỷ lệ thuận với việc chuyển sang thanh toán không sử dụng tiền mặt. Mặc dù chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu cho thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là rất tốn kém, nhưng bù lại ngân hàng sẽ được hút thêm một nguồn tiền gửi thanh toán khổng lồ với chi phí thấp, đồng thời chi phí cho mỗi giao dịch sẽ giảm đi khi khối lượng giao dịch tăng lên, cũng giúp ngân hàng tăng lợi nhuận từ các dịch vụ thanh toán.
Với quốc gia, chi phí giao dịch giảm đi và lưu chuyển tiền tệ tăng lên sẽ giúp nền kinh tế cải thiện tính hiệu quả, tăng thêm sức cạnh tranh, thúc đẩy tiêu dùng xuất khẩu và gia tăng các hoạt động kinh tế, cải thiện tăng trưởng GDP, tạo thêm công ăn việc làm, tăng nguồn thu từ thuế. Thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy sự ra đời của các công ty sáng tạo trong lĩnh vực thanh toán, tạo thêm những dịch vụ gia tăng như phân tích hành vi tiêu dùng qua dữ liệu chi tiêu bằng thẻ, đối thoại trực tiếp với khách hàng, từ đó xây dựng các chương trình bán hàng, khuyến mãi nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh nói chung. Quan trọng không kém, các hành vi như trốn thuế, rửa tiền và các hoạt động xã hội đen... cũng trở nên khó thực hiện hơn trong một xã hội không sử dụng tiền mặt, nhờ đó nhà nước có thể nâng cao hiu quả quản lý và thu thuế, đồng thời cũng tăng tính hấp dẫn với đầu tư nước ngoài.
Thách thức trong phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt
Tuy thanh toán không sử dụng tiền mặt có nhiều lợi ích như vậy nhưng không mấy xã hội cơ bản chuyển sang không sử dụng tiền mặt như Thụy Điển bởi việc này vấp phải một số thách thức và trở ngại lớn.
Thứ nhất, thanh toán không dùng tiền mặt đòi hỏi phải có hệ thống cung cấp điện ổn định và đáng tin cậy, một cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn bị, sự ủng hộ, cổ vũ về văn hóa xã hội, và một khuôn khổ pháp luật hoàn chỉnh để đảm bảo một hệ thống thanh toán điện tử hiệu quả và thông suốt. Cũng vì thiếu vắng những yếu tố này mà ở những quốc gia như Nigeria, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực đẩy mạnh thanh toán điện tử trong một chiến lược có tầm nhìn đến năm 2020 ít nhiều tương tự như ở Việt Nam, nhưng thực tế cho thấy mức độ sử dụng tiền mặt còn rất cao.
Thứ hai, thanh toán không dùng tiền mặt làm dấy lên lo ngại về tính an toàn và bảo mật của từng giao dịch, vì thông tin có thể bị “hack” và được sử dụng như các mục đích xấu.
Thứ ba, hầu như ở xã hội nào, phát triển đến đâu cũng còn một bộ phận không nhỏ không thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Ví dụ ở Mỹ, 20% hộ gia đình tuy có tài khoản ngân hàng nhưng lại được sử dụng cho các dịch vụ tài chính bên ngoài hệ thống ngân hàng, và 29% dân Mỹ không có thẻ tín dụng vào năm 2014. Do đó áp dụng triệt để ngay việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tác động không nhỏ tới cuộc sống của những người như vậy.
Với những thách thức và trở ngại như trên, việc thúc đẩy phát triển từng bước với các đối tượng mang tính lựa chọn như trong đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam là điều thận trọng, cần thiết để đảm bảo khả năng thực thi của nó.

Wednesday, 11 January 2017

Sắp xếp DNNN: Sao vẫn cứ dùng dằng? (Bài đăng trên TBKTSG, 11/1/2017)

http://www.thesaigontimes.vn/155945/Sap-xep-DNNN-sao-van-cu-dung-dang.html

Chính phủ vừa ban hành Quyết định về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 thay thế Quyết định 37/2014/QĐ-TTg.

Quyết định này có một số điểm đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, trong số 103 DNNN mà Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ, có một số doanh nghiệp mà nếu căn cứ theo tên gọi thì khó có thể hiểu tại sao Nhà nước phải nhất thiết nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Những doanh nghiệp này gồm 13 doanh nghiệp trong ngành xuất bản, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ hải sản Biển Đông, và Công ty TNHH một thành viên Yến Sào Khánh Hòa.

Nếu nói là vì mục đích đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trong lĩnh vực văn hóa, xã hội... thì Nhà nước có thể giữ lại một vài trong số 13 nhà xuất bản này là quá đủ. Nhưng, trên hết, tất cả nhà xuất bản này đều đã và đang phải hoạt động theo các định hướng chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của các cơ quan chức năng, khó có chuyện “chệch hướng”, nên việc Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cho mục đích này là không thỏa đáng.

Còn nếu vì mục đích lợi nhuận thì cũng không thuyết phục lắm. Ngoại trừ một số nhà xuất bản có thể được hưởng lợi từ độc quyền in ấn một số loại sách nào đó (ví dụ như Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam in sách giáo khoa) và Nhà nước cần thiết phải giữ lấy để đảm bảo lợi nhuận độc quyền không chảy vào “túi” của các ông chủ tư nhân, các nhà xuất bản còn lại cũng phải cạnh tranh gay gắt với nhau và với cả các nhà xuất bản nước ngoài (qua hoạt động nhập khẩu các ấn phẩm), dẫn đến chỉ có một số rất nhỏ nhà xuất bản báo lãi (1). Bởi vậy, việc Nhà nước tiếp tục nắm giữ hoàn toàn các nhà xuất bản trên suy cho cùng sẽ cản trở họ trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua cổ phần hóa.
Hơn nữa, kể cả với mục đích nắm giữ lợi nhuận độc quyền, Nhà nước cũng không nhất thiết phải sở hữu 100% các nhà xuất bản vì Nhà nước có thể tổ chức đấu thầu và đặt hàng nhà xuất bản với giá thành cạnh tranh nhất, tức là đem lại chi phí thấp nhất cho ngân sách. Ngoài ra, về logic, cả nước hiện có nhiều hơn 13 nhà xuất bản nhà nước nêu trên, nên sẽ là điều bất hợp lý nếu giữ 100% sở hữu nhà nước với 13 nhà xuất bản này mà không phải là những nhà xuất bản nhà nước khác.
 

Với hai công ty quản lý và phát triển nhà ở Hà Nội và Hải Phòng, công ty hải sản và công ty yến sào, cũng khó đưa ra lý do thuyết phục tại sao lại chỉ giữ 100% sở hữu nhà nước trong những công ty này mà không phải là các công ty tương tự ở các tỉnh thành trên cả nước. Trên hết, cần làm rõ hơn lợi ích thiết thực của việc sở hữu nhà nước 100% trong những công ty này khi mà sự tham gia của khu vực tư nhân chắc chắn sẽ đem lại nhiều cải thiện về hiệu quả và chất lượng hoạt động hơn.

Điểm đáng chú ý thứ hai trong quyết định về phân loại DNNN nêu trên là việc Nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 65% vốn điều lệ của 27 doanh nghiệp. Trong số 27 doanh nghiệp này có hai doanh nghiệp bán buôn lương thực (Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam), một doanh nghiệp cà phê (Tổng công ty Cà phê Việt Nam), chín doanh nghiệp khác trong các lĩnh vực như môi trường, thoát nước, công viên, thủy sản...

Với hai doanh nghiệp trong ngành bán buôn lương thực, cần lưu ý rằng ngành này đã được tự do hóa khá nhiều. Bằng chứng là mới đây Bộ Công Thương đã bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo với nhiều quy định bị phàn nàn là gây khó doanh nghiệp. Nói cách khác, vai trò quản lý và can thiệp của Nhà nước trực tiếp thông qua các DNNN trong ngành này ngày càng được tiết giảm. Bởi vậy, việc Nhà nước tiếp tục nắm giữ sở hữu chi phối trong hai doanh nghiệp bán buôn lương thực này xem ra là không cần thiết.
Quan trọng hơn, hiệu quả và chất lượng hoạt động của hai doanh nghiệp này là điều đáng bàn. Ví dụ, Tổng công ty Lương thực miền Nam được chỉ ra là một trong những DNNN làm ăn kém hiệu quả và gặp khá nhiều bê bối thời gian qua với con số thua lỗ ghi nhận lên tới hàng ngàn tỉ đồng (2). Do đó, việc Nhà nước tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối trong những doanh nghiệp như thế này vừa không mang lại luồng sinh khí mới cần thiết để vực dậy doanh nghiệp, vừa tiếp tục nguy cơ làm thâm thủng thêm ngân sách khi vẫn phải rót vốn hoặc chịu lỗ với tư cách là một cổ đông (chi phối) sau cổ phần hóa.

Với Tổng công ty Cà phê Việt Nam và chín doanh nghiệp còn lại, cũng là khó hiểu khi tại sao Nhà nước lại nắm giữ cổ phần chi phối như vậy, trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác, nhất là trong lĩnh vực môi trường, đô thị, cấp thoát nước, công viên... Nhà nước lại chỉ giữ dưới 50% vốn điều lệ (trong số 106 doanh nghiệp nhà nước sẽ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, theo quyết định về phân loại DNNN nêu trên).

Tất nhiên, trên đây chỉ là những ví dụ về sự bất hợp lý về phân loại DNNN và danh mục DNNN sắp xếp giai đoạn 2016-2020. Nếu phân tích kỹ hơn từng trường hợp thì có thể sẽ thấy vấn đề tương tự với một số DNNN khác.

Điểm đáng chú ý thứ ba là ba ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, gồm Ngân hàng Dầu khí toàn cầu, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, và Ngân hàng Đại Dương nằm trong số 103 doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ, ít nhất là trong giai đoạn 2016-2020. Điều này chứng tỏ các cơ quan chức năng chưa có kỳ vọng sẽ sớm “trả lại” cho thị trường ba ngân hàng này, ít nhất là trong vòng mấy năm tới. Nói cách khác, quá trình tái cơ cấu và vực dậy các ngân hàng này dường như vẫn sẽ còn khó khăn, trắc trở, có khả năng kéo dài trong nhiều năm nữa. Cũng không loại trừ khả năng nhà chức trách đang tính đến những phương án tái cơ cấu “đau đớn” khác với các ngân hàng này, ví dụ như cho phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc tiếp tục sáp nhập...

(1) http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/813882/hoat-dong-xuat-ban-tu-nhan-chiem-san
(2) http://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep/nha-nuoc-giu-51-von-sau-co-phan-hoa-vinafood-2-174645.html

Saturday, 7 January 2017

Một tuần giảm gần 1%, tỉ giá hạ nhiệt do đâu? (Bài đăng trên CafeF, 7/1/2017)

http://cafef.vn/mot-tuan-giam-gan-1-ti-gia-ha-nhiet-do-dau-20170107135058347.chn

Tỉ giá VND/USD đã liên tục hạ nhiệt (VND mạnh lên so với USD) mấy ngày qua làm cho nhiều người cảm thấy khó hiểu lý do thực sự đằng sau đó là gì.

Có người đã cho rằng đây là một xu thế khi trong vòng 3 năm nay tỉ giá có xu hướng điều chỉnh (đi xuống) ngay đầu năm. Đồng thời, họ cũng liệt kê nhiều nguyên nhân để củng cố cho nhận định của mình như, hiện tại, thị trường đã bước qua kỳ cao điểm thanh toán hàng nhập khẩu cuối năm, cầu ngoại tệ giảm bớt hoặc bớt tập trung vào đầu năm mới. Song song đó, trước thềm Tết Nguyên đán nhiều năm gần đây cho thấy, nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ sang VND phục vụ hoạt động thanh toán, chi trả lương thưởng… thường tăng cao, kích thích thêm cung ngoại tệ thương mại và tỷ giá giảm nhanh.

Ngoài ra, trong chính sách điều hành những năm trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường có điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm cuối năm, hoặc thị trường có tâm lý kỳ vọng có điều chỉnh vào cuối năm, dẫn đến có biểu hiện đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Sau điều chỉnh, “điểm hẹn” tâm lý này được hóa giải và tỷ giá hạ nhiệt vào đầu năm mới. Năm nay, với cơ chế tỷ giá trung tâm, tỷ giá không dồn lại bằng những “điểm hẹn” chủ động điều chỉnh từ nhà điều hành, mà linh hoạt hàng ngày.

Trong đợt biến động tỷ giá cuối 2016, Ngân hàng Nhà nước cũng đã củng cố thông điệp giữ ổn định, cụ thể bằng việc bán ra ngoại tệ thấp hơn trần biên độ. Điều này góp phần tạo thêm niềm tin trên thị trường. Về yếu tố cung nói chung, như Ngân hàng Nhà nước khẳng định vừa qua, cung - cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn đảm bảo. Điều này được khẳng định thêm từ dự báo cán cân tổng thể năm qua có thể thặng dư ở mức cao, lên tới 8,5 tỷ USD, theo ước tính vừa công bố của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.


Biểu 1: Diễn biến tỉ giá VND/USD 1 tháng qua (nguồn tác giả tổng hợp)
Biểu 1: Diễn biến tỉ giá VND/USD 1 tháng qua (nguồn tác giả tổng hợp)

Các nguyên nhân trên có thể đúng phần nào, nhưng chắc chắn chúng không thể giải thích được sự sụt giảm nhanh chóng, đột ngột của tỉ giá trong mấy ngày đầu năm 2017 này. Cụ thể hơn, về nguyên nhân thị trường đã bước qua kỳ cao điểm thanh toán hàng nhập khẩu cuối năm, nếu đúng vậy thì tỉ giá phải giảm mạnh càng về gần cuối năm và đặc biệt là ngay từ ngày đầu năm mới. Nhưng như biểu đồ trên cho thấy, tỉ giá chỉ thực sự giảm đáng kể kể từ ngày 3/1/2017 và đã giảm tổng cộng gần 200 đồng tương đương khoảng 0,8% trên thị trường chính thức.

Với nguyên nhân nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ sang VND phục vụ hoạt động thanh toán, chi trả lương thưởng… thường tăng cao trước thềm Tết Nguyên đán, kích thích thêm cung ngoại tệ thương mại và tỷ giá giảm nhanh cũng không hoàn toàn đúng. Vì nếu đúng là như vậy thì cũng khó giải thích một cách thuyết phục tại sao tỉ giá lại giảm nhanh đột ngột từ ngày 3/1 chứ không phải là những ngày trong tuần trước đó, vì những ngày đó cũng đều là trước Tết Nguyên đán cả, không quá xa mấy ngày gần đây.

Về nguyên nhân có sự điều hành linh hoạt tỉ giá hàng ngày cùng với cam kết bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỉ giá của NHNN, điều này cũng không hoàn toàn đúng. Sự linh hoạt về điều hành tỉ giá chỉ có tác dụng không để tỉ giá nhảy “giật cục” trong những thời điểm có áp lực biến động mạnh như mọi năm mà thay vào đó là “trườn” lên từ từ mỗi ngày (VND mất giá so với USD từ từ). Tâm lý kỳ vọng chỉ được hóa giải khi VND đã bị mất giá đủ lớn khi thị trường kỳ vọng là thế, chứ không phải phụ thuộc vào cơ chế tỉ giá là cố định hay linh hoạt.
Sự củng cố thông điệp bán USD để ổn định tỉ giá cũng không phải là nguyên nhân làm hạt nhiệt tỉ giá, bởi nếu đúng vậy thì tỉ giá phải hạ nhiệt ngay từ những ngày có sự khẳng định về thông điệp này (từ thượng tuần tháng 12/2016) chứ không phải đợi đến đầu tháng 1/2017. Nhìn xa hơn, trong quá khứ, dù có sự cam kết ổn định tỉ giá của NHNN bằng mọi công cụ, kể cả xuất dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường, thì cuối cùng VND vẫn bị phá giá.

Như vậy, việc tỉ giá giảm nhanh và đột ngột kể từ 3/1 không phải do những nguyên nhân trên gây ra, mà là do những nguyên nhân nào đó khác. Một trong số những nguyên nhân đó có thể là từ sự suy yếu đột ngột của USD so với các đồng tiền chủ chốt khác.


Biểu 2: Diễn biến dollar index 1 tháng qua
Biểu 2: Diễn biến dollar index 1 tháng qua

Như biểu đồ này cho thấy, ngoài bước điều chỉnh giảm vừa phải cuối tháng 12 (cũng kéo theo sự chững lại và giảm nhẹ của tỉ giá VND), USD lại bắt đầu một đợt điều chỉnh mạnh khác trong giai đoạn từ 3/1 đến 5/1 khi Mỹ công bố những số liệu không mấy khả quan về tình hình kinh tế trước khi hồi phục lại ở mức yếu hôm 6/1 nhờ số liệu mới cho thấy tốc độ tăng lương của Mỹ nhanh hơn kỳ vọng.

Sự điều chỉnh mạnh của USD từ ngày 3/1 trùng khớp với thời điểm tỉ giá VND/USD cũng điều chỉnh mạnh, như biểu 1cho thấy. Kết hợp với quan sát trực quan và tính toán thực tế về hệ số tương liên (correlation coeffcient) rất cao giữa diễn biến của tỉ giá VND/USD với diễn biến của dollar index trong 1 tháng gần đây hoặc kể từ vài năm trước, có thể kết luận rằng tỉ giá VND/USD gần như hoàn toàn bị chi phối bởi sự mạnh lên hay yếu đi của USD so với các đông bản tệ chủ chốt khác trên thế giới.

Nói cách khác, sức mạnh của USD là một yếu tố không thể bỏ qua hay coi nhẹ khi phân tích và dự báo về biến động tỉ giá VND/USD. Những yếu tố mà các nhà phân tích ở Việt Nam từ trước đến nay hay viện dẫn như cung cầu ngoại tệ, cán cân thương mại hay thanh toán, chính sách tỉ giá v.v… để làm lý do không điều chỉnh tỉ giá hay chỉ cần điều chỉnh ở mức nhỏ trên thực tế thường không có mấy sức nặng và sự phù hợp, và thường không chống đỡ được sức ép của thị trường.

Monday, 2 January 2017

Người Việt trời Âu – những ghi chép vụn vặt (Bài đăng trên TBKTSG, 2/1/2017)

http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/155434/

Đầu tháng 12 năm 2016, khởi hành một chuyến đi dài  hơn 3 tuần lần lượt đến Cộng hòa Séc, Áo và Đức. Đích đến không phải là ngẫu nhiên lựa chọn. Bạn bè, người thân, vài người đang sống ở những nước này.

Trên đường bay quá cảnh từ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đến Praha, thủ đô Cộng hòa Séc, ngồi cạnh một chàng sinh viên Séc. Sau khi biết mình là người Việt, chàng trai chia sẻ rằng người Việt ở Séc rất nhiều, cần mẫn làm những công việc mà người Séc lười không muốn làm như mở hàng ăn, quầy thực phẩm và tạp hóa hay làm móng tay v.v... Máy bay hạ cánh, làm xong thủ tục hải quan, bước ra ngoài sảnh đợi taxi, lập tức được đón chào bởi tiết trời đông lạnh buốt, cắt da cắt thịt. Bên đường, những hàng cây trụi lá, thảm cỏ úa vàng được ướp một lớp băng giá mỏng trắng toát. Mới 3, 4 giờ chiều mà trời đã xẩm tối, trên đường không mấy bóng người, chỉ lác đác một vài chiếc xe chạy trên đường.
Dọc đường loanh quanh đi tìm hàng đổi tiền, quả là thấy khá nhiều quầy tạp hóa, hàng ăn, và tiệm làm móng với những khuôn mặt châu Á mà dường như là người Việt. Vào đại một cửa hàng tạp hóa bên đường, hỏi mua một chai nước lọc bằng tiếng Anh với cô nhân viên bán hàng da vàng tóc đen đang bắc thang xếp đồ lên giá, được cô trả lời một cái giá cũng bằng tiếng Anh, mà sau này mới biết là đắt gấp 4 lần giá mua trong siêu thị.
Sau hai hôm đi “tua” trong và ngoài Praha, anh bạn cùng lớp phổ thông đã ngót nghét hai chục năm không gặp tay bắt mặt mừng đến đón về nơi làm việc của mình là văn phòng dịch vụ tài chính và tư vấn tại chợ Sapa. Nơi này, theo anh bạn, vốn là một nhà máy chế biến thịt của Séc nhưng bị phá sản sau “Cách mạng nhung”, được người Việt mua lại, tổ chức thành một cái chợ khá lớn, lấy tên là chợ Sapa. Bầu không khí nơi đây là một góc thu nhỏ của Việt Nam, với  người Việt khắp nơi, cặm cụi bán hàng, bốc dỡ đồ, í ới gọi nhau.  Lác đác đây đó một vài “ông Tây”, người thì xì xụp bên bát phở trong quán bên này đường, người thì đẩy xe mua hàng trong siêu thị ở bên kia đường, tạo ra một liên tưởng như họ đang đi du lịch trên đất Việt Nam. Cửa hàng cửa hiệu toàn tiếng Việt. Văng vẳng đây đó những giai điệu nhạc “vàng”, nhạc “đỏ” và tiếng nói của MC trên các chương trình truyền hình VTV phát ra từ các quán cắt tóc, gội đầu và quán ăn.
Giờ ăn trưa, vợ chồng anh bạn đãi phở Hà Nội, khá ngon, có lẽ vì lâu lâu mới được ăn bát phở tử tế, đúng vị. Có chuyện đáng nhớ hơn là cảnh một phụ nữ trung niên xách một mẹt bánh rán vào quán rao bán. Mới thấy thêm rằng người Việt không nề hà bất cứ công việc gì, nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ trên đất người.

Anh bạn kể rằng đôi khi ở chợ Sapa cũng bị cảnh sát Séc bố ráp, nội bất xuất, ngoại bất nhập để kiểm tra các việc trốn thuế của các chủ hàng người Việt trong chợ. Người Việt làm ăn nhỏ, thường chỉ có lãi nhờ trốn thuế, khai thấp thuế nên cũng không thể tránh khỏi là đối tượng nghi vấn của cảnh sát Séc.
Tạm biệt Praha, theo xe của một người anh thân thiết cũng đã hai chục năm không gặp đến nơi anh ở Brno, một thành phố nhỏ của Séc cách Praha 200 km về phía Đông Nam. Anh có lẽ cũng là một trong những trường hợp điển hình của người Việt bươn trải và trụ lại được ở Séc nói riêng và Đông Âu nói chung sau nhiều biến cố xảy ra với bản thân và gia đình. Đặt chân đến Séc ban đầu bằng visa du lịch, tìm cách ở lại, khởi nghiệp bằng nhiều công việc ở nhiều địa phương như bán quần áo, mở hàng ăn, và cuối cùng trụ lại với một vài cửa hàng thực phẩm và tạp hóa nhỏ. Dù không tham gia một khóa học tiếng nào nhưng anh cũng nỗ lực tìm nhiều cách và nhiều cơ hội để học tiếng Séc, một thứ tiếng mà theo nhiều người còn khó về phát âm và phức tạp về ngữ pháp hơn cả những thứ tiếng khó như Nga và Pháp, để rồi cũng đủ vốn liếng ngôn ngữ mà làm ăn và xin được quốc tịch Séc.

Vợ anh bụng mang dạ chửa sang Séc qua một đường dây đưa người lậu qua Nga, bị tắc lại ở một nơi nào đó ngoài biên giới Séc, trễ đến gần 2 ngày so với ngày hẹn làm anh kiên nhẫn ngồi đợi ở điểm tập kết mà gần như phát điên, chút nữa thì rút súng gí vào đầu người liên lạc chỉ để bắt hắn khai thật rằng vợ anh đã chết hay vẫn còn sống sót. Dồn nén đến nỗi khi đã gặp và trên đường chở vợ về nơi ở, anh phải dừng ô tô lại giữa đường, ngồi ôm vợ và cả 2 cùng khóc nghẹn ngào vì đã vượt qua hiểm nguy để vợ chồng đoàn tụ.
Hai đứa con anh sinh ra trên đất Séc, mang quốc tịch Séc, được học hành đầy đủ, tuy nói tiếng Việt không được sõi, cũng giống như bao đứa trẻ con người Việt trên đất khách khác. Có lúc trong những bữa ăn có người Séc, chúng tỏ vẻ xấu hổ vì anh nói tiếng Séc không chuẩn. Anh buộc phải nói lại với chúng rằng thứ tiếng Séc không chuẩn đó của bố chúng đã nuôi chúng ăn học nên người. Bọn trẻ biết lỗi, nói vớt vát rằng tiếng Séc của bố chúng vẫn là tốt nhất trong số những người Việt chúng biết. Quả thật, có không ít người như bạn làm ăn của anh đã lưu lạc qua nhiều nước, từ Slovakia, qua Đức, vào trại tị nạn ở đó rồi lại “bật” về Séc, trải qua hơn hai chục năm làm ăn xứ người mà hầu như không nói được thứ tiếng nào, chưa kể đến thứ tiếng phổ thông hơn là tiếng Anh. Cũng chính vì lý do này mà có nhiều người Việt mở các công ty và sống khỏe nhờ làm dịch vụ từ phiên dịch, tư vấn thủ tục, giấy tờ cho người Việt.

Sau mấy ngày ở Áo không có nhiều chuyện đáng nói vì không gặp người Việt, điểm đặt chân kế tiếp là Hamburg, một thành phố cảng sầm uất phía Bắc của Đức, được một anh bạn hồi học phổ thông của vợ đón tiếp chu đáo, nhiệt tình. Anh bạn này là chủ của một vài tiệm ăn bán đồ châu Á khá thành công nên cuộc sống rất dễ chịu. Anh chở đi chơi một vòng quanh Hamburg, qua Berlin rồi đi Posdam, thăm một anh bạn khác cũng là chủ một tiệm ăn châu Á rất đắt khách, với lợi nhuận “khủng”, tương đương hàng chục tỉ đồng một năm. Anh bạn sống ở Hamburg nói vui rằng sushi là món ăn của người Việt vì hầu như quán nào của người Việt cũng bán sushi do người Việt làm, trong khi quán Nhật khá hiếm hoi ở đất Đức.

Tuy vậy, cả hai anh bạn đều chia sẻ rằng có đến hơn phân nửa người Việt ở Đức rất vất vả, cực nhọc để kiếm ăn, làm từ nghề giúp việc đến chạy bàn, sang đây nhờ kết hôn giả, con cái bỏ bê, không thể chăm sóc được. Bản thân các anh bạn này cũng đã từng trải qua nhiều nghề kể từ khi Đức thống nhất, như buôn thuốc lá lậu, quần áo, và cuối cùng mới trụ lại và thành công với nghề nhà hàng. Nghe kể lại cảnh người Việt ăn mặc như phi công, với chân phải lót giấy báo, quấn nilon rồi đi ủng lông, cả ngày đứng bán thuốc lá lậu trên giải phân cách giữa hai làn đường giữa trời đông băng giá mà rùng mình vì sức chịu đựng của con người. 

Tiếp tục hành trình xuống Dresden thăm một anh bạn khác đã không gặp lại kể từ khi tốt nghiệp cấp 3. Anh bạn này “cắm chốt” ở Dresden đã gần 3 chục năm, bắt đầu từ trường học nghề, đương đầu với biến cố thống nhất nước Đức bằng nghề bán thuốc lá lậu, lấy vợ rồi làm việc cho hãng, nhưng cuối cùng cũng trụ lại và khấm khá nhờ mở quán sushi. Anh tâm sự rất thật lòng rằng tuy đã ở Đức lâu, mang quốc tịch Đức nhưng cuộc sống của anh khá buồn tẻ, quanh năm suốt tháng không dứt ra được với công việc ở quán nên bạn người Đức có mấy người thì cũng rơi rụng dần vì không có điểm chung. Nhưng anh rất tự hào vì cô con gái xinh đẹp, học giỏi, tốt nghiệp Thạc sĩ loại xuất sắc nên được cấp học bổng nghiên cứu bậc Tiến sĩ nghiên cứu về pin điện thoại di động, ngoài tiếng Đức, tiếng Anh cũng làu làu.
Mừng cho bạn và cũng mong cho người Việt thế hệ thứ hai có được nhiều người thành công không chỉ về tài chính mà còn về học vấn và hòa nhập tốt với xã hội bản địa như con gái anh. 

Sunday, 1 January 2017

Dự cảm kinh tế Việt Nam 2017 (Bài đăng trên Đại biểu Nhân dân, 1/1/2017, bản gốc)

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=384008

Cứ đến thời điểm cuối mỗi năm, như thường lệ, một câu hỏi thu hút sự quan tâm của nhiều người là tương lai nền kinh tế năm mới sẽ như thế nào. Tuy không thể “nhìn” được tương lai của nền kinh tế nhưng người ta có thể dựa trên tình hình của năm cũ để dự cảm diễn biến của năm kế tiếp.
Trong năm 2016, kinh tế vĩ mô đã có một số điểm tích cực. Lạm phát năm 2016 có khả năng nằm trong giới hạn 5% mà Quốc hội đề ra. Tỉ giá cũng đã có gần cả một năm 2016 biến động rất nhỏ, hầu như đứng yên, không còn gây sóng gió như những năm trước cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói riêng. Ngoài nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ luồng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng khả quan, nguồn kiều hối  Việt Nam cũng là một nguồn ngoại tệ lớn với nền kinh tế Việt Nam.
Chưa cần nói đến những số liệu thống kê chính thức, tiếp xúc của người viết với cộng đồng người Việt tại Đức và Séc trong chuyến đi hồi tháng 12 cho thấy người Việt kiếm được đồng nào thì việc đầu tiên họ nghĩ đến là tìm cách chuyển tiền về Việt Nam cho họ hàng hoặc để đầu tư, chủ yếu là bất động sản. Có những người làm chủ một vài quán ăn châu Á thành công đến nỗi cứ một vài tháng họ lại mua thêm một căn hộ hoặc thỉnh thoảng lại dồn tiền mua cả một mảnh đất trị giá hàng chục tỉ đồng tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Chuyện một gia đình người Việt ở châu Âu sở hữu vài mảnh đất ở Việt Nam đã trở thành chuyện bình thường.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã xuất siêu 2,5 tỉ USD năm 2016, thay vì nhập siêu như một vài năm về trước. Tất cả những yếu tố này đã tác động tích cực đến sự ổn định của tỉ giá và giúp cho NHNN tăng cường quy mô dự trữ ngoại hối lên 40 tỉ USD, cao nhất về mặt tuyệt đối từ trước đến nay.
Ổn định kinh tế vĩ mô đã phần nào tạo dựng niềm tin vào đầu tư và tiêu dùng, với chỉ số bán lẻ luôn tăng ròng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, tỷ lệ đô la hóa đã giảm đáng kể vì người dân đã tích cực đầu tư vào các tài sản tiền đồng nhiều hơn.
Tuy vậy, nền kinh tế trong năm 2016 cũng đã bộc lộ một số khiếm khuyết và yếu kém. Chỉ không lâu sau khi Quốc hội chất vấn Chính phủ về  5 nhà máy, dự án nghìn tỷ thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả, mới đây lại có thêm 7 dự án lớn ngành công thương thua lỗ nặng phải xử lý, có khả năng làm tan thành mây khói nhiều chục nghìn tỷ đồng tiền thuế của dân.
Rồi nữa, bên ngoài thì có những tin tức không mấy tốt lành khác với Việt Nam như ông Trump trúng cử Tổng thống Mỹ. Vì ông Trump là người kịch liệt chống lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, nên hầu như chắc chắn rằng TPP sẽ không được Mỹ thông qua, đồng nghĩa nó sẽ bị chết yểu bởi sự vắng mặt của Mỹ. Nếu không có TPP thì tương lai của nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam sang 11 nước thành viên TPP, một thị trường khổng lồ chiếm đến hơn 40% GDP của thế giới, sẽ chững lại mà không thể có bước đột phá, điển hình là ngành dệt may. Ngành này hiện đang chật vật tăng trưởng, với dự báo chỉ tăng 5% trong năm 2016 so với năm 2015 bởi thiếu đơn hàng và giảm giá xuất khẩu. Quan trọng không kém, sự thất bại của TPP cũng có khả năng làm chững lại những nỗ lực cải cách và mở cửa nền kinh tế Việt Nam tuân thủ những cam kết của Việt Nam với các nước thành viên khác trong khuôn khổ TPP.
Cũng đáng lo ngại là những điểm tích cực nêu trên cũng đang có những chuyển biến không thuận. Lạm phát tương đối thấp, trong hạn mức cho phép 5% trong năm 2016 là kết quả một số yếu tố phối hợp mà chủ yếu là tỉ giá ổn định, giá xăng dầu và hàng hóa thấp do nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với thiểu phát hoặc tăng trưởng trì trệ nên cầu thấp. Nhưng giá nguyên liệu, hàng hóa thế giới hiện đã tăng mạnh so với hồi đầu năm 2016 do cầu từ Trung Quốc đột ngột tăng mạnh trong nửa sau của năm 2016.
Tỉ giá kể từ tháng 12 đã không còn ổn định nữa mà liên tục chịu sức ép do Mỹ đã tăng lãi suất mới đây, dẫn đến sự mất giá của nhiều đồng tiền lớn trên thế giới. VND suy yếu sẽ làm tăng áp lực lạm phát, buộc NHNN phải thắt chặt cung tiền VND để giữ ổn định tỉ giá. Kết cục là lãi suất đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, làm vô hiệu hóa nỗ lực hạ lãi suất cho vay của NHNN để thúc đẩy tăng trưởng GDP như yêu cầu của Chính phủ.
Về xuất siêu, đúng là tính từ đầu năm 2016 đến nay, cán cân thương mại đạt mức thặng dư. Nhưng nhìn vào tình hình từng tháng thì nhập siêu đã xuất hiện trở lại trong mấy tháng gần đây hơn. Tình hình nhập siêu có thể sẽ kéo dài sang năm 2017, một phần do nỗ lực ổn định tỉ giá của NHNN sẽ làm tiền đồng lên giá thực, ảnh hưởng bất lợi đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Điểm qua những vấn đề chính về vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam như trên để thấy rằng kinh tế Việt Nam sẽ vẫn phải đối mặt với một số rủi ro đáng kể trong năm 2017. Do đó, để đạt được mục tiêu tham vọng tăng trưởng năm 2017 cao hơn đáng kể so với năm 2016, việc hết sức cần thiết mà Chính phủ phải đảm bảo được thực thi thành công các yếu tố “mềm” như cải cách thể chế và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Về cải cách thể chế, chuyện nay đã được nhắc đến nhiều và quán triệt như một nhiệm vụ cấp thiết của Chính phủ. Tuy vậy, hiện Chính phủ vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản đến từ sự trì trệ, yếu kém, tư duy cục bộ, vụ lợi… có hệ thống từ trung ương, các bộ, ngành xuống đến các doanh nghiệp và địa phương. Những vấn đề này không dễ khắc phục một sớm một chiều, bất chấp việc Chính phủ nhiều lần bầy tỏ rõ quyết tâm thực hiện.
Về nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, điều này cũng đã được đưa vào trong nhiều văn kiện và nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế cũng chưa có những chuyển biến đáng kể. Một minh họa cho vấn đề này là người viết khi đến uống cà phê trong một quán cà phê cổ của thành phố Hamburg, Đức, vốn là một đầu mối buôn bán, rang xay, chế biến cà phê để phân phối đi khắp châu Âu trước đây, đã nhìn thấy vài chục loại cà phê đến từ khắp nơi trên thế giới như Đông Nam Á, gồm Papua New Guinea và Indonesia, châu Phi gồm Ethiopia, châu Mỹ gồm Colombia, Costa Rica, Guatemala và Brazil v.v… nhưng tuyệt nhiên không có một loại cà phê nào của Việt Nam hay mang tên Việt Nam được bày bán ở đó, dù Việt Nam cũng thuộc trong số những nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Tương tự, vào siêu thị ở châu Âu, tuyệt nhiên không thấy có nhãn hiệu gạo Việt Nam nào được bày bán, bất chấp Việt Nam là nước xuất khẩu thuộc hàng nhất nhì thế giới, mà thường chỉ có gạo Ấn Độ, Thái Lan được bày bán ở đó. Về rau quả, có lẽ chỉ có những chợ của người Việt như Sapa ở Séc và Đồng Xuân ở Đức là có bán một số thứ rau quả của Việt Nam, chủ yếu là rau thơm hoặc do tiếp viên Vietnam Airlines xách tay từ Việt Nam mang sang hay trồng từ bên Nga mang đến.   

Một người bạn của người viết hiện đã định cư và là chủ một vài tiệm ăn ở Đức đã phải thốt lên rằng không thể hiểu được tại sao Việt Nam cứ mải chạy theo tăng trưởng về lượng mà không phải chất; tại sao cứ phấn đấu xuất khẩu 7 triệu tấn với giá 10.000 đồng/kg mà không phấn đấu xuất khẩu 3 triệu tấn với giá 25.000 đồng/kg.

Tóm lại, trong bối cảnh có những rào cản và sự cứng nhắc về tư duy phát triển kèm thêm những yếu tố không thuận lợi về vĩ mô diễn ra gần đây, chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho một kịch bản theo đó tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ thấp hơn năm 2016. Theo kịch bản này, các chỉ tiêu như thâm hụt ngân sách tính theo tỷ trọng GDP và nợ Chính phủ hay nợ công cần phải điều chỉnh theo hướng thận trọng hơn để chúng không tiếp tục tăng lên, vượt ngưỡng an toàn đặt ra bởi Quốc hội.  

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).