Theo số liệu cập nhật tình hình
xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải Quan đến tháng 9 vừa qua (Bảng 1), nhập siêu từ
Hàn Quốc tiếp tục gia tăng mạnh hơn trong năm nay.
Thay đổi về kim ngạch
Bảng 1 cho thấy tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới nói
chung và với 3 nước đối tác chính ở châu Á là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc
trong thời gian qua. Theo đó, cả xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều tăng vọt trong 9
tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu tăng 20% đạt 154,3
tỷ đô la (năm 2016 chỉ tăng 9%). Nhập khẩu còn tăng mạnh hơn, với tốc độ 22,7%
trong cùng kỳ (so với tốc độ 5,6% năm 2016), đạt gần 154 tỷ đô la (xuất siêu
328 triệu đô la).
Nhìn vào kim ngạch xuất khẩu của
Việt Nam với 3 nước đối tác chính ở khu vực thì xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn
Quốc tiếp tục giữ vững đà tăng mạnh từ 2015, và đạt tốc độ 27,5% trong 9 tháng
đầu năm nay. Xuất khẩu sang Trung Quốc bứt phá ngoạn mục so với năm 2016, đạt tốc
độ tăng tới 47,1%. Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu sang Nhật khiêm tốn hơn,
ở mức 15,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Do xuất khẩu sang Trung Quốc có tốc
độ tăng trưởng áp đảo nên thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục gia tăng,
chiếm đến 14,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 9 tháng đầu năm nay so với
12,4% cùng kỳ năm trước. Tiếp đó, thị phần xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng tiếp tục
được cải thiện lên 6,9% năm nay so với 6,5% năm trước. Ngược lại, do tăng trưởng
xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật có tốc độ chậm hơn nên thị phần sang Nhật có
xu hướng ngày càng thu hẹp lại, còn 8% trong 9 tháng đầu năm nay so với 9,8%
năm 2014.
Về phía nhập khẩu, nhập khẩu từ
Hàn Quốc đã có bước nhảy đột biến, tăng trưởng tới 48.6% trong 9 tháng đầu năm
so với chỉ 16,4% trong năm trước, đẩy nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc lên tới
23,7 tỷ đô la trong 9 tháng đầu năm nay so với mức nhập siêu 20,7 tỷ đô la năm
2016.
Nhập khẩu từ Trung Quốc và đặc biệt
là Nhật tuy cũng tăng trưởng mạnh so với năm trước nhưng kém xa so với tốc độ
nhập khẩu từ Hàn Quốc. Do nhập khẩu tăng trưởng chậm hơn xuất khẩu nên nhập
siêu với Trung Quốc tụt giảm mạnh còn 19,5 tỷ đô la năm nay so với 28 tỷ năm
trước. Trong khi đó, Việt Nam lại xuất siêu sang Nhật trong năm nay từ mức nhập
siêu năm trước.
Như vậy, Hàn Quốc chính là nguyên
nhân hàng đầu đằng sau tăng trưởng mạnh nhập khẩu của Việt Nam trong năm nay.
Và dù thị phần nhập khẩu vẫn thấp hơn Trung Quốc nhưng khoảng cách này đang được
thu hẹp rất nhanh.
Thay đổi về cơ cấu nhập khẩu
Vì bài này tập trung vào phân
tích chuyện nhập siêu của Việt Nam nên ở phần này ta chỉ xét đến cơ cấu nhập khẩu
của Việt Nam tập trung vào các mặt hàng chính.
3 mặt hàng nhập khẩu chủ chốt của
Việt Nam từ thế giới là (1) máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (gọi tắt
là điện tử, linh kiện); (2) điện thoại các loại và linh kiện (điện thoại, linh
kiện); và (3) máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (máy móc, phụ tùng), như được
nêu ở Bảng 2.
Điều đáng chú ý là tỷ trọng của 3
mặt hàng nhập khẩu chính nói trên trong tổng kim ngạch nhập khẩu Việt Nam có xu
hướng tăng đều và đáng kể trong mấy năm qua, từ 33,6% năm 2014 lên 41,3% trong
9 tháng đầu năm nay.
3 nước châu Á bạn hàng nhập khẩu
chính của Việt Nam chiếm tỷ trọng chi phối trong 3 mặt hàng nhập khẩu chính, đặc
biệt là mặt hàng điện thoại và linh kiện. Trong 3 nước này, Hàn Quốc dẫn đầu về
tốc độ tăng trưởng ở cả 3 mặt hàng, và về thị phần ở 1 mặt hàng là điện tử,
linh kiện. Nói cách khác, nhập khẩu từ Hàn Quốc đã lấn át, tranh mất thị phần của
Trung Quốc và nhất là của Nhật ít nhất là đối với 3 mặt hàng nhập khẩu chủ chốt.
Đánh giá
Điều đầu tiên có thể rút ra từ sự
phân tích trên là tuy Việt Nam đều có các Hiệp định thương mại song phương/đa
phương (FTA) với 3 nước bạn hàng châu Á nói trên nhưng xem ra FTA của Việt Nam
với Hàn Quốc hiện đang phát huy rõ ràng tác dụng nhất, đặc biệt ở khía cạnh tốc
độ tăng trưởng nhập khẩu vào Việt Nam từ Hàn Quốc.
Có thể lý giải cho sự tăng trưởng
mạnh của Hàn Quốc với tư cách là một trong những bạn hàng thương mại chính (nhất
là nhập khẩu) của Việt Nam là nhờ sự đầu tư gia tăng của Hàn Quốc vào Việt Nam
như nhiều người đã chỉ ra. Nhưng cũng có thể còn lý do nữa là FTA với Hàn Quốc
mới chỉ có hiệu lực từ cuối năm 2015, và thời gian đầu khi có hiệu lực thì thường
chứng kiến sự gia tăng các hoạt động đầu tư và thương mại chớp lấy cơ hội mới mở
ra. Không loại trừ khả năng xuất nhập khẩu và kể cả đầu tư của Hàn Quốc sẽ tăng
trưởng trở lại tốc độ bình thường như các đối tác khác, Trung Quốc hay Nhật sau
khi các FTA với họ đã tồn tại được một thời gian.
Thứ hai, có một mối lo ngại thường
trực là càng ký nhiều FTA Việt Nam càng có khả năng trở nên thị trường tiêu thụ
hàng hóa cho các nước đối tác do năng lực cạnh tranh xuất khẩu còn tương đối yếu,
chưa tận dụng được các cơ hội mang lại từ các FTA này. Thực tế thì tốc độ tăng
trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc cũng đã có sự bứt phá mạnh (cao hơn
tăng trưởng xuất khẩu chung). Và nếu nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu trong năm
qua và năm nay, dễ thấy là sự tăng lên về nhập khẩu từ Hàn Quốc lại đồng hành với
sự sụt giảm nhập khẩu (về thị phần) từ Trung Quốc và Nhật, hoặc từ các nước
khác. Nói cách khác, có thể Việt Nam đã tìm được một bạn hàng để xuất khẩu và,
đặc biệt là nhập khẩu phù hợp hơn, ít nhất là so với Trung Quốc và Nhật như được
thể hiện ở nhóm hàng điện tử, linh kiện, và nhóm hàng máy móc, phụ tùng (Bảng
2). Và điều quan trọng là về tổng thể xuất nhập khẩu thì cán cân thương mại
hàng hóa của Việt Nam khá cân bằng trong năm nay (vẫn xuất siêu nhẹ).
Tóm lại, sự lên ngôi của Hàn Quốc
và đi kèm là sự thoái vị của Trung Quốc với tư cách là nước gây nhập siêu lớn
cho Việt Nam không phải là điềm xấu ít nhất là xét đến thời điểm hiện tại,
nhưng cũng không nhất thiết là điểm tốt nếu nhìn từ góc độ “thoát Trung”. Bởi rốt
cuộc thì chỉ có thị trường mới quyết định ai sẽ là bạn hàng của ai, về cái gì.
No comments:
Post a Comment