Trả lời chất vấn
tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN)
Lê Minh Hưng cho biết tổng số nợ tiềm ẩn có thể thành nợ xấu, nợ xấu nội bảng
và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được của toàn hệ thống tính đến cuối tháng
9/2017 là 566 nghìn tỷ đồng, giảm so với mức 600 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối
năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2017 là 8,61%, cũng giảm so với mức
10,08% hồi cuối năm 2016.
Phân tích thêm
thông tin ngắn gọn trên cho thấy một số điểm đáng chú ý về tình hình nợ xấu và
xử lý nợ xấu trong thời gian qua.
Thứ nhất, nếu so
tổng số nợ xấu mà Thống đốc Hưng báo cáo ở trên với con số tương tự được nguyên
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình “tiết lộ” vào tháng 9/2014 là khoảng 500.000 tỷ
đồng thì sẽ thấy rằng thực tế tổng nợ xấu đã tăng lên mạnh (20%) ít nhất là cho
đến thời điểm tháng 12/2016, trước khi giảm đi trong năm 2017.[1]
Ở đây có hai khả
năng. Khả năng đầu tiên là ông Bình đã “tiết lộ” nhưng không chính xác, đầy đủ
con số nợ xấu thực tế phát sinh và tích tụ trong hệ thống ngân hàng dưới thời của
ông. Khả năng này không thể hoàn toàn phủ nhận nếu nhớ lại rằng NHNN lúc đó đã
có sự bất nhất về con số nợ xấu, và đã từng phải cải chính bằng những con số nợ
xấu cao hơn nhiều cho những thời điểm trước đó (xem, ví dụ, [2] và [3]).
Nếu khả năng trên
là không đúng thì chỉ còn lại khả năng là công cuộc xử lý nợ xấu ít nhất là từ
các năm 2012 cho đến 2016 đã không thành công, nếu không muốn nói ngược lại, với
nợ xấu thực chất đã tăng lên mạnh thay vì giảm đi như kỳ vọng.
Điểm đáng chú ý
thứ hai về những con số do Thống đốc Hưng báo cáo là mặc dù tổng nợ xấu đã giảm
đi trong năm nay (tính đến tháng 9), nhưng giá trị nợ xấu nội bảng lại tăng
lên, như được trình bày trong bảng dưới đây. Cụ thể hơn, nợ xấu nội bảng đã
tăng 5% so với thời điểm tháng 12/2016, từ 146.429 tỷ đồng lên 153.826 tỷ đồng.
Có thể sẽ có người
giải thích rằng nợ xấu nội bảng tăng lên một phần là do tín dụng (tổng dư nợ)
cũng đã tăng trưởng mạnh (10,44%) làm phát sinh nợ xấu nội bảng mới. Nhưng dù vậy,
tốc độ tăng nợ xấu nội bảng, bằng phân nửa tốc độ tăng trưởng tín dụng, cũng vẫn
cho thấy một sự quá bất thường. Điều này lại cho thấy hai khả năng. Khả năng thứ
nhất là tăng trưởng tín dụng đã phải trả bằng cái giá quá đắt là làm tăng mạnh
nợ xấu (nội bảng), nên cần phải đặt câu hỏi nghiêm túc là liệu có nên cố gắng
thúc đẩy và/hoặc duy trì tăng trưởng tín dụng cao như hiện nay hay không.
Khả năng thứ hai
liên quan đến sự tăng lên của nợ xấu nội bảng là, ngoài sự “góp mặt” của khả
năng thứ nhất, nợ xấu nội bảng còn tăng bởi thực tế là đã có một phần dư nợ trước
đây lẽ ra đã phải bị phân loại là nợ xấu thì lại được che giấu, phân loại thành
nợ bình thường, đến nay mới bộc lộ (không thể che giấu được nữa). Và điều rút
ra được từ khả năng này đương nhiên sẽ là muốn xử lý nợ xấu thành công thì trước
hết phải trung thực, minh bạch, không vì bệnh thành tích hay động cơ chính trị
nào đó để cho ra những con số đẹp đẽ không có thực.
Một điểm đáng chú
ý nữa trong bảng dưới đây là mức giảm mạnh của nợ xấu tiềm ẩn (chủ yếu là các
cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C và các cam kết bảo lãnh
khác), giảm tới 25.397 tỷ đồng so với cuối năm 2016 và chiếm tỷ trọng lớn trong
con số 34.000 tỷ đồng là mức cải thiện (giảm đi) của nợ xấu tính đến tháng
9/2017 so với cuối năm 2016 (=600.000 tỷ - 566.000 tỷ). Mức giảm này thậm chí
còn lớn hơn nhiều khoản nợ xấu được VAMC xử lý trong năm nay (16.000 tỷ).
Căn cứ vào quá
trình chật vật xử lý nợ xấu suốt nhiều năm qua cũng như thực tế là cho đến nay
chưa bao giờ NHNN công bố diễn biến của cấu thành này trong bức tranh nợ xấu ở
Việt Nam nếu nó thực sự có đóng góp tích cực vào cải thiện nợ xấu như vậy, có
thể suy ra một cách không hề thiếu thận trọng rằng mức giảm của nợ xấu tiềm ẩn,
nếu có, không thể lớn đến mức độ như vậy. Nói cách khác, vẫn có một sự không rõ
ràng, chính xác về con số tổng nợ xấu mới được NHNN báo cáo.
Tóm lại, đằng sau
những con số tỷ lệ nợ xấu “đẹp” mà NHNN báo cáo là một thực tế có thể khác nhiều
và chứa đựng nhiều điều đáng suy ngẫm và đòi hỏi những hành động cần thiết tương
ứng của các bên có liên quan.
[1] http://www.thesaigontimes.vn/120664/Thong-doc-NHNN-thua-nhan-no-xau-len-den-500000-ti-dong.html
[2] http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2014-02-21/nhnn-phan-hoi-ve-so-lieu-no-xau-cua-moody%E2%80%99s-7875.aspx
[3] http://soha.vn/20-phut-dang-dan-cua-thong-doc-nhieu-so-lieu-ve-no-xau-va-vi-pham-ngan-hang-duoc-cong-bo-20170607142605095.htm
No comments:
Post a Comment