Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt trong dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi cho một số trường hợp cụ thể.
Điều có thể nói trước tiên về đề xuất này là sự “khác người” của nó. Chuyện xóa nợ thuế, nếu có, không phải là phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Có chăng, và rất phổ biến, là chuyện miễn, giảm các khoản phí phạt và tiền lãi phát sinh do nộp thuế chậm hoặc khai gian thuế, trong một số trường hợp, hoàn cảnh cụ thể (còn khoản thuế gốc thì vẫn cứ phải trả). Bởi vậy, ở Việt Nam, việc xóa nợ thuế (gốc) dường như đang đi ngược xu hướng chung.
Quan trọng hơn, không phải mọi trường hợp và điều kiện nêu ra để xóa nợ thuế đều là hợp lý, chính đáng.
Ngừng kinh doanh, giải thể không phải là lý do để xóa nợ thuế
Theo tờ trình, nhiều người nộp thuế kinh doanh thua lỗ trong giai đoạn kinh tế đi xuống từ năm 2007 -2012, đã ngừng kinh doanh, giải thể, nên không có khả năng thu hồi trong khi cơ quan thuế vẫn phải phân bổ nguồn lực thực hiện. Do đó các đối tượng này cần được xóa nợ.
Chuyện ngừng kinh doanh, giải thể không phải là cái cớ hay điều kiện hợp lý để xóa nợ (hoàn toàn) thuế. Khi đã phát sinh nghĩa vụ thuế có nghĩa là con nợ có thu nhập, có các hoạt động chịu thuế và có nghĩa vụ phải nộp đúng hạn các khoản thuế tương ứng. Đóng cửa, ngừng kinh doanh, giải thể là chuyện xảy ra sau này và, quan trọng hơn, cũng không liên quan gì đến thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Người nộp thuế luôn phải có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ tiền nộp thuế khi đến hạn, chứ không thể nại lý do (hiện tại) không có tiền để trả thuế.
Tương tự, cơ quan thuế cũng không (được quyền) tự động xóa nợ thuế cho những con nợ này sau một thời gian nhất định không đòi được nợ, chẳng hạn là năm năm. Dù có thể không thu được thuế từ những con nợ này, nhưng cơ quan thuế trước hết cần tiến hành tất cả các biện pháp cưỡng chế được pháp luật cho phép, gồm cả việc chuyển cơ quan chức năng truy tố tội trốn, không nộp thuế (nhờ thế có thể buộc con nợ phải “xoay” tiền ở đâu đó để nộp thuế nếu không muốn đi tù). Chừng nào chưa thực hiện tất cả những biện pháp này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật thì chừng đó cơ quan thuế chưa có cơ sở để kết luận rằng khoản nợ thuế này “không có khả năng thu hồi”, và vì thế chưa thể xóa nợ (gốc) được.
Việc cơ quan thuế phải tiếp tục bố trí nguồn lực thực hiện (việc thu thuế) trong các trường hợp này còn là một biện pháp “nhắc nhở” tinh thần trách nhiệm của cơ quan thuế khi đã để xảy ra nợ đọng thuế quá lâu, tránh tình trạng do thông đồng với con nợ hoặc vô trách nhiệm của cán bộ thuế để nợ đọng thuế kéo dài, cuối cùng được hưởng “ưu đãi” xóa nợ!
Cũng vì khả năng này nên Luật Quản lý thuế sửa đổi cần đưa thêm điều khoản xem xét trách nhiệm của cơ quan thuế khi để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế kéo dài với những lý do như ngừng kinh doanh, giải thể.
Chuyển hình thức sở hữu vẫn phải nộp thuế đầy đủ
Cũng theo dự thảo tờ trình, trong số nợ thuế còn có một phần không nhỏ là tiền phạt chậm nộp của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã cổ phần hóa, do khi bàn giao tài chính giữa DNNN cho công ty cổ phần thì chỉ bàn giao tiền thuế nợ mà không bàn giao tiền chậm nộp phát sinh tương ứng. Do vậy, để góp phần giảm nợ cho ngân sách nhà nước, giảm nguồn lực, chi phí theo dõi nợ thuế thì cần bổ sung quy định là không tính (phí) chậm nộp trên số tiền thuế phát sinh của DNNN đã bàn giao cho công ty cổ phần khi thực hiện chuyển đổi cổ phần hóa trước ngày 1-7-2007.
Có thể Bộ Tài chính cho rằng doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn có cổ phần của nhà nước nên nếu tính phí chậm nộp thuế thì ngân sách nhà nước sẽ phải bỏ tiền ra trả, hoặc nếu không trả được thì phải nợ treo đó, và trường hợp nào thì cũng làm tăng nợ, tăng gánh nặng ngân sách nhà nước. Nếu đúng vậy thì lập luận này không thuyết phục. Nếu xóa nợ thuế thì tự nhiên nhà nước xóa nợ cho cả các ông chủ tư nhân mới của công ty cổ phần.
Trên hết, ngay bản thân DNNN cũng phải nộp thuế và phí (để rồi có thể được nhà nước điều tiết, phân bổ lại), đảm bảo bình đẳng với mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần khác thì không có lý gì doanh nghiệp cổ phần lại được xóa nợ phí chậm nộp thuế.
Tránh tiền lệ xấu
Dự thảo cũng đề xuất xóa nợ với nhóm các doanh nghiệp như Liên minh hợp tác xã, tỉnh ủy, thành đoàn, tỉnh đoàn... đã được đơn vị chủ quản ra quyết định giải thể nhưng còn nợ thuế mà cơ quan chức năng không còn có thông tin về các doanh nghiệp này.
Tương tự, các doanh nghiệp được sở kế hoạch và đầu tư cho phép giải thể và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước khi cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế, và tình trạng đã kéo dài nhiều năm... cũng được đề xuất cho xóa nợ thuế.
Đề xuất này thoạt nghe cũng hợp lý vì không còn ai để “nắm tóc”. Tuy nhiên, điều cần tuyệt đối tránh là tạo tiền lệ xấu cho các vụ việc tương tự về sau. Nếu được luật hóa, về sau này, các tổ chức, đoàn thể sẽ lại tiếp tục dựng nên và tùy tiện cho các doanh nghiệp giải thể mà không thực hiện các nghĩa vụ thuế phát sinh. Và cũng như vậy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tùy tiện cho giải thể và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh các doanh nghiệp họ quản lý mà không trải qua các bước và thủ tục cần thiết, trong đó có giải quyết các nghĩa vụ thuế với nhà nước trước khi chấm dứt hoạt động.
Tóm lại, trong mấy lý do được đưa ra để giải trình cho việc xóa nợ thuế, có lẽ chỉ có lý do cuối cùng - xóa nợ thuế cho người đã chết hoặc mất tích, dù có tài sản hay không - là có thể chấp nhận được để đưa vào luật sửa đổi.
No comments:
Post a Comment