Mới đây Mỹ tiếp tục đưa Việt Nam vào trong danh sách mười quốc gia cần giám sát, theo báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” do Bộ Tài chính Mỹ ban hành ngày 14-1-2020. Ngay sau khi có thông tin này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có phản ứng bằng cách phát đi một thông báo giải thích và phân tích nguyên nhân dẫn đến kết luận trên của phía Mỹ, đồng thời khẳng định Việt Nam không sử dụng tỷ giá để cạnh tranh thương mại.
Nhờ “thiên thời, địa lợi”
Một trong những căn cứ để NHNN khẳng định như trên là sự ổn định của tỷ giá. Cụ thể, năm vừa qua trong khi một số đồng tiền khu vực và quốc tế mất giá mạnh, tỷ giá USD/VND tương đối ổn định, phản ánh đúng cung cầu thị trường. Thậm chí có thời điểm tiền đồng còn lên giá so với đô la Mỹ.
Phân tích sâu hơn, yếu tố chủ chốt góp phần giữ ổn định tỷ giá tiền đồng bất chấp áp lực phá giá từ các đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới là dòng vốn FDI dồi dào. Một phần trong số này đổ vào các dự án sản xuất hướng xuất khẩu, tận dụng lợi thế của Việt Nam như một điểm trung chuyển, xóa nguồn gốc, xuất xứ từ một nước thứ ba để xuất khẩu vào thị trường chính là Mỹ với thuế suất thấp trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung.
Dòng vốn FDI dồi dào tạo ra thặng dư thương mại lớn đến chục tỷ USD cho Việt Nam trên một nền tảng tăng trưởng GDP theo báo cáo đạt trên 7% là mức kỷ lục trong nhiều năm nay trong khi lạm phát đứng ở mức thấp làm cho nhu cầu thúc đẩy, hỗ trợ xuất khẩu trở nên không còn bức thiết như trước đây mỗi khi nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng trì trệ.
Trên nền tảng như vậy, NHNN quả thật cũng chẳng có mấy lý do để phải duy trì một đồng bản tệ yếu. Ngược lại, một đồng bản tệ yếu thường sẽ tạo áp lực lên lạm phát nhất là khi nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ cao (nóng). Đồng thời, tỷ giá tăng sẽ được nhìn nhận như là một dấu hiệu bất ổn vĩ mô. Đây là những điều mà NHNN hoàn toàn không “thích thú” gì khi phải đối mặt.
Đổi lại cho sự ổn định tỷ giá và lạm phát thấp là một mặt bằng lãi suất cao. Tuy nhiên, dường như giới doanh nghiệp đã tỏ ra “thích nghi” với mặt bằng lãi suất này từ hai, ba năm nay và hiện người ta cũng không còn nghe thấy mấy lời kêu ca về lãi suất cao từ phía các doanh nghiệp nói chung nữa. Quan trọng hơn, có lẽ các doanh nghiệp cũng hiểu rõ rằng kêu ca lãi suất cao nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt, chứng tỏ các doanh nghiệp nhìn chung vẫn đang “ăn nên làm ra” thì sự kêu ca, nếu có, cũng không có ích gì.
Bối cảnh vẫn có thể thay đổi nhanh và mạnh
Hãy cân nhắc đến một kịch bản bất lợi đối với Việt Nam. Giả sử thương chiến Mỹ-Trung được giải quyết dứt điểm trong hòa bình, bằng thương lượng song phương. Lúc đó, mọi việc sẽ lại quay trở lại với trật tự gần như cũ, ở trên khía cạnh là áp lực phải di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc hoặc một nước nào đó có xung đột thương mại với Mỹ sang Việt Nam giảm thiểu. Đi kèm với rủi ro này là sự tụt giảm mạnh của dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam như năm qua do nhà đầu tư nước ngoài không còn mấy nhu cầu và động lực rót vốn vào Việt Nam như một cơ sở trú bão (thương mại) nữa.
Sự thay đổi như trên tất yếu vừa làm nguồn cung USD từ FDI giảm đi, đồng thời còn làm cho thặng dư thương mại (chủ yếu được dẫn dắt bởi khu vực doanh nghiệp FDI) cũng thu hẹp lại, thậm chí có thể đảo chiều. Cả hai điều này sẽ làm khó cho NHNN nếu muốn giữ ổn định tỷ giá ở thế cả chủ động lẫn bị động. Áp lực “điều chỉnh” tỷ giá làm cho VND yếu đi vì thế sẽ có khả năng xuất hiện trở lại.
Bối cảnh này hoàn toàn không phải xa lạ gì với Việt Nam, như đã được chứng kiến trong nhiều giai đoạn từ năm 2018 trở về trước, bất chấp việc NHNN luôn cố gắng tỏ ra nhất quán với chủ trương ổn định (tỷ giá) của mình.
Điều khác biệt cơ bản trong bối cảnh này so với những năm sóng gió của tỷ giá trước đây là dự trữ ngoại hối của Việt Nam theo NHNN cho biết đã đạt gần 80 tỷ USD, tức tương đương gần 4 tháng nhập khẩu, trên mức an toàn theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế là 3 tháng. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay ở Việt Nam.
Dự trữ ngoại hối lớn hơn sẽ là tấm đệm đỡ các cơn sốc tỷ giá trong tương lai, nếu có. Tuy nhiên, điều này mới chỉ là xét trên khía cạnh của một chính sách ngoại hối mang tư thế bị động, chống đỡ khi có cơn sốc tỷ giá.
Ở thế chủ động, do vẫn còn đó kịch bản tăng trưởng GDP giảm tốc mạnh do các lợi thế đem lại cho Việt Nam từ thương chiến Mỹ-Trung không còn nữa, nên vẫn cần phải để ngỏ một chính sách tiền đồng yếu, hoặc ít nhất là không lên giá thực so với USD và các ngoại tệ chủ chốt khác, nhằm hỗ trợ xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế (thực tế là phương hướng chính sách tiền tệ của NHNN hiện nay vẫn còn mục tiêu này – hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - trong số các mục tiêu được đặt ra), nhất là khi các nước trong khu vực và trên thế giới tiếp tục hạ lãi suất, làm yếu bản tệ của mình.
Phải làm gì?
Phân tích ở trên cho thấy nếu tìm cách “trói” tỷ giá thì có nghĩa là chúng ta đã tự tước đi một công cụ chính sách có tác dụng giảm thiểu các cơn sốc ngoại lai. Trên hết, trong tương lai, khi buộc phải điều chỉnh tỷ giá như những năm trước đây mặc dù thực tâm NHNN cũng có thể không mong muốn như vậy, việc điều chỉnh tỷ giá này chắc chắn sẽ được nhìn nhận một cách tiêu cực như là một hành động phá vỡ cam kết của NHNN.
Để phát huy tác dụng của công cụ tỷ giá khi cần thiết phải sử dụng nhằm hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời tránh bị gắn cho nhãn “thao túng tiền tệ”, NHNN có thể xem xét phương án hạ lãi suất, vốn có tác dụng gián tiếp làm yếu VND so với USD. Việc hạ lãi suất sẽ được xem là hợp lý và dễ được chấp nhận hơn bởi nó thường gắn liền với nhu cầu chính đáng kích thích kinh tế nội địa mỗi khi có biến cố bất lợi nào đó cản trở tăng trưởng kinh tế như bình thường, như vẫn được các nước trên thế giới sử dụng thường xuyên. Và thực tế là trong 3 tiêu chí Mỹ đặt ra để theo dõi cũng không có tiêu chí nào về lãi suất.
Hành động hạ lãi suất của NHNN sẽ còn được nhìn nhận một cách tích cực hơn nữa bởi cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp và người dân khi nó vẫn đang neo ở mức cao như hiện nay.
Đương nhiên khi hạ lãi suất phải tính đến rủi ro lạm phát tăng. Tuy vậy, khi nền kinh tế đã giảm đà tăng trưởng (hoặc tệ hơn) thì áp lực lạm phát tạo ra bởi nới lỏng có chừng mực cung tiền thường không phải là một rủi ro lớn, như kinh nghiệm của không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới cho thấy.