Việt Nam đã trải qua năm 2019 với những kết quả khả quan, vượt dự tính được công bố trên nhiều mặt về phát triển kinh tế, dù rằng trước đó đã có nhiều bất an được gieo rắc chủ yếu bởi những yếu tố bất ổn trên thế giới, từ thương chiến Mỹ-Trung đến Brexit rồi căng thẳng địa chính trị giữa một số quốc gia, khu vực...
Ngoảnh lại nhìn những nguyên nhân giúp Việt Nam an toàn vượt qua những biến cố thì ngoài những nỗ lực nội tại của các chủ thể kinh tế, của Chính phủ, nếu có, như nói thêm ở dưới đây, còn có thể thấy sự đóng góp đáng kể của yếu tố “địa lợi”. Nhờ là một láng giềng cạnh Trung Quốc và nằm trong khu vực năng động của thế giới nhưng chủ yếu là có những yếu tố thỏa mãn được nhà đầu tư nước ngoài, một phần đáng kể trong đó đến từ các nước có bất đồng/xung đột thương mại với Mỹ như Trung Quốc hoặc với nhau như Nhật, Hàn Quốc nên Việt Nam đã và đang đóng vai trò hoặc như địa điểm sản xuất, chế tạo thay thế cho những nước này, hoặc đơn giản chỉ là trạm trung chuyển để xóa nguồn gốc xuất xứ nhằm lách thuế nhập khẩu khi xuất đi Mỹ và các nước khác có bất đồng thương mại với các nước bản quốc.
Cần lưu ý rằng không chỉ vai trò của Việt Nam là địa điểm sản xuất thay thế nói trên đã đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc dân mà ngay cả việc là trạm trung chuyển cũng ít nhiều có đóng góp về mặt này dưới dạng như thuế các loại liên quan gồm thuế nhập khẩu (thuế là một cấu thành của GDP) cũng như thu nhập tăng thêm cho những ngành dịch vụ liên đới như logistics.
Do những xung đột, bất đồng thương mại sớm muộn gì cũng sẽ được giải quyết bằng những phương pháp “cứng” hay “mềm” từ các bên liên quan nên có thể nhận định rằng những lợi thế “địa lợi”, vai trò của Việt Nam hiện nay chắc chắn sẽ sớm mai một đi, đưa Việt Nam trở về đúng vị trí của mình trong chuỗi sản xuất toàn cầu được xác lập như trước đây dựa trên những lợi thế hữu hạn (và đang suy giảm như lao động dồi dào, giá rẻ). Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam do đó cũng sẽ suy giảm đi nếu không có những chuyển biến gì khác trong nội tại nền kinh tế, xã hội. Thách thức nhãn tiền này đặt ra vấn đề tăng trưởng bền vững cho Việt Nam trong những năm tới khi các yếu tố thuận lợi đến từ bên ngoài mất đi, còn các yếu tố nội lực thì chưa cho thấy những cải thiện đáng kể và được duy trì trong tương lai.
Phân tích sâu hơn những yếu tố nội tại, điều đáng lo là dường như chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc xác định được nguyên nhân cản trở, hạn chế sự tăng trưởng và phát triển bền vững, còn những giải pháp tháo gỡ, khắc phục thì vẫn chủ yếu chỉ dừng lại ở giải pháp mà chưa được hiện thực hóa một cách thực chất và đáng kể. Đáng lo nữa là tình trạng tồn tại khoảng cách lớn giữa nói và làm đã tồn tại từ nhiều năm nay với chẳng nhiều bằng chứng cho thấy đã được cải thiện.
Minh họa điển hình cho chuyện này là “vấn nạn” trì trệ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chậm chễ trong giải ngân vốn đầu tư công; thất thoát và lãng phí đầu tư công; hay sự “lề mề”, không thực chất trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm biên chế, xóa giấy phép con..., là những vấn nạn đã được nói quá nhiều, bàn quá nhiều, quyết tâm với quyết liệt cũng quá nhiều mà rốt cuộc vẫn còn nguyên đó tình trạng “rùa bò”. Đây là một thực tế mà Chính phủ cũng đã phải nhiều lần thẳng thắn thừa nhận.
Như vậy, muốn đạt được sự phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, điều cần làm là phải tìm ra và hiện thực hóa những “giải pháp của giải pháp”, tức giải pháp khai thông sự bế tắc của những giải pháp tháo gỡ nút thắt tăng trưởng đã đề ra. Do mọi vấn đề đều bắt nguồn từ con người nên giải pháp gì thì cũng phải bắt nguồn từ những cái đầu nghĩ ra và triển khai thực hiện mọi giải pháp.
Đến đây thì lại nảy sinh ít nhất hai vấn đề khác. Thứ nhất, trong cơ chế hiện tại ở Việt Nam, nơi thai nghén ra các giải pháp thường không phải, không nhất thiết là nơi hiện thực hóa các giải pháp đó. Ngược lại, nơi hiện thực hóa các giải pháp đề ra lại thường không mấy khi thấy quyền lợi của mình trong việc thực thi các giải pháp này. Rốt cuộc thì giải pháp thì cứ được đề ra nhưng thực hiện thì theo kiểu... được chăng hay chớ, may rủi tùy tâm người thực hiện!
Vấn đề tồn tại thứ hai trong cơ chế hiện nay là sự thiếu vắng tập trung quyền lực đồng thời đi kèm với sự tập trung trách nhiệm của người đứng đầu. Trong cơ chế hiện, người có quyền ra quyết định nhưng không phải chịu trách nhiệm với những quyết định của mình bởi đã có lá bài “trách nhiệm tập thể” gánh đỡ hoặc có sự liên quan, can thiệp của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau nên không thể hoặc khó quy cho một cá nhân nào đó và do đó cũng khó làm triệt tiêu động lực vụ lợi, làm liều hoặc, ở thái cực ngược lại, khó buộc người đứng đầu tận tụy với chức trách của mình. Hơn nữa, cơ chế hiện tại với sự “lãnh đạo tập thể” (trong việc ra quyết định, làm/thực hiện chính sách...) đã che mờ những yếu kém, khiếm khuyết về năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo, người đứng đầu nên càng góp phần làm trì trệ tiến trình thực hiện mọi giải pháp phát triển kinh tế, xã hội thích hợp, đúng đắn.
Nếu sự phân tích hai vấn đề như ở trên là xác đáng thì sẽ rõ hướng đi để đến đích phát triển bền vững, tuy chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian, nỗ lực và cả sự dũng cảm của nhiều người.
No comments:
Post a Comment