Đọc bài này xong thấy nản với mấy ông chuyên gia với (cựu) quan chức nhà ta quá chừng (http://www.baomoi.com/Home/TaiChinh/tinnhanhchungkhoan.vn/Ha-lai-suat-bang-ap-tran-lai-suat-cho-vay/6801334.epi). Các ông này đang kêu gọi áp trần lãi suất cho vay thay vì áp trần lãi suất huy động. Giá mà các ông chỉ dừng lại ở việc kêu gọi xóa trần lãi suất huy động mà không động chạm gì đến việc áp trần lãi suất cho vay thì nền kinh tế này được nhờ lắm lắm!
Hẳn các ông biết rõ rằng áp trần lãi suất nào cũng là một biện pháp hành chính. Mà đã là biện pháp hành chính thì không bao giờ có được hiệu quả (bền vững) như mong muốn. Hình như ngay ông Nghĩa đã có lần phát biểu (đại loại) rằng các ngân hàng thương mại rất thích NHNN áp dụng các biện pháp hành chính vì họ càng “rộng cẳng” để lách luật, kiếm lợi trên những quy định hành chính đó. Còn ông Kiêm thì… thôi rồi. Ông chính là người mỗi khi NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ là y rằng lại lên tiếng rằng xx% doanh nghiệp (vừa và nhỏ) đang ngắc ngoải, sắp chết tươi nếu NHNN tiếp tục duy trì thắt chặt tiền tệ. Tớ nhớ điều này vì nghe ông nói mãi thành quen từ thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Mà giời ạ, các doanh nghiệp ông kêu hộ chắc không chết (hết), và không hiểu ông đi điều tra ở đâu, lúc nào, được bao nhiêu doanh nghiệp mà ông tuyên bố chắc nịch rằng xx% doanh nghiệp sắp chết thế không biết? Đến Tổng cục Thống kê cũng chẳng mấy khi có được một cuộc điều tra về “sự sống và cái chết” của doanh nghiệp tường tận đến như vậy. Ông còn là một trong những tác giả của lời phát biểu “bất hủ” (đại loại) là các doanh nghiệp chỉ đạt được lợi nhuận bình quân dưới 20% (bây giờ lạm phát cao nên ông nâng mức lợi nhuận bình quân lên 20% chứ, trước đây ông tuyên bố chỉ là 15% hay gì đó!) mà lãi suất đi vay vượt quá 20% thì doanh nghiệp càng làm càng lỗ! (xem phản biện của tớ về chuyện này ở các entry trước).
Quay lại chuyện tại sao tớ nản với mấy ông này, đúng hơn là đề xuất áp trần lãi suất cho vay của họ. Chắc họ không lạ lẫm gì với tình trạng “đi đêm” mặc cả lãi suất giữa người gửi tiền và ngân hàng, mặc dù trên danh nghĩa lãi suất tiền gửi chỉ dừng lại ở con số 14% đúng như quy định của NHNN. Đương nhiên, NHNN biết rõ chuyện này đang xảy ra trước mũi mình. Lý do tại sao có chuyện “đi đêm” này và chuyện đó lại thành công, lại phổ biến thì họ thừa hiểu, bạn đọc cũng thừa hiểu, khỏi nhọc công nhắc lại.
Chưa hết, ở đây tớ chỉ nêu thêm ra mấy điều để họ và những người tán đồng với đề xuất này tự thấy mình vô lý . Thứ nhất, nếu đã áp trần lãi suất cho vay thì chắc chắn chẳng ngân hàng nào dám cho các vay các giao dịch thẻ tín dụng, tiêu dùng, các dự án đầu tư mạo hiểm, nhiều rủi ro, các con nợ tiềm năng có lịch sử tín dụng không tích cực lắm v.v... Vì bản chất những đối tượng, những dự án vay vốn này cần phải được tính với lãi suất cao hơn (nhiều) lãi suất cho vay thương mại thông thường cho những dự án lành mạnh, ít rủi ro hơn. Rồi còn chuyện kỳ hạn cho vay nữa. Với trần lãi suất cho vay, điều tương tự cũng sẽ xảy ra như với trần lãi suất huy động. Đến một lúc nào đó lãi suất cho vay sẽ bị cào bằng giữa các đối tượng, giữa các kỳ hạn, giữa các hình thức sản xuất kinh doanh... là điều cực kỳ phi lí trong nền kinh tế thị trường.
Thứ hai, nếu áp trần lãi suất cho vay trong khi giả sử NHNN kiên định với chính sách tiền tệ thắt chặt của mình, và giả sử rằng trần lãi suất huy động cũng được hủy bỏ, nhưng lạm phát (tính theo năm) vẫn ở mức cao hơn nhiều so với trần lãi suất cho vay (như mức lạm phát hiện tại). Điều gì sẽ xảy ra? Người gửi tiền chắc chắn sẽ không mặn mà chuyện gửi tiền vào ngân hàng để hưởng một lãi suất còn thấp hơn trần lãi suất cho vay (và tức là thấp hơn nhiều nữa so với mức lạm phát hiện tại và lạm phát kỳ vọng). Ngân hàng do không huy động (được đủ nhiều) nên buộc phải giảm thiểu tăng trưởng, thậm chí là co hẹp, tín dụng, trầm trọng hơn thì lâm vào khủng hoảng thanh khoản. Đến đây thì không chỉ hệ thống ngân hàng lãnh đủ mà còn cả giới sản xuất kinh doanh nữa vì tín dụng từ hệ thống ngân hàng đã bị thắt chặt. Hậu quả tiếp theo là chính cái điều mà mấy ông này nói riêng và Chính phủ nói chung lo sợ rằng sản xuất kinh doanh sẽ bị đình đốn, tăng trưởng suy giảm, an sinh xã hội không được đảm bảo v.v...
Nếu NHNN không thể đứng nhìn tình trạng này xảy ra và can thiệp bằng cách “hỗ trợ” thanh khoản, dù bằng nghiệp vụ thị trường mở, hay hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hay tái cấp vốn hay gì gì đi chăng nữa thì rốt cuộc cung tiền sẽ tăng lên (nhấn mạnh lại là không thể gọi khác đi bản chất của việc “hỗ trợ” này) và áp lực lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng, là điều “húy” đối với không chỉ NHNN lúc này.
Nhân tiện nói đến chuyện lãi suất huy động trong quan hệ với lạm phát, có một số người phán rằng không cần thiết phải áp dụng lãi suất thực dương (tức là có thể áp lãi suất tiền gửi thấp hơn lạm phát) vì hiện nay đầu tư vào đâu cũng khó khăn (chứng khoán, nhà đất, vàng...) nên người gửi tiền vẫn buộc phải gửi vào ngân hàng dù lãi suất có thấp hơn lạm phát. Xin thưa rằng các vị đừng dại dột mà thử thách trí thông minh của người có tiền gửi/đầu tư. Và cũng xin thưa rằng giá vàng, nhà đất, chứng khoán và các tài sản khác có biến động nhưng không có nghĩa là không nên/không được đầu tư vào đó, và nếu có thì không có lãi (bằng hoặc cao hơn lãi suất tiền gửi). Điều này đặc biệt đúng với một nước như Việt Nam nơi mà lạm phát cao thường xuyên nổ ra và người ta (người có tài sản) đã có quá nhiều kinh nghiệm đối phó với nó. Do đó, nếu kém cỏi, mù quáng đến nỗi cố tình hạ lãi suất trong bối cảnh lạm phát đang nóng như hiện nay thì không khác gì đem dầu đổ vào lửa.
Đến đây, lại thấy rất buồn cười với phát biểu của ông Kiêm về chuyện rằng NHNN không dễ thực hiện hạ lãi suất bằng các công cụ thị trường (như công cụ tái chiết khấu), mà phải kết hợp với một số biện pháp hành chính. Không hiểu ông dựa vào đâu để nghi ngờ tính hiệu quả của các công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN như vậy? Nếu không làm được điều tối thiểu này thì NHNN còn tồn tại để làm gì nhỉ? Có lẽ thay vào đó, ông nên trả lời câu hỏi là NHNN có thực sự muốn giảm lãi suất hay không mà thôi.
Tóm lại, chỉ nói sơ sơ như trên thôi mà thấy bật ra một số vấn đề không hề đơn giản mà chắc là những người đề xuất ra trần lãi suất cho vay không/chưa hề nghĩ đến. Chỉ mong NHNN nói riêng, Chính phủ nói chung không phạm phải một sai lầm khác khi đi nghe những “kiến nghị” với “đề xuất” kiểu này.
Tái bút: Nhân nói về chủ đề “nản với chuyên gia và quan chức Chính phủ”, tớ nhất định có dịp sẽ phải mang thêm mấy ông như ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá ra phân tích (trong một entry riêng sau này). Thú thực là tớ nản với mấy ông này lắm lắm mỗi khi nghe các ông ấy lý luận! Bạn đọc nhớ đón xem nhé!
No comments:
Post a Comment