08:47 | 03/11/2012
Trong phiên chất vấn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình sắp tới đây tại Quốc hội, một
trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là việc quản lý thị trường vàng của NHNN chắc
chắn sẽ được nêu ra. Bài viết này phân tích và gợi ý một số điểm cần chất vấn
và tranh luận với NHNN nhằm buộc họ có các biện pháp quản lý thị trường vàng ở
Việt Nam đúng đắn và hữu hiệu hơn.
Câu chất vấn đầu
tiên cần phải là NHNN quan niệm thế nào là “vàng hóa”. Điều này rất quan trọng
vì nếu hiểu sai ngay từ khái niệm thì sẽ dẫn theo những hành động sai.
Theo giải trình hôm
3/10 của Thống đốc tại Quốc hội thì: “Trong thời gian qua, do bất ổn của kinh tế
thế giới và bất ổn của kinh tế trong nước, giá vàng thế giới đã tăng cao và giá
vàng trong nước có nhiều biến động thất thường. Như vậy, tình trạng vàng hóa
của nền kinh tế đã được đẩy lên rất cao”.
Theo cách lý giải này, hóa ra vàng
hóa là tình trạng giá vàng trong nước có nhiều biến động thất thường. Nếu
thế thì sai. Vì vàng hóa chỉ tình trạng
vàng đã thay thế cho VND ở một mức độ nào đó trong cả 3 vai trò (thanh toán, đo
lường giá trị, và lưu giữ giá trị). Tình trạng vàng hóa càng nặng nề nếu mức độ thay thế VND ở cả 3 vai trò này
càng lớn, chứ tình trạng vàng hóa chẳng
có liên quan trực tiếp gì đến biến động giá vàng trong và ngoài nước cả.
Tuy Thống đốc có
nói tiếp: “Theo đánh giá không chính thức sơ bộ ban đầu, trong nền kinh tế của
nước ta có khoảng từ 300 - 400 tấn vàng, hay nói một cách khác là có một nguồn
lực cỡ khoảng từ 15 - 20 tỷ USD không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh và bị
chôn chặt vào vàng. Hơn nữa, mỗi khi giá vàng có biến động đã làm ảnh hưởng
đến tỷ giá thông qua hoạt động nhập khẩu lậu vàng gây nên ảnh hưởng đến hoạt động
xuất, nhập khẩu và gián tiếp làm cho lạm phát tăng cao trong những năm qua và tạo
ra sự bất ổn của kinh tế vĩ mô”, nhưng câu giải thích này cũng không có liên
quan trực tiếp gì đến chuyện vàng hóa
cả, nếu cứ theo lý giải bên trên. Cũng có thể, ý của Thống đốc ở đây muốn nhấn
mạnh rằng lượng vàng trong dân là đã lớn đến mức mỗi khi có biến động mạnh về
giá sẽ gây ra ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô thông qua hoạt động nhập lậu
vàng. Nếu vậy thì việc cần làm là thắt chặt nhập (lậu) vàng chứ không phải là
làm giảm bớt/thiểu lượng vàng nắm giữ trong dân.
Thống đốc còn sai
khi cho rằng 15-20 tỷ đôla giá trị vàng trong dân không được đầu tư vào sản xuất
kinh doanh. Cần khẳng định ngay không phải tất cả số vàng trên được đem cất vào
két, để dưới chiếu, mà chắc chắn rằng một phần không nhỏ trong chúng đã và đang
được mang ra cho vay mượn/mua bán, để đổi lấy vốn sản xuất kinh doanh, tất
nhiên là thông qua các giao dịch nằm ngoài hệ thống ngân hàng (khi ngân hàng bị
cấm huy động/cho vay bằng/mua bán vàng). Nói cách khác, một số lượng vàng trong
dân đã và đang thực hiện các chức năng của nó trong sản xuất, kinh doanh chứ
không như khẳng định của NHNN.
Cũng chắc chắn rằng
một phần không nhỏ trong số trên tuy “chôn” ở đâu đó, ngoài sản xuất, kinh
doanh, nhưng đây là điều tất yếu vì vàng còn được dùng làm đồ trang sức, và đồ
trang sức thì đương nhiên phải nằm ngoài sản xuất, kinh doanh. Như vậy, con số
vàng thực tế cần phải “huy động” trong dân không đến mức 15-20 tỷ đôla như nói
trên để người ta phải hoảng sợ đến mức mà tìm mọi cách hạn chế dân giữ vàng.
Ngoài ra, sở hữu/trao đổi/mua bán vàng (dùng làm) trang sức là điều không thể/nên
cấm đoán được, vì đây là những nhu cầu cũng thiết yếu tương tự như với quần áo,
và vì thế càng làm giảm tính cấp thiết phải ngăn chặn việc nắm giữ vàng trong
dân.
Thêm nữa, hình như
ông Bình quên một thực tế rằng lạm phát mới làm cho tình trạng tích trữ vàng (tức
một dạng thức của vàng hóa) tăng lên
khi người ta sợ tài sản của mình bằng VND bốc hơi theo lạm phát, chứ không phải
ngược lại, vàng hóa gây ra lạm phát,
kể cả có là gián tiếp nếu NHNN không bất cẩn với chính sách tiền tệ của mình.
Chính vì sai lầm
ngay từ khái niệm nên NHNN mới có những động thái khá kỳ quặc như bình ổn giá
vàng và độc quyền nhãn hiệu vàng SJC. Có lẽ NHNN chưa nhận thức được rằng để chống
vàng hóa thì không có giải pháp nào
khác căn bản, hữu hiệu và bền vững hơn là giải pháp tăng uy tín cho và niềm tin
vào VND để người dân tự nguyện nắm giữ VND thay cho vàng trong lãnh thổ Việt
Nam.
Thống đốc có lấy những
ví dụ như không còn thấy người dân đổ xô đi mua vàng, mặc dù giá vàng biến động
lớn nhưng tỷ giá vẫn ổn định, hệ thống ngân hàng đã mua được 60 tấn vàng v.v...
để nhấn mạnh rằng các giải pháp chống vàng
hóa đã phát huy tác dụng mà bỏ qua nhiều yếu tố khách quan và chủ quan
khác. Người dân không còn đổ xô đi mua vàng nữa có thể đơn giản vì giá vàng
trong nước đã trở nên quá cao so với giá quốc tế nên người ta không dám mua vào
vì sợ rủi ro kép – (i) giá vàng quốc
tế quay đầu, và (ii) mức chênh lệch quá lớn đến mức phi lý giữa giá vàng trong
nước và quốc tế sẽ thu hẹp lại một thời điểm nào đó vì không thể ở mức phi lý
mãi như vậy được. Hoặc có một lý do đơn giản hơn nữa, tài sản khả dụng của người
dân hiện nay so với cách đây 2, 3 năm giảm đi nhiều vì sự đi xuống của bất động
sản làm cho số vốn khả dụng có thể dùng để mua vàng không còn nhiều nữa, làm
cho dòng người xếp hàng mua vàng vì thế cũng giảm mạnh (so với trước đây), gây
ra ngộ nhận của NHNN rằng vàng hóa đã
được kiềm chế (mà thực chất vàng trong dân vẫn còn từng đó, như nói thêm dưới
đây).
Còn chuyện mặc dù
giá vàng biến động mạnh nhưng tỷ giá vẫn ổn định có thể chẳng có gì liên quan đến
câu chuyện chống vàng hóa thành công
mà NHNN đang gán ghép cả. Tỷ giá ổn định có thể đơn giản vì nguồn cung ngoại tệ
vẫn tăng lên trong khi cầu ngoại tệ (nhất là từ nhập khẩu) sút giảm. Tương tự,
chuyện ngân hàng mua vào 60 tấn vàng cũng nên coi là việc bình thường khi trước
đây họ đã huy động rồi bán ra một khối lượng (còn lớn hơn) từng đấy, nay phải
tích cực mua vào để sẵn sàng hoàn trả cho người gửi vàng khi họ đến rút ra khi
đáo hạn; và rốt cuộc lượng vàng trong dân vẫn không thay đổi, và cũng có nghĩa
là tình trạng vàng hóa không thay đổi.
Tóm lại, khi chất vấn
Thống đốc về các giải pháp quảnlý thị trường vàng, các đại biểu cần yêu cầu ông
Bình làm rõ khái niệm, mục đích và cách thức xử lý giá vàng, quản lý thị trường
vàng trong mối liên quan đến vàng hóa
để từ đó vạch ra những sai lầm trong cách hiểu và hành động của NHNN như hiện tại
vốn góp phần không nhỏ gây ra những rối ren không đáng có trên thị trường vàng.
Trên cơ sở chất vấn vạch ra những cái sai như vậy, các đại biểu nên yêu cầu NHNN
phải sửa đổi, rút lại các biện pháp quản lý thị trường vàng cũ, thi hành các biện
pháp mới chống vàng hóa một cách đúng
đắn và hữu hiệu.
No comments:
Post a Comment