08:34 | 27/10/2012
Thủ tướng Chính phủ đã trình bày bản báo cáo trên trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XIII. Báo cáo sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Bài viết này muốn góp ý 2 điểm chính cần tập trung thảo luận.
Góy ý đầu tiên. Có thể thấy toát ra từ Báo cáo là tâm lý ưu tiên cho các hành động và thành quả mang tính ngắn hạn và theo tư duy định kỳ nhằm đạt các chỉ tiêu về KT - XH đã được Quốc hội thông qua.
Điều đáng nói là chính vì tâm lý chạy theo các mục tiêu ngắn hạn thế này nhiều khi sẽ nảy sinh những tác động tiêu cực trong trung và dài hạn. Một ví dụ cụ thể là việc kiềm chế lạm phát. Chính phủ “trong những tháng cuối năm nay sẽ thực hiện các biện pháp để giữ mức lạm phát cả năm khoảng 8%”, theo bản báo cáo. Dòng chữ này tuy ngắn nhưng chứa đựng ít nhất một thông điệp lớn rằng Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp cả cũ và mới, nếu cần thiết, để kìm giữ lạm phát dưới 8%.
Thực ra lạm phát nếu đã ở mức 8% thì cũng không khác biệt bao nhiêu so với mức lạm phát 2 con số ví dụ 10% hay 15%. Điều khác biệt thực sự chỉ là ở cái ngưỡng tâm lý lạm phát 1 con số hay 2 con số mà thôi, chứ không phải ở tác động tiêu cực nhiều hơn hay ít hơn (đáng kể) lên phát triển KT - XH. Bởi vì ngay ở mức 8% thôi, lạm phát ở Việt Nam vẫn cần phải được coi là mức khá cao nếu so với khu vực và thế giới, và so với chính Việt Nam những năm trong thập kỷ trước.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi đến cuối năm, triển vọng lạm phát sẽ không dừng lại ở con số 8% như dự tính? Tất nhiên, lúc đó, ngoài những biện pháp rất chung chung và đã quá quen thuộc mà năm nào, báo cáo nào cũng nhắc đi nhắc lại, một số biện pháp mới, mà chắc chắn đa phần mang tính hành chính, sẽ lại được những người có trách nhiệm đưa ra. Dù cũ hay mới, với cường độ như cũ hoặc mạnh hơn, tất cả những biện pháp này đều nhằm khóa mức lạm phát theo báo cáo ở mức 8% cho đến hết năm nay, bất chấp hậu quả để lại cho (các) năm tới.
Ví dụ dễ thấy cho tình trạng này là giải pháp không cho phép một số ngành, doanh nghiệp tăng giá một số hàng hóa dịch vụ nào đó, ví dụ, xăng dầu, điện, nước, học phí, phí y tế v.v… trong một thời gian nào đó. Tuy những giải pháp này có thể ở một mức độ nào đó có tác dụng kìm giữ lạm phát không tăng lên ngay lập tức, nhưng đó chỉ là một hành động tương tự như việc chườm đá lên một cái nhọt đang sưng, và rốt cuộc cái nhọt sẽ vỡ ra, sớm hay muộn.
Lạm phát trong tháng 9 vừa rồi tăng mạnh đến 2,2% được quy kết cho nguyên nhân là quản lý giá cả không khéo léo làm cho một loạt ngành như xăng dầu, điện, giáo dục, y tế chọn cùng thời điểm để tăng giá. Nhưng nếu lật ngược lại vấn đề, vì việc kìm tăng giá những hàng hóa và dịch vụ nói trên không thể kéo dài mãi nên đến một lúc nào đó thì giá cả các hàng hóa đó phải được thả ra, vậy thì việc kìm hãm như trên chỉ có tác dụng làm đẹp số liệu trong một hạn định nào đó (cụ thể là cho đến trước tháng 9 vừa rồi), chứ không có, nếu không muốn nói là ngược lại, tác động tích cực gì đến ổn định kinh tế vĩ mô sau hạn định đó cả. Nếu không thả viện phí, học phí, giá điện, xăng v.v…, lạm phát tháng 9 có thể không tăng tới mức 2,2% nhưng chắc muộn nhất thì đến năm sau lạm phát của một tháng nào đó sẽ phải tăng vọt để bù lại cả một thời gian bị kìm hãm trước đó. Với cung cách điều hành nền kinh tế như vậy thì vô hình trung khuyến khích có các giải pháp ngắn hạn (chủ yếu là hành chính) mang tính bất ổn nhiều hơn là bền vững trong trung và dài hạn.
Với phân tích như trên, nên chăng Quốc hội không nâng lên đặt xuống từng điểm thập phân của mỗi 1 điểm % trong các chỉ tiêu như lạm phát, tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu, tiền tệ và tín dụng v.v… và coi đó như chỉ tiêu pháp lệnh để đánh giá chất lượng điều hành của Chính phủ và/hoặc một thành viên nào đó? Suy cho cùng, việc này, nếu tiếp tục tồn tại, cũng sẽ không còn mấy ý nghĩa khi mỗi lần thấy khả năng không đạt được mục tiêu, Chính phủ lại xin điều chỉnh, và Quốc hội thì thường là thông qua.
Điểm thứ hai muốn góp ý là sự cần thiết phải yêu cầu Chính phủ có những hành động cụ thể chứ không chỉ là những lời nói chung chung luôn luôn được lặp đi lặp lại với tần suất lớn. Chẳng hạn, trong phần Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Báo cáo nêu ra một loạt các biện pháp mà không cần nói thì cũng biết phần lớn chúng đã được đề cập đến từ lâu rồi. Điều người đọc quan tâm không phải là (người đứng đầu) Chính phủ đã có những chỉ đạo gì, quy định gì, triển khai gì v.v… mà là Chính phủ đã đạt được những gì, tiến được bao xa với những biện pháp/chỉ đạo/quy định đó, triển khai cụ thể những biện pháp đó vào thực tiễn như thế nào v.v… Nói cách khác, cái cần được biết là kết quả thực tiễn của các biện pháp chứ không phải là bản thân các biện pháp đó.
Vì những biện pháp này hay biện pháp khác đã được Chính phủ nêu ra trước đây, nên điều Quốc hội cần làm không phải là nghe Chính phủ trình bày và yêu cầu Chính phủ phải có (thêm) các giải pháp khắc phục các yếu kém về KT - XH hiện thời. Thay vào đó, phải chăng Quốc hội nên có thêm một động thái là thảo luận và bỏ phiếu cho chất lượng điều hành của Chính phủ trên phương diện thực hiện các chủ trương, đường lối phát triển chung của Đảng, Nhà nước (ví dụ việc thực hiện 3 đột phá chiến lược)?
No comments:
Post a Comment