------------------------------
Trả
lời phỏng vấn Bloomberg hôm 27/09 tại New York, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho
biết Chính phủ có kế hoạch hạ giá VNĐ tối
đa 2% vào cuối năm vì hiện tiền
đồng được xem là có định giá cao so với USD.
Đây là một thông điệp ngắn nhưng chứa
đựng những nội dung hết sức quan trọng liên quan đến chế độ tỷ giá và cơ chế
điều hành tỷ giá ở Việt Nam.
Nếu mới đây không xa, nhiều quan chức
hữu trách và chuyên gia còn lên tiếng cho rằng không có áp lực để phá giá (hay
điều chỉnh tỷ giá) vì cán cân cung cầu ngoại tệ đang có thuận lợi với dòng
ngoại tệ dồi dào đang đổ vào nền kinh tế từ ODA, FDI và kiều hối v.v... Với dự
đoán cán cân thanh toán tổng thể sẽ đạt thặng dư dăm tỷ đô la năm nay và lạm
phát được kiềm chế ở mức cho phép, theo các quan chức và chuyên gia này thì
điều chỉnh tỷ giá thậm chí còn mang lại những hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế.
Vì thế, họ ủng hộ một sự ổn định tỷ giá, hoặc nếu có “điều chỉnh” thì chỉ ở mức
2%-3% cho cả năm nay, như mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra từ hồi
đầu năm.
Điều đáng lưu ý trong quan điểm điều
hành tỷ giá nêu trên là tỷ giá được quyết định chủ yếu bởi cung cầu ngoại tệ
một cách thụ động. Nếu ngoại tệ đổ vào nền kinh tế dồi dào thì áp lực lên tỷ
giá sẽ yếu hoặc không có, vì thế không cần phải phá giá (điều chỉnh tỷ giá tăng
lên). Ngược lại, nếu cung ngoại tệ thiếu hụt so với cầu, gây áp lực lên tỷ giá
thì NHNN sẽ có khả năng can thiệp giữ ổn định tỷ giá bằng cách tung dự trữ
ngoại tệ ra.
Thực tế thời gian 2, 3 năm qua cho thấy
với cơ chế quản lý tỷ giá như vậy, được hậu thuẫn bởi một quỹ dự trữ ngoại tệ
đã lớn hơn về quy mô, NHNN đã duy trì thành công một tỷ giá tương đối ổn định.
Nguồn vốn và ngoại tệ từ nước ngoài càng đổ vào nền kinh tế trong nước càng lớn
thì công việc của NHNN xem ra càng dễ dàng vì tiền đồng không hề bị áp lực phá
giá, nếu không muốn nói là lên giá. Ngược lại, nếu cung cầu ngoại tệ ở thế bất
lợi như mấy năm trước (thiếu hụt ngoại tệ và suy giảm dự trữ ngoại hối), NHNN
thường là buộc phải phá giá, mặc dù trước đó có không ít lần cam kết ổn định tỷ
giá.
Nhưng cơ chế quản lý tỷ giá nói trên có
một nhược điểm lớn. Như đã biết, nếu tỷ giá danh nghĩa tiền đồng/đô la Mỹ ổn
định một cách tương đối hoặc tăng ở một tốc độ nhỏ hơn tốc độ tăng của chênh
lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ thì tiền đồng được gọi là đã lên giá thực so
với đô la Mỹ, mặc dù tiền đồng vẫn mất giá so với đô la Mỹ về mặt danh nghĩa.
Khi đó, giá cả các hàng hóa sản xuất trong nước trở nên đắt đỏ hơn một cách
tương đối so với hàng ngoại nhập, làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa đó sản
xuất ở trong nước. Hậu quả là xuất khẩu sẽ giảm sút trong khi nhập khẩu được
khuyến khích, dẫn đến nhập siêu và thâm hụt thương mại – một nguồn gốc gây bất
ổn kinh tế vĩ mô.
Có điều, cho đến nay dường như NHNN và
các chuyên gia tỏ ra xem nhẹ tác động trái chiều của việc ổn định tỷ giá như
trên. Họ luôn nhấn mạnh đến chuyện cung ngoại tệ dồi dào để phủ nhận sự cần
thiết phải phá giá (điều chỉnh tỷ giá) để hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng kinh
tế, việc làm. Tuy họ có lúc thừa nhận sự bất lợi của tỷ giá lên xuất khẩu nhưng
lại cho rằng có thể dùng các biện pháp khác để thúc đẩy xuất khẩu mà không cần
phải phá giá.
Bởi vậy, thông điệp trên của Thủ tướng
đã trực tiếp hay gián tiếp nhìn nhận rằng trong công tác điều hành tỷ giá,
ngoài chuyện xem xét đến cán cân cung cầu ngoại tệ, điều quan trọng là phải duy
trì năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đây có thể nói là một
sự thay đổi lập trường chính sách rất đáng hoan nghênh. Với sự cân bằng hơn
trong cách điều hành này, tỷ giá sẽ được điều chỉnh không chỉ căn cứ vào cung
cầu ngoại tệ mà còn dựa vào sự lên giá thực của tiền đồng so với đô la, và phải chủ động điều chỉnh (phá giá) kể cả khi cán cân cung cầu ngoại tệ không căng thẳng, nếu VND lên giá thực quá nhiều so với USD.
Tuy mức “hạ” giá 2% như Thủ tướng nói
vẫn có thể là quá nhỏ so với mức lên giá thực của tiền đồng so với đô la Mỹ do
chênh lệch lạm phát của Việt Nam và Mỹ quá lớn, và mức này có thể sẽ phải tăng
thêm, tùy theo yêu cầu của thị trường, nhưng trước mắt nó cho thấy đã đến lúc các
cơ quan hữu trách của Việt Nam cần phải hoặc thay đổi nhận thức về điều hành tỷ
giá, hoặc thay đổi cách họ thuyết trình với công chúng về cơ chế điều hành tỷ
giá của mình, trong đó không chỉ có nêu cung cầu ngoại tệ thâm hụt hay thặng dư
bao nhiêu mà còn phải cho thấy rõ rằng tỷ giá như vậy có thuận lợi cho xuất
khẩu hay không. Việc thay đổi này là bắt buộc để thống nhất với, và theo chỉ
đạo điều hành tỷ giá của Thủ tướng chính phủ, đồng thời gây dựng được lòng tin
vào chính sách của công chúng.
Không biết mấy đồng chí chuyên gia lúc trước kiên định bảo không phá giá giờ lên báo nói sao đây. Để theo dỏi vụ này kỹ mới được ... Đ/c TS Ngọc No 1
ReplyDeleteMấy đồng chí chuyên gia này mà được hỏi thì sẽ tiếp tục nói như cũ thôi, vì hoặc không nhận ra được sự khác biệt trong phát biểu của đồng chí X, hoặc không hiểu, hoặc không dám thừa nhận mình dốt. Đồng chí cứ theo dõi sẽ thấy nhiều cái thú vị.
DeleteĐã cuối năm rồi, anh bình luận ntn về việc tỷ giá đã không được điều chỉnh như kế hoạch Thủ tướng nhắc tới?
ReplyDeleteHình như tớ đã có lần comment về chuyện này trong blog này rồi thì phải, rằng để ý sẽ thấy đồng chí X chỉ nói đến chuyện phá giá duy nhất trong lần trả lời phỏng vấn Bloomberg thôi, chứ còn nói ở VN, trên báo chí VN thì tuyệt nhiên không thấy đả động gì đến chuyện này, suy ra là ở VN có 2 chế độ tỷ giá chăng? Hóa ra mọi thứ liên quan đến đồng chí X đều là bullshit.
ReplyDelete