Theo báo
cáo “Xu hướng Nhu cầu Vàng” của Hội đồng Vàng Thế giới, tổng nhu cầu tiêu
thụ vàng của Việt Nam tiếp tục
tăng trong quý 2 và quý
3 năm nay, đưa tổng lượng
vàng tiêu thụ trong 2 quý này lên 46,1 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2012 (xem bảng dưới).
Nhu cầu vàng tiêu dùng của Việt Nam | |||
Quý 2+3/2012 | Quý 2+3/2013 | % tăng | |
Tổng khối lượng (tấn) | 36,1 | 46,1 | 28% |
Vàng trang sức | 4,4 | 5,3 | 20% |
Vàng miếng, thỏi | 31,7 | 40,8 | 29% |
Tổng giá trị (triệu USD) | 1.891 | 2.031 | 7% |
Vàng trang sức | 230 | 234 | 2% |
Vàng miếng, thỏi | 1.661 | 1.797 | 8% |
Nếu tính theo giá trị, Việt Nam đã tiêu thụ một số lượng vàng có giá trị
trên 2 tỷ USD trong 2 quý qua. Mức tăng so cùng kỳ năm ngoái chỉ là 7% vì giá
vàng đã liên tục giảm trong các quý vừa qua, xuống còn 1,326 USD/oz trung bình
trong quý 3 này.
Đáng chú ý là lượng
tiêu thụ vàng miếng và thỏi đã tăng mạnh trong quý 2 và 3 năm nay so với cùng kỳ
năm trước (tăng 9,1 tấn). Cũng cần lưu ý là thời kỳ này cũng là thời kỳ Ngân
hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức đấu thầu vàng cấp tập với khối lượng lớn.
Vì Việt Nam là nước
nhập khẩu hầu như toàn bộ lượng vàng tiêu thụ, và vì không thể coi con số nhu cầu
46,1 tấn nói trên là tổng lượng vàng có (sẵn) trong nền kinh tế, nên có thể coi
nhu cầu tiêu thụ vàng do Hội đồng Vàng Thế giới cung cấp nói trên chính là nhu
cầu nhập khẩu vàng thêm vào nền kinh tế trong 2 quý qua. Và vì thời gian này cũng
là thời gian diến ra đấu thầu vàng của NHNN – nguồn cung độc quyền vàng miếng
và thỏi ở Việt Nam – nên có thể nói rằng phần lớn khối lượng vàng miếng và thỏi
tăng thêm vào nền kinh tế trong thời gian qua gắn liền với (và là kết quả của)
hành động đấu thầu vàng của NHNN.
Đương nhiên, để
nhập khẩu vàng miếng và thỏi phục vụ cho đấu thầu vàng trong nước thì NHNN phải
dùng ngoại tệ trong quỹ dự trữ ngoại hối. Theo số liệu trong bảng trên thì Việt
Nam đã phải bỏ ra gần 1,8 tỷ USD để nhập khẩu vàng miếng và thỏi trong 2 quý
qua. Như thế, số ngoại tệ mà NHNN đã phải bỏ ra chắc cũng không xa con số này lắm.
Và mới đây, NHNN
lại có chủ trương mua vào vàng miếng với dự đoán xu hướng giá vàng sẽ giảm
trong 6 tháng hoặc 1 năm tới, được cho là có mục đích để bổ sung vào quỹ dự trữ
ngoại hối của Việt Nam (mua rẻ và hy vọng vàng lên giá để tăng giá trị quỹ dự
trữ ngoại hối).
Giả sử NHNN đã dự
đoán đúng xu hướng giảm giá vàng này, và NHNN giá vàng trong 6 tháng tới sẽ giảm
đi so với mức giá hiện tại như kỳ vọng của NHNN. Lúc đó, NHNN có 3 lựa chọn mua
vào vàng miếng: mua vàng từ thế giới; mua vàng từ trong nước; và mua từ cả 2
nguồn này.
Đối với lựa chọn
mua vàng từ thế giới, NHNN tiếp tục phải bỏ ra một lượng ngoại tệ trong quỹ dự trữ ngoại hối để nhập khẩu vàng.
Tuy giá vàng có thể đúng như dự đoán là sẽ rẻ hơn thời điểm này, và do đó lượng
ngoại tệ bỏ ra cho cùng một số lượng vàng nhập khẩu sẽ ít đi, nhưng đồng thời với
việc mua vàng về thì quỹ dự trữ ngoại hối lại mất đi một lượng USD tương ứng về
giá trị. Như thế có nghĩa là tổng giá trị quỹ dự trữ ngoại hối không thay đổi về
giá trị (quy đổi theo USD), mà chỉ có sự hoán đổi cấu thành của quỹ, chứ không
có tác dụng “bổ sung” vào (làm tăng giá trị của) quỹ dự trữ ngoại hối như NHNN
có thể đã dự tính. Và sẽ càng là vấn đề khi giá vàng lại tiếp tục giảm sau khi
NHNN mua vào, vì lúc đó quỹ dự trữ ngoại hối càng tổn thất thêm nữa về giá trị.
Đối với lựa chọn
mua vàng miếng từ thị trường trong nước, NHNN có thể in/xuất tiền đồng ra để
mua vàng mà không cần phải dùng đến ngoại tệ trong quỹ dự trữ ngoại hối. Tuy
nhiên, do nguồn cung vàng trong nước là rất có hạn (chủ yếu là lượng vàng do
dân nắm giữ trước đây, đặc biệt kể từ khi NHNN tổ chức đấu thầu), nên hành động
này của NHNN nhanh chóng đẩy giá vàng trong nước lên cao. Kết cục là NHNN hoặc
phải rút thanh khoản từ hệ thống ngân hàng hoặc phải in tiền thêm để mua đủ số
lượng vàng cần thiết. Như vậy, hành động mua vàng trong nước để bổ sung quỹ dự
trữ ngoại hối của NHNN sẽ gây ra hoặc là tăng lãi suất do thanh khoản tiền đồng
khan hiếm, hoặc gây ra áp lực lạm phát do in tiền. Cả 2 hậu quả này đều là điều
NHNN muốn tránh, nhất là trong thời điểm hiện tại.
Đối với lựa chọn
thứ 3, tức kết hợp cả 2 lựa chọn trên, tuy hậu quả có vẻ như được san sẻ giữa 2
lựa chọn ban đầu, nhưng nói ngắn gọn thì hậu quả vẫn là hậu quả (ví dụ, quỹ dự
trữ ngoại hối có thể ít hao tổn hơn nhưng nền kinh tế sẽ bị thiệt hại nhiều hơn
do lãi suất hoặc lạm phát tăng cao).
Tóm lại, cái giá
của bình ổn vàng là sự hao hụt khá lớn trong quỹ dự trữ ngoại hối trong suốt thời
gian qua, chưa kể những rủi ro đi kèm với việc NHNN có thể mua vàng vào trong
thời gian tới (tùy theo lựa chọn mua vào của NHNN mà rủi ro sẽ là khác nhau).
Bác phân tích rất chuẩn! Cái giá phải trả cho sự bình ổn giá vàng của NHNN quả là không nhỏ chút nào. Nhưng mấy bác NHNN vẫn ca tụng thành quả đạt được nhờ những phát kiến vĩ đại của họ đấy!
ReplyDeleteTại sao NHNN vẫn tự ca tụng được? Một yếu tố cực kỳ may mắn với (chính sách của) NHNN là giá vàng thế giới đi xuống liên tục, làm nản lòng giới đầu cơ chờ giá lên. Bối cảnh giá đi xuống sẽ không tạo ra những cơn sốt nóng, là điều quả thật đang thiếu vắng hiện nay, và làm NHNN ngộ nhận (hay tự vơ vào) rằng đó là do công lao của chính sách bình ổn vàng của họ.
DeleteYếu tố may mắn thứ hai là luồng ngoại tệ vào VN có vẻ như rất dồi dào, làm NHNN không cần phải vất vả giật gấu vá vai, xoay ngoại tệ để mua vàng. Ngoại tệ dồi dào nên họ sẵn sàng tung ra để mua vàng về bình ổn. Thử hình dung xem ngoại tệ mà khó khăn như hồi mấy năm trước xem, liệu NHNN có "bình ổn" được không, có tự đắc thế được không?
Nói gì thì nói, số lượng ngoại tệ trên mới chỉ là tạm tính và cho thời gian 6 tháng. Tức bình quân mỗi tháng đi tong 300 triệu USD để bình ổn vàng. Số ngoại tệ còn tiếp tục mất đi trong những tháng của quý 4 này vì NHNN vẫn đang tiếp tục đấu thầu, cảm tưởng như họ đang tìm mọi cách đánh dập đầu giới đầu cơ bằng cách tung vàng ra liên tục làm cho giới đầu cơ bội thực vàng mà chết hẳn.
Nhưng mọi chuyện sẽ sớm phải chấm dứt khi dự trữ ngoại tệ không còn dồi dào, luồng ngoại tệ vào cũng không còn dồi dào, và giá vàng thế giới đảo chiều,kéo theo giá vàng trong nước.
Hãy kiên nhấn đợi xem NHNN còn làm thế này được bao lâu! Nhưng chắc chắn khi (phải) chấm dứt đấu thầu vàng, NHNN sẽ biện giải rằng đấu thầu vàng đã đạt mục đích ("bình ổn"), và từ nay trở đi không còn phải đấu thầu nữa! Hãy chờ xem màn kịch kết thúc thế nào.
Bác phân tích thêm rất cụ thể, cho thấy thật chất của việc bình ổn giá vàng trong nước. Thời gian gần đây rất nhiều bản tin kinh tế, tài chính trên truyền hình truyền tải thông điệp cho dân chúng rằng VN có lượng dữ trữ ngoại tệ (usd) dồi dào (gần 12 tuần nhập khẩu), và dự kiến (chắc ăn) lượng kiều hối trong năm nay đạt trên 10 tỉ usd, ... và nhiều tin khác (k biết có lá cải k) để củng cố cho VN ta trong năm nay vẫn còn đầy usd. Còn thực chất bên trong như thế nào, hạ hồi sẽ rõ phải không bác!
ReplyDeleteChắc có lẽ việc duy trì đấu thầu vàng chỉ còn đo bằng tuần nữa thôi.
ReplyDeleteGửi anh Ngọc, cho mình hỏi 2 điều:
ReplyDelete1. Bài viết của anh cho rằng bình ổn vàng gây tổn thất (dự trữ ngoại hối, áp lực lãi suất, lạm phát cao...), nhưng không thấy anh ước tính con số tổn thất là bao nhiêu, như thế làm sao đánh giá được tổn thất?
2. Anh chỉ mới tính chi phí đầu vào khi NHNN mua vàng, nhưng chưa tính giá bán đầu ra chênh lệch khá lớn so với giá mua và chi phí đầu vào. Nếu đây là nguồn thu của NHNN thì sao anh lại không tính để bù trừ tổn thất?
"Từ 28/3, nhà điều hành đã tổ chức 21 phiên đấu thầu và bán ra khoảng 20 tấn vàng. Theo ước tính của Standard Chartered, Ngân hàng Nhà nước đã chi ra khoảng một tỷ USD, tương đương 10% kim ngạch nhập khẩu hàng tháng của cả nước để nhập khẩu vàng. Lợi nhuận thu về từ chênh lệch giá vàng theo tính toán của nhà băng này khoảng 117 triệu USD."
Nguồn: http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/ebank/ngan-hang/ngan-hang-nha-nuoc-lai-117-trieu-usd-qua-dau-thau-vang-2806828.html
Báo cáo của SCB: https://research.standardchartered.com/researchdocuments/Pages/ResearchArticle.aspx?&R=106462
1. Tớ phản đối lập luận cho rằng NHNN đang lãi từ kinh doanh vàng, khi đấu thầu vàng nhập về với giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường trong nước, trong khi giá thị trường trong nước quy đổi theo tỷ giá VND/USD luôn có khoảng cách chênh lệch lớn với giá quốc tế.
ReplyDeleteThực ra tớ đã viết trong bài rồi nhưng cuối cùng lại xóa đi một đoạn lập luận về chuyện này. Đại ý là NHNN xuất ngoại tệ ra mua vàng rồi bán thu tiền đồng về. Đúng là nếu quy ra tiền đồng hết thì NHNN sẽ có lãi lớn. Nhưng vấn đề là tiền đồng là tiền nhà trồng được, nhưng không thể mang ra quốc tế để mua vàng lúc cần, vì thế không thể so sánh khập khiễng như vậy được. Hãy giả sử một trường hợp cực đoan rằng vì một lý do gì đó mà ngoại tệ trở nên khan hiếm đến mức mà NHNN cần mua lại vàng nhưng không thể xoay sở để có đủ lượng USD cần (trường hợp này cũng giống như doanh nghiệp chỉ có nguồn thu trong nước nhưng lại phải đi nhập khẩu hàng về để bán, phải/đi vay vốn bằng ngoại tệ, vì thế sẽ chịu rủi ro thua lỗ, phá sản khi không thể xoay được ngoại tệ nhập hàng, trả nợ, hoặc với tỷ giá đã trở nên quá đắt đỏ. Gọi là tình trạng currency mismatch).
Đại loại thế, và vì mới chỉ là rủi ro và nó là điều khó có thể lượng hóa được nên tớ mới không viết vào bài, và chỉ tập trung vào khía cạnh tổn thất quỹ dự trữ ngoại hối, là cái nhìn thấy và đo đếm được ngay.
2. Đã được trả lời luôn tại điểm 1.