Phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam
Thời cơ đến, không thể chần chừ hay chờ đợi
08:49 | 13/09/2014
Tại phiên họp thường kỳ tháng 8.2014, Chính phủ đã đồng ý phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ để trả nợ trái phiếu đáo hạn. Trước thông tin về quyết định này, TS PHAN MINH NGỌC, Ngân hàng Sumitomo chi nhánh Singapore cho rằng, nên làm khẩn trương vì thời gian có thể không đợi chúng ta.
- Là một chuyên gia về kinh tế, tài chính, Ông có tâm trạng thế nào trước quyết định phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam ra thị trường vốn quốc tế để trả nợ trái phiếu đáo hạn không?
- Tôi tán thành nếu thực sự đợt phát hành trái phiếu quốc tế lần này chỉ là để đảo nợ như tuyên bố, chứ không phải là dành thêm cho các con tàu chờ hàng là các doanh nghiệp nhà nước nào đó nữa.
Lần phát hành này theo tôi là có lợi, đứng từ góc độ chi phí, vì lãi suất vay nợ trên thế giới có xu hướng giảm đi do ngân hàng trung ương các nước đã và đang nới lỏng tiền tệ để kích thích phục hồi và tăng trưởng kinh tế, và đặc biệt là mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam mới được Moody’s (một trong những tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín hàng đầu của Mỹ - PV) nâng lên một bậc từ B1 lên B2. Đây là những yếu tố tích cực cho lãi suất trái phiếu của Việt Nam vì với mức lãi suất chung trên thế giới giảm đi thì lãi suất trái phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi Việt Nam phải trả sẽ phải giảm đi tương ứng, cộng thêm với sự cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam thì lãi suất Việt Nam phải trả cho nhà đầu tư nước ngoài càng phải giảm đi so với trước đây.
Nguồn: ITN
|
- Cũng có quan điểm nói rằng Chính phủ hiện có khoản dự trữ ngoại hối 36 tỷ USD, hoàn toàn đủ sức để chi trả các khoản nợ vay USD khi đến kỳ đáo hạn nên không nhất thiết phải phát hành trái phiếu quốc tế, Ông nghĩ sao?
- Quan niệm này xuất phát từ sự hiểu sai về bản chất của Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, vốn là quỹ dùng cho các sứ mệnh quan trọng hơn nhiều, trong đó có việc can thiệp và bình ổn tỷ giá, hoặc làm bệ đỡ cho những cơn sốc vĩ mô. Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia không phải là để dành cho một chủ thể kinh tế nào đó vay thương mại, kể cả đó là Chính phủ. Bản thân phần lớn khoản dự trữ ngoại hối này cũng không phải là để nằm nhàn rỗi trong két sắt của NHNN hoặc trong tài khoản của các ngân hàng đại lý của NHNN, mà thường đã được đem đầu tư vào một tài sản tài chính nào đó của nước ngoài có hưởng lãi.
Hơn nữa, điều đáng chú ý là cho dù dự trữ ngoại hối đã đạt mức kỷ lục nhưng nếu quy ra số tuần/tháng nhập khẩu thì cũng chỉ quanh quẩn con số 3 tháng nhập khẩu, là mức tối thiểu để được gọi là an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Nói cách khác, con số 36 tỷ USD dự trữ ngoại hối thực ra không phải là, không thể gọi là lớn đến mức dư thừa để có thể vung tay quá trán.
- Từ cuối năm ngoái, Chính phủ đã cân nhắc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế và khẳng định chờ khi điều kiện thuận lợi mới phát hành. Theo Ông điều kiện thuận lợi ở thời điểm hiện tại là những gì?
- Có thể từ thời điểm năm ngoái, Chính phủ đã thấy có sự giảm sút rõ rệt về mặt bằng lãi suất trên thế giới nên đã nảy sinh ý tưởng đi vay để đảo nợ. Và nay điều kiện thuận lợi, có thể hiểu là điều kiện đủ, đã đến. Đó chính là việc Moody’s nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam thêm một bậc nữa. Cần lưu ý rằng đây có thể là một diễn biến nằm ngoài kỳ vọng của Việt Nam, ít nhất là trong năm nay và nằm ngoài kỳ vọng của cả bản thân tôi, vốn cũng phải theo dõi chặt chẽ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam cho công việc của mình.
- Chính phủ đang giao các bộ, ngành chuẩn bị, nghĩa là còn cần một khoảng thời gian nữa mới có thể phát hành trái phiếu quốc tế. Ông có đề xuất gì về thị trường phát hành, đặc biệt là thời gian phát hành khi mà sự thay đổi trên thị trường vốn là điều khó định trước?
- Tôi cho rằng nếu đã quyết định phát hành thì nên làm khẩn trương, chuẩn bị xong lúc nào thì làm lúc đó, chứ không nên chần chừ, băn khoăn, vì thời gian có thể không đợi chúng ta. Bởi nếu Mỹ rút lại các gói nới lỏng tiền tệ (QE) khi nền kinh tế của họ có dấu hiệu phục hồi rõ nét với tỷ lệ thất nghiệp quay trở về ngưỡng coi là lành mạnh thì lúc đó lãi suất có nhiều khả năng sẽ tăng trở lại.
Tất nhiên cũng sẽ có khả năng khác là trong khi Mỹ có thể xem xét rút về QE, thì Nhật và EU lại tiếp tục nới lỏng tiền tệ của mình để phục hồi nền kinh tế của mình khi chúng đã rơi vào suy thoái trở lại hoặc chưa thoát được khỏi nỗi lo thiểu phát, buộc Mỹ cũng sẽ phải cân nhắc lại thời điểm rút QE nếu không muốn đánh rơi tính cạnh tranh xuất khẩu vào tay Nhật và EU. Trong bối cảnh này thì lãi suất thế giới sẽ tiếp tục ở mức thấp. Nhưng nhìn chung, lãi suất nếu có tiếp tục ở mức thấp thì cũng sẽ chỉ kéo dài trong khoảng thời gian 2 - 3 năm nữa sau đó sẽ có xu hướng tăng lên, nên tôi vẫn khuyến nghị việc phát hành sớm.
Về thị trường phát hành, vì trái phiếu được niêm giá bằng USD nên có lẽ thị trường phát hành có thể sẽ là các trung tâm tài chính chính của thế giới.
- Việc phát hành trái phiếu quốc tế lần này, theo Ông là có rủi ro gì không?
Rủi ro sẽ được giảm thiểu bởi ngân hàng bảo lãnh phát hành với sự phối hợp của các tư vấn pháp lý. Tuy nhiên, có một rủi ro đối với Việt Nam tại thời điểm này là việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia mới chỉ được 1 trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm chính là Moody's thực hiện, Fitch vừa mới dự kiến nâng xếp hạng của Việt Nam thêm 1 bậc, còn S&P thì vẫn chưa thấy động tĩnh gì và cũng chưa thể biết ý đồ của họ sắp tới với Việt Nam như thế nào. Nếu nhà đầu tư tiềm năng đòi hỏi Việt Nam phải lấy được đánh giá tín nhiệm của 2 tổ chức này cho đợt trái phiếu sắp phát hành, và chẳng may mà họ vẫn giữ nguyên xếp hạng như trước đây, vào thời điểm bất ổn vĩ mô còn lớn, hoặc tệ hơn là hạ hạng tín nhiệm đi thì có thể lãi suất đề xuất của trái phiếu chính phủ của Việt Nam không còn ở mức hấp dẫn nữa.
- Ông đánh giá như thế nào về sức hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong lần phát hành này?
- Điều này thì hoàn toàn tùy thuộc vào lãi suất coupon (lãi suất cuống phiếu – PV) Việt Nam chào nhà đầu tư quốc tế. Tức là lãi suất càng cao thì càng hấp dẫn được nhiều người đăng ký mua với khối lượng có thể vượt quá mức chào bán. Bởi vậy, Chính phủ cần phải phối hợp chặt chẽ với ngân hàng bảo lãnh để đưa ra một mức lãi suất tối ưu - tức thấp nhất - để sao cho vừa bán hết khối lượng trái phiếu phát hành, vừa không phải trả cho ngân hàng bảo lãnh phát hành một mức phí bảo lãnh quá cao trong trường hợp không bán hết hàng do lãi suất trở nên quá thấp trên thực tế, không hấp dẫn được đủ số lượng nhà đầu tư tham gia.
Như thế, sự hấp dẫn không phải đến từ bản thân việc Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm gần đây hay những chuyện tương tự, mà chỉ là việc Việt Nam sẵn sàng trả lãi bao nhiêu cho khoản vay của mình.
- Chân thành cám ơn Ông!
Hồng Loan thực hiện
No comments:
Post a Comment