Việt Nam cùng với
11 nước chung biển Thái Bình Dương khác đã thỏa thuận hoàn tất đàm phán Hiệp định
đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đầu tháng này. Trong số những ngành nghề sẽ
chịu tác động của TPP chắc chắn sẽ có ngành ngân hàng với những thách thức
không hề nhỏ.
Trước tiên, khi
TPP có hiệu lực, ngay lập tức Việt Nam sẽ không được phép phân biệt đối xử giữa
các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước (SOCB) với các ngân hàng tư nhân và nước
ngoài khác. Các SOCB về bản chất là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), là đối tượng
của nguyên tắc chính phủ không được ưu đãi riêng cho các DNNN trong khuôn khổ của
TPP. Nếu chính phủ Việt Nam có những hành động phân biệt đối xử nào đó giữa các
SOCB với các ngân hàng tư nhân và nước ngoài khác thì những ngân hàng này có
quyền kiện chính phủ Việt Nam ra các tòa trọng tài quốc tế.
Những phân biệt đối
xử này có thể ở dưới dạng như SOCB được đặc quyền nhận vốn giải ngân từ các tổ
chức song phương và đa phương quốc tế trong các khoản vay của chính phủ, với
lãi suất cực thấp. SOCB cũng có thể là nơi được chính phủ chỉ định để gửi các
khoản thu ngân sách từ nhiều nguồn như thuế, phí, là nơi thực hiện các giao dịch
trả lương cho công viên chức nhà nước với lãi suất thấp... Mặt khác, SOCB cũng
thường là cánh tay nối dài của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để thực hiện các mục
tiêu của chính sách tiền tệ cũng như các dự án công cộng, dân sinh và xã hội, với
nhiều quyền lợi đi kèm khi cung cấp những dịch vụ này. Ví dụ, nhờ được giao việc
trả lương cho công viên chức nên các ngân hàng này được nhận thêm một cơ sở
khách hàng mới mang đến nhiều dịch vụ tiềm năng như thẻ tín dụng, tín dụng tiêu
dùng... Khi thực hiện các dự án xã hội, NHNN sẽ cấp vốn với lãi suất thấp để
các SOCB cho vay lại các đối tượng của dự án với biên độ lãi được đảm bảo trong
khi không mấy khi chịu rủi ro mất vốn vì thường nhà nước cũng phải xóa nợ cho
nhiều đối tượng vay nợ trong các dự án thuộc loại này khi họ không trả nợ hoặc
mất khả năng thanh toán.
Thứ hai, TPP có
thể ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ở Việt Nam. Ngoài những
SOCB truyền thống như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, và Ngân hàng Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, hiện nay Việt Nam còn có thêm một vài ngân hàng có thể
coi là SOCB mới, vốn là những ngân hàng bị NHNN mua lại với giá 0 đồng biến
thành sở hữu nhà nước trong năm nay, như Ngân hàng Đại dương (OCB) và Ngân hàng
Xây dựng (CB). Điều đáng nói với những SOCB mới này là chúng vẫn đang trong quá
trình được NHNN tái cơ cấu và vực dậy bên bờ vực phá sản. Quá trình tái cơ cấu
và phục hồi các ngân hàng này đòi hỏi NHNN phải rót thêm vốn, tạo thêm cơ chế,
trao thêm nhiều cơ hội kinh doanh để chúng mau bình phục, lớn mạnh trở lại để
NHNN bán đi thu hồi vốn. Tất cả những đối xử khác biệt này nếu bị bộc lộ với bằng
chứng rõ ràng sẽ là điều kiện để các ngân hàng khác, nhất là ngân hàng nước
ngoài khởi kiện, buộc NHNN phải thay đổi phương pháp thực hiện, dẫn đến khả
năng quá trình tái cơ cấu ngân hàng sẽ bị đình trệ hoặc ảnh hưởng không theo ý
đồ của NHNN.
Thứ ba, TPP cho
phép các ngân hàng và tổ chức tài chính nước ngoài (thành viên TPP) cung cấp dịch
vụ ngân hàng tài chính cho các khách hàng ở trên lãnh thổ Việt Nam và điều chuyển
nhân viên của mình đến các chi nhánh ở lãnh thổ Việt Nam trong một thời gian
dài như bất cứ một ngân hàng nội địa nào khác. Những dịch vụ ngân hàng tài
chính này bao gồm tư vấn đầu tư và dịch vụ quản lý quỹ đối với các quỹ như quỹ
hưu trí, và dịch vụ bảo hiểm liên quan đến rủi ro trong vận tải thủy và hàng
không dân dụng quốc tế. TPP cũng làm giảm gánh nặng quy chế lên các tổ chức,
công ty nước ngoài tìm cách xuất khẩu các dịch vụ của họ. Ví dụ, TPP cho phép
các tổ chức tài chính chuyển thông tin và dữ liệu vào và ra khỏi lãnh thổ để tiến
hành xử lý với chi phí tối ưu nhất. Như thế, TPP sẽ làm gia tăng đáng kể mức độ
cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam, tạo thêm áp lực lên
doanh thu và lợi nhuận cho các ngân hàng và tổ chức tài chính nội địa. Nhưng
ngược lại, trên cùng một mặt bằng bình đẳng, các ngân hàng và tổ chức tài chính
Việt Nam cũng sẽ có thêm cơ hội để mở rộng hoạt động của mình ra các nước thành
viên TPP, nắm bắt những cơ hội mà họ có lợi thế riêng để tiếp cận.
Cuối cùng, TPP
cũng làm giới hạn đáng kể quyền lực của các cơ quan quản lý chức năng của Việt
Nam như NHNN trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, dẫn đến rủi ro cao hơn cho những
bất ổn trong hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam. Cụ thể hơn, TPP không
cho phép sự giới hạn quy mô của các tổ chức tài chính ngân hàng ở Việt Nam (là
một nguyên tắc để bảo đảm không bị rơi vào tình trạng “quá lớn để cho phá sản”),
cấm áp đặt các vách ngăn (về lĩnh vực hoạt động) giữa các loại hình tổ chức tài
chính (ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm), không cho phép cấm
các sản phẩm tài chính độc hại nào đó, và cấm áp dụng các biện pháp kiểm soát
lưu chuyển vốn vào ra khỏi lãnh thổ Việt Nam vốn có tác dụng ngăn chặn các cuộc
khủng hoảng tài chính.
No comments:
Post a Comment