Ngày 6/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định (NĐ) 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp có vốn nhà nước. NĐ 87 có hiệu lực thi hành từ 1/12/2015 và thay thế NĐ 61/2013/NĐ-CP về việc ban hành quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Trong quá trình thực thi, NĐ 61 đã bộc lộ nhiều vướng mắc và hạn chế như: chỉ thực hiện giám sát đối với công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty mà bỏ qua các công ty con; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc tổ chức giám sát; thời gian để các Tập đoàn hoàn thành Báo cáo giám sát còn ngắn so với thực tế của doanh nghiệp; các doanh nghiệp có thể hạ thấp kế hoạch năm để dễ hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch; tiêu chí xếp loại doanh nghiệp về tính tuân thủ pháp luật chưa phù hợp với thực tế; các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá, xếp loại phải quy định từ quý đầu tiên của năm kế hoạch là chưa phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; doanh nghiệp sẽ bị đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt nếu tình hình tài chính thuộc chỉ một trong một số ít các trường và phải lập phương án tái cơ cấu dù thuộc trường hợp nào là chưa phù hợp với thực tế; chưa có cơ chế giám sát công tác công khai thông tin...
Dựa trên kết quả khảo sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và các tập đoàn, tổng công ty, NĐ 87 đã được soạn thảo và ban hành nhằm mục đích khắc phục những vướng mắc trên. Đồng thời, NĐ 87 còn có thêm một phạm vi điều chỉnh quan trọng là giám sát đầu tư vốn vào DNNN Như vậy, NĐ 87 về cơ bản là đầy đủ, chặt chẽ và cụ thể hơn nhiều NĐ 61 để có thể kỳ vọng rằng tình hình tài chính và sử dụng vốn đầu tư nhà nước cũng như tính hiệu quả trong hoạt động của các DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ được công khai và giám sát chặt chẽ.
Tuy vậy, đó mới chỉ là trên lý thuyết. Thực tế cho thấy từ xây dựng các văn bản pháp luật đến thực thi chúng luôn có một khoảng cách lớn ở Việt Nam. Việc thực thi NĐ 61 là một trong những minh họa rõ nét cho điều này. Tuy NĐ 61đã yêu cầu công khai các thông tin và báo cáo cụ thể, nhưng tính đến ngày 31/8/2014, tức sau hơn một năm NĐ 61 được ban hành và có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có Báo cáo giám sát tài chính và Báo cáo xếp loại doanh nghiệp, cũng như chưa công khai thông tin tài chính và quản trị doanh nghiệp trên website của họ. Dù vậy, và dẫu rằng NĐ 61cũng đã quy định khá cụ thể trách nhiệm của các bên liên đới (Mục 4: Chế độ khen thưởng kỷ luật), nhưng dường như chưa có (người đại diện) DNNN hoặc doanh nghiệp có vốn nhà nước nào bị xử lý vì đã không thực hiện tốt các yêu cầu của NĐ 61.
Do đó, tuy NĐ 87 là một bước phát triển hơn nếu so với NĐ 61 nhưng sẽ không có gì để đảm bảo rằng các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp đã vi phạm NĐ 61, sẽ không tiếp tục “chây ỳ” không thực hiện nghiêm chỉnh NĐ 87, mặc dù, cũng như NĐ 61, NĐ 87 cũng có hẳn một chương (Chương 4) quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm. Phải chăng sẽ cần thêm một vài NĐ, văn bản pháp luật nào đó để xử lý những cơ quan, tập thể và cá nhân đã để xảy ra tình trạng chây ỳ, không thực hiện nghiêm chỉnh NĐ 87? Và rốt cuộc ai sẽ thực hiện những NĐ, văn bản đó?
Với nhiều quy định chi tiết, chặt chẽ, bao phủ phạm vi rộng lớn hơn, NĐ 87 tạo ra thêm nhiều nội dung công việc phải làm cho mọi chủ thể liên quan, dẫn đến sự phình to của bộ máy quản lý nhà nước chức năng từ Bộ Tài chính đến các cơ quan đại diện chủ sở hữu và ngay tại doanh nghiệp để thực hiện đầy đủ các quy định và yêu cầu của NĐ 87. Lấy ví dụ trong việc giám sát tài chính doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để thu thập trực tiếp thông tin từ các doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, phải thi hành thêm một loạt công việc như xây dựng quy trình quản lý phục vụ giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức giám sát trong nội bộ doanh nghiệp, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ cho giám sát nội bộ, thuê dịch vụ tư vấn tài chính để xây dựng chỉ tiêu giám sát tài chính đặc thù (nếu có), thuê công ty kế toán, kiểm toán độc lập để soát xét lại số liệu của doanh nghiệp theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu v.v... Khi số lượng quy trình với văn bản nhiều lên, nhiều công việc cần phải thực hiện hơn, bộ máy quản lý phình to ra với nhiều cấp ràng buộc lẫn nhau thì đương nhiên hậu quả sẽ là tính minh bạch, hữu hiệu giảm đi, đồng thời chi phí tăng lên. Đó là chưa kể càng nhiều quy định, nhiều việc phải làm thì sẽ càng có thêm khả năng các doanh nghiệp và cơ quan liên đới không thể đáp ứng được đúng yêu cầu, để rồi tình trạng như với NĐ 61 sẽ tái diễn.
Đi sâu hơn vào nội dung NĐ 87, có thể thấy vẫn còn nhiều vướng mắc và hạn chế khác. Ví dụ, trong việc giám sát đầu tư vốn nhà nước với các dự án đầu tư (trang 6), NĐ 87 chỉ xác định các nội dung giám sát gồm nguồn vốn huy động, tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân vốn, mà không có những nội dung tối quan trọng như tính hiệu quả của dự án, vốn là nguồn gốc gây thất thoát lớn vốn nhà nước vì đã “chảy” vào những dự án vô bổ. Nếu nói rằng những nội dung đó là không cần thiết vì chúng thuộc trách nhiệm của cơ quan phê duyệt dự án thì những nội dung giám sát nêu trên có trong NĐ 87 cũng là thuộc trách nhiệm của cơ quan phê duyệt và thực thi dự án, nên nêu ra trong NĐ 87 chỉ làm phức tạp thêm vấn đề một cách không cần thiết.
NĐ 87 có nội dung giám sát tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động, phát hành trái phiếu mà không thấy đề cập đến giám sát tính hiệu quả của nguồn vốn huy động cũng như sử dụng vốn huy động. Có thể hình dung bối cảnh ở đó những người có trách nhiệm ở doanh nghiệp hoặc các cơ quan liên đới vì động cơ vụ lợi nên sẵn sàng đi huy động vốn với chi phí cao hơn mặc dù mọi thứ đều “đúng quy trình” để không ai có thể bắt bẻ gì được.
Trong việc tổ chức giám sát tài chính doanh nghiệp, mặc dù cơ quan đại diện chủ sở hữu được quy định rõ phải cảnh báo kịp thời cho doanh nghiệp khi phát hiện tình hình tài chính doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro và có những biện pháp ngăn chặn, khắc phục các rủi ro, yếu kém, nhưng đồng thời NĐ 87 cũng quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm cảnh báo doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính, có trách nhiệm trả lời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Quy định này đã gây ra tình trạng chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, gây rối thêm cho doanh nghiệp.
Tóm lại, tuy được thiết kế ra để giám sát chặt chẽ tình hình tài chính và sử dụng vốn đầu tư nhà nước cũng như tính hiệu quả trong hoạt động của các DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước, nhưng NĐ 87 hay những NĐ sau này sửa đổi, bổ sung, thay thế nó vẫn đã và sẽ khó có thể khắc phục một cách hữu hiệu những điểm yếu cố hữu với các DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước xuất phát từ tình trạng “cha chung không ai khóc”, mặc dù mọi thứ vẫn đã và sẽ “đúng quy trình”.
No comments:
Post a Comment