Trên cơ sở Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DNNN hoặc doanh nghiệp có vốn của Nhà nước. Đã có hy vọng rằng tình hình quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được cải thiện mạnh, tránh được tình trạng thua lỗ, mất vốn... Vấn đề có lẽ không đơn giản, một chiều như vậy.
Luật chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ
Nhìn chung, điểm yếu cố hữu của các DNNN là hoạt động không hiệu quả (thua lỗ, mất vốn, nợ nần lớn...) và nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do “đồng tiền không đi liền với khúc ruột”, tức là người trên danh nghĩa là chủ sở hữu (toàn dân) của DNNN trên thực tế lại không có quyền gì để biết điều gì đang xảy ra với DNNN, không có quyền lựa chọn, bổ nhiệm và miễn nhiệm ban quản lý DNNN. Những công việc này được người đại diện cho toàn dân là Nhà nước, cụ thể hơn, là các cơ quan chủ quản của DNNN đảm nhiệm. Nhưng bản thân những người đại diện toàn dân này cũng chỉ là người đại diện trên danh nghĩa, không có quyền lợi gắn chặt với hoạt động của DNNN nên các DNNN hoạt động có yếu kém đến đâu thì cũng không mấy ảnh hưởng đến vị trí và quyền lợi của họ, và cũng vì vậy mà họ sẽ không vật vã ngày đêm tìm cách vực dậy các DNNN yếu kém đó như với trường hợp của các ông chủ tư nhân.
Giải pháp căn bản là phải gắn chặt được trách nhiệm và quyền lợi của người đại diện chủ sở hữu DNNN với tình hình hoạt động của DNNN như trong mối quan hệ chặt chẽ giữa cổ đông với doanh nghiệp cổ phần và ban lãnh đạo của nó. |
Nghị định 91 nhấn mạnh rằng DNNN tự chịu rủi ro và trách nhiệm trước pháp luật về vay, sử dụng và trả nợ vốn vay. Nhà nước không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ do DNNN trực tiếp vay, trừ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Điều này là cần thiết để tránh gặp lại những “quả đắng” như Vinashin khi Nhà nước phải đứng ra trả nợ thay doanh nghiệp này, kể cả những khoản vay nợ không có bảo lãnh. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này không dễ thực hiện. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về lý do tại sao không để Vinashin phá sản đã phải thừa nhận rằng Vinashin là tập đoàn 100% vốn Nhà nước, nếu cho phá sản thì Nhà nước cũng phải trả nợ thay cho Vinashin, vừa mất tiền, mất uy tín, chỉ số tín nhiệm thấp và đặc biệt là hàng ngàn gia đình không ổn định cuộc sống (Phó thủ tướng trả lời chất vấn của Quốc hội hồi tháng 6-2013). Tương tự như vậy, với các DNNN khác khi gặp khó khăn, trên bờ vực phá sản, chắc chắn Nhà nước sẽ phải rất đắn đo khi quyết định không trả nợ thay cho họ, dù đã có quy định rõ ràng như vậy.
Và mang tính trói buộc, triệt tiêu động lực
Cũng trong chuyện huy động vốn của DNNN, Nghị định 91 quy định tổng mức huy động vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh của DNNN không được vượt quá ba lần vốn chủ sở hữu. Quy định này nhằm tránh tình trạng thường xảy ra trên thực tế với nhiều DNNN: vay nợ dễ dãi để đầu tư tràn lan vào nhiều thứ không rõ hiệu quả để rồi nợ nần đầm đìa, mất khả năng chi trả. Tuy có lý và có cơ sở, nhưng quy định này nhiều khi lại là một trói buộc cứng nhắc và thái quá với nhiều DNNN gặp những cơ hội mới trên thị trường cần phải mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc đang phải đối mặt với những biến động bất lợi của thị trường cần phải vay vốn để tiếp tục cầm cự, và/hoặc theo đuổi những dự án đầu tư (dở dang)...
Rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, cổ phần lớn trên thế giới, kể cả những doanh nghiệp có tiếng tăm, uy tín vẫn có những thời kỳ rơi vào tình trạng nợ nần lớn, thậm chí lên đến hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Thế nhưng, vẫn có nhiều ngân hàng sẵn sàng tiếp tục cho họ vay, đơn giản vì họ nhìn thấy tương lai của doanh nghiệp và ngành nghề đó, cũng như tin vào khả năng chèo chống của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Với DNNN ở Việt Nam cũng vậy, không phải luôn luôn và lúc nào họ cũng là những doanh nghiệp không hiệu quả, nên nếu cứ áp dụng cùng một khuôn như những DNNN có vấn đề khác thì chỉ làm giảm thiểu cơ hội phục hồi, tăng trưởng của họ.
Về phân phối lợi nhuận, Nghị định 91 quy định chặt chẽ các mức phân chia lợi nhuận, trong đó có quỹ khen thưởng người quản lý doanh nghiệp và kiểm soát viên - tối đa bằng 1,5 tháng lương. Đương nhiên là quy định này cũng để hạn chế tình trạng lãnh đạo DNNN tự thưởng cho mình quá cao. Nhưng ngược lại, nếu quy định “mức trần” cứng nhắc như vậy, không gắn chặt kết quả tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp với quyền lợi vật chất của ban lãnh đạo, thì sẽ làm triệt tiêu động lực làm việc của họ hướng đến tăng trưởng và lợi nhuận cao hơn. Nhìn rộng ra, với việc cả lương và thưởng cho người quản lý DNNN đều bị ấn định mức trần, dẫn đến tổng thu nhập của họ trong những trường hợp tốt nhất đều có xu hướng thấp xa so với các vị trí tương đương ở khối doanh nghiệp phi nhà nước, thì hoặc là khó có thể mong chờ viễn cảnh các DNNN sẽ tốt đẹp hơn, hoặc là phải thừa nhận và chấp nhận một thực tế rằng người quản lý trong DNNN không phải sống bằng lương và thưởng mà bằng những khoản thu nhập ngầm lớn hơn thế nhiều, có nguồn gốc chủ yếu từ “rút ruột” chính các DNNN đó.
Giải pháp nào?
Giải pháp chắc chắn không phải là xóa bỏ toàn bộ DNNN vì ít nhiều thì DNNN vẫn có một vai trò nhất định trong xã hội (nhưng cần giảm thiểu khu vực này). Cũng không phải là tăng cường sửa đổi các luật lệ hiện tại hoặc ban hành các luật lệ mới vì, như đã phân tích, điều đó chỉ làm tăng thêm sự chồng chéo, phức tạp, không minh bạch, trói buộc bất hợp lý, giảm khả năng thực thi...
Giải pháp căn bản là phải gắn chặt được trách nhiệm và quyền lợi của người đại diện chủ sở hữu DNNN với tình hình hoạt động của DNNN như trong mối quan hệ chặt chẽ giữa cổ đông với doanh nghiệp cổ phần và ban lãnh đạo của nó. Tìm ra ai là người thích hợp để làm đại diện chủ sở hữu DNNN (rất có thể không phải là các bộ/cơ quan chủ quản) và làm thế nào để gắn kết chặt chẽ các đại diện này với DNNN, buộc họ đồng hành cùng DNNN theo hướng tiến bộ sẽ là những điều cần làm. Lúc đó, Nhà nước không phải loay hoay tìm cách vá víu các lỗ hổng pháp luật hay “quyết liệt” đốc thúc các bên liên quan để rồi kết quả chẳng bao giờ được như ý.
No comments:
Post a Comment