Monday, 29 February 2016

Petrotimes đổi giọng về Lọc dầu Dung Quất!

Cách đây vài tuần tớ có tình cờ đọc được một bài đánh bóng Lọc dầu Dung Quất trên tờ Petrotimes. Thôi thì nó là tờ báo ngành nên nó có đánh bóng ai đó trong ngành thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng điều mà tớ khó tiêu hóa nhất với bài báo đó, với tờ báo này là giọng điệu không chỉ rất chi là chợ búa, ngứa tai, mà còn nói lấy được. Đại loại có những cụm từ (rất buồn cười với phong cách báo chí nhất là trong kinh tế) như “hiểm độc hơn rắn độc”, v.v… dùng để chửi mắng “các chuyên gia”, là những cá nhân nào đó lên tiếng phê phán Dung Quất, phê phán tính vô hiệu quả, sự ỷ lại, làm già của Dung Quất. Nó chửi mắng “các chuyên gia” này vì cho rằng họ không hiểu biết sự việc mà cứ nói bừa…
Tớ đọc xong để đấy vì nghĩ không phải việc của mình, không phải mối quan tâm của mình, thậm chí còn có phần nghiêng về bài báo khi nó nhấn mạnh đến chuyện chỉ đòi công bằng từ chuyện thuế khóa chứ không đòi ưu đãi.
Nhưng hôm vừa rồi có việc sờ đến biểu thuế ATIGA mới chợt phát hiện ra là PetroVietnam với Dung Quất, với những kẻ ăn theo như Petrotimes nói láo. Đó là lý do để tớ viết bài “Thực hư việc Lọc dầu Dung Quất có thể phải đóng cửa nếu không được giảm thuế”, mặc dù ý thức rõ là bài này sẽ tương tự như cầm cây gậy bóng chày phang thẳng vào mặt PetroVietnam hay bọn ăn theo đó, do đó chắc chắn sẽ có phản ứng từ phía các đồng chí này.
Quả là thế, tớ vừa tìm thấy bài này trên Petrotimes tìm cách biện hộ, phang lại một số ý kiến của tớ trong bài.
Điều đáng chú ý là bài này đã đổi giọng, hoàn toàn lờ tịt chuyện chênh lệch thuế má “bất công”, chuyển sang lý luận cùn rằng phải tiếp tục ưu đãi thế để nó phát huy cái nọ, cái kia, vì nó xứng đáng v.v…


Do cái mớ lập luận trong bài báo vẫn theo truyền thống là nói lấy được nên tớ cũng chẳng buồn vặn vẹo như mọi khi nữa. Chỉ có một điểm cần vặn vẹo vì nó trực tiếp phang vào chuyện tớ nêu rằng nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ chiếm 8,6% tổng nhập khẩu xăng dầu nên không phải là mối đe dọa của Dung Quất. Bài báo này lập luận rằng các nhà nhập khẩu sẽ gia tang nhập khẩu từ Hàn Quốc (Nhật Bản) làm cho tỷ trọng nhập khẩu của chúng không chỉ là 10% mà còn hơn thế.
Đúng là có khả năng như vậy, và tớ khi viết cũng đã nghĩ đến khả năng này. Có điều, tớ đưa ra những số liệu thực tế thế (gồm cả nhập khẩu từ ASEAN) để chứng tỏ PetroVietnam và bọn ăn theo đang nói láo, lừa dối thiên hạ. Hai nữa, Hàn Quốc và Nhật Bản không phải là nước có thế mạnh (có tính cạnh tranh) về lọc dầu nên chắc chắn nhập khẩu xăng dầu của Vietnam từ 2 nước này không thể tăng đến mức chiếm đa số trong nhập khẩu của Vietnam được. Mà đã không chiếm đa số được thì như tớ nói trong bài, sẽ là bất hợp lý khi hạ thuế điều tiết của Dung Quất bằng với thuế nhập khẩu từ Hàn Quốc (và Nhật).
Trong bài tớ không đả động gì đến Nhật vì PetroVietnam không đả động (mấy) đến Nhật. Nhưng nay, bài báo trên của Petrotimes lại lôi thêm Nhật ra để dọa. Tớ lại phải mò vào homepage của Tổng cục Hải quan để tra biểu thuế ưu đãi VJEPA thì thấy hình như Vietnam không có ưu đãi gì thêm cho Nhật trong các hạng mục xăng dầu nhẹ, 271012 (vì không thấy nêu thuế suất, có nghĩa là áp dụng MFN). Chỉ có các loại dầu mỡ bôi trơn, từ 27101920 cho đến 27101960 là xuống còn 0-2%. Tóm lại là nhập khẩu xăng dầu từ Nhật cũng không được hưởng ưu đãi ở những mặt hàng “nóng” như xăng động cơ và diesel. Tóm lại thêm nữa là tớ nghĩ rằng mấy đồng chí ăn theo nói leo này thậm chí chỉ nghe hơi nồi chõ mà chưa bao giờ nhìn thấy mặt mũi cái biểu thuế ưu đãi thường và ưu đãi đặc biệt nó ra thế nào.
Nhưng tớ cứ đợi xem có ai phang tớ thật lực, xứng đáng, trong thời gian sắp tới không.

Saturday, 27 February 2016

Thực hư việc Lọc dầu Dung Quất có thể phải đóng cửa nếu không được giảm thuế (Bài đăng trên CafeF, 28/2/2016)

http://cafef.vn/vi-mo-dau-tu/thuc-hu-viec-loc-dau-dung-quat-co-the-phai-dong-cua-neu-khong-duoc-giam-thue-20160228121544687.chn

Hiện nay báo chí đồng loạt đưa tin Nhà máy lọc dầu Dung Quất đứng trước nguy cơ phải đóng cửa hoặc giảm công suất do tồn kho lớn.

Theo đó, PetroVietnam – công ty mẹ của Dung Quất - được cho là đã nói rằng từ đầu năm 2016 thuế nhập khẩu xăng từ các nước trong khu vực ASEAN giảm từ 20% về 10% và thuế nhập khẩu diesel giảm về 0% theo lộ trình đã định sẵn. Ngoài ra, thuế nhập khẩu với sản phẩm xăng từ Hàn Quốc cũng được đưa về mức 10% theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.

Trong khi đó, sản phẩm xăng dầu sản xuất tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất bán ra thị trường nội địa phải nộp điều tiết dựa trên thuế suất thuế nhập khẩu chung và mức thuế họ đang chịu là 20%, dẫn đến sản phẩm của Dung Quất khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên có một số sự thật khác với lời trần tình bên trên của Petro Vietnam, nếu quả họ có nói như thế.

Sự thật thứ nhất, về mức thuế ưu đãi đặc biệt áp dụng cho xăng nhập khẩu từ khu vực ASEAN, theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2012-2014 và 2015-2018 được ban hành tương ứng trong Thông tư số 161/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 và Thông tư số 165/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 thì mặt hàng xăng động cơ được phân loại dưới các mã số HS từ 27101211 đến 27101216, bao gồm các loại xăng RON 90, 97, hoặc loại khác, có hoặc không pha chì đều chịu chung một thuế suất là 20% ít nhất là từ năm 2012 đến 2018.

Ngoài xăng động cơ chịu thuế suất 20%, thì chỉ có xăng máy bay, với mã số HS 27101220, là mặt hàng được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt 10% từ năm 2015 đến năm 2018. Dẫu vậy, PetroVietnam cũng chỉ đúng một nửa về mức thuế 10% này, vì mức thuế này có hiệu lực ít nhất là từ năm 2012 (theo Thông tư 161/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011), chứ không phải 2016, để mà nói rằng Lọc dầu Dung Quất bây giờ mới bị ảnh hưởng bởi giảm thuế nhập khẩu cho khu vực ASEAN.

Như vậy, PetroVietnam đã không hoàn toàn đúng (hay báo chí trích dẫn PetroVietnam không chính xác?) khi nói rằng thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước trong khu vực ASEAN giảm từ 20% về 10%.

Chính xác ra thì phải nói chỉ có mặt hàng xăng máy bay là được giảm thuế về 10% (và đã giảm từ 2012), chứ không thể nói chung chung, lập lờ như trên, dễ gây ra ngộ nhận cho công luận rằng tất cả các mặt hàng xăng nhập khẩu từ ASEAN đều được hưởng thuế nhập khẩu 10%, gây thiệt hại cho Lọc dầu Dung Quất khi nó phải chịu thuế là 20%.

Tuy vậy, sự thật thứ hai, có liên quan với sự thật thứ nhất, và trái với trần tình của Petro Vietnam là, mức thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường (tối huệ quốc, MFN) cũng đang ở mức tương đương với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA, tức là 20% với xăng động cơ, và 10% với xăng máy bay, theo tra cứu biểu thuế trên trang chủ của Tổng cục Hải quan.

Nếu theo cơ chế áp dụng cho Lọc dầu Dung Quất là họ sẽ chịu thuế điều tiết tương đương với thuế MFN thì có nghĩa là họ cũng chỉ đang phải trả mức thuế bằng với mức thuế ưu đãi đặc biệt ATIGA mà thôi. Chứ ở đây không hề có chuyện họ đang bị đối xử bất công, thiệt thòi về mức thuế điều tiết áp dụng cho họ cao hơn mức thuế ưu đãi đặc biệt cho nhập khẩu xăng từ ASEAN.

Sự thật thứ ba, về mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho diesel, cũng theo 2 Thông tư trên, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho nhập khẩu sản phẩm này từ ASEAN là 5% (chứ không phải là 20%) trong giai đoạn 2012-2015 và giảm xuống còn 0% từ năm 2016. Hiện, mức thuế MFN, và tức là cho Lọc dầu Dung Quất, áp lên sản phẩm diesel đang là 10%.

Quả là Lọc dầu Dung Quất đang gặp bất lợi khi diesel nhập khẩu từ ASEAN không bị chịu thuế (0%) trong khi họ vẫn bị tính thuế điều tiết 10%. Nhưng cũng cần lưu ý rằng họ đã có cả một lộ trình vài năm, ít nhất từ 2012, để chuẩn bị và đối phó với tình trạng “bất công” này, vì thuế nhập khẩu diesel không phải là bị giảm đột ngột, từ 10% (theo MFN) xuống ngay 0%, mà có lộ trình, giảm còn 5% từ 2012 đến 2015, sau đó mới là 0% từ năm nay.
Đã có lộ trình nhiều năm rồi mà nhà máy này không biết làm thế nào để đối phó, cạnh tranh một cách thành công được với hàng nhập khẩu thì thiết nghĩ là cũng nên để thị trường trừng phạt họ, chứ không nên bao bọc bằng cách thêm các cơ chế ưu đãi bên cạnh hàng loạt ưu đãi như hiện nay nữa.

Sự thật thứ tư về cơ cấu nguồn nhập khẩu xăng dầu, không phải tất cả xăng dầu đều được nhập khẩu từ ASEAN hay Hàn Quốc. Theo số liệu thống kê xuất nhập khẩu của UN Comtrade, Việt Nam nhập khẩu xăng động cơ (với mã HS 271012) với tổng khối lượng là 2,42 triệu tấn năm 2014 (chưa có số liệu năm 2015).

Trong số này, nhập khẩu từ ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan và Myanmar) là 1,71 triệu tấn, và từ Hàn Quốc là 208 nghìn tấn. Tuy tỷ trọng của ASEAN chiếm đến 70,7% tổng nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam nhưng do thuế suất nhập khẩu từ ASEAN cho mặt hàng xăng động cơ vẫn là 20%, bằng với thuế điều tiết áp dụng cho nhà máy Dung Quất nên nhập khẩu xăng động cơ từ ASEAN dù có lớn hơn thế nữa cũng không tác động tiêu cực lên nhà máy.

Trong khi đó, tuy nhập khẩu xăng động cơ từ Hàn Quốc được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt là 10% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Hàn Quốc (đúng như Petro Vietnam trần tình), nhưng tiếc là tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này từ Hàn Quốc chỉ ở mức khá khiêm tốn, 8,6%, không đến mức trở thành mối đe dọa sống còn cho Lọc dầu Dung Quất.
Hơn nữa, về nguyên tắc, nếu áp dụng mức thuế ưu đãi đặc biệt 10% này cho nhà máy (thay vì mức MFN hay ATIGA là 20% như nói ở trên) thì tự nhiên họ lại được hưởng lợi một cách quá đáng, không có cơ sở, khi đa phần sản phẩm nhập khẩu vẫn phải chịu thuế suất 20%.

Với mặt hàng xăng máy bay và diesel, tiếc là UN Comtrade không báo cáo số liệu để ta có thể phân tích cơ cấu nhập khẩu tương tự như trên, nhưng chắc chắn rằng nhập khẩu các sản phẩm này từ các khu vực/quốc gia được ưu đãi đặc biệt (ATIGA và Hàn Quốc) chỉ chiếm một phần, nếu có, trong tổng lượng nhập khẩu các sản phẩm này của Việt Nam.
Bởi thế, cùng một logic như trên, không thể áp dụng các mức thuế ưu đãi đặc biệt này cho nhà máy Dung Quất khi phần nhập khẩu từ các khu vực và quốc gia khác vẫn phải chịu thuế ưu đãi MFN thông thường.

Tóm lại, nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã có cả một lộ trình nhiều năm để có những biện pháp đối phó khi thuế nhập khẩu sản phẩm xăng dầu từ một số nước và khu vực được xóa bỏ hoặc hạ thấp nhưng họ đã không quyết tâm thực hiện.

Hơn nữa, tỷ trọng nhập khẩu từ các nước/khu vực được ưu đãi về thuế so với mức thuế điều tiết mà Dung Quất đang được hưởng không phải là quá lớn nên càng không vì việc PetroVietnam “đến hẹn lại lên” kêu ca liên tục từ năm này sang năm khác mà Chính phủ nên nhượng bộ bằng cách hạ thuế điều tiết cho họ một cách không thỏa đáng.

Friday, 26 February 2016

Tránh là phong trào (Bài đăng trên TBKTSG, ngày 26/2/2016, bản gốc)

http://www.thesaigontimes.vn/142716/Tranh-la-phong-trao.html

Báo chí đưa tin năm 2016 đã được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp, mặc dù chuyện khởi nghiệp không còn là vấn đề mới ở Việt Nam. Hàng năm vẫn có những câu lạc bộ khởi nghiệp, những sự kiện, những hội thảo, những chương trình, những buổi tổng kết và trao giải dự án kinh doanh xuất sắc nhất do một tổ chức nào đó tiến hành…

Vậy điều gì thôi thúc người ta chọn năm 2016 này làm Năm quốc gia khởi nghiệp và cụ thể nó (Năm quốc gia khởi nghiệp) là cái gì, và để làm gì? Mang tâm trạng băn khoăn trước những câu hỏi này, người viết thử lục tìm trên báo chí những thông tin liên quan. Kết quả sơ bộ đáng ngạc nhiên là chỉ có một thông tin ngắn ngủi cho biết rằng: “tinh thần khởi nghiệp đã có trong văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII”. Dường như chưa có một văn bản chính thức nào đề cập đến việc (tại sao) chọn năm 2016 làm Năm quốc gia khởi nghiệp. Và cũng dường như chưa có một văn bản chính thức nào giải thích nó là cái gì, đưa ra để làm gì, theo lộ trình thế nào, thực hiện những đầu công việc nào và thực hiện ra sao v.v…

Vì tinh thần khởi nghiệp với Năm quốc gia khởi nghiệp là hai phạm trù khác nhau hoàn toàn, nên ở đây ta buộc phải nghĩ đến khả năng chuyện tôn vinh năm nay là Năm quốc gia khởi nghiệp chỉ là ý tưởng riêng của một (số) cá nhân nào đó chứ không hẳn là một chủ trương (đã định hình) chính thức của nhà nước. Phải rạch ròi vậy để không bị bất ngờ với khả năng chuyện tôn vinh này chỉ mang tính phong trào, mang dấu ấn cá nhân, cũng tương tự như như những phong trào đặt cho các năm trước đây là Năm doanh nhân, Năm doanh nghiệp.

Dẫu vậy, ta cũng cần nhìn nhận tính tích cực trong ý tưởng chọn năm nay là Năm quốc gia khởi nghiệp, chắc có ý muốn tôn vinh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam ở tầm vóc quốc gia, chứ không phải là từng chương trình, ở từng tổ chức, từng địa phương, bằng từng hành động riêng lẻ như trước đây nữa. Thông qua tôn vinh và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở cấp quốc gia, có lẽ chủ nhân của ý tưởng này hy vọng nó sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững hơn.

Nhưng nếu đã hướng đến tầm vóc và quy mô quốc gia thì cần thiết phải có một chương trình hành động quốc gia tương ứng để hiện thực hóa ý tưởng này, với giả thiết rằng nó nhận được sự tán đồng và hậu thuẫn mạnh mẽ và thực chất của những nhà lãnh đạo cao nhất.

Qua những phát biểu và những kiến nghị của một số quan chức trong cuộc và chuyên gia liên đới, tuy rất đa dạng, đề cập đến nhiều vấn đề, nhưng tựu trung lại thì phải thực hiện những công việc, ví dụ, như hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế,  cải thiện môi trường thương mại, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả và chính sách của các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp để thúc đẩy khát vọng kinh doanh của doanh nhân Việt…

Quả thật, tất cả những đầu công việc trên đúng là mang tầm quốc gia, đều cực kỳ cần thiết, và, nếu thực hiện được, chắc chắn sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh tích cực kích thích và tạo điều kiện để những ý tưởng kinh doanh biến thành hiện thực, tạo điểu kiện để các doanh nghiệp tư nhân hình thành và phát triển mạnh mẽ.  

Có điều, những đầu công việc này không hề lạ lẫm gì ở Việt Nam, bấy lâu nay đã được nhắc đi nhắc lại từ các văn kiện của Đảng đến các chiến lược và giải pháp phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ. Chúng cũng chính là những đầu công việc mà Việt Nam đã xác định, muộn nhất thì cũng đã từ vài năm trở lại đây, cần phải tích cực thực hiện, nhằm đạt những mục tiêu lớn hơn, khái quát hơn như tăng trưởng bền vững, không bị tụt hậu so với thế giới, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình v.v…
Ngoài sự trùng lặp về những công việc cần làm, điều đáng nói nữa là những công việc trên phần lớn vẫn chỉ mang tính định hướng, chứ còn liệu có thực hiện được hay không, ở mức độ nào, đến bao giờ thì vẫn chưa thể có câu trả lời chắc chắn. Trong bối cảnh này, dù có đặt ra Năm quốc gia khởi nghiệp, dù có muốn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp thế nào chăng nữa thì tương lai của sự thành công của sáng kiến/chương trình quốc gia khởi nghiệp này vẫn sẽ hoàn toàn gắn liền với tương lai Việt Nam có thành công hay không trong việc đạt được những mục tiêu chung của nền kinh tế trong những năm tới. Nói cách khác, Năm/chương trình quốc gia khởi nghiệp không phải là giải pháp (mới) cho vấn đề tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Tóm lại, thay vì đặt ra theo phong trào những chương trình mà hiệu quả và tính thiết thực là điều bỏ ngỏ, cần tập trung vào những công việc hiện đã rõ cần phải làm và phải làm đến nơi đến chốn để không làm loãng và lãng phí các nỗ lực và nguồn lực cần thiết cho phát triển kinh tế.

Monday, 22 February 2016

Những hiểu nhầm tai hại về các hiệp định thương mại tự do (Bài đăng trên CafeF, 22/2/2016)

http://cafef.vn/vi-mo-dau-tu/nhung-hieu-nham-tai-hai-ve-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-20160222144740785.chn

Việc Việt Nam tích cực hội nhập nền kinh tế thế giới thông qua ký kết hàng loạt thỏa thuận thương mại tự do với các quốc gia và khu vực (FTA) đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong công luận bởi những lợi ích tiềm năng to lớn mà chúng mang lại cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, cũng không tránh khỏi có một bộ phận vẫn tỏ ý hoài nghi vào những lợi ích này để rồi đòi hỏi phải có sự nhìn nhận lại mục đích và ý nghĩa của việc tiếp tục mở rộng hội nhập. 

Điều đáng nói là không ít trường hợp những hoài nghi này xuất phát từ sự hiểu nhầm về bản chất của các FTA.

Một trong những hiểu lầm lớn nhất về TPP là TPP thậm chí có thể làm giảm sút xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên bởi song song với lộ trình giảm dần thuế xuất nhập khẩu về 0%, các quốc gia cũng đồng thời dựng lên các rào cản kỹ thuật (TBT) để xiết chặt hơn hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam về các vấn đề như chất lượng hay giá cả.
Điều này là sai, đơn giản vì các nước thành viên khi muốn dựng lên TBT mới thì phải tuân thủ những quy định chặt chẽ trong các FTA này, chứ không phải muốn dựng lên cái gì thì dựng, muốn dựng lên lúc nào thì dựng.

Ví dụ trong TPP có hẳn một chương, Chương Hàng rào Kỹ thuật trong Thương mại, có những quy định cụ thể liên quan. Mục đích của Chương này là xóa bỏ mọi rào cản kỹ thuật không cần thiết trong thương mại, củng cố minh bạch, và thúc đẩy hợp tác pháp lý và thông lệ pháp lý đúng đắn ở mức độ cao hơn.

Chẳng hạn, để ngăn các nước thành viên lạm dụng TBTkhi bắt buộc nhà nhập khẩu phải có chứng nhận tuân thủ điều kiện kỹ thuật để được nhập khẩu, TPP không cho phép nước sở tại yêu cầu cơ quan cấp chứng nhận tuân thủ này phải có hoạt động kiểm tra chứng nhận này tại nước sở tại, hay phải có văn phòng tại nước sở tại. Thêm nữa, các nước thành viên cũng phải trả lời cho một tổ chức chứng nhận tuân thủ hoạt động trong lãnh thổ nước sở tại rằng tổ chức này có đáp ứng được các điều kiện để cấp chứng nhận tuân thủ mà nước sở tại đặt ra hay không khi tổ chức này có yêu cầu.

Những quy định này ra đời từ thực tế rằng các nước thành viên FTA đã dùng TBT như một rào cản ngăn hàng hóa của nước khác thâm nhập vào lãnh thổ của mình bằng việc yêu cầu nhà nhập khẩu phải có giấy chứng nhận tuân thủ điều kiện kỹ thuật, nhưng giấy chứng nhận này lại phải do cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên cấp, và vì thế nhiều lúc bị các cơ quan này làm khó, chậm trễ hoặc từ chối cấp phép, làm họ không nhập khẩu hàng hóa vào nước sở tại được. Với những quy định trong TPP có liên quan, nhà nhập khẩu có thể dùng giấy chứng nhận do một tổ chức được phép cấp chứng nhận ở nước ngoài để được chứng nhận rằng đã đáp ứng yêu cầu về tuân thủ kỹ thuật do nước sở tại đặt ra, và do đó không còn bị TBT làm khó dễ như trước đâ
y.
Hiểu nhầm thứ hai về các FTA là gần đây có hàng loạt vụ việc về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị trả lại và đây được coi là một bằng chứng rõ ràng cho thấy nguy cơ cao rằng các nước thành viên FTA có nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tích cực lạm dụng TBT như là một biện pháp ngăn chặn hữu hiệu sự xâm nhập của hàng hóa từ Việt Nam khi các FTA ký kết giữa họ với Việt Nam có hiệu lực, dẫn đến giảm hoặc xóa bỏ thuế quan nhập khẩu từ Việt Nam, làm cho nhập khẩu từ Việt Nam có xu hướng tăng lên tác động tiêu cực đến sản xuất nội địa của họ.

Như đã nói, thông thường các FTA có các điều khoản quy định chặt chẽ về áp dụng TBT, ngăn ngừa các nước thành viên lạm dụng TBT để cản trở xuất khẩu của các nước thành viên khác vào lãnh thổ của mình. Bởi vậy, và thực tế là các vụ việc trả về hàng nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là kết quả của các TBT hiện thời đang có hiệu lực, chứ không phải là TBT mới, được dựng lên sau này.

Hầu như bất kể vụ việc nào đều rành rành có lỗi cố ý, gian dối của phía nhà xuất khẩu Việt Nam, lúc thì có hàm lượng tồn dư kháng sinh và tạp chất quá mức, lúc thì nhiễm khuẩn, chứa các hóa chất độc hại quá ngưỡng cho phép, hoặc lúc thì bị mạ băng quá nhiều so với yêu cầu của nhà nhập khẩu v.v… Nói cách khác, với những loại hàng hóa thứ cấp, nguy hại như vậy thì việc bị nhà nhập khẩu loại là đương nhiên và thích đáng, không có gì là oan uổng, đáng phàn nàn ở đây cả. Tất nhiên, nếu cảm thấy bị oan ức thì nhà xuất khẩu Việt Nam, và kể cả cơ quan quản lý của Việt Nam, có thể mang vấn đề này ra khiếu nại ở các tổ chức hữu quan được quy định rõ ràng trong các FTA, chứ hoàn toàn không có chuyện nước sở tại muốn quyết định số phận hàng nhập khẩu từ Việt Nam như thế nào thì họ cứ thế mà làm.

Hiểu nhầm thứ ba về các FTA là các FTA này chỉ có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên một cách gián tiếp, chủ yếu là nhờ có các quy định về thúc đẩy và kích thích thương mại thông qua đó khuyến khích nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam tăng cường đầu tư để giảm giá thành, nâng chất lượng sản phẩm, cải thiện được tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chứ còn bản thân việc hạ hoặc xóa bỏ thuế quan chỉ có tác dụng nâng giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu của Việt Nam (do không còn phải nộp thuế nhập khẩu như trước), và không trực tiếp làm tăng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Lập luận trên đã bỏ qua hoặc xem nhẹ tác động lớn nhất và quan trọng nhất của FTA là giảm/miễn thuế sẽ trực tiếp làm tăng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu so với hàng sản xuất trong nước, từ đó kích thích nhà xuất khẩu nước ngoài (ví dụ, từ Việt Nam) gia tăng xuất khẩu vào nước sở tại (ví dụ, Mỹ).

Ví dụ, trước đây nhà xuất khẩu Việt Nam bán 1 cái áo sơ mi với giá 10 USD vào Mỹ, trong đó có 1 USD là tiền thuế và 1 USD là lợi nhuận ròng. Nay với TPP, nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam được miễn khoản 1 USD này, nên có thể để mức giá bán mới là 9,2 USD, và sẽ thu tổng cộng là 1,2 USD lợi nhuận so với 1 USD lợi nhuận như trước đây. Người mua ở Mỹ trước đây phải mua với giá 10 USD, nay thấy phía Việt Nam hạ giá xuống chỉ còn 9,2 USD nên thay vì mua 1 cái áo như trước đây thì nay mua luôn 1,1 cái áo từ phía Việt Nam do thấy hàng đã hạ giá (đồng thời giảm mua 0,1 cái áo từ trong nước hay từ các nước khác khi giá ở đó vẫn giữ nguyên). Như vậy là cả 2 bên đều có lợi. Chỉ có ngân sách của Mỹ là thiệt vì đã thất thu thuế, còn doanh nghiệp dệt may của Mỹ và của các nước đối thủ của Việt Nam như Cambodia và Bangladesh thì mất bớt đơn hàng vào tay doanh nghiệp Việt Nam.

Nói cách khác, TPP đã trực tiếp làm lợi cho nhà xuất khẩu Việt Nam khi vừa bán được nhiều hơn, lại bán được với giá cao hơn, chứ không đúng như lập luận bên trên rằng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ không tăng lên được nhờ giảm/miễn thuế nhập khẩu.
Chưa hết, Việt Nam bán được nhiều hơn với giá cao hơn nên càng có động lực và điều kiện để giảm giá thêm nữa, nhờ kinh tế quy mô và nhờ tái đầu tư lợi nhuận gia tăng vào hợp lý hóa sản xuất để cắt giảm chi phí…, nên xuất khẩu của Việt Nam càng có nhiều cơ hội tăng trưởng, lấn át các doanh nghiệp nội địa của Mỹ cũng như của các nước xuất khẩu phi thành viên TPP vào Mỹ.

Cũng bởi những lý do này mà không chỉ nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt May của Mỹ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ TPP mà ngay cả những nước xuất khẩu dệt may lớn khác trong khu vực như Pakistan, Bangladesh, Cambodia và Myanmar gần đây cũng đã phải bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ lấy đi công ăn việc làm trong ngành này của họ.

Friday, 19 February 2016

Lãi suất: Kỳ vọng năm 2016 (Bài đăng trên TBKTSG, 19/2/2016)

http://www.thesaigontimes.vn/142376/Lai-suat--Ky-vong-nam-2016.html

Lãi suất huy động đã có chiều hướng tăng ở nhiều ngân hàng thương mại cổ phần và cả ngân hàng có vốn của nhà nước từ nửa năm sau 2015 và đặc biệt là vào những tháng cuối năm, làm tăng áp lực lên lãi suất cho vay từ hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp trong nước.

Tuy vậy, ngày 24-12-2015, trong cuộc họp báo tổng kết hoạt động ngành ngân hàng năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại cho biết: “Mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm 0,2-0,5% qua đó hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Tiếp đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2016 tổ chức ngày 25-12-2015, NHNN cho biết thêm rằng: “Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,3-0,5%/năm so với cuối năm trước, đưa mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với thời điểm cuối năm 2011”.


Những tín hiệu trái chiều

Cả hai thông điệp trên đều tạo ra cảm giác rằng năm 2015 lãi suất cho vay đã thực sự giảm nhiệt so với năm 2014 nhờ những giải pháp điều hành tiền tệ đồng bộ của NHNN (không nói đến so sánh khá kỳ khôi của NHNN giữa lãi suất của năm 2015 với lãi suất của năm 2011 là năm có lãi suất rất cao do lạm phát cũng ở mức rất cao).

Trong khi đó, nhìn từ các yếu tố cơ sở hình thành nên lãi suất thì thấy đã có những yếu tố lẽ ra làm lãi suất năm 2015 phải tăng hơn so với năm 2014.

Về phía cung tiền, NHNN cho biết tổng phương tiện thanh toán đến ngày 21-12-2015 tăng 13,55% so với cuối năm 2014. Về phía cầu tiền, tăng trưởng tín dụng tăng 17,02% so với cuối năm 2014. Hai con số tương ứng này vào năm 2014 là 15,65% và 14,16% so với cuối năm 2013.

Như vậy, có thể thấy rõ rằng trong khi cung tiền đã giảm mạnh trong năm 2015 (từ 15,65% năm 2014 xuống còn 13,55% năm 2015) thì cầu tiền lại tăng mạnh trong năm 2015 (từ 14,16% năm 2014 lên 17,02% năm 2015). Từ thực tế diễn biến ngược chiều của cung và cầu tiền theo hướng cung tiền bị thắt chặt hơn còn cầu tiền thì được nới lỏng hơn như thế, lẽ ra lãi suất năm 2015 đã phải tăng so với năm 2014, ngược lại với kết luận của NHNN đưa ra bên trên.

Thêm nữa, thực tế diễn biến tăng lên của lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015 cũng chính là hệ quả của việc mất cung cầu về tiền như vậy. Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng trong năm 2015 thì lẽ ra lãi suất cho vay cũng bị chịu áp lực tăng, chứ khó có thể giảm như NHNN công bố.

Nếu cố gắng tìm một yếu tố nào đó có thể giải thích được việc lãi suất cho vay đã thực sự giảm đi như NHNN công bố thì đó chỉ có thể là tỷ lệ nợ xấu đã giảm đi (bên cạnh các biện pháp mang tính hành chính, ví dụ như yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát giảm lãi suất cho vay các khoản vay cũ theo lãi suất hiện hành, duy trì trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng...).

Cũng theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã giảm đáng kể trong năm 2015, từ 3,22% tính đến hết tháng 12-2014 xuống còn 2,72% tính đến 30-11-2015. Theo lý thuyết, các ngân hàng thương mại không cần phải giữ chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay lớn như trước đây mà vẫn bảo toàn được lợi nhuận nhờ cắt giảm được chi phí dự phòng nợ xấu. Nhờ cắt giảm nợ xấu nên mặc dù lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn có dư địa để giảm đi. Dẫu vậy, ảnh hưởng của yếu tố này là không rõ ràng vì không có nhiều ngân hàng có thiện chí, chủ động cắt giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay theo kiểu “làm từ thiện” nếu cầu tín dụng vẫn còn quá lớn như hiện tại.

Và rất tiếc là vẫn chưa có báo cáo nào cho thấy mức chênh lệch cho vay và huy động trung bình trong toàn hệ thống đã giảm đi trong năm 2015 so với năm 2014 để làm hậu thuẫn cho công bố của NHNN về chuyện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm.

Trên hết, cần lưu ý rằng nợ xấu giảm mạnh (trên sổ sách và báo cáo) có phần lớn nguyên nhân là do các ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng và dùng đó để xử lý nợ xấu. Điều này có nghĩa là tỷ lệ nợ xấu giảm đã đi kèm theo cái giá phải trả là lợi nhuận ngân hàng bị bào mòn, càng làm cho các ngân hàng không có động cơ (tự nguyện) cắt giảm lãi suất cho vay nhằm đảm bảo tỷ suất lợi nhuận không bị suy giảm, và do đó càng khó có cơ sở để đồng thuận rằng mặt bằng lãi suất đã giảm đi trong năm 2015.

Kỳ vọng mặt bằng lãi suất tương tự năm 2015


Trong năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên tới 18-20%, có lẽ là tương ứng với mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn so với năm 2015. Về phía cung, NHNN không đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán trong năm 2016. Ngoài ra, NHNN cũng cho biết thêm một số định hướng về các biến số khác liên quan đến lãi suất trong năm nay, đó là giữ ổn định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát giảm lãi suất cho vay các khoản vay cũ về mức lãi suất cho vay hiện hành, phối hợp với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát ở mức dưới 5%...

Từ những dữ liệu hữu hạn nói trên có thể thấy NHNN đã để ngỏ biến động của tỷ giá, một trong những biến số quan trọng nhất liên quan đến lãi suất. NHNN đã chuyển sang cơ chế tỷ giá mới linh hoạt, không còn những cam kết “cứng” về mức biến động cho phép trong cả năm như trước đây nên tỷ giá hoàn toàn có khả năng tăng mạnh hơn (tiền đồng mất giá mạnh hơn) trong năm nay so với năm 2015. Như vậy, kết hợp với lạm phát mục tiêu đứng ở mức khá lớn, ở ngưỡng 5%, so với lạm phát thực tế năm 2015, NHNN sẽ có khá nhiều dư địa để tăng cung tiền nhằm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Lưu ý rằng yếu tố tích cực tạo hậu thuẫn cho việc giảm lãi suất cho vay (nếu có) trong năm 2015 - giảm tỷ lệ nợ xấu - sẽ không còn nhiều dư địa để phát huy tác dụng trong năm nay. Bởi tỷ lệ nợ xấu, theo báo cáo, hiện đã ở mức thấp, dưới cả mức mục tiêu 3% mà NHNN đặt ra trước đây. Do đó, việc tiếp tục hạ thấp thêm tỷ lệ nợ xấu trong năm nay sẽ vừa không dễ thực hiện, vừa gây cản trở đến khả năng tăng trưởng tín dụng vì các ngân hàng thương mại sẽ phải thận trọng trong cho vay hơn nữa. Nếu có giảm được áp lực tăng lãi suất cho vay từ khía cạnh này thì chỉ có thể là do việc giải quyết nợ xấu từ VAMC được tăng cường, nhờ đó một phần nợ xấu được phục hồi và hoàn trả lại cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, còn quá sớm để kỳ vọng một bước ngoặt về vấn đề này ngay trong năm nay, và trong khi đó, các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục phải trích lập dự phòng 20% giá trị nợ xấu như năm 2015.

Tóm lại, mặt bằng lãi suất năm 2016 này diễn biến thế nào so với năm 2015 chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ tăng cung tiền bao nhiêu so với năm 2015 mà không phá vỡ mục tiêu lạm phát 5%. Đến đây, một yếu tố quan trọng khác xuất hiện - giá dầu và giá hàng hóa cơ bản thế giới. Nếu giá cả những hàng hóa cơ bản này vọt tăng trở lại và đứng ở mức cao thì lạm phát ở Việt Nam sẽ chịu thêm áp lực tăng, bên cạnh yếu tố tăng cung tiền. Nhưng hiện tại khả năng này là tương đối thấp nên nhìn chung vẫn có thể kỳ vọng một mặt bằng lãi suất tương tự như năm 2015, với xác suất nhỏ hơn cho khả năng lãi suất giảm đi so với năm 2015, và xác suất nhỏ hơn nữa cho khả năng lãi suất tăng lên so với năm 2015.

Thursday, 18 February 2016

Đừng bi kịch hóa chuyện thâu tóm doanh nghiệp Việt của người Thái! (Bài đăng trên CafeF, 18/2/2016)

http://cafef.vn/doanh-nghiep/dung-bi-kich-hoa-chuyen-thau-tom-doanh-nghiep-viet-cua-nguoi-thai-20160218100004008.chn

Tin tức liên tiếp về việc người Thái đã và đang thâu tóm hoàn toàn hoặc một phần nhiều doanh nghiệp Việt như C.P Việt Nam, Red Bull, Prime Group, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Bao bì nhựa Tín Thành, và đặc biệt là hệ thống bán lẻ của Việt Nam như Big C, chuỗi siêu thị Familiy Mart, Metro Việt Nam hay hệ thống điện máy Nguyễn Kim… đã làm dấy lên một làn sóng lo ngại sâu rộng trong công luận về những tác động tiêu cực của trào lưu thâu tóm này lên nền kinh tế Việt Nam.

Tác động tiêu cực được lo ngại nhiều nhất là việc hàng Việt sẽ bị lấn lướt và gạt bỏ khỏi hệ thống bán lẻ bị chi phối bởi người Thái. Lúc đó, người Thái có thể lũng đoạn thị trường Việt Nam do đã nắm cả chuỗi giá trị từ sản xuất đến phân phối hàng hóa tại Việt Nam.

Một tác động tiêu cực đáng kể thứ hai hay được nhắc đến trước đây là các thương hiệu Việt một thời là niềm tự hào của người Việt sẽ dần biến mất khỏi thị trường và nền kinh tế Việt Nam sẽ chẳng còn lại gì đáng kể là của riêng mình mà chỉ đơn thuần là một nền kinh tế gia công cho những thương hiệu nước ngoài.

Tác động tiêu cực thứ ba là tình trạng “miếng ngon cho người hưởng”, khi các doanh nghiệp bị thâu tóm thường là những doanh nghiệp đình đám trong ngành, nắm những lợi thế lớn, khả năng sinh lợi cao, nên khi bị thâu tóm vào tay người Thái thì đương nhiên người Thái sẽ được hưởng nguồn lợi đó. Lợi nhuận tạo ra sẽ được chuyển về Thái Lan và Việt Nam chẳng được hưởng gì đáng kể.

ất cả những lo ngại trên đều vô lý, bị phóng đại, bi kịch hóa quá mức. Do đó, những kết luận kiểu như cần thận trọng với việc mua lại doanh nghiệp của người Thái v.v… không những là vô lý, không phải ái quốc gì cả, mà còn có thể gây ra những tác hại lớn như phong trào “nói không” với người/hàng Thai…

Về tác động tiêu cực đầu tiên, có mấy điểm vô lý.


Vô lý thứ nhất, người Thái dù có nắm được Big C, Family Mart, Metro, và Nguyễn Kim, và dù những doanh nghiệp, những siêu thị này có quy mô lớn, nhưng chúng không phải là tất cả trong nền kinh tế Việt Nam, trong ngành của chúng. Bởi vậy, dù có muốn lũng đoạn, chi phối ngành tương ứng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung thì người Thái cũng không thể chi phối được. Bên cạnh chúng còn có nhiều doanh nghiệp, nhiều hệ thống siêu thị khác của nội địa và nước ngoài cùng cạnh tranh với chúng. Kết hợp với cả cửa nhập khẩu rộng mở thì một số doanh nghiệp của người Thái, bị chi phối bởi người Thái cũng không thể “một mình một chợ”, ví dụ, tự tung tự tác tăng giá vô tội vạ.
Chưa nói đến thực tế rằng nhiều trong số các doanh nghiệp, các siêu thị này chỉ có một phần sở hữu là thuộc người Thái (và có cả sở hữu không chi phối). Như thế có nghĩa là người Thái chỉ là ông chủ một phần của nhiều doanh nghiệp Việt Nam và do đó không thể muốn quyết gì, làm gì thì làm. Đây cũng chính là lý do và kết quả của việc đàm phán mở cửa trong hội nhập giữa Việt Nam với các nước khác khi nhà đàm phán Việt nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống phân phối trong nền kinh tế.
Vô lý thứ hai, hàng Việt có bị lấn lướt, có bị loại ra khỏi hệ thống bán lẻ hay không phụ thuộc phần lớn vào tính cạnh tranh của hàng Việt (so với hàng Thái), chứ không phải tại vì hệ thống bán lẻ rơi vào tay người Thái. Một số siêu thị rơi vào tay người Thái thì điều này cũng chỉ có tác dụng tích cực phần nào lên tính cạnh tranh của hàng Thái so với hàng Việt chứ không phải là tất cả, tương tự như việc người Thái mở thêm showroom, điểm giới thiệu, xúc tiến thương mại cho hàng Thái mà thôi. Một ví dụ theo chiều ngược lại là người Trung Quốc chẳng cần thâu tóm chuỗi siêu thị (lớn) nào của Việt Nam mà hàng Tầu vẫn cứ len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, đè bẹp không chỉ nhiều loại hàng Việt mà còn cả hàng Thái. Nói như vậy để tránh sự nhập nhằng, để đừng có đổ lỗi (nếu có) cho việc hàng Việt bị lấn lướt bởi hàng Thái là do người Thái thâu tóm hệ thống phân phối, bán lẻ của Việt Nam. Điều này chẳng khác gì cứ đau bụng là đổ lỗi do ngộ độc thức ăn.
Vô lý thứ ba, nên nhớ rằng nhiều siêu thị, doanh nghiệp nêu trên vốn từng là của người nước ngoài (có vốn nước ngoài) chứ không phải là (hoàn toàn) của người Việt. Do đó, việc sang tên đổi chủ về nguyên tắc cũng chẳng làm hại hay lợi gì hơn cho người Việt nếu cho rằng một khi các siêu thị, doanh nghiệp này nằm trong tay người nước ngoài thì sẽ tác động tiêu cực đến Việt Nam.
Vô lý cuối cùng, ông chủ mới người Thái có cố tình chọn phân phối hàng Thái thay vì hàng Việt trong hệ thống siêu thị họ thâu tóm thì đó chủ yếu là vì họ, với tư cách là các chủ doanh nghiệp theo đuổi lợi nhuận tối đa, thấy hàng Thái đem lại lợi nhuận cao hơn cho họ, chứ chẳng phải vì họ có tinh thần yêu nước, “đem chuông đi đánh xứ người”. Mà nếu đúng như vậy thì cho dù vẫn còn nằm trong tay người Việt thì không điều gì ngăn cản ông chủ Việt chuyển sang phân phối hàng Thái thay vì hàng Việt để đạt lợi nhuận cao hơn như cách người Thái (được cho là) sẽ làm hiện nay. Điều ngăn cản các ông chủ Việt đã không làm vậy trước đây có lẽ là vì đa phần hàng Việt vẫn mang lại lợi nhuận nhiều hơn mà thôi. Và rốt cuộc, câu chuyện lại trở lại điểm xuất phát, tự thân tính cạnh tranh, sinh lợi của hàng Việt mới quyết định số phận “đi hay ở” của chúng tại các siêu thị, chứ không phải ai là ông chủ của các siêu thị này.
Về tác động tiêu cực thứ hai, điều này đã được người viết chỉ ra điểm vô lý trước đây, và vì thế đã không còn được mấy người nhắc đến gần đây nữa. Tuy nhiên, cũng cần thiết phải nhắc lại thêm một chút ở đây để nó không tiếp tục tái diễn sau này. Đó là người Thái (hay người nước ngoài khác) mua lại các thương hiệu Việt chính vì giá trị của các thương hiệu này và hình ảnh quen thuộc của chúng trong lòng người tiêu dùng Việt. Do đó, chẳng có ông chủ mới nước ngoài nào lại dại dột xóa bỏ chúng một khi đã sở hữu chúng. Và họ cũng chẳng thể, chẳng muốn “bê” các thương hiệu, các doanh nghiệp, siêu thị về nước mình cả. Như thế, các thương hiệu này vẫn sẽ là thương hiệu Việt, “make in Vietnam” và “made in Vietnam”, vẫn tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho người Việt, doanh nghiệp Việt khác.
Về tác động tiêu cực thứ ba, đúng là các doanh nghiệp, siêu thị bị thâu tóm có khả năng “thay da đổi thịt”, đem lại lợi nhuận lớn cho các ông chủ mới người Thái. Nhưng đó là điều đương nhiên và hợp lý vì lợi nhuận gia tăng là do công sức và vốn liếng của họ bỏ ra chứ lợi nhuận này không tự nhiên sinh ra. Nếu cứ lo sợ lẫn cả ghen tức rằng lợi nhuận làm ra bao nhiêu thì bị người nước ngoài chuyển hết về nước họ thì có khác gì nói rằng đừng cổ phần hóa, đừng bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước cho nhà đầu tư nước ngoài nữa vì họ sẽ chuyển lợi nhuận hết về nước họ. Vì vấn đề ở đây là nếu không bán cho người nước ngoài thì những doanh nghiệp này có lẽ mãi mãi vẫn trong tình trạng “thoi thóp”, không phá sản, không trở thành gánh nặng cho nền kinh tế đã là may mắn lắm, nói chi đến chuyện làm ăn sinh lời nữa?
Các ông chủ cũ người Việt hẳn cũng đã tính toán nát óc bài toán lợi hại khi bán doanh nghiệp của mình để rồi đi đến kết luận rằng bán được với cái giá đó đã là hời rồi. Nói cách khác, chỉ có những người trong cuộc mới biết rõ nên làm gì, và do đó những thương vụ “bán mình” thế này thường không phải là kết quả của những quyết định vội vàng, thiếu khôn ngoan để cho cả xã hội phải nhảy vào can ngăn với lo ngại hộ.
Chưa hết, đây không phải là cuộc chơi chỉ có kẻ thắng, là ông chủ nước ngoài (người Thái),  và người thua là người Việt. Nó hoàn toàn có thể là cuộc chơi mà cả 2 bên cùng thắng. Người Thái sau khi thâu tóm sẽ làm cho doanh nghiệp, siêu thị bị thâu tóm lành mạnh hơn, thu được nhiều lợi nhuận hơn để chuyển về Thái Lan (và vẫn phải trả thuế thu nhập cho Việt Nam). Còn các ông chủ cũ người Việt sau khi bán doanh nghiệp của mình cho người Thái rất có thể đã dùng số tiền đó để đầu tư vào những doanh nghiệp, những lĩnh vực khác thuộc lợi thế của mình, nhờ đó cũng thu được nhiều lợi nhuận hơn là cứ cố bám lấy những doanh nghiệp cũ. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể thu được lợi nhuận ròng, giá trị gia tăng ròng lớn hơn so với trước khi người Thái nhảy vào thôn tính.

Tuesday, 16 February 2016

Phang tiếp đồng chí Nhàn đàm


Tớ lại thấy đồng chí Nhàn đàm phang lung tung, hình như trúng cả vào tớ trong bài này:


nên tớ phải phang lại để đồng chí này bơn bớt nhàn đàm (một cách nguy hiểm) đi.

Đồng chí Nhàn đàm viết: Việc các dòng thuế xuất nhập khẩu phần lớn sẽ chuyển về mức 0% sẽ chỉ có ý nghĩa giá trị gia tăng từ hàng xuất khẩu của các quốc gia sẽ tăng lên, do không còn phải nộp thuế xuất nhập khẩu như trước, chứ không có nghĩa là lượng hàng hóa xuất khẩu sẽ gia tăng. 
Như các quy định về giảm thuế trong lĩnh vực dệt may trong TPP, theo ước tính các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoảng 1,17 tỷ USD khi hầu hết các dòng thuế dệt may hiện nay của Mỹ trung bình khoảng 17% sẽ chuyển dần về mức 0% sau khi TPP đi vào hoạt động. Điều này có nghĩa là lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may sẽ tăng khoảng 1,17 tỷ USD hằng năm do không phải đóng khoản thuế này cho chính phủ Mỹ nữa, chứ không có nghĩa là tổng sản phẩm và kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may vào thị trường Mỹ sẽ tăng lên.

Tớ phang lại: Giảm thuế nhập khẩu vào Mỹ có nghĩa là nhà sản xuất Việt Nam có điều kiện hạ giá bán đi. Ví dụ, trước đây bán 1 cái sơ mi với giá 10 USD vào Mỹ, trong đó có 1 USD là tiền thuế. Nay với TPP, nhà sản xuất Việt Nam được miễn khoản 1 USD này, nên có thể để mức giá mới là 9,2 USD (không dại gì để giá còn 9 USD). Người mua ở Mỹ trước đây phải mua với giá 10 USD, nay thấy phía Việt Nam hạ giá xuống chỉ còn 9,2 USD nên thay vì mua 1 cái áo như trước đây thì nay mua luôn 1,1 cái áo từ phía Việt Nam (vì thấy rẻ quá!). Thế là cả 2 đều win cả, chỉ có ngân sách của Mỹ là thiệt.
Do Việt Nam vừa bán được nhiều hơn, lại bán được với giá cao hơn thì có nghĩa là xuất khẩu áo của Việt Nam phải tăng lên cả lượng lẫn giá trị gia tăng, nên không thể ấm ớ như đồng chí Nhàn đàm rằng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ không tăng lên được. Chưa hết, Việt Nam bán được nhiều hơn với giá cao hơn nên càng ham, càng có điều kiện để giảm giá thêm nữa (nhờ kinh tế quy mô) nên xuất khẩu cứ thế mà tăng lên (tất nhiên cũng có giới hạn).

Đồng chí Nhàn đàm viết: Trên thực tế, việc tăng lợi nhuận cũng không đồng nghĩa với việc giúp tăng cường sản lượng xuất khẩu. Các doanh nghiệp sau khi thuế nhập khẩu chuyển về 0% cũng sẽ không thể hạ bớt giá thành sản phẩm để tăng số lượng xuất khẩu để tận dụng mức thuế suất 0%, khi mà các điều luật chống bán phá giá vẫn còn nguyên tác dụng. 

Tớ phang lại: Có luật chống phá giá không có nghĩa là Việt Nam không thể, không được phép hạ giá bán, vì chí ít như nói ở trên, giá thành có thể hạ nhờ kinh tế quy mô, và nếu chứng minh được điều này thì Mỹ cũng phải bó tay. Trên hết, như nói ở trên, doanh nghiệp Việt Nam thậm chí không cần phải hạ giá bán (giá net trừ thuế nhập khẩu) nên họ cũng chẳng cần phải (bị áp lực) hạ giá thành mà vẫn thu lợi nhuận cao hơn, số lượng nhiều hơn.

Đồng chí Nhàn đàm viết: Về lý thuyết, việc tăng cường lợi nhuận sẽ chỉ giúp tăng sản lượng xuất khẩu về lâu dài, khi mà các doanh nghiệp sẽ có thể đầu tư nhiều hơn vào quy trình sản xuất để nâng chất lượng sản phẩm đồng thời hạ giá thành giúp hàng hóa xuất khẩu cạnh tranh tốt hơn, qua đó nâng cao số lượng xuất khẩu vào thị trường bên ngoài.
Còn trong ngắn hạn, thậm chí các hiệp định thương mại còn có thể khiến cho sản lượng xuất khẩu giảm đi đáng kể. Vì song song với lộ trình giảm dần thuế xuất nhập khẩu về 0%, các quốc gia cũng đồng thời tăng cường dựng lên các rào cản kỹ thuật và thương mại để xiết chặt hơn hàng hóa nhập khẩu về các vấn đề như chất lượng hay giá cả. 

Tớ phang lại: Đúng là có thể có nhiều hàng rào kỹ thuật hơn, nhưng phải có điều kiện, phải hợp lý, tuân thủ những cam kết trong TPP, chứ không phải cứ muốn dựng là dựng và sẽ phát huy tác dụng. TPP cũng rất chú trọng phòng ngừa khả năng lạm dụng này nên bởi vậy mà các doanh nghiệp dệt may của Mỹ mới lo sốt vó về hàng Việt Nam. Nếu cứ như đồng chí Nhàn đàm nói thì họ chẳng việc gì phải lo ngại cả khi lúc nào cũng lăm lăm hàng rào kỹ thuật.

Đồng chí Nhàn đàm viết: Điều đáng chú ý là các quy định của TPP và các FTA hầu hết đều không giúp Việt Nam loại bỏ khả năng bị kiện về các vấn đề quen thuộc mà Mỹ, Canada hay EU vẫn sử dụng như bán phá giá, hay hàng hóa vi phạm quy định về chất lượng. Vì hầu hết các điều luật về chống bán phá giá và việc dựng lên các rào cản kỹ thuật đều không hề giảm bớt chút nào trong các quy định của TPP và các FTA.  

Tớ phang lại: Đúng là TPP không giúp Việt Nam loại bỏ khả năng bị kiện, nhưng lưu ý là “không hề giảm bớt” như đồng chí nói không đồng nghĩa với “tăng cường dựng lên” các hàng rào kỹ thuật như đồng chí nói ở đoạn trên nhé. Nói cách khác, nếu Việt Nam vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện tại vào Mỹ thì trong TPP, hàng của Việt Nam vẫn tiếp tục xâm nhập (thêm) vào Mỹ nếu chất lượng không thay đổi (xấu đi). Điều này chỉ không xảy ra nếu Mỹ dựng lên thêm hàng rào, nhưng cũng như đồng chí chỉ nói là “không hề giảm bớt đi” (có nghĩa là giữ nguyên), và cũng như tớ nói là không phải muốn dựng là dựng, thì giả thiết này (Việt Nam không thể tăng xuất khẩu vào Mỹ) cũng không thành sự thật.

Đồng chí Nhàn đàm viết: Vì thế, lợi ích về tăng cường xuất khẩu mà TPP và các FTA đem lại cho Việt Nam chỉ đúng khi chúng ta nâng cao khả năng cạnh tranh bằng cách nâng chất lượng hàng hóa và giảm giá thành sản phẩm, để có thể tận dụng tốt các quy định về thúc đẩy và kích thích thương mại mà các hiệp định thương mại này đem lại. 

Tớ phang lại: Ấm a ấm ớ! Nếu TPP chỉ có tác dụng lên xuất/nhập khẩu thông qua các quy định thúc đẩy và kích thích thương mại thì việc gì các bên phải ngồi bàn với nhau cả 5 năm về chuyện cắt giảm thuế?

Đồng chí Nhàn đàm viết: Còn nếu vẫn giữ nguyên tình trạng chất lượng và giá cả hiện tại, không những xuất khẩu không tăng mà còn giảm đi. Đã có những dấu hiệu dự báo trước cho nguy cơ này, với việc hàng loạt lĩnh vực xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam đang giảm dần về số lượng trong vài năm trở lại đây do các rào cản thương mại ngày càng tăng lên, trong khi chất lượng và giá cả hàng xuất khẩu của Việt Nam không được cải thiện.

Tớ phang lại: Đồng chí không đưa ra ví dụ nên chỉ là nói mò. Hàng Việt Nam bị trả về phần lớn là do vi phạm những tiêu chuẩn hiện hành, tức là vi phạm cái giả thiết của đồng chí rằng “nếu vẫn giữ nguyên tình trạng chất lượng và giá cả hiện tại”. Hàng rào nào là mới được dựng lên? Liệu nó chỉ có áp dụng với riêng Việt Nam?

Đồng chí Nhàn đàm viết: Ví dụ như nhóm ngành nông lâm thủy sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành này trong năm 2015 khoảng 20,6 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước, gây hụt thu khoảng 4,65 tỷ USD. Điều này cũng được dự báo cho cả những lĩnh vực xuất khẩu quan trọng như dệt may, khi các quy định về xác định xuất xứ từ sợi trở đi cũng đang đe dọa sản lượng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam với hơn 60% lượng sợi và nguyên liệu ngành dệt hiện nay là nhập từ Trung Quốc.

Tớ phang lại: Lại ấm ớ, ngụy biện rồi! Xuất khẩu thủy sản Việt Nam giảm năm qua, như lời của VASEP là do có những nguyên nhân như tỷ giá VND bị neo cao, cạnh tranh của các nước khác với giá rẻ hơn (do phá giá bản tệ), chứ có thấy nói gì đến sự xuất hiện các hàng rào kỹ thuật mới đâu? Có chăng, như tớ nói ở trên, là có một phần hàng bị trả về, đơn giản vì nhồi tạp chất vào tôm, tồn dư kháng sinh lớn, mạ băng quá nhiều v.v… vi phạm trắng trợn những tiêu chuẩn hiện tại của nước sở tại (áp dụng cho mọi nước xuất khẩu).

Đồng chí Nhàn đàm viết: Nói cách khác, tác dụng thúc đẩy tăng cường trao đổi thương mại của các hiệp định thương mại như TPP và các FTA chủ yếu là những tác động mang tính gián tiếp, thông qua việc khuyến khích các quốc gia tăng cường đầu tư để giảm giá thành và tăng chất lượng sản phẩm, chứ không phải là những tác động trực tiếp theo kiểu cứ gia nhập hiệp định là sản lượng xuất khẩu tức khắc sẽ tăng lên mà không cần đầu tư và đổi mới. 
Các hiệp định thương mại, vì thế đang gần như là một con dao hai lưỡi đối với lĩnh vực xuất khẩu, nếu biết cách cầm nó sẽ đem lại những lợi ích lớn, nhưng nếu không biết cách nó có thể đem lại những hệ quả khôn lường.

Tớ phan lại: Đồng chí quả thật là nguy hiểm. Tớ chỉ khuyên, mong là đồng chí đọc xong phần phang của tớ bên trên thì shut up lại cho bầu không khí chung nó trong sạch, như tớ khuyên các đồng chí khác trước đây.

Đồng chí này liều mình phang tớ!

Hôm trước ngồi điểm báo tớ phát hiện ra có đồng chí với bút danh là Nhàn đàm, viết bài phang tớ ở đây.
http://motthegioi.vn/kinh-te/dau-tu-kinh-doanh/bon-hieu-lam-co-ban-ve-viec-thai-lan-thau-tom-cac-doanh-nghiep-viet-nam-288441.html

Tuy không trực tiếp nêu tên tớ nhưng nội dung là phang một bài viết của tớ đúng vào kỳ này năm trước trên CafeF, có nhan đề: Người Thái thâu tóm thương hiệu Việt – Cần được nhìn nhận cởi mở hơn!”. Tớ thấy đồng chí này vẫn còn rất non nớt trong việc phang thiên hạ nhưng có lẽ tự mình không biết vậy, nên tớ muốn vạch ra điều này cho đồng chí Nhàn đàm này thấy để lần sau có nhàn đàm ở đâu thì nhàn đàm nhưng nhớ chừa tớ ra.
1.       Đồng chí Nhàn đàm phang quan điểm 1 của tớ rằng: Việc các tập đoàn Thái Lan mua bán và sáp nhập các thương hiệu Việt Nam là chuyện bình thường” như sau:

Đúng là việc mua bán và sáp nhập các thương hiệu là chuyện bình thường và luôn diễn ra tại bất cứ nền kinh tế nào trên thế giới, kể cả ở Việt Nam khi mà các quy định trong các hiệp định thương mại lớn như TPP hay các FTA mà Việt Nam vừa ký kết đang tạo thuận lợi cho quá trình đó diễn ra. Nhưng nó không có nghĩa là mọi vụ mua bán và sáp nhập thương hiệu nào cũng đều được coi là điều bình thường. Việc các tập đoàn Thái Lan ồ ạt xâm nhập thị trường Việt Nam và tiến hành hàng loạt các thương vụ M&A lớn trên nhiều lĩnh vực hiện nay đã vượt quá quy mô thường thấy của các vụ M&A thông thường.
Thông thường, các thương vụ M&A luôn luôn diễn ra ở khắp mọi lĩnh vực, nhưng hiếm khi nào nó lại diễn ra đồng loạt và trên nhiều lĩnh vực như điều các tập đoàn Thái Lan đang làm ở Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, nó có thể gây ra những hậu quả lớn cho nền kinh tế Việt Nam và vượt ra ngoài những tác động của các thương vụ M&A đơn thuần vốn ít tác động tới nền kinh tế của nước sở tại. Đó là việc hàng loạt các lĩnh vực trong nền kinh tế sẽ bị các ông chủ nước ngoài chi phối do đã nắm được phần lớn các doanh nghiệp lớn đầu ngành trong các lĩnh vực này. Đặc biệt là việc thâu tóm được một phần lớn hệ thống phân phối và bán lẻ gần đây với các thương vụ như Nguyễn Kim, Metro và sắp tới có thể là cả BigC, thì khả năng tác động sẽ còn lan rộng hơn nữa.

Tớ phang lại: Nói “quy mô thường thấy” là quy mô nào vậy, ở đâu? Đồng chí có biết rằng trên thế giới không hiếm những vụ M&A lên đến hàng tỷ, hàng chục tỷ USD không? Trung Quốc chẳng vừa mới mua lại một công ty dược gì gì đó hình như là của Thụy Sỹ gì gì đó lên tới hình như là hơn 40 tỷ USD gì gì đó sao? Không nhẽ Thụy Sỹ không lo sợ Trung Quốc chi phối ngành dược của họ à?

Nói “diễn ra đồng loạt và trên nhiều lĩnh vực” như ở Việt Nam cụ thể là có bao nhiêu bị thâu tóm, bao nhiêu doanh nghiệp Thái Lan đi thâu tóm?

Nếu lo sợ “hàng loạt các lĩnh vực trong nền kinh tế sẽ bị các ông chủ nước ngoài chi phối” thì tốt nhất đóng cửa kín lại như Bắc Hàn đó, chẳng ngành nào bị doanh nghiệp nước ngoài chi phối sất, (nhưng vẫn cứ buộc phải mở he hé cửa, ít nhất là với Hàn Quốc và Trung Quốc chứ không thì cứ giữ lấy khư khư mấy cái rá thủng, theo kiểu “giấy rách giữ lấy lề” cho nó có tinh thần dân tộc nhé).

Thâu tóm hệ thống phân phối và bán lẻ quả là có đáng sợ, nhưng là cái giá phải chấp nhận vì Việt Nam đã cam kết mở cửa cho nước ngoài nhảy vào, và ngược lại, Việt Nam cũng nhảy sang các nước khác thâu tóm, thôn tính, bành trướng ở những lĩnh vực khác. Nếu Thái không thôn tính thì rồi cũng sẽ bị các nước khác thôn tính, nếu thôn tính được! Khác gì?

2.       Đồng chí Nhàn đàm phang quan điểm 2 của tớ rằng: Hiệu quả các vụ M&A của Thái Lan tại Việt Nam vẫn chưa chắc chắn và là một dấu hỏi” như sau:
Đúng là mức độ hiệu quả của các thương vụ M&A mà các tập đoàn Thái Lan vừa tiến hành tại Việt Nam là chưa chắc chắn về mức độ sinh lời, khi người Thái sẽ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ đến từ bên ngoài và cả các doanh nghiệp nội địa trong cùng ngành, chẳng hạn như ngành bán lẻ. Nhưng việc mua bán và sáp nhập các thương hiệu này cho phép người Thái nắm giữ những lợi thế lớn và khả năng sinh lời cao hơn mức nhiều người dự đoán.
Trên thực tế các doanh nghiệp nội địa mà Thái Lan thâu tóm đều là các doanh nghiệp thuộc diện lớn nhất trong lĩnh vực đó tại thị trường trong nước, chẳng hạn như hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim, nhựa Tiền Phong và Bình Minh, Prime Group. Các doanh nghiệp này đã có sẵn một hệ thống sản xuất, phân phối sản phẩm và phân khúc thị trường lớn được xây dựng trong nhiều năm qua, và giờ đây các tập đoàn Thái Lan có thể thừa hưởng chúng sau khi đã mua lại các thương hiệu này. Điều này tạo ra cho người Thái một lợi thế so với các tên tuổi lớn khác của quốc tế giờ đây mới bắt đầu đổ bộ vào thị trường Việt Nam và xây dựng mọi thứ từ con số 0. Dĩ nhiên, lợi thế này không đảm bảo 100% khả năng thành công cho người Thái, nhưng lợi thế thì vẫn là lợi thế, đặc biệt là khi đó là lợi thế lớn.

Tớ phang lại: Đúng là người Thái có thể có một lợi thế khi mua lại những siêu thị này (đương nhiên chỉ khi nào tính ra có lợi thì mới mua chứ?). Nhưng đó chỉ là tính toán trên lý thuyết. Ví dụ đơn giản nhất là lẽ ra giá của nó chỉ có 10 đồng, nhưng vì “máu” quá nên anh trả cho chủ nhân của nó 12 đồng để đánh bại những đối thủ khác, kiểu đấu giá một bức tranh làm từ thiện. Mua giá cao rồi thì có không ít ví dụ về lao đao, phá sản sau khi mua về. Cần ví dụ ư? Sahavirya Steel Industries (cũng là của Thái đấy nhé) phóng tay mua Teesside ở Anh để rồi bị chính doanh nghiệp này kéo chìm xuống trong đống nợ nần đến nỗi phải cùng nhau chủ nợ ra tòa án phá sản để cơ cấu lại các khoản nợ vì tiền vung ra là tiền đi vay ngân hàng trả mãi không hết trong lúc ngành thép đang lao dốc như hiện nay. Vậy thì điều gì ngăn cản khả năng này không xảy ra với các doanh nghiệp bị Thái mua lại các siêu thị ở Việt Nam?

3.       Đồng chí Nhàn đàm phang quan điểm 3 của tớ rằng: Các thương hiệu sau khi bị thâu tóm vẫn không có gì thay đổi, trừ chủ sở hữunhư sau:

Đúng là sau khi các thương hiệu nội địa này bị thâu tóm, thì các doanh nghiệp này vẫn hoạt động ở trong nước, vẫn sử dụng người lao động trong nước, vẫn sẽ nộp thuế cho nhà nước dựa trên doanh thu và thậm chí là vẫn giữ nguyên tên thương hiệu. Đúng là người Thái sẽ không thể “bê” các doanh nghiệp này về nước nhưng chắc chắn là họ sẽ “bê” nhiều thứ về nước sau khi thâu tóm được các thương hiệu này. Điển hình là lợi nhuận. Nếu các thương hiệu này vẫn do các doanh nghiệp nội địa làm chủ thì lợi nhuận vẫn ở lại Việt Nam và có thể được tái đầu tư phần lớn trong số đó. Nhưng khi các thương hiệu này đã nằm trong tay các ông chủ nước ngoài thì dĩ nhiên phần lớn lợi nhuận sẽ được các ông chủ này chuyển về nước. Có thể trong giai đoạn đầu, phần lớn lợi nhuận sẽ được các ông chủ ngoại này tái đầu tư vào nhà xưởng, thiết bị, hệ thống phân phối, để mở rộng thị trường; nhưng về lâu dài và mọi thứ đã đi vào ổn định thì chả có gì ngăn cản lợi nhuận sẽ được chuyển ra nước ngoài giống như các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đang làm trong thời gian qua.
Điều này trên thực tế đang gây ra những hệ quả lớn đối với cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Đó là hiện tượng FDI hóa các doanh nghiệp nội địa. Như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là quá phụ thuộc vào các DN FDI và sự thiếu kết nối giữa các DN trong nước với các DN FDI, nhưng khi mà mọi thứ còn chưa được cải thiện thì khá nhiều doanh nghiệp nội địa lớn lại đang gần như chuyển thành các DN FDI thực sự thông qua các vụ mua bán và sáp nhập thương hiệu. Về lâu dài nó có thể dẫn đến sự đảo lộn lớn trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, khi quy mô của khối FDI ngày càng tăng và chênh lệch lớn so với khối DN nội địa.
Tớ phang lại: Xem lại điểm 1. Nói thêm: (1) lợi nhuận là không chắc chắn sẽ tương xứng với vốn bỏ ra mua lại; (2) nếu có tương xứng hoặc cao hơn thì cũng là bình thường, giống như mọi doanh nghiệp FDI khác khi đã chấp nhận dấn thân (venture) ở nước ngoài thì sẽ (phải) được tưởng thưởng xứng đáng với sự dấn thân (liều mình) đó; (3) sự thâu tóm này hoàn toàn có thể là win-win, khi mà người Thái thì thu lợi nhuận từ hoạt động của các siêu thị này (nhưng phải nộp thuế thu nhập cho Việt Nam), còn những ông chủ cũ Việt Nam thì nhờ có tiền bán các siêu thị này (vốn hoạt động không mấy hiệu quả, ít lãi) mà đầu tư vào các lĩnh vực khác ra lãi nhiều hơn, rốt cuộc tạo ra tổng giá trị gia tăng cho Việt Nam còn lớn hơn cả khi chưa “bán mình”. Lập luận như đồng chí Nhàn đàm này thì có khác gì là Việt Nam nên giữ lại các DNNN đang ngắc ngoải chứ đừng bao giờ cổ phần hóa (bán mình) cho nhà đầu tư nước ngoài vì sẽ bị chi phối hết!

4.       Đồng chí Nhàn đàm phang quan điểm 4 của tớ rằng: “Các vụ thâu tóm này sẽ không dẫn đến nguy cơ hàng Thái Lan lấn lướt hàng hóa Việt Nam” như sau:
Đúng là khi các thương hiệu này thuộc quyền sở hữu của các ông chủ Thái Lan, thì hàng hóa sản xuất ra vẫn sẽ là “made in Vietnam” chứ không phải là “made in Thailand”, và nó chẳng liên quan gì đến việc hàng hóa Thái Lan vào thị trường Việt Nam bằng con đường nhập khẩu và lấn lướt hàng hóa Việt Nam cả. Thậm chí, hàng hóa sản xuất tại các thương hiệu do các ông chủ người Thái làm chủ này còn phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam từ chính Thái Lan nữa là khác. Nhưng, khi mà người Thái nắm giữ một phần lớn hệ thống bán lẻ tại thị trường Việt Nam thì mọi thứ lại hoàn toàn khác.
Với việc nắm giữ một phần lớn hệ thống bán lẻ tại Việt Nam như Nguyễn Kim, Metro và có thể sắp tới là cả BigC thì việc hàng hóa Thái Lan lấn lướt hàng hóa Việt ngay tại thị trường Việt Nam là chuyện gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Người đại diện của BJC Thái Lan khi đàm phán mua lại hệ thống siêu thị Metro đã tuyên bố, nếu thương vụ thành công thì hàng hóa Thái Lan được bày bán sẽ chiếm 60%. Trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam vẫn chiếm 80-90% lượng hàng hóa ở các siêu thị, thì điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam sẽ bị hàng Thái Lan đẩy bật ra khỏi hệ thống bán lẻ, và nó cũng chẳng khác gì việc hàng hóa Thái lấn lướt hàng hóa Việt là bao. Dĩ nhiên, điều này xuất phát chủ yếu từ vấn đề lợi nhuận trong kinh doanh, khi mà hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan có chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh hơn so với hàng hóa sản xuất tại thị trường trong nước của Việt Nam, và sẽ đem lại lợi nhuận lớn hơn cho các hệ thống bán lẻ.
Tớ phang lại: Nếu hàng Việt tồi và đắt như vậy thì hãy để những nhà sản xuất của nó đóng cửa hoặc buộc phải cải thiện sức cạnh tranh, chứ không nên giữ khư khư những siêu thị này chỉ để mục đích là buộc người tiêu dùng phải mua những thứ hàng tệ hại đó. Mà nếu quả thật là hàng Việt kém cỏi, hàng Thái ưu việt như vậy, có lợi nhuận cao như vậy thì điều gì ngăn cản các ông chủ cũ người Việt không chuyển sang bán hàng Thái? Đừng có giả nhời tớ rằng là vì hoặc là họ ngu dại, không biết tính toán bán cái gì có lợi nhất, hoặc họ rất yêu nước, rất yêu hàng Việt, rất yêu những ông chủ nhà máy (cả người Việt và người nước ngoài) ở Việt Nam nhé! Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam đâu có ngu ngốc gì mà cứ lao vào mấy cái siêu thị đó (giả sử vẫn thuộc về ông chủ Việt Nam và vẫn chủ yếu bán hàng Việt Nam) để mua mấy thứ đồ thứ cấp “made in Vietmam” với giá trên trời đó?

Vẫn chưa đủ à? Vậy thì hàng Trung Quốc đâu có cần hệ thống siêu thị chính thống để xâm nhập từng ngõ ngách, từng nhà ở Việt Nam đâu? Rồi Aeon của Nhật đó, nhưng bán hàng thương hiệu Nhật (và made in Nhật) thì ít mà bán hàng thương hiệu Tầu (và made in Tầu) thì nhiều, đâu có thấy ai phản đối?

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).